What's new

[Chia sẻ] Liên Xô - Moscow - Kiev - hoài niệm và đương đại

Nhắc đến Liên Xô cũ với các địa danh như Moscow, Leningrag, Kiev, Kharcop luôn làm cho nhiều bậc trung niên, lão niên Việt Nam những hoài niệm và niềm kính trọng. Rất nhiều người Việt trẻ cũng mong được đến Moscow 1 lần nhưng ước mơ đó nghe chừng không phải ai cũng thực hiện được. Tôi là người được đào tạo thành người biết làm việc như một trí thức từ chính mảnh đất ơn tình này. Tôi gặp nhiều bạn bè từng cùng học và rất nhiều người muốn đến thăm lại đất nước anh hùng và bi tráng, thăm lại quảng trường Đỏ lịch sử nhưng nhiều người không thể đi được do nhiều lí do khác nhau, có khi chỉ vì lí do lãng nhách là sợ mất an toàn! Rồi có người già yếu, bệnh tật, thậm chí đi về thế giới bên kia mà vẫn chưa thực hiện được ý đồ thăm lại nước Nga.
Tôi muốn chia sẻ trải nghiệm của mình qua chuyến thăm lại nước Nga nghĩa rộng (bao gồm cả thành phố Kiev nơi tôi học đại học) trong 6 ngày tự túc tự đi.
 
Nước Nga: Sant Petersburg – Leningrat – Petrograt - Venice của phương Bắc và không chỉ có vậy
St Petersburg hấp dẫn và lôi cuốn chú ý của bất cứ ai dù khó tính đến mấy, dù thích hay không thích nước Nga của các Nga hoàng, nước Nga của thời Soviet hay nước Nga của thời Enxin – Putin… Thiên nhiên mê mẫn lòng người của vùng ôn đới lạnh phương bắc, vị trí địa lý của sông Neva và biển Baltic, các thành quách lâu đài tráng lệ, các khu phố kiều diễm, các bức tượng hoàn mỹ, các nhà thờ hoành tráng và cầu kỳ độc nhất vô nhị đã tạo nên thương hiệu của thành phố mệnh danh Venice phương bắc… Nó còn là biểu tượng của sức mạnh Đế Quốc Nga như một con gấu phương Bắc bình thường ngủ quên vùi trong tuyết trắng nhưng khi xuất hiện như một sức mạnh phải kiêng nể… Nó là bằng chứng là dân tộc Nga, nước Nga, văn minh thuộc về châu Âu chứ không phải thuộc Châu Á… Nó còn là chứng tích về sự thông minh, tài giỏi của dân tộc Nga dưới sự lãnh đạo của dòng họ Nga hoàng Romanov với người khổng lồ Pie đại đế - vua của các vị vua Nga…


Nhà thờ Kazan



Những bức ảnh này chụp cây cầu đi bộ cửa Trường Tài chính cũ (nay là trường Kinh tế)










 
Tks bác đã chia sẻ những bức ảnh đẹp. Nhà thờ Kazan thật hoành tráng. Nếu ai đã xem bộ phim "Cuộc phiêu lưu của những người Ý trên nứoc Nga" (phim hài) thì thấy cảnh những cột của nhà thờ này bị tàn phá tan tành (nhưng chỉ là ảo thôi). Ngày trước thời hậu Xô viết các nhà thờ bị đóng cửa im ỉm, không cho ai vào thăm quan trừ Isakievski.

Saint Petersburg thì nhiều cầu lắm, hơn 300 cây cầu trong thành phố. Cây cầu bác kimvanchinh pót trên là cây Cầu "Nhà băng" - một trong những cây cầu ấn tượng của Saint Petersburg.

Đây là cây cầu mang tên “Cầu Nhà băng”, nằm tại quận trung tâm thành phố Saint Petersburg. Sở dĩ cây cầu mang tên vậy bởi vì nó nằm trước Nhà băng- Toà nhà số 30, phố Kênh Griboedova. Cây cầu này bắc qua con kênh Griboedova, nối giữa đảo Kazanski với đảo Spaski (hai bên bờ kênh là nhà cửa san sát, ở Saint Petersburg là vậy). Trước đây thời Nga hoàng toà nhà này là Nhà băng. Sau này là cơ ngơi của trường Đại học Kinh tế Tài chính Lenigrad và bây giờ đổi thành Đại học Kinh tế tài chính Quốc gia. Cầu được xây dựng vào năm 1825-1826, được sửa chữa (phục chế) cơ bản vào năm 1949 và được tu bổ vào năm 1952, 1957, 1988. Mỗi đầu cầu là 2 con sử tử có cánh nằm phủ phục. Năm 1967, 1988 bộ cánh của 4 con sư tử được mạ vàng, nghe nói năm 2009 mạ vàng này vừa được cạo đi. Sau đó người ta lại phải trả lại nguyên bản cho nó như từng có.

Mùa đông nước con kênh đóng băng, cây cầu được phủ đầy tuyết.

 
Bác Chinh lại đi sang Nga chuyến nữa rồi đấy ạ? Em lại chăm chú theo dõi bài của bác, rất thú vị. Còn bạn bachduong65 kia xin hỏi có phải là nữ giáo sư rungbachduong bên 3N không vậy? Cho Chó Già gửi nhời hỏi thăm 3N nhá! Bảo nó mở nick ra cho ta để ta sang đó viết vài bài hồi ức Liên Xô cho vui.
 
Nỗi nhớ nơi mình đã trưởng thành từ một anh bộ đội thành người trí thức, nỗi nhớ con người, thiên nhiên, thắng cảnh, ngôn ngữ... nỗi khát khao muốn nhìn thêm lần nữa, lần nữa những gì đẹp nhất nước Nga vẫn thôi thúc tôi tranh thủ ghé lại mảnh đất xưa...

Cảm xúc thật không thể nào tả được khi được nghe và nói lại bằng tiếng Nga, được ăn bữa cơm Nga với penmen, soup Borsh... uống cmetana và kbac.... (mất 10$/ bữa chứ không rẻ như xưa nữa)...
 
được ăn bữa cơm Nga với penmen, soup Borsh... uống cmetana và kbac.... (mất 10$/ bữa chứ không rẻ như xưa nữa)...

Báo cáo bác, cho em thắc mắc chút. Em nghĩ bữa cơm Nga mà bác mất 10 đô có thể là trong các nhà hàng chăng? Nếu là bữa ăn tạm gọi là cơm bình dân phổ thông của Nga ngố thì có lẽ không đắt như thế chăng? Hồi xưa bọn em xơi cơm bình dân trong stalovaia cũng đủ các món thuần Nga; món 1 xúp, món 2 xúc xích khoai tây nghiền hay gà qué thịt thà gì đó, món 3 salat, món 4 sữa hay smetana, món 5 nước quả hay trà. ý em muốn nói cơm bình dân là một bữa như thế. Vì em nghĩ giới lao động Nga hay sinh viên Nga vẫn phải xơi như thế, mà 10 đô một bữa vị chi một tháng 300 đô chỉ có ăn trưa thì đắt quá. Như ở ta cơm trưa bình dân cũng chỉ 25-30k, vị chi một tháng mới hết có 1 triệu ăn trưa, thế còn chịu được.
 
@hongtuoi: mình hay gặp các bạn Nga ở Mũi Né, Nhatrang, Phú Quốc, các bạn nói Nga bây giờ cái gì cũng đắt.
Cái thời sinh viên xa xưa đã qua, kiểu tình cho không biếu không, kalbasa cắn ngập răng (theo như cách nói của người Bắc), đi praductu bàn tay có bao nhiêu kẽ hở giữa các ngón là bấy nhiêu con gà mang về....
Stolovaia thì cũng tươm tất như nhà hàng vậy chẳng qua là từ ngữ và cái stalovaia đặt vào môi trường xã hội lúc bấy giờ.
Còn nhà hàng hiểu theo nghĩa Việt mình thời sinh viên mình ở Moscow cũng đắt bằng nửa lương sinh viên cho một bữa ăn đấy (thời mà mọi người gọi là bao cấp).
Tóm lại bữa ăn của bác ấy 10 đồng là bình thường mà, nghe đô mọi người thấy to, tính ra tiền mình chỉ hai trăm mốt, bằng cái chém gió của Hanoi thôi.
Nhân tiện, ở Vietnam vẫn nói được tiếng Nga mà, cứ ra các địa danh nêu trên, cần gì phải qua Nga mới nói được tiếng Nga. Chỉ ngại là nói được vài câu, bắp tẻ lẫn lộn, thôi english cho nhanh.
 
Báo cáo bác, cho em thắc mắc chút. Em nghĩ bữa cơm Nga mà bác mất 10 đô có thể là trong các nhà hàng chăng? Nếu là bữa ăn tạm gọi là cơm bình dân phổ thông của Nga ngố thì có lẽ không đắt như thế chăng? Hồi xưa bọn em xơi cơm bình dân trong stalovaia cũng đủ các món thuần Nga; món 1 xúp, món 2 xúc xích khoai tây nghiền hay gà qué thịt thà gì đó, món 3 salat, món 4 sữa hay smetana, món 5 nước quả hay trà. ý em muốn nói cơm bình dân là một bữa như thế. Vì em nghĩ giới lao động Nga hay sinh viên Nga vẫn phải xơi như thế, mà 10 đô một bữa vị chi một tháng 300 đô chỉ có ăn trưa thì đắt quá. Như ở ta cơm trưa bình dân cũng chỉ 25-30k, vị chi một tháng mới hết có 1 triệu ăn trưa, thế còn chịu được.


Úi giời, chả còn đâu cái thời bao cấp nữa rồi, bây giờ cái gì cũng lịch sự hơn nhưng giá cao. Nga nó học phương Tây trước hết ở giá dịch vụ, sau mới đến cái khác...

Xe lửa Mat - Len bây giờ hơn 100$ 1 chiều,

Đi boat từ Cung mùa đông đi Petergof 15$

Xem các cung giá 500rup = 15$ một cung....

Ăn trưa vẫn là các món và kiểu phục vụ như Ctolovaia nhưng tổ chức lịch sự hơn nhiều, món ăn chuẩn hơn, mỗi tội đắt.

Cốc Kvas trước đây 3 xu nay là 0,5$...

Đồ ăn trong siêu thị thì khá rẻ so với Châu Âu: táo 1,5$; anh đào 4$, súc xích, sửa rất rẻ....

Tôi toàn mua siêu thị về phòng hostel nấu ăn, có 2 bữa ăn ngoài thôi, đắt và xếp hàng dài chờ cả gần tiếng.... y như cảnh ngày xưa
 
Ghê nhỉ! Cốc kvas mà giờ cũng nửa đô! Thế thì giới bình dân Nga ngố bây giờ chắc ăn uống kham khổ rồi, không no nê ngập răng như hồi xưa nữa. Ở ta thì lại có vẻ ngược lại, trước đây chả có mà ăn, giờ thì ăn uống ở thành phố có vẻ lại không thành vấn đề nữa.
 
hết thời Kbac bán thùng phuy rồi, chắc nếu còn thì vùng quê mới có, bây giờ vào mấy cái tiệm trà hoặc nhà ăn bán giá kinh doanh hết rồi
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,682
Bài viết
1,135,152
Members
192,383
Latest member
BJ39
Back
Top