What's new

[Tổng hợp] Non nước Ninh Bình

Từ Hòa Bình xuôi ra biển, đất Ninh Bình là một vùng tiếp giáp giữa núi non Tây Bắc và đồng bằng lấn biển. Hàng vạn năm trước, khi nước biển dâng cao, có lẽ chỉ có những dãy núi đá nhấp nhô là vượt trên mặt nước. Khi nước biển hạ xuống, các dòng sông mang phù sa lấn dần ra biển.

Đến tận thế kỉ 19, thì vùng giáp biển vẫn còn hoang sơ, cho đến khi Nguyễn Công Trứ khai hoang lấn mặn, mới có xứ Kim Sơn ngày nay.

Do vậy mà du lịch Ninh Bình luôn gắn với núi, với đá, và với nước. Từ cố đô Hoa Lư ẩn trong vùng núi Trường Yên đến nhà thờ Phát Diệm, đều là dấu ấn của đá. Từ Tam Cốc cũ kĩ đến Vân Long và Tràng An, đều là mặt nước yên bình.

Có lẽ không vùng nào ở nước Việt mình mà hai chữ Non - Nước lại sâu nặng đến thế.
 
Sông Vân núi Thúy

Cảnh non nước ở núi Kỳ Lân chưa phải là đẹp, mà nơi hội tụ linh khí nhất của thị xã (nay lên Thành phố) Ninh Bình là núi Dục Thúy, và sông Vân Sàng, hay còn gọi là sông Vân núi Thúy, hai cái tên rất đẹp.

Khúc sông Đáy nối từ Hoàng Long đến đây uốn một vòng nhẹ nhàng. Sông Vân hiền hòa nối vào sông Đáy tạo thành ngã ba sông. Và một khối đá núi đứng nghiêng nghiêng bên bờ ngã ba ấy, tạo thành một chỗ khuyết làm cho bao nho sĩ thời xưa phải tốn công ra đó viết thơ, rồi tốn sức người đục vào đá.

Trên đỉnh núi xưa có ngọn tháp chùa, sau đổ nát hết. Pháp xây thành lô cốt trên nền tháp cũ, vì từ đây có thể bao quát được toàn bộ hai đường thủy bộ, cửa ngõ của Ninh Bình.

Chỗ này còn gắn với câu chuyện anh Giáp Văn Khương khi bị bắt trên núi đã nhảy xuống sông bơi thoát sang bờ bên kia, chứng tỏ khúc sông này khá sâu.


 
Last edited:
Chùa Non Nước

Dưới chân núi Dục Thúy có một ngôi chùa, tên chữ là Sơn Thủy tự, tên nôm là Chùa Non Nước.

Ngay cạnh chùa là một bến thuyền với những chiếc thuyền nghèo long rong dọc sông Đáy.


 
Ngọc Mỹ Nhân

Ninh Bình còn có một quả núi nổi tiếng nữa, là núi Ngọc Mỹ Nhân, cái tên cực đẹp.

Nguyên núi này tên là Diên Sỉ, nghĩa là cánh diều hâu, vì có hai cánh vươn ra hai bên. Dân gian gọi là núi Cánh Diều.

Trong truyền thuyết về phong thủy còn nói rằng xưa kia Cao Biền người Tàu hóa phép cưỡi diều bay khắp đất Việt để tìm long mạch phá đi, nhằm làm cho người Việt mãi mãi thần phục Tàu. Khi diều bay đến núi này thì bị một thần nhân bắn tên rơi xuống, nên mang tên núi Diều.

Đời Nguyễn, khi Nguyễn Công Trứ đi khai khẩn ở vùng đất này, từ phía nam nhìn lên quả núi giống một người nằm ngửa, nên đặt tên là Ngọc Mỹ Nhân. Ngay cái tên cũng thể hiện cá tính phóng khoáng đào hoa của vị tướng lãng mạn này.

Có điều chán ngắt là người ta dựng ngay cái nhà máy điện ở bên cạnh núi Ngọc Mỹ Nhân, ngày ngày phun khói vào Ninh Bình.
 
Đây, Ngọc Mỹ Nhân nằm ngửa đây.

Có điều xưa kia cụ Nguyễn Công Trứ không nói rõ là Ngọc Mỹ Nữ hay Mỹ nam, nên con cháu học tập Thái Lan, chồng cho Mỹ nhân một cái ...



 
Kẽm Trống.

Đấy, trong Ninh Bình thì có 3 cái núi ấy được coi là hình ảnh tiêu biểu nhất rồi. Một Mỹ Nhưn, một con lân, một con chim là đủ (Dục Thúy nghĩa là con chim chả màu xanh).

Lần đầu tiên đến Ninh Bình, đi xe khách trên đường 1A, chưa đến nơi thì tớ đã rất ấn tượng với một nơi sơn thủy hữu tình rồi, đó là Kẽm Trống.

Chỗ này sông Hoàng Long chảy qua giữa dải núi, núi ép sông vào giữa. Cầu Hoàng Long thì ngay đoạn đó, nên đi qua nhìn khá là hoành tráng. Những ngày có mây mù thì ở kẽm Trống này còn sương dầy đặc cơ, liên tưởng đến những câu chuyện cổ về một dòng sông len lỏi giữa hai dãy núi cao ngất, sương mù mờ mịt, yêu quái ẩn hiện...

Kẽm Trống là nơi phân tách giữa tỉnh Hà Nam và Ninh Bình, dòng sông là địa giới, hai dãy núi hai bên thuộc hai tỉnh. Nơi đây đã được xếp hạng là Danh thắng Quốc gia.

Vậy mà sau này, mỗi lần đi qua lại thấy núi bị khoét thêm một tí, trắng phớ cả ra. Người ta phá đá kẽm Trống để lấy đá, tan hoang cả một vùng sơn thủy. Đá ngày đêm bị nổ mìn phá xuống, nứt toác, khô cằn, đau đớn.

Lần nào đi qua chỗ này, tôi cũng nhìn để xem họ đã phá hủy đến đâu rồi.
 


Ngày xưa đi ngang qua đây, bà Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ Nôm đã làm bài thơ Qua Kẽm Trống thế này:


Hai bên thì núi, giữa thì sông,
Có phải đây là kẽm Trống không?
Gió đập cành cây khua lắc cắc
Sóng dồn mặt nước vỗ long bong.
Ở trong hang núi còn hơi hẹp,
Ra khỏi đầu non đã rộng thùng.
Qua cửa mình ơi, nên ngắm lại,
Nào ai có biết nỗi bưng bồng.


Giọng thơ của Hồ nữ sĩ thì các Phượt sĩ nhà ta hai trăm năm sau vẫn còn chạy dài.
 
Ở khu vực Kẽm Trống này còn lưu truyền một giai thoại ghê rợn mà tớ được đọc từ hồi bé tí. Thực ra hồi đấy đọc cũng không nhớ nổi là ở đâu, sau này mới biết là vùng Kẽm Trống.

Thời nhà Đinh, vùng này hoang sơ lau lách um tùm. Người ta truyền nhau rằng nhiều người đi qua không thấy về. Có một buổi chiều tối nọ có một người khách đến vùng Kẽm này, chưa qua được sông, nên đành nghỉ lại một quán hàng bên này sông phía Ninh Bình.

Trong quán hàng, chủ quán ra sức mời khách rượu thịt, khách ngà ngà say thì sắp chỗ cho nghỉ. Nửa đêm, mấy người lẻn vào trói nghiến khách, lấy hết tiền bạc, rồi vác ra sau làng, lên lưng chừng núi đá. Tại đấy có một hang sâu thăm thẳm, bọn chúng vứt khách xuống hang rồi về.

Người khách là một viên tướng, đã ngầm nhận biết âm mưu của bọn cướp, nên không chết dưới đáy hang mà còn thoát dây trói. Ông nhận ra quanh mình có vô số bộ xương người ngập ngụa. Thoát khỏi hang, ông trở về triều đình báo lại.

Quân triều đình đến bao vây cả làng, và thấy dưới hang sâu có không biết bao nhiêu xương cốt của nạn nhân cả mới cả cũ. Tra khảo ra thì thật đáng kinh sợ khi cả làng này đều thông đồng với nhau giết khách qua đường cướp của. Làng này đã sống như thế từ khi lập làng, đã nhiều thế hệ. Từ người già đến trẻ con, từ đàn ông đến đàn bà đều thông mưu, chính vì thế mà hàng bao nhiêu năm, bao nhiêu thế hệ không ai phát hiện ra âm mưu rùng rợn ấy.

Triều Đinh, hình phạt tàn khốc được phán quyết cho toàn bộ làng: đàn ông bị chém ngang lưng, đàn bà bỏ rọ trôi sông, người già trẻ em bị bỏ xuống giếng lấp đá lên. Toàn bộ những gì còn lại của làng, kể cả trâu bò gà chó đều bị đốt trụi thành tro, mồ mả bị quật, triệt hạ đến tận cùng.

Những hài cốt trong hang được lấy ra, chôn cất tử tế. Đất làng chia cho tất cả các làng quanh toàn bộ vùng Ninh Bình, xa cũng như gần, mỗi làng một mảnh, để cày cấy và cúng tế cho những nạn nhân; không ai được cúng tế cho ngôi làng cướp. Đồng thời cũng nhắc cả vùng về tội ác của làng đó, để không bao giờ được tái phạm.



Câu truyện trên còn nhiều dị bản. Có bản cho rằng ngôi làng ăn cướp bị lộ khi một tên trùm cướp sau định hại cặp vợ chồng qua đường, khi giết một người qua đường thì lại không giết nổi người vợ, giữ người vợ lại làm thiếp. Người vợ sau đó thoát được báo quan. Lại có dị bản cho rằng vợ chính của tên cướp ghen tức với người thiếp mới nên đã báo quan.

Chung quy lại, nơi đây còn lưu lại một truyền thuyết đáng buồn về một thuở xa xưa khi Đại Việt mới lập quốc, tàn bạo còn lan tràn, và sự trả thù cũng thật là tàn khốc.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,682
Bài viết
1,135,152
Members
192,383
Latest member
BJ39
Back
Top