What's new

[Tổng hợp] Non nước Ninh Bình

Từ Hòa Bình xuôi ra biển, đất Ninh Bình là một vùng tiếp giáp giữa núi non Tây Bắc và đồng bằng lấn biển. Hàng vạn năm trước, khi nước biển dâng cao, có lẽ chỉ có những dãy núi đá nhấp nhô là vượt trên mặt nước. Khi nước biển hạ xuống, các dòng sông mang phù sa lấn dần ra biển.

Đến tận thế kỉ 19, thì vùng giáp biển vẫn còn hoang sơ, cho đến khi Nguyễn Công Trứ khai hoang lấn mặn, mới có xứ Kim Sơn ngày nay.

Do vậy mà du lịch Ninh Bình luôn gắn với núi, với đá, và với nước. Từ cố đô Hoa Lư ẩn trong vùng núi Trường Yên đến nhà thờ Phát Diệm, đều là dấu ấn của đá. Từ Tam Cốc cũ kĩ đến Vân Long và Tràng An, đều là mặt nước yên bình.

Có lẽ không vùng nào ở nước Việt mình mà hai chữ Non - Nước lại sâu nặng đến thế.
 
Bên kia là một cái hang, nghĩa là thông hai đầu. Hang thì thờ Phật, và bên trên cửa hang có hàng chữ hán Bái Đính danh lam. Cửa sau của hang thông xuống một ngôi đền thờ sơn thần ở lưng chừng núi phía sau.

Lại rặt tượng mới làm, chán chết. Tưởng chùa cổ, nhưng chỉ có núi đá là cổ, còn các thứ khác đi theo thời đại mới mất rồi.

 
Last edited:
Xưa kia Quốc sư Minh Không đã lấy nước ở dưới chân núi làm thuốc chữa bệnh, ngày nay nơi đó người ta làm lại thành một "Giếng ngọc" to tướng, đường kính đến 30m.

Giếng này theo kiểu giếng làng, không phải giếng khơi đào nhỏ và sâu của các cụ. Nước trong giếng là mạch nước đá vôi nên có màu xanh, và thành giếng cũng có gạch màu xanh ngọc thì phải. Nhìn xa xa thôi chứ tớ cũng chả ra đó làm gì. Trời nắng mất công.

 
Rời núi Bái Đính ngổn ngang gạch đá, mù mịt bụi đất, chúng tớ quay lại Hoa Lư. Vùng đất này nằm ở phía bắc của dải núi đá vôi Trường Yên, cũng tức là Tràng An. Thị trấn Hoa Lư nằm ở phía bắc của vùng, xưa kia là nơi các vua Đinh - Lê đặt cung điện.

Đường quay lại ngang qua ngã ba Vực Vông, nơi có đền Vực Vông nằm giữa một vòng núi nhỏ. Núi như cái ngai ôm lấy đền. Đền thờ bà Nguyễn Thị Niên, với sự tích bi tráng:

- Thời Mạc, vùng nước gần sông Hoàng Long có vực nước sâu, thuyền đắm người chết nhiều. Dân trong vùng mê tín vài năm lại cúng một thiếu nữ dìm xuống sông. Khi đó Nguyễn Quyện đóng ở vùng này; Quận Mỹ và Quận Kế là hai tướng đều muốn cầu hôn con gái ông là Nguyễn Thị Niên. Bà ra yêu cầu ai phá được lệ cúng thiếu nữ sẽ lấy làm chồng. Quận Kế đã cho người phá đá lấp vực, khiến sông nước hiền hòa, lệ dã man bị phá bỏ; Bà Niên lấy Quận Kế, sống vui vẻ. Nhưng Quận Mỹ tức giận đã bày mưu hãm hại cả cha và chồng bà, sát hại Quận Kế rồi ép bà lấy mình mới tha cho cha. Bà nhận lời.
Sau khi cha được tha, tại khúc sông mà chồng trị thủy năm xưa, sau khi tế chồng, bà đã giết Quận Mỹ rồi nhảy xuống nước trẫm mình. Xác bà trôi về Vực Vông. Dân chúng lập đền thờ, rất hiển linh.


Bà Nguyễn Thị Niên được coi như một bậc Thánh Mẫu - Mẫu Thoải - coi giữ vùng sông nước Ninh Bình.

Cổng tam quan đền Vực Vông chụp năm ngoái, còn chưa sơn vẽ; và năm nay đã sơn xanh đỏ lên rồi, trông mất đẹp

Năm ngoái


Năm nay

 
Last edited:
Biết về sự tích đền Vực Vông, chợt nhận thấy trong các vị Mẫu của Việt Nam, mẫu Thoải được hóa thân trong nhiều bà quá.

Từ bà người Dao, người Mường trên sông Đà, cũng được tôn là Mẫu Thoải, cai trị cả một vùng sông nước Đà Giang. Rồi mẫu Thoải ở Bảo Hà, đền Bảo Hà bên bờ sông Hồng, cai trị vùng nước Hồng Hà. Rồi nàng Mỵ Châu vì tình mà chết oan, hóa ngọc trai nơi cửa biển, cũng được tôn là Mẫu Thoải.

Thậm chí công chúa Lê Ngọc Hân, khi đã mất còn bị vua Gia Long nhà Nguyễn quật mồ lấy cốt đổ xuống sông Hồng, cũng được dựng đền thờ ở Gia Lâm, tức là đền Ghềnh, và bà cũng trở thành Mẫu Thoải ở vùng sông Hồng từ Thăng Long xuôi ra biển.

Nay ở Vực Vông, lại có một Mẫu Thoải nữa gắn với vùng Non nước Ninh Bình.
 
Hoa Lư

Từ ngã ba Vực Vông, không theo đường bêtông lớn đi Tràng An nữa, mà rẽ theo đường nhựa nhỏ hơn, sẽ đến thị trấn Hoa Lư, mà mọi người quen gọi là Cố đô Hoa Lư.

Thực ra Cố đô Hoa Lư bao gồm cả một khu vực rộng lớn, còn khu đền Đinh - Lê ngày nay chỉ là phần phía bắc của cố đô, nơi gần con sông Hoàng Long nhất, và có một khu vực rộng rãi bằng phẳng.

Tại đây có đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (và các con), đền thờ vua Lê Đại Hành (và vợ con), và một nhà bia vua Lý Thái Tổ. Thể hiện đây từng là kinh đô của hai triều Đinh - Lê, và năm đầu triều Lý.

Dãy núi Rù vây quanh phía ngoài, tạo thành một bức thành tự nhiên bao bọc. Phía trong là núi Mã Yên, cong hình yên ngựa, Trên chỗ võng xuống của núi Mã Yên là "lăng vua Đinh", một ngôi mộ tượng trưng xây bằng gạch đá, và cũng chỉ mới được tạo dựng lại sau này như là một hình thức tưởng niệm.


Nếu như các Hùng Vương có công Lập quốc, Ngô Vương có công Phục quốc, thì Đinh Tiên Hoàng có công Hưng quốc, Nhất thống sơn hà.
 
Đô thị Hoa Lư

Từ đỉnh Mã Yên Sơn nhìn xuống, có thể hình dung phần nào đô thị Hoa Lư ngày xưa.

Vùng đất bằng phẳng nằm giữa các quả núi này đã từng là nơi lập cung điện của các triều Đinh Lê. Dân chúng ở bên ngoài mấy quả núi kia, ra đến tận sông Hoàng Long ở phía chân trời. Cung điện dựa vào núi, núi nhìn ra sông. Thành xây gạch nối các quả núi tự nhiên lại với nhau. Phía sau núi sau lưng là cả một mê cung các thung, các hang động, tha hồ làm kho lương, kho tàng, nuôi quân.

Cái tòa thành núi này hiểm trở nhưng cũng bịt bùng, chỉ để thủ chứ chẳng thể mở mang.

Nhà bia Lý Thái Tổ giờ ở chính giữa, thẳng con đường phía trước là đền vua Lê, đền vua Đinh nằm cuối con đường thẳng bên trái.


 
Last edited:
Đền vua Đinh

Đền Đinh Tiên Hoàng là quần thể kiến trúc quan trọng và hoàn chỉnh nhất khu vực này. Đền có từ vài trăm năm, là một hệ thống đầy đủ, từ Nghi môn ngoại, Nghi môn nội, tam quan, sân triều, sập rồng, bái đường, thiêu hương, hậu cung...

Phía trước đền, phía đông, là một hồ sen bán nguyệt, phía sau đền, phía tây, là một quả núi riêng lẻ đứng chắn, Quả núi này làm thế dựa rất đẹp, đúng là địa thế tốt cho một chốn linh thiêng.

Đền được bảo tồn khá nguyên vẹn, không bị tu sửa xanh đỏ, nên bước vào dễ chịu, linh thiêng.


 
Sập rồng

Trước đền vua Đinh có một sập bằng đá khá đẹp. Tương truyền thì có từ lâu lắm rồi, nghìn năm nay rồi. Thực tế là có khoảng 400 năm là cùng thôi, nhưng thế là quý giá rồi. Con rồng trên sập có dáng vẻ mạnh mẽ, thế cuộn vòng, chân nắm vào râu.

Ở đền Lê không có sập rồng, chạm trổ thế này.


 
Last edited:
Tiên Hoàng đế

Tượng vua Đinh Tiên Hoàng trong hậu cung. Đây là bức tượng bằng đồng, ngồi chính giữa điện. Xung quanh là tượng ba người con trai của vua.

Đinh Tiên Hoàng có ba con trai, con cả là Nam Việt Vương Đinh Liễn, con thứ hai là Đinh Toàn, con thứ ba là Đinh Hạng Lang. Tiên Hoàng yêu con út Hạng Lang, lập làm Thái tử khi mới 4 tuổi, nên Đinh Liễn đã giết em để giữ quyền nối ngôi; thế mà rồi Tiên Hoàng cũng không trừng phạt Đinh Liễn.

Nhưng theo chính sử rồi cả hai cha con đều bị Đỗ Thích giết chết.

Đến giờ việc Đỗ Thích có thực giết Tiên Hoàng và Đinh Liễn hay không có lẽ vẫn sẽ mãi bí ẩn. Chỉ biết sau đó thì Đinh Toàn lên ngôi khi 6 tuổi, và rồi mẹ là bà Thái hậu Dương Vân Nga chỉ sau 9 tháng là lấy tướng quân Lê Hoàn, phế con ruột để làm Hoàng hậu.

Hàng loạt trung thần triều Đinh cũng bị trừ bỏ. Và chính 7 vị trung thần đó đang được thờ khắp nơi quanh khu Tràng An.

Và giờ trong ngôi đền này, bốn cha con nhà Đinh lại được ngồi gần nhau, có điều các ngài chẳng thể bàn luận quốc gia thế sự hoặc cơm áo gạo tiền như chúng ta được nữa.


 
Đền vua Lê

Đền thờ Lê Đại Hành ngay gần đền Đinh Tiên Hoàng. Triều Tiền Lê được có ba đời, 29 năm, Lê Đại Hành 25 năm, Trung Tông được có 3 ngày, Ngọa Triều 4 năm.

Người đời vẫn truyền rằng Lê Ngọa Triều rất tàn ác, dâm đãng, trác táng, vì thế bệnh tật đến nỗi không ngồi được mà phải nằm khi ra triều, nên mới gọi Ngọa Triều. Thế nhưng ngược lại, ông có rất nhiều chính sách cải cách, và lại ra trận đánh giặc nhiều lần, thậm chí trước khi chết 2 tháng còn đi đánh trận xa. Những điều vô lý này đưa ra nghi vấn là có thể những điều xấu đặt ra cho ông là nhằm mục đích chính trị hơn là sự thực. Còn ai làm, và mục đích là gì, thì vẫn là nghi vấn lịch sử.

Xưa kia đền Đinh - Lê chỉ có một đền, trong đó để tượng cả hai vua Đinh và Lê, bà Dương Vân Nga ngồi giữa. Sau mới lập đền riêng thờ Lê Đại Hành, thì tượng Dương Vân Nga đưa sang đền Lê, mà không thờ ở đền Đinh nữa.

Trong đền thờ Lê Đại Hành, bên trái là bà Dương Vân Nga, và bên phải là Lê Long Đĩnh tức Lê Ngọa Triều. Dân gian cũng công bằng với vị hoàng hậu hai triều vua, và vị vua tuy bị ghi là là rất tồi tệ, nhưng vẫn được thờ cúng như một bậc đế vương chân chính.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,308
Bài viết
1,175,018
Members
192,036
Latest member
imperiaglobalgate
Back
Top