Núi thiêng Kailash
Kailash với độ cao 6714m, ngọn núi nằm độc lập ở trung tâm trong dãy Bắc Himalaya (dãy Sven-Hedin) không phải là một trong những ngọn núi cao nhất nhưng vẫn giữ vai trò số một trong đời sống tâm linh của người Tây Tạng. Những môn đồ của đạo Bon- tín đồ Phật giáo nguyên thủy ở Tây Tạng gọi Kailash là núi Tise và tin rằng ngọn núi là nơi ở của Thần Bầu Trời Sipaimen. Theo truyền thuyết của Bon, ngọn núi là nơi chứng kiến trận đấu phép huyền thoại vào thế kỷ 12 giữa đại hành giả Milarepa Phật Giáo và vua phép thuật Bon giáo là Naro Bon và phần thắng thuộc về đại hành giả Phật giáo. Từ đó Phật giáo thay thế Bon giáo, đâm rễ sâu xa trở thành tôn giáo chính của Tây Tạng.Các tín đồ Phật giáo tin rằng Đức Phật đã từng để lại dấu chân nơi này từ thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, họ gọi Kailash là Kang Rinpoche hay "Viên ngọc quý trong tuyết"
Kailash được ghi trong những truyền thuyết về vũ trụ và khởi nguyên của Hindu giáo và đạo Jain (một giáo phái lâu đời bắt nguồn từ Ấn Độ) như là núi Meru (Axis Mundi), là trung tâm và nơi khởi sinh ra thế giới. Chính vì vậy khối đá đen khổng lồ nằm ở Ngari, phía Tây xa xôi của Tây Tạng là một trong những địa điểm linh thiêng được tôn sùng bởi cả 4 nền tôn giáo lớn trên thế giới là Phật giáo, Hindu giáo, đạo Jains và đạo Bon với hàng tỉ tín đồ từ nhiều thế kỷ qua.
Các đỉnh núi cao nhất trên thế giới nổi tiếng như Everest, Lhotse, Cho Oyo, Nangar Parat hay Shishangpangma với độ cao trên 8000m từ lâu đã trở thành thách thức hấp dẫn để chinh phục của vô số con người trong thời đại văn minh nhưng thực tế những ngọn núi như Kailash trong dãy Gangdise hay đỉnh Kawakebo trong dãy Meili là những nơi bàn chân con người dường như không thể đặt lên. Chúng thực sự là những ngọn núi linh thiêng.
Tôi không rõ bạn có đức tin hay không nhưng nếu chỉ một lần vượt cả ngàn km đường chỉ toàn cát bụi và gió cuốn để tới vùng đất này và đi vòng quanh ngọn núi, quan sát nó khi bình minh lên và lúc hoàng hôn xuống, trong trưa hè nắng gắt và trong tĩnh lặng trăng đêm, trong lúc mưa tuyết rơi lạnh thấu hay lúc bầu trời xanh thẳm bạn sẽ hiểu vì sao uy lực của ngọn núi tràn ngập trong lòng cả những kẻ ngoại đạo như tôi và khi phải rời xa nó cảm giác chẳng khác gì chia tay một người yêu dấu trong cuộc đời.
Đầu tuần trước tôi có gặp một bạn vừa đi hành trình Lhasa-Amdo và có hỏi bạn ấy nghĩ gì về chuyến đi tháng 9 vừa qua. Tôi chỉ thấy bạn ấy nói một câu "Tớ thực sự không biết nói sao, chỉ biết là tớ đã về Hà Nội nhưng chưa hạ cánh được, tâm trí vẫn còn trên đất Tạng". Tôi cũng đã nói với bạn ấy rằng bạn ấy chưa hạ cánh vì mới về nước được 2 ngày. Còn tôi thì đã về gần 3 tháng nhưng kỷ niệm về những ngày đi quanh ngọn núi vẫn chưa rời xa trong từng ý nghĩ và tôi tin rằng tất cả các bạn đồng hành của mình cũng vậy.
Tôi có một ông chú già- một nhà báo kiêm nghệ sĩ nhiếp ảnh của TTXVN sau khi xem những bức ảnh tôi chụp từ Tây Tạng đã gửi cho tôi một bài viết khá dài chú thích dưới bức ảnh Kailash mặt phía Bắc của tôi. Xin được trích dẫn một đoạn ở đây để chia sẻ cùng các bạn, đặc biệt những người bạn đã cùng đồng hành trong hành trình kora quanh Kailash những ngày tháng 6
"Cách đây chưa lâu, cháu đề nghị chú tìm cho cháu một cái ảnh núi. Mới đầu, chú chỉ nghĩ đơn giản là cháu thích và bị ảnh hưởng "núi đồi và thảo nguyên" của Aitơmatov". Và chú đã lục tìm trên những nẻo đường nhiếp ảnh hơn bốn mươi năm của mình để hy vọng thỏa mãn cái mong muốn trong lành, thân thiện và có ý siêu nhiên của cháu. Chú đã lang thang, lặn ngụp trong cái kho lộn xộn tưởng bất tận. Ở đó, chú đã chọn ra những núi đồi với hàng trăm thửa ruông bậc thang như những nếp nhăn trán của người đàn ông tri thức hằn khắc nồng ấm, mướt xanh vào thiên nhiên của vùng Tây Bắc Đất Nước. Cũng ở đó, chú đã tìm ra những ngọn núi mà trên mình nó lởm chởm đá tai mèo, những cây chông đá cắm vào trời xanh mênh mông trên công viên đá ĐồngVăn (Hà Giang). Ra Đông Bắc, lặn ngụp trong biển biếc của Hạ Long, tìm thấy những núi đảo Cô Tô, Gà Chọi, Titov... Rồi vào miền trung, lên cao nguyên trung phần, chú chọn những trái núi trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, cột xương sống của Tổ quốc, thẫm đẫm máu và nước mặt của một cuộc chiến đã dứt tiếng súng gần bốn mươi năm qua. Kẻ Bàng với động Phong Nha, Dốc Miếu, Cồn Tiên với hang rào điện tử Macnamara một thời những tưởng sẽ đánh bại những anh linh Cụ Hồ trong cuộc chiến. Phước Tượng, Rù Rì, NgũHành Sơn, Bạch Mã, Bà Nà, Chưpron, Hàm Rồng, Đỉnh đèo Lòxo, núi Cù Mông hiên ngang nhô sườn Trường Sơn ra biển... Mây mù và giống tố trên những ngọn núi đã đem đến cho chú những ký ức lịch sử để chú cháu ta có thể trở về với di vãng hào hùng, gợi mở cho ta một chút mộng mơ, thăng hoa để mà chụp mà viết về nó.
Nhưng, để có một ngọn núi gây chấn động tâm linh thì những ngọn núi chú vừa liệt kê quả là chưa tới.
Chú đã không chọn được ngọn núi nào ưng ý bởi những trái núi đó chưa cho ta một vẻ uy nghi, xa cách nhưng nhân hậu. Chú muốn tìm một trái núi vương giả, kiêu hãnh và trinh bạch. Trái trinh trắng phải chưa có bàn chân nào chạm tới. Sự kiêu sa phải không có bàn tay nào đụng vào. Một trái núi xa vời, một ngọn núi kiêu sa phải gây cho người ta thèm muốn, lùi xa ra, ngắm nó, đi vòng quanh thưởng ngoạn nó như hàng triệu phât tử đi ròng rã ngày đêm, xuyên năm xuyên tháng mà cứ ba bước lại nằm rạp xuống để chào, để hôn, để cầu, để khấn nhưng cũng chỉ thể hiện được khát vọng mộng ước của mình dưới chân núi mà thôi như ngàn vạn Phật tử, tín đồ của Phật giáo vẫn làm.
Đó mới là Núi Thiêng.
Chú đã đi trên mây, đi trong mây và chui luồn cả dưới mây. Những đỉnh núi chú đã qua, đã chụp nó cũng chỉ ẩn hiện trên mây, trong mây và dưới mây như chú vậy thôi. Nó không còn là những trái cấm thiêng liêng. Hơn chú, những trái núi ấy còn bị đạn bom của chiến trận cày xới lở loét, bị con người xâm phạm, đốt rấy làm nương rồi biến thành ruộng bậc thang vì hàng vạn cuộc mưu sinh bám đeo vào những lưng trần của núi. Những trái núi khóac trên mình những tấm choàng vá chằng vá đụp của bàn tay nhân thế. Nó đã bị mất đi cái trinh trắng. Nó chẳng còn trái trinh nguyên. Những Thần Phật linh thiêng trong hồn núi đã nổi giận bỏ đi.
Những trái núi ấy không còn là cầu nối giữa Trời và Đất.
Những trái núi ấy không còn là ĐấngThiêng Liêng, là Thần Núi cho tâm linh con người cầu khấn dựa dẫm...
Lịch sử Phật giáo và nhiều tài liệu địa lý thế giới đã chứng minh rằng Everest cao nhất nhưng không phải là đỉnh thiêng liêng nhất. Có một ngọn núi thiêng khác, chú mơ đến đó mà cho đến khi nhắm mắt xuôi tay không chắc có thực hiện được. Everest và trái Núi Thiêng đó nằm trong dãy Himalaya mà có thời văn đàn và báo chí ta thường phiên âm theo lối Hán tự hóa là "Hi- mã-lạp- sơn"..."
Những lời này quả thực đã thay cho rất nhiều lời tôi muốn nói về ngọn núi này trước khi kể cho các bạn nghe về hành trình của chúng tôi.
Vị trí cao nhất của Kailash trên cao nguyên Tây Tạng và mối liên hệ địa vật lý của nó với hệ thống các con sông lớn của Ấn Độ và Tây Tạng sẽ cho chúng ta thấy lý do vì sao nó được coi là "trung tâm của vũ trụ". Người Tây Tạng gọi tên con sông Brahmaputra từ phía Đông của Kailash chúng ta thường biết với cái tên Yarlung- tsangpo) có nghĩa là con sông chảy từ hàm ngựa. Sông Sutlej từ phía Tây là con sông chảy từ miệng voi. Sông Indus từ phía Bắc gọi là sông chảy từ miệng sư tử và Karnali (hay Gogra) được gọi là sông chảy từ miệng chim công. Các loài thú này là vật cưỡi hay tòa sen của các vị Thiền Phật do đó người Tạng coi những con sông này là một phần của Mandala vĩ đại với trung tâm là đỉnh Kailash linh thiêng. (
Theo Con đường mây trắng- Anagarika Govinda- Ngoài ra để tham khảo các tư liệu về núi Kailash, các bạn có thể tìm đọc bộ sách khá hay của Erono Mundasep trong đó có 2 quyển"Trong vòng tay Sambala" và "Chúng ta thoát thai từ đâu"
Con đường hành hương theo chiều kim đồng hồ của các tín đồ Phật giáo Tây Tạng, Ấn Độ, ngược lại với chiều hành hương của các môn đồ Bon giáo. Những người Tạng hành hương thường phải tích lũy nhiều năm mới thực hiện được kora 52km vòng ngoài của núi Kailash với điểm cao nhất là đèo Drolmo-la (5630m) trong niềm hi vọng rửa sạch tội lỗi trần gian, gia tăng phước đức và các năng lực siêu nhiên khác. Nhiều người Tây Tạng khỏe mạnh có thể đi kora này trong 14 giờ, thật mau lẹ so với 3 ngày ở tốc độ ì ạch của chúng tôi. Có nhiều người hành hương với thế ngũ thể nhập địa thì kora này phải mất từ 2-3 tuần lễ. Người Tạng có tục lệ nếu đi hết 13 vòng kora, họ sẽ được phép đi tiếp inner kora với điểm cao nhất cuộc kinh hành là 6096m.
8h sáng ngày 26/6 chúng tôi bịn rịn chia tay những người hàng xóm Ấn Độ béo núc ních ở khu nhà trọ ở Darchen lên đường trong cơn mưa lất phất nhẹ mà lạnh buốt.
Lộ trình ngày 1 là 20km, bắt đầu từ Darchen (4560m) tới tu viện Dira-puk (4909m)