What's new

Mấy tháng không tiền, lang thang Châu Á, chia sẻ cùng mọi người.

Những câu chuyện dưới đây được viết dựa trên 2 cuốn hồi kí trên đường của tôi hồi năm ngoái! Nếu mọi người thấy không quá nhàm chán, tôi sẽ tiếp tục Post.


Xe trả khách, và tôi biết mình đã thực sự bắt đầu một câu chuyện mới. Ai nấy đều có quá khứ riêng họ, tôi cũng có cái thứ đó, có điều hơi bẽ bàng một chút. Nhưng dại gì mà cứ đóng khung cuộc đời mình bằng những thời điểm, nghĩ vậy nên tôi dấn thân vào chuyến đi này lòng đầy quyết tâm và háo hức.

Thả bước dọc theo dòng sông Ka Long đi về phía cửa khẩu, tôi lôi tấm bản đồ thế giới điểm lại kế hoạch lớn lao của mình. Bắt đầu từ Trung Quốc đại lục, sau khi có một số vốn tiếng Trung, tôi đi đến Côn Minh để tìm đường sang Tây Tạng huyền thoại. Từ miền đất thánh này tôi sẽ nỗ lực vượt qua dải Nepal vĩ đại để đến với quê hương Đức Phật. Sẽ dừng chân ở Ấn Độ để tiếp tục mưu sinh và học tiếng, chuẩn bị cho hành trình tới Biển Đen. Qua Pakistan, men theo bờ biển Ả Rập, tôi sẽ tới Iran, từ đây, tiếp tục hướng về phía tây đi theo vịnh Oma. Đến biên giới Irak, ngược về hướng Bắc sẽ đến giao miền Nam Á và Đông Âu, chắc phải nghỉ ở Ankara. Sau đó tiếp tục đi để đến Roma và dừng lại ở Kinh Đô Ánh Sáng. Châu Âu văn minh sẽ mang lại cho tôi một cuộc sống giàu sang và hiện đại, điều này chắc chắn rồi, vì kiều bào nào về nước chẳng toát lên cái vẻ dễ thấy của mấy người thành đạt. Rồi tôi cũng sẽ là một Việt kiều lắm tiền nhiều của, chẳng cần phải cứ đi mãi một con đường, thành Rome còn nhiều ngả đến. Niềm tin đó là hành trang có giá trị nhất thôi thúc tôi lên đường với ba bộ quần áo, ba cuốn sổ ghi và một hộ chiếu mới có duy nhất một tấm Visa Trung Quốc.

Cứ nghĩ đến việc mỗi vùng đất đi qua đều thấm những giọt mồ hôi lao động của mình tôi lại thấy phấn khích lạ thường. Và cũng chẳng có lựa chọn nào khác để đi và tồn tại với một kẻ vô sản ngoài việc làm bất cứ việc gì ra đồ ăn, ra vé xe và ra Visa, miễn là tới được Paris, tới được sự giàu sang, tôi sẽ làm bất cứ công việc chính đáng nào.

Tôi ghép chữ thành thơ, trịnh trọng ghi nó lên trang đầu tiên của cuốn nhật ký hành trình bên cạnh một số thông tin liên lạc trong trường hợp cần thiết.

Nụ cười dọa những phong ba
Bàn chân dọa những đường xa gập ghềnh.
Cơn gió cuối đông rung rung cọc nhọn lòi lên ở giữa dòng sông làm mọi thứ trông hao gầy một cách thảm hại, chào Tổ quốc và hẹn ngày gặp lại!

Ngay lập tức, tôi lao vào tìm việc. Thành phố Đông Hưng có nhiều người Việt làm ăn và sinh sống nên không khó để giao tiếp. Trong đám xe ôm nhao nhao tìm khách có một khuôn mặt khắc khổ, dáng người nhỏ con, ông nói tiếng Việt lơ lớ “Đi đâu ông chủ?”. Haha, ông chủ đi tìm việc. Tôi cười sảng khoái như bị cù léc.

Ông nói, người Việt sang đây làm công nhân nhiều lắm. Xưởng gỗ, xưởng điện tử, xưởng sản xuất máy lửa, nhưng phải đến rằm tháng giêng thì xưởng mới mở cửa làm việc nhiều, bây giờ còn ít lắm. Visa có hạn nên tôi không thể chờ đến cả tuần, tôi nhờ ông chở đến các xưởng đã mở cửa. Đúng như lời A Quốc nói, đi đến đâu tôi cũng thấy có công nhân người Việt, họ đều nhiệt tình giúp tôi nói với ông chủ nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu vì không biết tiếng Trung. Vạn sự khởi đầu nan, tôi biết vậy nên vui vẻ đón nhận những khó khăn đầu tiên, đáp lại nó bằng tất cả nhiệt huyết.
Xế chiều, mọi việc vẫn chẳng có gì khá hơn, tôi cảm ơn và từ biệt A Quốc, hẹn ngày mai gặp lại. Phía bên kia dòng sông là đất nước mình, có tòa nhà cao mấy chục tầng, người ta gọi là tòa nhà cao su vì của Tập đoàn Cao su đầu tư. Tôi thấy nó lênh khênh trơ trọi trong buổi chiều đông ngược gió. Mấy con đò đìu hiu đợi khách qua biên trên dòng sông khô cằn. Mới chiều qua thôi, còn ấm áp bên bữa cơm gia đình, nay đã cô quạnh một mình nơi biên ải. Có lo toan dấy lên trong mớ cảm xúc bộn bề, liệu tôi có đi qua được bẽ bàng của quá vãng, viết nên những trang mới mẻ cho cuộc đời mình, hay chỉ là câu chuyện lặp lại với kết thúc chẳng tốt đẹp gì! Mọi thứ trùng xuống một cách nặng nề, có vệt đen dài trên dòng sông cạn, từ bờ này đến bờ bên kia. Không, phải nói là từ đất nước này đến đất nước kia mới chính xác. Ô kìa, đúng rồi! chính là cái bóng của tôi, không ngờ ánh tà dương đông tàn yếu ớt cũng có thể làm cho cái bóng của mình hoành tráng đến vậy. Đừng hoài nghi nữa, câu chuyện cuộc đời mình có thể là chuyến phiêu lưu bất tận, là cuộc tình lãng mạn nhất hành tinh, là bất cứ thứ gì mà ta muốn nó thành. Cứ tiếp tục bắt đầu thôi! Nhuệ khí của tôi lại dâng lên như chú gà trống choai chuẩn bị đập cánh.

Rồi chợt thấy từ xa xa có đám người xuống lên, khuân vác, tiến lại gần mới hay người ta đưa hàng qua biên giới bằng cách này. Toàn là người Việt, tôi hỏi một người nhìn giống ông chủ nhất “Chú ơi, ở đây có việc gì không cho cháu làm với?”. Ông nói mới qua Tết nên ít hàng, phải đợi thêm vài ngày nữa thì sẽ có thể tìm được một chân bốc vác với mức lương khoảng 100 tệ một ngày ở đây. Trong lúc chờ hàng xuống đò, chúng tôi có nói chuyện qua lại. Thấy tôi ăn nói hoạt bát, nhanh nhẹn, cuối cùng chú nhận tôi về làm trong quán ăn của gia đình tại thị trấn biên ải này. Tôi làm phụ bếp, bồi bàn, kiêm dạy tiếng Việt cho cô con gái út nhà cô chú với mức lương một ngàn năm trăm tệ một tháng. Họ là người Hoa gốc Việt nên muốn con cái gìn giữ tiếng nói quê hương. Đúng là sự khởi đầu tốt.

Tại gia đình nhà chú, tôi được bố trí ở một phòng rộng rãi, có tivi to và toilet, sang trọng không kém gì một nhà nghỉ. Công việc cũng không vất vả gì, 5h sáng tôi dậy để dọn dẹp bàn ghế, chuẩn bị bán hàng, đến 7h tối thì đóng cửa, 8h đến 10h đêm, dạy tiếng Việt cho cô gái út Lưu Ái Chi. Thời gian cứ trôi đi đều đặn, một tháng ấy cuộc sống của tôi cứ như một công thức, đều đặn và chính xác. Ái Chi khá xinh xắn, đó là lí do khiến tôi dạy em rất nhiệt tình, bù lại, chính sự nhiệt tình ấy khiến trình độ tiếng Trung của tôi lên nhanh đến bất ngờ. Tôi đã có thể mua bán và giao tiếp cơ bản.

Ngày nhận lương cũng là ngày tôi nói lời từ biệt, cô chú làm một bữa ăn chia tay thật thịnh soạn. Chú chúc tôi thành công, cô chúc tôi sức khỏe, Ái Chi mong tôi sớm tìm được người trong mộng, tôi bước vào màn mưa phùn phơ phất xa dần những cánh tay vẫy chào.

Người lái đò bên kia bờ sông thấy tôi vẫy tay lại tưởng khách gọi đò, tôi chỉ định chào xứ sở trước khi đi sâu vào lục địa Trung Hoa. “Em quen họ à?” Có anh đứng bên cạnh hỏi tôi. Thế là những câu chuyện bắt đầu, cho đến tận khi các hàng quán lên đèn. Anh là thương nhân Sài thành, có nhiều thứ để chúng tôi nói về thành phố quê anh, nơi gieo bao mơ ước to lớn mà chỉ gặt hái được bẽ bàng - một thời của tôi. Anh đến đây để tìm hiểu về thị trường điện tử và cần một người biết tiếng Trung đưa anh vào lục địa, thành phố Quảng Châu.

Tôi vào vai một trợ lý, một phiên dịch, một hướng dẫn với thù lao quá hấp dẫn, ba ngày bằng cả một tháng, lại được miễn phí đi lại ăn ở. Hai anh em lên xe ngay trong đêm hôm đó.

Chiếc xe lầm lũi lao vào màn đêm thưa thớt lạnh. Những giọt nước mưa nối đuôi nhau lăn vệt dài trên ô cửa kính. Mọi thứ nhòe đi, tôi như kẻ ngoại đạo ngắm bức tranh sơn dầu trừu tượng. Mưa nặng hạt dần, làm chẳng thể ngắm được ngọn đèn le lói giữa rừng đêm mà tôi yêu thích, chỉ thấy hình hài phản chiếu lại từ tấm kính. Tôi thấy chính mình, tự hỏi sao cái mặt mình tươi đến thế rồi tự cười với ảo ảnh.

Chúng tôi tới bến xe Việt Tú tại trung tâm thành phố Quảng Châu lúc trời nhập nhoạng sáng, vẫn còn mưa nhưng có lẽ không khí ấm hơn. Lần đầu tiên tới một thành phố lớn đến thế, cả anh và tôi đều bỡ ngỡ. Chúng tôi dành cả buổi sáng để đi thăm chợ đường hầm, chợ Bạch Mã, đi tàu điện ngầm và thưởng thức đồ ăn Kungfu. Những nơi lạ, những thứ lạ thật hấp dẫn.

Bản thân tôi cũng hơi bất ngờ về khả năng phiên dịch của mình, suốt hai ngày ở Quảng Châu, gặp tất cả ba đối tác, tôi đã giúp anh tìm được một cơ sở uy tín và giá thành rẻ như anh mong muốn. Phần của tôi ngoài một ngàn năm trăm tệ thù lao, tôi còn được khách của anh mời đi ăn đủ những sơn hào hải vị nơi này, ngủ khách sạn ba sao, đi chơi quán bar và đặc biệt là trải nghiệm cô gái Trung Hoa. Người Trung Quốc tiếp khách không thể tốt hơn.

“Khi nào trở lại Việt Nam thì liên hệ với anh nhé. Cố lên chàng trai!”

Anh chào tôi nghe nặng bàn chân giang hồ. Sân bay Bạch Vân lớn hơn cả cái làng, tình nghĩa quê hương đất nước tôi gửi anh mang về, chỉ còn trái tim yêu tự do với cái ba lô nhỏ tiếp tục theo tôi trên đường dài, chào anh.

Tôi trở lại Nam Ninh để chuẩn bị đi Côn Minh.


............(Còn nữa)


Nguyễn Nhật Lâm
 
Những câu chuyện dưới đây được viết dựa trên 2 cuốn hồi kí trên đường của tôi hồi năm ngoái! Nếu mọi người thấy không quá nhàm chán, tôi sẽ tiếp tục up.

Singapore sạch và lớn vượt qua mọi sự tưởng tượng của tôi. Những tòa nhà khổng lồ san sát, hai bên đường cây cối tốt tươi, hàng râm bụt ôm ấp những khuôn viên mướt xanh và dòng sông nước đỏ mon men chảy khắp phố phường.

Người đàn ông bản xứ gốc Hoa làm quen với tôi, vẫn bằng cái bật lửa, ông cởi mở và hiếu khách. Ông giới thiệu với tôi về sự thân thiện, nhưng xa hoa và đắt đỏ của Singapore. Khi điếu thuốc cuối cùng rụng tàn, ông chào tôi và không quên để lại chữ ký, số điện thoại, hẹn ngày gặp lại.

Tôi đi về phía tòa nhà màu đỏ, bên dưới là khu phố Tàu, dễ dàng tìm được một chỗ nghỉ rẻ ở đây, ông nói thế. Con đường nào cũng thênh thang nhiều làn, làm cho tôi không thể sang đường tùy tiện, đó là cản trở duy nhất của tôi ở một nơi quá ngăn nắp thế này. Không thấy bóng một cảnh sát giao thông, không một người vô gia cư để kết bạn, chỉ có dòng xe, dòng người nườm nượp mải mê với phố phường.

Có anh công nhân xây dựng đang hút thuốc trông có vẻ nhàn rỗi, tôi tiến lại gần hỏi China town, anh rút điện thoại Iphone chỉ trỏ trên bản đồ số định vị GPS. Tôi bàng hoàng về sự chênh lệch giai cấp phu hồ giữa hai đất nước.

Tôi tìm được chỗ nghỉ rẻ nhất trong khu phố Tàu với giá 30 đô Sing một đêm, khách sạn với cái tên Service World Backpackers Hostel nằm trên tầng hai của tòa nhà chung cư cũ. Căn phòng nhỏ xíu với ba cái giường tầng, tôi nằm giường tầng hai, xung quanh là mấy vị khách Tây và một người Ấn Độ.

Ngày đầu tiên, tôi leo lên mấy tuyến xe bus, MRT (tàu điện ngầm) để khám phá phương tiện công cộng và phố xá, tối về trò chuyện với ông nhà văn già - chủ khách sạn, chủ yếu là mấy thứ xoay quanh đề tài phụ nữ và các tác phẩm của ông. Những ngày lang thang giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Anh làm tôi tiến bộ nhanh hơn mong đợi. Tôi có thể nói chuyện hàng giờ với ông về những câu chuyện do ông khởi xướng, tôi mua cuốn sách “Người đàn bà ở khu phố Tàu” của ông, và hứa sẽ dịch nó sang tiếng Việt.

Hôm sau tôi mới tìm được chút tự hào về quê hương đất nước. Người Việt Nam nghèo khó nhưng tự lập và bền bỉ, cái này hơn đứt những công dân Singapore, hay ít nhất là những người Singapore tôi gặp và hỏi đường. Phương tiện hiện đại làm họ quên đi vài điều cần phải học hỏi như xác định phương hướng, hay lầm tưởng vài điều có thể là không thể.

Tôi muốn đi bộ thay vì xe bus hay MRT tới vài điểm đã được nghe nói nhiều trước đó, như Sở thú Singapore, bảo tàng Văn minh châu Á, Sentosa, công viên Merlion… Tất cả đều rất nhiệt tình, thân thiện, có điều không ai biết đường và hướng, họ chỉ biết MRT và bus, khi tôi nói muốn đi bộ thì họ chỉ lắc đầu, không thể, rất xa.

Tôi thì biết chắc là có thể, nên đành bỏ 8 đô Sing để mua tấm bản đồ, giá mà buổi chiều khi trở lại China town tôi gặp lại tất cả bọn họ, sẽ nói với họ rằng tôi vừa đi bộ về đó, có thể đấy. Các nước phát triển cứ hò hét nhau về những vấn đề mà họ cho rằng nghiêm trọng đến số phận loài người, trong khi ai cũng biết, thảm họa băng tan, hiệu ứng nhà kính rồi biến đổi khí hậu bắt đầu từ sự lệ thuộc quá đáng vào phương tiện hiện đại - những con quái vật sống bằng máu mủ của trái đất. Đó là chưa kể tới việc họ tự nhận mình là văn minh đầu tàu, họ tiêm vào đầu óc đất nước nghèo những thèm khát giàu sang, văn minh - một cách nói bóng bẩy của thụ hưởng. Để rồi cả loài người điên loạn chạy đua đến cái đích diệt vong.

Sau khi lững thững đi bộ từ Sentosa (một khu du lịch lớn), tôi còn hơi khó chịu vì thái độ của mấy tay bảo vệ Casino, họ không cho tôi vào trong vì lí do không đi giày. May mà có niềm vui nhỏ nhỏ với anh bạn người Bănglađét, anh nhờ tôi chụp ảnh rồi lại cùng tôi chụp với quả cầu gắn thương hiệu Universal ở trung tâm chiếu phim ngay trong khuôn viên Sentosa. Nếu không tôi sẽ còn cằn nhằn về nơi này mỗi khi nghĩ tới.

Bước theo hành lang điện, ngắm nhìn sự ngăn nắp, sạch sẽ, và tiện nghi hơi thái quá (với tôi), chợt nhớ đến phép so sánh người du khách Mỹ về thành phố sạch và núi rừng xanh. Có lẽ tôi không thực sự hợp với nơi này.

Rảo bước tới HarbourFron, một trung tâm thương mại lớn chỉ cách Sentosa vài phút đi bộ. Tôi thấy có kẻ nằm dài dưới tượng đài cạnh hồ nước. Chắc là một người vô gia cư, tôi định tới làm quen thì bị khựng lại khi thấy ông đang say ngủ, trên bụng còn ôm Macbook Pro, bên cạnh có hộp đồ ăn nhanh thương hiệu Mcdonald. Ôi tầng lớp vô gia cư của Singapore!

Vậy là tôi phải tìm một công việc ở nơi này, càng sớm càng tốt, nếu lâu chừng nào tôi sẽ bị dằn vặt cả về thể xác lẫn tinh thần chừng đó.

Trở lại Service World Backpackers Hostel ở khu phố Tàu lúc 9 giờ tối, tôi thấy ông nhà văn già còn ngồi trầm ngâm bên cuốn album ảnh, ông nói đó là tài sản quí giá nhất mà người cha quá cố để lại. Trong ông, người cha ấy không chỉ là một nhiếp ảnh gia vĩ đại, mà còn là một người anh hùng. Tôi chỉ vào bức ảnh ba đứa trẻ nắm tay nhau nghênh ngang đi dưới rặng dừa:
- Bức này đẹp quá. Đây là đâu vậy bác?
- Việt Nam đó, năm 1998.
- Ồ, vậy là cha của bác đi nhiều quá.
- Phải rồi, ông đã đặt chân tới hầu hết các nước trên thế giới. Những bức ảnh bày bán khắp nơi trong các phòng tranh ở khu phố Tàu này là những gì ông để lại cho đời sau mỗi chuyến đi.
- Để lại cho đời sau mỗi chuyến đi? Nếu cháu cũng có những chuyến đi mà không có máy ảnh thì sao bác nhỉ?
- Có người để lại những vần thơ, có người để lại phát kiến khoa học, lại có người chỉ để lại vài câu nói cũng khiến người ta nhớ tới. Như bác thì cầm bút viết nên dăm ba câu chuyện đi qua cuộc đời mình, cũng là một cách để lại.

Mấy lời tâm sự cùng ông già làm tôi suy nghĩ mãi. Cũng đã đi được một chặng đường dài để đến đây, nhưng tôi để lại được gì nào? Hay chỉ là những thỏa mãn riêng mình? Tôi cũng có thể viết như ông, bằng chứng là tôi đã viết đầy hai cuốn nhật ký rõ dày. Nhưng viết gì đây khi mà những câu chuyện đi ngang cuộc đời toàn là tồi tệ và dang dở. Mỗi lần nhìn lại quá khứ ê chề ấy, tôi lại muốn bênh vực mình không sai, muốn đổ lỗi cho mọi thứ xung quanh. Phải rồi, bởi vì tôi quá nhỏ mà, bởi vì tôi chỉ bị xã hội hóa thôi. Khi mà tất cả mọi thứ bên cạnh, từ cuốn sách bán chạy nhất, đến những danh nhân có ảnh hưởng nhất, hay cả những người bạn thân thiết, ai ai cũng kinh doanh, ai ai cũng làm giàu, thì tôi làm sao có thể là người ngoài cuộc được cơ chứ. Tôi làm theo sách dạy, bỏ cả đại học để kinh doanh, lao tâm khổ tứ vào những ý tưởng để cho ra đời những sản phẩm, dịch vụ chưa từng hiện hữu, rồi tôi cũng học theo những đàn anh đàn chị, sắm những bộ áo quần, giày dép bảnh bao, mở mang những cơ sở mới khang trang, to lớn hơn nhiều so với khả năng của mình, vì phải hoành tráng mới ký được hợp đồng, ai cũng nói thế. Rồi để lại được gì, lo toan của mẹ? hi sinh, khổ ải của bạn? hay một đống nợ nần không có phương hướng giải quyết?

Không, tôi cũng sai, tôi sai rồi. Câu chuyện của cuộc đời mình mà tôi toàn để người khác viết nên, xã hội viết nên. Phải là tác giả của chính cuộc đời mình thôi, như những bước tôi đang đi, vui sướng và hân hoan trên từng chặng đường. Còn đối với mấy thứ ngoài mong đợi đến với câu chuyện cuộc đời mình thì nên xem đó như một tình huống kịch tính, câu chuyện hấp dẫn nào cũng cần có kịch tính mà.

Nhưng còn một vấn đề nữa phải động não, đó là cái hậu quả to đùng của ngày cũ. Cứ tưởng đi là dứt được nó, là bỏ lại phía sau. Thực ra tôi chỉ cố xua đuổi nó mỗi khi suy nghĩ ấy ùa đến, mỗi khi hình ảnh thằng bạn khốn khổ hi sinh vì tôi hiện về. Có lẽ định mệnh là thứ để đối đầu, không phải để trốn chạy. Được rồi, tôi sẽ làm ra tiền để trả nợ, chiếu theo sở thích, nguyện vọng của bản thân và gợi ý của ông nhà văn, tôi sẽ viết truyện, một câu chuyện hay chưa từng có trên thế gian. Chẳng phải trong tiền lệ cũng có những người trở thành tỷ phú từ vài tập truyện tưởng tượng đó sao. Có thế chứ, có vẻ như tôi đã nhận ra mục đích của cuộc đời.

Và dường như đã thỏa mãn những tranh đấu với chính mình, tôi lăn quay ra ngủ, một giấc dài.

Sáng hôm sau tỉnh giấc, tôi thấy mình khoan khoái vô cùng. Mất một tiếng để vạch vẽ những tình tiết tiếp theo cho câu chuyện cuộc đời mình, tôi quyết định sẽ đi khỏi nơi đắt đỏ này, đến một vùng đất khác để sống và viết truyện. Tôi đang nghĩ sẽ viết về tương lai loài người nhiều trong nhiều năm nữa, khi mà trái đất đã diệt vong, còn họ đã đủ thông minh để biến mình thành tí hon, cư ngụ trong những vi hạt vật chất vô cùng nhỏ bé (hạt quark chẳng hạn), thứ không dễ gì bị phá hủy. Đảm bảo là vẫn sẽ có làng mạc, trẻ thơ, tình yêu và những anh chàng thích phiêu lưu. Còn câu chuyện nào hay hơn thế!

Qua vài người Singapore nhiệt tình, tôi biết cũng tại đây có tàu biển đi Batam, một hòn đảo của Indonesia. Khẩn khoản chào đảo quốc sư tử, China Town và ông nhà văn già, tôi lên đường ngay trong chuyến tàu đầu tiên buổi sáng hôm đó. Tổng kết lại mất gần 150 đô Sing trong hai ngày làm du khách đúng nghĩa (bao gồm tiền khách sạn, ăn trong quán).

Trích "Trở Lại" - Nguyễn Nhật Lâm. Facebook.com/trolai.vn
 
Từ Malaysia qua Sing bằng đường bộ ,hải quan Sing kiểm tra kỹ lắm bác ạ,nếu chẳng may bị đánh dấu vào hộ chiếu thì khó nhập cảnh vào Sing lần sau,hoặc giả sử có vào được cũng bị cháo hành gần chết.
 
Những câu chuyện dưới đây được viết dựa trên 2 cuốn hồi kí trên đường của tôi hồi năm ngoái! Nếu mọi người thấy không quá nhàm chán, tôi sẽ tiếp tục up.

Vừa nhập cảnh Indonesia tôi đã gặp những ký ức bị lãng quên vài tháng tháng nay, đám xe ôm nhao nhao chào khách, vài tài xế taxi đánh giá hơi cao vẻ bề ngoài phóng khoáng của tôi cũng đeo đẳng mãi không thôi. Con đường nhựa dính nham nhở đất bùn sau cơn mưa lại không có vỉa hè làm tôi hơi ái ngại về chỗ ngủ đêm nay, hỏi đường vào trung tâm thành phố thì người người lắc đầu vì chẳng ai biết tiếng Anh, tôi biết mấy thứ rắc rối thường đến trước sau đó mới kéo theo niềm vui bất ngờ nên vẫn bình thản đón nhận.

Có cặp vợ chồng trẻ bên lề đường như đang chờ đợi điều gì, người vợ trùm khăn kín đầu, chắc là tín đồ Hồi giáo, anh chồng phì phèo điếu thuốc gợi ý cho tôi cơ hội làm quen từ cái bật lửa. Và thật may họ biết tiếng Anh. Chuyến xe bus cố tình muộn giờ làm câu chuyện của chúng tôi thêm chín muồi, anh là thợ sửa chữa tàu biển, chị là y tá còn tôi một gã lang thang cần chỗ ở. Anh nói anh có một phòng trống cho tôi, nhưng chỉ có thể ở được một tuần cho tới khi anh trả căn nhà thuê trở về Jakarta quê hương họ.

Đảo Batam chỉ cách Singapore có 45 phút đi thuyền, nhưng thiết nghĩ từ sự lạc hậu nơi này đến văn minh nơi kia chắc cũng vài chục năm. Trên một tuyến phố dài, anh bạn mới quen chỉ: “Toàn đồ cũ Singapore đấy”.

Anh tên Ken, nhiệt tình và tốt bụng, ở cùng anh tôi được thiết đãi rất tử tế, chỉ có điều tôi phải làm quen với cách ăn bốc và đồ ăn thường chỉ là cá, món tôi chúa ghét kể từ ngày bị hóc xương hồi năm, sáu tuổi. Trước khi từ giã hòn đảo mười năm gắn bó, anh đưa gia đình mình thăm một vài địa điểm trên Batam nên tôi có dịp đi ké. Cây cầu Barelang nối đôi bờ bán đảo, kiến trúc nhìn chẳng khác cầu Mỹ Thuận, anh nói đây là cây cầu rất nổi tiếng của xứ này, có nó người dân trên các đảo có thể dễ dàng đi vào trung tâm thành phố.

Lần này, tôi có dịp làm du khách, còn anh là hướng dẫn viên. Băng qua cây cầu vắt vẻo và những cung đường ngoắt ngoéo giữa núi rừng, anh đưa tôi đến một di tích đầy xúc cảm. Ngôi làng của người Việt xưa chỉ còn lại hoang tàn đổ nát và anh bảo vệ tên Abu trông coi khu bảo tồn nói tiếng Việt rất sõi. Hơn hai trăm ngàn người Việt từng tới đây mở làng lập ấp giờ vắng bóng, tiếng nhạc vàng vẫn da diết từng bước chân, lời cầu chúc trên cuốn sổ lưu niệm giữa nhà văng vẳng âm vang quá vãng xa xăm, và cối xay, con thuyền mối mọt… Anh nói họ đi mười mấy năm rồi. Tôi cũng để lại vài dòng, chúc cho những linh hồn mãi mãi tự do.

Một ngày, tôi theo nhóm của anh đi tới một bến cảng gần chân cầu BareLang để thực hiện hợp đồng cuối cùng trước khi về lại Jakarta, là sửa tàu cá cho một ông chủ người Singapore. Sự xuất hiện tình cờ của tôi hôm đó hóa ra lại rất may mắn cho ông chủ đó và hai mươi bốn thuyền viên. Họ là người của đảo Phú Quý, thuộc tỉnh Bình Thuận, Việt Nam và hoàn toàn không biết tiếng Anh. Người Singapore vẫn hợp tác kiểu này với các thuyền đánh cá của Việt Nam trên bờ biển của họ, tức là họ lo chuyện thủ tục trên bờ, ngư dân lo chuyện sóng gió ngoài khơi, cá tôm về chia đôi. Đúng là không phải chia đôi lúc nào cũng công bằng.

Tôi theo tổ sửa chữa và thuyền trưởng xuống tận khoang máy, ông chủ Singapore từ trên thò đầu xuống, bố thắng bị hỏng, máy rất nóng, tàu chỉ có thể tiến mà không lùi được. Vấn đề chỉ ở chỗ là mua một cái bố thắng mới đúng chủng loại thay thế cái hư, thế là xong. Tôi phiên dịch rất tốt, nên được cả hai trọng thưởng. Ông chủ người Sing trả công 400.000 rúp cho một buổi sáng ấy, còn anh em thuyền viên Việt Nam thì đồng ý yêu cầu cho tôi ở lại và ra khơi cùng, bất chấp việc tôi không có mấy thứ giấy chứng nhận từ Việt Nam giống thủy thủ đoàn.

Sóng to gió lớn đánh trùm đầu, những giấc ngủ bồng bềnh, ăn bất cứ thứ gì đánh bắt được, và bia là những gì tuyệt vời nhất mà tôi được trải qua trong một ngày cùng họ. Vì biển động nên thuyền lại phải quay đầu về bờ mà không tiếp tục hải trình như dự kiến. Biết rằng có lẽ là duyên chưa tới với chuyến hải hành cùng các anh, tôi từ biệt để trở về nhà Ken và ngỏ ý xin đi cùng anh tới Jakarta. Trước khi đi tôi gửi lại anh thuyền trưởng tàu cá hai cuốn nhật ký đã ghi đầy, nhờ anh mang về nước cất giữ giùm vì sợ đường dài hư hỏng, hẹn ngày về nước sẽ gặp anh xin lại. Anh còn nói:
- Em gái anh làm giám đốc gì to lắm ở Sài Gòn, nghe nói cũng làm bên in sách báo gì đó, mai mốt nó đọc được lại xuất bản hai cuốn tập này của chú thành truyện thì chú thành nhà văn rồi.
- Không đâu anh, đó chỉ là nhật ký thôi, còn truyện thì em đang sáng tác đây, khi nào xong em sẽ liên lạc với anh để nhờ vả tiếp. - Tôi vừa trả lời anh vừa chìa cuốn sổ ghi đã được mấy chục trang câu truyện viễn tưởng của mình.

Lời nói bông đùa của anh gieo rắc vào đầu óc đầy mộng tưởng nơi tôi bao niềm vui là lạ. Chào anh, tôi tiếp tục lên đường.

Rời Batam đi Jakarta trên một chuyến tàu khổng lồ, chở hàng ngàn hành khách, có vẻ như chỉ mình tôi là người ngoại quốc, họ vồn vã hỏi thăm, nhìn ngó, những cặp mắt tò mò. Trèo lên khoang trên cùng, nơi có một quán cà phê, có thể ngắm bốn phía đại dương bao la, tôi nghêu ngao mấy dòng thơ cũ:

Ta đi nhốt gió thênh thang gió
Tháo hết si cuồng trong mắt ai
Ta về ôm lá tràn lan đổ
Trâng tráo cười vang một tiếng dài
Ta đi bắt nắng mênh mang nắng
Trả lại cho đời mỗi sớm mai
Ta về hiu hắt triền đê lạnh
Xóa giúp ngày xưa những dấu hài
Ta đi xây những mùa xuân mới
Cho thế gian thêm vạn tiếng cười
Em về hâm nóng mùa đông lại
Nhớ giữ son hồng trên nét môi
Dù sao
Ngày ấy
Cũng qua rồi!(1)

(Thầm nghĩ, cuộc sống mới của loài người trong câu chuyện viễn tưởng của tôi vẫn sẽ có nhà thơ).

Biển sớm mai, bọt trắng bắt đầu hiện rõ, không nhợt nhạt như hồi chiều qua, bốn phía là một đường viền mông lung. Đại dương những ngày không bão tố trông hiền hòa như một cái hồ lớn vậy. Tôi đang chờ đợi bình minh, tôi thích ngắm cái thứ đỏ mọng ấy đặc biệt là giữa chốn mênh mông thế này. Mặt trời mà phối hợp với đại dương thì còn gì hợp hơn chứ.

Con thuyền chẳng khác nào tâm của cái compa để xa xa là đường tròn tịnh tiến. Những tia nắng đầu tiên như cố gắng bứt khỏi mây đen, bình mình ào đến, huy hoàng làm lấp lánh cả sự chờ đợi của người lữ khách.

Tàu đi được một ngày đêm, bốn phía vẫn xanh ngắt và im lìm. Vòng tròn trời biển nhẫn nại tịnh tiến về phía Tây Nam. Có cô gái Indonesia đứng cạnh lan can thả hồn vào biển, gió khẽ bay bay tóc rối, nhìn thật đẹp. Ông bạn già không biết tiếng Anh làm quen bằng dấu hiệu, ông chỉ vào cô gái ý hỏi ok chứ? Tôi thật thà đưa ngón tay cái, quá ok. Ông đánh mắt như hồi được mấy chục cái xuân xanh về phía cô gái rồi quay sang tôi nhìn tinh nghịch, đưa tay lên làm động tác cho thức ăn vào miệng, biết ông định nói có muốn ăn thịt cô ả không? Tôi phá lên cười như nắc nẻ, hóa ra ở đây người ta cũng dùng cái động từ ăn thịt để giãi bày dục vọng.

Buổi tối cuối cùng, tôi lại một mình trèo lên tít mũi thuyền, nơi chẳng có ai dám đứng vì gió to quá. Thầm ước có một người con gái để dạy em nhổ bọt xuống biển, ôm siết vòng eo để em dang tay thật rộng, cùng nhau bay đến muôn vàn cung bậc yêu thương. Giật mình mới thấy chị, vợ Ken, đứng đó từ lúc nào.

Tôi đọc được ánh mắt mông lung nhiều xúc cảm lạ của chị như đang muốn vỡ òa những tâm sự sâu kín. Anh và hai cháu đã ngủ say còn chị không thể nào chợp mắt. Mười năm trước, khi thằng nhóc lớn mới lên hai tuổi, anh thì biền biệt với những con tàu cả năm chẳng về. Phút yếu lòng chị đã sa ngã vào cám dỗ tưởng chừng như không thể có cơ hội làm lại, chị đã làm chuyện động trời ấy mà tai hại lại là với chính người bạn thân của anh. Còn ông trời khéo trêu người phàm tục, để anh trở về nhà trong buổi tối kinh hoàng ấy. Nhát dao hận thù của anh may mắn không lấy đi tính mạng người bạn thân nhưng chắc sẽ chẳng thể lành vết thương lòng cho đến hết kiếp người, nắm tóc mà anh cắt đi của chị trong cơn bấn loạn đã để chị tuột vào đêm đen, rồi trôi dạt đến tận đảo xứ này, bỏ lại mọi bẽ bàng đau đớn. Người đàn ông lưng trần gió bể cuối cùng cũng gạt được hết ghen tuông, đi qua mọi đàm tiếu trần ai, bế đứa con trai hai tuổi đi tìm cho mãi đến ngày hội ngộ. Chị nói mình đã đi qua và hạnh phúc cho đến tận bây giờ, chỉ có điều mỗi lần nghĩ lại thấy có lỗi với anh, con và chính mình. Nước mắt chị rơi tới đâu, gió thổi bay bạt tới đó, tôi cầu mong những đau thương của chị cũng bị gió cuốn đi.

Rồi Jakarta rực sáng vẫy chào tôi và chị trên mũi tàu, đón những cơn gió đất liền, bỏ lại đại dương mãi bất tận phía sau. Xin chào Jakarta, tạm biệt Batam, tàu Pelni, và đại dương. Một hành trình mới lại bắt đầu.

Trích "Trở Lại" - Nguyễn Nhật Lâm. Facebook.com/trolai.vn
 
Thư gửi mẹ. Trích "Trở Lại" - Nguyễn Nhật Lâm

Tôi xin làm việc tại một xưởng may gia đình ở Tây Jakarta, nơi chủ xưởng là chị gái ruột của Ken. Công việc đơn giản, đóng mấy thứ nhãn nổi tiếng lên những bộ quần áo, sau đó gấp gọn gàng cho vào bịch nilon. Có cậu em trai tật nguyền chỉ có một mắt (là con trai chị chủ xưởng) phụ tôi đóng gói. Làm 8 tiếng một ngày, tôi có nguyên buổi tối để bay bổng cùng tác phẩm để đời.

Sáng hôm đó trời mưa như trút nước, xưởng không có việc, tôi với nó ngồi vầy nước ở trước hiên nhà, nó nói tiếng Anh không được sõi, nhưng đủ hiểu những câu chuyện. Nó hỏi tôi đất nước Việt Nam mùa này thế nào, tôi đã quên ngày tháng bấy lâu nay nên hỏi nó giờ là tháng mấy, nó không nói gì mà lật đật vào xé tờ lịch ngày đỏ chót. - Ngày 10 tháng Tám anh ạ. Tôi giật lấy tờ lịch nhanh và mạnh đến nỗi làm thằng bé bàng hoàng. Chỉ nhớ tôi nói to lắm, mùa thu em ạ mùa đẹp lắm. Hôm nay là sinh nhật anh đấy! Niềm vui lồ lộ trên con mắt duy nhất ở trên mặt của nó làm tôi rơm rớm xúc động.

Sinh nhật tôi vào mùa thu Hà Nội, chắc chẳng phải tại thế mà hoa sữa cứ bay hương ngào ngạt và nước Hồ Tây nín sóng trong veo. Tôi định ra mạng internet để nghe một bài hát về mùa thu, xem mấy lời chúc mừng của những người bạn trên Yahoo, Facebook.

Bức thư thứ nhất là lời mẹ chúc mừng sinh nhật, chắc nhờ Thảo đánh máy. Mẹ thì thường chỉ chúc bình an và sức khỏe. Mẹ hồi âm từ bức thư tôi gửi bà trước đó, từ mùa thu trước, sinh nhật trước. Tôi đọc lại nó mà lòng lắng xuống như hòn sỏi rớt xuống ao thu lạnh lẽo của Nguyễn Khuyến:
“Mỗi khi thấy cô đơn là con lại tìm về hình bóng của mẹ, như đứa trẻ đói tìm bầu sữa thơm. Lật tìm những kí sự trong cuốn nhật ghi cũ nát.
Ngày thứ Sáu.

Tết vừa đi qua, mùi vị bánh chưng và không khí tụ họp gia đình vừa cuốn theo cơn gió thời gian vô tình bay mất.
Tối qua, một mẩu chuyện về mẹ, rồi dồn dập những hồi ức những hình ảnh đầy thân thương của mẹ tràn ngập đầu óc con, nó đầy đến nỗi mà ép cả những giọt nước mắt của con ra phía ngoài má.

Con đã khóc, không kêu gào, không khổ sở, nhưng con đã khóc. Ngày xưa con khóc vì đau, bây giờ con khóc vì thương. Nghĩ đến nỗi nhọc nhằn và sự hi sinh của mẹ là con có thể khóc bất cứ lúc nào. Lớn rồi con ít khóc lắm, con chỉ khóc cho mẹ và cho chính bản thân mình thôi.

Còn nhớ một lần, hồi tập quân sự ở Vĩnh Phúc, con đã một mình lên đồi để khóc, vì sự cô đơn của con, vì nỗi buồn của con ngựa bất kham độc hành.
Còn hôm nay, ngược lại, con khóc vì có người yêu thương mình đến thế. Những bước con đi, không phải lúc nào con cũng ngoái lại để nhìn đôi mắt yêu thương của mẹ, có những lúc con đã hì hục bước mà quên cả tình yêu của mẹ.

Đã mấy năm trôi qua, nhanh quá. Con đã rời xa tổ ấm, rời xa căn phòng đấy ánh sáng gần 3 năm. Cuộc sống bên ngoài hợp với con hơn, bởi con có đôi chân của con ngựa bất kham, được phi nước đại trên thảo nguyên bất tận thì còn gì thú hơn. Con biết, mẹ vẫn lo cho con nhiều lắm, còn con, có phải vì quá tự tin mà chẳng bao giờ đoái tâm đến nỗi lo của mẹ.

Ngày thứ Bảy.

Sài Gòn nóng nực. Con đang nằm và nghĩ về nỗi lo của mẹ. Con nghe một bài hát buồn và thấy nhớ mẹ.

Lâu rồi con không viết lách, con mải chống chọi với cuộc sống mà quên dành thời gian cho góc nhỏ tâm hồn mình. Con đã học được rất nhiều điều mẹ à, con biết cười vào những khó khăn khốn đốn, con biết nhường nhịn người khác, con còn biết thương yêu.

Lúc này đây, con đang bị chiếc roi cuộc sống giáng cho những đòn đau đớn lắm, nhưng con không hề có ý định sẽ gục ngã. Điều đó đáng vui phải không mẹ? Con học được nhiều điều lắm rồi mà không biết phải khoe với mẹ từ đâu.
Trường học chỉ vỗ về con, có chăng chỉ là những lời hăm dọa, còn trường đời thì thẳng tay trừng phạt, thậm chí là đánh con một cách thậm tệ. Con thích việc đó, con đã đủ lớn để chịu đựng nó, những vết hằn đau đớn là những bài học giá trị tuyệt vời.

Ôi mẹ à, con nhớ cái sự yên ấm nơi mẹ, nhưng con vẫn phải xa nó. Để trưởng thành, mẹ đừng ngăn cản con mẹ nhé. Sự ủng hộ của mẹ tiếp cho con thêm biết bao nhiêu sức mạnh.

Ngày 10/08 - Chủ nhật.

Con ra internet đọc vài dòng tin mẹ nhắn offline cho: "Con về Hà Nội chưa? Con có khỏe không?".
Đọc những lời ấy mà như thể đang được nghe giọng mẹ nói, sao con thấy ấm áp, thấy được yêu thương. Giữa trăm ngàn bộn bề, phiền toái, mẹ chỉ hỏi con có khỏe không? Tình yêu của mẹ cho con bắt nguồn từ nơi nao mà bất tận đến thế. Biển khơi còn có khi lên lúc xuống, tình mẹ cho con lúc nào cũng đầy ắp, thật vĩ đại và diệu kỳ, tình yêu của mẹ.

Ngày hôm nay là sinh nhật con, 24 năm nay, còn nhỏ thì bố mẹ tổ chức, lớn lên con tự tổ chức, chắc đây là lần đầu tiên con không tổ chức sinh nhật. Điện thoại vừa mất, sẽ không có những lời chúc mừng, bạn bè thì ở phương xa, sẽ không có những món quà.

Mẹ ơi, có phải con đang tủi thân không nhỉ? Còn nhớ mẹ bảo con, dù thế nào mẹ cũng tổ chức sinh nhật cho con để có những dấu ấn về tuổi thơ bên gia đình, để có bay đi phương trời nào cũng không quên về góc sân nhà bé nhỏ. Hồi đó, con vẫn chưa ý thức được điều mẹ nói, còn bây giờ, giữa sự cô đơn này, con thấm thía nó hơn bao giờ hết. Những hình ảnh về thằng Nhật trắng trẻo, xinh trai hiện về, chạy nhảy trong mớ kỷ niệm.

Con sẽ không ngừng rèn luyện quyết tâm, khí tiết. Con tin vào sức mạnh mà mẹ đã truyền vào trái tim liều lĩnh và dũng cảm của con. Con tin vào bàn tay và sự sắp đặt diệu kỳ của Chúa, sự công bằng, quy luật của con Tạo.
Con dừng bút mẹ nhé, chúc mẹ luôn bằng an, chúc cho lòng quyết tâm và sự dũng cảm của con nữa.
Có khi nào ai đó khóc vì mẹ của mình chưa?”

Trích "Trở Lại" - Nguyễn Nhật Lâm. Facebook.com/trolai.vn
 
Và tôi Trở Lại...

Ra đi từ cuối đông, nếu trở về là giữa thu, vậy là tôi đã đi qua bốn mùa, có phải vì thế mà bức thư chị gửi hối thúc tôi trở lại. Bức thư thứ hai không phải là một lời chúc mừng, nhưng rõ ràng ai đó bày tỏ ngưỡng mộ mình, còn làm ta thích hơn cả một lời chúc ấy chứ. Chưa kể, chị là một doanh nhân trẻ thành đạt, xuất hiện trên rất nhiều các diễn đàn kinh tế, những giải thưởng tầm cỡ châu lục tôn vinh chị, vài cuốn sách kỹ năng sống mà tác giả là chị, do nhà xuất bản của chị phát hành, ai ở thế hệ tôi mà chẳng từng đọc ít nhất một lần. Thế mà chị lại bày tỏ lòng ngưỡng mộ với hai cuốn nhật ký ghi nguệch ngoạc, viết với tất cả ngẫu hứng và cảm xúc trần tục, hâm mộ hành trình lang thang, không tiền, không khách sạn của tôi - Hóa ra người em gái của anh thuyền trưởng tàu cá Phú Quý lại chính là chị, tôi quá đỗi bất ngờ. Chị ngỏ ý muốn mời tôi trở lại Việt Nam để hợp tác viết một cuốn sách dựa trên những hồi ký trên đường của mình. Còn nói đã đặt vé máy bay sẵn cho tôi, chỉ cần quyết định sẽ có thể về bất cứ lúc nào.

Bước khỏi cửa hàng internet, tôi lại nghĩ tới nó, ân tình mà nó dành cho tôi, lỗi lầm của tôi mà nó phải gánh chịu, đổ vỡ của tôi mà nó phải nhận trách nhiệm. Những cú đấm đá của chủ nợ với doanh nhân trẻ (từ tôi hay dùng để mỉa mai quá vãng của mình), những đêm trắng, đục mờ, với lũ trẻ mới lớn mà chủ nợ phái đến canh gác tôi trong khách sạn, chúng đập đá, quan hệ tình dục ngay trước mũi tôi.

Và nó lôi tôi ra khỏi đống lộn xộn, bằng cách này và nhiều cách khác, bằng cả việc lừa dối gia đình, vì nó làm gì có tiền, nó là sinh viên.

Để từ đó tôi ra đi, chỉ nói với nó - tao đến Paris, giàu có sẽ trở về - Nó bảo - tin mày, đi đi. Giờ trở lại vẫn với sự trắng tay như lúc ra đi, hay phải kể thêm với nó về những lời hứa hẹn của chị sau khi hoàn thành cuốn sách, và rằng ra về bằng tấm vé hạng thương gia mà chị đã đặt chỗ, có quá trơ trẽn không?

Tôi lững thững bước đi vô định, cho đến tận khi những cột đèn lênh khênh đỏ cuống. Tôi quyết định sẽ gọi điện về cho nó, ít nhất là để hỏi han tình hình, việc tôi đã quên mấy tháng nay, kể từ ngày ra đi. Trước khi chào nhau đã nghĩ chỉ gọi về cho nó khi giàu có, khi câu đầu tiên sẽ phải là: ”Đọc số tài khoản đi tao chuyển tiền cho. Tao giàu rồi!”

Cuối cùng cũng tìm được một bưu điện. Nó vẫn để cái nhạc chờ quen thuộc, khúc nhạc dạo của bài hát ”Mặt trời bé con”.

- Alo, Thái nghe.
- Tao đây, mày khỏe chứ?
- À mày à. Sao chẳng thấy điện về? Thế nào rồi, ổn cả chứ? Đang ở đâu rồi?
- Từ hôm chào mày, tao đã đi được một đoạn đường dài, những không phải đến Paris nữa, tao đang ở Jakarta.
- Vậy à, nghe hay đấy, kể qua tao nghe.
Rồi tôi say sưa kể cho nó nghe hành trình của mình, những ngày tháng trên đường. Hai thằng nói cười phớ lớ như chưa từng xa nhau, nó thích nhất cái đoạn tôi gặp cô gái Nhật, còn hỏi, không làm ăn gì thật à?

- Thái này, còn chuyện bà chị mời tao về hợp tác viết và xuất bản, mày nghĩ sao?
- Quay trở lại, lợi hại gấp đôi, về đi tao lên Nội Bài đón.
- Mày thì không nói làm gì, nhưng còn mọi người, tao chẳng có mặt mũi nào gặp lại ai cả.
- Mày chẳng phải đã nói với tao, là con người có quyền năng tối cao là được quyền lựa chọn. Chẳng phải vì thế mà mày ra đi, bất chấp khó khăn trước mắt. Trở lại hay không cũng chỉ là một sự lựa chọn, và cái quyền đó vẫn nguyên vẹn.
- Nhưng tao chưa thành đạt, mọi người ai cũng chờ đợi tao điều đó.
- Vậy thì hãy thành đạt đi, về để thành đạt. Chị ấy là một người có uy tín trong xã hội, nếu đã đánh giá cao khả năng của mày thì hãy tin đi. Tự cổ chí kim vẫn luôn có những người thành đạt bằng việc viết sách mà. Hãy lựa chọn...

Nó nói xong câu đó thì điện thoại tút tút, mất tín hiệu. Tôi gọi lại thì đã tò te tí, có lẽ là hết pin.
Tôi trở về xưởng may, xé hai miếng giấy nhỏ vuông vức, một tấm ghi ”TRỞ LẠI”, một tấm ”ĐI TIẾP”, gấp nó làm bốn, vuông vức và kín đáo, xóc thật đều trong hai lòng bàn tay úp lại, tôi tung hai miếng giấy lên cao, chụp lấy một miếng.

Từ tốn mở mảnh giấy chụp được ra thấy hai chữ rõ ràng, ĐI TIẾP - chữ của mình thật đẹp - tôi cười. Rồi nhặt miếng giấy còn lại vương trên nền nhà, siết thật chặt. Tôi sẽ TRỞ LẠI, vì tôi được chọn mà, đâu phải sự may rủi ngẫu nhiên hay cái gì đó có thể thay tôi lựa chọn cuộc đời mình.


Bốn tiếng đi bộ từ trung tâm thành phố Jakarta tới sân bay Soekarno, băng qua con đường nhựa có dải phân cách và tường hào chia rẽ hai thế giới Giàu - Nghèo. Tôi cười, bức tường Berlin chưa bao giờ sụp đổ. Nhưng, ngày đêm vẫn có bao con người nỗ lực vượt qua nó bằng những cách riêng họ.

Máy bay cất cánh lao vào không trung cao tít. Tôi sực nhớ ra vẫn còn một câu chuyện dở đang chờ mình viết tiếp, câu chuyện tương lai loài người. Tôi chính thức bắt đầu là tác giả những câu chuyện đời mình.

Tạm thời HẾT...


Đó là câu chuyện một quãng ngắn đời tôi. Chúc cho ai đó tìm được vài thứ tiềm ẩn trong góc khuất đời mình. Chúc cho chân cứng đá mềm.

Cảm ơn các Phuoter đã nhiệt tình theo dõi, ủng hộ, comment góp ý trong thời gian qua.

Nhờ mọi người Like giùm Facebook

www.Facebook.com/trolai.vn

Hoặc đặt mua sách ủng hộ gã kể truyện trên đường, nếu ai muốn có chữ kí, nhớ lưu ý khi đặt hàng, tôi hân hạnh kí tặng.

http://tiki.vn/tro-lai.html

Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn!!
 
Bữa giờ thấy topic này nhưng chưa một lần nhấn vào để đọc, đọc được 1 thông tin trên báo là có cuốn sách này, thế là mua về đọc ngấu nghiến, sau 2 tiếng thì đã xong.
Bạn Lâm viết hay và rất lôi cuốn. Những chặng đường bạn đi qua là những trải nghiệm thật thú vị mà không phải ai muốn cũng làm được. Chúc bạn thành công.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,171,029
Members
192,336
Latest member
hakhaclinh
Back
Top