What's new

[Chia sẻ] Tây Tạng mùa đông - về phía Đông Lhasa

Chuyến đi với tôi kết thúc đã 3 ngày, còn với một số bạn giờ mới kết thúc.

Chuyến đi tôi chỉ có duyên đi theo, không tham gia lên kế hoạch hay bất cứ gì khác, thảnh thơi mà tận hưởng.

Hình như tôi đã qua mất cái thời có thể viết những bài với cảm xúc tràn đầy, dù thực sự vẫn tràn đầy xúc động về một vùng đất có thể làm người ta say mê.

Tây Tạng, Tây Tạng, đã có nhiều topic trong diễn đàn này viết về nơi đó. Thêm một topic vốn cũng không có nghĩa gì.
Tuy nhiên các chuyến đi trước đây đều là đi về phía Tây của Lhasa, nay chuyến đi của chúng tôi hướng về phía Đông, đi vào vùng Niyingtri (Lâm Chi) và sang đất Chamdo (Xương Đô).

Về Tây Tạng, Yilka đã có topic khá chi tiết: Trung Hoa tây du kí; hay Backpackervn đầy cảm xúc trong Mây trắng Tây Tạng..., và June với chuyến đi hành hương Kailash kinh điển: Tây Tạng những ngày xanh nắng hạ,... do đó tôi chỉ làm người cóp nhặt lại những gì trên cung đường đã qua, sẽ rơi rụng theo thời gian, và không biết bao giờ mới viết xong.

Nếu không bao giờ viết xong, thì cũng coi như là tình cảm với Tây Tạng cũng sẽ còn lưu mãi.
 
Last edited:
Đạo Bon

Để hoàn chỉnh giáo thuyết, đạo Bon đã viết kinh sách về một vị giáo chủ khởi thủy là Tonpa Shenrab Miwo. Ngài vốn một vị vương tử đã xuất gia đi tu tìm đạo. Sau nhiều năm tìm đạo, ngài đã chứng ngộ và khai sáng đạo Bon tại gần núi Kailash, với các giáo thuyết phong phú.

Thuyết của đạo Bon cho rằng Tonpa Shenrab Miwo sinh ra trước cả Phật Thích Ca và chứng ngộ trước Phật, tuy nhiên dễ thấy các truyền thuyết đều mượn từ cuộc đời Phật Thích Ca.

Phật giáo Tây Tạng có rất nhiều yếu tố từ Bon giáo, và Bon giáo cũng nhiều yếu tố Phật giáo, đến nỗi đã hòa vào nhau mất rồi. Dù tên gọi và truyền thuyết khác nhau, nghi lễ khác nhau như việc đạo Bon đi kora ngược chiều kim đồng hồ, nhưng có lẽ con đường đi cũng không khác nhau nhiều lắm.

Tạo hình giáo chủ Tonpa Shenrab Miwo rất giống Phật, chỉ là không có tóc xoắn ốc.

(Ảnh sưu tầm)

11548410644_b76aea45f4_n.jpg


11548374005_d335103009.jpg
 
Bomi

Có nhiều truyền thuyết của đạo Bon về núi Bonri ở gần Bomi.

Truyền thuyết thứ nhất nói rằng Giáo chủ Tonpa Shenrab đã đánh bại ác thần Khyabpa Lagring tại đây. Truyền thuyết thứ hai nói rằng xưa kia đạo sư Dunba Qinrao đánh nhau với quỷ Qiaba Laqin suốt 49 ngày, cuối cùng đã hóa phép ra một ngọn núi đè chặt quỷ và giết chết nó, chính là núi Bonri.

Truyền thuyết thứ ba kể rằng khi Liên Hoa Sinh hoằng dương Phật giáo, đã đẩy tất cả các tu sĩ đạo Bon khỏi Tây Tạng. Đến núi Bonri thì pháp sư Aqong Jayyo đã đấu phép và chặn đứng được Liên Hoa Sinh tại đây. Chính vì vậy đây là ranh giới và thể hiện sức mạnh của đạo Bon trước Phật giáo. Truyền thuyết thứ ba này mang tính lịch sử nhiều hơn. Thực sự thì về phía đông núi này vẫn còn nhiều cộng đồng theo đạo Bon và gìn giữ truyền thống tôn giáo này.

Bóng chiều về trên sông. Bên này sông đa số người Hán, bên kia sông là những làng người Tạng.

11468223535_88b58a8882_c.jpg
 
Hôm nay lại được biết thêm một điều mới. Quả thật nếu không nhờ Chitto chụp ảnh và phân tích thì nhìn hình của đạo Bon bây giờ mình cũng nghĩ là một nhánh của đạo Phật. Phải cảm ơn bác Chit nhiều. :)

Lại nghĩ mông lung 1 tí về đạo Bon và đạo Phật. Nhắc đến Tibet ngày nay là mọi người nghĩ ngay đến Phật Giáo. Thậm chí với những người mù mờ thì người ta còn nghĩ Tây Tạng + Nepal là 1 và là gốc của Phật Giáo nữa. Vậy nếu như ngày xưa đạo Bon vẫn giữ được sự ảnh hưởng của mình cộng với sự tiếp thu thay đổi từ giáo lý đạo Phật thì sẽ như thế nào nhỉ? Lúc ấy người Tạng sẽ có một tôn giáo độc đáo của riêng mình. Có lẽ sẽ có thêm một cơ sở vững chắc để khẳng định sự độc lập của người Tạng.

Xin lỗi bác Chit lại chen ngang vào nhưng điều này cũng khiến mình suy nghĩ nhiều. Mình vẫn khá tò mò về đạo Bon cũng như sự thoái trào của nó đối với Phật Giáo. Có lẽ Tùng Tán Cán Bố cũng đã phải thực hiện một số cải cách khá khốc liệt để đảm bảo cho sự phát triển của Phật Giáo cũng như sức ảnh hưởng của mình. Không biết mình nghĩ thế có đúng không nhỉ :)?
 
Vậy nếu như ngày xưa đạo Bon vẫn giữ được sự ảnh hưởng của mình cộng với sự tiếp thu thay đổi từ giáo lý đạo Phật thì sẽ như thế nào nhỉ? Lúc ấy người Tạng sẽ có một tôn giáo độc đáo của riêng mình.

Điều đó hình như chưa xảy ra tại bất kỳ đâu (?).

Một là thời Zhangzhung, đạo Bon có lẽ chỉ là mức tín ngưỡng tự nhiên thờ các thần núi, sông, hồ, thậm chí totem vật tổ (người Tạng tự cho mình có dòng giống từ con Khỉ thần và một con nữ quỷ). Các thần đạo Bon hầu như là nữ thần, có chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo, mức độ lý luận, triết thuyết rất sơ khai không thể so với Phật pháp được. Minh chứng là đến nay những gì thuộc về đạo Bon cổ chỉ còn ở những bức tượng, điệu múa, nghi lễ dân gian chứ không có trong kinh sách.

Hai là khi đang có vai trò là các tư tế, thầy cúng cho các thủ lĩnh và trong dân chúng, chắc chắn các pháp sư đạo Bon cổ không chấp nhận thay đổi được, nhất là trước một giáo thuyết hoàn toàn xa lìa sự thờ cúng, xa lìa quyền lợi như Phật giáo.

Những trường hợp tương tự trên thế giới có nhiều: Hi Lạp với nền văn minh rực rỡ, hệ thống thần thoại, các vị thần rất hấp dẫn thú vị, nhưng khi gặp phải Kitô giáo có tính triết thuyết cao hơn đã nhanh chóng tàn lụi. Tôn giáo của La Mã cổ đại suốt nghìn năm rực rỡ cũng nhanh chóng nhường chỗ cho Kitô giáo mà không thể có sự hòa nhập hay cải biến nào kịp. Viking Bắc Âu, tín ngưỡng bản địa người Nga cũng tương tự.

Riêng ở TQ, có nền tôn giáo bản địa thâm sâu là Đạo giáo mà vẫn không thể dừng bước Phật giáo và sống chung rồi dần tàn lụi. Chỉ có Khổng giáo vốn không phải tôn giáo thờ thần và Vua chính là một dạng giáo chủ thì còn giữ được.

Do đó việc đạo Bon cổ còn gìn giữ được đến ngày nay chỉ ở cái tên cũng là điều bình thường.

Có lẽ Tùng Tán Cán Bố cũng đã phải thực hiện một số cải cách khá khốc liệt để đảm bảo cho sự phát triển của Phật Giáo cũng như sức ảnh hưởng của mình ?

Tsongpan Gampo theo Phật giáo đến mức nào cũng khó nói. Theo sử thì năm 640 công chúa Văn Thành (và trước đó là công chúa Nepal) giới thiệu Phật giáo vào Tibet và dựng đền Jokhang, nhưng mà mãi đến năm 775 Liên Hoa Sinh mới dựng được tu viện đầu tiên và có tu sĩ Tibet đầu tiên. Trong gần 150 năm đó toàn là người nước ngoài truyền đạo nhưng chắc cũng rất vất vả, và người Tibet cũng chống lại nhiều.

Việc Tsongpan Gampo theo Phật giáo có thể chỉ mang tính biểu tượng nhiều hơn, thể hiện mình khác biệt giai đoạn cai trị kiểu cũ của Zhangzung hơn là trở thành một tín đồ Phật giáo thâm sâu. Cuộc đời ông mải mê chinh chiến và thâu tóm đế quốc nên chắc chắn muốn thoát ra khỏi cái vòng vây tín ngưỡng đạo Bon cổ.

Trong lịch sử có đề cập mấy vị đại thần xuất sắc của Tsongpan Gampo, một người đã sang Ấn Độ học chữ Ấn về cải cách chữ viết Tibet từ kiểu của Zhangzhung sang kiểu mới mang phong cách Ấn. Chính chữ viết và ngôn ngữ đó giúp tư duy Tibet gần với Phật giáo hơn và xa rời Bon giáo vốn không có kinh sách mà chỉ là tập tục.
 
Bomi

Ở Bomi, chúng tôi sang sông về phía làng Tạng. Tại đó cả lũ xúm lại một quán bán tai mũi má lợn trông cực kì ngon lành, và làm mấy cân mang về, cùng với bia. Ngang qua hàng nướng lại xách thêm mấy chục xiên rau, khoai,... nói chung là một bữa phởn chí ở nơi xa xôi này.


Ngọn núi phía Tây Bomi, trong ánh sáng cuối ngày

11468376303_12b5a66023_c.jpg


Và khi những tia nắng đầu tiên bừng lên

11468371253_6f13f5400e_c.jpg
 
Bóng núi

Lại lên đường trong buổi sáng sớm, khi núi rừng còn chưa thức hẳn, nhưng ánh sáng đã lấp lánh trên ngọn núi, và phản chiếu dưới dòng sông nhỏ bên cạnh đường đi.

11468329576_da98deafaa_z.jpg



Mê đắm với không gian này, cảnh sắc này. Nhất là khi con đường đâm thẳng vào một ngọn núi sừng sững. Như trong một câu truyện cổ xa xưa, những người đi tìm quái thú hay tìm các kho báu, các vị thần tiên vậy.

11468367153_50efd3db79_c.jpg


11468211555_e60bf9e029_c.jpg
 
Cảm ơn bác Chitto đã trả lời đầy đủ và xúc tích như thế. Tôi cũng biết các tôn giáo cổ đã được thay thế bởi thế hệ thứ hai có tính hệ thống hơn, khoa học hơn. Tuy nhiên 1 tôn giáo cổ là đạo Hindu đến nay vẫn giữ được sức ảnh hưởng của mình và đạo Bon cũng chịu một phần ảnh hưởng từ Hindu nên mới có chút suy nghĩ như vậy.

Việc Tsongpan Gampo theo Phật giáo có thể chỉ mang tính biểu tượng nhiều hơn, thể hiện mình khác biệt giai đoạn cai trị kiểu cũ của Zhangzung hơn là trở thành một tín đồ Phật giáo thâm sâu. Cuộc đời ông mải mê chinh chiến và thâu tóm đế quốc nên chắc chắn muốn thoát ra khỏi cái vòng vây tín ngưỡng đạo Bon cổ.

Đồng ý với bác Chitto. Chắc bác Chit cũng biết tôn giáo ngoài mục đích cao cả giáo dục chúng sanh, hướng thiện thì còn được giai cấp phong kiến dùng cho mục đích khác mà. Có lẽ bây giờ cũng không tránh khỏi điều đó.:)

Lạm bàn một chút về chuyện này cũng vì tôi có một tình cảm đặc biệt với Tây Tạng. Hy vọng nơi này sẽ không bị sư ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài. Xin lỗi vì ngắt ngang mạch đọc của mọi người. Cáo lui thôi :D Mời bác Chitto tiếp tục.
 
Tôi cũng biết các tôn giáo cổ đã được thay thế bởi thế hệ thứ hai có tính hệ thống hơn, khoa học hơn. Tuy nhiên 1 tôn giáo cổ là đạo Hindu đến nay vẫn giữ được sức ảnh hưởng của mình và đạo Bon cũng chịu một phần ảnh hưởng từ Hindu nên mới có chút suy nghĩ như vậy.

Hindu giáo thực sự là một tôn giáo có đầy đủ các yếu tố để lưu truyền lâu dài sớm nhất của nhân loại, nên cho đến nay là tôn giáo cổ nhất vẫn hưng thịnh. Hindu lại còn dựa trên hệ thống chữ viết có từ rất sớm nên kinh điển được lưu truyền dễ dàng và lâu dài, như các bộ Vedas có từ 1500-1000 trước Công nguyên. Các ý tưởng triết học, thần học đã rất sáng lạn và được tích lũy qua gần nghìn năm nên đã hoàn chỉnh. Đến nỗi đã 3 nghìn năm trôi qua mà tư duy tôn giáo của người Ấn Độ vẫn không thay đổi gì.

Ngay cả Phật Thích Ca cũng học rất nhiều từ Hindu, những khái niệm về Luân hồi, Nghiệp, Ngã và Vô ngã,... cũng từ Hindu. Người Hindu giáo cũng chỉ coi Phật là một hóa thân của Vishnu, coi Phật giáo là một nhánh của Hindu. Ngay cả dưới thời Asoka truyền bá Phật giáo thì nhiều nơi người dân vẫn chỉ coi đó là một biến thể của Hindu giáo (trong rất nhiều biến thể).

Người Tibet không có được những yếu tố đó (chữ viết, tư duy trừu tượng cao, những tu sĩ ẩn mình chiêm nghiệm....) trong thời gian rất dài. Cuộc sống du mục không cho phép họ có những thành tựu trí tuệ sâu sắc đến thế trong giai đoạn khi chưa hình thành được một nhà nước thống nhất và hùng mạnh. Về sau dưới sự bảo trợ của các vị vua thì họ mới có đủ nguồn lực để xây tu viện, nuôi ăn nuôi mặc một tầng lớp tu sĩ đông đảo (chả lao động gì cả) đến thế. Tất nhiên sau này dân tạng tín tâm cúng dường, nhưng thời gian đầu chắc chắn phải do các ông vua giàu có chu cấp mới có thể có giới tu sĩ đông đảo, đoàn kết, thống nhất tư tưởng để làm được nhiều việc. Các tu sĩ đạo Bon cổ không có kinh sách, không giáo lý sống rải rác trong dân cư không thể nào có được những lợi thế đó.

Đạo Bon cổ có lẽ cũng giống những tín ngưỡng cổ ở nơi khác, có cả Việt Nam - mà vì một số lý do vẫn còn tồn tại. Những hình thức nhảy múa lên đồng của người Kinh, cúng ma của người Tày Thái... nếu ngẫm kí thì cũng có những tương đồng với rất nhiều tín ngưỡng bản địa khác trên thế giới.
 
Lại núi

Lại sắc màu

11468213765_0b7e18f797_c.jpg



Tôi rất thích bức ảnh này, nhìn thấy nó là có cảm giác bình yên, mặc dù nó đầy gai góc. Chính sự tĩnh lặng của núi đá đổ màu xuống cánh đồng và cây cối mới lại càng làm nó thêm cô đơn trầm mặc, dường như nó đã chịu nhiều biến động lớn lắm trong cuộc đời.

11468361373_5af278c404_c.jpg
 
Bomi

Hơn 230km đường quốc lộ 318 chạy từ Bayi tới Bomi đưa chúng tôi đến với vùng đất được mệnh danh là "Thuỵ Sĩ trong lòng Tây Tạng" với màu sắc tươi sáng của những cánh rừng thông xanh cao vút, đồng cỏ khoáng đạt trong lòng các thung lũng và đặc trưng của Tây Tạng là những dãy núi tuyết phủ trắng nhấp nhô, sông hồ xanh lấp lánh dưới ánh mặt trời. Nếu có dịp được trở lại vùng đất miền Đông Nam Tây Tạng này giữa mùa xuân khi trăm hoa đua nở sẽ đẹp biết chừng nào... Chỉ có điều chúng ta đều biết cả tháng 3 của tất cả các năm khi hoa đào hoa mận nở bạt ngàn ở Peach Valley chỉ cách Bomi 30km thì chính phủ TQ không bao giờ cấp permit vào Tây Tạng.

Cách Lhasa 636 km về phía đông, Bomi (Pomi) nằm trong khu vực cận kề với hai hệ núi lớn của Tây Tạng là Himalaya và Nianqing Tanggula, chính vì thế đứng ở Bomi hay trên đường đi thì ta vẫn đi giữa bốn bề là núi tuyết

11624827836_1bb7d65d1d_c.jpg


11623990295_fd8c18491f_c.jpg


11624344874_aece881807_c.jpg


11624083415_494a0532dd_c.jpg


11624002905_aa72242fc1_c.jpg


Bốn mặt núi tuyết ở hồ Guxiang

11304009993_21b5edbe46_c.jpg


Gọi là hồ nhưng Tenzin bảo tôi không phải là hồ vì nó chỉ là nhánh của dòng sông Parlung- tsangpo bị chặn lại tạo thành hồ do một đợt lở đất từ giữa thế kỷ 17. Hồ này nằm ở độ cao 2600m trên mực nước biển, mức cao độ vừa phải nên giữa mùa đông mà những rặng tùng và thông liễu vẫn xanh rợp quanh hồ

11304009593_4e8bdba806_c.jpg


11303979384_1e4ced2c54_c.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,687
Bài viết
1,135,248
Members
192,407
Latest member
Dungpham11223344
Back
Top