What's new

Lệ Giang...hồi đó

Tôi thuật lại ở đây chuyến đi Lệ Giang của mình độ cuối năm 2007, chuyến du lịch tự túc ra nước ngoài hoành tráng nhất của chúng tôi tính đến thời điểm đó. Hoành tráng về kinh phí, về độ dài ngày của chuyến đi, về quãng đường đã đi qua và cả hoành tráng về...độ liều nữa!

Chuyến đi đã lâu, địa điểm đã trở thành "cũ" trong diễn đàn nên cũng không có ý định cung cấp thông tin hướng dẫn cho các bạn có ý định tìm hiểu cung đường này.

Chỉ đơn giản, đối với tôi, để phủi bụi cho "hồi ức" của mình về chuyến đi ấy, khi mà bạn đồng hành nay đã không còn chung bước. Dẫu sao, ký ức vẫn còn sống mãi...
 
Đi Đức Khâm

Ngày 2/12/2007

Dậy lúc 8h vẫn là tương đối sớm. Sau khi vệ sinh cá nhân trong cái rét đáng ngại này, chúng tôi dùng điểm tâm với sữa nóng và trứng luộc chấm muối, thêm mấy trái táo trong vườn nhà cầm đi đường.

9h xuất phát. Trời đã có phần ấm hơn một tẹo. Nhìn bác tài đeo găng tay cầm vô lăng, tôi đoán được phần nào điều gì đang chờ đón. Lạnh, hẳn thế!

Xe chuyển bánh, chầm chậm để lại nhà nghỉ Kevin, đường phố Trung Điện và cả tu viện Songzanlin sau những lần bẻ lái. Cho đến khi dừng nhanh tại một hồ nước lớn như tấm gương to, soi rõ bóng của những lớp núi viền quanh. Từ đó, chúng tôi thực sự ra khỏi phạm vi Trung Điện và bắt đầu một ngày dài của những khúc cua zíc zắc liên tục, hướng đến Đức Khâm.

Xe tăng tốc dần, hết cua trái thì cua phải, như quy luật cân bằng âm dương vậy, chúng tôi ở trong xe cũng nghiêng ngả theo trò cảm giác mạnh dài hơi này. Mãi rồi thành quen, cứ đoạn nào xe chạy thẳng lâu lâu một tí lại cảm thấy hơi là lạ :) Trang say xe ngật ngưỡng, phải vò vỏ quýt tươi để ngửi lấy tinh dầu cay hăng, nhằm che bớt hơi nồng của xe. Màu xám khô của bình nguyên Trung Điện dần được thay thế bởi liên tiếp những quả núi phủ kín thông, thế nhưng đây đó vẫn bắt gặp vài vạt rừng nham nhở, lại có hẳn một quả đồi trọc trơ đầy gốc đã đốn sát, trông thấy mà xót xa!

Xe chúng tôi đi giữa một bên là vách đá, bên kia là thung sâu lọt giữa dãy núi thông ấy. Gần một nửa thời gian trong ngày, bóng núi che mát những xóm nhỏ trên thung. Đồng ruộng đang nghỉ ngơi sau mùa gặt, khoác lên mình tấm áo nâu sờn pha đỏ lợt. Đi thêm một quãng xa, chúng tôi bắt đầu trông thấy dấu hiệu của tuyết. Đó là một vạt rừng thưa trên sườn núi với nhiều mảng tuyết lốm đốm. Màu tuyết không ngự trị hoàn toàn mà xen kẽ loang lổ với màu đất làm cho người ta có cảm giác như tuyết đang bắt đầu tan sau mùa băng giá, mặc dù thời điểm này chỉ mới chớm đông. Đó cũng là lần duy nhất chúng tôi gặp tuyết trên nửa chặng đầu của quãng đường trong ngày. Nắng đã lên cao, đường còn dài. Phải đi rất lâu mới lại thấy những cụm nhà đơn sơ dưới hàng cây. Bên vệ đường, thấp thoáng mấy miếu thờ cắm đầy cành khô. Những dây kinh phan ngũ sắc, chất vải đã tưa vì thời gian, vẫn reo phần phật trong gió. Sau khi vượt qua Mục Long Kiều lững lờ dòng nước xanh như ngọc bích, vốn là ranh giới giữa hai huyện Shangri La và Đức Khâm, xe dừng nghỉ tại Benzilan ở cây số 1968. Lúc này đã hơn 1h trưa.

Vài bức ảnh về hồ nước lớn trên đường đi Đức Khâm

DSCF1819.jpg


DSCF1820.jpg


DSCF1821.jpg

Khói mây lảng bảng

DSCF1824.jpg

Cảnh vật trên đường những ngày đầu đông

DSCF1832.jpg

Những vạt thông trơ gốc...

DSCF1835.jpg

Những dấu hiệu đầu tiên của tuyết

DSCF1851.jpg

Làng ở trong thung
 
Last edited:
Benzilan

Benzilan là một trấn nhỏ, cư dân tập trung chủ yếu dọc theo khúc quanh của dòng Jin Sha đang chảy xuôi về Đông giữa chập chùng đồi núi. Đứng ở một vị trí tốt, có thể nhìn xuống khúc sông như dải lụa bạc đang lượn một đường cong mềm mại ôm lấy doi đất thấp thoai thoải bên kia bờ với những căn nhà mái nâu tường trắng rải rác như quân cờ. Bên này sông, những ruộng rau vuông vắn nằm im lìm dưới nắng trưa. Nơi mới cày ải, chỗ đã nảy mầm, nơi vừa lên luống, chỗ đã xanh rau. Con đường làng len qua những nóc nhà mái nhọn, mái bằng, nối liền bờ ruộng với những hàng cây xào xạc đang ngả sắc vàng, sắc đỏ. Đây đó, khói bếp bốc lên lơ lửng. Tuy cảnh sắc không phải là “thiên hạ đệ nhất”, nhưng bức tranh thôn quê chốn yên bình này hẳn cũng đủ làm vấn vương lòng người lữ khách trong chặng dừng chân.

Trên đường cái số 214, tuyến đường huyết mạch mà đoàn làm phim “Mê Kông Ký Sự” đã dựa vào để tìm về nguồn chảy của dòng sông, chúng tôi ghé vào một trong số khá nhiều những nhà nghỉ và hàng ăn của trấn. Có lẽ là khách quen, bác tài tranh thủ rửa xe trong lúc chờ bữa trưa.

Hơn một cây số mặt đường này có thể được xem như trung tâm thương mại của cả trấn với nhà cửa và hàng quán san sát, hoạt động buôn bán diễn ra tương đối tấp nập. Tôi chọn món ăn, chủ yếu là dùng tay chỉ trỏ, cũng tranh thủ ghi nhớ thêm mấy từ mới để sử dụng sau này. Trang vẫn còn khá mệt nên chỉ ăn vài gắp rồi đi loanh quanh, hy vọng khí trời mát lạnh giúp bớt nhức đầu. Tôi và bác tài tranh thủ ăn lấy sức. Ở đây, ớt phơi khô đỏ thẫm được dùng như một món rau để xào lẫn với thịt thà các loại, vị cay chỉ vừa phải, không thấm tháp vào đâu so với giống ớt chỉ thiên nơi quê nhà. Trà nóng châm miễn phí, quýt địa phương vừa khô lại hơi đắng.

Trên tường, bức chân dung Chủ tịch Mao đang cười mỉm với tấm hình của Đức Đạt Lai Lạt Ma, có phần lặng lẽ. Ngoài kia, có người mẹ trẻ má đỏ đội con đi ngang.

DSCF1870.jpg

Cột cây số đánh dấu vị trí của thị trấn trên tuyến đường 214


DSCF1869.jpg

Dãy phố trung tâm


DSCF1875.jpg

Tựa lưng vào núi


DSCF1867.jpg

Khúc quanh mềm mại của dòng Jin Sha


DSCF1868.jpg

Những căn nhà tường trắng, rải rác như quân cờ


DSCF1873.jpg

Con đường làng len qua những nóc nhà mái nhọn, mái bằng, nối liền bờ ruộng với những hàng cây xào xạc đang ngả sắc vàng, sắc đỏ.

DSCF1872.jpg

Khung cảnh làm nao lòng lữ khách
 
Đến Đức Khâm

Sau bữa trưa, xe chúng tôi tiếp tục lăn bánh.

Chắng mấy chốc, chúng tôi đã có thể ngoảnh lại ngắm nhìn Benzilan bé nhỏ như tiểu cảnh giữa mấy bề bóng núi. Sau này, mỗi khi lần giở lại những khung hình đã ghi ở đấy, tôi vẫn hình dung mình lúc đó đang cố gắng tưởng tượng cảm giác của những con người sinh sống nơi này; nhà nhỏ, đường hẹp, mở cửa bước chân ra ngoài đã thấy núi trên đầu; liệu có thấy choáng ngợp và e sợ trước cái hùng vĩ quá đỗi của thiên nhiên.

Cách Benzilan không xa về hướng Đức Khâm là khúc quanh Omega, nơi con sông vẫn ngày đêm miệt mài với tác phẩm điêu khắc thiên nhiên đầy ngẫu hứng. Không biết một ngày nào đó khi có dịp quay lại chốn này, người nghệ sĩ tài hoa ấy đã hoàn thành công trình của mình, hay đành gác lại vì sức cùng lực kiệt. Còn lúc này đây, dòng nước vẫn kiên nhẫn trôi bên dưới con đường trải nhựa men theo thế núi.

Càng lên cao, tuyết càng xuất hiện nhiều, có nơi dồn thành những đụn dài hai bên mép đường trong những hình thù kỳ lạ, có cảm tưởng như mặt đường ngập tuyết đêm hôm trước đã được ai đó dọn sạch sẽ bằng xe ủi. Lần dừng chân duy nhất tiếp theo trên đường là cung đèo Baima ngập tuyết. Lạnh và mệt vì đoạn đường dằn xóc và độ cao thay đổi, tôi chỉ chụp vội vài tấm hình lưu niệm. Bên cạnh đường vẫn còn dấu tích của một ngôi nhà, chỉ còn trơ lại khung cửa gỗ và một mảng tường đá xếp vuông vắn. Ngọn Meili hùng vĩ đã ở rất rõ trong tầm mắt. Đoạn đường mải miết tựa như không có điểm dừng, hết đổ dốc lại lên đèo, lưng người lúc nào cũng như dán sát vào thành ghế. Con đường cứ uốn lượn không ngừng theo nếp gấp nhàu nhĩ của dải núi, khiến đỉnh Meili lúc ẩn lúc hiện như trêu ngươi.

Cuối cùng cũng đã nhìn thấy thị trấn Đức Khâm. Từ xa nhìn lại, Đức Khâm như một mô hình đồ chơi với những hộp diêm nhỏ xếp lô xô, co mình bình lặng trong lòng thung lũng. Nhưng chúng tôi không dừng chân ở đấy mà tiếp tục đi thêm 10 cây số nữa để đến một khu phố nhỏ chỉ độ dăm chục nóc nhà, mà đa số là nhà trọ dành cho du khách. Điểm thu hút ở đây là một khoảng đất trống, tương đối rộng nằm sát mép vực, nơi được cho là lý tưởng nhất ở Đức Khâm để chiêm ngưỡng cảnh những tia nắng đầu tiên trong ngày rọi sáng đỉnh Meili. Nhà nghỉ mà chúng tôi được giới thiệu nằm đối diện khoảng đất ấy, chủ là một thanh niên cũng trạc tuổi Kevin, người Hán. Nhà được xây theo kiểu giật cấp với ban công ở mỗi lầu, phòng tương đối rộng, một phòng đôi có thể ở bốn người. Chăn điện không thể thiếu. Nước hơi yếu, nhưng với thời tiết ở đây chỉ nên vệ sinh qua loa, vì tắm phát là chết ngay. Rất lạnh.

Đêm xuống với cái lạnh choáng người. Bước ra khỏi cửa, tay đau buốt, mũi đông đặc, đầu nhức như bưng. Vội chui ngay vào nhà hàng nằm ở tầng trệt của nhà trọ. Nhà hàng nhỏ, ánh đèn vàng ấm áp, góc trong cùng là dịch vụ internet và in ấn. Có cả một sân khấu be bé với cái ghế xoay và cây đàn ghita để sẵn. Đang mùa vắng khách, chúng tôi chọn một bàn cạnh cửa sổ nhìn ra đường, mời cả bác tài xế cùng ăn. Gọi một cái lẩu bò yak, ăn kèm với nhiều loại rau, rất thích. Vị như món bò kho miền Nam, chỉ có điều hơi nhạt. Làm cốc trà nóng, ngồi sưởi ở sofa cạnh chậu than, nghêu ngao vài bài rồi đi nghỉ.

Ngủ chập chờn vì lạnh.
 
Ngày 3/12/2007

Hơn 5h30 sáng, chúng tôi đã lồm cồm bò dậy. Tự đấu tranh một lúc mới chịu khăn nón áo mũ chỉnh tề. Khi nhất loạt xông ra thì…mẹ ôi, nhìn sang khoảnh đất đắc địa đã thấy súng ống các loại giương nòng cả rồi. Rõ là con lính tính quan, “súng” đểu lại còn dậy muộn. Lúc bấy giờ, trời đã hơi tang tảng, nhưng mây nhiều, zoom ống kính về phía ngọn Meili chỉ thấy ánh trắng nhờ nhờ của lớp tuyết đang bao bọc quanh đỉnh, như một tảng đá vỡ chĩa mũi nhọn hoắt lên trời. Dưới thung lũng là một khoảng không gian mù mịt. Tiếng người rì rầm không dứt, những cây nhang ai vừa thắp nhả những sợi tơ mảnh tan nhanh vào gió. Ai cũng mang dáng vẻ hồi hộp ngóng đợi phút giây được thấy tia nắng đầu tiên trong ngày rọi sáng đỉnh núi huyền thoại. Trời đã tỏ hơn mà vẫn chưa thấy “kim quang” đâu… Thế rồi cũng đến…

DSCF1920.jpg


DSCF1919.jpg

…Thế rồi cũng đến… những cụm mây lẻ như báo hiệu ngày lên, mang cái màu của má hồng e thẹn. Đỉnh núi đang dưng bỗng ưng ửng, mây phớt qua một thoáng thoắt vàng rực như có ai đó tạm ngắt ngọn đi mà thay vào bằng một nén vàng. Những quầng mây lúc tụ lại khi tản ra như tấm khăn của nhà ảo thuật đang đùa giỡn với thị giác của khán giả, mà mỗi khi để lộ ra lại đem đến một trạng thái khác của màu sắc. Màu của ngày mới, màu của mặt trời, màu của hơi ấm và sự sống, của niềm tin ngàn đời không đổi về núi mẹ linh thiêng. Rồi cái ánh vàng lóa mắt ấy lan dần xuống sườn, lan sang cả những đỉnh núi láng giềng bên cạnh. Dãy núi điệu đà quấn một dải lụa mây ngang cổ, ngỡ như vươn tay đã có thể ngắt một búi mượt mà giúi vào ngực áo đem về. Du khách mãn nhãn, chạy lăng xăng, chụp ảnh lăng xăng. Chỉ có câu chuyện bên đống lửa rừng rực là vẫn thì thào trong nắng sớm. Đó là những bà con người Tạng dậy sớm bán nước và những bó lá khô cho các tài xế xuất hành trong ngày.

DSCF1932.jpg


DSCF1936.jpg


DSCF1942.jpg


DSCF1945.jpg


DSCF1943.jpg
 
Chúng tôi khởi hành về Lệ Giang khi trời đã sáng rõ. Ngọn Meili càng sắc nét hơn trên nền trời xanh trong vắt. Mây vẫn chưa tan, gió vẫn lồng lộng, những chùm kinh phan rực rỡ trong nắng đang reo lên phần phật như muôn vàn lời nguyện cầu gửi về chốn linh thiêng xa thẳm. Ngọn núi trong mắt tôi lúc ấy bỗng khoác lên mình vẻ hùng tráng lạ thường.

DSCF1970.jpg

Một người đàn ông đang kính cẩn quỳ lạy trước Meili

DSCF1975.jpg

Hạ sơn. Đức Khâm vẫn còn đang ngái ngủ, hàng quán im ỉm đóng dù nắng đã tràn xuống đường. Xe lại miệt mài những khúc cua bên vách núi. Nhiều lần lưu luyến ngoái nhìn Meili, thấy gió vẩn bụi tuyết như cái vẫy chào tạm biệt. Nắng soi rõ hơn những vạt đồi ngập trong tuyết, những rừng thông tuyết phủ mà thông xanh cao vút chỉ như những cây tăm cắm trên lớp kem trắng xốp. Nắng hắt bóng núi lên thị trấn nhỏ, nắng dội lấp lóa trên mặt đường đá cuội, nắng soi vào mắt người dải đồi cong như yên ngựa, nắng khắc sâu vào tâm trí cái nét cô liêu của ngôi nhà độc nhất trên đồi.

DSCF1997.jpg


DSCF2024.jpg

Tạm biệt Meili

DSCF2025.jpg


DSCF2014.jpg

Thị trấn Đức Khâm co mình trong thung lũng
 
Last edited:
Xe đi qua Benzhilai, qua những hàng cây xanh mướt như liễu rũ, qua những ngôi nhà chênh vênh nhìn ngạo nghễ xuống mặt đường. La lững thững thồ hàng, người lầm lũi thồ hàng, chỉ có du khách ngồi trong xe kín mít phóng vùn vụt, chụp lấy chụp để những bức ảnh đời thường rồi lấy đó làm đắc chí, vì rằng mình đã nhanh tay đóng khung những khoảnh khắc chậm rãi đáng quý. Nhưng bảo mình sống chậm ư! Không được, vì mình là con người văn minh của thời đại mới, cái gì cũng phải nhanh, không thì kẻ khác giành mất phần. Phải sống vội!

DSCF2274.jpg



DSCF2287.jpg



DSCF2269.jpg



DSCF2291.jpg


Ghé chơi nhà bác tài ở Trung Điện, rồi phải chạy lòng vòng tìm nơi đổ xăng (vì tình trạng khan hiếm xăng dầu tôi đã đề cập trong phần đầu) nên mãi gần 6h chiều, xe mới về đến Khe Hổ Nhảy, giờ này đã ngưng bán vé tham quan. Kế hoạch ban đầu là rẽ vào tham quan khúc ghềnh sông nổi tiếng này rồi về Lệ Giang ngay trong buổi tối. Nhưng sau khi cân nhắc ý kiến của vợ chồng nhà Kevin, chúng tôi quyết định ngủ lại đây một đêm để sáng hôm sau trekking con đường mòn men theo vách núi, ngược dòng Hổ Nhảy.


DSCF2313.jpg


DSCF2311.jpg

Nghỉ đêm ở Jane’s Guesthouse, thích cái lan can lửng với mấy bộ bàn ghế sờn màu. Không hiểu vì lẽ gì mà sự cũ kỹ và đơn giản lại quyến rũ tôi đến vậy. Đêm ngủ nghe tiếng nước chảy rì rào bên cửa sổ.

DSCF2333.jpg
 
Sáng sớm, chúng tôi lần theo tấm bản đồ vẽ tay tìm điểm xuất phát của tuyến đường mòn, có đoạn rẽ nhầm vào một trường tiểu học, nghe tiếng trẻ con ê a đọc bài mà thấy trong lòng bồi hồi đôi chút. Ôi những ngày thơ ấu vô lo. Hơi loay hoay tí rồi cũng tìm thấy đường đi. Trên cao đã sáng, mà đường đi vẫn còn lờ mờ tối. Đường đất mấp mô, sỏi đá lạo xạo dưới bước chân đi, cỏ cây im lìm trong hơi sương còn vảng vất. Rồi rất nhanh chóng, nắng sớm tràn xuống. Vạn vật, và cả chúng tôi tắm mình trong thứ ánh sáng ấm áp đó.

DSCF2342.jpg


Đường đi quanh co, phần lớn men theo vách núi. Những con đường như kiểu sạn đạo khi xưa, vết mòn do người ta đi lâu mà thành hình, kẻ một đường chỉ sáng trên triền núi khô khốc, xám đen những đá, vàng cháy những thảm cỏ cây.

DSCF2355.jpg


DSCF2356.jpg

Lại có những đoạn, con đường dẫn chúng tôi luồn qua những vùng xanh tươi, có những ngôi làng nhỏ, những ruộng rau xanh mướt sau bờ rào đá, những cây hồng đỏ ối quả mà không một chiếc lá, có cả mạch suối nhỏ trong vắt, mát lạnh cả người.

DSCF2362.jpg


DSCF2349.jpg



DSCF2364.jpg

Thi thoảng trên đường, một cây phong vàng rực trơ trọi giữa cỏ khô làm tôi nhớ đến câu chuyện về những giải khăn tay được người con gái ở một nơi nào đó buộc lên cây sồi như lời nhắn nhủ đợi chờ tình yêu. Mỗi một ngày trôi qua, một chiếc khăn khắc khoải đợi chờ lại được nàng treo lên, cho đến khi cây cổ thụ khô ấy vàng rợp như thể đã sống lại. Câu chuyện lãng mạn và nhẹ nhàng, mở đầu buồn mà kết thúc vui. Ai trong chúng ta mà không thích những “happy ending” như vậy, phải không!

DSCF2358.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,670
Bài viết
1,171,089
Members
192,337
Latest member
inhopcartong
Back
Top