What's new

[Chia sẻ] Nam Phi - Nước mắt của loài Tê Giác và sự tàn ác của con người !

Nước mắt của loài Tê Giác và sự tàn ác của con người !

(bài viết này được dành chia sẽ kiến thức và kinh nghiệm phượt ở Nam Phi. Mọi trích dẫn hoặc sử dụng tài liệu hình ảnh phải được sự đồng ý của tác giả)

Ngày thứ nhất !

Đam mê với công việc nghiên cứu đa dạng sinh học nên tôi có những dịp được khám phá nhiều vùng đất mới ở Việt Nam. Được thưởng lãm nhiều phong cảnh tươi đẹp và những nét chấm phá trong bức tranh thiên nhiên của chúng ta. Nếu ai đó hỏi tôi rằng đâu là nơi đẹp nhất, tôi sẽ hãnh diện và tự hào trả lời về hai chữ Việt Nam. Với hơn 15.000 loài thực vật có hoa và hơn 2.200 loài động vật, hàng triệu loài côn trùng. Trải dài theo bờ biển 3.260 km không kể các đảo cùng nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau. Việt nam xứng đáng là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học đứng đầu trên thế giới. Hiện nay rất nhiều loài mới đang được các nhà nghiên cứu phát hiện và công bố, điều đó đủ để minh chứng cho Việt Nam đáng để không chỉ người Việt mà còn cả thế giới quan tâm tới thiên nhiên hoang dã của chúng ta.
Tuy nhiên được khám phá thêm nhiều vùng đất mới trên thế giới, tìm hiểu về con người, nền văn hóa, phong tục tập quán và những phong cảnh đẹp tự nhiên lãng mạn để ta ngắm nhìn, chiêm ngưỡng, để cảm nhận chắc chắn là những ước mơ cháy bỏng trong trái tim không của riêng ai dù bạn là ai và tôi cũng vậy, ước mơ đó đang thành hiện thực trong một chuyến hành trình khám phá Nam Phi hoang dã sau những kết quả nỗ lực không mệt mỏi. Tôi sẽ chia sẻ với các thành viên website PHƯỢT những chuỗi ngày thú vị và hạnh phúc đó.
Sau 2 lần đổi máy bay từ Hà Nội trên hãng hàng không quốc gia Singapor (Singapor Air). Chúng tôi đến sân bay International Tambo Airport vào lúc 6:30 phút sáng. Sân bay này thuộc thành phố lớn nhất Cộng hoà Nam phi – thành phố Johannesburg - thuộc tỉnh Gauteng với diện tích nhỏ nhất Nam Phi 18.178km2 nhưng lại là thành phố đông dân nhất Nam phi với dân số là 11.191.700 người.

Xin chào đất nước Nam Phi xinh đẹp – Welcome to South Africa !
sa1.jpg


Ở cửa khẩu sân bay làm thủ tục nhập cảnh vào Nam Phi, một anh chàng Hải quan sân bay to béo hỏi mình khá nhiều câu hỏi đại loại như: “Ông đến Nam Phi làm gì ?, Ở lại bao lâu ? Ông đi cùng ai …" tóm lại là những câu hỏi có vẻ không thân thiện lắm khi nhìn tấm hộ chiếu của mình. Hơi bất ngờ vì thái độ thiếu thiện chí của anh chàng vì qua ảnh mắt mình có thể đoán được. Nhưng có lẽ chỉ vài ngày sau khi khám phá ra được nhiều điều lạ lẫm ở Nam Phi thì mình mới hiểu được nguyên nhân của những ánh mắt thiếu thiện cảm ấy. Mình cũng lịch sự trả lời là tôi đi Nam Phi thông qua một chương trình nâng cao việc bảo tồn Tê giác do Traffic và các tổ chức khác của Nam Phi tài trợ. Thế là hắn vui vẻ và có vẻ thân thiện hơn.

sa3.jpg


Nam Phi, là một quốc gia nằm ở mũi phía nam lục địa Châu Phi. Nước này giáp biên giới với Namibia, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Swaziland, và bao quanh toàn bộ đất nước Lesotho. Nam Phi là thành viên của Khối thịnh vượng chung Anh. Nam Phi có tên chính thức là Cộng hòa Nam Phi. Nam Phi có một lịch sử rất khác biệt với các quốc gia khác ở Châu Phi, kết quả của quá trình nhập cư sớm từ Châu Âu và tầm quan trọng chiến lược của Con đường Biển Cape. Những người nhập cư Châu Âu đã bắt đầu tới đây ngay sau khi Công ty Đông Ấn Hà Lan thành lập một điểm đồn trú (sau này sẽ trở thành) Cape Town năm 1652. Việc đóng cửa Kênh đào Suez trong cuộc Chiến tranh Sáu Ngày đã cho thấy tầm quan trong của nó. Nước này có cơ sở hạ tầng khá phát triển giúp trữ lượng tài nguyên khoáng sản phong phú và có giá trị cao tiếp cận tới thị trường phương Tây, đặc biệt trong suốt thế kỷ mười chín, khi cuộc cạnh tranh diễn ra khốc liệt giữa các đối thủ thời Chiến tranh lạnh. Nam Phi là quốc gia đa sắc tộc, với các cộng đồng da trắng, Ấn Độ, và người lai lớn nhất tại Châu Phi. Người da đen Nam Phi, nói chín ngôn ngữ được công nhận chính thức và nhiều thổ ngữ khác, chiếm gần 80% dân số. (Nguồn wikipedia.org)

sa2.jpg


Dưới sự hướng dẫn của bà Dr Rynettn là thành viên của Traffic Nam Phi chúng tôi nhận vé để đến sân bay Duban thuộc tỉnh KwaZulu-Natal (Nam phi là một quốc gia rộng lớn với 1.220.813km2 và dân số chỉ có 50 triệu người được chia làm 9 tỉnh, đợt này dưới sự tài trợ của Traffic + WWF và một vài tổ chức khác chúng tôi chỉ đến 1 tỉnh là KwaZulu-Natal- KwaZulu-Natal, cũng được đề cập đến là KZN hoặc Natal) là một tỉnh của Nam Phi. Trước năm 1994, lãnh thổ mà nay là tỉnh KwaZulu-Natal vốn là tỉnh Natal và batustan (khu cách li chủng tộc) của người Zulu. Vào những năm 1830, khu vực phía bắc của tỉnh từng tồn tại Vương quốc Zulu và phần phía nam trong một thời gian ngắn từng là một Cộng hòa Boer gọi là Natalia (1839–1843). Năm 1843, cộng hòa trở thành Thuộc địa Natal của Anh; người Zulu vẫn duy trì độc lập cho đến năm 1879. KwaZulu-Natal là nơi sinh sống của người Zulu. Hai khu vực tự nhiên trong tỉnh là: Công viên đầm lầy iSimangaliso và Cộng viên uKhahlamba Drakensberg, và đã được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO. Nằm ở đông nam của đất nước, tỉnh nằm bên bờ Ấn Độ Dương. Tỉnh có ranh giới với ba quốc gia khác là Mozambique, Swaziland, và Lesotho. Thủ phủ của tỉnh là Pietermaritzburg, và thành phố lớn nhất là Durban). - (Nguồn wikipedia.org)

sa20.jpg


Sau hơn 3 giờ làm thủ tục nhập cảnh, ngồi ở sân bay uống café Capuchino, bánh Honey bee (có lẽ là loại cafe chán nhất trên đời mà tôi được nếm thử). Ngắm nhìn cuộc sống nhộn nhịp của một sân bay hiện đại để cảm nhận những gì trước đây mình chưa có dịp trải nghiệm cũng là một điều thú vị. Chúng tôi làm thủ tục bay đến Duban bay đến sân bay Duban để tiếp tục hành trình và được ra ngoài ngắm nhìn đất nước Nam Phi. Càm giác đầu tiên là sạch sẽ, thân thiện, rất ít tiếng ồn, hiện đại và tươi đẹp.

sa4.jpg


sa5.jpg


Cô bạn người Nam Phi xinh đẹp Becky đón chúng tôi tại sân bay và giới thiệu vài nét cũng như lịch trình khoảng 4 tiếng xe chạy trên xa lộ. để đến Khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên Nambiti. Chiếc xe chạy với vận tốc 110km nhưng hình như vân cảm thấy chậm vì cơ sở hạ tầng rất tốt. Những chiếc cầu vượt nhiều không đếm xuể, ở Nam Phi theo hệ thống giao thông kiểu Anh nên các tay lái xe đều nằm bên phải, còn ở Việt Nam thì luật giao thông theo kiểu … "khó nói". Nhiều lúc ngồi ở phía trước xe cùng với Becky chạy vào con đường hẹp cứ giống như nó sắp đâm vào mình … hehehe. Các tài xế rất tôn trọng luật giao thông và không thấy bóp còi, phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ. Rất có thể dừng lại khi đèn đỏ ngoài việc tôn trọng luật giao thông còn thể hiện sự văn minh của con người … Bất chợt tôi chạnh lòng nghi về nơi xa ấy …
Trên quãng đưởng gần 400km tôi không phát hiện ra bất cứ “Đồng chí” cảnh sát giao thông Nam Phi nào núp sau cột điện bắn tốc độ, hay chặn xe giưa đường để kiểm tra “Bằng lái và giấy tờ xe, bảo hiểm” cả và cũng không thấy nhiều Camera giám sát giao thông ngoại trừ những ngã 4-5-6… Cô bạn người Nam Phi cho biết việc vi phạm giao thông bị phạt rất nặng và có thể bị truy tố, hơn nữa chả ai muôn vào sổ đen (Blacklist) để bị chú ý, bị tốn thời gian vô bổ vào việc bị thẩm vấn hay làm việc với nhà chức trách. Nhưng theo suy nghĩ cá nhân tôi có lẽ để tạo cho mình một nhân cách, sống có văn hoá sẽ quan trọng hơn những gì mà Becky chia sẻ. Thế mới thấy rằng Cảnh sát giao thông Nam Phi kém xa các Đồng chí cảnh sát của chúng ta với nhiều chốt chặn, bắn tốc độ, kiểm tra liên tục các phương tiên giao thông ở quê nhà nhằm giúp cho giao thông của con dân Việt tốt hơn và an toàn hơn. Những nỗ lực đầy trách nhiệm ấy của các anh người dân chúng tôi cho rằng không phải nước nào cũng có.

sa6.jpg


sa7.jpg


(CÒN TIẾP ...)
 
Last edited:
Re: Nam Phi - Nước mắt của loài Tê Giác và sự tàn ác của con người !

Tôi đã nhận ra con báo cheetah cố tình manh động để bầy sư tử đuổi theo nó chạy về hướng ngược lại nơi gần đó có một bụi cây khá lớn. Con cheetah biết chắc rằng với khả năng đua tốc độ và khoảng không đủ kiểm soát thì lũ sư tử chỉ đáng ngửi khói. 4 chiếc xe chở khách du lịch đi xem thú cũng mở hết tốc lực lao theo xem có chuyện gì xảy ra. Khi bầy sư tử đuổi theo được khoảng 1 km nó đột ngột thay đổi tốc độ và lao vào một khu vực có nhiều cây bụi gần đó, mất hút. Khi không còn thấy dấu hiệu con cheetah, chúng tôi cũng quay đầu xe tiếp tục hành trình và một điều kỳ diệu xảy ra ngay trước mặt chúng tôi con báo cheetah lúc nãy là con báo mẹ. Nó cố tình thu hút bọn sư tử cái đang đi săn mồi hướng ngược lại để chúng không phát hiện ra 3 cá thể con non của nó đang lẩn trốn trong gốc bụi cây. Các máy ảnh của du khách được một phen lại hoạt động hết công xuất và tất cả mọi người đều ồ lên thán phục một “good, clever and brave mother” Con báo cheetah lúc này có đầy đủ cơ hội và cả 4 mẹ con cùng nhau vượt thật nhanh qua quả đồi bên cạnh để tránh nanh vuốt tấn công của kẻ thù một cách an toàn. “good, clever and brave mother”

sa246.jpg


sa247.jpg


sa248.jpg


sa249.jpg


sa250.jpg
 
Re: Nam Phi - Nước mắt của loài Tê Giác và sự tàn ác của con người !

Mặc dù là quốc gia giàu nhất châu Phi, nhưng Nam Phi vẫn đối mặt với rất nhiều áp lực các vấn đề xã hội như xoá đói giảm nghèo, tái định cư các khu ổ chuột hay nâng cao mức sống cho người bản địa thuộc các bộ tộc ít người. Câu hỏi tại sao họ đã tìm đâu và chi ra những số tiền khổng lồ để chu cấp cho một lực lượng hùng mạnh để bảo tồn đa dạng sinh học mà đặc biệt là bảo tồn các loài động vật quí hiếm như Voi, Tê giác, Sư tử …??

Trong quá trình tìm hiểu về các vùng phân bố của các khu bảo tồn ở Nam Phi chúng tôi nhận thấy các khu bảo tồn được trải dài và rộng lớn hàng trăm km2 trên các kiểu địa hình khác nhau mà chủ yếu là rừng sa mạc với một số vùng núi thấp. Thực vật chủ yếu là trảng cỏ cây bụi và hầu hết các khu vực bảo tồn trước đây đều là khu vực săn bắn, nơi chung sống giữa các bộ lạc nguời da đen với các loài động vật. Các vùng đất trước đây, nay thuộc khu bảo tồn đã hình thành một nền văn hoá, lịch sử hết sức rực rỡ và lâu đời. Nó gắn liền cuộc sống của người dân với vùng đất mà tổ tiền, cha ông họ đã sống, tồn tại và phát triển từ thế hệ này qua thế hệ khác. Do đó việc bảo tồn đa dạng sinh học chính là việc gắn liền giữa bảo tồn văn hoá bản địa đầy sắc màu với các loài sinh vật cùng chung sống. Mỗi loài sống và tồn tại trong bức tranh thiên nhiên ấy sẽ tô điểm cho một đất nước Nam Phi tươi đẹp, hạnh phúc, trường tồn. Mổi loài cây, con thú hay dòng sông, ngọn núi đã gắn liền và ghi lại lịch sử hào hung của cha ông họ do vậy mỗi khi được hỏi về công việc thì bất cứ nhân viên Kiểm lâm nào mà chúng tôi đã dược trò truyện đều ánh lên niềm tự hào, hãnh diện. Họ giống như một anh hùng đang đem hết sức lực, trí tuệ và tài năng bảo vệ mảnh đất cha ông họ gìn giữ cho đến ngày nay. Họ thích thú kể cho chúng tôi nghe những câu truyện truyền thuyết, những bản anh hung ca về cuộc sống, chiến tích săn bắn của các vị Vua và sức chiến đấu để bảo vệ mảnh đất quê hương này. Đối với loài tê giác, loài thú cổ đại như một biểu tượng của sự hiền hoa, yêu thương giữa người dân đối với chúng và người dân ngay từ nhỏ đã được giáo dục, thấm nhuần tình yêu quê hương đất nước, tình yêu thương giữa con người và cuối cùng là tình yêu đối với thiên nhiên.

sa251.jpg


sa252.jpg


Về góc độ bảo tồn, việc săn bắn có chọn lọc, bền vững sẽ là một trong những biện pháp tốt nhất mà các nhà nghiên cứu trên thế giới luôn khuyến khích chúng ta. Nếu như trong chuỗi mắt xich sinh học ấy cụ thể là loài tê giác bị tuyệt chủng thì sẽ dẫn đến những thàm hoạ khó lường cho nhiều loài khác vì trải qua hàng triệu năm chúng đã thích nghi với điều kiện và môi trường sống ở đây cũng như cuộc đấu tranh sinh tồn với các loài thiên địch khác.
Việc quan tâm của chính phủ Nam Phi đối với bảo tồn da dạng sinh học thể hiện một bộ máy có tầm nhìn xa trông rộng đối với tương lai lâu dài bền vững. Họ luôn nghĩ đến muôn đời sau và họ không muốn con cháu họ sau này chỉ còn có thể nhìn thấy loài tê giác trên các tấm ảnh chụp hay trên màn hình máy tính …mà phải là sự thật biện chứng mắt thấy, tai nghe, tay sờ …Họ không muốn đánh mất một di sản văn hoá lớn lao mà cha ông họ đã bỏ biết bao mồ hôi sương màu để bảo vệ và gìn giữ …Tuy nhiên cũng có một phần không nhỏ là do dưới áp lực của các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế cũng khiến họ nhìn lại chính mình khi biết rằng việc phá rừng săn bắt các loài động vật hoang dã ngày càng làm cho việc biến đổi khí hậu gây ra những thảm hoạ khôn lường đối với dân sinh kinh tế vì mất rừng đồng nghĩa với mất cuộc sống của con người và muôn loài, mất tính ổn định của các ngành nông nghiệp phụ trợ trong nền kinh tế quốc gia… Chắc chắn trong chúng ta không ai không biết rằng rừng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đầy lùi xa mạc hoá và điều tiết khí hậu.

Ở Nam Phi ngoài các khu bảo tồn, Vườn quốc gia do nhà nước tổ chức quản lý và bảo vệ còn rất nhiều các khu bảo tồn tư nhân. Đây là một việc làm không mới nhưng kết quả thì hết sức khả quan và tốt đẹp. Bất cứ cá nhân hay nhóm các cá nhân nào đủ tiền đều có thể bỏ tiền ra thuê một khu đất rừng nguyên sinh đủ để bảo tồn. Một khu bảo tồn tư nhân khoảng 7-10.000ha trở lên và các khu bảo tồn tư nhân thường lien kết lại với nhau nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng trên khu vực mình quản lý cũng như tạo ra một sinh cảnh đủ lớn để các loài động vật hoang dã có thể sinh sống và tìm kiếm thức ăn. Việc Chính phủ Nam phi cho phép tư nhân khai thác bảo tồn đã đem đến hiệu quả rõ rêt như - Khai thác được nguồn vốn tư nhân thúc đẩy bảo tồn, giảm bớt gánh nặng về tài chính trong công tác bảo tồn để tập trung vào các mục tiêu lớn của đất nước như xoá đói giàm nghèo, tái định cư các khu nhà ổ chuột …thúc đầy ý thức toàn dân cùng tham gia bảo vể thiên nhiên và qua những việc làm này tạo được điều kiện công ăn việc làm cho chính ngay những người bản địa tăng thu nhập và tránh được việc khai thác rừng, săn bắn các loài động vật hoang dã bừa bãi, dẫn đến mất kiểm soát.

sa253.jpg


sa254.jpg


Đây là một biện pháp mở hay còn nói rất mở nhưng cũng được quản lý, chế tài hết sức chặt chẽ bằng pháp luật. Hầu hết các Khu bảo tồn chúng tôi đến thăm đều họ đều hợp tác chặt chẽ với người dân địa phương, họ buộc phải tạo công ăn việc làm cho những người sống quanh khu vực, tạo điều kiện cho họ có cuộc sống tốt đủ để tiếp tục công việc bằng một tình yêu, niềm say mê với công việc này.Vì ngoài lao động để kiếm sống họ còn đang bảo vệ chỉnh mảnh đất thân thương bao đời mà bộ lạc của họ tồn tại và phát triển và đây là yếu tố căn bản vì chỉ có chính người bản địa mới biết rõ về khu vực họ đang sinh sống và biết rõ đường đi, di chuyển số lượng để săn bắn thú nay họ làm công tác bảo vệ thì không còn gì có thể tốt hơn.
Viêc khai thác bảo tồn cũng của các vườn thú tư nhân bao giờ cũng tốt hơn. Có rất ít các loài động vật hoang dã bị sát hại so với các khu bảo tồn của nhà nhà nước. Tiến sỹ … giám đốc khu bảo tồn Phinda Private Game Reserve hãnh diện cho chúng tôi biết: “Chúng tôi có 6 khu bảo tồn trên khắp châu Phi và đây là một trong khu bảo tồn tốt nhất của chúng tôi. Kể từ khi thành lập từ năm 1991 đến nay chúng tôi mới chỉ bị bọn săn trộm bắn chết duy nhất một con tê giác tuy nhiên chúng chưa kịp cắt sừng thì đã bị phát hiện” còn ông Brette Quản lý Khu bảo tồn tư nhân Nambiti thì lúc nào cũng hãnh diện “Nambiti của chúng tôi với 5 loài thú lớn được gọi là Big four của Nam Phi luôn luôn là số 1 ở Nam Phi

Việc thu hút đầu tư và quản lý chặt chẻ, bảo tồn tốt se đem lại những nguồn lợi khỗng lồ, lượng khách du lịch ngày một đông đến thắm và nghỉ dưỡng tại khu bảo tồn. “Hầu hết các khách hàng của chúng tôi đến từ Châu Âu, Nam Mỹ và có rất ít các khách hàng châu Á và có lẽ các bạn là một ngoại lệ duy nhất. Giá cả và các dịch vụ ở đây được trọn gói từ vé máy bay, ăn ở, khách sạn 5 sao giữa hoang mạc, đi xem thú ngày, đêm, tracking … và các dịch vụ vui chơi giài trí khác đều được phục vụ đầy đủ đến tận răng. Các phòng nghỉ chúng tôi đều được đặt kín vào các mùa quanh năm và rất nhiều khách hàng đã thường xuyên quay lại sử dụng dịch vụ của chúng tôi”. - Brette cho biết thêm. Tuy nhiên với giá cả này không mắc so với thế giới. Tiền nhà nghỉ từ 500-1500usd/1 người/ngày-đêm (nhưng so với chúng tôi thì là cả một vấn đề hehehe…). Nhưng chúng tôi luôn cảm thấy rất hài lòng với sự chuyên nghiệp, tận tình phục vụ các dịch vụ của họ. Câu hỏi của các nhân viên phục vụ, tài xế lái xe xem thú và các nhân viên bảo tồn đối với chúng tôi và tất cả các khách hàng, ngay cả những nhà nghiên cứu khoa học khó tính, luôn luôn là: “are you happy ?” và khi chưa hài lòng chắc chắn họ sẽ hài lòng nếu đến đó thử một lần để biết.

Nhìn lượng du khách tham quan và số lượng người ngồi trên hàng chục chiếc xe đặc chủng đua nhau đi xem thú ban ngày, đêm hết lượt này đến lượt khác và chỉ cần làm một phép tính đơn giản chúng ta đã thấy hiệu quả từ việc đầu tư bảo tồn đem lại nguồn lợi khổng lồ cho họ như thế nào.
Đối với loài tê giác là tài sản quốc gia thống nhất quản lý nên việc các khu bảo tồn được phép “cho mượn” con giống để thả vào khu bảo tồn của họ sau 5-10 năm và những con non sinh ra thuộc về tư nhân họ có toàn quyền sử dụng như bán lại cho các khu bảo tồn tư nhân khác hay vườn thú ở trong và ngoài nước để thu hồi vốn và trả công quản lý bảo vê. Con mẹ sẽ lại được nhà nước cho mượn ở khu bảo tồn khác nếu cần hoặc trả về với vườn quôc gia nơi chúng sinh ra. Đây là một chính sách được xem là hết sức hợp lý và tốt nhằm tạo điều kiện phát triển số lượng tê giác để bảo tồn nguồn gen. Việc buôn bán thú hoang đã sinh sản và phát triển trong khu bảo tồn sẽ đóng một vai trò rất lớn cho việc thu hồi vốn đầu tư. Cá nhân tôi không thể không chạnh lòng nghĩ đến cá thể tê giác Việt Nam cuối cùng đã chết cách đây ít lâu và một quốc gia nhỏ bé như Việt nam, là quốc gia duy nhất trên thế giới có đến 5 loài động vật (chưa kể thực vật) được thế giới cảnh báo nguy cơ tuyệt chủng và đây thực sự thấy được sự thất bại lớn nhất của ngành bảo tồn của chúng ta. Thế còn với các loài khác ngoài tê giác ở Việt nam có chịu chung số phận tuyệt chủng hay không ?
 
Re: Nam Phi - Nước mắt của loài Tê Giác và sự tàn ác của con người !

Ngày thứ 6

Một ngày mới lại đón chào chúng tôi ở Khu bảo tồn tư nhân Phinda. Hôm nay chúng tôi không cần phải thức dậy sớm để săn tê giác như mọi khi. Nhưng hôm nay lại là một ngày đặc biệt, chúng tôi được làm việc một ngày cùng các nhân viên kiểm lâm của khu bảo tồn để tìm hiểu nhưng khó khăn gian khổ cũng như vui buồn của họ. Sau bữa sáng khá thoải mái và vui vẻ, chiếc xe chuyên dụng chở chúng tôi cùng 3 nhân viên đến một khu vực gần với đầm lầy, nơi các loài động vật hoang dã thường hay tập trung uống nước và ăn sáng bằng những đám cỏ xanh mượt. Cầm cây súng, chụp vài kiểu ảnh để nhớ một thời cuộc đời mình đã từng là kiểm lâm.

sa255.jpg


sa256.jpg


Thời tiết khá âm u và dường như mưa sẽ về trong vài ngày tới. Khu vực chúng tôi dừng lại là một đập nước khá lớn với rất nhiều các loài chim đã hội tụ qua đêm ở đây. Hầu hết các loài chim đều khá lạ đối với một người nghiên cứu bảo tồn như tôi. Tuy nhiên chúng rất dạn và tự do kiếm ăn ở khu vực hồ nước mặc cho chúng tôi đến rất gần chụp hình.

sa257.jpg


sa258.jpg


sa259.jpg


Bầy Hà mã cũng đang đám mình trong dòng nước mát các nhân viên kiểm lâm luôn khuyến cáo chúng tôi không nên đến gần Hà mã vì đây là loài động vật giết người nhiều nhất ở châu Phi chứ không phải Sư tử hay Báo gấm. Vì chúng có vẻ rất hiền nên mọi người luôn mất cảnh giác.

sa260.jpg


sa261.jpg


Hôm nay chúng tôi được phép rời khỏi xe và đi bộ vì đi trước, sau là những nhân viên kiểm lâm cầm súng và đạn đã lên nòng. Vượt qua con dốc nhỏ chúng tôi phát hiện ra nơi ngủ qua đêm của một bầy trâu rừng có số lượng đến vài trăm cá thể, chúng quần nát khu vực cỏ và để lại những đống phân nóng hổi. Các loài côn trùng ăn chất thải của động vật bay lượn vù vù, mùi hôi nồng nặc. Bầy trâu đã bò đi kiếm đồng cỏ mới từ sáng sớm. Chúng tôi may mắn ghi lại những tấm ảnh cuối đàn còn lại vài chục con.

sa262.jpg


sa263.jpg


sa264.jpg
 
Re: Nam Phi - Nước mắt của loài Tê Giác và sự tàn ác của con người !

Vợ chồng nhà linh dương sừng xoắn Impala đang cùng nhau uống nước và soi mình. Thỉnh thoảng gã trai lại ngước nhìn chúng tôi như những kẻ xa lạ với ánh mắt nghi ngờ và thận trọng. Anh kiểm lâm da đen cho chúng tôi biết đây là mùa động dực của những con Impla cái nên chúng tôi có cơ hội nhìn thấy gã ấy trong bộ cánh mượt mà nhằm ve vãn những nàng Impala cái, còn vào mùa khác thì khó có cơ hội để chiêm ngưỡng những con đực bảnh trai như thế này.

sa265.jpg


sa266.jpg


sa267.jpg


Gia đình nhà tê giác trắng lặng lẽ vượt qua vùng đất trồng để thưởng thức bữa sáng bằng những đám cỏ xanh mượt bên kia mặt hồ. Ở một góc khác cả nhà tê giác đen dùng bữa là những bụi cây gai nhọn hoắt và chút lá xanh mới nhú đón nhận đám mây hơi nước đang tràn về củng cơn mưa sắp rơi đâu đó ở vùng đất hoang mạc khô cằn này.

sa268.jpg


sa269.jpg


Vợ chồng, con cái nhà Waghog mới chui ra khỏi chiếc hang trên mình đỏ rực màu đất đang lung sục kiếm ăn. Đúng là bọn heo thật ngu ngốc vì màu đỏ rực này rất dễ bị phát hiện và sẽ là miếng mồi ngon cho thú ăn thịt như Cheetah, báo gấm còn đối với sư tử thì rất hiếm khi chúng săn lợn lòi vì không đủ một bữa cho bầy.

sa270.jpg


sa271.jpg


Sau hơn 2 giờ đi bộ chúng tôi thoải mái ngắm nhìn và chụp ảnh những hoạt động kiếm ăn, di chuyển và hoạt động của các loài động vật hoang dã. Đây là một ngoại lệ duy nhất đối với chúng tôi, những sứ giả bảo tồn tê giác của Nam Phi còn đối với khách du lịch thì rất hiếm được dã ngoại vì họ phải trả rất nhiều tiền đê có cuộc chơi thú vị và hấp dẫn này. Hơn nữa vì lý do an toàn tuyệt đối cho du khách khu bào tồn không có tour xem thú nguy hiểm này.
Vượt qua ngọn đồi phía trước chúng tôi tiến vào nghĩa địa của loài voi. Nơi đây những con voi sau cuộc hành trình sinh ra, lớn lên và kiếm ăn, cũng như vượt qua hàng nhiều ngàn km để tìm vùng đất mới, vùng đồng cỏ mới trong cuộc đời chúng phải nếm trải và tự do sống trong vùng đất tổ tiên của chúng sinh ra. Chúng sẽ quay lại đây chết cùng nhau ở vùng đất này như một qui luật nhất định của tạo hoá và yên nghỉ cùng cha ông chúng đã từng yên nghỉ cuối đời tại đây. Những chiếc ngà voi to dài, chiếc xương ống khổng lồ trắng hếu, trơ gan cùng tuế nguyệt Tại sao không thu gom ngà, sừng các loài động vật chết nằm rải rác khu bảo tồn ? chúng tôi nhận được câu trả lời hồn nhiên của nhân viên kiểm lâm da đen. “ở khu bảo tồn này sừng, ngà, xương các loài động vật chết đi để lại rất nhiều và chúng chả có giá trị gì với chúng tôi nên chúng tôi thu không cần phải thu gom về…Giật mình tôi liên tưởng đến nước Việt dấu yêu và người con dân nước Việt nếu như trong rừng chúng ta có được một khu vực như thế nay để…

sa272.jpg


sa273.jpg


sa274.jpg
 
Re: Nam Phi - Nước mắt của loài Tê Giác và sự tàn ác của con người !

Bữa trưa giữa hoang mạc Nam Phi thật thú vị với bánh, trà, cà phê và một chút thịt nguội. Chúng tôi vừa ăn vừa ngắm nhìn các loài động vật hoang dã cũng đang thưởng thức bữa trưa. Mặc dù nhiều năm nghiên cứu khoa học và đã từng đi khắp các Vườn quốc gia hay Khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam; nhưng cảm giác vừa ăn, vừa ngắm cảnh, lại vừa đề phòng bầy thú hoang xung quanh thật sự là một cảm giác phiêu bồng nhất mà trong cuộc đời tôi được nếm trải. Thôi thì quá nửa đời phiêu bạt và cống hiến một phần nhỏ nhoi cho nghiên cứu, được một lần làm đại gia chân đất, mắt toét ờ xứ người cũng thấy mình có được cơ hội may mắn hơn nhiều so với các đồng nghiệp.
sa276.jpg


sa277.jpg


sa278.jpg


Chúng tôi trở về resort sớm hơn như dự kiến vào lúc 3 giờ chiều để chuẩn bị nghỉ ngơi và ăn tối cùng ban quản lý khu bảo tồn trước khi chia tay một hành trình đầy thú vị với các nhân viên bảo tồn. Cũng như mọi lần bữa tối luôn được chuẩn bị sẵn với đầy đủ các món. Nhưng hôm nay chúng tôi được nhà hàng đãi món nướng thịt Kudu nổi tiếng của Nam Phi.

sa279.jpg


sa280.jpg


sa281.jpg


Sau màn chào hỏi xã giao và chia sẽ những cảm nhận đầy thú vị mà Khu bảo tồn đã đem lại cho chúng tôi trong 2 ngày ở đây. Câu chuyện lại bắt đầu bằng chương trình giới thiệu ngắn về Phinda cũng như công tác quản lý bảo vệ rừng mà Khu bảo tồn đã đạt được trong thời gian nhiều năm qua và những hình ảnh tê giác bị săn trộm trong những năm đầu tiên của khu bảo tồn này mới thành lập… Ngừng một lát tiến sỹ Simon Naylor Giám đốc khu bảo tồn bắt đầu với tôi bằng một câu hỏi mà suốt hành trình tôi luôn được hỏi “Ông Trung xin ông hãy cho biết làm cách nào để giảm thiểu việc buôn bán sừng tê giác Nam Phi ở Việt Nam” khiến tôi lại giất bắn mình suýt làm rơi chiếc nĩa.
Tôi ước gì câu hỏi ấy một lần và chỉ một lần không được đưa ra từ những nhà quản lý bảo tồn ở Nam Phi. Mặc dù tôi biết họ không muốn làm tôi đau lòng bởi chính các người đồng hương tôi phạm tội. Nhưng tôi cũng phần nào thông cảm cho những nỗi đau đang canh cánh trong lòng những người dân Nam Phi, đặc biệt là những người có trách nhiệm. Họ không muốn những công dân Nam Phi trong tương lai phải trả giá cho sự trì trệ của họ ngày hôm nay trong việc bảo vệ một di sản lớn lao mà biết bao thế hệ người Nam Phi trước kia đã gìn giữ được cho họ ngày hôm nay.
Còn tôi, tôi chỉ biết im lặng khi chính MỘT BỘ PHẬN KHÔNG NHỎ người Việt chúng tôi đến con người với nhau họ còn tham nhũng từng đồng tiền thuế còm cõi của người dân nghèo còng lưng đóng góp, chém, giết lẫn nhau vì miếng ăn, đất đai và hôi của khi tai nạn giao thông, những bà, cô bảo mẫu thì đánh đập tàn nhẫn, giết chết cả những trẻ non nớt, vô tội … thì làm sao họ có đầu óc nghĩ đến bảo vệ các loài động vật hoang dã chính trong nước chứ chưa nói dến tầm quốc tế. Còn cái thân tôi một nhân viên quèn chưa lo nổi cho chính tôi chứ chưa nói đến người khác thì làm sao tôi có đủ dũng khí, quyền lực, trách nhiệm để trả lời câu hỏi đó. Tôi lại phải nói lời xin lỗi. I’m sorry. Nếu tôi trả lời là tôi có thể làm một điều gì đó vì tê giác, vì thiên nhiên hoang dã của hành tinh này, tôi sẽ trở thành kẻ lố bịch, ngạo mạn, lừa dối và đáng khinh.

sa282.jpg


Bằng một giọng khá trầm tiến sỹ Simon Naylor đề xuất: “Nếu như ông có bằng chứng thuyết phục về sừng tê giác có thể chữa được ung thư. Chúng tôi sẽ đề xuất với chính phủ Nam Phi mở bệnh viện tại Việt Nam để cứu người vì lý do nhân đạo. Hoặc Khu bảo tồn chúng tôi xin phép chính phủ sẽ cho Việt Nam mượn khoảng 100 con tê giác về nuôi sinh sản và khi số tê giác đủ lớn thành trang trại các bạn có thể trả lại số tê giác cho mượn. Như vậy sẽ tránh được nạn săn bắn trộm ở Nam Phi và buôn bán sừng tê giác ở Việt Nam
 
Re: Nam Phi - Nước mắt của loài Tê Giác và sự tàn ác của con người !

Hình như Gauteng có nhiều người da trắng gốc Anh lắm phải ko bác (c)
 
Re: Nam Phi - Nước mắt của loài Tê Giác và sự tàn ác của con người !

Đọc bài của bác thấy thấm lắm. Chua chát, đau xót, bất lực, oán trách... đủ cả. Không trách thế giới họ ghét china và Việt Nam. Chúng ta đã gián tiếp đẩy loài tê giác vô tội đi đến tiệt chủng
 
Re: Nam Phi - Nước mắt của loài Tê Giác và sự tàn ác của con người !

Bác chủ cho e hỏi: e ở SG, dân Nha Trang. E muốn giúp bác 1 tay trong sứ mệnh bảo vệ động vật của bác thì e có thể làm được gì lúc này ạ?
 
Re: Nam Phi - Nước mắt của loài Tê Giác và sự tàn ác của con người !

Tuyệt vời!!!!
Tôi đã nhận ra con báo cheetah cố tình manh động để bầy sư tử đuổi theo nó chạy về hướng ngược lại nơi gần đó có một bụi cây khá lớn. Con cheetah biết chắc rằng với khả năng đua tốc độ và khoảng không đủ kiểm soát thì lũ sư tử chỉ đáng ngửi khói. 4 chiếc xe chở khách du lịch đi xem thú cũng mở hết tốc lực lao theo xem có chuyện gì xảy ra. Khi bầy sư tử đuổi theo được khoảng 1 km nó đột ngột thay đổi tốc độ và lao vào một khu vực có nhiều cây bụi gần đó, mất hút. Khi không còn thấy dấu hiệu con cheetah, chúng tôi cũng quay đầu xe tiếp tục hành trình và một điều kỳ diệu xảy ra ngay trước mặt chúng tôi con báo cheetah lúc nãy là con báo mẹ. Nó cố tình thu hút bọn sư tử cái đang đi săn mồi hướng ngược lại để chúng không phát hiện ra 3 cá thể con non của nó đang lẩn trốn trong gốc bụi cây. Các máy ảnh của du khách được một phen lại hoạt động hết công xuất và tất cả mọi người đều ồ lên thán phục một “good, clever and brave mother” Con báo cheetah lúc này có đầy đủ cơ hội và cả 4 mẹ con cùng nhau vượt thật nhanh qua quả đồi bên cạnh để tránh nanh vuốt tấn công của kẻ thù một cách an toàn. “good, clever and brave mother”

sa246.jpg


sa247.jpg


sa248.jpg


sa249.jpg


sa250.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,684
Bài viết
1,135,227
Members
192,401
Latest member
Xuanbaongoc
Back
Top