What's new

[Chia sẻ] SiLa-bộ tộc nhỏ bé giữa đại ngàn

Chào cả nhà: Thấy mọi người rủ nhau đi Simacai, Tây Bắc, Mèo Vạc... hào hứng quá, tự nhiên Châu bá thông tui cũng thấy chộn rộn trong lòng (dù những địa danh trên đó hầu như tui đều từng đi qua). Các tỉnh miền núi phía Bắc luôn là điểm khám phá hấp dẫn. Chắc chắn là thế. Thôi thì nhai lại một chuyến đi cũ năm 2005, coi như là một cách tự sướng vậy...

Si La xa xôi…
Không hiểu sao cứ trước mỗi chuyến đi là tôi lại gặp một trở ngại nào đó. Khi thì thời tiết xấu đột ngột, khi thì trễ tàu, xe… Chuyến đi về Mường Tè năm nay (2005) để tìm hiểu về người Si La -một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam- cũng thế.

Đầu tháng ba , vùng Tây Bắc đặc biệt là Sìn Hồ, Kan Hồ (nơi tôi đến) chịu ảnh hưởng của luồng khí lạnh nhiều nhất, nhiệt độ từ 7-9 độ C. Chuyến xe duy nhất từ thị xã Lai Châu (cũ) vào Mường Tè chưa đến 30 ghế nhưng chất gần 70 người và hành lí nên hầu như phải đứng một giò trên suốt đọan đường non 100km nhưng chạy đến hơn 4 tiếng mới đến nơi.

Mường Tè là địa phương tương đối biệt lập với nhiều khu vực khác trong cả nước. Chỉ cách đây vài năm thôi, vào mùa mưa, từ Tam Đường, Điện Biên về đến huyện Mường Tè mất hai, ba ngày là thường. (vì đường xấu, bị bùn, đá sạt lở bít kín lối đi). Bây giờ, đường đã tốt hơn, nhưng có đoạn dài khách vẫn phải “nhảy lambada” theo nhịp dằn xóc của xe đò. Về mùa mưa, toàn bộ cư dân Si La ở hai bản Xeo Hai và Xì Thau Chải (huyện Mường Tè) bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài vì nguồn nước sông Đà dâng lên rất cao và chảy xiết.

Bây giờ là mùa nắng, con sông Đà hùng vĩ, cuồn cuộn ngày nào mùa này trở nên hiền lành, từ bờ này qua bờ kia chỉ hơn 50m. Hàng ngày muốn đi học, đổi gạo, mua nhu yếu phẩm người SiLa phải đi mảng (bè) qua sông. Tôi đến cũng vừa lúc mấy bạn học sinh người Si La đi học về. Từng tốp, từng tốp ngồi trên chiếc bè mỏng manh (chỉ rộng chừng 7 tấc) để qua sông.

3275541214_afabd150fc_o.jpg


3274718903_bd855ed6de_o.jpg


Ngồi đợi, bỗng nghe một tiếng “ủm”, nhìn ra mé sông thấy chiếc bè (được kết bằng sợi mây, đay) bị rời ra, vài đứa học sinh rớt xuống, lóp ngóp bơi vào. Duy chỉ có một chú, bị té xuống nước nhưng vẫn cố bám vào phần còn lại của chiếc bè, đôi vai cố ghếch thật cao để bao gạo mang trên mình khỏi ướt. Đó là Chà Bì- cậu học sinh lớp 7 người Si La- đi học nhân tiện lấy một phần tiền mà em có được trong những ngày h è đi phụ làm đường , mua một bao gạo 20 kg về cho gia đình. Thấy tôi có vẻ lo lắng, Bì cười: “ Không sao đâu, gạo chỉ bị ướt chút xíu thôi. Chuyện này bình thường mà. Năm ngóai, có ba bạn trong bản đi học bị nước sông này cúôn trôi đấy”...


3275542206_08dd468569_o.jpg


3275542630_86ea6fd241_o.jpg


Là một bản nhỏ nằm lẫn khuất trong núi rừng, (chỉ có 46 nóc nhà với 211 người),bên cạnh một dãy núi đá nên đồng bào đã đặt tên là Xì Thau Chải. (bản núi đá- theo tiếng Quan Hỏa). Tuy chỉ cách Mường Tè khoảng 24 km về phía Nam, từ đường cái đi bè qua song Đà rồi đi bộ lên rừng non 1km là đến nơi nhưng người Si La hãy còn nghèo lắm. Cuộc sống chủ yếu vẫn là săn bắt, trồng trọt tự cung tự cấp.

Khi tôi đến, cả bản vắng hoe, người lớn đều đi rừng, lên nương cả. Chỉ có mấy đứa con nít mũi chảy thò lò, lấm lem bùn đất giương cặp mắt tò mò nhìn người khách lạ vào bản.

3275543094_2141a1ae66_o.jpg


3275546334_35141b88a0_o.jpg


3275545228_ed2f080cf7_o.jpg
 
Last edited:
@Chuối đây: trời, tui đâu phải là nhà dân tộc học đâu. Tui lên vùng miền núi phía Bắc nhiều, nhưng thật sự tìm hiểu, "ba cùng" thì chỉ có với dân tộc SiLa thôi. Muốn tìm hiểu thêm về những dân tộc thiểu số, bạn có thể đến bảo tàng dân tộc học (Hà Nội), đến thư viện (hic, tui quên mất tên rồi, nhưng cũng ở Hà Nội). Ở đó có rất nhiều sách, hình ảnh, thông tin hay...
 
Ngày cúng bản

Ông thầy mo Lì Chà Ché cười khà khà với tôi: “Cúng bản là ngày lễ linh thiêng nhất của người Si La (nhằm cầu sức khỏe, yên bình và mùa màng tươi tốt). Mấy năm trước Sở Văn hóa - thông tin có về, tổ chức lễ cúng bản nhưng đó chỉ là diễn tập, biểu diễn lại. Còn bây giờ là thật. Mày là thằng người Kinh đầu tiên được tham dự lễ cúng bản thật sự của người Si La đấy”.

Ngày con hổ của tháng giêng…
Bảy giờ tối. Ông trưởng bản ra sân, lụi cụi leo lên tảng đá cao nhất bắc tay lên miệng làm loa, phát ra một tràng tiếng Si La vang vọng cả bản. Từ xa có tiếng í ới trả lời, rồi lại vang lên những tiếng khác kêu nhà bên cạnh. Chỉ một lát sau, nhà trưởng bản đã chật ních. Những bà già xúm quanh bếp thiêng đốt lửa lên sưởi ấm. Mấy chị địu con ngồi nép vào sát vách lặng im chờ đợi.

Cánh đàn ông cũng ghé bên bếp thiêng, kéo thuốc lào sòng sọc rồi nhả khói mù mịt. Dưới ngọn đèn vàng tù mù, ông trưởng bản trịnh trọng khoác thêm chiếc áo vest đã sờn (chỉ dùng cho những ngày quan trọng), đeo thêm cặp kính lão, ông cắm cúi mở quyển sổ chi tiêu ra và nói một tràng (thỉnh thoảng lại chêm thêm tiếng Kinh) về tình hình thu chi trong bản và yêu cầu quyên góp cho ngày cúng bản.

Những bàn tay sần sùi đầy vết chai ngồi tỉ mẩn lôi ra từng tờ bạc đã nhàu được xếp cẩn thận trong người: 1.000, 2.000, 3.500 đồng... “Cúng bản không bắt buộc, người nào có bao nhiêu góp bấy nhiêu thôi”.

Buổi sáng hôm sau các trai bản đều tập trung lại, chặt tre, gỗ để dựng cổng bản. Cổng chính thường được dựng ở đầu làng, theo hướng tây (người Si La cho rằng mình đi từ hướng tây (Tây Tạng sang) nên bao giờ hướng đó cũng được coi là hướng gốc). Cổng chính gồm hai cọc chôn hai bên đường. Trên thanh gỗ ngang buộc phía trên có quấn dây bện từ cỏ tranh, cây sa nhân rồi cắm vào đó các loại súng, giáo nhọn, dao đẽo bằng gỗ và giắt các phên đan mắt cáo (đó là những loại vũ khí để trừ tà ma).

3301179505_0d65c41631_o.jpg


3301197497_35e1685f86_o.jpg


3301211105_81732a093f_o.jpg


Lễ cúng bản hằng năm được tổ chức trong tháng giêng vào ngày con hổ (vì hổ là vật thiêng của người Si La). Một tuần của người Si La có 12 ngày (tính theo 12 con giáp của người Kinh nhưng ngày con mèo được thay bằng ngày con dê và ngày con dê được thay bằng ngày con người). Tôi rủ cô bé trong nhà cùng đi dự lễ, em lắc đầu: “Phụ nữ phải ở nhà, không được bén mảng đến khu làm lễ vì sẽ làm ô uế (?!)”.

Năm nay không tổ chức cúng bản vào sáng sớm như thường lệ mà làm vào buổi trưa (để đợi tụi nhỏ đi học về hết). Trong hai ngày cúng bản thì nội bất xuất ngoại bất nhập, cấm mọi gia đình trong bản chuẩn bị đồ ăn bằng cách nướng, rán, xào...; không ai được cãi cọ, giã gạo, say rượu. Chà Tư cười nói với tôi: “Anh có muốn về thì phải sau hai ngày cúng bản mới được phép đi. Nếu vi phạm phải nộp phạt 2 hào bạc và một chai rượu đấy”...

Thầy mo bệ vệ đi xuống, dắt theo con chó trắng 17kg và một con gà trắng (mua tận bên bản của người Mông) để làm lễ vật cúng. Thầy mo mặc áo đen nhưng quần lại là quần soọc kaki bước đến thân cây to, cạnh cổng mới dựng. Pờ Chà Tư cầm sẵn một khúc cây lớn. Chỉ một cái đập dứt khoát, con chó nằm lăn ra, không kịp kêu một tiếng.

3302012266_7cf276032a_o.jpg


Thầy mo tay cầm con dao cắt tiết con chó, người dân trong bản cũng cắt cổ con gà rồi tất cả rưới máu lên những tấm phên, vũ khí (bằng tre, gỗ) làm sẵn từ sáng.

3301182977_7b7ba8d0e3_o.jpg


3302015572_8bbab79d22_o.jpg


3301191209_81afd2dce4_o.jpg
 
Last edited:
ngày cúng bản (tt)

Thầy mo cắt đuôi con chó, rồi chôn dưới cổng như một kiểu bùa chú xua đuổi tà ma.

3302034962_1e364895b9_o.jpg



Rồi ông lấy trong lon gạo một con ốc tiền (vỏ ốc, rất có giá trị với người Si La để cầu may, lấy phước) và vài sợi lông gà. Tay rải gạo, miệng lâm râm đọc thần chú.

3301193641_0b1da5031a_o.jpg


3302032620_8e4042a2f4_o.jpg



Nói đến đây, ông châm lửa đốt lông con chó, khói bốc khét lẹt để xua đuổi ma quỉ rồi mang con chó, con gà đi thui. Người dân trong bản cũng lấy những tấm phên, vũ khí đã tẩm máu chó, gà về treo trước nhà: "máu chó trắng, gà trắng sẽ xua đuổi tà ma ra khỏi bản".

3302039350_9e8c8081e1_o.jpg



Một hồi, từ khắp nẻo, mỗi người tay cầm nắm xôi (nếp được ngâm bằng nước luộc hoa vè hư để khi nấu xong sẽ có một màu vàng óng, ăn rất thơm), nách cắp chai rượu đi ra cổng bản để cùng nhau dùng cho hết số rượu và con chó vừa thui mới được phép về nhà. Một bãi nhậu dã chiến được bày ra trên lá chuối, giữa rừng núi âm u, ngổn ngang xung quanh là lá cây, vũ khí tre nứa vương vãi máu, giữa những con người chất phác thật thà, cảm giác vừa ấm cúng vừa rờn rợn khó quên.

3301211981_ea2cd8e306_o.jpg


3301212749_4842be7d28_o.jpg

Xôi này chỉ được dùng trong những dịp trọng đại.
 
Last edited:
Những ngày cuối cùng...

Khác với tưởng tượng của tôi về một thầy mo mặt chuột, hàng ria cá chốt, trong bộ đồ bà ba cổ đứng có hai hoặc ba túi màu chàm xanh, đôi mắt ti hí đầy gian xảo luôn liếc nhìn mọi người như trong phim ảnh...; thầy mo Lì Chà Ché ở bản Xì Thau Chải là một người đàn ông 49 tuổi, vạm vỡ, tiếng nói rổn rảng, đeo đồng hồ điện tử, nói chuyện tiếu lâm “mặn” một cây.

Thầy mo thời hiện đại
Thầy mo nói chuyện khá dè dặt, hỏi gì mới nói. Năm 15 tuổi đã đi làm cầu đường, rồi lái xe, lái máy nổ... Đến năm 1986, khi phong trào đào vàng lên cao, Chà Ché là một trong những chủ đãi vàng trên sông Đà đã quản lý, thu mua vàng của biết bao người. Điều này Chà Tư - người trong bản - đã nói với tôi từ trước: “Người đãi vàng giỏi nhất, giàu nhất bản Xì Thau Chải là thầy mo Lì Chà Ché đấy”.

Nhà của thầy mo khá rộng, có cả ao nuôi cá. Nếu như nhà trưởng bản có cái tivi 14 inch do Sở Văn hóa - thông tin tặng chung cho cả làng cùng xem thì nhà thầy mo có riêng một tivi Vitek 21 inch cùng với dàn đầu đĩa CD khá hiện đại. Có máy thủy điện nhỏ phát điện cho cả nhà. Thậm chí giữa núi rừng bạt ngàn, giữa những người dân nghèo khổ như vậy thì nhà thầy mo “chơi” luôn cái ăngten chảo bắt được 60 đài.

Văn minh rồi nhưng thầy mo vẫn đóng vai trò khá quan trọng trong đời sống tâm linh của người Si La. Nhắc đến thầy mo, ai trong bản cũng đều nói với một vẻ nể sợ. Không nể sợ sao được khi thầy mo Lì Chà Ché mới học đến lớp 2 nhưng có thể nói được đến tám thứ tiếng: Hà Nhì, Thái, Mông, Cống, Quan hỏa (tiếng Hoa)... từng đi qua đến... Lào cúng, làm ăn.

Một già làng trong bản nói: “Muốn trở thành thầy mo phải thuộc hết 36 qui cách cúng trừ tà ma, 17 cách cúng người chết. Mỗi cách có một bài thần chú khác nhau, bài ngắn như cúng bản cũng gồm 46 câu. Bài dài (cúng người chết) thì đọc liên tục gần bốn tiếng mới hết. Tất cả đều được truyền miệng. Vì thế, không phải ai cũng làm được thầy mo đâu”.

Khi đã quen thân rồi, thầy mo Chà Ché mới mạnh dạn nói chuyện với tôi, ông kể: “Hồi đó, tôi thường theo ông nội (cũng làm thầy mo) đi cúng. Riết rồi quen. Lớn lên, tự nhiên thích làm thầy mo. Tuy là cháu nhưng tôi cũng phải “làm lý” (thủ tục): lễ vật bái sư là hai hào bạc, một chai rượu, một con sóc để tổ tiên phù hộ cho mình sáng suốt, học không quên.

Ông thầy mo sẽ ngồi đọc hết các bài cúng từ 7g tối đến 3g sáng, liên tục trong ba đêm. Sau đó, đứa học trò phải đọc lại tất cả không được sai một chữ thầy mới cho “xuống núi”. Sợ nhất là cúng trừ tà ma một cái cây trên nương bị sét đánh. Đọc sai một chữ là “cứng” người, té xuống liền. Muốn giải thì phải có người khác thuộc đọc tiếp thì người kia mới hết. "Thời của ông tôi đã có người bị rồi đấy”, thầy mo nói.

3301215511_6c2e7e5c59_o.jpg


3301213327_d25c708620_o.jpg



Si La ơi! Tôi về...
Chuyến xe duy nhất từ Mường Tè đi Điện Biên xuất phát lúc 5g30. Vì thế, ở Xì Thau Chải, vừa rạng sáng tôi đã phải dậy để chuẩn bị đồ đạc, vậy mà cả nhà trưởng bản đã thức dậy trước đợi tôi. Trên bàn đã chuẩn bị sẵn một gói cơm nếp nấu bằng thứ gạo ngon, đẹp nhất của người Si La (chỉ dùng trong những ngày lễ đặc biệt), một quả trứng luộc, một ít thịt gà rừng mà tối qua Chà Dong đã vào rừng đến tận khuya để bắn làm thức ăn đãi tôi lên đường.

Balô của tôi giờ đầy ắp quà: cặp sừng hoẵng treo trang trọng trong nhà mà Chà Thọ tự hào khoe với tôi đã săn được từ khi mười mấy tuổi giờ cũng được xếp gọn trong túi; cái đồng hồ điện tử Casio sút quai, mất vài con ốc của Chà Dong; một cái túi lưới xinh xắn từ vỏ dây sắn rừng được bà mẹ và đứa con gái đan thâu đêm liên tục trong hai ngày khi tôi bất ngờ thông báo ngày ra đi...Nhiều, nhiều lắm…

Tôi vốn ghét tiểu thuyết ủy mị với những cuộc chia tay sướt mướt, nhưng trời ạ, lần này thì tôi không cầm lòng được, tự nhiên sống mũi thấy cay cay. Tôi nhớ lắm cái đêm cuối cùng, thật khuya, Cố Thuy - cô bé Si La dễ thương luôn quay mặt trốn mỗi khi tôi bắt chuyện- lại hẹn tôi ra bờ suối. Lần đầu tiên trong suốt một tuần ở tại Xì Thau Chải, cô nhìn thẳng vào mắt tôi và hỏi: “Khi nào anh trở lại?”. Lần này thì chính tôi lại quay mặt đi, không dám trả lời...



3304739657_5cdc0b2d26_o.jpg

Ngày cuối cùng khi chuẩn bị lên đường, Cố Thuy mới chịu chụp hình với tôi

3305515702_fdb7f5434c_o.jpg

Sau khi về lại thành phố, bẵng đi một thời gian, tôi nhận được thư của anh Hù Chà Hai

3305514044_3e9519ae87_o.jpg

Thư của Cố Búi dúi vào tay tôi buổi sáng sớm khi lên đường

3282755917_88e44a8ac3_o.jpg


3292076676_ae9dc6b55a_o.jpg

Con, cháu của ông trưởng bản Xì Thau Chải

Ngồi soạn lại loạt bài này, những gương mặt, những giọng nói, những kỉ niệm lại từ từ hiện ra như một đoạn phim chiếu chậm.Rõ ràng như mới ngày hôm qua...

Nhớ quá...
 
Last edited:
Em mới gia nhập gia đình Phượt chưa lâu, nhưng cũng cảm thấy chuyến đi Tây Bắc của anh Trâu ý nghĩa quá. Lâu nay em cứ ở Sài Gòn mà chẳng đi đâu cả. Mai mốt anh Trâu có đi Tây bắc rủ em đi với nha.
 
Giá như phóng viên báo chí ai cung yêu nghề, tâm huyết với nghề như bác " Lão Ngoan Đồng" thì thật mừng.
Bài viết của bác hay quá, đầy cuốn hut. Em cũng đi bảo tàng Dân tộc học xem rùi đọc nhưng vẫn thấy "loãng" quá.
Thank bác nhiều.
Mà con gái ở đây gội đầu nước suối với thảo quả gì mà tọc đep nhỉ. Bác nói nhỏ em để em chưng cất cạnh tranh với Sunsilk (NT)
 
Đọc bài của bạn Trâu tôi cứ thấy xốn sang trong lòng. Cảm ơn bạn nhiều lắm. Tôi cũng đi nhiều nhưng đúng là chỉ gọi là "tráng chảo", là "Phượt hơi", "phượt mồm" thôi. Tiếp nữa đi bạn.
 
Cô bé trong ảnh chụp với Thông đẹp người quá. Mấy anh đi lên bản về ai cũng bảo con gái trên bản dễ thương hơn bọn con gái dưới xuôi, họ rất thật và tình cảm sâu đậm. Phải ko Thông ơi?
 
@saigoncool: "behind the scene" thế nào anh đã "thành thật khai báo" rồi mà :D

@Mic 71: "hết vốn" rồi bạn ơi. Có nhiêu quất lên hết trơn rồi. :(

@ banmaitoahuong: tui cũng cảm thấy vậy. Họ rất thật, rất tình cảm. (ít nhất là người Sila). Nhưng mấy dân tộc khác, đặc biệt là ở những nơi du lịch, người dân tộc cũng "cáo" lắm. (Nói cho cùng, cũng tại người Kinh của mình làm "hư" họ thôi).
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,681
Bài viết
1,171,069
Members
192,339
Latest member
Buyoldgmailaccounas
Back
Top