Phố cổ Trung Điện
Gần trưa, chúng tôi bắt đầu xuống phố, đi dọc lên dốc đường bên phải. Gọi là thành phố nhưng Trung Điện thực chất chỉ là một trấn nhỏ đang phát triển, còn chưa quá đông người. Nền công nghiệp không khói đang thay đổi mạnh mẽ bộ mặt kiến trúc nơi đây. Khắp mặt tiền các đường phố trải nhựa thông thoáng, hàng loạt khách sạn, nhà hàng, cửa hiệu đã và đang mọc lên. Để thu hút du khách, người ta cố gắng đưa vào kiến trúc xây dựng những gì có thể gợi nhắc đến văn hóa Tạng, từ những họa tiết sặc sỡ đến những viên gạch nâu thô đắp tường, từ hình dạng thang cân của các tòa nhà đến những cột đèn đường với đường nét hoa văn cách điệu, ngay cả mái vòm của trạm chờ xe buýt cũng được thiết kế giống như một cổng vào nhà người Tạng vậy.
Thế nhưng cuộc sống người dân bản địa không vì thế mà bị hòa tan vào dòng chảy của du lịch, của những tiếp xúc văn hóa diễn ra đã nhiều năm nay. Vẫn dễ dàng để bắt gặp hình ảnh những em bé má đỏ au chơi đùa trước cổng nhà bằng gỗ, với phần mái và đầu hồi chạm khắc và trang trí vô cùng tinh xảo, đầy màu sắc; những căn nhà với bờ tường bao đắp đất được phủ cỏ bên trên. Những miếu thờ hình tháp vẫn ngạo nghễ nơi góc đường hay trên những mô đất cao. Có lẽ, niềm tin tôn giáo chính là sợi dây vững chắc nhất neo giữ người Tạng với bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Tiết trời ở Trung Điện rất lạnh, dù nắng vẫn gay gắt. So với Côn Minh, rõ ràng sự chênh lệch nhiệt độ là đáng kể. Chúng tôi đã khoác thêm áo ấm mà vẫn phải xuýt xoa mỗi khi một cơn gió lùa qua. Đã được cảnh báo về hội chứng độ cao, tôi dặn dò Trang phải “đi chậm, nói khẽ, cười mỉm chi” để tránh mất sức; nhưng quả thật cả hai đứa đều phải chịu trận với không khí loãng nơi này, đi rất thong dong mà vẫn cứ phì phò.
Loanh quanh một lúc thế nào chúng tôi lại tiếp cận với khu phố cổ từ một lối vào bên hông. Trước chuyến đi chỉ biết đến Lệ Giang, nên tôi cảm thấy khá thú vị khi đặt chân đến khu phố này. Đường làng lát đá, nhấp nhô lên xuống do địa hình đồi dốc, nhà cửa cũng theo thế mà nhấp nhô. Nhà hoặc có tầng hoặc không, hoặc bằng gỗ hoặc đắp đất, trong sân nhà thể nào cũng có một loại cây ăn quả nào đó, mà phổ biến nhất là táo đang mùa rụng lá, trơ ra những cành đeo đầy quả. Góc sưởi nắng của mỗi nhà là bất cứ nơi đâu có nắng và có thể ngồi được, ngoài hàng hiên, trên bao lơn hoặc ngay chính những bậc thềm gỗ dẫn lên nhà. Nhịp sống nơi đây có vẻ chậm rãi, ai có việc cứ làm, người rỗi rãi thì đánh cờ hoặc đem đồ ra chỗ nắng mà khâu vá, đan móc. Đến mấy chú chó nuôi cũng mang dáng vẻ thảnh thơi, toàn nằm ườn trước sân mà sưởi ấm. Có điều mà mãi đến lúc này chúng tôi mới nhận thấy, là ở các tỉnh miền cao như thế này, người ta rất ưa nuôi những giống chó to sụ có bộ lông dày xồm để chống chọi với khí hậu lạnh lẽo thường trực trong ngày.
Mặt trời đã đứng bóng, những lá bùa nhiều màu sắc giăng trên quảng trường nhỏ đang phất phơ trong gió. Tại đây, cứ mỗi khi màn đêm buông xuống, người ta lại nhóm lên một đống lửa to để cùng nhau ca hát, nhảy múa thành một vòng tròn. Rất nhiều du khách cũng đến để tham gia vũ điệu cùng người dân địa phương, những ánh lửa bập bùng soi trong bóng mắt rạng rỡ. Những người sinh sống ở đây nói với chúng tôi rằng đây, chứ không phải những show diễn trong các nhà hàng, mới chính là những gì mà tổ tiên họ vẫn thực hiện từ bao đời nay để gắn kết tình làng nghĩa xóm sau những giờ làm lụng ngoài đồng áng.
Lấy quảng trường làm trung tâm, bao quanh đó là rất nhiều các nhà nghỉ, nhà hàng, cửa hiệu bán đồ lưu niệm. Hầu hết các biển hiệu đều ghi rằng “Tibetan guesthouse” “traditional meal”…hay đại loại như thế. Trên quảng trường, khói tỏa la đà từ những chảo khoai chiên và những lò than nướng. Chúng tôi thích thú vào nếm thử món ăn chơi này, mỗi thứ một tí, nào nấm, hành, thịt heo, thịt bò, lạp xưởng, bí, dưa, cà tím. Tôi vốn dễ ăn nên thấy khá ngon, Trang thì không thích mấy mùi vị của thứ nước sốt được quệt lên các xâu đồ nướng. Nhìn tôi nhai rau ráu mấy cọng hành, Trang chỉ lắc đầu le lưỡi. Nhưng mà đúng là hành nướng chả hăng tí nào cả!
Đường vào phố cổ
Một góc sưởi nắng, có thể là chiếc ghế gỗ trước hiên...
...hay ban công nhỏ với bộ bàn ghế nhỏ
Đánh cờ trong nắng
Thêu thùa trong nắng
Đi về trong nắng