What's new

[Lịch sử] Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Năm nay, 2010, Một nghìn năm cái tên Thăng Long. Một nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội.

Người ta nói quá nhiều, và tôi cũng đã dự định viết topic này từ lâu, nhưng giờ mới bắt tay vào thực hiện, như là một phần chia sẻ của mình với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Tôi không định cắt dán các bài viết dài dằng dặc trên khắp các báo, trên mạng, mà viết những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất này. Nếu ai muốn chia sẻ cùng tôi, xin hãy cũng như vậy.

Topic này có thể sẽ rất khô khan, cũng có thể sẽ rất thú vị, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Last edited:
Trường Đồng Khánh

Năm 1925, trường Nữ sinh cho người Việt chuyển sang khu vực đầu đường Đồng Khánh. Nguyên trước gọi là phố Hàng Bài, sau này người Pháp quy hoạch hai con đường rộng chạy dọc, một bên là Gia Long (nay là Bà Triệu), một bên là Đồng Khánh (Hàng Bài).

Gia Long là vị vua đầu triều Nguyễn, có nhiều giao lưu mật thiết với Pháp, hàng loạt vua về sau đều giết đạo hoặc chống Pháp, nên Pháp rất ghét, cho đến tận Đồng Khánh. Đồng Khánh cũng là vị vua ký sắc lệnh trao đứt cho Pháp thành phố Hà Nội, trao hẳn, chứ không phải chỉ là Bảo hộ, vì vậy Pháp rất thích vua này, đặt tên ông cho con đường to.

Trường Nữ trung học người Việt trên đường Đồng Khánh cũng mang tên là trường Đồng Khánh. Cái tên "nữ sinh Đồng Khánh" gần như là niềm tự hào của các cô gái được học tại đây. Sau năm 1945, trường đổi tên là Trưng Vương, và giữ nguyên từ đó đến giờ.

Trường Đồng Khánh trên đường Đồng Khánh xưa


42017546.jpg

Và trường Trưng Vương trên phố Hàng Bài nay

42038339.jpg
 
Last edited:
Trường Sư phạm

Năm 1918, để đào tạo đội ngũ giáo viên cho cấp Tiểu học, Pháp cho xây dựng trường Sư phạm trên phố Đỗ Hữu Vị (nay là Cửa Bắc). Những người học xong Cao đẳng Tiểu học, học trường này xong có thể đi dạy Tiểu học, và về sau là cả bậc Cao đẳng tiểu học. Cấp Trung học (tú tài) do giáo viên Pháp dạy.

Trường này là cái nôi đào tạo giáo viên Tiểu học cho toàn miền Bắc. Đến năm 1933 thì đổi là Cao đẳng Sư phạm Tiểu học Đông Dương. Năm 1954 thành trường Nội trú và đào tạo Cán bộ sư phạm miền Bắc. Từ năm 1973 thành trường Cấp 3, PTTH Phan Đình Phùng.

Cấp 3 tôi học trường này, vẫn luôn nhớ sân trường rợp bóng của những cây xà cừ, gốc cây ở giữa lớn nhất gần trăm năm tuổi, nơi bọn cùng lớp luôn độc chiếm, nhớ sàn lớp bằng gỗ, cầu thang gỗ, cửa gỗ, nhớ cái lò sưởi ở cuối lớp, mà giờ đã dỡ đi hoàn toàn.

42133219.jpg
 
Last edited:
Đại học Đông Dương

Đào tạo bậc Trung học ở Việt Nam sớm nhất ở Sài Gòn, sau đó có ở Huế và Hà Nội. Tuy nhiên đào tạo cao hơn thì chỉ mở tại Hà Nội.

Hệ thống đào tạo sau bậc Trung học của Pháp có tên tiếng Pháp rất chặt chẽ nhưng cũng rất rắc rối, dịch sang tiếng Việt cũng không được chuẩn, nhất là về sau này đối chiếu với hệ thống đào tạo của Liên Xô, và nay là Anh - Mỹ thì lại càng lằng nhằng. Do vậy đoạn sau tôi viết theo tên gọi thông thường người Việt quen gọi từ trước, chứ về nghĩa so với bây giờ thì không hoàn toàn đúng.

Từ năm 1902, Pháp mở trường Cao đẳng Y khoa Đông Dương, năm 1904 xây xong cơ sở chính đặt trên đường Bobillot (Lê Thánh Tông). Năm 1903 có trường Hậu bổ, đào tạo lại người thi đỗ của triều Nguyễn để bổ nhiệm làm quan, năm 1902 có trường Công chính đào tạo người làm trong lĩnh vực giao thông công chính.

Năm 1906, Toàn quyền Paul Beau quyết định thành lập Viện Đại học Đông Dương, trụ sở đặt trong khu Đồn Thủy. Đại học Đông Dương này thu tất cả các trường Cao đẳng vào nó, nâng cấp lên thành các trường: Trường Y khoa Đông Dương, trường Hậu bổ thành trường Luật và Hành chính đào tạo Luật, triết học, hành chính; trường Công chính thành trường Xây dựng Dân chính, lại mở thêm các trường Khoa học đào tạo khoa học tự nhiên Toán, Lý, Hóa, Sinh, trường Sư phạm đào tạo giáo viên, trường Văn khoa đào tạo văn chương lịch sử địa lý.

Tuy nhiên, Đại học Đông Dương chỉ vận hành đúng 1 năm thì giải thể không lý do. Các trường thành viên tách ra thành các Cao đẳng. Đến năm 1917, Toàn quyền Albert Sarraut mới tái lập Viện Đại học Đông Dương, quy tụ các trường Cao đẳng về thành một mối, lại lập thêm trường Thương Mại và trường Mỹ thuật.

Như thế, Đại học Đông Dương thực sự là một trường Đại học đúng nghĩa, phủ rộng tất cả các lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học kinh tế, y dược học, luật học, mỹ thuật, xây dựng giao thông, hành chính. Cho đến nay, ở VN cũng chưa có trường nào bao quát được như thế. Hàng loạt các trường đại học lớn hiện nay ở Hà Nội và Sài Gòn đều nhận Đại học Đông Dương là tiền thân.
 
Trường Y Dược

Trường Y khoa Đông Dương được xây dựng năm 1904 trên phố Bobillot, nay là tòa nhà Đại học Dược. Có thể thấy khi đó chưa có khối nhà lớn của Đại học Đông Dương, bên cạnh vẫn là khu đất trống.

42133225.jpg

Mặt tiền

42133229.jpg


Tòa nhà ấy ngày nay không thay đổi gì, chỉ có những cây xà cừ đã phủ tán che kín

42133255.jpg
 
Last edited:
Đại học Đông Dương

Khối nhà chính của Đại học Đông Dương được xây năm 1924, là tòa nhà theo kiến trúc Đông Dương đầu tiên ở Hà Nội. Kiến trúc này kết hợp phong cách của Pháp với phương Đông, thể hiện rõ nhất bộ mái với hệ thống đấu củng nhô ra, trang trí có họa tiết hồi văn của phương Đông.

Khối nhà này nằm ngay bên Trường Y Dược cũ, nhưng lớn hơn nhiều. Và để có tính đối xứng, người ta xây thêm một khối nữa bên kia có kiến trúc giống nhà trường Y Dược.

Mặt tiền của Đại học Đông Dương (1930)

42133243.jpg

Khu vực của Đại học và đường Bobillot (Lê Thánh Tông). Đằng sau còn thấy cái tháp nước nay ở cuối Trần Hưng Đạo, đối diện viện 108

42200202.jpg


Một phòng học của Đại học

42200208.jpg
 
Last edited:
Sở Tài chính

Một công trình theo kiến trúc Đông Dương được xây năm 1925 là Sở Tài chính Đông Dương. Sở này nằm ngay giữa khu quảng trường.

Ngày nay tòa nhà Sở tài chính Đông Dương là trụ sở Bộ Ngoại giao. Phía trước của khối nhà có hai vọng gác được thiết kế để phù hợp với cả khối nhà.

42401871.jpg
 
Last edited:
Re: Sở Tài chính

Hàng cây giờ đã che khá nhiều nét đẹp của công trình duyên dáng này. Sắp tới trụ sở mới của Bộ Ngoại giao xây xong, rồi Nhà Quốc hội mới xây xong, thì chỗ này sẽ là là tòa nhà Văn phòng Quốc hội.

42401881.jpg


42401887.jpg
 
Last edited:
Viện Pasteur

Một công trình kiến trúc thuộc địa có hai vọng gác phía trước nữa cũng rất đặc trưng, đó là Viện Pasteur.

Ngay từ năm 1913, người Pháp đã lập viện Vi trùng học để nghiên cứu. Sau đó cùng các phát minh của bác sĩ Pasteur về vi trùng, miễn dịch, người Pháp thiết lập hệ thống viện Pasteur ở Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang, Đà Lạt. Đến những năm 1920, bác sĩ Yersin là tổng giám đốc các viện Pasteur ở Đông Dương.

Năm 1926, viện Pasteur được xây dựng quy mô ở Hà Nội, ở khu phía Đông Nam thành phố. Sau khi bác sĩ Yersin mất, con phố trước viện được mang tên ông. Đó là con phố duy nhất mà Pháp đặt vẫn còn tên lại đến ngày nay, chỉ khác là trước kia là Yersin, giờ là Y-éc-xanh.

Viện Pasteur những năm 1930 với hai vọng gác chóp nhọn (giống của Sở Tài chính - Bộ Ngoại giao)

42133680.jpg

Viện giờ đổi tên là Viện Vệ sinh dịch tễ, nhưng người dân Hà Nội vẫn quen gọi là Viện Pasteur như xưa.

42133694.jpg
 
Last edited:
Viện Pasteur

Cái chòi gác của viện Pasteur

42133686.jpg

Khung cảnh khu vực quanh viện Pasteur những năm 1930 cho thấy Hà Nội khi đó vắng vẻ thế nào, và viện chiếm một khoảng không gian rất rộng. Phố Lò Đúc phía dưới là còn có nhà cửa, còn xung quanh nhiều đất trống. Xa xa phía trên là khu Đồn Thủy, lúc đó là bệnh viện Lanessan (nay là Hữu Nghị) và dòng sông Hồng mênh mông ở rất gần.

42133683.jpg
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,316
Bài viết
1,175,116
Members
192,041
Latest member
yyuten
Back
Top