What's new

[Chia sẻ] Một chuyến viễn du nữa của Sinbad-Người đi biển

"Đặt chân xuống sân bay, bao mối bận tâm bình nhật như trời hôm nay có ấm ngang với số quần áo mũ tất đem theo hay không, số tiền 1000 đổi từ nhà đem theo có đủ để về tới khách sạn hay không, các cô gái ở đây xinh thật - không hiểu họ có đúng như sách vở đã kể hông, tính ẩu tả trứ danh của dân nước này có biến cái visa mất công xin được thành thứ bỏ đi hay không v.v. vội lọt đâu mất khỏi đầu thằng bé. Thằng bé được nghe những từ quen thuộc “pozhalyusta” dịu dàng và sáng sủa… “detsky” ròn tan và vui tươi… “luidi” ấm áp và đầy tin tưởng… qua đó nhận ra âm hưởng ấm áp, trìu mến và niềm hân hoan trong trái tim mình. Nó lắng nghe người ta nói tiếng bản xứ và ngạc nhiên khi thấy mình cũng nói được “chut-chut” tiếng bản xứ. Đã 23 năm nay nó chưa từng nghe mình nói cái thứ tiếng ấy bao giờ. Cuộc đời nó thoát khỏi khối hộp của các “dealing”, “scandal”, “shocking”, “contract”, “ăn nhậu”, “dằn mặt”, “dò đài”, “dứt điểm”. Nó trở lại với thời thơ ấu, với các cô thiếu nữ nhân hậu và chàng trai dũng cảm, các ông bà lão độ lượng và sâu sắc, với lòng tốt và nhân tính…”

Vừa đọc lại, người viết liền kéo chuột quét khối và xóa các dòng vừa viết ở trên. Không, chuyến đi vừa rồi, đi cùng người bạn đồng hành sắc sảo và tốt bụng quen thuộc, không phải là chuyến đi về tuổi thơ. Nó có nhiều êm đềm, rực rỡ, hân hoan, sung sướng nhưng cũng thừa những liều lĩnh, rủi ro, đen đủi, hiểm nguy và vực sâu hun hút… Đó là một chuyến viễn du nữa của Sinbad-Người đi biển. Gió lạnh 8 độ C và mưa lún phún đón thằng bé ở sân bay.

 
Last edited:

Nữ công tước A.P. Golitsyna 1728. Tác giả: A. Matveyev (1702-1739). Việc xuất hiện một họa sĩ chân dung Nga khá trẻ thời này phải chăng là nhờ Piotr I bắt đầu đưa các họa sĩ vẽ tranh thánh Nga sang Hà Lan học hội họa Châu Âu?



Đầu tượng Piotr Đại đế. Cẩm thạch. Tác giả Nicolas-François Gillet 1709-1791. Bartolomeo Rastrelli type. Các vua Châu Âu rất thích mô tả bản thân như một vị thần Hy lạp. Ví dụ ở đây Piotr được tạc giống như Hercules, ta nhận ra nhờ trên vai có bộ da sư tử Nemea



Các mẫu khuôn mặt Piotr Đại đế phần lớn lấy từ mẫu chung là khuôn sáp Piotr sau khi mất. Sinbad chụp tại Bảo tàng Ermitazh, Sankt Peterburg.
 

A. Ya. Naryshkina và các con gái Aelskandra và Tatyana. Họa sĩ khuyết danh, đầu tk 18.
Bức tranh mô tả vợ của quan Tư lệnh đầu tiên của Sankt Peterburg (K.A.Naryshkin) Anastasia Yakovlevna Naryshkina (tước khi sinh ra là Nữ Công tước Myshetskaya) cùng các con gái Tatyana và Aleksandra. Bố cục kim tự tháp và màu sắc trong tranh vẫn còn gợi lại các phương pháp trong nghệ thuật tranh thánh Nga. Tuy nhiên, ta đã nhận thấy ánh lấp lóe của thời kỳ nghệ thuật Thời đại Mới (New Age). Các trang phục xa hoa, tư thế lễ hội và ấn tượng, cái mũ trang trí kiểu Hà Lan nhấn mạnh sự cao sang và vị trí xã hội cao của các nữ nhân vật. Các đứa trẻ được vẽ một cách sinh động là nét rất điển hình của nghệ thuật đầu thế kỷ 18. Họa sĩ dường như không cảm nhận được những cá tính đặc trưng của các đứa trẻ, cũng như các đặc tính giải phẫu và khuôn mặt vốn có của chúng. Ông vẽ chúng như thể chúng là người lớn thu nhỏ, và chỉ nhờ tỷ lệ kích thước cơ thể chúng nhỏ hơn nhân vật chính mà ta có thể đoán rằng chúng là trẻ em.


Sau thời kỳ các họa sĩ đến Hà Lan học việc, tới lượt các họa sĩ Nga đến Ý để nâng cao kiến thức và vẽ phong cảnh nước Ý, vẻ đẹp mà thời đó xem là tiêu chuẩn. Họa sĩ S.F. Shchedrin 1791-1830.



Shchedrin



Shchedrin và Rome.
 

Ekaterina II, 1770s.
Fedot Shubin 1740-1805.



Pavel I. 1800. Đồng
Fedot Shubin



"Paris". 1824. Cẩm thạch. Boris Orlovsky (1792-1837).
Chắc lúc này Paris đang chuẩn bị trao táo vàng cho Aphrodite.



Faun và Aphrodite



"Cậu bé xin bố thí". Cẩm thạch. 1844.
N.S. Pimenov 1812-1864.
 

"Chân dung M.V. Vorontsova" 1851
S.K. Zaryanko 1818-1870



Chân dung vẽ vào trước đám cưới của bà với Công tước S.M. Vorontsov. Mô tả một trong những vẻ đẹp quý phái nổi tiếng nhất thời ấy. Bức tranh rất ấn tượng, dù hơi lạnh lẽo và màu sắc có chút gay gắt.
 

"Bathsheba". 1832. Karl Pavlovich Briullov 1799-1852. Chủ đề lấy từ Kinh Cựu Ước, Sách Các Vua. Bathsheba là vợ tướng Uriah đang phục vụ cho Vua David. Vua David gặp Bathsheba đang tắm và hạ lệnh giết Uriah rồi đưa Bathsheba về cung. Để trừng phạt David, Chúa khiến đứa con đầu của David bị chết khi mới 7 ngày tuổi. Bryullov không bận tâm tới nội dung chủ đề bằng tới văn hóa Cổ đại phương Đông và vẻ đẹp nhức nhối của nó. Cái motif cơ thể trần trụi bừng sáng dưới ánh nắng cho phép họa sĩ bộc lộ tài năng đề co của mình. Khuôn mặt nữ nhân vật chính ẩn dưới bóng râm nhưng hình dáng được chiếu sáng phần nào, tạo cảm giác da thịt sống động. Các điểm nhấn màu được bố trí đó đây trên nền toan. Màu da trắng tựa cẩm thạch tương phản với màu đen của cô hầu da đen khiến bức tranh hơi nhuốm vẻ nhục dục.



"Cô gái cưỡi ngựa". 1832. Karl Pavlovich Bryullov.
Bức tranh vẽ theo mẫu là 2 chị em Giovannina và Amazilia Pacini, các thị nữ của Nữ bá tước Yulia Pavlovna Samoilova. Yulia Samoilova (née Palen, 1803-1875) là một người thừa kế giàu có và là người tình của Bryullov. Sau cuộc hôn nhân đầu với Bá tước N. Samoilov, kết thúc bằng cuộc ly hôn, bà du lịch khắp Châu Âu, chủ yếu sống ở Ý và Paris. Bà gặp Bryullov ở Rome và hai người yêu nhau. Bà tài trợ ông cho tới cuối đời, còn ông vẽ thật nhiều bức chân dung bà. Không may thay, họ không thể lấy nhau vì ly hôn là điều không được phép theo luật Chính thống giáo. Trong bức "Ngày cuối cùng của thành Pompei" cũng có chân dung bà (người mẹ với 2 cô con gái, người phụ nữ nằm chết ở giữa bức tranh). Điều quan trọng trong bức này là hành động của người cưỡi ngựa. Cô chị đang ghìm cương con ngựa phấn khích mình đẫm mồ hôi, dù nàng có vẻ hoàn toàn bình thản. Sức mạnh hoang dã bị khuất phục trước vẻ đẹp thanh nhã là một chủ đề ưa thích của phong cách Romanticism (Lãng mạn). Gương mặt cô gái mang vẻ đẹp lý tưởng. Vào thời của Bryullov, vẻ đẹp Ý vốn được xem là hoàn hảo - họa sĩ vui vẻ tận dụng ưu thế này.



Tại Peterburg, người ta gọi Bryullov là “Karl Thần thánh”. Pushkin cũng phấn khích và bị thu hút bởi “Ngày cuối của Pompeii” đến nỗi ông viết một bài thơ về nó (mà ông không hoàn tất):

Vesuvius hé miệng – khói bay ra – lửa
Bùng rộng lên, tựa lá cờ trận bay
Mặt đất lo âu – kìa hàng cột rung
Tượng thờ ngã! Người bỏ chạy khiếp hãi
Dưới làn mưa đá, mây tro nóng bỏng
Trẻ già chen lấn chạy bỏ thành phố

Gogol viết một bài báo ngây ngất mở đầu bằng “Bức tranh của Bryullov là một trong những hiện tráng sáng chói nhất của thế kỷ 19. Đây là sự hồi sinh của hội họa.” Sa hoàng ban cho họa sĩ buổi diện kiến và trao ông Huân chương Thánh Anna hạng kỵ sĩ. Nikolai I thích uy lực bức tranh của Bryullov; người ta kể ông cũng thích cả người vợ trẻ của họa sĩ. Bryullov nóng tính và kiêu hãnh, vốn rất lùn, cực kỳ ghen tuông trước một Nikolai khổng lồ. Một sáng nọ người vợ, khi đang đứng bên cửa sổ, nhìn thấy Hoàng đế đi cỗ xe ngựa đen kéo đến Học viện Mỹ thuật, nơi ở của Bryullov. Bà kêu lên “Ôi, Đức Thánh thượng kìa!”. Bryullov tức giận lao đến hét lên “Đấy, cô biết ngay là hắn!” rồi giật đứt cái hoa tai khỏi trái tai vợ.

Aleksandr Gerzen lập tức có bài báo về chủ đề “đối đầu” truyền thống giữa hai thành phố “Moskva và “Peterburg”: “Bryullov, lớn lên ở Peterburg, đã chọn cho nét cọ của mình hình ảnh khủng khiếp của sức mạnh hoang dã phi lý tiêu diệt người dân Pompeii – đó chính là cảm hứng từ Peterburg!”.



Bryullov. "Vua rợ Genseric cướp phá thành Rome". Vẽ 1835-1836. Genseric là vua bộ tộc Vandal (gốc là German) chuyên đi cướp phá. Bối cảnh bức tranh diễn ra năm 455 SCN: Genseric cho quân phá đổ tất cả cầu dẫn nước của Rome. Giáo hoàng Leo I mới đề nghị sẽ mở cửa thành Roem nhưng xin đừng giết người, đừng phá hủy công trình cổ. Genseric đồng ý và thế là cổng thành mở ra. Hoàng đế La Mã bị chết trong đám loạn quân. Rợ Vandal cướp phá và bắt đi nhiều người, trong đó có bà hoàng hậu Licinia Eudocia (vợ các Hoàng đế Valentinian III và Petronius Maximus) cùng các con gái.

Chủ đề bức tranh mang tính giải trí lẫn tính triết lý. Tính giải trí của nó giống hệt như các phim Hollywood: đánh vào nỗi sợ của khán giả - sợ hãi sự hoang dã, sợ cuộc sống bình yên sung sướng này bị biến mất, sợ những kẻ vô lại từ thôn quê đến cướp phá thành thị, sợ bọn ngoại bang (hay người ngoài hành tinh) xâm lược v.v.



Bryullov. "Cuộc bao vây thành Pskov của vua Ba Lan Stefan Batoriy (Istvan Bathory) năm 1581" vẽ 1839–1843.
Nội dung liên quan cuộc Chiến tranh Litva thời Ivan Hung đế (1558–1583). Trong năm cuối cuộc chiến, quân đội của Batory bao vây thành Pskov. Sáng ngày 8/9/1581, địch phá thủng được tường thành, chiếm được 2 tòa tháp Svinaya và Pokrovskaya. Sức kháng cự của quân phòng thủ yếu dần. Chỉ huy quân trong thành, Vương công (boyar) Ivan Shuisky, cùng với Tikhon Giáo trưởng Pechersky, khởi đầu một lễ rước thánh giá và chặn đứng được cuộc tấn công. Quân Pskov phá nổ tháp Svinaya có quân Ba Lan và đuổi được địch khỏi tháp Pokrovskaya. Quân của Batory phải đóng lại ngoài thành trong mùa đông và buộc phải đàm phán hòa bình với Ivan Hung đế vào tháng 12. Họa sĩ phái Lãng mạn Bryullov xem lịch sử không phải là cuộc chiến giữa các nhân vật cụ thể mà như một vở kịch chung của nhân loại. Trong tranh, ông mô tả đỉnh điểm của cuộc bao vây Pskov, khi đám thị dân run rẩy được khích lệ và thêm can đảm khi nhìn thấy đám rước thánh giá đang tiến khỏi thành phố. Trong phần bên phải của bức tranh, chúng ta thấy Phó vương tướng quân (Voevoda) Ivan Shuisky bước chân khỏi mình con ngựa vừa bị giết. Ông chỉ vào bức tranh Đức Mẹ và các thánh tích của Thánh Vsevolod. Bryullov cố gắng vẽ chính xác các tình tiết lịch sử. Ông đích thân đi tới Pskov để «chọn cảnh» của thành phố và nghiên cứu các phác thảo của A.O. Orlovsky vẽ các chiến binh Ba Lan. Tuy nhiên, ông không thành công trong việc tạo ra sự liền lạc giữa cảnh rước thánh giá với bản thân trận đánh. Khi nhận ra điều này, sự nhiệt tình của họa sĩ với ý tưởng này liền nguội lạnh.
 

"Người đàn bà chết đuối". 1847
V.G. Perov 1834-1882
Ta bắt đầu thấy những dấu vết của cuộc cách mạng. Giữa thời tiểu huyết "Chàng Werther" của Goethe, thời kỳ Lãng mạn, có nhiều vụ tự tử của thanh niên vì thất tình. Đến thời Thực tế Realist, nghệ thuật lại chiếu rọi về mối quan hệ giữa nam và nữ. Ức tranh của Perov khiến ta đặt câu hỏi lý do nào khiến người phụ nữ thuộc giai cấp lao động này phải trầm mình. Cảnh ông trương tuần bình thản hút tẩu bên xác chết như phản ánh sự lạnh lùng của xã hội.


"Đám tang" 1865
V.G. Perov 1834-1882



"Troika. Các thợ học việc kéo thùng nước" 1866
Troika là dạng xe tam mã, hoạc có nghĩa là bộ ba.
V.G. Perov 1834-1882





 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,730
Bài viết
1,136,571
Members
192,533
Latest member
68vipwincom
Back
Top