What's new

[Lịch sử] Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Năm nay, 2010, Một nghìn năm cái tên Thăng Long. Một nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội.

Người ta nói quá nhiều, và tôi cũng đã dự định viết topic này từ lâu, nhưng giờ mới bắt tay vào thực hiện, như là một phần chia sẻ của mình với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Tôi không định cắt dán các bài viết dài dằng dặc trên khắp các báo, trên mạng, mà viết những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất này. Nếu ai muốn chia sẻ cùng tôi, xin hãy cũng như vậy.

Topic này có thể sẽ rất khô khan, cũng có thể sẽ rất thú vị, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Last edited:
Thờ thần Chămpa

Lý Thánh Tông sau khi đánh Chiêm Thành đã đem về Thăng Long một vị thần rất mới với người Việt: đó là vị nữ thần Chămpa.

Sử sách chép rằng vua khi đi đánh Chiêm Thành, qua cửa biển sóng to gió lớn, đêm được vị nữ thần báo mộng, xưng là chủ của đất này. Vua thờ cúng nữ thần đó thì sóng yên gió lặng. Đánh thắng, bắt được vua Chiêm là Chế Củ, Lý Thánh Tông lấy sạch kho tàng Chiêm Thành, lại bắt thêm 5 vạn người Champa về làm nô lệ riêng cho hoàng gia. Vua về Thăng Long bèn lập đền thờ vị nữ thần Chămpa đó, đầu tiên gọi là Hậu Thổ Phu nhân, còn gọi là Nam Quốc Chủ đại Địa thần. Chữ Nam quốc là để chỉ nước phía Nam của Đại Việt, tức Chiêm Thành. Đền thờ ở làng Yên Lãng cạnh sông Tô Lịch, phía Nam, ngoại thành.

Đến đời Trần tôn phong là Ứng thiên Hoá dục Nguyên trung Hậu Thổ Địa kỳ Nguyên quân.

Nhiều người cho rằng vị Nữ thần này chính là Bà mẹ xứ sở Ponagar của người Chăm. Lý Thánh Tông đem về lập đền thờ là một kiểu xâm lấn tâm linh, tất cả các thần của các vùng đất đều phải về cùng chỗ với vua.

Ngày nay đền đó trở thành đình Ứng Thiên, cuối phố Láng Hạ. Và cũng vì Nữ thần là Thần đất, cho nên khi tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển, thì Nữ thần này cũng được coi là Mẫu Địa.

33482575.jpg
 
Con rồng Thăng Long

Những người Chiêm Thành bị bắt về Thăng Long được giao cho việc thổ mộc, xây dựng các công trình cho Hoàng gia. Chính những người thợ tài hoa này đã khéo léo kết hợp giữa nghệ thuật điêu khắc Champa và Đại Việt, để tạo nên những tác phẩm rất đẹp, rất riêng cho triều Lý, không đâu có và cũng không lặp lại ở các triều đại sau.

Hình tượng con rồng đời Lý độc đáo rất riêng chỉ có từ sau đời Lý Thái Tông - Lý Thánh Tông, và là một biểu tượng đẹp. Cho đến về sau này, khi con rồng của Việt Nam có dáng vẻ dần giống rồng Trung Hoa (triều Nguyễn thì y hệt, chả khác gì), thì mới thấy con rồng đời Lý thật độc đáo.

Không chỉ con rồng, mà con phượng, con sư tử, sóc đá đời Lý cũng độc đáo, là tác phẩm kết hợp giữa văn hoá Trung - Việt - Chăm. Ngày nay các tác phẩm đó không còn nhiều, nhưng cũng vẫn là những đỉnh cao nghệ thuật tạo hình. Hai chữ Thăng Long có lẽ gắn liền với con rồng đời Lý hơn là bất cứ con rồng nào khác.


Con rồng đời Lý nguyên bản trên cột đá chùa Dạm

33803948.jpg


Và hình tượng con rồng đời Lý trên con đường gốm sứ, vị trí cầu Chương Dương

33804469.jpg
 
Thái hậu Ỷ Lan

Lần đầu tiên trong lịch sử Thăng Long có người phụ nữ nắm quyền tối cao, là bà Ỷ Lan. Sự tích về bà phần nào giống như truyện cổ tích.

Năm 1063, Vua Lý Thánh Tông đã ngoài 40 tuổi mà không có con trai, đi chùa Dâu để cầu tự. Dọc đường, ngang làng Thổ Lỗi (nay là làng Siêu Loại, Gia Lâm, Hà Nội) đã gặp người con gái đẹp hái dâu, đứng tựa gốc lan, vua thấy lạ rước về cung, và gọi là Ỷ Lan để ngụ ý đứng tựa gốc lan. Tuy nhiên Ỷ Lan không được vào hoàng cung ngay mà phải bên ngoài, sát hoàng cung, chỗ chùa Kim Cổ bây giờ.

Ba năm sau, 1066, Ỷ Lan phu nhân sinh con trai, nên được phong làm Thần Phi, rồi Nguyên phi, đưa vào hoàng cung. Con trai bà đặt tên là Lý Càn Đức (cái đức của Trời), chưa được 1 tuổi đã phong làm Thái tử. Sau đó bà còn sinh một con trai nữa được phong là Sùng Hiền Hầu. Dù xuất thân dân dã nhưng bà tích cực học hỏi chính sự, tỏ rõ tài năng trong việc quản lý quốc gia.

Khi Càn Đức 3 tuổi, Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành (1069). Thường vua đi chinh chiến thì giao Thái tử giám quốc, nhưng Càn Đức còn nhỏ, mà Ỷ Lan lại có tài, nên vua giao cho bà làm Nhiếp chính, chứ không tin cậy vào hoàng hậu, khi đó bà mới khoảng 25 tuổi. Lần nhiếp chính này của Ỷ Lan thành công đến nỗi vua đánh không thắng, chán nản kéo quân về, thì nghe dân gian ca ngợi Nguyên phi Nhiếp chính là Phật bà Quan Âm. Thấy thế vua xấu hổ quyết tâm quay lại. Trận ấy thắng Chiêm Thành, bắt Chế Củ, cướp về của cải nô lệ rất nhiều, lại càng sủng ái Ỷ Lan.

Ba năm sau nữa, 1072, Lý Thánh Tông mất, khi đó Ỷ Lan 28 tuổi, làm Hoàng thái phi. Càn Đức lên ngôi, bà hoàng hậu vợ chính trở thành Thượng Dương hoàng thái hậu, liên kết với thái sư Lý Đạo Thành buông rèm nhiếp chính. Nhưng Ỷ Lan cao tay hơn, liên kết với Lý Thường Kiệt, và lại có con trai làm vua mới có 7 tuổi, nên đã lật ngược lại thế cục. Trước hết bà được phong Linh Nhân hoàng thái hậu, sau đó bắt giam Thượng Dương hoàng thái hậu, rồi bỏ chết đói cùng hơn 70 cung nữ (hoặc bắt tự tử để chôn theo Thánh Tông).

Sau khi loại bỏ Thượng Dương một cách khá tàn nhẫn, Ỷ Lan nhiếp chính lần thứ hai cho đến khi con trai đủ lớn để nắm quyền, thì lui về tìm hiểu Phật giáo. Cuối đời bà sám hối vì tội lỗi giết hoàng hậu trước kia, cho xây dựng hơn trăm ngôi chùa khắp nơi và thường xuyên tu ở chùa.

Ỷ Lan được coi là người phụ nữ không chỉ có sắc đẹp mà còn có tài và uyên bác bậc nhất của nước Việt, xuất thân bình dân nên khi ở ngôi cao cực phẩm vẫn hiểu dân chúng. Tuy có thủ đoạn trong chính trị nhưng công vẫn gấp hơn nhiều lần.
 
Last edited:
Ỷ Lan được thờ ở nhiều nơi. Trong nội thành là ở đình Yên Thái ngõ Yên Thái.

Đền chính của Thái hậu Ỷ Lan tại quê bà, nằm ở ngoại thành Thăng Long xưa, nay thuộc huyện Gia Lâm. Đền tuy bằng gạch đơn sơ nhưng khá đẹp. Cạnh đền là chùa, nơi xưa kia bà Ỷ Lan đã cho xây dựng để sám hối.

33821955.jpg
 
Trong khu vực đền - chùa, còn lại ba di vật từ thời Lý, cùng thời với Ỷ Lan. Đó là đôi sư tử đá và một bệ thành bậc bằng đá chạm con sóc, với con phượng ở thành. Nét điêu khắc mang đậm dấu ấn kết hợp Việt - Champa.

33821949.jpg


33821943.jpg
 
Hầu hết những con sóc (hay sấu) đá ở thành bệ đều bị vỡ mất phần đầu. Chỉ còn lại duy nhất 1 con còn nguyên vẹn, đào được tại khu Bách Thảo ngày nay. Có thể đó là khu vực cung điện phía Tây hoàng cung.

Có thể thấy điêu khắc bệ tượng hoa sen, thành bậc đá... đã được đặt thành chuẩn mực. Các thành bậc còn lại đều giống hệt nhau về trang trí, hình con sóc, chim phượng, hoa cúc dây. Nghệ thuật đời Lý không những rất độc đáo mà còn được chuẩn hoá rõ nét.


33804020.jpg
 
Last edited:
Thánh Chúa và Thánh Đức

Chuyện cầu con của Lý Thánh Tông còn liên quan đến hai ngôi chùa trên đất Hà Nội (nhưng là ngoại thành Thăng Long).

Khi có Ỷ Lan rồi, Lý Thánh Tông vẫn chưa có con, thường đi cầu tự ở ngôi chùa phía Tây thành Thăng Long. Khi không đến được thì vua sai nội thị là Nguyễn Bông thường xuyên đến đó khẩn cầu. Truyền thuyết kể rằng có pháp sư là Đại Điên bảo với Bông là có thể làm thuật để Bông thoát xác đầu thai làm con vua. Việc bị lộ, Nguyễn Bông bị chém đầu ở ngoài cổng chùa, còn Đại Điên thì không thấy nói đến nữa, nhưng lại xuất hiện trong truyền thuyết về Từ Đạo Hạnh sau này.

Đến khi Ỷ Lan sinh được con trai, vua mừng rỡ sai đổi tên chùa thành Thánh Chúa, dọc đường từ chùa Thánh Chúa về hoàng thành lại cho dựng chùa Thánh Đức, ngụ ý mong cho con mình sẽ thành vị vua tài giỏi và đức độ. Điều mong ước đó trở thành hiện thực, thái tử Càn Đức sau này là vua Lý Nhân Tông là vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, là vị vua tài giỏi anh minh bậc nhất.

Ngày nay chùa Thánh Chúa nằm lọt trong khuôn viên trường ĐH Sư Phạm. Còn chùa Thánh Đức thì chính là chùa Hà nổi tiếng về cầu duyên, nằm cuối phố Chùa Hà.


Cổng chùa Thánh Chúa


33821961.jpg


Và chùa Thánh Đức (chùa Hà)

33832247.jpg

(Có truyền thuyết khác nữa về chùa Hà, nhưng riêng tôi thấy truyền thuyết này hợp lý, lại cũng thật hay)
 
Thập tam trại

Lý Nhân Tông nối ngôi, là vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử Việt Nam, 56 năm.

Thời đầu, Thái hậu Ỷ Lan cùng Thái uý Lý Thường Kiệt nắm quyền, Đại Việt hùng mạnh đã mang quân sang đánh nhà Tống, phá Ung Châu, Khâm Châu, làm cỏ cả thành Ung Châu. Quân Tống sang đánh nhưng bị chặn lại tại Như Nguyệt rồi rút về. Thăng Long không hề bị thương tổn nào. Đền thờ Lý Thường Kiệt được lập ở phía nam Thăng Long. Về Văn, đời Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám là trường học quốc gia đầu tiên.

Có truyền thuyết rằng con gái Lý Nhân Tông đi thuyền trên sông Đuống, bị chết đuối. Có người làng Lệ Mật vớt được xác, Lý Nhân Tông ban thưởng bằng cách cho người dân Lệ Mật vào lập 13 trại tại phía Tây của Thăng Long, khi đó còn ít người sinh sống, chỉ có một số quan, lính. Từ đó hình thành nên tên gọi Thập tam trại.

Thập tam trại chính xác gồm những nơi nào không rõ, ngày nay về lễ đình Lệ Mật thì gồm các nơi: Vĩnh Phúc, Liễu Giai, Cống Vị, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Kim Mã, Xuân Biểu, Thủ Lệ, Vạn Phúc, Ngọc Khánh, Đại Yên, Giảng Võ, Cống Yên.

Đình Lệ Mật, nơi thờ thành hoàng làng, cũng là người có công lập ra Thập tam trại.


33821958.jpg
 
Lý Thường Kiệt

Một trong những người Thăng Long nổi tiếng nhất là Lý Thường Kiệt, vị tướng giỏi nhất triều Lý. Ông tên thật là Ngô Tuấn, quê ngay tại khu vực phía Nam thành Thăng Long. Khi Lý Thái Tổ dời đô thì một phần làng quê ông thuộc về kinh thành.

Sinh ra dưới thời Lý Thái Tông, ông là nội thị (hoạn quan) của Lý Thái Tông, nhưng do có tài nên đến thời Lý Thánh Tông thì được nắm giữ quân đội. Sang đến triều Lý Nhân Tông, ông được phong Thái Uý, đứng đầu hàng Võ, thống lĩnh toàn bộ quân đội. Ông liên kết với Thái hậu Ỷ Lan, đã thắng phe của Thái hậu Thượng Dương và Thái sư Lý Đạo Thành năm 1069.

Cùng Thái hậu Ỷ Lan nắm quyền, trước tin nhà Tống định đánh chiếm Đại Việt, ông quyết định chủ động đánh trước. Và trận đánh năm 1075 đó là lần duy nhất người Việt chính thức đánh Trung Quốc, phá tan Khâm Châu, Liêm Châu, Ung Châu, làm cỏ thành Ung Châu (Nam Ninh ngày nay) giết 58 nghìn người trong thành đó. Tổng cộng giết quân và dân Hán gần 100 nghìn, rồi rút về nước.

Nhà Tống đem quân sang báo thù, ông lập phòng tuyến Như Nguyệt, giằng co, cuối cùng quân Tống phải rút về. Tại phòng tuyến này đã vang lên bài thơ bất hủ:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.


Lý Thường Kiệt từ họ Ngô được ban họ Lý, gia phong rất nhiều tước, có thể nói là thuộc loại bậc nhất trong các quan lại triều Lý: Thượng trụ quốc, Phụ Quốc Thái phó Thượng tướng quân, tước Khai Quốc công.
(Tước từ cao xuống thấp có Công - Hầu - Bá - Tử - Nam, hoàng tử thời Lý Thánh Tông cũng chỉ phong tước Hầu, mà ông tước Công, thì còn cao hơn).

Ông mất khi 87 tuổi, được truy phong Việt Quốc Công, là tước Quốc Công cao nhất có thể có.
 
Last edited:
Đền thờ Lý Thường Kiệt được lập tại quê nhà ông là làng An Xá, sau là Cơ Xá, nay thuộc khu vực gần viện Pasteur. Đền gọi là đền Cơ Xá, nằm đầu phố Nguyễn Huy Tự

33981395.jpg

Tương truyền khi mất Lý Thường Kiệt được chôn ngay trong thành Thăng Long, khu vực đất làng Nam Đồng ngày nay, nơi đó nay là đình Nam Đồng, trên phố Nguyễn Lương Bằng.

33981389.jpg

Ngoài ra còn đình Phúc Xá, đền Tiên Thiên cũng thờ Lý Thường Kiệt.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,677
Bài viết
1,171,179
Members
192,354
Latest member
yensondathach321
Back
Top