What's new

[Lịch sử] Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Năm nay, 2010, Một nghìn năm cái tên Thăng Long. Một nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội.

Người ta nói quá nhiều, và tôi cũng đã dự định viết topic này từ lâu, nhưng giờ mới bắt tay vào thực hiện, như là một phần chia sẻ của mình với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Tôi không định cắt dán các bài viết dài dằng dặc trên khắp các báo, trên mạng, mà viết những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất này. Nếu ai muốn chia sẻ cùng tôi, xin hãy cũng như vậy.

Topic này có thể sẽ rất khô khan, cũng có thể sẽ rất thú vị, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Last edited:
Đời Lý Thái Tông để lại một công trình mà người ta còn nhắc mãi đến ngày nay, đó là chùa Một Cột. Cái này thì người ta nói nhiều quá rồi, viết sơ qua chứ không lại nhàm.

Năm 1049, Lý Thái Tông nằm mơ thấy Quan Thế Âm dắt lên đài sen, cảm thấy điềm báo không tốt. Sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa hình đài sen để thờ Quan Âm, dựng chùa lớn để thờ Phật. Thế là chùa Diên Hựu (nghĩa là kéo dài sự phù hộ, kéo dài cõi phúc), và đài Liên Hoa được dựng. Đài Liên hoa chỉ là một bộ phận của chùa, nhưng giờ đây lại thường được gọi là chùa Một Cột.

Tương truyền rằng năm 1954, trước khi rút đi, quân Pháp nổ mìn phá huỷ đài Liên Hoa, và năm 1955 mới dựng lại như thấy ngày nay, nhỏ hơn nguyên bản một chút. Cây cột chính giữa đỡ đài làm bằng đá, phía trên toàn bộ bằng gỗ, lợp ngói, trong để tượng Quan Âm, chỉ một người quỳ là hết chỗ.


Ngôi "chùa" nguyên bản 850 tuổi (??) những năm 1900, và ngôi chùa hiện tại, mới 50 năm tuổi.

33521111.jpg
....
33520926.jpg
 
Chùa Một Cột hồi xưa "chân dài" hơn chùa bây giờ nhỉ ;)

Họ Chế miền Bắc có, bạn tớ hồi trước; có điều không biết là bố mẹ, ông bà trong Nam di cư ra, hay đã ở đây lâu rồi, chưa bao giờ hỏi :)
 
Chùa Một Cột hồi xưa "chân dài" hơn chùa bây giờ nhỉ ;)

Chân không dài hơn, mà là nước cạn hơn.

Cái ao mà đài Liên hoa nằm giữa gọi là hồ Linh Chiểu, nghĩa là cái ao tròn linh thiêng. Như thế xưa kia ao là tròn, không biết từ bao giờ mới làm thành hình vuông? Trong đời Lý chùa có quy mô lớn, với các tháp, lầu, toà ngang dọc. Nhưng rồi theo thời gian biến đổi, chẳng còn lại gì, ngoài đài Liên hoa và một nếp chùa nhỏ mà thôi.

Hai người phụ nữ với nón thúng quai thao, áo dài cổ bên "chùa Một Cột" những năm 1900:

33539891.jpg
 
Last edited:
Đại đức nhà em cũng 20 Hạ Lạp rồi cụ ạ, Tuy nhiên Tổ cũng có một số vị Pháp tử trước đó nhưng do thời cuộc vị thì cởi cà sa khoác chiến bào, vị thì hoàn tục. Cho nên đến khi đại đức Thanh Vịnh cầu pháp xuất gia thì cụ cũng gần 60 rồi. Thầy Vịnh xuất gia năm đó 13 tuổi được 32 năm rồi.

À họ chế thì nhiều mà hồi xưa lớp em học có cô bé tên Chế Mai Phương chúng tộc đặc Chăm, nhưng khi em hỏi ra thì biết họ Chế nhà cô ấy ở Hà Nội đã lâu lắm rồi. Em đoán có lẽ từ tời Lý thời Trần nhưng do gien di truyền Chăm Pa trội nên vẫn còn mang nhiều nét của người Chăm. Bên Gia Lâm có nhiều làng có họ Chế lắm cụ ạ.
 
Tớ thấy họ Chế từ Nam Trung Bộ trở vào Nam thì nhiều, chứ miền Bắc gần như không có.

Bà ngoại em họ Chế đấy, gốc từ một người Chăm không theo các vua Chiêm Thành di dời dần dần vào Nam Trung Bộ mà ở lại lập nghiệp ở vùng đất gần ngay Phật Viện Đồng Dương. Nhưng truyền đời bằng miệng thì thế thôi, không có gia phả. Nghe "đồn" ở Huế và Quảng Ngãi có tộc Chế có nhà thờ, gia phả bài bản hẳn hoi.
 
Quán Trấn Vũ

Người ta vẫn hay nói đến đền Trấn Bắc của Thăng Long là Quán Thánh, hay đền Trấn Vũ, tương truyền do Lý Thái Tổ dựng.

Tuy nhiên, xét ra điều này có lẽ không được phù hợp. Trước hết Lý Thái Tổ chủ yếu lo dựng chùa, ngay cả đàn Xã Tắc cũng không quan tâm, và ngay cả ngôi đền thờ Long Thần ở phía Nam cũng đổi thành chùa thờ Phật, liệu có thể cho dựng một ngôi đạo quán cho Đạo giáo được chăng?

Trong khi đó Lý Thái Tông dựng khá nhiều đền thờ thần, và sử cũng ghi rằng khi các đạo sĩ xin được hành đạo, vua đã cho dựng Quán Thái Thanh. Cho nên tôi nghĩ có thể đền Quán Thánh (như ta quen gọi) được lập vào thời Lý Thái Tông thì phù hợp hơn. Tuy nhiên thời đó vẫn còn rất nhỏ hẹp, nên không được ghi vào sử.

Thực tế đây là ngôi Đạo quán, mang cả hai tên: Chân Vũ quán, và Trấn Vũ quán. Đây là một điều khá thú vị, khi mà tại Trung Quốc chỉ có tên Chân Vũ, còn Việt Nam đặt chệch thành Trấn Vũ, và dùng cả hai tên. Có lẽ từ Trấn Vũ là ghép của Trấn Thiên Chân Vũ, là vị thần được tôn thờ rất mực trong Đạo giáo (tôi sẽ viết kĩ hơn khi đến bài dành riêng cho ngôi đền / đạo quán này).

Tên của ngôi đạo quán này không được nhắc đến trong bất kì sử sách nào đến mãi đến tận đời Hậu Lê, khi Đạo giáo được khôi phục, và Quán Trấn Vũ được tu sửa to lớn, đúc tượng đồng lớn. Thế là từ ngôi Đạo quán không tên tuổi đời Lý, được tôn sùng như là ngôi đền Trấn phương Bắc của thành Thăng Long, và được gọi là đền Trấn Vũ hay Quán Thánh.


Quán Thánh - Quán Trấn Vũ năm 1929, có thể thấy hồ Tây ra sát đến bốn cột trụ của đền (nay nằm trên vỉa hè).

33557231.jpg

(Dòng chữ viết: Chùa Phật lớn, phía Nam của hồ Lớn. Người Pháp nhầm đây là chùa, và nhầm tượng đồng Trấn Vũ là tượng Phật. Hồ Lớn - Grand Lac - là hồ Tây, hồ Nhỏ - Petit Lac - là hồ Gươm)
 
Last edited:
Lý Thánh Tông

Sau thời Lý Thái Tông phong thần, dựng đền, Lý Thánh Tông nối ngôi cũng cho xây dựng nhiều công trình, mà vang danh đến nghìn năm sau là Văn Miếu (1070).

Lý Thánh Tông dù sùng Phật giáo, nhưng cũng chuyển hướng trong cai trị sang trọng dụng Nho học. Không chỉ thờ Phật như ông nội, thờ thêm các Thần linh mang màu sắc Đạo giáo như cha, vua chính thức tôn thờ vị Thánh triết của Trung Hoa là Khổng Tử, đặt tại phía Nam của hoàng thành.

Cũng tại khu vực Văn Miếu, học theo Trung Quốc, đến đời sau là Lý Nhân Tông đã lập Quốc Tử Giám (1076), để ngày nay khắp mọi nơi tung hô là Đại học đầu tiên của nước ta. Đại học chuyên giảng dạy về Văn thơ, Lịch sử Tàu, Triết học Tàu, và hoàn toàn bằng chữ của Tàu. Bốn trăm năm sau, những tấm bia Tiến sĩ được dựng lên tại đây.

Những gì mà Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có là di sản rất lớn, đến nỗi kể cả khi triều Nguyễn dời đô vào Huế, và cố tình triệt hạ tầm vóc của Thăng Long, thì Văn Miếu Huế cũng vẫn rất tầm thường nhỏ bé, kém xa so với Văn Miếu Thăng Long.

(Viết về Văn Miếu, lại phải có những bài viết riêng, đầy đặn hơn, công phu hơn. Ở đây chỉ là liệt kê một số dấu thời Lý Thánh Tông với Thăng Long mà thôi.)

Cổng Văn Miếu những năm 1900, chỉ riêng toà cổng này đã thể hiện tầm vóc lớn hơn Văn Miếu Huế, Văn Miếu Hưng Yên, Mao Điền.


33557243.jpg
 
Tháp Báo Thiên

Đời Lý Thánh Tông xây dựng một công trình để lại nhiều huyền thoại nhất, thậm chí còn liên quan đến cả một số sự kiện chính trị - xã hội gần đây, đó là Chùa - tháp Báo Thiên.

Hai năm sau khi lên ngôi, năm 1056, Lý Thánh Tông cho dựng ngôi chùa lớn nhất của Thăng Long, và cũng là lớn nhất toàn quốc: chùa Sùng Khánh Báo Thiên, đúc chuông nặng 1,2 vạn cân (chắc khoảng hơn 4 tấn) đặt trong chùa. Sang năm sau lại cho xây tháp Đại Thắng Tư Thiên 12 tầng, cao "vài chục trượng". Về sau để ngắn gọn hay gọi tắt là chùa Báo Thiên và tháp Báo Thiên.

Tháp chính xác cao bao nhiêu không rõ. Cứ coi như hai chục trượng, thì cũng hơn 60m rồi, gần gấp đôi Cột cờ Hà Nội ngày nay. Tầng trên cùng của tháp được dát đồng có ba chữ Đáo lý thiên (đến tận trời). Nhiều chỗ viết đúc bằng đồng, tôi nghĩ không thể làm được ở độ cao thế. Do đó tháp (hay đỉnh tháp?) được coi là một trong An Nam tứ đại khí, bốn báu vật lớn của nước Nam: gồm Tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh. Bốn thứ đều to lớn làm bằng đồng, tuy nhiên không phải cùng lúc, mà từ cái đầu đến cái cuối cách nhau hơn một trăm năm.

Chùa và tháp Báo Thiên là chùa lớn nhất cho đến hết triều Trần. Khi giặc Minh xâm lược đã phá tháp Báo Thiên (và cả tứ đại khí). Đến triều Lê và đầu Nguyễn vẫn còn chùa, nhưng khi Hà Nội thất thủ, binh lửa tràn lan thì chùa bị bỏ hoang, cho nên khi Pháp vào thì dùng đất đó xây Nhà thờ Lớn Hà Nội.

Ngày nay, tất cả những gì còn lại của chùa Báo Thiên xa xưa chỉ còn lại một chiếc miệng giếng bằng đá nay để trước hang đá sau Nhà thờ Lớn. Miệng giếng gồm hai thớt đá liền khối lớn tạc hoa văn có lẽ của triều Lê, trên miệng còn nhiều vết hằn của dây gàu qua hàng trăm năm. Giếng xưa đã bị lấp lâu rồi, chỉ còn miệng giếng người ta mang bỏ sang đây.

33574386.jpg
 
Đền Voi Phục

Ngôi đền Trấn Tây - Voi Phục có một lai lịch không rõ ràng, và vị thần được thờ trong đó cũng vậy. Người ta đều viết đền thờ thần Linh Lang, nhưng Linh Lang là ai? mỗi chỗ viết một kiểu.

- Linh Lang là hoàng tử Hoằng Chân, sống tại vùng Thủ Lệ.
- Linh Lang con của Lý Thái Tông, hoặc Lý Thánh Tông (?).
- Đền thờ do Lý Thái Tông hoặc Lý Thánh Tông sai dựng (?)
- Hoàng tử Hoằng Chân có công đánh giặc Tống, trở về Thủ Lệ hoá thành thuồng luồng lặn xuống hồ; hoặc là hi sinh trên sông Như Nguyệt (?), nên được phong làm thần.

Thoáng qua đã thấy vô lý: không lẽ cha dựng đền thờ con? Hơn nữa trận chiến chống Tống (1075 - 1076) xảy ra vào đời Lý Nhân Tông, khi đó cả Thái Tông, Thánh Tông đều đã chết rồi, thế thì làm sao Hoằng Chân đã chết trận mà dựng đền thờ được?

Có nhiều người đã cố giải thích chuyện này. Linh Lang thực ra là vị Thuỷ thần vùng sông nước suốt một dải đồng bằng sông Hồng, được cư dân ven sông tôn thờ từ rất lâu đời. Đến đời Lý Thái Tông hoặc Thánh Tông dựng đền thờ ở phía Tây, khu vực nhiều đầm hồ, lại thông với hồ Tây.

Hoàng tử Hoằng Chân là con của Lý Thái Tông, em Lý Thánh Tông từng sống ở đây, là một tướng giỏi về đánh thuỷ chiến, cùng Chiêu Văn thống lĩnh cánh quân thuỷ trong trận chiến với quân Tống trên sông Như Nguyệt. Hoằng Chân hi sinh, được người dân tôn thờ và đồng nhất với thần Linh Lang, coi Hoằng Chân là một hoá thân của Linh Lang. Các truyền thuyết kì quái về Hoằng Chân được dựng lên sau đó để thần thánh hoá.

Đền thờ Linh Lang có suốt một dải đến tận Hải Phòng. Khu vực nhà cũ của Hoằng Chân - Linh Lang được gọi là Thủ Lệ, nghĩa là nơi giữ gìn lệ cũ thờ thần Linh Lang.


Đền thờ thần có hai con voi chầu ở hai bên, nên dân gian goi là đền Voi Phục, được coi là Trấn Tây của Thăng Long, ảnh chụp từ năm 1883.

(Cũng nói thêm là ở Thuỵ Khuê cũng có một đền Voi Phục, thờ Uy Linh Lang, lại là vị thần đời Trần, chứ không phải Linh Lang)

33574383.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,678
Bài viết
1,171,181
Members
192,354
Latest member
yensondathach321
Back
Top