What's new

[Chia sẻ] Nam Phi - Nước mắt của loài Tê Giác và sự tàn ác của con người !

Nước mắt của loài Tê Giác và sự tàn ác của con người !

(bài viết này được dành chia sẽ kiến thức và kinh nghiệm phượt ở Nam Phi. Mọi trích dẫn hoặc sử dụng tài liệu hình ảnh phải được sự đồng ý của tác giả)

Ngày thứ nhất !

Đam mê với công việc nghiên cứu đa dạng sinh học nên tôi có những dịp được khám phá nhiều vùng đất mới ở Việt Nam. Được thưởng lãm nhiều phong cảnh tươi đẹp và những nét chấm phá trong bức tranh thiên nhiên của chúng ta. Nếu ai đó hỏi tôi rằng đâu là nơi đẹp nhất, tôi sẽ hãnh diện và tự hào trả lời về hai chữ Việt Nam. Với hơn 15.000 loài thực vật có hoa và hơn 2.200 loài động vật, hàng triệu loài côn trùng. Trải dài theo bờ biển 3.260 km không kể các đảo cùng nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau. Việt nam xứng đáng là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học đứng đầu trên thế giới. Hiện nay rất nhiều loài mới đang được các nhà nghiên cứu phát hiện và công bố, điều đó đủ để minh chứng cho Việt Nam đáng để không chỉ người Việt mà còn cả thế giới quan tâm tới thiên nhiên hoang dã của chúng ta.
Tuy nhiên được khám phá thêm nhiều vùng đất mới trên thế giới, tìm hiểu về con người, nền văn hóa, phong tục tập quán và những phong cảnh đẹp tự nhiên lãng mạn để ta ngắm nhìn, chiêm ngưỡng, để cảm nhận chắc chắn là những ước mơ cháy bỏng trong trái tim không của riêng ai dù bạn là ai và tôi cũng vậy, ước mơ đó đang thành hiện thực trong một chuyến hành trình khám phá Nam Phi hoang dã sau những kết quả nỗ lực không mệt mỏi. Tôi sẽ chia sẻ với các thành viên website PHƯỢT những chuỗi ngày thú vị và hạnh phúc đó.
Sau 2 lần đổi máy bay từ Hà Nội trên hãng hàng không quốc gia Singapor (Singapor Air). Chúng tôi đến sân bay International Tambo Airport vào lúc 6:30 phút sáng. Sân bay này thuộc thành phố lớn nhất Cộng hoà Nam phi – thành phố Johannesburg - thuộc tỉnh Gauteng với diện tích nhỏ nhất Nam Phi 18.178km2 nhưng lại là thành phố đông dân nhất Nam phi với dân số là 11.191.700 người.

Xin chào đất nước Nam Phi xinh đẹp – Welcome to South Africa !
sa1.jpg


Ở cửa khẩu sân bay làm thủ tục nhập cảnh vào Nam Phi, một anh chàng Hải quan sân bay to béo hỏi mình khá nhiều câu hỏi đại loại như: “Ông đến Nam Phi làm gì ?, Ở lại bao lâu ? Ông đi cùng ai …" tóm lại là những câu hỏi có vẻ không thân thiện lắm khi nhìn tấm hộ chiếu của mình. Hơi bất ngờ vì thái độ thiếu thiện chí của anh chàng vì qua ảnh mắt mình có thể đoán được. Nhưng có lẽ chỉ vài ngày sau khi khám phá ra được nhiều điều lạ lẫm ở Nam Phi thì mình mới hiểu được nguyên nhân của những ánh mắt thiếu thiện cảm ấy. Mình cũng lịch sự trả lời là tôi đi Nam Phi thông qua một chương trình nâng cao việc bảo tồn Tê giác do Traffic và các tổ chức khác của Nam Phi tài trợ. Thế là hắn vui vẻ và có vẻ thân thiện hơn.

sa3.jpg


Nam Phi, là một quốc gia nằm ở mũi phía nam lục địa Châu Phi. Nước này giáp biên giới với Namibia, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Swaziland, và bao quanh toàn bộ đất nước Lesotho. Nam Phi là thành viên của Khối thịnh vượng chung Anh. Nam Phi có tên chính thức là Cộng hòa Nam Phi. Nam Phi có một lịch sử rất khác biệt với các quốc gia khác ở Châu Phi, kết quả của quá trình nhập cư sớm từ Châu Âu và tầm quan trọng chiến lược của Con đường Biển Cape. Những người nhập cư Châu Âu đã bắt đầu tới đây ngay sau khi Công ty Đông Ấn Hà Lan thành lập một điểm đồn trú (sau này sẽ trở thành) Cape Town năm 1652. Việc đóng cửa Kênh đào Suez trong cuộc Chiến tranh Sáu Ngày đã cho thấy tầm quan trong của nó. Nước này có cơ sở hạ tầng khá phát triển giúp trữ lượng tài nguyên khoáng sản phong phú và có giá trị cao tiếp cận tới thị trường phương Tây, đặc biệt trong suốt thế kỷ mười chín, khi cuộc cạnh tranh diễn ra khốc liệt giữa các đối thủ thời Chiến tranh lạnh. Nam Phi là quốc gia đa sắc tộc, với các cộng đồng da trắng, Ấn Độ, và người lai lớn nhất tại Châu Phi. Người da đen Nam Phi, nói chín ngôn ngữ được công nhận chính thức và nhiều thổ ngữ khác, chiếm gần 80% dân số. (Nguồn wikipedia.org)

sa2.jpg


Dưới sự hướng dẫn của bà Dr Rynettn là thành viên của Traffic Nam Phi chúng tôi nhận vé để đến sân bay Duban thuộc tỉnh KwaZulu-Natal (Nam phi là một quốc gia rộng lớn với 1.220.813km2 và dân số chỉ có 50 triệu người được chia làm 9 tỉnh, đợt này dưới sự tài trợ của Traffic + WWF và một vài tổ chức khác chúng tôi chỉ đến 1 tỉnh là KwaZulu-Natal- KwaZulu-Natal, cũng được đề cập đến là KZN hoặc Natal) là một tỉnh của Nam Phi. Trước năm 1994, lãnh thổ mà nay là tỉnh KwaZulu-Natal vốn là tỉnh Natal và batustan (khu cách li chủng tộc) của người Zulu. Vào những năm 1830, khu vực phía bắc của tỉnh từng tồn tại Vương quốc Zulu và phần phía nam trong một thời gian ngắn từng là một Cộng hòa Boer gọi là Natalia (1839–1843). Năm 1843, cộng hòa trở thành Thuộc địa Natal của Anh; người Zulu vẫn duy trì độc lập cho đến năm 1879. KwaZulu-Natal là nơi sinh sống của người Zulu. Hai khu vực tự nhiên trong tỉnh là: Công viên đầm lầy iSimangaliso và Cộng viên uKhahlamba Drakensberg, và đã được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO. Nằm ở đông nam của đất nước, tỉnh nằm bên bờ Ấn Độ Dương. Tỉnh có ranh giới với ba quốc gia khác là Mozambique, Swaziland, và Lesotho. Thủ phủ của tỉnh là Pietermaritzburg, và thành phố lớn nhất là Durban). - (Nguồn wikipedia.org)

sa20.jpg


Sau hơn 3 giờ làm thủ tục nhập cảnh, ngồi ở sân bay uống café Capuchino, bánh Honey bee (có lẽ là loại cafe chán nhất trên đời mà tôi được nếm thử). Ngắm nhìn cuộc sống nhộn nhịp của một sân bay hiện đại để cảm nhận những gì trước đây mình chưa có dịp trải nghiệm cũng là một điều thú vị. Chúng tôi làm thủ tục bay đến Duban bay đến sân bay Duban để tiếp tục hành trình và được ra ngoài ngắm nhìn đất nước Nam Phi. Càm giác đầu tiên là sạch sẽ, thân thiện, rất ít tiếng ồn, hiện đại và tươi đẹp.

sa4.jpg


sa5.jpg


Cô bạn người Nam Phi xinh đẹp Becky đón chúng tôi tại sân bay và giới thiệu vài nét cũng như lịch trình khoảng 4 tiếng xe chạy trên xa lộ. để đến Khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên Nambiti. Chiếc xe chạy với vận tốc 110km nhưng hình như vân cảm thấy chậm vì cơ sở hạ tầng rất tốt. Những chiếc cầu vượt nhiều không đếm xuể, ở Nam Phi theo hệ thống giao thông kiểu Anh nên các tay lái xe đều nằm bên phải, còn ở Việt Nam thì luật giao thông theo kiểu … "khó nói". Nhiều lúc ngồi ở phía trước xe cùng với Becky chạy vào con đường hẹp cứ giống như nó sắp đâm vào mình … hehehe. Các tài xế rất tôn trọng luật giao thông và không thấy bóp còi, phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ. Rất có thể dừng lại khi đèn đỏ ngoài việc tôn trọng luật giao thông còn thể hiện sự văn minh của con người … Bất chợt tôi chạnh lòng nghi về nơi xa ấy …
Trên quãng đưởng gần 400km tôi không phát hiện ra bất cứ “Đồng chí” cảnh sát giao thông Nam Phi nào núp sau cột điện bắn tốc độ, hay chặn xe giưa đường để kiểm tra “Bằng lái và giấy tờ xe, bảo hiểm” cả và cũng không thấy nhiều Camera giám sát giao thông ngoại trừ những ngã 4-5-6… Cô bạn người Nam Phi cho biết việc vi phạm giao thông bị phạt rất nặng và có thể bị truy tố, hơn nữa chả ai muôn vào sổ đen (Blacklist) để bị chú ý, bị tốn thời gian vô bổ vào việc bị thẩm vấn hay làm việc với nhà chức trách. Nhưng theo suy nghĩ cá nhân tôi có lẽ để tạo cho mình một nhân cách, sống có văn hoá sẽ quan trọng hơn những gì mà Becky chia sẻ. Thế mới thấy rằng Cảnh sát giao thông Nam Phi kém xa các Đồng chí cảnh sát của chúng ta với nhiều chốt chặn, bắn tốc độ, kiểm tra liên tục các phương tiên giao thông ở quê nhà nhằm giúp cho giao thông của con dân Việt tốt hơn và an toàn hơn. Những nỗ lực đầy trách nhiệm ấy của các anh người dân chúng tôi cho rằng không phải nước nào cũng có.

sa6.jpg


sa7.jpg


(CÒN TIẾP ...)
 
Last edited:
Re: Nam Phi - Nước mắt của loài Tê Giác và sự tàn ác của con người !

Trong lúc chờ đợi máy bay trực thăng đến bắn thuốc mê mọi người ngồi yên trên thùng xe, không ai nói với nhau lời nào chỉ cùng nhau chăm chú theo dỏi nhất cử nhất động của con tê giác. Có lẽ mỗi bước di chuyển của con tê giác đen đi xa hơn khu bảo tồn càng khiến các nhân viên bảo tồn thêm phần lo lắng. Sau 10 phút chúng tôi đã nghe thấy tiếng động cơ ròn rã của chiếc trực thăng săn tê giác đến, mọi người cùng nhau thở phào nhẹ nhõm và kẻ đào thoát khỏi khu bảo tồn thì đang đứng cạnh chiếc máy bơm nước bằng sức gió và bể chứ nước uống cho gia súc giữa cánh đồng mênh mông.

sa71.jpg


sa72.jpg


sa72s.jpg


sa73.jpg


Điều tôi tâm đắc và khâm phục nhất không phải việc các nhân viên bảo tồn bắt lại được con tê giác đen, bởi vì trong lúc bị trực thăng rượt đuổi vào khu vực có thể chạy chiếc xe chuyên dụng chở con tê giác đen trở lại khu bảo tồn. Nó liều mình phóng ra đường cao tốc và đứng lại như thách thức tất cả.

sa74.jpg


sa75.jpg
 
Re: Nam Phi - Nước mắt của loài Tê Giác và sự tàn ác của con người !

Các nhân viên bảo tồn chia nhau đứng ở hai đầu đường cao tốc ra hiệu cho các xe tải dừng lại. Thật kỳ diệu mà tôi chưa bao giờ thấy ở Việt Nam. Tất cả các xe hơi lớn, nhỏ dừng lại ngay lập tức, tắt máy xe, để không gây tiếng ồn làm con tê giác kinh sợ. Hàng đoàn xe đứng ở hai đầu đường kéo dài đến hàng km, không điều kiện, mặc dù không có sự can thiệp của cảnh sát giao thông … Họ ngồi trên xe và chỉ có vài người xuống xe quan sát các nhân viên bảo tồn thực hiện trách nhiệm của mình. Đặc biệt hơn các nhân viên bảo tồn còn dừng cả một đoàn xe lửa gần 50 toa dừng lại chỉ cần ra tín hiệu dừng. Thật kinh ngạc vì nếu như ở Việt Nam chắc chắn những nhân viên bảo tồn không có quyền được dừng bất cứ phương tiện giao thông nào. và rất có thề nhửng kẻ ra tín hiệu dừng xe sẽ lãnh một cú đâm trực diện của vài tay ngựa non háu đá, cục tính, hay cho XƠI những thứ ngoài chợ không có bán, hoặc bị nguyền rủa như những kẻ tâm thần, điên dại … hehehe.

sa76.jpg


sa77.jpg


sa78.jpg
 
Re: Nam Phi - Nước mắt của loài Tê Giác và sự tàn ác của con người !

Tôi khâm phục tình yêu động vật của người dân Nam Phi và những tài xế xe chạy trên đường. Họ không kêu than, bóp còi, quát nạt hay tỏ ra bất cứ hành động gì làm kinh động đến con tê giác đen hung hãn. Phải chăng giáo dục ở cái xứ giãy chết này đã biến con người trở nên sống có lương tri và đạo đức với không chỉ với đồng loại mà cả với chính các loài động vật hoang dã.?????
Cuối cùng con tê giác cứng đầu chịu khuất phục trước họng súng thuốc mê chỉ có trực thăng mới đủ tốc độ khuất phục con mãnh thú bằng việc bắn thuốc mê. Trong lúc thuốc mê đang ngấm dần vào cơ thể nó con tê giác điên tiết lao mình về chiếc xe hơi gần nhất vì nó tưởng là kẻ thù. Kết quả một chiếc sừng dính vào càng trước của chiếc xe. Trước khi nó lăn đùng ra vì ngấm thuốc mê, các nhân viên săn bắt thú hoang và nhân viên bảo tồn phải vất vả lắm mới lôi được cái sừng mắc vào càng xe ra khỏi xe với cái thân hình đồ sộ cân nặng gần 1 tấn.

sa79.jpg


sa80.jpg


sa81.jpg


Công việc của tôi là xem, chụp hình và học hỏi kinh nghiệm, nhưng tôi cũng đã nhiệt tình xông vào với nỗ lực xịt thuốc vào những vết thương trên lớp da dày của con tê giác đen. Lớp da rất dày bị trầy xước trong lúc trốn chạy, vượt rào điện và kẽm gai ở Khu bảo tồn khiến máu chảy. Đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một cuộc rượt đuổi ngoạn mục và hấp dẫn đến thế . Nhìn sự chuyên nghiệp và kinh nghiệm xử lý công việc của họ tôi chợt tự hỏi chẳng biết đến khi nào ngành bảo tồn của chúng ta mới có cơ hội, tiền bạc, kinh nghiệm và tình yêu thiên nhiên, yêu các loài sinh vật hoang dã đủ để làm tròn bổn phận của mình ? - Mong lắm thay ...!!! nhưng có lẽ ước mơ chỉ là mơ ước.

sa82.jpg


sa83.jpg



Một chiếc xe thùng chuyên dụng để vận chuyển động vật hoang dã lao đến lập tức. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 phút chiếc xe đã hoàn tất việc hạ chiếc thùng sát mặt đất để chuẩn bị vận chuyển con tê giác đen cứng đầu, cứng cổ muốn chạy khỏi khu bảo tồn. Một nhân viên bảo tồn buộc sợi dây thừng vào cổ để chiếc xe tải kéo nó vào thùng. Nhân viên khác cầm cây chích điện sẳn sàng chích vào đít để cu cậu chạy thẳng vào chiếc thùng trước khi bác sỹ thú y chích thuốc giải mê vào tĩnh mạch ở tai con mãnh thú.
Mọi người cùng đếm từ 1 đến 20 đó là thời gian cho con tê giác đen tỉnh thuốc mê và cùng nhau đẩy, xe kéo, chích điện để nó tiến thẳng vào thùng và không nó bất cứ cơ hội nào thụt lùi. Công việc hoàn thành tốt đẹp, mọi người hồ hởi dù trên khuôn họ những giọt mồ hôi lăn dài xuống má, áo, ngực ướt đẫm những chiếc áo đang mặc vì nhiệt độ ngoài trời khoảng 40 độ ...

sa84.jpg


sa85.jpg


sa86.jpg


sa87.jpg
 
Re: Nam Phi - Nước mắt của loài Tê Giác và sự tàn ác của con người !

Cuối cùng các nhân viên bảo tồn quyết định chở kẻ đào thoát hung hãn trên một chiếc xe đặc chủng để thả vào một chiếc BOMA – “Một chiếc chuồng rất rộng xây bán hoang dã ở giữa khu rừng để nuôi nhốt các loài động vật hoang dã hung hãn, hoặc những con thú con mà cha, mẹ chúng bị giết chết không có khả năng tự tìm kiếm thức ăn cho quen với điều kiện sinh cảnh sống mới phù hợp trước khi thả về hoang dã.

sa88.jpg


sa89.jpg


sa90.jpg


sa91.jpg



Trên đường trở về trong đầu tôi hiện lên những hình ảnh quá đỗi thân thương và lòng mến phục với những người dân Nam Phi, những tài xế lái xe tải, xe lửa. Tình yêu của họ đối với không loài linh vật biểu tượng của đất nước họ một tinh cảm sâu sắc và bất chợt tôi nghĩ đến con bò tót đã chết thảm thiết ở sân bay Phú Bài – Huế mới đây khi không may nó đi lạc từ rừng vào sân bay và lạc vào xứ sở con người văn minh hơn các loài động vật hoang dã cũng như cách các nhân viên bảo tồn Việt Nam đã truy bắt chúng đến chết… hehehehe. Giật mình lo sợ tôi cảm giác như có một luồng điện chạy suốt sống lưng mình và tự hỏi rằng tôi đang tỉnh hay đang mơ ???

Khi con Tê giác đen hung hãn cố tình thoát khỏi khu bảo tồn tư nhân Nambiti bị bắt và được chuyển lên xe đặc chủng đưa về trại nuôi nhốt BOMA, thì cũng là lúc chúng tôi nhận được thông tin từ máy bay trực thăng bảo rằng họ mới phát hiện ra 4 con tê giác trắng mới bị săn trộm. Hai trong số đó đã chết và bị cắt sừng cách đây vài ngày còn hai con khác do bị phát hiện sớm nên các sát thủ mới chỉ cắt được một sừng to phía trước còn sừng nhỏ phía sau vẩn còn. Máu đang chảy ròng ròng trên khuôn mặt chúng, những hình ảnh sống động được chuyển dữ liệu chụp từ Camera trên máy bay vào thiết bị di động của các nhân viên bảo tồn. Lập tức chiếc xe chúng tôi quay đầu về phí khu bảo tồn Weenen cách nơi chúng tôi đang đứng hơn 200km với tốc độ chóng mặt. Bữa ăn sáng được khách sạn chuẩn bị từ sáng sớm, nhưng do phải tập trung vào kẻ đào thoát nên giờ này chúng tôi dùng ngay trên xe. Đến nơi sau hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi được các nhân viên Kiểm lâm ở đây cho biết 2 con bị cắt một sừng máu còn chảy đã được sơ cứu và đang được theo dõi. Bọn săn trộm đã dùng súng bắn thuốc mê để bắn và có ý định cắt sừng, nhưng không hiểu vì lý do nào đó mà chúng không kịp cắt cả 2 sừng .

sa92.jpg


sa93.jpg


Chúng tôi không được tiếp cận 2 con còn sống vì các bác sỹ thú y đang tận tình cứu chữa. Còn 2 con đã chết thì được phép tiếp cận những tất cả Camera, máy ảnh, điện thoại có gắn camera … đều bị giữ lại. Dr Simon lại phải giải thích cho họ biết chúng tôi đến từ Việt Nam và đến đây tham gia vào chương trình bảo tồn Tê giác. Đây là một ngoại lệ duy nhất nên chúng tôi được phép quay phim và mang theo các thiết bị. Simon cũng yêu cầu chúng tôi chỉ được quay phim hay chụp hình khi anh ấy cho phép. Cuối cùng chúng tôi được phép chụp hình cảnh con tê giác chết nhưng không được phép chụp bất cứ nhân viên nào trong lúc tiến hành khám nghiệm tử thi.

sa94.jpg


Vì lý do an ninh không phải cho các nhân viên thừa hành công vụ mà vì sự an toàn của gia đình họ. Nếu các hình ảnh các cảnh sát viên điều tra tội phạm săn bắn tê giác được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng thì người thân của họ có thể bị các tổ chức tội phạm buôn bán ĐVHD đe doạ tính mạng (đúng là bọn giãy chết rất là nhát gan, gặp phải các đồng chí công an Việt Nam thì quên CMN luôn nhé). Vượt qua khoảng 4km đường rừng trên các lối mòn, chúng tôi tận mắt chứng kiến những hình ảnh hết sức đau lòng, man rợ của con người hai con Tê giác trắng bị cắt sừng và đang bắt đầu bị phân huỷ. Ruồi nhặng bay như ong, mùi xác chết phân huỷ nồng nặc bởi lũ giòi ăn thịt nhung nhúc trên khắp cơ thể 2 con tê giác giữa trưa nắng với nhiệt độ ngoài trời lên đến 45o. Rất có thể những chiếc sừng này một ngày nào đó sẽ đến Việt Nam hoặc China và nó sẽ được bán với giá hơn 200 ngàn ông cụ một lạng đem về mài ra khoe cả xóm, không may uống trúng sừng người ta tiêm thuốc độc thì rất mau đoàn tụ ông bà…

sa95.jpg


sa96.jpg
 
Re: Nam Phi - Nước mắt của loài Tê Giác và sự tàn ác của con người !

sa97.jpg


sa98.jpg


Tiếp xúc với Cảnh sát trưởng, chuyên gia điều tra các tội phạm săn bắn động vật hoang dã thuộc tổ chức Hawks đã chia sẻ với chúng tôi rất nhiều điều thú vị bất ngờ “Từ đầu năm đến nay chỉ riêng tỉnh Kwa Zulu Natal đã có 135 con Tê giác bị giết. Đây là con Tê giác thứ 6 bị giết trong tuần này và hầu hết số tê giác này đều bị giết ở các khu bảo tồn thuộc nhà nước quản lý. Bọn tội phạm săn tê giác chủ yêu là người bản địa được thuê đi săn bởi vì họ rất thông thuộc địa hình, đường đi của khu vực. Bọn chúng được huấn luyện rất bài bản về cách sử dụng vũ khi sung săn hạng nặng. Tất cả các vết bắn vào tê giác thường trúng ngay vào sọ não và một số con trúng tim. Như vậy có thể thấy chúng là những tội phạm rất chuyên nghiệp. Một số kẻ săn trộm được thuê đi săn đến từ các quốc gia lân cận như Mozambique, Zimbabue … bọn chúng chỉ bắn và hạ sát tê giác nhưng vẫn phải có người bản địa dẫn đường. Chúng rất hung hãn và sẵn sàng bắn trả nhân viên kiểm lâm nếu cố tình cản trở công việc của chúng. Trong năm 2013 đã có 5 tên tội phạm săn trộm Tê giác bị bắt ngay tại trận gồm 4 người bản địa và 1 người Mozambique. Hầu hết các loài tê giác bị bắn vào thời gian khoảng 5-6 giờ chiều khi chúng đã ăn no và tìm nơi ngủ qua đêm. Bọn săn trộm sử dụng cơ hội này và thời gian này để tấn công và chúng có đủ thời gian dùng rìu chặt đứt 2 chiếc sừng để tẩu thoát trong đêm tối."

sa99.jpg

Hình: Sử dụng hình ảnh của các đồng nghiệp Nam Phi

Hiện nay các tội phạm săn trộm tê giác trâu phi đã là các tập đoàn tội phạm lớn, chính phủ Nam Phi đã coi đây như là một cuộc chiến tranh và đang cho phép quân đội tham gia việc bảo vệ, cho phép các nhân viên Kiểm lâm bắn chết bọn tội phạm săn tê giác tại hiện trường nếu chúng có hành vi chống trả và đe doạ tính mạng của nhân viên thực thi công vụ. Bọn tội phạm dùng súng bắn giết tê giác không dã man bằng bọn dùng súng thuốc mê bắn sau đó cắt sừng và để mặc cho con tê giác chảy máu đến chết trong đau đớn cực cùng mà cuộc đời nó phải chịu đựng. Chúng tôi đã làm hết sức để bảo vệ loài tê giác của chúng tôi ở trong nước, các phương tiện thông tin đại chúng hằng ngày nói về các thông tin mới nhất về bảo tồn và số lượng Tê giác bị giết nhưng tất cả dường như là vô ích nếu như những quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc vễn tiếp tục buôn bán và sử dụng sừng tê giác của chúng tôi như là dược liệu mặc dù họ thừa biết rằng sừng tê giác không thể trị được bá bệnh hay ít nhất là bệnh ung thư".

sa100.jpg

Hình: Sử dụng hình ảnh của các đồng nghiệp Nam Phi

Theo số liệu báo cáo mới nhất số ISB 078-0-9584025-7-6 của tổ chức Traffic: “hiện nay Nam phi đang bảo tồn 18.800 con Tê giác trắng Ceratotherium simum, tương đương với 95% số lượng Tê giác trên toàn châu phi. Số lượng Tê giác trắng chủ yếu nằm ở Công viên bảo tồn Hluhluwe – iMflozi và 25% số Tê giác này thuộc sở hữu tư nhân và nằm trong các Private Game Reserver. Loài này đang nằm trong sách đỏ của IUCN và trong nhóm gần nguy cấp. Tuy nhiên đối với loài Tê giác đen Diceros bicornis thì lại là một thảm hoạ của nhân loại. Vào những năm 1960 trước khi xảy ra các cuộc khủng khoảng săn trộm thảm khốc số lượng Tê giác đen có khoảng 100.000 con, một con số khổng lồ. Nhưng sau đó số lượng loài này gần như bị quét sạch chỉ con 2410 con vào năm 1995. Nhìn những con số biết nói trên chúng ta mới thấy được sự tàn sát của con người khủng khiếp đến mức nào. Tuy nhiên với những nỗ lực bảo tồn từ đó đến nay loài Tê giác đen tăng số lượng đáng kể khoảng 5000 con vào năm 2013 và loài Tê giác đen hiện nay đang sở hữu khoảng 22% ở các Khu bảo tồn tư nhân.

sa101.jpg

Hình: Sử dụng hình ảnh của các đồng nghiệp Nam Phi

Sừng Tê giác được cung cấp bởi các nghiệp đoàn tội phạm có tổ chức tại Nam Phi dưới nhiều hình thức do vậy để chống buôn bán, các chủ sở hửu các Khu bảo tồn tư nhân khi thu được sừng Tê giác chết trong tự nhiên. Tất cả số sừng Tê giác này bắt buộc phải đăng ký với chính phủ và trở thành một phần trong kho dự trữ quốc gia về sử dụng sừng Tê giác. Hiện nay các hoạt động buôn bán Động vật hoang dã nói chung, sừng Tê giác nói rêng đã trở nên hết sức tinh vi và có khả năng thích nghi cao. Đã có nhiều cán bộ kiểm lâm hoặc cán bộ nhà nước bị ép buộc thoả hiệp, tham nhũng và tham gia vào các hoạt động buôn bán. Trong số 43 vụ bắt giữ người châu Á có liên quan đến tội phạm Tê giác ở Nam Phi thì có 24 người Việt Nam (chiếm 56%) 13 người Trung quốc (chiếm 28%) số còn lại là người Thái Lan và Malaysia. Tromg số đó có ít nhất 3 nhân viên là người của sứ quan Việt Nam ở Pretoria từng bị ghi nhận có tham gia buôn lậu sừng Tê giác.”

Quay trở về Khu bảo tồn tư nhân với một nỗi buồn vô hạn khi chúng tôi tận mắt chứng kiến những hình ảnh đau lòng về loài tê giác ở Nam Phi đang bị giết hại hằng ngày và chặt mất chiếc sừng. Tôi liên tưởng đến con tê giác cuối cùng ở Việt nam bị bắn chết cách đây không lâu và các nhân viên kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên – Đồng Nai đã phát hiện ra chúng khi cơ thể nó bị thối rữa gần hết chỉ còn bộ xương. Đây là sự thất bại lớn nhất của ngành bảo tồn Việt Nam vì đã không bảo vệ được đi sản thiên nhiên cuối cùng của con dân Việt. Chắc chắn rằng sau này, đến một ngày nào đó con cháu chúng ta bất ngờ hỏi về tê giác Việt Nam thì ông, cha nó sẽ chỉ vào trong bụng và nói “nó đang nằm ở trong này” và không chỉ với tê giác mà còn rất nhiều các loài sinh vật khác ở Việt Nam từ … lớn đến nhỏ, từ sông đến biển, từ núi đến hồ … đều đang được lên đĩa. Có lẽ không đâu trên thế giớ như Việt Nam, một đất nước có diện tích khá khiêm tốn, nhưng có đến 5 loài động vật đang bị đe doạ tuyệt chủng theo báo cáo của quốc tế xem tại đây.
 
Re: Nam Phi - Nước mắt của loài Tê Giác và sự tàn ác của con người !

Mặt trời lúc này đã xuống núi chúng tôi dừng xe đứng trên một điểm khá cao để cảm nhận một chút cái lạnh sau một ngày vất vả. Simon lôi từ trong xe ra cho mỗi người một chai beer va một ít thịt Kudu khô (món thịt rừng đặc sản của người Nam Phi). Chúng tôi vừa uống vừa ngắm những vầng sáng cuối cùng của một này trước khi bóng đêm bao trùm lên hoang mạc Nam Phi và nghĩ về số phận của nhửng loài động vật đang bị săn trộm rất mạnh ở đây gồm Voi và tê giác. Bất chợt Simon hỏi tôi “Trung – mày có cách nào để giảm thiểu việc sử dụng, buôn bán sừng tê giác ở Việt Nam nhằm giúp cho tê giác Nam Phi giảm bớt bị săn trộm hay không ???Tôi lặng lẽ không trả lời trong sự bất lực và tuyệt vọng với khả năng nhỏ bé của mình và chỉ lí nhí trong miệng một câu duy nhất như một đứa trẻ có tội:I’M SORRY !

sa102.jpg


sa103.jpg


sa104.jpg
 
Last edited:
Re: Nam Phi - Nước mắt của loài Tê Giác và sự tàn ác của con người !

Vâng ! Tôi không đủ thẩm quyền để có thể đưa ra câu trả lời thỏa mãn những người Nam Phi đáng mến ấy. Nhưng, từ góc độ một nhà nghiên cứu đa dạng sinh học, tôi thực sự muốn chia sẻ những hiểu biết của mình về chiếc sừng tê giác một cách rõ ràng trên cơ sở và bằng chứng khoa học.

Hiện nay, trên thị trường Việt Nam, giá mỗi lạng sừng tê giác khoảng 220.000 đồng. Đây là một khoản tiền không nhỏ nhưng những người có tiền, thậm chí không có tiền đều muốn sở hữu bằng được – dủ chỉ một mẩu sừng tê. Họ tin rằng, sừng tê giác có thể chữa những chứng bệnh nan y hay có tác dụng như tiên dược chốn phòng the… Nhưng, công dụng của sừng tê giác có thật sự giá trị như lời đồn thổi?

Không giống như những chiếc sừng của các loài động vật thuộc bộ Ngón chẵn Artiodactyla, chiếc sừng tê giác không phát triển từ xương hình thành hoàn toàn từ các lớp biểu bì do quá trình keratin hóa. Keratin được tạo nên từ các phân tử protein, giống như những protein tạo ra móng tay, móng chân, tóc người… Loại protein này được gọi là alpha keratin, có trong móng, vuốt của tất cả các loài động vật có vú và các loài lông vũ như các loài chim.

sa106.jpg


Những thành phần khác có trong sừng tê giác đều có trong thức ăn của con người, bao gồm các chất phổ biến như carbone và nitrogen. Sự khác biệt về đồng vị hoặc hình thức của những thành phần cụ thể nêu trên trong sừng tê giác có thể được sử dụng đển nhận dạng loài cũng như nguồn gốc địa lý của chúng. Chủng loại các chất trong sừng của mỗi con tê giác phản ánh thành phần thức ăn của chúng. Điều này thay đổi tùy theo vị trí địa lý, khí hậu và các loài thực vật ở một khu vực mà loài tê giác phân bố.
Trong quá trình phát triển của con tê giác, chiếc sừng hình thành theo lớp. Các lớp này bao gồm những tế bào da chuyên biệt bị xâm nhập bởi keratin (hay còn gọi là quá trình keratin hóa) khiến chúng trở nên cứng hơn. Khi quá trình này xảy ra, các tế bào chết đi, dừng nhận dưỡng chất từ cơ thể tê giác. Do vậy, về bản chất, chiếc sừng đã chết, như lông, tóc và móng tay, móng chân con người. Các enzyme phân giải protein trong dạ dày (như pepsin) và ruột non (trypsin) của con người gần như không thể hòa tan keratin cứng hoặc chỉ tiêu hoá một lượng không đáng kể dù người sử dụng đã mài mịn trước khi dùng.
Tuy nhiên, hầu hết những xét nghiệm về công dụng của sừng tê giác đều không được tiến hành đúng tiêu chuẩn, cũng như không đảm bảo sự nghiêm ngặt đã được công nhận rộng rãi. Trên cơ sở đó, trên thế giới chưa có bằng chứng y học đáng tin cậy nào chứng minh được giá trị của sừng tê giác trong điều trị bệnh, đặc biệt là các bệnh hiểm nghèo.

sa107.jpg


Khi chia sẻ với chúng tôi Giám đốc khu bảo tồn Phinda Private Game Reserve đã cho biết: “Nếu chứng minh được sừng tê giác chữa được ung thư, các bạn có thể xây dựng trang trại nuôi nhốt ở Việt Nam để chúng tôi cung cấp giống tê giác cho các bạn nuôi và phát triển để lấy sừng chữa bệnh. Đừng mù quáng buôn bán, sử dụng sừng tê giác khi không chắc chắn về hiệu quả y dược của nó vì điều đó sẽ khiến những kẻ săn trộm thảm sát tê giác của chúng tôi để chặt sừng bán. Đó là một tội ác man rợ và nếu thực sự sừng tê giác chữa được bệnh Ung thư thì Nam Phi sẽ là nước cực giàu vì chỉ cần mở các bệnh viện lấy sừng tê giác chữa trị và các nhà nghiên cứu cũng chả phải lao tâm, khổ cức làm hì để ngày đêm tìm kiếm phát hiện ra các hoạt chất chống ung thư”.
Mới đây, một số nghiên cứu, chủ yếu được thực hiện tại Trung Quốc, cho rằng sừng tê giác có thể hạ sốt. Nhưng chính những nghiên cứu này cũng thừa nhận, các chất kháng viêm thông dụng có trong aspirin và thảo dược rẻ hơn và có hiệu quả hạ sốt cao hơn sừng tê giác rất nhiều.
Trong những năm gần đây, do môi trường không khí, nguồn nước bị ô nhiễm, nhiều thực phẩm bị nhiễm độc do bị bảo quản bởi hóa chất không rõ nguồn gốc… đã khiến con số bệnh nhân ung thư ở Việt Nam tăng bất thường. Nhiều bệnh nhân ung thư hoảng loạn vì không có những loại thuốc đặc trị chứng bệnh này và tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” khiến họ tìm đến những vị thuốc được đồn thổi có công dụng điều trị ung thư và mặc nhiên tin tưởng là tiên dược.

Niềm tin mù quáng ấy chính là mảnh đất tốt cho những kẻ trục lợi vô nhân tính kiếm bộn tiền. Và, sừng tê giác cũng không phải ngoại lệ. Sự khan hiếm của sừng tê giác là một trong những lý do khiến những công dụng ảo của “khối tế bào chết” này càng bị thổi phồng và lan truyền rất nhanh. Điều này đã khiến nhu cầu sử dụng sừng tê giác tăng vọt một cách đáng sợ đến mê muôi, đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của loài tê giác trên hành tinh này.

sa105.jpg


Mặt khác, có thể thông cảm được với những người có bệnh hiểm nghèo – họ muốn chạm tới sừng tê giác khi không còn phương cách nào để cứu mạng sống của chính mình hay người thân của mình. Nhưng, hãy nhớ rằng, lợi bất cập hại nếu ai đó mua phải chiếc sừng tê giác đã được tiêm thuốc độc – với chất thuốc kịch độc cô đông ngay sau khi được các chuyên gia bảo tồn Nam Phi khoan và bơm vào thân sừng. Khi công việc hoàn thành, các nhân viên bảo tồn đã đánh dấu sừng có thuốc độc bằng sơn màu đỏ để cảnh báo. Tuy nhiên, thật đáng sợ là vì khoản lợi nhuận khổng lồ, bọn buôn buôn lậu sừng tê giác thậm chí đã cạo bỏ phần màu sơn đỏ này để bán sừng kiếm lời. Khẩu ngữ “có bệnh thì vái tứ phương” có thể đúng khi xã hội còn trong thời kỳ mông muội, thiếu thông tin. Nhưng trong thời đại hiện nay, khi thông tin bùng nổ - mọi tin đồn đều có thể được kiểm chứng rõ ràng thì không nên mạo hiểm đánh cược tính mạng của mình chỉ vì thiếu hiểu biết.
 
Last edited:
Re: Nam Phi - Nước mắt của loài Tê Giác và sự tàn ác của con người !

Sao không thấy bất cứ ý kiến phản hồi nào về vấn đề SỪNG TÊ GIÁC NHỈ ?? mọi người vào ném đá đi chứ để còn có hứng mà viết tiếp. Nên bày tỏ chính kiến của mình một cách có hiểu biết nhé các Phượt thủ
 
Re: Nam Phi - Nước mắt của loài Tê Giác và sự tàn ác của con người !

Lâu rồi mới đọc bài viết của anh Trung, văn anh giờ khác quá :D
Chúc mừng anh có chuyến đi để đời!
Mấy cái ảnh cuối buồn và xót xa quá
Mong rằng mọi người đừng tin vào thần dược sừng Tế Giác nữa để chúng được sống trong thiên nhiên hoang dã
Anh may mắn được gặp nhiều Tê Giác quá, em đi Nam Phi không gặp con nào ở tự nhiên hết, có lẽ chúng biết là người Việt chúng chạy hết rồi :(
Cảm ơn bài viết của anh
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,682
Bài viết
1,135,152
Members
192,386
Latest member
kimmochi1997
Back
Top