Em cực kỳ sợ rắn, chắc chỉ sợ kém sợ mẹ em một tí thôi. Vì sợ nên em tìm hiểu về cái vụ rắn cắn này kỹ lắm.
Để phân biệt thế nào vết răng rắn độc và rắn không độc thì không khó. Rắn độc có hai cái răng nanh to ở hàm trên, cái này chính là kim tiêm thuốc độc - hay còn gọi là móc độc. Rắn không độc thì không có. Vì thế, khi các bác bị rắn cắn (bập bập, nói đổ xuống sông xuống bể) thì chỉ cần xem vết răng thôi. Đây em vẽ đại khái cho các bác hình dung:
Còn về sơ chế, à quên, sơ cứu thì khoa Chống độc bệnh viện Bạch Mai dạy thế này:
* Động viên tinh thần để bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng.
* Không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn). Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề.
* Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường): băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt. Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.
* Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động. Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..).
Kỹ thuật băng ép bất động:
* Dùng băng rộng khoảng 10 cm, nếu có điều kiện dài ít nhất khoảng 4,5 m. Có thể băng chun giãn, băng vải, hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Không cố cởi quần áo vì dễ làm chân, tay phải vận động, có thể băng đè lên quần áo.
* Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (đủ để luồn một ngón tay giữa các nếp băng, còn sờ thấy mạch máu đập).
* Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn.
* Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,…) cố định chân, tay với nẹp.
* Với vết cắn ở bàn tay, ngón tay, cẳng tay:
+ Băng ép bàn tay, cẳng tay.
+ Dùng nẹp cố định cẳng tay và bàn tay.
+ Dùng khăn hoặc dây treo quàng lên cổ bệnh nhân.
* Duy trì băng ép bất động tới khi bệnh nhân đến được cơ sở y tế có khả năng cấp cứu hồi sức hoặc huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu (bác sỹ là người quyết định tháo băng ép hay không).
* Vết cắn ở thân mình: ép lên vùng bị cắn nhưng không làm hạn chế cử động ngực nạn nhân.
* Vết cắn ở vùng đầu, mặt, cổ: không băng gì hết, khẩn cấp vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.
Lưu ý:
1. KHÔNG sử dụng các biện pháp như garô, rạch, hút nọc hay đắp lá, chườm đá, bôi mayonnaise, vắt chanh, rắc hạt tiêu... vì có thể làm nhiễm trùng, hoại tử vết thương.
2. Nước mình chỉ có vài loại rắn độc đặc trưng thôi, cạp nong cạp nia (đen vàng hoặc đen trắng), hổ mang hổ trâu (mặt bạnh ra, phun phì phì), lục (xanh rợn chân trời)... Mấy con này nhìn qua là thấy ác ngời ngời rồi, các bác mà nhớ cái mặt nó thì tốt, để bác sĩ có hỏi thì khai, đặng bác sĩ còn chọn loại huyết thanh chống độc phù hợp.
Còn phòng rắn cắn thì không khó lắm các bác ạ, em suy từ em mà ra. Vì sợ rắn vãi è nên em đi đâu cũng mắt trước mắt sau rón ra rón rén, từ chối những lời mời chui bụi rậm (dù rất tiếc) và tránh mò mẫm đêm hôm, che chắn kín đáo tay chân đầu cổ, thấy rắn thì bủn rủn chân tay lùi dần hoặc ngất xỉu chứ không xông vào trêu ghẹo... Thế hoá ra lại lành.