What's new

[Chia sẻ] Một chuyến viễn du nữa của Sinbad-Người đi biển

"Đặt chân xuống sân bay, bao mối bận tâm bình nhật như trời hôm nay có ấm ngang với số quần áo mũ tất đem theo hay không, số tiền 1000 đổi từ nhà đem theo có đủ để về tới khách sạn hay không, các cô gái ở đây xinh thật - không hiểu họ có đúng như sách vở đã kể hông, tính ẩu tả trứ danh của dân nước này có biến cái visa mất công xin được thành thứ bỏ đi hay không v.v. vội lọt đâu mất khỏi đầu thằng bé. Thằng bé được nghe những từ quen thuộc “pozhalyusta” dịu dàng và sáng sủa… “detsky” ròn tan và vui tươi… “luidi” ấm áp và đầy tin tưởng… qua đó nhận ra âm hưởng ấm áp, trìu mến và niềm hân hoan trong trái tim mình. Nó lắng nghe người ta nói tiếng bản xứ và ngạc nhiên khi thấy mình cũng nói được “chut-chut” tiếng bản xứ. Đã 23 năm nay nó chưa từng nghe mình nói cái thứ tiếng ấy bao giờ. Cuộc đời nó thoát khỏi khối hộp của các “dealing”, “scandal”, “shocking”, “contract”, “ăn nhậu”, “dằn mặt”, “dò đài”, “dứt điểm”. Nó trở lại với thời thơ ấu, với các cô thiếu nữ nhân hậu và chàng trai dũng cảm, các ông bà lão độ lượng và sâu sắc, với lòng tốt và nhân tính…”

Vừa đọc lại, người viết liền kéo chuột quét khối và xóa các dòng vừa viết ở trên. Không, chuyến đi vừa rồi, đi cùng người bạn đồng hành sắc sảo và tốt bụng quen thuộc, không phải là chuyến đi về tuổi thơ. Nó có nhiều êm đềm, rực rỡ, hân hoan, sung sướng nhưng cũng thừa những liều lĩnh, rủi ro, đen đủi, hiểm nguy và vực sâu hun hút… Đó là một chuyến viễn du nữa của Sinbad-Người đi biển. Gió lạnh 8 độ C và mưa lún phún đón thằng bé ở sân bay.

 
Last edited:
Cám ơn Danngoc đã cung cấp tư liệu quý về các bức tranh và hiện vật ở Hermitage. Chính tôi đã ghé thăm đến 3 lần, nhiều bức tranh và tượng đã trở thành quen nhưng chưa hiểu hết lịch sử sự tích, tác giả và ý nghĩa của chúng. Thật là một bộ tư liệu quý cho những ai yêu và quan tâm đến nghệ thuật.
 

"Nữ gia sư đến nhà ông thương gia" 1866
V.G. Perov 1834-1882



"Những người đi sãn đang nghỉ chân". 1871. Do P.M. Tretyakov mua về.
V.G. Perov.



"Đường sắt vừa tới". 1868. P.M. Tretyakov mua năm 1883 từ N.K. Baklanov.
Vasily Perov 1833-1882.



"Nikita Pustosvyat. Tranh luận về đức tin." 1880-1881
Vasily Grigorievich Perov
Vào cuối sự nghiệp, Perov quay về các chủ đề liên quan lịch sử nước Nga. Ông chọn chủ đề về cuộc ly giáo thế kỷ 17 phát sinh do các cải cách giáo hội của Thượng phụ Nikon. Nikita Pustosviat là biệt danh; tên thật của ông là Nikita Konstantinovich Dobrynin. Danh hiệu "Pustosviat" được các phe phái của giáo hội chính thức gán cho ông. Năm sinh của ông không rõ; ông qua đời năm 1682. Pustosviat là một giáo sĩ vùng Suzdal, một nhà tư tưởng của phe ly giáo. Hội đồng nhà thờ 1666-1667 tuyên bố ông này có tội và trục xuất ông khỏi dòng tu. Năm 1682 các tín đồ Cựu giáo (Old Believers) tận dụng cuộc nổi loạn của đám Streltsy (bộ binh) tại Moskva để đưa ra đòi hỏi phải trả nhà thờ lại cho "Đức tin cũ". Trong điện Kremlin đã có "các cuộc tranh luận về đức tin", trong đó Nikita phát biểu như nhà hùng biện chính. Ở trung tâm của bức tranh chúng ta thấy chính Nikita. Bên cạnh ông là tu sĩ Sergius cầm bản kiến nghị. Trên sàn nhà là Đức Tổng Giám mục Kholmogory Afanasy, mà Nikita vừa in lên má "một dấu thập giá". Ở phía xa là đội trưởng quân Streltsy, Công tước I.A. Khovansky. Sa hậu Tsarevna Sofia vô cùng khó chịu bởi sự xấc xược của phe ly giáo và giận dữ đứng lên từ ngai vàng. Ngày hôm sau Nikita và những người ủng hộ ông bị chém đầu về tội kích động người dân. V.I. Surikov đánh giá bức tranh rất cao.
 

"Người nông dân gặp khó khăn". 1873.
Matvey Afanasyevich Chizhov 1838-1916.

Mô tả bác nông dân trong giờ phút khó khăn nhất trước cơ ngơi bị cháy, bên đứa con nhỏ. Sự sụp đổ của chủ nghĩa cổ điển (classism) làm xuất hiện chủ nghĩa tự nhiên (naturalism) trong nghệ thuật điêu khắc. Chủ nghĩa tự nhiên thâm nhập vào điêu khắc, củng cố vị trí của trường phái tự nhiên, dẫn đến sự mất đi cảm giác về phong cách và cảm giác về chất liệu. Sư phát triển các tác phẩm điêu khắc giá vẽ trong nửa sau thế kỷ 19 có liên hệ chặt chẽ với sự hình thành các nguyên tắc về tư tưởng và nghệ thuật mới mẻ. Các tác phẩm điêu khắc có bổ sung nội dung xã hội luận giải trên khía cạnh thể loại và tường thuật vốn không phổ biến trong ngôn ngữ tạo hình. Nhóm tượng "Người nông dân gặp tai họa" rất gần gũi do nội dung này đã được thể hiện trong rất nhiều tranh của các họa sĩ lưu động mô tả nỗi vất vả trong cuộc sống. Nhóm tượng kết hơp nội dung thực tế với các nhân vật đã được hàn lâm hóa hình tượng. Một bác thợ cày rậm râu buồn bã ngồi gục mái đầu tóc xoăn, như trong kịch sân khấu. Một chú bé trông như các vị thần Ái tình thế kỷ 18 đang đầy cảm động tìm cách an ủi bác ta. Nhóm tượng cũng mô tả các dấu vết của vụ cháy: các mẩu gỗ hóa tro còn sót lại của ngôi nhà, các mảnh tài sản nông dân. Kỹ thuật chạm cẩm thạch ở trình độ rất cao. Độ mềm của mái tóc em bé và bộ râu quai nón tuyệt đẹp của bác nông dân được thể hiện xuất sắc; sử dụng đục và nhiều dụng cụ đánh bóng khác nhau trên mặt cẩm thạch. Các mẩu gỗ cháy trụi, mảnh vải len thô tự dệt, làn da người mịn màng được thể hiện ở trình độ bậc thầy. Tuy nhiên, có sự mâu thuẫn rõ rệt giữa ngôn ngữ học thuật của điêu khắc, lớp vải trải đẹp mắt, sự thể hiện cao trên chất liệu đá và cách xử lý mang tính phong cách thuần túy, mặc dù những người đương thời không dễ nhận ra sự mâu thuẫn này. Tác phẩm của Chizhov đã thành công. Nhà điêu khắc được trao mề đay vàng tại các cuộc triển lãm ở Vienna, Paris và Viện Hàn lâm Nghệ thuật của Hoàng đế.











 
Bryullov là họa sĩ Nga đầu tiên có tác phẩm tầm cỡ thế giới. Vrubel là hiện tượng nghệ thuật tầm cỡ thế giới đầu tiên của thời kỳ tiền chiến, đại diện phong trào Tượng trưng (Symbolism) và Art Nouveau.

Những người dẫn giải đầu tiên về ý tưởng phục hưng tôn giáo là các họa sĩ Viktor Vasnetsov và Mikhail Nesterov (ngày nay được một số người dân tộc chủ nghĩa xem là họa sĩ Nga vĩ đại nhất của thế kỷ hai mươi; Nesterov còn sống tới khi được nhận Giải thưởng Stalin năm 1941), những người bắt đầu vẽ các bích họa tuyệt vời từ cuối thế kỷ mười chín tại các tu viện và nhà thờ. Cùng với họ là Mikhail Vrubel, nhân vật ghê gớm nhất của nghệ thuật trường phái Tượng trưng Nga, vẫn chưa được đánh giá đúng mức ở phương Tây, nhưng lúc này tại Nga được xem là nhân vật hạt giống của thời đại.

Vrubel, một người gốc Ba Lan có pha máu Nga, Đức, Đan Mạch và Tartar, đôi khi được gọi là Cézanne người Nga (với tính khí cáu bẳn của Van Gogh, ta có thể nói thêm như vậy), là rất đáng chú ý bởi thuyết nhị nguyên nghệ thuật của mình. Ông bắt đầu với việc sáng tạo ra tấm bình phong tranh thánh (iconostasis) cho một nhà thờ và kết thúc bằng bức tranh khổng lồ, huyền bí Con Quỷ trông xuống (1902), đỉnh cao của gần hai mươi năm ám ảnh với đề tài này. (Niềm tin ma quỷ theo cách hiểu của Nietzsche rất thịnh hành trong số những nghệ sĩ Tượng trưng Nga). Thậm chí Đấng tiên tri Moses (vẽ trên bức bích hoạ của nhà thờ Thánh Kyril ở Kiev) cũng được Vrubel ban cho một cái nhìn quỷ quái rất kỳ lạ. Nhà nghệ sĩ cảm thấy rằng đám ma quỷ của mình không quá xấu xa như các linh hồn ái nam ái nữ đau đớn khổ sở. Con Quỷ đang nhìn xuống của Vrubel, dõi mắt xuống từ một cảnh quan núi non quái dị, có một thân hình dài ngoằng, hai cánh tay mảnh khảnh khoanh sau đầu và một cái nhìn rất đàn bà, bị tổn thương, mỏng manh, nhưng đồng thời cũng hống hách và thắng cuộc.

Những nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng cùng một khuôn mặt thiếu nữ đã được dùng làm mẫu để chàng Vrubel hai tám tuổi nghiên cứu cho bức tranh thánh Đức mẹ Đồng trinh và cho những phác thảo đầu tiên của hình ảnh Con Quỷ. Sự tự mâu thuẫn về triết học và nghệ thuật giằng xé trong tâm trí nhà nghệ sĩ (cũng như những gien xấu) năm 1902 đã đưa Vrubel vào một viện tâm thần, tại đó ông qua đời năm 1910 ở tuổi năm mươi tư, với cặp mắt đã mù hoàn toàn. Họa sĩ Sergei Sudeikin đã viết lại mô tả chuyến ông tới thăm bệnh viện, về thân hình bé nhỏ của Vrubel, khuôn mặt hồng tươi với tròng trắng cặp mắt ông hóa màu xanh xám trông dễ sợ, một vành xanh sậm viền dưới mắt và quanh đôi môi. Sudeikin nghĩ những màu đó tượng trưng cho “cơn điên đông cứng”, nhưng Vrubel làm ông bất ngờ khi ngâm cho ông nghe Trường ca Iliad bằng tiếng Hy Lạp, thơ của Virgil bằng tiếng Latin, Faust bằng tiếng Đức, Hamlet bằng tiếng Anh và Dante bằng tiếng Ý, thêm vào lời bình bằng tiếng Pháp. Sudeikin trông thấy một phác thảo cái đầu Con Quỷ trong phòng của Vrubel – hình ảnh này vẫn tiếp tục ám ảnh nhà nghệ sĩ.
Năm 1906, Sudeikin tham dự cuộc triển lãm những họa sĩ Nga được tổ chức bởi Sergei Diaghilev ở Salon d’Automne, Paris. Phòng triển lãm bắt đầu bởi các tranh thánh và kết thúc bằng Vrubel. Gian Vrubel bao gồm một bức trướng lớn kích thước mười nhân mười sáu mét, bức Mikula Selyaninovich, diễn tả vị anh hùng Nga trong thần thoại. Năm 1896 nó được ra mắt tại cuộc Triển lãm Nghệ thuật Công nghiệp Quốc gia Nga ở Nizhni Novgorod. Mặc dù phác thảo của nó được Nikolai II thông qua, phong cách hiện đại bất thường của bức trướng đã tạo ra một xì căng đan giữa những người xem và trên mặt báo (đặc biệt, nó bị công kích dữ dội bởi nhà báo trẻ tuổi Maxim Gorky). Do sự khăng khăng yêu cầu của Viện Hàn lâm Nghệ thuật, bức trướng bị đưa ra khỏi gian triển lãm chính thức. Đó là một trong những sự hiểu lầm rắc rối về nghệ thuật-chính trị rất nổi tiếng vào khởi đầu thế kỷ.

Sudeikin và họa sĩ thần bí tao nhã Pavel Kuznetsov, cả hai đều có tác phẩm của mình tại cuộc trưng bày của Diaghilev, đã khôi phục bức trướng của Vrubel, lúc này đã bắt đầu bị bong ra trong kho chứa, gập lại như cái chăn. Cùng với bạn mình, họa sĩ phái Vị lai (Futurist) Mikhail Larionov, Sudeikin mỗi ngày đều rảo quanh Salon d’Automne và luôn trông thấy một người bè bè chắc nịch trong gian của Vrubel, đứng hàng giờ liền trước bức Mikula Selyaninovich. Đó là chàng thanh niên Pablo Picasso. Đây ắt hẳn là trường hợp duy nhất khi sở thích của một họa sĩ Tây Ban Nha phái tiền phong (avant-garde) và một quốc vương Nga vô cùng bảo thủ trùng hợp với nhau.


"Công chúa giấc mơ". 1896
Mikhail Aleksandrovich Vrubel. 1856-1910.

Bức bích họa này mang phong cách Art Nouveau. Họa sĩ lấy cảm hứng từ vở kịch của Edmond Rostand dựa trên 1 huyền thoại về thời kỳ hiệp sĩ ("La Princesse lointaine")(1895). Hoàng tử thi sĩ Jouffroy Rudel được nghe chuyện về cuộc hành hương của công chúa Melisande, sống ở mãi bờ bên kia biển khơi. Đem lòng yêu người đẹp, hoàng tử dâng tặng nàng các bài thơ và bài ca của mình. Dự cảm thấy mình sắp chết, chàng lên đường đi tìm người trong mộng. Con tàu chòng chành dữ dội giữa các đợt sóng, giữa bức tranh là chàng hoàng tử sắp chết đang cầm chiếc đàn lyre. Đứng bên cột buồm là bạn của chàng, hiệp sĩ và thi sĩ Bertrand. Bên phải là đám cướp biển, xúc động trước tình yêu sâu sắc của hoàng tử; những gì chúng đang chứng kiến cuối cùng sẽ biến chúng thành các hiệp sĩ thánh chiến tự tâm can. Vào phút cuối đời, hoàng tử cất tiếng hát về ước mơ của mình, nàng công chúa Melisande. Toàn thể thế gian – thiên nhiên cũng như tâm hồn con người – đều rung động trước những âm thanh cao vút. Ngay lúc ấy, cái đẹp khải hoàn khắp thế giới và diễn ra một phép màu: nàng công chúa tuyệt trần cúi xuống vầng trán nhà thơ. Bức tranh nhân cách hóa lý tưởng xuyên thời gian của nghệ thuật và sức mạnh tinh thần của nó trước cõi tạm trần thế. Bức bích họa được S.I. Mamontov đặt hàng với họa sĩ để trang trí cho phần nghệ thuật của gian triển lãm tại Hội chợ Nizhny Novgorod 1896. Vrubel cũng sáng tác một bích họa khác cho gian nghệ thuật, bức "Mikula Selyaninovich", ca ngợi sức mạnh của đất Nga. Ban tổ chức hội chợ đã loại bỏ cả 2 bức bích họa – mãi tới khi được đem về Moskva thì chúng mới được hoàn tất bởi các họa sĩ V.D.Polenov và K.A.Korovin dưới sự chỉ đạo của Vrubel.
 

"Con quỷ trông xuống" 1902.
Mikhail Aleksandrovich Vrubel. 1856-1910.



"Con quỷ ngồi". 1890.
Mikhail Aleksandrovich Vrubel. 1856-1910.
Vrubel xem con quỷ là "như một linh hồn, đau khổ và buồn phiền chứ không quá quỷ ác, nhưng nhìn chung là một linh hồn mạnh mẽ... một linh hồn oai nghiêm".


Vrubel.
“Hoàng hậu Thiên nga”. 1900
Hoàng hậu Thiên nga là nhân vật trong "Truyền thuyết về Sa hoàng Saltan” của A.S.Pushkin, lấy ý tưởng từ thần thoại cổ Slav. Truyện cổ tích này của Pushkin được hồi sinh trong vở opera cùng tên của N.A.Rimsky-Korsakov (1900). Vrubel thiết kế phông màn cho vở này, với người vợ của ông, Nadezhda Zabela-Vrubel (1868-1913) thủ vai Hoàng hậu Thiên nga. "Tất cả các ca sĩ đều hát như chim, chỉ riêng Nadya là như một con người!" Vrubel thường nói vậy về diễn xuất của vợ. Nhưng bức tranh không phải là bản vẽ trang phục cho nữ diễn viên; nó là huyền thoại quyến rũ về vẻ đẹp tột cùng, về bí mật của sự thể hiện của vẻ đẹp ấy trên thế gian. Thẩm mỹ của chủ nghĩa tượng trưng symbolism diễn giải con thiên nga là hình ảnh của cảm hứng, có khả năng hoặc là nâng cao tâm hồn hoặc tiết lộ với nó về mảng tối tăm, bí ẩn của cuộc sống. Họa sĩ đưa vào bức tranh các đặc tính ma quỷ. Hoàng hậu Thiên nga là tạo vật của thiên nhiên kép: nàng là biểu tượng của hai yếu tố: sự tăm tối, lạnh lẽo của nước; và sự thoáng đãng, thánh thiện hướng lên cõi trời. Họa sĩ cố gắng nắm bắt khoảng khắc khi người con gái biến thành chim, sự biến đổi kỳ diệu của hình dáng dường như tan chảy trong những tia nắng cuối cùng của mặt trời sắp tắt. Ông đóng khung chuyển động khó nắm bắt của Hoàng hậu sắp bay đi. Bức tranh có vẻ như một bóng ma quái gở của một ảo ảnh.



Vrubel
Lò sưởi "Volga Sviatoslavich and Mikula Selianinovich". 1899. Làm theo phác thảo của Vrubel.

 
Cám ơn bạn danngoc đã mở rộng thêm tầm mắt vào chốn thâm nghiêm bên trong của bảo tàng nổi tiếng thế giới Hermitage .
Đúng như bạn viết : "Trên đường phiêu lãng, ta sống thật dài mà cũng thật ngắn, bạn nhỉ " ...
Mình chắc chắn một điều rằng bạn đã nhìn thấy bức tranh " Những người kéo thuyền trên sông Volga " ... và...
Được đặt chân vào bảo tàng này là một may mắn rất lớn của đời người ...
Nhìn bức tượng cẩm thạch mà giật mình ... vì sự tài hoa của nghệ sỹ . Khơi gợi cho mình rất nhiều ....
Tự nhiện lại nhớ Trịnh : ..." Tình ngỡ đã quên đi như lòng cố lạnh lùng. Người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang "....
 
Bảo tàng Tretyakov ở Moskva chứ không phải Ermitazh ở Sankt Peterburg đâu ạ. Đến Tretyakov tớ lập tức có lại cảm giác hân hoan rapshody như cách đây 7 năm ở Louvre, nhưng khi tới Ermitazh thì... chỉ muốn chết ngay vì quá hạnh phúc, giống như được chạm vào ... vậy. Ermitazh không thể đi trong 1 ngày được.
Mà tớ thậm không thích TCS nhé :)
 

Vasily Ivanovich Surikov 1848-1916
"Buổi sáng cuộc hành quyết quân Streltsy". 1881
Bối cảnh bức tranh là sự trấn áp quân Streltsy (bộ binh thường trực, theo kiểu cổ) nổi loạn ở Moskva năm 1698. Piotr và những người thân cận đích thân tham gia chặt đầu bọn tử tù. Trong tranh, Surikov chủ đich vẽ Thánh đường Basil gần sát tường điện Kremlin, tạo cảm giác không gian Quảng trường Đỏ ngột ngạt và trấn áp. Ta càng lại gần hình ảnh của Sa hoàng thì sức mạnh của phe phản kháng càng bị tiêu tan. Logic của lịch sử đứng về phía Piotr. Surikov thường nói "Quá khứ đã xa thì yên tâm, đó là chuyện của Chúa".



Ta càng lại gần hình ảnh của Sa hoàng thì sức mạnh của phe phản kháng càng bị tiêu tan.



"Nữ Đại quý tộc (boyarina) Morozova" 1887
Feodosia Prokopievna Morozova (? -1675) là người ủng hộ nhà lãnh đạo tinh thần của đức tin cũ, Giáo trưởng Avvakum. Khoảng 1670 cô đã bí mật cạo tóc như nữ tu; năm 1671 cô bị bắt và năm 1673 cô bị đày đến Tu viện Pafnutief-Borovsky nơi cô bị bỏ đói đến chết trong nhà tù vách đất. Bức tranh được cống hiến cho Giáo Hội ly giáo thế kỷ 17. Cuộc ly giáo phát sinh là hậu quả các cải cách của Thượng phụ Nikon để thống nhất các nghi lễ và thiết lập tính thống nhất trong nhà thờ. Họa sĩ đã miêu tả cảnh khi Boyarina Morozova bị dong quanh Moskva để đến nơi giam giữ cô. Ở trung tâm là chính Morozova, bàn tay cô vươn lên, cầu phước cho đám đông theo cách hai ngón tay của tín hữu Cựu giáo. Các mảng đen trên trang phục cô tạo vẻ bi thảm cho bức tranh. Đám đông khán giả bị chia rẽ. Bên trái, họ đang chế giễu cô; bên phải, họ thông cảm với cô. Cạnh Morozova là chị của cô Evdokia Urusova, người cùng chia sẻ số phận những người ly giáo. Ở phía xa bên phải, ta thấy một người hành khất với khuôn mặt mang các nét chân dung của chính họa sĩ. Hình dáng kẻ hành khất được đặt dưới bức tranh thánh của Đức Mẹ Glykophilousa (Umilenie). Người ta nói về Surikov rằng trong tranh ông đã tái tạo "lịch sử chân thực, như thể ông là một nhân chứng của sự kiện."


 
Last edited:

"Piotr Đại đế hỏi cung Hoàng Thái tử Aleksei Petrovich tại Petergof". 1871.
Nikolai Nikolaevich Ge (1831-1894)

Ý tưởng vẽ bức tranh này xuất hiện nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Piotr Đại đế (1672–1725) và các tranh luận quanh vai trò của các cải cách của ông. Trong cách xử lý các nhân vật, Ge rất gần với nhóm họa sĩ lưu động (Peredvizhniki) và quan điểm của họ về cách vẽ các bức họa lịch sử. Xung đột được thể hiện mà không cần có nét khơi gợi cảm xúc. Việc mô tả đặc điểm các nhân vật và nội thất cung Mon Plaisir được xếp nằm dưới nhiệm vụ tạo độ chính xác lịch sử. Nguồn sáng chiếu chếch từ một bên tạo vẻ thường ngày cho bức tranh. Khuôn mặt Piotr Đại đế đầy sức mạnh nội tâm, tương phản với sự yếu đuối của Hoàng Thái tử, người có hình dáng như bị nhòa nhoẹt với nội thất căn phòng. Người xem lập tức hiểu được ai là người đúng xét về công lý trong lịch sử.
 

Ilya Efimovich Repin 1844-1930
"Ivan Hung đế và Ivan con trai ông, ngày 16/11/1581" 1885
Sa hoàng Ivan Hung đế (1530-1584). Đại Công tước "toàn Nga" từ 1533. Sa hoàng Nga đầu tiên (lên ngôi 1547). Ông đã thành lập Zemsky Sobor (Nghị hội Lãnh chúa) đầu tiên (1549-1550) và Stoglav (Trăm Chương) Hội đồng Giáo Hội (1551), đã chinh phục các vương quốc Khan Kazan (1552) và Astrakhan (1556). Trong triều đại của ông, Yermak đã chiếm được Siberia (1581) về cho Nga. Nửa sau triều đại của ông bị lu mờ bởi sự khủng bố Oprichnina (cơ quan mật vụ Sa hoàng) và các cuộc hành quyết hàng loạt. Chủ đề của bức tranh là một đoạn trong cuộc đời của Ivan Hung đế khi, trong một cơn giận dữ, ông đánh chết Ivan con trai và là người thừa kế mình (tiếng Nga - Tsarevich). Repin cố ý gán cho bức tranh một ngày tháng chính xác. Ý tưởng nảy sinh khi liên hệ với những ấn tượng tác động lên vị họa sĩ và những người đương thời của ông do vụ ám sát Aleksander II ngày 1/3/1881 và cuộc hành quyết những kẻ khủng bố diễn ra sau đó. Repin đã viết: "Rất tự nhiên, ta đi tìm một lối để thoát khỏi bi kịch lịch sử đầy đau đớn... Cảm xúc của chúng tôi trĩu nặng dưới những khủng bố kinh hoàng của thời đại chúng ta ...." Sự tương phản tâm lý của các nhân vật chính trong bức tranh đạt đến sự căng thẳng khác thường. Chúng ta nhìn thấy khuôn mặt bình tĩnh, gần như tranh thánh của Tsarevich, và khuôn mặt của Sa hoàng Ivan với đôi mắt lồi lấm đầy máu. Các tông màu đỏ chiếm chủ đạo trong bức tranh. Nó ở khắp nơi - từ màu hồng trên áo của Tsarevich đến màu đỏ Bóc-đô u ám trên sàn. Các thể hiện đầy tính hội họa của bức tranh là phi thường trong thời kỳ ấy.








 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,731
Bài viết
1,136,562
Members
192,533
Latest member
68vipwincom
Back
Top