Bờ kè do NN chủ công nhưng không ngâm cứu kỹ càng, tác động đến tự nhiên đã gây hại rất nhiều cho tàu thuyền ngư dân!
"Bờ kè chắn sóng dài 850m nối từ cảng cá vươn ra cửa biển là nỗi ám ảnh của ngư dân mỗi khi ra vào cửa biển Tam Quan Bắc do lo sợ tàu bị sóng đánh tung vào bờ kè.
Cùng với việc cửa biển thường xuyên bị bồi lấp nghiêm trọng, một bờ kè chắn sóng dài hơn 800m đã “khoá” chặt cửa biển Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn – cảng cá lớn nhất tỉnh Bình Định, biến nó thành một “cửa tử” đối với tàu thuyền mỗi khi ra vào, trở thành nỗi lo sợ của ngư dân trong mùa mưa bão. Gần đây, hàng loạt tàu cá liên tục bị nạn, vỡ tàu, chìm tàu khi ra vào cảng cá.
Ám ảnh “cửa tử”
Là cảng trung chuyển hàng hoá, mua bán hải sản, nơi tránh trú bão, Tam Quan Bắc là một trong những cảng cá lớn nhất miền Trung với hơn 1.300 tàu thuyền của tỉnh Bình Định và các địa phương lân cận tấp nập ra vào. Thế nhưng, gần đây cảng cá này đã trở thành nỗi lo sợ của ngư dân khi nhiều vụ tai nạn liên tục xảy ra.
Sau gần 20 ngày đánh bắt ngoài khơi, chiếc tàu BĐ-95937 TS của ông Cao Văn Thu (ngụ xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn) phải quay về sớm để tránh áp thấp. Thế nhưng, khi về đến cửa biển Tam Quan Bắc, chiếc tàu này phải nằm chờ hơn tiếng đồng hồ bên ngoài cửa biển đợi nước lên, rồi mất thêm hơn hai tiếng đồng hồ nữa mới vào được cảng. “Để tàu không bị sóng đánh hất vào bờ kè, khi tàu vào cửa biển, chúng tôi bố trí ba bốn anh em có kinh nghiệm đứng ở phía trước mũi tàu canh sóng, nhìn luồng để ra hiệu cho người lái tăng, giảm ga nhanh hoặc chậm, chống chọi với sóng; còn ba bốn anh ở phía sau ôm đá, chuẩn bị dây để thả xuống biển “hãm” tàu khi bị sóng đánh, nếu sơ suất một chút là tàu có thể bị lật”, ông Thu kể.
Theo ngư dân địa phương, trước mỗi chuyến đi biển, một tàu chuẩn bị phí tổn từ 100 – 200 triệu đồng, nhưng nhiều lúc phải hoãn lại chờ nước lên. Những ngày cuối tháng 10.2011, hàng chục tàu câu mực phải nằm chờ phía trong cửa biển Tam Quan Bắc do nước cạn, sóng lớn, cát ở cửa biển bồi lên cao, các tàu không thể ra biển. Ông Nguyễn Văn Tâm, ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, bức xúc: “Do cửa biển bị bồi lấp, trong khi các tàu chở đầy dầu, đá không qua được, nhiều tàu bị mắc cạn, tốn mất hàng chục triệu đồng. Các tàu phải chờ nước lên, trong khi mỗi tháng chỉ có hai đợt nước triều lớn”. Nhiều ngư dân địa phương cho biết, gần đây, cửa biển này bị thu hẹp hơn 80m, chỉ còn rộng gần 20m, lại nằm sát bờ kè chắn sóng; nhiều nơi có độ sâu chỉ còn 1 – 2m, thậm chí nhiều chỗ cát bồi lấp nhô hẳn lên khỏi mặt nước.
Ông Đào Duy Hội, chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc cho biết: “Cửa biển Tam Quan Bắc ngày càng bị bồi lấp, thu hẹp, tàu thuyền liên tục mắc cạn đang là nỗi lo của bà con ngư dân”. Theo ông Hội, gần đây hàng loạt vụ tai nạn đã xảy ra, trong đó có hàng chục tàu bị hư hỏng nặng, bảy tàu bị vỡ, chìm, gây thiệt hại hàng tỉ đồng. Vụ tai nạn xảy ra đầu tháng 10 vừa qua, tàu cá BĐ-96504 TS của ông Nguyễn Gọn (ngụ xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn) sau chuyến đi câu mực trở về, khi vừa vào khỏi cửa biển đã bị sóng đánh đâm vào bờ kè; chiếc tàu, máy móc trị giá hơn 1 tỉ đồng bị chìm hẳn, ba ngư dân trên tàu bị thương nặng. “Tôi phải tốn mấy chục triệu đồng thuê người trục vớt lên, nhưng chiếc tàu chỉ còn là đống sắt vụn. Bây giờ, gia đình tôi trắng tay, trong khi vẫn còn nợ ngân hàng hơn 400 triệu đồng”, ông Gọn nói. Theo đồn biên phòng Tam Quan Nam, ngoài các vụ sóng đánh vỡ tàu, chìm tàu, hàng loạt tàu khác liên tục bị mắc cạn khi ra vào cửa biển Tam Quan Bắc. Mỗi khi bị mắc cạn, phần lớn các tàu bị gãy chân vịt, trật bánh lái, vỡ mạn thuyền… thiệt hại hàng chục triệu đồng mỗi tàu.
Khu tránh bão trở thành nơi nguy hiểm
Khu tránh trú bão tàu thuyền tại cảng Tam Quan Bắc được tỉnh Bình Định đầu tư xây dựng hơn 80 tỉ đồng năm 2003, trong đó có một kè chắn sóng dài hơn 800m nối từ cảng cá ra cửa biển cùng với hàng ngàn trụ neo tàu. Tuy nhiên, cùng với nạn bồi lấp cửa biển, kè chắn sóng trên lại trở thành nỗi lo sợ của ngư dân trong mùa mưa bão. “Trước đây, tàu thuyền ra vào cửa Tam Quan Bắc bình thường; gặp khi nước cạn, vẫn có thể cho tàu lách luồng mà đi. Thế nhưng, từ khi có kè chắn sóng tạo thành một con sông hẹp, do đó, khi sóng từ biển ập vào gặp chỗ “thắt”, chỗ cạn, nó càng trở nên hung dữ”, ông Nguyễn Gọn nói. Theo ngư dân địa phương, cửa Tam Quan Bắc trở nên nguy hiểm từ khi có kè chắn sóng. Mỗi khi có gió mạnh, cửa Tam Quan Bắc như bị bịt kín, hầu hết các tàu đều không dám chạy vào vì sợ bị sóng đánh hất vào bờ kè. Ngay cả lúc sóng bình thường, tàu thuyền muốn vào cảng cũng khó khăn do con lạch quá hẹp; trong khi đó, khu tránh bão nằm sâu trong cảng cũng quá chật khiến các tàu bị va đập nhau, gây hư hỏng.
Ông Lê Lộc, trưởng thôn Trường Xuân Đông, xã Tam Quan Bắc, bức xúc: “Không hiểu người ta thiết kế kiểu gì mà kè chắn sóng này, cùng với vách núi đã khiến đường dẫn từ cửa biển vào khu tránh trú bão trở thành một con lạch hẹp. Do đó, mỗi khi tàu thuyền chạy vào tránh bão rất dễ bị sóng đánh tung vào kè, gây hư hỏng, lật tàu. Ngoài ra, đang lúc mưa bão mà có tàu bị mắc kẹt ở cửa biển thì các tàu còn lại không thể vào”. Do đó, mỗi khi có bão, nhiều tàu có công suất lớn phải chạy ra huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) hoặc vào cảng Quy Nhơn (Bình Định) tìm chỗ tránh bão.
Chưa có giải pháp hữu hiệu
Ông Phạm Trương, phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, nói: “Tình trạng bồi lấp tại cửa biển Tam Quan Bắc là vấn đề nan giải lâu nay của địa phương. Chính quyền địa phương chỉ có giải pháp tạm thời để hạn chế tàu thuyền bị nạn khi ra vào cửa biển, đó là tổ chức nạo vét cát ở cửa biển”. Giữa năm 2011, với hơn 800 triệu đồng của nhà nước và đóng góp của ngư dân, xã Tam Quan Bắc tổ chức thuê nạo vét, khơi sâu luồng lạch tại cửa biển này. “Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, cửa biển Tam Quan Bắc lại bị bồi lấp nghiêm trọng hơn”, ông Hội nói. Trước mắt, để hạn chế tai nạn đối với tàu thuyền khi ra vào cửa biển Tam Quan Bắc, các cơ quan chức năng huyện Hoài Nhơn tổ chức cắm phao cảnh báo tại những khu vực bị cát bồi lấp nguy hiểm.
Theo ông Trương, UBND huyện Hoài Nhơn đã đề nghị UBND tỉnh Bình Định, các cơ quan chức năng sớm tổ chức khảo sát, có giải pháp xử lý hiệu quả, lâu dài tình trạng bồi lấp tại cửa biển Tam Quan Bắc. Còn theo bà Trần Thị Thu Hà, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, sắp tới, tỉnh Bình Định sẽ mời các chuyên gia, nhà khoa học tổ chức khảo sát, nghiên cứu để đưa ra giải pháp bền vững.
(bài: Uyên Thu)(ảnh viethuvn)
Lo lắng đợi người thân vượt cửa tử!
Gành Gà
Con thuyền nhỏ qua dễ dàng !