What's new

[Lịch sử] Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Năm nay, 2010, Một nghìn năm cái tên Thăng Long. Một nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội.

Người ta nói quá nhiều, và tôi cũng đã dự định viết topic này từ lâu, nhưng giờ mới bắt tay vào thực hiện, như là một phần chia sẻ của mình với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Tôi không định cắt dán các bài viết dài dằng dặc trên khắp các báo, trên mạng, mà viết những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất này. Nếu ai muốn chia sẻ cùng tôi, xin hãy cũng như vậy.

Topic này có thể sẽ rất khô khan, cũng có thể sẽ rất thú vị, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Last edited:
Ty cảnh sát

Cạnh tòa soạn báo Đông Dương là Ty cảnh sát Hà Nội, ngày nay tòa nhà đó vẫn còn nguyên, là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm, chỉ có điều là ở giữa lại dựng lên một cái chòi cu chẳng hiểu theo kiểu gì, vô duyên tệ.

42038286.jpg


42038288.jpg
 
Last edited:
Hệ thống Trường học

Một trong những việc người Pháp làm đầu tiên khi chiếm được các vùng đất ở Việt Nam là thiết lập hệ thống trường đào tạo người làm cho Pháp. Sài Gòn là nơi có hệ thống trường sớm nhất, vì Pháp chiếm nơi này đầu tiên. Hệ thống trường học ở Hà Nội thiết lập muộn hơn, nhưng về sau hoàn chỉnh và đầy đủ các bậc cao cấp hơn.

Ngay từ năm 1883, sau khi chiếm Hà Nội, Pháp lập cơ sở đào tạo Thông ngôn đặt ở phố Jean Dupuis (phố Mới - phố Hàng Chiếu), năm 1905 lập trường Thông ngôn chính thức. Tuy nhiên khu vực trường xưa giờ không còn gì để tìm lại.

Năm 1902, Pháp lập trường Công chính, đào tạo những người làm trong việc giao thông, xây dựng. Trường đặt cùng khu vực Nha Giao thông công chính ở phố Hàng Tre.

Năm 1903, lập trường Hậu bổ, các quan lại do nhà Nguyễn bổ nhiệm phải học qua trường này mới được làm quan. Trường đào tạo các kỹ năng quản lý xã hội và đặc biệt là giao dịch với Công sứ Pháp. Trường này đặt tại vị trí trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên phố Hàm Long, giờ không còn dấu tích.

Đến đầu thế kỷ 20, người Pháp thiết lập hệ thống giáo dục theo kiểu Pháp tại Đông Dương. Hệ thống này gồm nhiều cấp:
- Cấp Ấu học: học 3 năm, chủ yếu học tiếng Pháp
- Cấp Tiểu học: học 3 năm
- Cấp Cao đẳng tiểu học: học 4 năm (tốt nghiệp có bằng Thành Chung)
- Cấp Tú tài (trung học) học 3 năm (tốt nghiệp có bằng Tú tài)

Tốt nghiệp bằng Thành Chung (tương đương hết cấp 2, THCS bây giờ) là đã có thể ra làm việc cho Pháp. Thời đầu toàn Việt Nam chỉ có 12 trường đào tạo cấp này, trong đó Hà Nội có 2 trường, sau này mới thêm 2 trường nữa, và hai trường cho nâng cấp lên đào tạo Tú tài.
 
Trường Bưởi

Trường Bưởi là trường đào tạo cấp Cao đẳng Tiểu học (cấp bằng Thành Chung) đầu tiên ở Hà Nội, dành cho người Việt Nam, và chỉ cho nam sinh. Trường xây sát hồ Tây, ngày nay là trường Chu Văn An, trường trung học lâu đời nhất Hà Nội.

Thực tế vào khi thành lập năm 1908, trường mới chỉ đào tạo cấp Cao đẳng Tiểu học, đến năm 1925 mới đào tạo cấp Tú tài, thực sự thành trường Trung học, và mang tên là trường Trung học Bảo hộ (Lycée du protecrat). Nhiều danh nhân của Việt Nam đã được đào tạo tại đây.

Trường Trung học Bảo hộ (chụp sau 1925)

42095386.jpg

Ảnh chụp từ trên cao, với trường Bưởi sát hồ Tây, bên phải là Phủ Toàn quyền Đông Dương, phía trên là cầu Long Biên, phía trái là đường Cổ Ngư.

42095394.jpg

Quy mô trường thời đó

59590169.jpg
 
Last edited:
Petit Lycée và Grand Lycée

Sau đó người Pháp mở ra hai trường dành riêng cho Nam sinh người Pháp, hoặc con em các quan lại cao cấp người Việt. Những con nhà thường dân dù học giỏi cũng không được vào hai trường này.

Trường Petit Lycée đào tạo bậc Cao đẳng Tiểu học, xây trên đường Rollandes (nay là Hai Bà Trưng), trường Grand Lycée đào tạo bậc Tú tài, đặt trên đường Carnot (nay là Hoàng Văn Thụ). Năm 1923, trường Grand Lycée đổi tên là trường Albert Sarraut, năm 1954 chuyển trường này về Petit Lycée. Sau đó cả hai cái tên đều xóa bỏ, và Petit Lycée nay là trường Trần Phú.

Kiến trúc Pháp của ngôi trường này vẫn còn khá nguyên vẹn, sàn gỗ, các lớp hồi trước còn có lò sưởi trong phòng học.

Trường Trần Phú, một thời gian ngắn có tên là Albert Sarraut.

42097285.jpg
 
Last edited:
Grand Lycée

Năm 1919, Pháp cho xây một trường đào tạo bậc Trung học có thể nói là lớn và đẹp nhất Đông Dương, là Grand Lycée, năm 1923 đổi tên là Albert Sarraut. Trường chuyên đào tạo nam sinh, cho con em người Pháp và của quan chức cao cấp người Việt. Những quan chức Pháp sang Đông Dương làm việc có thể yên tâm để con họ học ở đây mà không khác với học tại chính quốc, vì giáo viên toàn là người Pháp. Đây cũng là trường cấp bằng Trung học đầu tiên của Hà Nội (trường Bưởi thời đầu chỉ cấp bằng Cao đẳng Tiểu học).

Khu trường này được xây dựng ngay cạnh Phủ Toàn quyền Đông Dương, bốn mặt là bốn phố người Pháp đã quy hoạch. Trường là tổ hợp nhiều khối nhà có kiến trúc đẹp, với đủ khu phòng học, khu ký túc, thể thao, bể bơi, đúng tiêu chuẩn Pháp. Có thể nói đây là quần thể liên hoàn hoàn chỉnh nhất tại Hà Nội.

Học sinh trong trường là giới thượng lưu, giàu có; trong khi trường Bưởi cách đó không xa là con em nhà bình dân, nhưng học giỏi có khi còn hơn. Chính vì vậy thường xảy ra mâu thuẫn giữa hai trường, và khu Bách Thú (sau là Bách Thảo) thường là nơi "giải quyết" của các nam sinh.

Ảnh chụp toàn bộ khu trường, với Phủ Toàn quyền Đông Dương nằm bên trái phía dưới:

42095407.jpg


Ảnh chụp một góc khác, con đường sát mép dưới là Hùng Vương, mép phải là Hoàng Văn Thụ ngày nay. Có thể thấy mảnh đất mà nay là tòa nhà Bộ kế hoạch đầu tư thì trước chính là sân vận động của trường.

59590171.jpg


Sau năm 1954, khi những người Pháp rút khỏi Hà Nội, trường chuyển về Petit Lycée rồi giải thể. Khi đó toàn bộ khu vực của trường được chuyển chức năng thành khu làm việc của Trung ương Đảng. Ngày nay đó là khu nhà nằm giữa bốn phố: Hoàng Văn Thụ - Hùng Vương - Phan Đình Phùng - Nguyễn Cảnh Chân. Số 4 Nguyễn Cảnh Chân có thể nói là đầu não của Việt Nam hiện nay, tức là đi vào khu trường học thời xưa này.

Mặt Hoàng Văn Thụ ngày nay


42095417.jpg
 
Last edited:
Re: Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Thảo nào mà bảo Paris là Kinh đô Ánh sáng, bất cứ ai cũng muốn về Paris... Hà Nội đối với người Pháp xây dựng như là một Paris nho nhỏ, quy hoạch đâu ra đấy, tuyệt vời... Còn ngày nay, thì trời ơi, lộn xộn quá.

Mấy hôm đại lễ, đi qua Nhà khách Chính Phủ gần Khách sạn Metropole, thấy ở cổng bên có cái biển mới, ghi là : " Nhà khách Chính Phủ" với cái bảng xấu tệ, nhìn ko thể tiêu hóa nổi trong cái khung cảnh kiến trúc xung quanh. Như thế mới biết, ta còn kém lắm...
 
Trường Nữ sinh

Việc đào tạo bậc Cao đẳng Tiểu học và Trung học lúc đầu chỉ dành cho nam sinh, đến năm 1918 thì có trường cho nữ sinh học để làm giáo viên, lúc đầu ở Hàng Vôi, đổi ra Lò Đúc, rồi cuối cùng thành lập trường Nữ trung học, đặt tại vị trí đường Felix Faure (Trần Phú ngày nay).

Năm 1925, Pháp thu hồi lại địa điểm này, xây lại thành trường Nữ trung học Pháp St.Mary, chỉ dành đào tạo cho nữ sinh con em người Pháp và quan chức cao cấp người Việt, còn trường cho nữ sinh người Việt bình dân thì dời ra Hàng Bài.

Trường St.Mary được xây dựng cũng khá quy mô, không kém trường Albert Sarraut của nam sinh, nằm trọn một khu đất giữa bốn con phố. Sau năm 1954 trường giải thể, khu trường trở thành Đại sứ quán Liên Xô, sau khi Liên Xô sụp đổ, thành đại sứ quán Nga một thời gian, và nay là Bộ Tư Pháp.

Trường Nữ trung học St.Mary xưa

42017555.jpg

Và Bộ Tư pháp nay

42038324.jpg
 
Last edited:
Khu Ba Đình xưa

Tấm ảnh chụp sau năm 1930, cho thấy quy hoạch toàn bộ khu vực mà nay là khu Ba Đình

42127190.jpg

Trục đường bên trái là Hùng Vương, bên phải là Chu Văn An. Ba đường ngang từ gần đến xa là Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Lê Hồng Phong, và tít xa là Hoàng Văn Thụ.
Khu nhà gần nhất là bệnh viện St.Paul, vẫn nguyên chức năng và tên gọi từ xưa đến nay.
Tiếp đó là trường Nữ trung học St.Mary, sau là ĐSQ Liên Xô và nay là Bộ Tư Pháp.
Sau đó là sân đua xe đạp (kiểu lòng chảo). Bên cạnh là Sở Tài chính Đông Dương (nay là Bộ Ngoại Giao).
Cách khoảng sân cỏ rộng, tận xa là trường Nam trung học Albert Sarraut.
Góc tận cùng bên phải phía trên là đường Hoàng Diệu.
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,316
Bài viết
1,175,116
Members
192,041
Latest member
yyuten
Back
Top