What's new

[Chia sẻ] Nam Á, ngày thu chưa vàng lá

Nam Á, ngày thu chưa vàng lá.


Mới hôm nào chia tay Ấn Độ những ngày đông rực nắng, tôi vẫn đau đáu ngày trở lại. Những ngày mùa đông tươi đẹp rờ rỡ nắng ở Ấn ngày đó, tôi đang mê mải vui, ngất ngây say đã phải vội về vì nhà có việc,… Để những đêm chập chờn mộng mị tôi vẫn như còn nghe tiếng lũ chim chao chát trên sông Hằng, ngỡ ngàng mơ một bình minh rực rỡ trên hồ xanh đền vàng Amritsar, da diết nhớ trưa sa mạc ngất ngưỡng trên lưng lạc đà miền Jaisalmer nóng bỏng… Nên giờ tôi đi. Nên hôm nay tôi về lại….


P7020299-1.jpg

Sẽ nhớ Sài Gòn những hoàng hôn mưa mùa…


P6220272-1.jpg

Tạm xa quán đẹp áo ai tha thướt…


Gửi lại Sài Gòn những sớm mai trong quán xanh yên bình lặng lẽ ngắm tha thướt bóng ai áo xanh áo đỏ. Rồi sẽ về lại Sài Gòn những buổi trưa trốn nắng đổ lửa, café một mình nhìn bóng thời gian chầm chậm trôi qua khung cửa hẹp xanh màu lá non tơ. Sẽ nhớ những hoàng hôn nắng vàng và mây xám chập chờn quấn quíu vờn nhau trước khi mưa ùa về. Tạm xa những đêm vui vui say say người người nói nói cười cười hát hát ca ca… Tôi đi.


P8200022.jpg

Tạm xa những đêm vui…


Lại một mình một ba-lô lóc cóc trên những con đường xa ngái, nơi thị thành tấp nập, miền sơn cước hoang vu, nơi phố chật người đông rác bẩn đặc trưng của Ấn, bức bối với lũ quạ tinh quái ồn ã, chen chân với những chú bò thiêng đủng đỉnh trên phố, chậm bước bên những chiếc saree nhiều màu lặng lẽ lướt… Tôi sẽ về lại.


P8220037.jpg



P8220043-1.jpg

Sẽ về lại Sài Gòn những trưa nắng đổ, một mình café, nhìn bóng thời gian đi…



Tôi đi. Nam Á những ngày hạ vừa đi thu chớm sang này chắc lá chưa kịp vàng…



…nghe như trong xa vắng giọng buồn ai buông lơi… “...Chiều nay trên bến muôn phương, có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường…”




04.09.2011 Kolkata, một chiều mùa mưa không có mưa và nóng nung người.​
 
02.01.2012 Nainativu, bình yên đền chùa bên biển vắng.

02.01.2012 Nainativu, bình yên đền chùa bên biển vắng.


Hồi sau của việc “đầu mùa xuân cởi trần đi lễ” thật ra rất đơn giản, lâu lâu tôi lại lên cơn joking một tý vậy thôi (và cũng như hầu hết những câu chuyện có đề cập đến ‘hồi sau”, mục đích chính chỉ để câu khách, còn lại thì như các bạn tôi, và cả tôi vẫn hay nói “dàn dựng vĩ đại mà nội dung nhảm nhí!”).


Nếu bạn đi Ấn Độ, ra vào những ngôi đền Hindu thường thấy những vị tu sĩ, phụ tế cũng như một số khách chỉ quấn xà cạp/longyi… và cởi trần khi vào cúng dường. Ở ngôi đến thiêng Hindu nổi tiếng nhất Jaffna và cũng của Sri Lanka, Nallur Kandaswamy Kovil có quy định chung là toàn bộ nam giới đến cúng dường hay chỉ ghé thăm đều phải cởi trần tuốt luốt. Nên khi tôi lớ ngớ thẽ thọt bước vào đền cũng bị đè ra cởi. Thế là hôm đó được may mắn bán-nuy đi lễ đền, rất phù hợp và mát mẻ (!?) cho cái nóng nung người Jaffna. Khó khăn là cho việc chụp hình lén ở ngôi đền thiêng cấm chụp hình này vì thân trần trụi nhét máy hình vào đâu! Nhưng rồi cũng chụp được, sau khi đã khấn lạy tạ tội!!!


DSCN4387-1.jpg

“Không phải em, nào đâu phải em…!!!” - Các nam tín đồ cởi trần đi lễ đền.



***

Tôi đã quyết định rời Jaffna về xuôi trong buổi chiều tối hôm trước, sau một đêm “sốc” trước một Jaffna như vẫn còn thời chiến, vẫn như còn giới nghiêm dù đêm của ngày đầu năm vẫn đì đùng pháo nổ trên phố. Mãi đến gần sáng, trong cơn chập chờn không ngủ được (vì muỗi đốt) tôi mới quyết định sẽ không vội rời đi ngay. Có lẽ vì tôi nghĩ rằng, dù có dịp quay lại Tích Lan (mà rất dễ xảy ra), tôi cũng sẽ không quay lại Jaffna một lần nữa! Nên tôi ở lại!


DSCN4498-1.jpg

Ngôi đền thiêng Hindu Naga Pooshani Amman Kovil bên bờ biển để bảo vệ những dân chài



Và ở lại, tôi đã may mắn đến thăm vùng đất lạ Nainativu, miền đất thiêng của Hindu lẫn Phật giáo của những ngôi chùa/đền là chung cho những đạo giáo khác nhau trên miền đất mà chính vì tôn giáo chiến sự đã bùng nổ…


DSCN4523-1.jpg

Bảo tháp bạc trong ngôi chùa thiêng Nagadipa, nơi bước chân Phật từng ngang qua



Một trong những vẻ đẹp lạ của Jaffna là những con đường causeway, những con đường trên biển dài hàng mươi km nối liền những miền đất, những hòn đảo. Cộng thêm là những miền đất đẹp và thiên nhiên tuyệt vời vì không bị con người hoang phá. Cộng thêm là những di tích xưa cũ xám màu thời gian lẫn mới mẻ lấp lánh. Cộng thêm là một ngày nóng nung người để nắng rực rỡ trời xanh miên man rất lạ của miền đất đang sù sụ những ngày mưa mùa nhiệt đới…


DSCN4543-1.jpg

Nainativu lâu lắm mới có ngày bình yên…


Cộng thêm nhiều thứ nữa, để có một Nainativu thanh bình và lộng lẫy, nhưng hồm nào kể tiếp há…


...
 
03-09.01.2012 Lướt vội vã qua những ngày lang thang Tích Lan

03-09.01.2012 Lướt vội vã qua những ngày lang thang Tích Lan


Bữa giờ, tôi lang thang qua bao nhiêu những miền đất hay lạ xứ Tích Lan, nhưng để có thể chia sẻ trọn vẹn sao tôi có thể làm được khi đang trên những bước đường lang thang…. Bạn nào có kinh nghiệm chỉ giúp tôi với.


Nên, tôi đành lại lướt nhanh vậy. Thứ lỗi thứ lỗi thứ lỗi…


03.01.2012 Lướt qua Vavuniya đến Trincomalee thăm những biển đẹp nhất bờ đông Tích Lan.

Vavuniya, ngày trước khi còn loạn lạc, đây là miền đất cuối cùng người ta có thể đến khi lên miền bắc Sri Lanka, vì lên nữa là đất của những con hổ Tamil. Chỉ vì vậy thôi mà tôi dừng lại đây thay vì xuôi tiếp xuống nam…


DSCN4604-1.jpg

Uppuveli, một trong hai bãi biển đẹp nhất bên bờ đông của “giọt nước mắt Tích Lan”


04.01.2012 Trincomalee một sớm mưa mùa nhiệt đới và con đường đăng đẵng đến Ampara…


Cũng vì tội đú đa đú đởn bình minh mưa Trinco, thay vì đi 2 chuyến xe là đến, tôi đã chuyển 9 chuyến xe để đến được Ampara một chiều mưa muộn… nhưng là duyên hay là số.


DSCN4706-1.jpg

Ngôi đền Hindu Kandasamy ở Trincomalee trong nắng sớm sau mưa


05.01.2012 Ampara, sao chiều nay không về voi ơi!!!

Tôi chỉ dự định ghé ngang Ampara vì những con voi hoang mỗi chiều ghé ngang chùa kính Phật, rồi đi. Nhưng tôi đã ở lại đây thêm một ngày, và muốn ở thêm nhiều ngày mai này tôi có quay lại miền đất hoang vắng ít người ngang qua, nhưng bước chân Phật đã 3 lần ghé này…


DSCN4876-1.jpg

Những chú voi chiều đó không ghé ngang nhưng tôi đã được viếng những miền đất thiêng khác nơi đây…


06.01.2012, 10 chuyến xe qua những miền đất thiêng, để đến miền đất thiêng Sri Pada



Có thể là hơn, nếu tôi cộng thêm 4kmx2lần đi bộ, cộng với cuốc xe miễn phí để tôi đến được 2 miền đất thiêng Maligaliwa & Budurugawala. Lần sau, tôi cũng sẽ lại làm vậy…


DSCN4930-1.jpg

Pho tượng Phật cao 11m từ thế kỷ 7 lung linh trong mai sớm ở Maligaliwa



DSCN4968-1.jpg

Những pho tượng phật khắc vào đá núi cao đến 15m (cao nhất ở Tích Lan) từ tK 10 ở Budurugawala



07.01.2012 Sri Pada hay tôi đang trở về Kailash?



Sau một ngày dài trên nhiều những chuyến xe, một đêm leo dốc đứng, đêm thứ 2 mất ngủ và cóng lạnh trên đỉnh núi, tôi dụi mắt nhiều lần khi nhìn bóng núi hình tam giác, cứ ngỡ mình đang trở lại núi thiêng Kailash ngày nao….


DSCN5056-1.jpg

Bóng núi thiêng Sri Pada hình tam giác như “kim tự tháp” Kailash vậy…


08.01.2012 Tưng bừng ngày tròn trăng tháng giêng của lễ hội Kelaniya


Tôi nhất định phải quay lại Colombo vì lễ hội Phật giáo lớn thứ 2 Tích Lan này, chỉ sau lễ hội Kandy tháng tám… và “tôi đã thấy gì trong đêm nay?”…


DSCN5389-1.jpg

Chú voi may mắn cõng xá lợi Phật, trong mấy chục chú voi của đêm vui đó


09.01.2012 Đường đi Galle ngày mưa không lạnh


May mà hôm đó trời mưa, nếu không “hành trình” cõng balo đi tìm nơi trú thân, lưu lạc từ Galle xuống tận Unawatuna từ 1pm đến 5pm của tôi có mà chết ngất. May mà tôi là đứa yêu những cơn mưa, những đêm mưa & những ngày mưa…


***


Vậy đó, trong tuần qua tôi đã lang thang vậy đó. Gần 30GB hình chụp được mà tôi chì chia sẻ được nhiêu đó. Bao giờ cho đến bao giờ!



....
 
10.01.2012 Galle & những ngày nắng đẹp.

10.01.2012 Galle & những ngày nắng đẹp.


Galle, một trong những điểm đến must-see của du khách khi viếng thăm Sri Lanka có thật sự là một điểm đẹp hay không – đối với riêng tôi, câu trả lời là thật sự vậy, với một điều kiện “nhỏ” khác: bạn cần có nhiều thời gian một tý để ngó nghiêng Galle vào những thời khắc khác nhau trong ngày, và hơn thế nữa là những miền đất đẹp xung quanh Galle, kéo dài từ đây vòng xuống mũi cực nam của Si Lanka, qua đến bờ đông bên kia. Còn nếu chỉ cỡi ngựa xem hoa, ngang qua dọc lại mấy con đường trong thành cổ Galle, còn nhỏ hơn cả Hội An thì bạn sẽ khó cảm nhận được vẻ đẹp của Galle, miền đất mà tôi đã bị “cầm chân” mất mấy ngày ở đây!

DSCN5470-1.jpg

Một góc Ấn độ dương nhìn từ thành cổ Galle.


DSCN5483-1.jpg

Cổng chính thành cổ và tháp đồng hồ, một trong những biểu trưng của Galle.


Thành cổ Galle không cổ xưa như Anuradhapura hay Polonnaruwa nhưng điểm khác biệt, và làm cho Galle cuốn hút là cuộc sống bên trong ngôi thành xưa này vẫn tiếp diễn bình thường. Một điều mà người dân Tích Lan gần đây mãi biết ơn ngôi thành cổ này là nó đã giúp cản bước tiến của cơn sóng thần năm 2004 và đã cứu được nhiều người.


DSCN5513-1.jpg



DSCN5504-1.jpg



DSCN5532-1.jpg

Những ngôi nhà thờ Công giáo, Hồi giáo xưa cũ & rạng ngời bên những con đường yên, trên những mái ngói đỏ xôn xao


Galle cũng xuất hiện trong truyền thuyết từ rất lâu, nhưng ngôi thành cổ này bắt đầu được biết đến từ đầu thế kỷ 16, khi người Bồ Đào Nha đến đây. Trải qua bao dâu bể, qua tay người Bồ Đào Nha, rồi người Hà Lan, người Anh… Galle cùng ngôi thành cổ được xây dựng lại vào thế kỷ 17 trở thành một cảng lớn quan trọng nhất của con đường giao thường từ Ấu đến Á, rồi nhường lại vị trí đó cho Colombo… Galle vẫn còn là một thành phố yên bình, với những người dân biển chơn chất, những con đường xưa yên ả, những ngôi nhà cũ cổ kính, sang trọng, những nhà thờ, đền đài, … cùng lặng lẽ nép bên nhau trong ngôi thành cổ nghe tiếng sóng vỗ về, rất gần, ngoài kia.


DSCN5546-1.jpg

Những gốc cây lớn đã cùng bức tường xưa kia ngăn cản sự hung hãn của cơn sóng thần năm 2004


DSCN5538-1.jpg

Hải đăng thanh thoát giữa trời xanh, tô thêm duyên cho Galle xưa cũ.



Một sớm mai trong trẻo giữa biển trời thênh thang, một trưa nắng cháy nép dưới bóng xanh, một chiều êm ngắm biển biếc mong manh nhiều những thuyền cá ra khơi… bạn sẽ cảm nhận một Galle rất quen, rất lạ và rất thân thương…
 
11.01.2012 Những miền biển đẹp từ Unawatuna đến Mirissa.

11.01.2012 Những miền biển đẹp từ Unawatuna đến Mirissa.



Tôi đến miền nam Tích Lan, dự tính là sẽ “đóng đô” ở Galle để khám và phá vùng đất này. Những thông tin về nơi nghỉ ngơi của LP 2009 đã quá lạc hậu so với hiện nay. Giá phòng rẻ nhất ở Galle bây giờ khoảng 20$ (giá theo LP là 5$, tuy nhiên nếu bạn đi 2-3 người thì cũng rất tiện vì họ cũng lấy giá đó cho chiếc phòng đó, nơi đây họ không có phòng đơn như các nơi khác) nên tôi nhảy xe bus tìm đến Unawatuna, một điểm đến cũng được highly recommended theo LP. Tôi “định cư” luôn ở đây, muốn đi đâu cứ cuốc bộ khoảng 10p ra đường cái chính bắt xe bus đi, xuôi ngược gì cũng rất nhiều chuyến xe qua lại.



Tôi vốn rất sân si (!?), thấy cái gì hay hay mà người ta làm được là tôi cũng cố gắng bon chen làm theo. Dù đã nhiều lần gánh chịu bao nhiêu là “thú đau thương” nhưng tật xấu vẫn không thể bỏ. Nếu bạn nào quan tâm đến Sri Lanka sẽ biết một trong những đặc trưng của miền biển phía nam đất nước này, cũng đặc trưng cho cả Sri Lanka, và được lên trang bìa của LP 2009,.. là hình ảnh những ngư dân “leo cột câu cá” – họ câu cá trên những chiếc cột đóng hơi xa bờ một chút, hơi chơi vơi giữa biển, trên những cây cột gỗ được truyền từ đời này qua đời khác... nên tôi nhất định phải tìm được cảnh đó để ngó nghiêng và chụp hình. Sáng hôm đó cầm cuốn LP ra đường đứng đón xe, chỉ vào bìa cuốn LP hỏi bà dì cùng đứng chờ xe, vui tính, thông thạo tiếng Anh và nhiều chuyện khác nữa (!) rằng con muốn đi đến điểm có mấy ngư dân leo cột câu cá như vầy thì đi đâu. Không cần nghĩ suy, dì hai trả lời chắc nịch “Mirissa”, dù theo LP là thường những ngư dân ở vùng biển Koggala mới hay câu cá kiểu đó. Nên tôi báo với chú em phụ xe là tôi muốn đi Mirissa thay vì Koggala.


DSCN5602-1.jpg

Tây đầm đu cột gỗ để câu cá ở Koggala!


Sở dĩ tôi đổi ý ngay như vậy vì tôi cũng có đọc LP về Mirissa, một điểm đến được cho là “Unawatuna của 20 năm về trước” vì sự hoang sơ chưa bị du lịch hóa của nó. Nên tôi đi Mirissa. Nên khi chạy xe ngang qua Koggala, thấy những chiếc cọc gỗ giữa biển, những người ngư dân đang câu cá tôi cũng mặc kệ, quyết định là cứ đi Mirissa rồi quay lại Koggala sau. Ngay buổi chiều đó, tôi mới biết quyết định này của tôi là cực kỳ đúng đắn – dù ở Mirissa không hề có chiếc cọc nào, cũng như không có cảnh những ngư dân câu leo cột câu cá nào hết.


DSCN5613-1.jpg

Những cây cột gỗ vắng bóng những chủ nhân thật sự của chúng – hẹn mai hén!


Vì là rằng, trên con đường đến Mirissa khi quay về bằng cách vừa nhảy lên nhảy xuống bus, vừa đi bộ… tôi được ngó nghiêng, chiêm ngưỡng nhiều bãi biển hoang sơ hay dù đã thương mại hóa nhưng vẫn tuyệt đẹp của vùng biển Nam Sri Lanka. Vì là rằng dù không có chiếc cọc gỗ nào ở Mirissa nhưng tôi “phát hiện” ra trên đường đi đây đó rải rác những chiếc cọc gỗ ở những vùng biển khác hứa hẹn những khung hình đẹp. Vì là rằng khi tôi quay lại Koggala, nơi tôi thấy những ngư dân đang leo cột gỗ câu cá mới hay nơi đây bây giờ là câu cá trình diễn, trả tiền họ mới leo cột câu cá, trả tiền họ mới cho chụp hình, và bạn cũng có thể nhờ họ cõng ra (để khỏi ướt) cây cột để leo lên đó ngồi câu cá, để người khác chụp hình bạn, rồi bạn đem về nhà khoe với mọi người về trải nghiệm thú vị đó (!?) – dĩ nhiên là bạn cũng phải trả tiền. Vì là rằng dù đã có nhóm khách khác trả tiền để họ trình diễn, bạn cũng không được phép chụp ké mà vẫn phải trả tiền… nói chung là có rất nhiều thứ “vì là rằng”…


Thế nên tôi hân hoan phơi phới dù tôi không chụp được hình đẹp về cảnh đó, dù rằng tôi cũng chụp được hình không phải trả tiền, dù những tấm hình đó tôi phải lượn qua uốn lại, thồi lên thụp xuống bao lần mới tránh được những ông tây béo tốt, bà đầm hở hang váy áo phất phơ trên cột.. lọt vào ống kính.


DSCN5586-1.jpg

Vùng biển vẫn còn là làng chài nguyên sơ ở Mirissa.


DSCN5595-1.jpg

Vùng biển ở Weligama. Ở hòn đảo nhỏ nhỏ đó, mà khi triều xuống lội bộ ra được, có khách sạn giá phòng rẻ nhất là 1.000$.


DSCN5603-1.jpg

Một bãi biển ngả nghiêng bóng dừa gần Koggala.


DSCN5625-1.jpg

Một bãi biển hoang sơ gần Koggala, lũ muống biển vẫn xanh mướt mượt mà dưới nắng cháy và tôi rất thích màu xanh của trời của đất của biển giao hòa.


DSCN5643-1.jpg

Và một hoàng hôn biển xanh cháy đỏ lửa mặt trời ở Unawatuna


Và ngày mai, hay ngày mốt, hay ngày kia… tôi sẽ quay lại con đường biển đẹp kia để có thể có những tấm hình đẹp tự nhiên mà lòng không phải vấn vương chút nào hết… Tôi hứa!
 
12.01.2012 Từ bờ tây, vòng xuống cực nam, qua bờ đông đến Kataragama

@ An Nhi, tôi dùng máy Nikon COOLPIX S3100, mua lúc có giá khuyến mãi chỉ còn đâu khoảng 2T1.

-----------------------------



12.01.2012 Từ bờ tây, vòng xuống cực nam, qua bờ đông đến Kataragama


Tuy có nhiều thành phố cổ xưa như Anuradhapura, Polonnaruwa… thế nhưng 2 miền đất được xem là linh thiêng nhất xứ Tích Lan lại không nằm ở các nơi đó, cũng như không phải là di tích văn hóa được Unesco công nhận. Đối với người dân mộ đạo Tích Lan, ít nhất trong đời phải được viếng thăm Sri Pada (Adam’s Peak) và một miền đất linh thiêng khác nằm xa xôi nơi cuối cùng của đất nước, gần với cực nam của “giọt lệ Tích Lan”, xứ Kataragama.


DSCN5682-1.jpg

Matara mai sớm nắng còn phiêu du nơi đâu.


Khó tìm thấy cái tên Kataragama trong các tour du lịch được giới thiệu trên đất nước “thuần Phật” này vì những gì còn lại của Kataragama hiện nay không đủ sức thu hút những du khách yêu thích những gì “cụ thể”, xưa cũ, to đẹp, hay hoành tráng… Thêm nữa Kataragama lại nằm ngược đường, xa lắc xa lơ, không nằm gần một cụm di tích danh tiếng nào khác nên khách du càng ngại tìm đến, đi lại xe cộ khó khăn, phải chuyển qua chuyển lại đến mấy chuyến xe mới có thể đến được. Vì thế, nơi đây là một trong những điểm đến còn “thuần” nhất, ít bị thương mại nhất của Sri Lanka… nhưng ngạc nhiên thay là tôi cũng gặp khá nhiều các khách du lịch bụi lang thang ngơ ngẩn nơi đây, trong một buổi sáng mùa đông lộng lẫy nắng nơi bờ tây, mịt mù mưa khi qua bờ đông của xứ Tích Lan lạ lùng nằm chơi vơi giữa biển đón nhiều những cơn gió mùa nhiệt đới khác nhau trong năm.


DSCN5689-1.jpg



DSCN5688-1.jpg

Những đồng xanh mướt, những hồ xanh trong, những biển xanh biếc miên man trên con đường miệt mài về Katargama.
Chỉ bấy nhiêu đó cũng đủ rồi…


Khi tôi nói mai sớm sẽ đi Kataragama, nhờ bác chủ nhà trọ mở cửa sớm, cả nhà nhìn tôi với ánh mắt ngưỡng mộ (tôi nói thật) vì họ nói rằng du khách đến vùng biển Unawatuna này chủ yếu tắm biển phơi nắng… ít có ai lang thang đến miệt xa lắc xa lơ đó, và họ cũng lo lắng cho cung đường tôi sẽ đi. Rồi mai sớm hôm sau, 5g30 sáng tôi đã lon ton cuốc bộ ra đường cái lúc Unawatuna còn chìm trong bóng đêm mịt mù. Mải miết tôi đón chuyến xe bus từ Galle đi Matara, xuống xe, tôi lại chuyển xe đi Tissamaharama. Chuyến xe này đi ngang qua mũi Dondra, cực nam của Sri Lanka, chia bờ biển thành 2 bờ đông tây mà khí hậu hoàn toàn khác nhau vì đón những mùa gió mùa nhiệt đới khác nhau. Xuống Tissa, tôi lại nhảy lên chuyến xe đi Kataragama, đến nơi lúc gần trưa – một chuyến đi mà tôi rút ngắn được hơn 1g đồng hồ theo thời gian mà LP đề cập vì tôi may mắn đi được mấy chuyến xe chạy thẳng, thay vì phải dừng thêm ở một vài tỉnh khác nếu như tôi khởi hành trễ hơn, và nói gì xa, chiều về tôi đã phải đi bằng nhiều những chuyến xe đường ngắn đó.


DSCN5700-1.jpg

Lung linh sắc màu Kataragama


DSCN5737-1.jpg

Thành kính nâng niu những trái dừa khô thắp lửa, âm thầm khấn vái, ước nguyện… nhưng sau đó phải ráng sức bình sinh mà cố đập vỡ trái dừa, nếu không vỡ thì… ôi thôi rồi!


Kataragama, miền đất linh của cả 3 tôn giáo, Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo với những di tích khảo cổ cho thấy có ngôi chùa Phật giáo được xây dựng từ thế kỷ thứ 2 trước CN… giờ không còn nhiều những công trình kiến trúc của ngày xưa. Nhưng không vì thế mà miền đất này không thu hút nhiều những người dân lành Tích Lan. Phố nhỏ xíu đìu hiu heo hắt, những ngôi chùa, đền đài trong cụm thành cổ Katargama đơn sơ mộc mạc pha các sắc màu rực rỡ của các ngôi đền Ấn giáo, nhà thờ Hồi giáo, chùa Phật giáo thanh bạch giữa những khu vườn xanh… tạo nên nét mộc mạc cuốn hút của Kataragama.


DSCN5692-1.jpg

Ngôi đền Ấn giáo nhẹ nhàng ẩn mình dưới khu vườn xanh mát


DSCN5724-1.jpg

Đá xưa của chùa xưa nhiều ngàn năm tuổi và bảo tháp mới bên nhau lung linh dưới nắng.


Trong tiếng chuông ngân nga may mắn tôi đến đúng giờ lễ trưa, tôi lang thang Kataragama yên bình, hòa trong những dòng người kính cẩn nâng niu những bông súng, bông sen nhẹ nhàng chân trần áo mộc đi dâng lễ… thấy cuộc sống nơi đây sao quá đỗi bình yên.
 
Không biết đến khi nào mới phượt kiểu thong thả nhẩn nha được như bác bpkvn!!!

Đợt Tết vừa rồi, bọn em có 10 ngày lang thang Ceylon, chừng ấy thời gian, em nghêu ngao từ Kandy trầm mặc, Nuwara Eliya bình yên, vương quốc trà Hatton, leo đỉnh thiêng Adam's Peak, cho đến miền biển xanh rì Koggala, Unawatuna, Hikkiduwa, Galle...

Sri Lanka đối với em đẹp giản dị như một cô gái quê chân lấm tay bùn, không nhuốm mùi phố thị phù hoa, tuy thô kệch nhưng rất lành...

Tặng bác bpkvn một chút không gian xanh mát bên bờ Ấn Độ Dương mênh mông. Hy vọng hôm nào có duyên hội ngộ ở SG.

402544_2563314447720_1399888289_31969076_1964828826_n.jpg
 
12.01.2012 Lặng lẽ chiều mưa Mulkirigala.

@bluesky85, cám ơn tấm hình đẹp của bạn, lũ dừa ở Tích Lan rất nghiêng ngả lả lơi há! Với bpk, Sri Lanka không “thô kệch” chút xíu nào hết mà rất lộng lẫy. Dù lang thang 1 tháng ở một đất nước nhỏ xíu, chỉ bằng 1/60 của Ấn Độ, bpk vẫn bỏ sót nhiều nơi lắm… Nhưng bpk biết chắc là ngày quay lại Sri Lanka của mình không xa. Còn về vụ “hội ngộ”, hay là bữa nào hẹn gặp ở quán “Hội Ngộ” Nguyễn Thông đi. Quán này xu hướng cạnh tranh với “Tràm Chim” nên cũng hay hay (dù chim ở đây vẫn còn xa mới như ở Tràm Chim)!

-----------------------



12.01.2012 Lặng lẽ chiều mưa Mulkirigala.


Thực ra, cớ sự cho việc tôi vác xác lặn lội ra đường từ lúc sáng sớm, như đi bắt trộm gà, để đi Kataragama cũng vì bản tính “tham sân si” đã được thành thật khai báo mà thôi. Vì tôi không chỉ muốn ghé thăm Kataragama mà còn muốn lượn ngang rẽ dọc nhiều nơi khác trên con đường đăng đẵng đến đây.


DSCN5678-1.jpg

Một góc Matara, cũng đẹp nhưng bị tôi “bỏ lơ” vì mê mải đi tiếp, hẹn lúc quay lại, nhưng lúc quay về đã tối thui tối thùi…



Như ước muốn được ghé thăm Tissamaharama, một miền đất xưa cũ với bảo tháp Tissa Dagoba được xây dựng từ thế kỷ 2 trước Công Nguyên và từng lưu giữ răng Phật, xá lợi Phật... Tissa không chỉ nổi tiếng về ngôi bảo tháp này mà còn vì phong cảnh làng quê bình yên tuyệt đẹp, những ao hồ nhân tạo hơn 2.000 năm tuổi, cùng thời với ngày xưa Anuradhapura hoành tráng… Tissa thật ra cũng là một điểm dừng nổi tiếng cho khách du đi bụi, để thăm thú cảnh những di tích xưa cũ của chính nơi này, hay ghé thăm miền đất thiêng Kataragama, hay là “căn cứ điểm” để thăm thú khu rừng nguyên sinh Yala nổi tiếng nơi miền nam xứ Tích Lan… Tôi đến đó, bị cuốn hút bởi Tissa lộng lẫy, nhưng rồi lại cuốn gói vội vã đi tiêp!!!


DSCN5757-1.jpg

Bảo tháp Tissa, từ thế kỷ 2 trước CN. Bạn có để ý chiếc lá bồ đề duyên dáng?


Tôi không dừng lâu ở Tissa vì còn mải mê tính toán những điểm nào sẽ ghé lại trên đường quay về. Từ Tissa, tôi lên xe về Tangala vì đã trưa, không còn xe về thẳng Matara nữa. Xuống xe ở Tangala, tôi lại nhảy lên xe đi Beliatta. Xuống xe ở Beliatta tôi lại leo lên xe Mulkirigala. Xe dừng trên đường quê, tôi lại lẽo đẽo cuốc bộ hơn 2km nữa mới đến được chân núi Mulkirigala.


Cớ sự gì mà tôi cứ leo lên leo xuống những chuyến xe vậy. Thực ra, ngày dừng chân ở Unawatuna tôi đã quyết định là sẽ không bươn chải (!?) nữa, định sống thử những ngày thư giãn bên miền biển đẹp này như những du khách đi nghỉ dưỡng xem sao. Rồi lại vác LP ra đọc, rồi lại “tám”, rồi mới đẻ ra ham mê mới, nhất định phải viếng thăm Mulkirigala, một ngôi chùa tạc vào lưng chừng núi đá, trên núi đá với các điểm nhấn vô cùng đặc biệt. Người Hà Lan, từng cai trị miền đất này vào thế kỷ 17-18, cho rằng trên ngọn núi đá này có mộ của Adam & Eva (!?), nhưng bên cạnh điều xem là huyền hoặc đó thì chính từ những văn bản bằng chữ Pali trên lá cọ phát hiện từ ngôi chùa đá được vua Saddatissa xây dựng từ thế kỷ 2 trước Công Nguyên này toàn bộ những bí ẩn về Phật giáo Sri Lanka đã được giải mã và khám phá. Đúng, chính tại một ngôi chùa đá xa xôi nơi đây chứ không phải từ các ngôi thành xưa nổi tiếng khác Anuradhapura, Polonnaruwa… Vậy, theo bạn có đáng cho tôi “bon chen” lặn lội để đến đây không há!?


DSCN5802-1.jpg

Những bậc thang đá nhiều ngàn năm tuổi trên con đường dốc đứng 533 bậc …


DSCN5819-1.jpg

…dẫn lên Mulkirigala một chiều mưa xám, dù bên kia bờ tây nắng vàng rực rỡ và biển xanh ngăn ngắt.


Không những thế, ngôi chùa trên núi đá Mulkirigala lại có thêm những điều cuốn hút thú vị khác. Được xem là Tiểu Sigiriya do nằm trên một ngọn núi đá cũng giông giống Sigiriya, những hang động nơi đây dù không có những bức vẽ tuyệt đẹp các nữ thần Tara nhưng lại lôi cuốn bằng những pho tượng đá được tạc trực tiếp vào các hang động, rất đẹp đẽ và sinh động… có thể so sánh với những pho tượng ở Rock Temple Dambulla. Chỉ hơi tiếc rằng một số pho tượng đẹp lại được che chắn bằng kính nên tôi không thể chụp hình để chia sẻ được. Tuy nhiên, với những gì có thể chụp hình được cũng có thể thấy được một Mulkirigala lộng lẫy của ngày xưa – dù chiều nay bên ngoài mây xám vần vũ và nhiều những cơn mưa rào rượt đuổi nhau vờn quanh núi vắng.


DSCN5811-2.jpg



DSCN5814-1.jpg



DSCN5828-1.jpg

Lộng lẫy những tranh tường, những pho tượng với những đường nét dung dị hiền hòa và rực rỡ sắc màu (bạn có thể ý chiếc gối Đức Phật nằm, rất khác ở những pho tượng kiểu này ở nơi khác – và rất giản dị).


Chia tay Mulkirigala, tôi còn dự định tìm đến pho tượng Phật đứng lớn nhất xứ Tích Lan, được xây dựng trong những năm 50-60 thế kỷ trước. Nhưng những cơn mưa chiều trói chân, và những chuyến xe bus càng về chiều càng thưa chuyến làm tôi không thể thực hiện được “tham vọng” của mình! Nhưng tôi không buồn, nhưng tôi không nuối, vì tôi còn có ngày mai, ngày mốt, ngày kia,… vì tôi còn có ngày trở lại Tích Lan không xa…


Để đêm đó, sau nhiều những chuyến xe, khuya lắc khuya lơ mới về lại “nhà”, vác mấy chai bia Lion Strong 8,8độ cồn lạnh buốt, ngọt tê chân răng ra biển đêm Unawatuna nằm, ngắm trăng muộn, nghe gió hát, nghe biển ru êm, để ánh trăng vàng ve vuốt mơn man, nghe K.H khắc khoải “đêm xưa biển này, người yêu trong cánh tay, đêm nay còn cát trắng, đêm nay còn tiếng sóng…”, cứ ngỡ mình đang ở cung Hằng… Mà ở cung Hằng thật sự có được như vậy?!
 
13.01.2012 Stilt Fisherman ở Tích Lan.

Tấm hình trên bìa LP 2009, tấm hình ở sân bay quốc tế Bandaranaike cửa ngõ vào Tích Lan, tấm hình trên bưu thiếp, tấm hình hầu như các bạn đi Tích Lan về đều có… là hình chụp những người ngư dân miệt biển nam Tích Lan đang câu cá trên những cây cột gỗ cheo leo ven bờ biển, hay xa hơn một chút giữa các vũng nước sâu bao quanh bởi các ghềnh đá, nơi lũ cá theo luồng chảy tụ tập về rất nhiều.


Không còn như ngày trước, ngay trong LP cũng có đề cập, nhiều bạn đi về cũng kể chuyện, tôi cũng chứng kiến… hiện giờ, hầu hết các tấm hình về các ngư dân câu cá trên cột hiện nay được chụp ở 2 vị trí, một nhóm đông những ngư dân ở ngay Koggala, kế bên một công viên ven biển và một khu resort lớn (tôi quên mất tên). Một vị trí khác trên một triền đá ven biển nằm ngay sát đường đi, trên con đường từ Koggala đi tiếp xuống Weligama. Nơi đây thường chỉ có 1 ngư dân câu cá mà thôi dù có 2 cây cột. 2 vị trí này rất đắc địa, dễ nhìn thấy từ xa nên giờ trở thành các điểm chính mà du khách dừng lại để xem, chụp hình và trả tiền. Các HDV du lịch đều biết 2 điểm này (tôi có nói chuyện với 1 anh và hầu như các tour đều đưa khách đến điểm chính ở Koggala), các tour du lịch tại vùng này đều quảng cáo về vụ “stilt fisherman”,… nên 2 điểm này giờ được xem như là show diễn câu cá cho khách, dù họ vẫn câu được rất nhiều cá mỗi khi biểu diễn. Nhiều người than phiền về việc này, về việc “thương mại” hóa cũng như việc bị đòi tiền ráo riết bởi những ngư dân. Mới thoáng nghĩ, lúc đầu tôi cũng hơi buồn nhưng sau đó tôi tự hỏi “Vấn đề xảy ra do ai?”. Chắc chắn không do những người ngư dân hiền lành này! Vậy tôi nên buồn hay nên thương họ hơn!


Tôi cũng đến cả 2 điểm đó, cũng chụp hình và không trả tiền – điều mà tôi cứ phân vân mãi là không biết là mình đã đúng hay sai, – dù tôi có nói trước với họ rất rõ là tôi sẽ không trả tiền và tôi có thể chụp được không. Nhưng việc tôi, trước đó & sau đó, lang thang vào các vùng sâu xa ven biển để gặp, thấy, chụp được rất nhiều những tấm hình những ngư dân câu cá trên cột để mưu sinh thật sự, quyết định không đưa tiền cho những ngư dân đó là điều tôi hoàn toàn không do dự hoặc phải suy đi nghĩ lại gì cả. Có thể có những bạn khác có những suy nghĩ không giống tôi. Có lẽ tôi ích kỷ. Nhưng tôi nghĩ hiện tượng trẻ con đeo bám du khách (như ở Sapa là ví dụ dễ thấy nhất) hay việc thương mại hóa như ở đây,… phần lớn bắt đầu từ chính những du khách. Nên tôi – dù chỉ là hạt cát nhỏ bé – không muốn góp phần làm tăng thêm vấn đề này. Tôi dừng vấn đề này ở đây nhé!

------------------------------------------------------------------



Lẽ ra, ngay sau bữa đi Mirissa tìm kiếm các ngư dân nhưng không được, thì hôm sau tôi phải quay lại những điểm có nhiều cột để chụp hình. Thay vì vậy, tôi chuyển sang đi Kataragama vì ngoài việc nôn nóng đến đó, tôi còn muốn tìm kiếm thêm thông tin cụ thể hơn về các bãi biển mà ngư dân câu cá trên cột, thời điểm nào họ câu cá (vì sao hôm đó tôi chỉ thấy cột không mà thôi), thời điểm đó có thể chụp hình đẹp ở góc biển đó hay không (có thể bị ngược nắng….) vì với cái máy cùi bắp không có chức năng gì hết của tôi thì việc này rất quan trọng… Do vậy, sau hôm đi Kataragama về, “tám” với nhiều người, sáng hôm sau lúc bình minh vừa lên tôi đã vội nhảy xe bus quay lại Weligama. Xuống xe và bắt đầu lội bộ ngược về Koggala. Dĩ nhiên là những đoạn đường cái chạy xa bờ biển thì tôi rẽ ngang qua thôn xóm để xuống biển.


DSCN5610-1.jpg

Cụm câu cá trình diễn ở Koggala



DSCN5902-2.jpg

2 chiếc cột câu cá, cũng thuộc nhóm trình diễn, trên đường từ Weligama về Koggala



Mấy thôn xóm đầu tiên không có stilt fisherman, bù lại tôi lại gặp những bãi biển hoang sơ đẹp “dã man”. Rồi thôn xóm bắt đầu có người bắt đầu qua qua lại lại. Thấy tôi ngơ ngơ ngáo ngáo, các bạn hỏi tôi kiếm gì, nhà trọ hay thuê ghe đi chơi hay kiếm chỗ chụp hình ngư dân. Tôi gật đầu cái rụp khi nghe đến cái thứ 3, thế là một bạn trẻ chỉ đường cho tôi đi vào một bãi biển vắng nằm sâu trong thôn xóm, sau lưng một núi đá… Ôi trời, tôi lặng người trước một bãi biển quá đẹp và bãi cột câu cá chơi vơi ngoài kia thật xa (vì câu thật sự trong bờ rất ít cá).


P1120607-1.jpg



DSCN5877-2.jpg

Cheo leo trên những chiếc cột, đối đầu với những cơn sóng bạc đầu…



DSCN5851-1.jpg



P1120585-1.jpg

…những ngư dân câu cá thật sự với những bãi cột xa hơn giữa biển lớn….


Và cứ thế, nhờ các bạn tôi tìm được nhiều bãi biển rất đẹp trên đường về lại Koggala. Tôi cũng ngang qua 2 điểm chụp hình trình diễn kia, cũng chụp ké được vài tấm. Rồi tôi cứ miên man trên đường, cứ tự nhủ bãi này là bãi cuối, là hết bãi này tôi sẽ đón xe bus về lại Unawatuna cho một hành trình khác. Hết bao nhiêu là “bãi cuối” tôi còn chơi vơi trên con đường đẹp ven biển – mãi đến lúc trưa nắng chát chúa, giờ nghỉ ngơi và là giờ cá cũng ít cắn câu nên các ngư dân về nhà hết, trả lại cho riêng tôi những bãi biển vắng, gửi những hàng cột chơi vơi cho những chú “chim bói cá trên cọc nhọn trăm năm, tìm lại đời đánh mất, trong vũng nước cuộc đời”!


P1120573-2.jpg

Như loài chim bói cá trên cọc nhọn trăm năm


Một mình trên biển vắng, tôi & chú chim bói cá – không biết ai đang tìm cuộc đời đánh mất!


------------------------------------------
* Thật ra chim này không phải là bói cá
 
"Sở dĩ tôi đổi ý ngay như vậy vì tôi cũng có đọc LP về Mirissa, một điểm đến được cho là “Unawatuna của 20 năm về trước” vì sự hoang sơ chưa bị du lịch hóa của nó. Nên tôi đi Mirissa"

Theo http://mysrilankaholidays.com/mirissa.html Mirissa là 1 bãi biển must visit trong 3 bãi biển Bentota và Unawatuna. Best Beaches of the World: Mirissa Bay Beach, Sri Lanka. :)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,676
Bài viết
1,171,063
Members
192,338
Latest member
senrilamaha74com
Back
Top