What's new

[Chia sẻ] Reykjavik, Edinburgh, Penzance, Mousehole, Annecy...Chuyện vừa đi vừa kể

"Tôi yêu xem một cuốn truyện hay
Tiếng chim hót đầu ngày
Và yêu biển vắng
Tôi yêu ly càfé buổi sáng
Con đường ngập lá vàng...
...
Tôi yêu những gì đến tự nhiên
Những câu nói thành thật
Và yêu ngày nắng "...

Không biết Đức Huy đã ở đâu khi viết bài hát dễ thương này nhưng mấy ngày vừa qua tôi đã có những ngày tương tự.

Nhà có shop hoa. Bán sỉ. Phòng nào cũng chưng một bình. Phòng khách mấy chậu lan tím, trắng. Phòng ăn phòng sinh hoạt chung phòng tắm đều chưng hoa hồng, màu hồng. Số lượng tuỳ ở đâu, phòng đông người thì bình to sáu bảy cành, phòng tắm phòng riêng chỉ một cành, chưng trong chai cỡ chai bia.

Nhà nằm gần góc đường. Thoáng. Bốn ngày ở đây chia đều hay ngày mưa hai ngày nắng. Ngày mưa sáng nhìn ra ngoài nặng trịch. Mưa nhỏ thôi, hơi to hơn mưa phùn tí. 9 giờ sáng chưa nhìn rõ 100m trước mặt. Mấy ngày này không vội ra đường. Pha ly cà phê, bày thêm dĩa mix đậu, nho khô, cranberry tự mang theo. Ngồi ở phòng khách, mở kênh nhạc. Đọc vài trang "Neither here Nor there". Nghe như đang ở phòng khách nhà mình vào những sáng cuối tuần.

Ngày nắng. Đang mùa thu nên có sớm lắm hơn tám giờ nắng mới vào cửa sổ. Tia nắng mỏng, nhẹ tênh. Nhìn vậy thôi chứ bước ra ngoài lạnh cóng. Như sáng nay 6 độ, gió nhẹ. Hàng cây bên đường rụng lá gần hết, trải vàng cả một đoạn dài. Bến bus vào trung tâm chẳng có ai chờ.

Hôm kìa ăn trưa ở một quán nhỏ ngoài bến cảng. Ngoài cảng tàu đánh cá, tàu du lịch đầy nhưng chẳng thấy mấy bóng người. Bên trong quán khách ngồi chật. Có ba dãy bàn dài, ghế được xếp hai bên. Bàn là một thớ gỗ mỏng nhấp nhô ở giữa hơi cao hơn, bề ngang không đều. Lâu lâu phải vịn tô soup vì nó trượt từ từ về hướng mình. Còn ghế là mấy cái bình plastic rỗng, có thể dùng làm phao hay chứa đồ. Trong vườn nhà mẹ có mấy thùng to kiểu này để chứa nước mưa. Và để cho êm mông họ kê thêm "cái gối" bọc plastic sắp rách, món này cũng có việc gì đó trên tàu thì phải.
Soup lobster béo ngậy, miếng thịt tôm ngọt mềm. Lâu rồi mới được ăn tôm tươi. Ăn kèm có bánh mì, không giòn nhưng thơm. Ăn vài muỗng đã ấm cả người. Chẳng trách họ tự tin ghi ngoài cửa món soup nơi đây là nhất hạng.

Mặc dù đi ngoài đường lâu lắm mới thấy hàng cây cao nhưng trong quán, trong shop hay cả trong nhà họ xài đồ gỗ nhiều và rất khéo. Ông chủ nhà nói mọi thứ khan hiếm và đắt đỏ quá nên họ không bỏ thứ gì cả. Rất nhiều thứ được nhập vào trừ nước nóng điện gỗ và hải sản. Đến bầy ong để thụ phấn cho mấy nơi trồng rau quả trong nhà kiếng cũng được nhập từ Hà Lan.

Và con người, cho đến giờ này tôi đã đi qua rất nhiều nơi nhưng chưa nơi nào họ tử tế và dễ thương như ở đây. Tôi chắc họ chưa bị ô nhiễm như không khí ở nơi này. Dù nhìn họ cao to mặt lạnh nhưng khi bắt đầu mở lời, cái giọng nặng mà thân và "lo" hơn mình tưởng. Mới đầu nghĩ tại mình là khách nên họ đối đãi theo khách nhưng sau vài ngày nhìn cách họ nói chuyện với nhau mới biết, thì ra ai cũng vậy.

Tối qua đi xem Bắc Cực Quang về 2 giờ sáng, xe bus bỏ xuống trạm gần nhà. Khi bước ra còn nghe bác tài gọi với theo qua đường nhớ bấm đèn dành cho người đi bộ. Thấy khuya lắc mắt nhắm mắt mở chắc tưởng tôi sẽ băng đại qua đường.

Mới đầu đáng lẽ chỉ ở đây một đêm rồi đi Nuuk nhưng canh hoài giá bay vẫn cao ngất trời nên thôi. Ở lại. Âu cũng là duyên.

#Reykjavik
DE7A4F2D-708F-4D1C-9E51-F3127B1AF295.jpeg
 
Last edited by a moderator:
Sáng nay lúc ngồi ăn sáng có người nhắc Copenhagen với quán kem ngay góc đường khu Nyhavn nên nhớ lại một đoạn đã viết hơn sáu tháng trước. Không nhớ rõ nhưng lúc đó hình như cũng có người nhắc chuyện ăn sáng ở một nơi khác. Và giờ lại post chen vào đây khi những điều mình nói mấy năm trước vẫn chưa thực hiện được, dù có nhích tới đôi chút.

Mơ sáu tháng dài thong dong thư thả
Không chạy mà đi ăn sáng cà phê
Hôm qua quá khứ lo chi ngày tới
Ta sống hôm nay quà tặng ấy mà…

NHỮNG BỮA SÁNG Ở XA, NHỮNG BỮA SÁNG Ở NHÀ

Bữa ăn sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Báo đài, các bảng quảng cáo ở trạm xe, trên các hộp cereal đều cho là vậy. Nào là lần nạp năng lượng, bữa ăn cùng cả nhả đầu tiên trong ngày, giúp năng suất làm việc cao hơn vì no bụng sẽ tập trung hơn, giảm béo phì, giảm stress, giảm abcd..Nói chung toàn có lợi. Không cãi nhưng cũng như tất cả các chuyện khác trên đời này, còn tùy vào hoàn cảnh, tùy khả năng, tùy sở thích, tùy khung thời gian của mỗi người. Có người dậy sớm điều độ mỗi ngày, thong thả ăn sáng rồi những diễn biến tiếp theo một trình tự nhất định. Có người ăn cũng được, nhịn cũng chẳng sao, hay nhịn riết thành quen. Có người thà ngủ thêm nửa tiếng, trên đường đi ghé ngang mua ly cà phê vừa đi vừa uống. 

Tôi không nhịn nhưng năm ngày trong tuần sáng nào cũng vừa ăn vừa chạy. Cuối tuần thường thong thả hơn, cho mình cơ hội ngồi xuống ăn chậm. Và những ngày không đi làm, đi xa, thời khóa biểu tính theo cuối tuần. Nói như thông tin ghi trên các bảng thông báo gắn ở các bến xe công cộng ‘Ngày abc..xe chạy theo thời khóa biểu thứ Bảy/Chủ Nhật”

39839499532_c0f3230e3b_c.jpg


Nhớ hồi nhỏ mỗi sáng trước khi đi học mẹ đã đi chợ về. Lấy ra trong giỏ khi thì miếng bánh bò nướng, khi miếng xôi đậu gói trong lá chuối, khi gói bánh hỏi thêm hai túm nhỏ nước cốt dừa với nước tương. Không nhiều không màu mè hoa lá hẹ nhưng đó là niềm vui nho nhỏ no bụng mỗi sáng. Cho đến giờ, đi nhiều, ăn đủ thứ trên đời nhưng mỗi lần nhớ lại vẫn thèm cái rìa bánh nướng giòn thơm lựng, miếng đậu phụng bùi bùi, vị béo mằn mặn của nước cốt, mùi thơm khi nhai trúng miếng hành. Bánh hỏi có thể ăn kèm rất ngon với bất cứ món thịt gì nhưng với tôi bánh hỏi ngon và hợp nhất với nước cốt dừa chan tí nước tương. Nhắc lại thèm. Dù mấy món ăn này bây giờ mua hay làm cũng dễ nhưng cái vị na ná, không nghe được mùi tuổi thơ. Tôi hay đùa mỗi khi có người nhắc lại rằng đầu lưỡi đã hết trong trẻo như hồi nhỏ, đã nếm vô số tạp chất nên cũng như mấy giác quan còn lại, đơ nhiều.

Thời gian lên cấp Hai ra phố ở với dì. Tiền chu cấp mỗi tháng một trăm ngàn, làm sao thì làm. Bữa sáng có thể vét nồi hay ăn gì đó có sẵn ở nhà, còn không tự đi mua lấy. Bữa trưa bữa chiều dì lo. Vị chi mỗi ngày ba ngàn ba, nếu ăn sáng, gởi xe, giờ ra chơi ăn thêm gì đó thì chưa đến nửa tháng đã hết. Mấy tháng đầu chưa biết tính budget nên nửa tháng sau chới với, phải cầu xin viện trợ từ nhiều phía. Bị la cứ dùng dằng cãi, giờ nghĩ lại người lớn luôn đúng (95%), mình còn may mắn hơn khối người. Sau ba tháng đầu đã khôn ra, tính toán kỹ hơn. Mỗi sáng không ăn sang mà chỉ mua ổ bánh mì không ở cái xe đầu hẻm, năm trăm. Chị chủ thấy thương nên rưới thêm miếng nước tương. Bữa nào trời đẹp, chị vui nhét thêm ba miếng dưa leo mỏng dính rồi dặn thêm “đầu tháng có lương ăn thêm thịt nghen”. “Dạ” rồi quên đó, đầu tháng ra y như mọi hôm, xin thêm miếng dưa leo, chị không nhắc gì. Về nhà cắn vào mới biết có miếng chả trong đó. Hôm trước về ghé ngang hẻm cũ, chị vẫn ở đó nhưng nhà đã xây lên hai tầng mới toanh. “Mấy đứa nhỏ gặp thời, làm ăn khá”.

Nhiều khi nhớ lại cũng vui, mới lớp Sáu ốm tong teo trước sau y chang mà trường bắt buộc mặc áo dài. Nhìn lại hình ngố ơi là ngố. Toàn ăn bánh mì không trổ mã gì nổi, anh chọc. Vậy mà ngày nào được đưa đón ngồi sau xe đạp cũng ra dáng thiếu nữ, bày đặt ngồi một bên vén tà. Đầu đường Hùng Vương có trường bộ đội/lính, trưa nào về ngang mấy anh cũng huýt sáo inh ỏi. Tưởng vì mình nên giữ mặt thẳng rất nghiêm ai dè mấy lần sau quay lại có một tốp ba bốn chị tóc dài chạy phía sau. Mới mười mấy tuổi đầu đã có dấu hiệu narci. Thiệt.

Càng lớn những bữa ăn sáng càng đa dạng. Ngọt mặn có đủ. Khi sandwich jam, khi miếng bánh ngọt, khi trái chuối, khi cháo trắng cải mặn trứng vịt muối, khi giò chả bánh mì, khi một bàn ê hề mười mấy món cứ như ăn cho cả ngày. Số ngày ăn ở góc bàn quen thuộc trong nhà bếp thưa dần. Sáng chào nhau rất nhanh, đôi khi chữ cuối câu rơi tỏm ngoài cửa. Lo chạy, lo ráo riết với đời, toàn chuyện người lớn. Nhiều khi đang ăn, vừa nhai vừa đưa miếng khác vào miệng chứ tâm trí đang ở ngoài đường hay chỗ làm, tính đi ngả nào cho tiện, mở lời làm sao trong buổi họp trưa nay…Hôm kia đọc được câu này ”Whereever you are, make sure you are there”. Tạm dịch bạn đang ở đâu thì tâm trí nên ở tại đó. Đúng lắm. Bởi vậy các lớp thiền, yoga, tịnh tâm ngày càng đông học viên là vì vậy. Dạy người ta chậm lại, ngừng lại chốc lát. Nhớ thở. Thời này không chỉ phần thân không yên mà phần tâm hay ở trạng thái di chuyển (on the move). Các quảng cáo đồ ăn sáng vẫn xài những từ “up and go”, “on the move” “coffee for busy morning”…

16270387337_1cd460fbb9_c.jpg


Còn những bữa sáng ở-nơi-không-thuộc-nhà? Ngày thường được kể như cuối tuần, thư thả nhiều. Luôn đáng để nhắc lại, thêm động lực để hăng say cày cho lần nghỉ kế.

15323829629_bf31cb8ba5_c.jpg


Nếu để ý bạn sẽ thấy cách bày biện các thứ ở nhà hàng từ thức ăn, đồ gắp, muỗng nĩa...dành cho người thuận tay phải. Buổi sáng nọ, tôi đứng xếp hàng chờ lấy bánh mì trước một bác người Tây. Khi đến lượt thấy tôi xoay thớt bánh mì qua, bàn hơi chật nên bác nhanh tay kéo hai rổ bánh mì ngọt vừa cười vừa hỏi “Thuận tay trái à?” Tôi vừa cám ơn chưa kịp nói thêm gì bác lại lên tiếng “Người thuận tay trái thường khéo và thông minh. Obama viết bằng tay trái”, nguyên văn bác nói clever and smart. “Ủa vậy hả bác, con chỉ cầm dao bằng tay trái. Cầm viết cầm đũa đều bằng tay phải nên chỉ được nửa phần khéo và IQ trung bình”. Cả hai cùng cười. Bác rủ tới bàn ngồi ăn chung, bác gái đang chờ. Họ đến từ Copenhagen, tự làm chủ, không có con nên ít khi ở nhà. Cả bữa sáng bốn lăm phút toàn nói chuyện đi, chuyện ăn và những chuyện vui, lạ gặp dọc đường. Khi họ đưa cuốn sổ kêu tôi viết xuống vài nơi nên đi, nên ăn ở Melbourne bác trai gật gù “Nó viết tay phải thật, hèn chi nãy giờ có mấy câu hỏi nó ú ớ”. Đã nói rồi mà. Một bữa sáng cười rất nhiều. 

Lần đó đi về nhằm lúc thằng cháu mới bắt đầu cầm viết. Nó cầm tay trái. Mặc cho mẹ với bà dụ cách nào chút xíu nó lại chuyền qua tay trái. Tôi kể lại chuyện gặp hai bác Đan Mạch, quất thêm cuối câu Obama cũng cầm tay trái. Nhớ hồi nhỏ có đứa bị bắt đổi qua cầm đũa tay phải nên cà lăm tới gần mười tuổi mới hết không? Thuận tay trái thấy chướng chướng, chị nói. Tay nào cũng tay, cứ để thằng nhỏ phát triển tự nhiên, đổi qua đổi lại có đứa bị mất cân bằng lại sinh tra chứng khác. Thầy đã dạy mà, nói gì ra phải có chứng cứ, mà chứng cứ càng mạnh càng dễ thuyết phục. Thế là thằng nhỏ được tha.

Nhắc Copenhagen lại nhớ bữa sáng uống bia duy nhất từ đó giờ, trong quán dưới dốc cầu. Mộc và lạ, buổi sáng quán đã đốt đèn cầy. Một ngoại lệ, vì xưa giờ chưa từng cho phép mình uống nước có cồn trước mười hai giờ trưa. Nhớ có người từng bào chữa, buổi sáng ở đây nhưng đang là chiều ở múi giờ khác. Thề sẽ không có lần thứ hai vì sau đó cứ bị ngầy ngật, mặc dù có ăn thêm chén soup gạo bí với parsley, uống hai ly cà phê chẳng ăn thua nên về khách sạn ngủ đến tối.

14748232920_56d54f84d7_c.jpg


Đi xa có những món lần đầu tiên được thử, đảo lộn thời khóa biểu ăn trong ngày. Sau bia, đến các món ăn sống. Lần kia đi chợ cá từ tờ mờ sáng. Chợ nằm ngay bến cảng, thoáng, gió sớm lạnh run. Đi chợ cá nên ăn sáng bằng cá cũng là điều dĩ nhiên. Ngon không chê vào đâu được. Cá hồi tươi thêm hành muối tiêu để trên bánh mì, ngọt tan trong miệng. Đổi lại, cà phê nhạt thếch.

Mấy ngày ở Đà Nẵng đồ ăn sáng mê duy nhất món bánh bột lọc. Thứ bánh trong veo với con tôm nhỏ xíu thêm chút hành phi chấm nước mắm ớt mà năm khi mười họa ở nhà mới được ăn. Nhỏ bạn người Huế réo lại mỗi khi má nó làm. Chỉ có bác mới làm đúng điệu, cái bánh dẹp, gói từng cái vào lá tre hay lá chuối (lá xứ này là thứ xa xỉ). Bằng không người khác làm thô hơn, không hấp mà thả vào nồi luộc nên đã không còn thuần bánh bột lọc. 

Và món ăn sáng thứ hai chỉ tìm thấy ở Đà Nẵng và Hội An là bắp nếp luộc. Loại bắp dẻo ngọt, nhựa nhiều mà theo chị bán nói ở Việt Nam bây giờ người ta không chuộng nữa. Ai nấy cũng đòi ăn loại bắp hạt to nhiều nước, cạp còn lại cái cùi xù xì (nguyên văn). Bắp Mỹ. Bắp nếp ở nhà vẫn thấy bán, đông lạnh. Chưa từng mua lần nào. 

Nhớ hồi nhỏ nhà nội trồng mấy công bắp, mỗi lần nấu cả nồi to, nhưng hiếm khi tìm được một trái không đổ nhựa. Sáng, trước thềm ba đám cháu mỗi đứa gặm một trái. Những trái đầy nhựa là trái già, ngoài chợ họ chê. Giờ ngược lại, ở chợ nên toàn mua trái ráo hoảnh, muốn ăn lại một trái đầy nhựa kiếm không ra.
Vườn nhà nội bây giờ toàn bưởi với cam. Nội không còn. Cái nồi nấu bắp vẫn còn dựng ở góc bếp, khói bám đen thui. Đút thêm cây củi dừa vào, lửa than đỏ hồng, khói lơ lửng đùa qua vách. Đổ nước sôi vào tô mì. Ăn sáng.

25000774117_98d9536ac8_c.jpg
 
Last edited:
Re: Scotland

EDINBURGH- làm người dưng cứ tưởng người thừa kế

Tôi đã ở Edinburgh năm ngày, chưa đủ lâu để gọi là nhà nhưng đủ thời gian cho mình theo nhịp sống “thử” của một người địa phương. Mỗi sáng tôi đều đi bộ từ nhà ở khu Newington ra trung tâm, loanh quanh ở phố cũ hay đi thẳng qua cầu South Bridge sang phố mới. Mỗi ngày mua cà phê ở một quán khác nhau, có khi ngồi lại trong quán đọc tin buổi sáng, nghe âm thanh buổi sáng trong không gian nhỏ và ấm với thứ ngôn ngữ đáng ra mình hiểu được nhưng khi lơ đễnh chẳng hiểu gì. Có khi cầm ly cà phê đi thẳng qua cái công viên xanh bên phố mới, Princes Street Gardens, chọn một chỗ thoáng rồi ngồi xuống băng ghế vừa uống vừa nhìn qua phố cũ xám xịt, cái màu không đổi bất cứ giờ nào trong ngày hay thời tiết ra sao. Chỉ khác khi trời nắng, mây có chút xanh lại vui hơn. Hai bàn tay ấm, uống vào từng hơi ấm nóng, nhìn qua ‘bờ’ bên kia và nghe âm thanh nhộn nhịp đầu ngày sau lưng mình.

Đang làm ngừơi dưng cứ tưởng người thừa kế
Mấy gió vỗ về
Thôi làm kẻ đi thuê...


25583441278_0d834fc582_c.jpg


Màu và âm thanh của Scotland, đâu đó trên Royal Mile.

37079657123_ac4661bb09_c.jpg
 
Last edited:
Re: Scotland

EDINBURGH- Làm người dưng cứ tưởng người thừa kế

Chuyến bay từ Reykjavik về Edinburgh đã đáp trễ hơn dự định gần hai tiếng đồng hồ. Máy bay lòng vòng trên bầu trời Edinburgh hơn mười lăm phút mà không được phép hạ cánh vì đường băng có vấn đề gì đó. Nhiều máy bay khác cũng đang xếp hàng chờ đáp. Thế là chuyển hướng đáp xuống sân bay Glasgow. Được thông báo trước nên hành khách ngồi yên chờ đợi, chỉ vài bác lớn tuổi đứng lên lo lắng hỏi thăm tiếp viên. Tôi cần ăn để chích insulin, đến giờ rồi. Con tôi đang chờ ở Edinburgh, hay tôi xuống đi về bằng train sẽ nhanh hơn. Hay cho tụi tôi xuống đi lòng vòng cho bớt ngộp rồi lên lại… Đòi hỏi thắc mắc nào cũng được từ tốn giải đáp, câu trả lời chung là nên ngồi chờ vì máy bay chắc chắn sẽ cất cánh lại, bay về điểm đến đầu tiên. Lục hành lý là vấn đề. Xáo trộn tên tuổi giấy tờ là vấn đề…Thôi chờ đi. Bác bị tiểu đường được một cô tiếp viên pha cho bịch soup khô cô mới tìm được trong giỏ xách của mình. Đồ ăn thì có nhưng các hộc tủ đồ ăn trên máy bay chỉ khi đang bay mới được quyền mở, chỉ có nước nóng nước lạnh vặn được thôi. Thì ra vậy.

Ngồi trên xe chờ tôi đã trải qua nhiều lần, còn ngồi trên máy bay dưới mặt đất chờ đây là lần đầu. Edinburgh gây ấn tượng đầu tiên với tôi như thế, trước khi chân chạm đất. Khi chạm đất đã xật xừ, mua liền ly latte thêm phần salad gà lấy lại sức trước khi đón bus về trung tâm.

Người ta hay nói nhà không phải là bốn bức tường, cái nóc rồi bàn ghế giường ngủ. Nhà là sự cảm nhận. Nhiều khi cần thời gian mười ngày, một tháng hay vài năm mởi cảm thấy nơi mình đang ở là nhà. Có khi chỉ cần vừa bước vô cửa cái hơi nhà đã ập cả vào người. Ở Edinburgh tôi đã có cảm giác như vừa đi xa về khi đứng ngay bếp cách cửa cái có mấy bước chân. Déjà vu. Một nơi như quen lắm. Tôi thích đơn giản, gọn và sạch. Nhà bếp thông với phòng khách bé tẹo. Hai cái ghế vuông chân cao bên bệ gỗ, nơi có bếp điện ở giữa. Kia là sô pha xanh đâm hai ghế sát tường. Màn hình tv phía đối diện. Đứng ngay bếp nhìn thẳng ra khung cửa sổ cao thấy khu vườn xanh bên ngoài. Mây xám xịt, chuyện tôi đã quen cả tuần qua. Hai bạn chủ nhà chờ tôi lâu quá nên nhắn tin nói có chuyện ra ngoài, tối về gặp.

Tôi kéo hết hành lý lỉnh kỉnh vô phòng rồi đi ra đường xem hàng xóm nhà mình có những ai.

Edinburgh nhìn vẻ ngoài già xụ nhưng lại là thành phố của ngừơi trẻ. Hơn 50% ở độ tuổi giữa mười sáu mừoi bảy tới bốn lăm. Khu tôi ở lại càng trẻ vì ở sát bên đại học Edinburgh, và nét đa văn hoá thấy ở vùng này rõ hơn vì du học sinh đông. Ở đây ngoài đi xe riêng, đi bộ chỉ có xe bus. Rất nhiều tuyến xe, không chỉ giờ cao điểm mà lúc nào tôi thấy người chờ, người trên xe cũng đông.

Dọc hai bên phố nhiều nhất là quán cà phê với quán ăn. Trước khi đến tôi nghe ở Edinburgh chỗ ăn uống nhiều hơn dân số nơi này, gần năm trăm nghìn dân. Đến rồi mới thấy sự thật là vậy. Đoạn đường từ nhà đi bộ tới Royal Mile khoảng mười lăm phút mà năm sáu quán cà phê, vài quán ăn Nhật, Malay, Tàu, Ý, quán ăn/bar của dân địa phương, Pizza, bakery… Ba siêu thị nhỏ, một Sainsbury’s hai Tesco. Tôi vào Sainsbury’s mua trái cây, vài trái dưa leo, vài loại snack, nước chai đủ cho mấy ngày ở đây. Mua thêm cái pizza đông lạnh về nướng. Ở một nơi quán xá tràn ngập mà bữa tối đầu tiên tôi chọn ăn ở nhà. Tôi nhắn tin nhỏ bạn nó kêu điên vừa thôi, sao không ăn ở ngoài. Còn mấy ngày mấy đêm mà, dư thời gian để thử đồ ăn ở đây, để xài tiền ở cái xứ này thứ gì cũng mắc.

Nhiều khi sau một ngày dài mỏi mệt bên ngoài, cần lắm những phút yên lặng ăn chậm như những bữa cơm ở nhà. Pha cho mình một ly chanh nóng với mật ong, nghe ngoài trời bắt đầu mưa, vừa uống vừa nghe “đêm chưa ngủ nghe ngoài trời đổ mưa từng hạt rơi..”. Sến, I know. Tôi từng viết “đôi khi ta nép mình im như hến. Đôi khi cũng cần sên sến để thương”.. :)
 
Last edited:
Re: Scotland

EDINBURGH- 15 POUNDS CHO MỘT TIẾT HỌC WHISKY

Trong vòng chưa đầy một tiếng đồng hồ mà kiến thức về whisky của tôi từ hạt mè đã nở ra bằng một hạt lúa mì hấp chín. Từ đó giờ ở nhà chỉ thử uống có một lần, đến Scotland thử thêm vài lần mới vỡ lẽ thứ này ngon, dễ nghiền quá mà mắc mỏ quá. Phần ngon vì uống đúng vào tiết trời lạnh, uống vào một ngụm đã ấm người. Tôi đoán (vì chưa thử qua) uống whisky ở xứ ấm xứ nóng vẫn ngon nhưng khi uống ở một nơi lạnh mới thấy đã đời.

Bản đồ whisky ở Scotland. Có 5 vùng sản xuất chính. Cách cơ bản để làm ra whisky thì giống nhau nhưng mỗi vùng cho ra mùi vị khác nhau tuỳ theo những thứ “bên lề” đặc biệt của nơi đó cộng vào khi cất từng loại.

26125977288_54b055e056_c.jpg


Phải chọn đúng ly- miệng ly nhỏ để mùi thơm lâu thoát ra ngoài nhưng đủ lớn để kê đầu mũi vào. Bụng/phần đáy ly rộng để khi lắc thử mùi rượu khó bị đổ ra ngoài. Một lợi thế nữa là khi say lỡ làm ngả ly (ly nằm ngang) thì phần bụng có thể giữa lại được gần cả shot. Và whisky càng ngon càng lâu năm sau khi lắc rựơu bám ở thành ly chảy xuống càng chậm.

26984746959_b7fd0ca382_c.jpg


Một bài viết thú vị về Claive Vidiz, người từng sở hữu 3384 chai whisky. Bộ sưu tập lớn và đa dạng nhất của rượu trong óng này. Ông là dân Sao Paulo, Brazil. Từng làm trong ngành dược phẩm, đi nhiều nước khác nhau và khi về lúc nào cũng mang về vài chai whisky từ nơi đó nhưng nhiều nhất vẫn là Scotch whisky. Vidiz đã bán toàn bộ sưu tập cho Diageo năm 2006 và từ 2009 được trưng bày ở The Scotch Whisky Experience, Edinburgh. Người không rành không mê whisky như tôi đứng giữa căn phòng đầy chai đủ dáng đủ dạng kia còn mê, người sành rượu chắc mê ngất.

https://scotchwhisky.com/magazine/the-collectors/13360/claive-vidiz-the-whisky-collection/

23895626507_e6be8380e7_c.jpg


Có nhiều chai chưa từng được mở ra vẫn bị bốc hơi, mỗi năm ít nhất vài %.

38760289921_8e407ede1d_c.jpg


Thì ra có nhiều loại Scotch whisky chỉ làm ra để xuất khẩu chứ không bán ở nội địa nên dân Scot muốn uống phải nhập về. Từng nghe nói qua mà tôi không tin nên khi ở Scotland đã hỏi vài người, ông tài xế lái taxi chở đi Mallaig hôm nọ là một trong số đó. Ổng nói có một hiệu ổng mê nhất (đã quên tên) làm trong nước nhưng mỗi lần muốn uống phải nhờ bạn ở nước ngoài gởi về.

38546291202_f85974f8fc_c.jpg


Coffey still- máy cất rượu được Aeneas Coffey chế ra và độc quyền từ năm 1830. Ông Coffey gốc người Ireland, được sinh ra ở Pháp. Từng đi học ở Dublin, nơi nổi tiếng làm rượu whisky thời đó, trước khi Scotland giành ngôi. Máy cất rượu này rất được những nhà làm rượu bên Scotland và các nước khác trên thế giới chuộng vì tốn ít nhiên liệu, cất được lượng rượu cao và nồng độ cũng cao chất ngất.

37861723804_a8f05b852c_c.jpg


Quầy bar ở đây treo những bóng đèn hắt ra thứ ánh sáng vàng ấm cùng màu với rượu.

37861715664_cdaa3a961e_c.jpg


Chai đựng rượu whisky mua được trong lúc chờ xe ở Kyle of Lochalsh. Những con số chóng mặt.

26722440539_5f07fe6327_c.jpg


Uống bao nhiêu và bao lâu mới say? Nước có cồn càng sủi bọt nhiều càng làm say mau vì thẩm thấu vào máu nhanh hơn. Và mau hay lâu say cũng còn tuỳ cơ thể của mỗi người.
Hồi còn đi học tụi tôi hay đùa mỗi khi thầy nói mỗi ngày uống một ly rượu đỏ tốt cho tim mạch và vài cái lợi khác nhưng phải hỏi rõ là cái ly bao lớn. Ly jumbo 1l cũng tính là một ly đó thôi.

26984323609_4f77aaf49b_c.jpg


Có ngày chưa 12 giờ trưa đã uống ba shot whisky rồi tỉnh bơ kéo valy đón xe đến một thành phố khác. Chắc hôm đó anh guide được tăng lương nên hào sảng rót thêm cho mỗi người hai shot. Hay nhiều bữa ăn tối đến khi bạn phục vụ đặt ly beer cao hơn mặt mình lên bàn tôi mới giật mình. Không chỉ riêng tôi mà đôi khi người ở mấy bàn bên cạnh giật mình giùm. Nãy quên dặn ly nhỏ hơn. Mà nói thật mỗi lần xa nhà tửu lượng tăng bất ngờ. Nhìn tôi dám chắc không ai nghĩ khi ở cách nơi đây hai mấy giờ bay, ở múi giờ khác tôi là một người rất khác. Nghiêm đúng mực. Chẳng có vẻ gì bợm cả. Sáng chín chiều năm đều đặn mỗi ngày. Làm công việc đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Và dù tỉnh hay say cũng nên nhớ rằng tuyệt đối không có nghĩa là 100%.
 
Re: Scotland

Tôi ở Edinburgh năm ngày, chưa đủ lâu để gọi là nhà nhưng đủ thời gian cho mình theo nhịp sống “thử” của một Scottish. Mỗi sáng tôi đều đi bộ từ nhà ở khu Newington ra trung tâm, loanh quanh ở phố cũ hay đi thẳng qua cầu sang phố mới. Mỗi ngày mua cà phê ở một quán khác nhau, có khi ngồi lại trong quán đọc tin buổi sáng, nghe âm thanh buổi sáng trong không gian nhỏ và ấm với thứ ngôn ngữ đáng ra mình hiểu được nhưng khi lơ đễnh chẳng hiểu gì. Có khi cầm ly cà phê đi thẳng qua cái công viên xanh bên phố mới, Princes Street Gardens, chọn một chỗ thoáng rồi ngồi xuống băng ghế vừa uống vừa nhìn qua phố cũ xám xịt, cái màu không đổi bất cứ giờ nào trong ngày hay thời tiết ra sao. Chỉ khác khi trời nắng, mây có chút xanh lại vui hơn. Hai bàn tay ấm, uống vào từng hơi ấm nóng, nhìn qua ‘bờ’ bên kia và nghe âm thanh nhộn nhịp đầu ngày sau lưng mình.

Tên đường ở Edinburgh nói riêng và cả xứ Anh nói chung thường có thêm hướng. Thí dụ đường Newington đi từ trung tâm về thì một bên sẽ là West Newington và một bên là East Newington. Và những con đường chính mỗi đoạn sẽ có tên khác nhau nên khi hỏi đường mấy bác lái xe bus cũng khó, họ chỉ đoán chừng còn mình cứ xuống đại. Đó là lần đầu tiên từ sân bay về. Ngày hôm sau đã quen. Những ngày ở đây sáng tôi đi bộ ra phố, đi qua những hàng dài người trẻ đứng chờ xe buýt. Ngày nào muốn đi xa thì qua bên Princes St đón bus hay vào Waverley Station đón xe lửa. Đi cả ngày. Tối lại đi bộ về. Cùng một con đường nhưng mỗi ngày lại phát hiện ra một thứ mới mà hôm qua vì mưa, vì lo để ý chiếc xe lạ, vì lo đọc một bảng hiệu bên kia đường mà bỏ lỡ.

Xứ này mưa nhiều. Bên ngoài lúc nào cũng thấy ẩm. Và lạnh. Mấy ngày tôi ở đây còn có bão nhưng Edinburgh không bị ảnh hướng nhiều chỉ gió thổi hơi mạnh và mưa lai rai cả ngày.

37491890110_75d21de872_c.jpg


Royal Mile là con đường dài khoảng một dặm nối giữa Edinburgh Castle và Holyrood Palace. Con đường khiến người ta tìm đến Edinburgh. Mỗi đoạn đường trên Royal Mile mang một tên riêng: CastleHill, High Street, Lawnmarket, Canongate và Abbey Strand. Dù ở đoạn nào, nhiệm vụ duy nhất của con đường này là phục vụ khách du lịch. Quán bar, quán ăn, shop bán đồ thủ công và khăn choàng chiếm đa số. Tôi đoán trên 90% số người mình gặp trên đường này không phải dân ở đây. Và ai muốn mua đồ “made in Scotland’ thì đây là nơi bạn có thể bỏ ra cả ngày để xài tiền vì thứ muốn mua quá nhiều lại quá mắc.

Tôi thích đi một lúc nơi đông người rồi rẽ đại vào một con hẻm bất kỳ để tìm chút yên lặng. Đặc biệt là mỗi hẻm, mỗi con đường hẹp có bậc thang xuống rộng hẹp khác nhau, mang một nét riêng dù cùng một tông màu.

37040915484_a7719230c5_c.jpg


Đi ngang hai chỗ màu mè nhất Edinburgh lại nghĩ tới bạn Hà với con gái vì có liên quan đến JK Rowling và Harry Potter. Victoria St nghe đâu giống Diagon Alley, con đường cong hai tầng. Tầng trên có vài quán ăn, quán cà phê hôm đó chẳng có mấy người. Tầng dưới có vài gallery, quán cà phê, tiệm sách và nơi thu hút khách nhí nơi đây là căn nhà số 40, một bảo tàng mini. Không gian tôi tối, bán vô số thứ trên đời từ đồng hồ cổ, quả địa cầu, các bảng chữ treo tường.. và trong đó đồ Harry Potter chiếm đa số khiến các em nhỏ vào mê tít.

23896835958_f7a52f7ae8_c.jpg


Victoria St. Các bảng hiệu cũng bằng font chữ kiểu cọ, mang màu sậm.

37717786502_2cf7b9dd02_c.jpg


Victoria st, đứng ở tầng trên có thể nhìn ra một đoạn xa những con đường xung quanh..không nổi bằng.

37079247093_52fcc216a9_c.jpg


Nơi mọi thứ bắt đầu? The Elephant House Café là nơi màu mè thứ hai. Tôi không là fan, chỉ nghe ở đây cà phên thơm, bánh xốp và khách luôn đông nên tìm tới bon chen. Dãy cửa sổ phía sau toàn bằng kiếng nhìn xuống Greyfriars Kirkyard và Edinburgh Castle, nơi không chỉ J.K Rowling mà vài tác giả nổi tiếng khác cũng từng ngồi. Edinburgh là cái nôi của những tác giả viết truyện trinh thám. Điều này chẳng lạ vì ở đây nhìn góc nào cũng thấy có chuyện bí ẩn sắp xảy ra. Tôi đổ thừa cái màu tối âm u.

37701147916_e279e6de04_c.jpg


Trong một quán ăn khu Grassmarket. Chỉ bước xuống có vài chục bậc thang mà như thấy một Edinburgh khác. Ít gò bó hơn, bình dân hơn vì nơi đây thời xưa là chuồng ngựa chuồng gia súc của hoàng gia.

37749578771_d56b1c1252_c.jpg


Vẫn là khu Grassmarket bình dân với những quán bar, quán ăn kê bàn ghế bên ngoài mời gọi.
23896730828_b046e1b883_c.jpg


Phố cũ ma mị khi nhìn từ phố mới.
23896632498_6aa8baf140_c.jpg


Đi về tìm đỏ mắt mới thấy tấm hình duy nhất chụp trên con đường đông thứ hai ở Edinburgh. Phố mới.

37749363851_8418279966_c.jpg


Người dân Glasgow ở cách đây chưa đầy một giờ xe yêu vẻ mới mẻ, sáng sủa với những building cao tầng, kiếng dọi nắng choá mắt. Màu và âm thanh của hiện đại. Họ nói Edinburgh có gì đâu ngoài lâu đài và phố cổ. Ừ chẳng có gì nhiều mà cứ níu chân người quay lại.
 
Vẫn nhớ hồi đó đi bộ từ Penzance đến Mousehose tầm 3 dặm. Mousehose bé và hầu như không có gì, nhưng đúng hôm đó lại có hội ở ngoài bãi biển nên vui.
 
Tôi luôn cho rằng mỗi người lên đường bắt đầu những chuyến đi vì nhiều lẽ khác nhau. Nghỉ xả hơi, đam mê, vượt qua thử thách, chinh phục, tò mò hay chạy trốn…Và vô vàn các lý do khác mà chỉ người đang đi về phía trước tự biết.

Theo phim ảnh tài tử như hai nhân vật trong “Me before You” thì một người đi vì muốn lay chuyển, thay đổi hay cứu rỗi một linh hồn. Còn người kia cũng đi cùng một chuyến, cũng nằm dài trên phơi nắng cũng ngắm sao đêm nhưng đó là lần đi cuối cùng vì lòng đã kiên quyết khi trở về sẽ kết thúc đời mình. Vẫn là đi nhưng sẽ không trở lại, thoát ra khỏi khung cửa mở đầy nắng và gió, hai miếng màn trắng phấp phới tiễn đưa.

Mấy tuần trước báo đài liên tục đăng tin một giáo sư đại học Monash tử vong ở giữa Camp 3 và 4 trên núi Everest. Hai vợ chồng cùng ăn chay, cùng muốn chinh phục đỉnh núi cao nhất này nhưng khi gần đến đỉnh thì phải trở xuống vì bị nhiều triệu chứng bệnh do độ cao. Anh chồng được cứu kịp thời còn người vợ đã không chờ được. Cả hai còn trẻ, và họ đã chinh phục thành công nhiều ngọn núi cao trước đó.

Không kịch tính và đau lòng như hai thí dụ trên là chuyện anh bạn đồng nghiệp đi như trốn sau khi ly dị vợ. Trước khi đi cũng có báo với người nhà và chỗ làm nhưng không nói rõ là đi đâu. Mất tích hai tuần. Khi trở về da sạm nắng, bớt im lặng hơn. Chuyến đi không biết thế nào nhưng đã có tác dụng “giảm đau”. Anh chàng cứ nói “the dust will settle”. Cần bao lâu? Ai biết.

Còn tôi đi là đi thôi, biết mình không đủ sức chinh phục cũng chưa đến nỗi phải chạy trốn nên mỗi chuyến đi điều bao gồm một tí của các lý do khác kể trên. Tùy theo từng nơi mình đặt chân đến, tùy theo tâm trạng, các cuộc gặp gỡ mỗi ngày mà cài từng lý do khác nhau. Có trầm có bổng nhưng dĩ nhiên bổng chiếm đa số thời gian vì dù gì cũng nghỉ ngơi từ nhịp độ vòng quay thường ngày. Không phải căng vì những con số, những cái tên, những tiếng báo động khẩn, những bệnh tật của ngừời đối diện, hay nạn kẹt xe mỗi sớm chiều. Khi ở xa lại căng một cách thú vị hơn vì lo hôm nay đi đâu, leo lên xe nào, ăn gì uống gì…Luôn tự cảm ơn chính mình vì đã “nghỉ”. Tóm lại, chưa từng hối hận vì những chuyến đi.

Tôi cũng từng nói mặc kệ bạn đi tour, đi nhóm, đi solo ngủ bờ bụi hay trong khách sạn lấp lánh năm sáu sao, điều quan trọng là những gì bạn trải qua trong chuyến đi, những gì còn vướng lại trong ký ức sau khi trở về.


Sau mỗi bận lạc đường tưởng thôi 
Ngừng dấn bước          
Lối rẽ khôn lường tim nhảy điệu salsa
Trưa vén tóc nhện giăng sào phơi áo
Chân cứ buồn muốn vượt núi đồi kia
 
Muốn bất chấp vai run lòng tay lở
Muốn theo gió bồng quảy gánh đam mê
Sau mưa cuối rừng
Nơi biển liền sông đáp từng dấu hỏi
Vạt nắng lưng chừng ráp vội tiếng thơ trôi
 
Một lần rồi một lần giữa thảo nguyên căng tràn ngực mỏng
Tiếng ngựa hí bầy run mép nước hồ xanh
Dụi mắt đi
Len đến tận cùng mùa cỏ rối
Gió bạt sẽ ngừng
Đau rồi sẽ khỏi
Người ơi
 
Chân chạm mé rào nghe thơm mùi gạo mới
Tiếng đũa khua chiều ta chẳng lỗi gì nhau

37080243603_fec689816b_c.jpg


37702162316_72d2e1ec5e_c.jpg


37719207502_e9244e9029_c.jpg


*Chữ cũ, thơ cũ mà nhắc lại hoài. Hình Viðey island, Reykjavík*
 
Reykjavik, Iceland- MÙA CỎ RỐI [1]

Nếu chỉ nhìn vào cái tên, bất kể mùa nào, chưa đặt chân đến nơi đã nổi da gà vì…nghe lạnh. Iceland. Đất lạnh. Băng Đảo. Nhiêu đó cũng đã giảm độ lạnh phần nào, vì quốc gia thưa dân nhất Châu Âu này từng được gọi là Snæland, Snow Land. Nhưng đó là bề mặt, bên dưới lòng đất lại là một “thế giới” khác, độ nóng bị dồn nén lúc nào cũng muốn xì ra.

Gần chín giờ sáng, trời tháng Mười co ro. Bước ra khỏi sân bay Keflavik tôi nghe hơi lạnh ào vào người, len qua từng lớp áo. Gió muốn bứng tôi khỏi mặt đất ngay tức thì. Bởi vậy khi đọc khi nghe về nơi này người ta không chỉ nhắc đến chuyện nhiệt độ, chuyện tiền điện rẻ như cho, mùi lưu hỳnh, mà còn nhắc nhiều đến gió và gió rất mạnh. Ngoài cái ấn tượng đầu tiên với gió thì đoạn đường từ sân bay về Reykjavik chán lắm. Đồng cỏ vắng..bất tận. Nhà thưa, thấp như những chiếc hộp màu chì.

Nếu làm văn tả cảnh thì dễ quá, trên đất Iceland không tươi mát kiểu cây xanh rợp bóng, hoa khoe sắc đủ màu bên đường hay trên sườn đồi mà chỉ có cỏ có rêu rạp sát đất, màu xanh pha vàng đầy hơi ẩm. Và màu trắng của vô số những thác nước, của tuyết trên các đỉnh núi chứ trên đất bằng dù lạnh nhưng tuyết hiếm khi rơi vì Iceland nằm ngay luồng nước ấm chảy quanh.

Ngạc nhiên thứ hai là nhà trọ tôi book có mặt tiền nhưng không mở cửa trước, có cửa hông mà ngặt nỗi họ kéo dây sắt chung quanh vì đang xây nới rộng ra, đang tráng xi măng. Thấy tôi đi tới đi lui xớ rớ, cô bé trong tiệm cắt tóc kế bên mở cửa ra hỏi muốn vào nhà trọ à, thôi chẳng còn cách nào khác đi thông qua tiệm tôi đi. Cô với tay kéo giùm một cái va ly.

Thế đấy, Iceland đón tôi bằng gió, hơi lạnh, mùi thuốc nhuộm, tiếng máy sấy tóc và cái cười rất tươi dẫn vào…cửa hông. Và bình hoa hồng trong căn phòng nhỏ tinh tươm, ấm, thoáng.

Như đã nói vài lần chuyến này tôi chọn đi xe lửa qua biên giới. Iceland là một ngoại lệ phải bay vì không còn lựa chọn nào khác. À mà có, đi tàu, chắc mất cả tuần. Và một ngoại lệ khác là tôi đã đi theo tour một ngày, Golden Circle và một tour buổi tối để ngắm Northern Lights. Nếu đi hai người trở lên hay đi nhóm và có người biết lái xe thì bạn nên mướn xe tự đi sẽ tiện hơn, sẽ đến được thêm nhiều nơi khác trong khung thời gian của mình. Trở về rồi tôi mới nghĩ, lần sau dù đi mấy mình tới xứ này tôi cũng sẽ mướn xe để lái, còn rất nhiều nơi muốn đi mà cứ tour thì tiền nào chịu thấu. Vẫn sẽ chọn mùa thu.

Với dân số tương đương Brunei khoảng bốn trăm nghìn, đất rộng hơn nhiều, Iceland không giàu bằng xứ dầu hoả nhưng giàu nhờ chăn nuôi và nhờ biển. Sắp tới sẽ nhờ thêm nguồn năng lượng tái tạo lấy từ lòng đất khi điện được “xuất khẩu’ qua Anh và những nước khác. Và số lượng khách du lịch đến đây tăng nhanh trong mười năm trở lại đây. Mấy năm rồi lượng khách mỗi năm đến gấp ba gấp bốn lần dân số của họ. Một số nông phẩm được trồng trong nhà kiếng nhưng phần lớn được nhập vào nên mắc trời ơi. Bởi vậy dân họ chỉ ăn thịt, ăn cá, các món chế ra từ sữa chứ ít ăn rau củ tươi. Mà đâu phải chỉ rau củ, ở đây thứ gì cũng mắc mỏ. Một ly cà phê hay chocolate tính ra gần $10 là biết đau thế nào.

Còn nói về con người, “vừa hiền khô dễ thương..’ nhưng kiếm người đẹp hơi khó. Mà khách đâu phải đi kiếm mỹ nam mỹ nữ nên những ngừơi chung quanh tận tình dễ mến đã đủ khiến nhiều người quay lại đất này. Từ ông bà chủ nhà, hàng xóm tiệm cắt tóc, cô bé ở quầy bán vé tour, quầy information đến mấy bác lái xe bus. Ngày đầu cử tưởng vì mình là khách nên họ thân thiện vậy nhưng sau mấy ngày ở đây thấy cách họ đối xử trò chuyện với nhau cũng như với mình. Điều này làm tôi nhớ đến Copenhagen, nhớ cái không khí trong lành và cả con người. Iceland từng thuộc Đan Mạch nên văn hoá ảnh hưởng nhiều cũng không lạ.

Còn ngôn ngữ thì thôi, tôi không dám bàn. Đi về chẳng nhớ nỗi một chữ nào, cả con đường về nhà cũng không nhớ, chỉ nhớ tên vài địa danh như Reykjavik, như Geysir. Có lẽ đây là nơi đầu tiên tôi đi qua mà về mù tịt như vậy, dù vẫn tự tin trí nhớ của mình chưa tệ lắm. Từng nói qua tiếng Đan Mạch với tiếng Đức khó ngang ngửa nhưng giờ thấy tiếng Iceland thắng về độ khó. Chỉ thấy có chút thân thuộc vì tiếng họ có chữ đ và dấu sắc. Như Hallgrímskirkja, nhà thờ cao nhất xứ này đứng ở đâu trong thành phố cũng thấy mà mỗi lần nhắc tên chỉ nhớ bắt đầu bằng H.

Trừ ngày đi tour, các ngày còn lại tôi chỉ đi lòng vòng Reykjavik. Mỗi sáng ra trước nhà đón xe bus vào trung tâm. Một nơi không dễ lạc, con đường nào cũng đi đến bến cảng, đến biển, và thấy chóp nhà thờ. Tôi đi bộ qua các con đường vắng, qua những căn nhà những shop đủ màu có mặt tiền phẳng trang trí đơn giản. Khi mệt liền ghé vào một quán cà phê hay quán ăn nào đó dọc đường để nghỉ để nạp năng lượng và nghe những âm thanh xa lạ.

Ngày đi nhiều và xa nhất là đi rồi về từ bến phà qua Videy Island. Hôm đó Chủ Nhật, gió mạnh kinh khủng, tuyến xe bus đi hướng đó không chạy chứ tôi cũng chẳng siêng năng gì. Đi dọc bờ biển trong thời tiết lạnh căm, gió rát cả người là một trải nghiệm mà tôi nghĩ mình không có can đảm trải qua lần hai. Nhưng đã làm được một lần, thì lỡ có tái diễn khỏi phải bỡ ngỡ. Bến phà cũng khá xa trung tâm nhưng đã nhất định phải qua đảo đến cái Peace Tower kia nên cứ đi (và về). Khi đến rồi mới biết không chỉ mình tôi mà còn thêm mười ngừoi khác trên chiếc phà nhỏ tròng trành qua đảo. Bên kia bờ gió là vậy qua đảo gió càng mạnh hơn, nhưng cũng đã đi hết một vòng đảo. Trên đảo bây giờ không còn người ở, có một nhà thờ, một quán ăn/cà phê (chỉ mở vào mùa hè) cũng là căn nhà bằng gạch đầu tiên của Iceland. Có vài căn nhà cũ, đã hư hại nhiều, cái không còn cửa cái tróc nóc.

“Imagine all the people living life in peace”. “A dream you dream alone is only a dream. A dream you dream together is reality” (John Lennon & Yoko Ono).

37702574236_166872dbfe_c.jpg


37719205832_bb04e0bf8d_c.jpg


27589816719_7ee32a66ec_c.jpg


...
 
Reykjavik, Iceland- MÙA CỎ RỐI [2]

Nhà thờ cao nhất xứ này, Hallgrimskirja. Lỡ bị lạc cứ nhắm hướng nhà thờ mà đi sẽ đến..đâu đó. Có đến đúng chỗ mình cần tìm hay không lại là chuyện khác. Đùa chứ trung tâm Reykjavik nhỏ lắm, muốn lạc cũng khó.
25556639218_e8a577e81e_c.jpg


Thành phố ở sát biển kiểu này biểu không nhiều gió thì bắt ép người ta quá. Bởi vậy có một thứ tôi khuyên đừng nên kinh doanh ở đất này là dù. Cây dù chắc, mắc cỡ nào cũng phải bật ngửa. Áo mưa hay áo khoát có nón chống thấm nước thì nên.
39396362302_7436998ae1_c.jpg


Tất cả rau trái đều được trồng trong nhà kiếng, và (nghe) toàn bộ là organic. Không xài thuốc trừ sâu vì trồng trong nhà nên ít bị tấn công, nếu cần họ nhờ một loại ruồi xanh để diệt sâu bọ. Cà tây cần ong thụ phấn mới đậu trái, họ nhờ bumble bees nhập từ Hà Lan để làm việc này. Một con bumble bee có thể làm việc chăm hơn gấp vài lần so với ong cho mật, nhưng tuổi đời lại ngắn hơn, chỉ 6-7 tuần. Ong được đóng thùng gởi qua rất gọn. Còn ruồi tôi quên hỏi nhập từ đâu.
25582069218_679b98678f_c.jpg


Nếu sau này có đổi nghề mở shop, tôi sẽ học cách dùng cây chung quanh nhà để trang trí kiểu này. Trên bàn ăn, họ chặt một khúc cây ngắn khoảng một gang tay chẻ một đường ở giữa rồi kẹp menu vào. Cây máng đồ trong toilet cũng là một khúc cây kiểu nửa chữ Y được đóng đinh vào. Và vài băng ghế phía trước được làm bằng cây to chẻ hai. Ở một nơi hiếm rừng hiếm cây cao mà họ làm được vậy thì những xứ có rừng cây rộng tít mù thì tại sao không nhỉ?
38712383164_855c1c738e_c.jpg


Geyser, hơi nước, mùi sulfur- một trong những đặc sản muôn đời của nơi này. Còn khách chỉ xẹt qua rồi đi tiếp.
24586037907_6cd33aa244_c.jpg


Gullfoss- đến đây thấy con ngừơi nhỏ bé quá, dù trên cao nhìn xuống hay từ thấp nhìn lên.
24586800557_704ee1c1f7_c.jpg


39453335591_a08ee91aa7_c.jpg


Dân Iceland hay nói đùa chuyện thời tiết nơi họ ở rằng nếu mày không thích thời tiết ngay giờ này khắc này, kiên nhẫn đi, khoảng 20-30 phút nữa sẽ có thay đổi. Mà đúng y vậy. Trong mấy ngày tôi ở đây thời tiết thay đổi chóng mặt. Sáng hôm đi tour trời âm u, mưa nhỏ, rồi tạnh, rồi mây rồi ấm dần, nắng lên. Có cả cầu vòng. Chỉ có gió là bất biến.

Þingvellir (Thingvellir) National Park. Nhắc đến nơi đây họ thường nhắc đến Alþing (Althing), nơi quốc hội Iceland toạ lạc ngày xưa. Màu đặc trưng của Iceland.
38658289944_b76ee451b3_c.jpg


Có hai chuyện tôi nhất định không làm chuyến này. Thứ nhất là không đi taxi/uber, chỉ di chuyển bằng xe công cộng và đi bộ. Thứ hai, không mang theo máy chụp hình cồng kềnh, chỉ mang điện thoại. Nên kết quả Northern lights chỉ thu về bấy nhiêu, nhưng đã thấy mình may mắn vì đã ở đó thấy tận mắt thứ ánh sáng kia ngay trên đầu, dành nhiều thời gian để nhìn thay vì lo chỉnh máy. Có nhiều người đến cả tuần mà chờ hoài, săn hoài chẳng gặp.
Tour bắt đầu lúc mười một giờ đêm, hình này chụp lúc nửa đêm. Nhìn bằng mắt chỉ thấy cả bầu trời sáng trắng nhờ nhờ thật thấp tưởng như sờ được, có nhiều nơi mắt mình nhìn thấy màu nhưng họ nói rât rất hiếm. Chỉ qua màn ảnh, do phản xạ và nhiều yếu tố khác (không biết giải thích sao) nên hình chụp ra ánh sáng màu xanh.
37720005732_62b03cb274_c.jpg


Buối sáng kia trong lúc chờ đổi bus đã gặp một anh bạn người Mexico, vác balo to đùng bụi bặm. Anh chàng ở Iceland một tháng, mấy ngày ở Reykjavik tự đi sau đó hẹn bạn mướn xe đi các nơi khác. Thấy rảnh anh chìa máy xịn ra chỉ hình Northern Lights chụp buổi tối trước. Tôi hỏi đã đi tới đâu mà hình lung linh vậy, ảnh nói ngay bến cảng gần Harpa chứ đâu, đi ngược lên hướng Videy Island bớt ánh đèn nên rõ. Đã canh chờ từ nửa khuya đến 4 giờ sáng. Chẳng uổng công ha. Trước khi bước lên xe bus ảnh chìa cho một cái vé vào bảo tàng, kêu mày không có thời gian ghé museum nào thì cũng nên bỏ ra một hai tiếng ghé vào Kjarvalsstadir Art Museum. Ở đây chưng tranh của nhiều hoạ sĩ gốc Iceland nhưng chủ yếu là tranh của Johannes S. Kjarval. Tôi không rành về tranh ảnh nhưng phải công nhận Kjarval vẽ đẹp vì nhìn như thật, từng vân đá, thác nước, màu cỏ như đem cảnh thật ráp vào. Mượn lời anh Mexico, tôi chuyển lời khuyên tới bạn vì bảo tàng này vừa nhỏ ít tốn thời gian lại do hoạ sĩ địa phương vẽ. Tôi từng nói vài lần mình không phải là fan của các bảo tàng, mê ở ngoài trời hơn.

Quote hay, bắt gặp phía sau một quán ăn ngay bến cảng.
“One cannot think well, love well, sleep well if one has not dined well” (Virginia Woolf)
Hay nói xưa giờ mình dễ tin dễ nghe lời nên đọc xong làm theo liền. Đi với ngủ có thể tiết kiệm nhưng ăn hơi khó nhịn nên có phần thoải mái hơn.

37718810292_a949fd86b0_c.jpg


Tôi chỉ mới ghé qua một phần nhỏ xíu của Iceland nhưng khi về đã mang một giỏ đầy những điều mới mẻ, thân thiện dễ mến của con người nơi đây. Cái mắc mỏ, cái lạnh, những thứ tí ti không vừa lòng mấy tôi đổ thừa hết cho gió, cho vị trí xa lắc xa lơ của đất này. Rồi sẽ trở lại vào một mùa thu hay đông khác, sẽ mang theo máy ảnh nặng trịch trì đau cổ thêm tấm bằng lái xe để rong ruổi ghi lại thứ ánh sáng ỏng eo khó bắt kia và những gam màu khác mà chuyến này chưa tận mắt thấy.

...Dụi mắt đi
Len đến tận cùng mùa cỏ rối
Gió bạt sẽ ngừng
Đau rồi sẽ khỏi..người ơi

Chân chạm mé rào nghe thơm mùi gạo mới
Tiếng đũa khua chiều ta chẳng lỗi gì nhau.

Và con người, cho đến giờ này tôi đã đi qua rất nhiều nơi nhưng chưa nơi nào họ tử tế và dễ thương như ở đây. Tôi chắc họ chưa bị ô nhiễm, cũng trong như không khí ở nơi này. Dù nhìn họ cao to mặt lạnh nhưng khi bắt đầu mở lời, cái giọng nặng mà thân và "lo" hơn mình tưởng. Mới đầu nghĩ tại mình là khách nên họ đối đãi theo khách nhưng sau vài ngày nhìn cách họ nói chuyện với nhau mới biết, thì ra ai cũng vậy.

Tối qua đi xem Bắc Cực Quang về 2 giờ sáng, xe bus bỏ xuống trạm gần nhà. Khi bước ra còn nghe bác tài gọi với theo qua đường nhớ bấm đèn dành cho người đi bộ. Thấy khuya lắc mắt nhắm mắt mở chắc tưởng tôi sẽ băng đại qua đường. 

Mới đầu đáng lẽ chỉ ở đây một đêm rồi đi Nuuk nhưng canh hoài giá bay vẫn cao ngất trời nên thôi. Ở lại. Âu cũng là duyên.













 
Last edited:
LẠC GIỮA PHỐ ĐÔNG

Chuyện tôi hay bị phàn nàn mỗi lần gởi hay đưa hình lên đâu đó sau chuyến đi là toàn đi xó nào vắng tanh vắng ngắt, kiếm bóng người thiệt khó. Chẳng phải do vô tình mà có phần cố ý vì nhiều lý do. Tôi không thích nơi ồn ào, mặc dù nhiều lúc cũng bon chen với người ta. Nhưng nói chung đi xa vẫn thích tìm nơi nào yên lặng vừa phải. Bởi vậy hay xài mấy câu của mình “Nếu sợ chốn thị thành nhiều va chạm. Bỏ đi nghen về phố nhỏ vắng người”.

Glasgow- Buchanan St, một trong những con phố đi bộ đông nhất thành phố. Không khác các phố du lịch đông đúc ở những nước tôi đã từng qua, đủ các shop quần áo, shop bán đồ lưu niệm, quán ăn, quán cà phê dọc hai bên đường. Có nhiều nghệ sĩ đường phố biểu diễn như đàn hát, ảo thuật, làm tượng..

Đã từng viết một đoạn về cái nơi ngọt nhất trên con đường này.
Chiều kia trời chuyển mưa, lạnh ơi là lạnh. Đang đi nhanh để trở lại ga vì sợ mắc mưa thì tôi nhìn thấy bên tay phải bảng hiệu “Hotel Chocolat”. Theo phản xạ nhà quê, liền ngước lên xem cái “khách sạn’ kia cao cỡ nào. Tò mò rón rén bước vào. Thì ra chỉ là một chocolate boutique trang trí gọn đẹp. Khách đông nghịt. Hỏi ra mới biết bảng hiệu không cố ý gây hiểu lầm vì group này có khách sạn thật nhưng ở đồn điền trồng cacao của họ tận bên Saint Lucia. Mua một ly dark chocolate đặc quánh, nóng hổi. Tay ấm, đóng cửa sau lưng mình và bước tiếp hướng ga.
24311681157_02259613ca_z.jpg


York- Shambles Market. Chợ ngay giữa trung tâm, ngoài trời và bán đủ thứ như các chợ ngoài trời khác trên thế giới. Sạp thịt cá rau cải, giỏ xách, đồ lưu niệm, vài xe đồ ăn nhanh.. Tôi ghé chợ khoảng ba giờ chiều, mọi người đang thu dọn chỉ còn các sạp rau cải. Đầu chợ ban nhạc với bốn anh trẻ đang đàn hát say mê, nhạc đồng quê. Lời đơn giản dễ thương kiểu " tôi vừa gặp một em gái trên phố rất lạ".

38748202444_e6f62afa6a_z.jpg


Các con đường quanh York Minster đều hẹp và đông cỡ này. Và con đường đông nhất tôi không nhớ tên nhưng có cái shop tên chẳng giống ai “The Shop that must not be named” là người ta xếp hàng dài đến cuối phố. Lại liên quan đến Harry Potter?

39426034412_7ae1085e31_z.jpg


Harrogate- nơi nổi tiếng với các hồ tắm nước khoáng nhưng tôi ghé vì Bettys trong khu Montpellier Quarter. Bon chen uống trà chiều, cái hang trước shop lúc nào cũng dài dằng dặc. Khi ở York tôi đã định ghé nhưng Bettys ở Harrogate là quán đầu tiên của chuỗi quán trà bánh ngọt bánh đủ loại đình đám này, được mở vào năm 1919. Do Frederick Belmont, ông di dân từ Thuỵ Sĩ và mở quán trà đầu tiên của mình ở Harrogate.

Hay ở Harrogate vào một trưa nhiều nắng. Phố dễ thương, đông vừa phải.
Tôi cũng hoà vào xếp hàng với người ta trước tiệm Bettys để vào uống trà xế ăn bánh. Bởi vậy nếu nói tôi hay bon chen thì tôi cãi mà nói không phải thiên hạ nhìn, chẳng tin. 


27679456519_78b05f43e1_z.jpg


Hay khi đứng trong các Arcade ở Leeds, cứ trầm trồ khi nhìn lên mái vòm trang trí màu sắc tinh xảo. Giật mình vì không ngờ thành phố này rộng lớn và sang quá. Sau mười mấy ngày đi vòng rìa vào đến phố sáng choang thấy mình như hai lúa. Đi một vòng mỏi chân, ngồi dựa lưng trước Cross Arcade nghe một bạn trẻ đàn piano mới nhớ lâu rồi chưa được nghe tiếng đàn trong trẻo vậy. 

24584065018_6400e6a326_z.jpg


Dresden- một sáng nhiều mây bên bờ sông Elbe, phía cũ. Cách năm năm trở lại nơi này vẫn vậy. Đông nhưng không lắm ồn ào từ người ta. Lần này có hơi ồn từ phía công trình trên sông vọng lại, họ đang xây gì đó và đang tu sửa cây cây băng qua..phía mới.

38161437522_b3d35c94f4_z.jpg


Hackney, London- khu phố có nhiều dân nhập cư. Tôi biết đến nơi này từ một tờ báo nhặt được khi ngồi xe từ Bỉ về London. Ghé đây lại nhớ mấy con phố ngay phía trước ga Hamburg, nhìn hơi xô bồ. Nhưng ở đây có nhiều quán ăn của nhiều sắc dân khác nhau, giá không rẻ lắm đâu, trong đó có người Việt. Đang đi lơn tơn tôi thấy hai tiệm Việt Nam nên chọn một rồi ghé vào ăn trưa. Bún thịt nướng. Cũng tạm. Dễ thương nhất là họ thêm nửa trái cam tráng miệng.

39347745090_9501c771ac_z.jpg


London- Oxford St người đông, xe cũng chật. Bất kể giờ nào ngày nào, con đường này tôi nghĩ không khi nào vắng người và âm thanh của London tất cả tụ lại nơi này. Giờ nhắc lại tôi như thấy ánh đèn Giáng Sinh đủ màu khắp phố. Tiếng nhạc Giáng Sinh vọng từ mọi ngõ ngách. Tiếng nói tiếng cười, tiếng kèn xe, tiếng taxi thắng lại bên đường. Rồi bất chợt lọt giữa âm thanh của mùa lễ hội là một giọng khàn cất lên bên kia đường. “Hello from the other side. I must have called a thousand times. To tell you I'm sorry for everything that I've done. But when I call you never seem to be home”… Số người đứng quanh giọng hát kia làm tắt nghẽnmột đoạn đường. Tôi lại bon chen bước qua vì lâu quá mới nghe lại đoạn điệp khúc này, lại ở một thành phố ồn ào mà xa lạ nên chẳng buồn bằng khi nghe trong xe mình giữa khuya, trên đoạn đường vắng quen thuộc.

Cô gái còn trẻ, chắc khoảng hai mấy.

38247693606_45125e95c1_z.jpg


Tôi vẫn đi qua những nơi đông người đó chứ. Nhưng qua rất nhanh, nói những câu ngắn khi ở ngoài đường, hay chọn ngồi ở một cái bàn trong góc ít chộn rộn mà có thể nhìn thấy bên ngoài. Ở những nơi này tôi thường bỏ đi vào sáng sớm khi phố chưa thức dậy bắt đầu một ngày mới.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,681
Bài viết
1,135,148
Members
192,382
Latest member
new88markets
Back
Top