Những câu chuyện dưới đây được viết dựa trên 2 cuốn hồi kí trên đường của tôi hồi năm ngoái! Nếu mọi người thấy không quá nhàm chán, tôi sẽ tiếp tục Post.
Lúc này, kĩ năng tìm kiếm một người Việt nơi xứ lạ của tôi đã khá thành thục, vì thế mà chẳng mấy khó khăn để quen anh và xin một công việc khi xe trả đoàn ở một khách sạn gần sân vận động quốc gia Olympic, nội ô thành phố Phnom Penh. Tôi phát hiện ra anh là người Việt vì anh hút thuốc con mèo, làm quen được với anh vì tôi rành Mỹ Tho, quê hương anh, nơi xưa kia trái rượu dừa của tôi từng thống lĩnh thị trường du lịch Tiền Giang, và tôi biết anh có thể cho tôi một công việc bởi vì trông anh rất có dáng ông chủ.
Anh bố trí cho tôi làm chân giao hàng và lắp đặt ăng-ten, chảo Parabol và đầu kĩ thuật số phát kênh Việt Nam. Một tuần bao ăn ở, tôi nhận lương 50 USD, tôi cũng nói rất rõ với anh là chỉ làm khi tới hết hạn thị thực, tức là dưới một tháng.
Bắt tay vào việc ngay sáng hôm sau, tôi cùng anh và tài xế tới giao hàng, nhân tiện tiếp thị ở Kampong Chàm, một thành phố phía đông bắc Campuchia. Tôi chẳng biết tiếng nên chỉ làm được mỗi việc là ôm cái cây ăng ten, cố gắng chao làm sao cho đúng hướng để ti vi nét, như thế thì việc chào hàng mới hiệu quả. Chuyến đi thành công làm anh vui, tôi vui, tài xế cũng vui, có thêm những đơn đặt hàng vào ngày mai, anh sẽ gửi xe khách xuống cho họ. Anh nói, đánh xuống đây là đúng hướng, vì ở Phnom Penh cạnh tranh quá, lời lãi không ăn thua.
Từ Kampong Chàm về đến Nam Vang mất gần ba tiếng, đến 9h đêm chúng tôi về tới nhà, anh lại kéo vào quán lẩu ven sông làm vài chai bia Angkor, gọi là lễ nhập môn cho tôi. Đường dài thấm mệt làm bia nhanh ngấm, tôi đăm chiêu nghe anh trải lòng mình. Anh đang có cô vợ ngoan hiền và một bé gái dễ thương, nhưng đó không phải là người phụ nữ anh yêu nhất đời. Ngày đó ở Vũng Tàu, cả vùng chỉ có mình anh làm ăng-ten nên kiếm miếng ăn cũng dễ. Công việc tiến triển, anh dồn hết cả vốn liếng mở một xưởng sản xuất khang trang ngay gần bãi biển. Người phụ nữ đẹp chối lời cha, từ bỏ cuộc sống tụ họp sung túc bên kia bán cầu, theo anh về đây vun đắp hạnh phúc lứa đôi. Tình yêu thăng hoa, hai người đã có một sinh linh hai tháng tuổi sắp có hình hài. Nhưng tạo hóa trêu ngươi, cơn bão số 9 quét qua thành phố Vũng Tàu tháng chín năm ấy mang đi cả cơ nghiệp đời trai. Sau cơn bão, chị bỏ đi biệt tăm không lời từ biệt, chỉ nói vì thương anh. Còn anh, khốn khổ bỏ lên Sài Gòn với nắm vé số ngày ngày bán dạo mong tìm được yêu thương. Mải miết kiếm tìm lại ngơ ngác cô đơn, lúc anh buông xuôi trở lại cố hương thì chị tìm về. Chị đưa anh mười triệu trong nước mắt, em biết anh có năng lực, anh cầm lấy tiền này làm lại từ đầu. Còn anh chỉ ré lên như con thú hoang cùng đường - Con anh đâu rồi?
Nói đến đây, thấy anh chớp mắt không thôi, đỏ hoe. Tôi hỏi: “Thế là chị ấy đã đi đâu?” Anh cười nghe thảm hại hơn một tiếng nấc tức tưởi: “Nó đi làm gái bao, nhưng làm gái vì anh.”
Dòng sông Tonle Sap hiểu tiếng người nên vỗ sóng đánh cái ào vào chân bờ.
Có thân phận đi ngang cuộc đời chỉ qua một câu chuyện nhỏ nhưng sẽ cứ da diết mãi trong kí ức mỗi khi tôi nghĩ đến. Từ việc làm đĩ đến chuyện hi sinh vì một ai đó sao nghe dài vô tận mà người ta cứ thích đo đếm bằng những giọt nước mắt mau khô. Tôi thương chị và hận lòng bao dung nhỏ nhặt của đàn ông.
*
* *
Một ngày công ty du lịch Lucky vắng khách, tôi đến lắp đầu thu kĩ thuật số phát sóng kênh Việt Nam cho chị. Chị kể tôi nghe chuyện gia đình, công việc, trên trời dưới biển, tôi kể chị nghe chuyến đi của mình. Chị thích chụp ảnh, nên in nhiều bức treo lên tường. Chị thích thú với những cái tên và lời bình tôi ngẫu hứng đặt cho mấy bức hình đó. Bức Con nước về hồ, bức Ra khơi, bức Mặt trời sắp rớt, tôi thích nhất là bức Người ở lại, đúng là chị chụp rất đẹp.
Tôi định ra về nên chào chị: “Bữa nào có điều kiện, chị cho em làm hướng dẫn viên du lịch với nhé, em khoái việc đó lắm.” - “Ơ thiệt không? Chị đang cần một hướng dẫn nè, em biết tiếng Anh không?” - “Chị test thử đi.”
Những ngày đầu ở Đại học Ngoại thương, tôi sợ môn tiếng Anh lắm, đặc biệt là tiết mục nghe, nói. Cái đài casset thực hành kĩ năng nghe của cô giáo như đẩy khoảng cách giữa tôi và lũ bạn thành phố ra xa. Thực sự là chẳng nghe được gì. Vốn có tính giấu dốt tích cực, giờ tiếng Anh lên lớp tôi lủi thủi một mình bàn cuối, về nhà cắm cổ cày xới. Căn gác trọ của tôi lúc nào cũng oang oang tiếng Anh, từ toilet cho tới đầu giường, chỗ nào cũng dính những tấm giấy note ghi từ mới. Cuối học kì một, tôi đạt điểm cao hàng nhất lớp: 9, 6, 9, 10 cho bốn kĩ năng, đúng là nói thì vẫn còn hơi kém.
Vậy nên với yêu cầu công việc không quá cao của chị, tôi đáp ứng được.
Tôi nhận một công việc mới thú vị hơn sau hai tuần với hãng ăng-ten. Tôi phải cảm ơn anh và chỉ nhận một nửa thù lao hai tuần làm việc, nhưng anh nhất nhất không chịu, trả đủ tôi 100 USD và chúc mừng tôi nữa.
Nam Vang rất nhỏ, ít nhất là so với Hà Nội và Sài Gòn, thế nên hai tuần làm việc ở đủ để tôi thuộc hết đường sá cơ bản. Có con đường Monivong huyết mạch và ba tòa cao ốc nằm rải rác là tôi có thể định vị được hết mọi hướng. Công việc không mấy khó khăn với tôi, chỉ là đưa đón khách từ sân bay hoặc bến xe bus về khách sạn và ngược lại. Thấy tôi chu đáo và thân thiện với khách, chị giao thêm cho tôi dẫn khách tới một số điểm du lịch như Cung điện Hoàng gia, Quảng trường hay Nhà tù Tousleng. Chủ yếu là Tây, thi thoảng có khách Trung Quốc và Nhật Bản.
Hơn một tuần nữa trôi qua thì tôi đã trở thành một anh chàng hướng dẫn chuyên nghiệp, thuần thục các công việc và được mọi người quý mến. Suốt những năm tháng bôn ba trai trẻ, tôi chưa một lần làm thuê mà chỉ xoay quanh các dự án, doanh nghiệp riêng mình, nay tôi mới hiểu thế nào sự thăng tiến, nó cũng có niềm vui nhất định mà xưa kia tôi cứ phủ nhận, cho rằng là chuyện tẻ nhạt. Chị bổ nhiệm tôi làm dẫn khách đường dài, tôi sẽ dẫn một gia đình Mỹ thăm quan Angkor Wat ở Siem Riep, sau đó là Bangkok, Thái Lan.
Tuy đã đến Siem Riep hai lần để tiếp thị ăng-ten nhưng tôi chưa từng ghé Angkor Wat. Tôi chỉ biết đến nơi này với những khu phố Tàu, những làng chài ven biển hồ Tonle Sap, những nông trại nuôi tằm và những cánh đồng lúa gần mùa giáp hạt, à, thêm vài cửa hàng bán tivi và đồ điện tử nữa. Qua tranh ảnh, tư liệu thì biết rằng đây là một quần thể kiến trúc nguy nga tráng lệ của người Khmer xưa kia, bao gồm rất nhiều đền đài thờ phúng các vị thần Ấn Độ giáo.
Xe chuyển bánh trong đêm để du khách đỡ mất thời gian thăm quan. Tôi yêu nền văn hóa Mỹ, thích Rockn’roll, hâm mộ thói tự do đến hoang dại của Jack Kerouac và thần tượng một mẫu anh hùng kiểu miền viễn tây nước Mỹ. Thế nên có rất nhiều chuyện để tôi muốn nghe họ kể từ xứ sở ước mơ ấy. Cũng có hai lần tôi nằm mơ tới Mỹ, có điều chả hiểu sao cái đại lộ Danh vọng mà tôi thấy lại là con đường đất có nhiều cửa hàng băng đĩa lậu, dòng sông Hudson danh tiếng lại đen ngòm và hai bờ nham nhở…
Anh nhân viên khách sạn của công ty đón chúng tôi bằng xe Tuktuk, khách sẽ về tắm rửa rồi bắt đầu chuyến viếng thăm ngay trong buổi sáng. Thời tiết ở Siem Riep không ấm áp như Nam Vang, cơn gió sớm luồn vào khói bụi cuộn chiếc lá khô nghe xào xạo. Trong lúc chờ khách tôi tranh thủ hỏi han cậu tiếp tân một số thông tin về Angkor Wat, đến 8h thì tất cả đã sẵn sàng.
Con đường dẫn tới Angkor trải nhựa mượt mà, vừa đủ rộng để những đoàn xe nối đuôi nhau xuôi ngược. Khoảng hai chục cây số từ trung tâm thành phố Siem Riep, rừng núi xum xuê cây lá soi gương những hồ nước trong ngăn ngắt. Nắng lên, hơi ấm quyện hòa với dư âm lành lạnh của sương sớm làm nức một mùi tinh khôi. Khách nói họ thấy sự khác nhau giữa cái trong lành của thành phố sạch và cánh rừng xanh, tôi đáp lại, đó là sự khác nhau của trái tim tù túng và cánh chim tự do.
Angkor Wat mê hồn người lữ khách từ cái nhìn xa xôi, mặt trời phả nắng xuống đền đài lấp lánh rêu phong. Lối vào chính từ hướng Tây, tức đi thẳng về hướng mặt trời để vào bên trong. Tôi thấy đoàn người trên con đường dẫn vào đền đài đông lắm, cảm giác như cả tôi và họ đang lạc vào quá vãng, đẹp mê hồn. Khmer hẳn là từng rất thịnh vượng. Họ chỉ vào mấy bóng cây thốt nốt trên vũng hồ nhỏ, tôi nói đó là hồ bơi của các công chúa Khmer xưa kia, họ ồ lên thú vị (tôi chỉ tưởng tượng). Bục thang gỗ ọp ẹp đưa chúng tôi vào một lối nhỏ sâu hun hút, có bức phù điêu trên đá dài bằng từ thiên cổ đến ngày nay, nghe đâu là bức tranh đá dài nhất thế giới. Họ nói thấy đẹp nhưng không hiểu, tôi có cơ hội trở thành một giáo viên lịch sử trên từng bước đi, mỗi bước là một biến cố đất trời, thần thánh và nhân loại, dựa theo khúc tráng ca 24.000 câu trong sử thi Raymayana. Bản thân tôi cũng thấy kinh ngạc về điều đó. Tôi thấy mình như đang lạc vào xứ sở Ayodhya huyền bí, sát cánh cùng những người bạn khỉ tiến vào lãnh địa quỉ quái Lanka cứu nàng công chúa Sita xinh đẹp.
“Lady and Gentlemen, vũ trụ bắt đầu từ đây, từ cái rốn của vị thần này, ngài có tên là Vishnu. Khi núi sông trời đất chưa thị hiện, chỉ mình ngài với con rắn nhiều đầu lênh đênh trên biển toàn sữa cùng với sự an lạc tuyệt cùng. Sự biến chuyển chỉ diễn ra trong một nút thời gian vô cùng nhỏ, bắt đầu từ cái rốn của ngài, giống hệt như Big Bang vậy!”
Trích "Trở Lại" - Nguyễn Nhật Lâm. Facebook.com/trolai.vn
Còn nữa....