What's new

[Chia sẻ] TBG - Chuyện nước Úc

Úc là một cơ duyên - tôi đã đi Úc khá nhiều lần (tính từ lần đầu năm 2006 ) đến giờ có lẽ tính tới cả chục chuyến bay sang Úc. Ngay từ lần đầu, tôi đã được lang thang vào farm, đi săn thỏ, bắt cá, lái máy bay… cho đến giờ, khi mà cả nhà tôi đang sống ở Úc ít lâu. Sâu thẳm trong lòng, từ năm 2006, tôi có lòng cảm mến với con người, cảnh vật nơi đây. Và cảm giác mang nợ với vùng đất này, khi mà sự lười biếng không viết ra những câu chuyện thú vị về vùng đất mà dân Tây gọi là “ down under “ này, dịch ra tiếng Việt sẽ là “ xa tít mù tắp “ hay là xứ Mường Tè, Mù căng chải. Cho đến chuyến đi của Taybacgroup sang Úc năm 2012, tôi quyết tâm phải trả món nợ này, và cũng là chia sẻ với các bạn, nước Úc gần và dễ dàng hơn ta tưởng nhiều! Câu chuyện của tôi về nước Úc sẽ mượn bối cảnh của chuyến đi, và sẽ kể cả những chuyện không có trong chuyến đi này.

Hầu hết anh em ta khi nghĩ đến du lịch Úc, Mỹ … thì luôn cảm thấy có nhiều vướng mắc. Nào là visa, nào là chi phí cao. Phần visa đã có bạn hướng dẫn chi tiết nên tôi không ghi chép lại (https://www.phuot.vn/threads/16015-Kinh-nghiệm-xin-VISA-ÚC). Còn phần chi phí – một rào cản khá lớn đúng không? Đây, giải pháp : Chúng tôi quyết tâm khám phá một phần đất Úc với chi phí thấp nhất mà khi lên dự trù, nhiều bạn ở Úc dọa là không tưởng! Nhưng cuối cùng, chuyến đi đã hoàn tất với chi phí đúng như dự liệu, quá rẻ phải không ( nếu so với các chuyến như Nepal, Mông cổ, với tổng chi phí cũng từ 1500-2000 USD, và nếu so với các quảng cáo đầy rẫy cho tour Úc trị giá 3000-4000 USD cho 10-12 ngày)

1. Lên Lịch trình.

Lịch trình 16 ngày thì khá chặt chẽ và khó khăn nếu muốn khám phá Úc. Để dễ hình dung, nếu Úc rộng như một bàn tay thì trong 16 ngày, chúng ta sẽ đi được ba đốt ngón tay. – cứ xem cái bản đồ hành trình của chúng tôi sẽ thấy. Úc là quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới – với gần 7,7 triệu km2, gấp tới hơn 20 lần nước ta. Tôi đã bảo với hội bạn, nếu muốn chơi chơi nước Úc cần khoảng 1 tháng, thế là ít rồi. Nhưng bọn tham việc tiếc tiền ở nhà khẳng định, 2 tuần là tối đa. Và phải đi hết nước Úc – chó nhợn, bọn nó nghĩ Úc như cái tỉnh Hà nội quê nhà chúng, đầu này đến đầu kia chỉ không quá 150 km! Thôi, đành giới hạn tí, hết Úc nghĩa là hết những địa điểm mà tour du lịch cho qua, và cộng thêm khoảng 40% mà tour du lịch không bao giờ dẫn mọi người đến? OK, thế là ổn- Chuẩn bị lên đường. Vậy sẽ đến những ch

Thời điểm cho chuyến đi Úc: đi Úc mùa nào cũng đẹp. Úc là đất nước có khí hậu cũng khá ôn hòa, thiên nhiên đẹp đẽ. Không quá lạnh vào mùa đông ( chỉ có một vài vùng núi cao ở Úc là có tuyết ) và không quá nóng vào mùa hè ( trừ mấy thành phố phía Bắc như Darwin, Carn – nhưng may quá, lịch trình của chúng tôi lại không qua đó ). Thành phố Brisbane nơi chúng tôi đang sống thì khí hậu khá giống Hà nội nhưng dễ chịu hơn. Mùa hè nắng gay gắt nhưng chỉ vào bóng râm là mát dịu rồi, còn mùa đông trời thì cứ nắng se se và lạnh dịu dàng, y hệt những hôm nắng đầu đông ở Hà nội.

Nếu đi Úc, dịp mùa hè ( tháng 12-3 ) thì tha hồ tắm biển và ngắm các em gái chân dài tới bikini phơi làn da rám nắng trên những bãi biển đẹp mê hồn. Mùa thu ( tháng 3-5 ) thì cảnh lá đổ vàng rực cũng lãng mạn không kém. Mùa đông ( tháng 6-9 ) có thể lên núi tuyết ở gần Sydney . Mùa xuân ( tháng 10-12 ) thì cả thiên nhiên cứ phơi phới.
Kem chống nắng: Kem chống nắng là cần thiết. Các nhà khoa học nói là ở ngay trên bầu khí quyển của Úc, đặc biệt là bang Queensland, có một lỗ thủng tầng Ozon, nên ánh nắng ở Úc nhiều tia tử ngoại. Bang này cũng có cái slogan là “ Sunshine state “. Do vậy, tỉ lệ mắc ung thư da ở Úc là rất cao, vậy nên dùng kem là quan trọng. Thường thì ra ngoài trời là đã bôi kem chống nắng rồi. Bọn trẻ con, cứ ra khỏi nhà là bôi kem. Riêng mình thì nghi là các “ nhà khoa học “ ở đây hầu hết để là tay trong của mấy hãng sản xuất kem chống nắng! Thật đấy, nếu vào mua kem chống nắng thì không phải nó bán cái tuýp 50 – hoặc cùng lắm là 250 ml như ở mình, ở Kmart nó bán cái can đựng kem chống nắng 2 lít.

Nhưng lưu ý tránh dịp ngày nghỉ giữa kỳ của học sinh ( đến ngày này là cha mẹ con cái kéo nhau đi chơi khắp nơi nên giá cả cũng tăng hơn ) – để biết những ngày này, mọi người hỏi hộ anh Google với từ khóa School holidays ( và mỗi bang cũng lệch nhau chút xíu )

Thật ra, nói là chọn thời điểm thích hợp cho hoành tráng – chứ thật ra, chúng tôi chọn thời điểm mà Air Asia khuyến mãi, giá thấp nhất. Không may, thời điểm chọn lại trùng với dịp lễ Phục sinh – là dịp nghỉ lễ quan trọng thứ hai, sau lễ Giáng sinh – do vậy, mọi thứ đều bị đắt đỏ hơn, và cũng khá khó kiếm nơi ở.

Chúng tôi chọn lịch trình đi qua các điểm sau:

Sydney và phụ cận ( khu vực Blue Mountain ) : 3 ngày

Albury ( nằm giữa Sydney và Melbourne ) – được giới thiệu là một thành phố “ Úc hơn cả Sydney hay Melbourne “. Từ đây cũng có thể đi chơi khu vực Snowy Mountain – nếu có tuyết. Và hơn cả là được đến thăm và ở lại nhà gia đình một người bạn Úc : 3 ngày

Melbourne và Great Ocean road : 3 ngày

Brisbane và Gold Coast : 3-5 ngày - dĩ nhiên là Gold Coast vì mua vé máy bay của Air Asia tới thành phố này – và ngoài ra, dù ít du khách Việt nam biết – nhưng Gold Coast là thành phố du lịch quan trọng thứ 3 của Úc, với du khách hàng năm là khoảng 10 triệu. Và lúc đặt vé từ 10/2011 thì AA ( AA viết tắt ở đây là Air Asia nhé, không các bạn tra nhầm là American Airline ) chưa bay tới Sydney.

Lý do cá nhân là về Brisbane còn để chăm sóc gia đình một tí!!!
 
Hì, mình đi lại khắp nơi từ các nước phát triển, nước đang phát triển đến nước chưa hay không phát triển ... chưa bao giờ gặp vấn đề gì với hộ chiếu Việt nam cả. Bạn có biết không, hộ chiếu một nước to vật, và là nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới là Trung quốc còn kém cả hộ chiếu ta. HC TQ phải xin visa hầu hết các nước trên thế giới (VN còn thoát visa Asean). HC Việt nam với nhiều nước có thể lấy visa cửa khẩu (đường bộ hay sân bay) - trong khi đó HC Trung quốc, có nhiều nước còn ghi rõ là không cấp visa tại cửa khẩu!
 
Nông dân – dân chơi !

Hôm sau, Nick vác con xe Yamaha 1200 ghé qua, rủ tôi phóng thử cảm giác tốc độ. Quẳng cho tôi cái mũ bé tẹo, Nick chỉ kịp bảo, he, bám chắc nhé, rồi vít ga hết tốc. Chỉ trong vài chục giây, chiếc xe vọt lên tốc độ 220- rồi đến 230. Tôi ngồi sau gió tạt phần phật, nước mắt nước mũi giàn giụa vì gió, tim thót lại và bụng thì cuộn lên vì sợ. Há miệng ra định bảo hắn là thôi em biết rồi, cho em xuống, gió thốc ngược lại làm môi mình tẹt cả ra, tiếng gào bay đi đâu mất, đằng trước, Nick không biết liệu mình còn ngồi sau xe không, cứ bặm môi phóng. Quãng đường quê nhỏ, vắng vẻ, thẳng tắp, không một bóng xe cộ. Nhưng ở tốc độ 230, tức mỗi giây, bạn vọt được hơn 60 m mà chỉ có cái mũ chụp nửa đầu thì quả là kinh hoàng. Rồi tôi chỉ mong hắn dừng lại thật nhanh nhưng càng không dám làm hắn mất tập trung khi lái xe, đành nhắm tịt mắt lại kệ đời trôi đến đâu thì đến!

May mà rồi đời cũng trôi đến chỗ phải dừng lại! Đến lượt tôi cầm lái… cũng chỉ trong giây lát, con xe mạnh mẽ lại vọt lên đến 220. Chắc hẳn ngồi sau, Nick cũng choáng không kém gì tôi, nhưng lúc xuống xe, hắn vẫn tỏ vẻ bơ đi, như là ngày nào tao chả phi vậy. Và tốc độ 230 cũng là tốc độ cao nhất mà tôi đã từng ngồi trên một phương tiện trên mặt đất – à nếu không kể hồi đi từ Tokyo đến Osaka bằng tàu Shinkasen, chạy khoảng cách 500 cây trong hơn hai tiếng – tức là cũng khoảng 230 cây một giờ. Còn máy bay thì 200 km là nó bắt đầu cất cánh rồi!

Sau cảm giác 230 k trên mặt đất, giờ William lại rủ 230 km trên giời. Hai anh em chui vào một căn nhà kho, tranh tối tranh sáng, William trỏ một đống lổm ngổm máy móc, bụi bặm và … có cánh! Đấy, máy bay của tao đấy. Tôi giật thót mình, cái này được gọi là … máy bay? Vậy nếu mấy cái máy công nông mà dân Việt lắp cánh vào thì cũng được gọi là máy bay chứ? Và quan trọng hơn, là tôi sẽ phải cưỡi trên cái đống máy có cánh ấy! William cười hì hì: không, hôm nay mình không bay bằng con này, vì con này có một chỗ thôi, mình bay bằng con kia! Rồi y trỏ một chiếc máy bay khác, nằm ở góc kia của căn nhà kho. Chiếc này thì có vẻ giống máy bay thật! Thì ít nhất là trông nó cũng đủ để hai người chui vào, có thân, có cánh, có cánh quạt, có cả số hiệu trên máy bay nữa. Hai anh em, lại mỗi người một bên cánh, đẩy chiếc máy bay ra bãi đất trước cửa. William nối dây ắc quy vào, đề máy. Grù Grù Grù, khặc khặc khặc, rồi im tịt. Yên tâm đi, máy con này tốt lắm, nó chỉ hết ắc quy thôi, để nạp một lúc là mình bay vè vè ấy mà.

À mà, con này bay còn an toàn hơn cả Airbus 320 của Vietnam Airlines đấy nhé, từ hồi tao bay nó giờ chưa có phát nào xin lỗi khách hàng vì lỡ chuyến, thời tiết bay lúc nào cũng đẹp! ( ơ, trời mà mưa thì ở nhà chứ bay làm quái gì !), nếu chẳng may chết máy thì nó vẫn lượn vè vè, tao kiếm cái chỗ bằng bằng là hạ xuống rồi sửa, mà nó có chết máy bao giờ lúc bay đâu, toàn ở dưới mặt đất mới chết máy thôi.
 
Last edited:
….Máy bay hạng nhẹ kiểu nông dân Úc thì rất sẵn và dễ dàng để sở hữu được một cái. Giá thì khá rẻ. từ vài chục ngàn là có thể mua được rồi. Có những trang web rao vặt bán đủ các loại máy bay loại, thậm chí, có người bán chiếc máy bay lai giữa máy bay và trực thăng giá chỉ có 6000 AUD model 1988, còn có em thủy phi cơ đời 1964 chỉ có 3700 AUD. Còn nếu có dăm bẩy chục đến một hai trăm thì máy bay ngon lắm rồi. Như khoảng 200 000 mua một chiếc Cessna cả nhà tha hồ vi vu. Còn nếu thích tự làm thì kiếm cái thiết kế rồi tự dựng lấy một con máy bay cũng chả sao. Dân tây có khối diễn đàn bày nhau cách dựng một con phi cơ sao cho ngon lành nhất và rẻ nhất, cứ theo hướng dẫn làm từng bước một kiểu gì cũng thành cái máy bay, dễ như lắp Lego. Động cơ dân chơi khoái là động cơ xe ô tô Subaru, vì động cơ này là loại thẳng hàng chữ I nên các piston của nó chuyển động đối xứng, triệt tiêu lực giật, nên máy bay không bị lắc. Ngoài ra, động cơ Subaru chạy ổn định, độ tin cậy cao, tiết kiệm nhiên liệu là lựa chọn ưa thích, giá rẻ chỉ mươi mười lăm ngàn, so với việc mua các động cơ máy bay “ xịn “ nhưCessna, Lycoming… tới bốn năm chục.

Mua cái máy chục ngàn, dựng phần thân, cánh, hệ thống điều khiển vân vân, chừng mươi ngàn nữa, hai chục ngàn là có chiếc máy bay ngon nghẻ để đi thăm đồng rồi.

Đất Úc rộng nên máy bay cũng tha hồ có không gian mà lượn. Máy bay thế cũng chỉ như một chiếc ô tô thôi nên nhiều người cũng khoái sở hữu máy bay riêng. Để học cái bằng lái thì có khối trường dạy, chừng 40 giờ học bay, trên 17 tuổi và có chừng 25000 đô la là bạn có bằng lái máy bay cá nhân rồi. Có bằng này, tha hồ vi vu trên không nhé!...

Chuyện bay lượn trên giời với dân Úc thì cũng chả khác gì chuyện dân ta phi xe Honda. Dân giàu thành phố thì có các máy bay thể thao hạng nhẹ vi vu suốt, sân bay rải rác khắp các thị tứ lớn. Còn nông dân thì sân bay là bãi cỏ rộng sau nhà, nhà ga chính là cái gara chứa đồ nông cụ, còn đường băng thì cứ cho một dải đất phẳng phẳng không cây cỏ gì là ổn. Dễ dàng, tiện lợi, và rẻ là những điều kiện chính cho dân khoái bay cất cánh. Và cũng đơn giản lắm, ngay cả trong một chương trình trại hè của học sinh Việt nam sang Úc, các em cũng được “ bay” – khỏi nói các em đã khoái đến thế nào, thứ chơi mà ở Việt nam phải vào hàng đại gia mới dám nghĩ đến thì ở đây, ngay trong chương trình học tập và trải nghiệm cuộc sống Úc, các em cũng được nhảy lên máy bay, lượn vài vòng. Một bé lớp 9 đã thốt lên: “ Lần đầu tiên trong đời được bay lên trên trời trong một cái aircraft không có kính chắn hay cái gì cả =))), thích kinh khủng khiếp. I nearly touched the clouds”

(http://flc.com.vn/hoa-minh-vao-nhip-song-uc_t470c325n705tn.aspx?language=vi-VN )

Thế nên dân Úc sử dụng máy bay khá rộng rãi từ chơi bời cho đến như là công cụ lao động. Như trên các bạn đã biết chuyện “ cấy lúa “ bằng máy bay kể trên, còn ở những vùng xa xôi, nơi đất đai quá rộng lớn và đường xá chả có mấy, dân chăn bò dùng trực thăng lùa bò là chuyện thường.

…Từ thời anh em nhà Wright chế máy bay đầu tiên, đến giờ đã ngót nghét 150 năm rồi. Những chiếc máy bay bây giờ do dân chơi chế trông cũng chả có gì là hiện đại hơn và cũng vẫn bay như thường. Cơ quan quản lý hàng không cũng mặc kệ dân chơi tự ý làm máy bay cho mình, nhỡ trong hàng trăm máy bay “ vớ vẩn “ ấy, lại có vài sáng tạo kỹ thuật kiểu “ ô tô bay” là đã đủ đóng góp cho sự thay đổi của ngành giao thông rồi. Ngẫm lại thấy thương anh Hai lúa làm trực thăng nhà mình!

------
Học sinh Việt nam thử máy bay ( lớp 7-9) theo chương trình học hè Úc của FLC ( www.flc.com.vn )

aircraft%20da%20chinh.jpg


Xem thử cái máy bay do một bạn tự dựng bằng động cơ Subaru, chiếc này đang thử ở trong vườn nhà.

[video=youtube;6Z9GVhjsalk]http://www.youtube.com/watch?v=6Z9GVhjsalk[/video]

còn không thì mua mấy em này chừng dăm bẩy ngàn là mua được rồi:

gyrocopter2.jpg


Nhưng hạ cánh không khéo thì ...

gyrocopter-crash.jpg
 
Last edited:
Chém gió linh tinh chừng nửa giờ, ắc quy được nạp một lúc, lại khởi động, lần này thì máy nổ giòn giã thật. W. vênh mặt, nói rồi mà. Quả động cơ này tốt lắm, để cả năm đề phát ăn ngay. Hồi xưa tao còn tháo động cơ ô tô ra lắp vào máy bay đấy!
Tôi cũng được phát một chiếc mũ bảo hiểm … xe máy. Còn W. thì không cần vì lái đã quen. Chúng tôi nhảy tót vào buồng lái chiếc máy bay này. Trong buồng lái có đủ cần lái của cả hai bên ghế lái, hệ thống đồng hồ trông đơn giản như đồng hồ xe Uaz chỉ các thông số cơ bản như độ cao, vòng tua máy, tốc độ bay. Có cả một cái nivo – như cái ni vô dùng trong xây dựng để xem độ cân bằng. Còn điều hòa… thì chỉ cần mở rộng cái cửa sổ cho gió lùa vào.

W. tăng ga, tiếng động cơ rú lên và chiếc máy bay từ từ lăn ra … đường băng. Nó chính vẫn là đường đất ô tô chạy vào. Cũng chả cần liên lạc
đài không lưu, trạm dẫn đường, W. tăng tốc cho chiếc máy bay cất cánh. Ở tốc độ hơn 100 km / giờ, chiếc máy bay từ từ bốc lên trên khoảng không, bỏ lại một vệt bụi dài ở phía dưới do gió cánh quạt thổi tung lên. Đường chân trời xa xa bỗng nằm dưới chân chúng tôi. Phía dưới cánh bay, những cánh đồng lúa thẳng băng, rộng tít tắp, những trảng cỏ mênh mang, bọn Kangaroo nhảy tung tăng. W. giảm độ cao, bay là là trên một đàn bò, lắc cánh chào một gã Cowboy, đang ngồi trên một chiếc Pickup. À, thằng này trước học cấp 3 cùng anh. Học dốt hơn anh nên ở nhà chăn bò, còn anh thi vào đại học ra thành phố sống! giờ thì nó vẫn chăn bò bằng pickup, còn anh thì cho nó thuê đất để chăn bò!
Để dẫn đường, ngoài việc áp dụng công nghệ nhớ - nhớ địa hình, những dòng sông, kênh đào là điểm định vị ở dưới, trên máy bay của Will cũng có một cái GPS – chủ yếu dùng nếu chẳng may vào mây mù, mất định hướng. Còn khu vực này đất đai khá bằng phẳng nên không sợ tự dưng lù lù một ngọn núi.

Cất cánh xong, Will giao cần lái cho tôi, với điều kiện là tôi …“ đừng lái “ gì cả! Hơ, cái máy bay nó đã ổn định độ cao, tốc độ, hướng bay, thì việc duy nhất cần làm là giữ cái cần lái cho ổn định. Trời trong xanh ngăn ngắt, đồng cỏ mướt mượt, rừng rậm vùn vụt lướt dưới cánh bay, xa xa nơi đường chân trời là những dặng núi nhấp nhô của dãy núi phía đông nước Úc, điểm một vài ngọn tuyết trắng… tôi thò tay ra cái ô cửa bé tí, mở rộng bàn tay, nắm lấy một đám mây bồng bềnh trôi qua cánh máy bay…

Câu chuyện về nước Úc của tôi tạm dừng ở đây, dù rằng sau này, tôi đã có nhiều dịp khám phá nước Úc ở những khía cạnh khác nữa, nhưng những câu chuyện về cuộc sống ở nông trại mà tôi có dịp trải nghiệm sẽ luôn luôn giữ mãi trong tôi hình ảnh một đất nước hiền hòa, giàu có, văn minh, một trong những nơi đáng sống nhất trên trái đất. Tôi cũng hoàn thành câu chuyện này để cảm ơn những người bạn ở Úc, mà nhờ họ, tôi có những khoảnh thời gian rất đẹp ở nước Úc. Các post tiếp theo sẽ là những câu chuyện về mọi mặt của cuộc sống ở Úc.

---

Máy bay đã nạp đủ ắc quy, chuẩn bị ra đường băng

PICT0027.JPG


lăn bánh ra đường băng, tăng tốc:

PICT0016+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG


cất cánh... dưới cánh bay là ruộng đồng mênh mông xứ Down Under

PICT0024+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG


Buồng lái xe Uaz bay đây:

PICT0019+%25282%2529.JPG
 
Các bài viết tiếp theo về cuộc sống muôn mặt ở Úc, đã được đăng rải rác trên báo, mình cho luôn vào đây cho đủ bộ về nước Úc

--------

Du lịch bằng nhà di động ở Australia

20 năm qua, William hàng ngày lái xe đi chơi đây đó, thỉnh thoảng đến thăm các con cháu. Ngôi nhà duy nhất còn lại của ông là chiếc caravan. Ông yêu đời và cho biết sẽ lái xe rong chơi đến khi chết.

---

Tôi gặp William khi ông đến dự sinh nhật một người bạn của tôi ở Australia. William chừng 60 tuổi, vóc dáng cân đối, động tác nhanh nhẹn. Tôi bắt đầu câu chuyện cũng bằng câu "ông từ đâu tới?".

William bảo ông đến từ miền nam Australia. Ông chạy một cái caravan và đã đi du lịch ở Australia suốt 20 năm qua. Caravan là một cái xe, nói nôm na như một cái nhà di động, được thiết kế gồm đầu máy như một cái ôtô, đằng sau xe được thiết kế để có chỗ nằm, chỗ ngồi, chỗ nấu nướng, và cả chỗ tắm táp hay đi vệ sinh.

Người Australia thích đi du lịch, thích đi cắm trại, nhưng bỏ ra 20 năm chỉ để lang thang trên một cái xe du lịch đi đây đi đó thì quả là hiếm.

Chuyện ông bị tai nạn khi đang làm trong nhà máy. Một mảnh kim loại làm hỏng một bên mắt của ông. Bỏ chiếc kính lão, lấy đuôi kính đập đập vào chiếc mắt giả, giống hoàn toàn chiếc mắt thật còn lại, giọng nói và điệu bộ của ông rất sôi nổi.

Bảo hiểm thương tật giúp ông đủ tiền để không phải lao động khi mới ngoài 40 tuổi. Ông mua chiếc xe nhà di động đầu tiên và chạy từ nam đến bắc, từ tây sang đông Australia. Thỉnh thoảng ông về kiểm tra xem đại lý mà ông chỉ định cho thuê bốn ngôi nhà ông đang có thế nào. Đến khi nhận thấy đại lý cho thuê nhà chưa thật tốt, ông đã bán toàn bộ nhà và cho tiền vào tài khoản tiết kiệm. Ở Australia tiết kiệm có lãi khoảng 5% mỗi năm.

Ông có nhiều con cháu, sống ở nhiều nơi trên đất Australia. Vậy là 20 năm qua, William hàng ngày lái xe đi chơi đây đó, thỉnh thoảng đến thăm các con cháu, các nơi. Và ngôi nhà duy nhất còn lại của ông là chiếc caravan hiện nay. "Tôi cứ chạy xe và đi chơi đến khi chết", ông khẳng định.

Chiếc xe ngày nay của ông có nhiều điểm khác so với ban đầu.

"Ngày đó chúng tôi còn chưa có GPS, giờ thì trên xe có cả, GPS, Internet, pin mặt trời để cho điện và nước nóng. Một cái nhà hoàn toàn ấm cúng và đầy đủ tiện nghi", ông nói. "Internet giúp tôi kiểm tra thời tiết. Có lần tôi đã lái xe tránh bão từ vùng này qua vùng khác. Lúc nào thấy nơi tôi đang đi du lịch nóng quá, tôi lại đến nơi mát mẻ hơn. Ngược lại, khi mùa đông, tôi vẫn tìm được những vùng biển ấm áp để bơi lội. Ngày nào tôi cũng bơi lội trong suốt 20 năm qua".

"Vậy lúc ông bị ốm thì thế nào?"

"Tôi có ốm đâu", William cười ầm lên. "20 năm qua, tôi chưa hề ốm một ngày nào, chưa hề ốm một ngày nào, cô biết đấy".

"Ôi trời đất!. Ông thật có sức khỏe phi thường".

"Chắc là do tôi ăn uống điều độ và bơi lội hàng ngày", ông nói vậy.

"Thế ông không buồn sao khi lúc nào cũng lái xe một mình?", tôi hỏi tiếp.

"Thật ra tôi không buồn", ông nói, "Vì tối tối khi ngủ trong các caravan park tôi lại gặp các bạn cùng hội đi đây đi đó như mình. Thỉnh thoảng tôi cho một vài người bạn đi nhờ xe, cũng vui lắm. Lần này tôi đến Brisbane, vì có một cô sinh viên Trung Quốc muốn gửi mẹ và bạn mẹ cô ấy đi chơi với tôi vài hôm". Caravan park là các khu nghỉ ngơi của những chiếc xe nhà di động mà thành phố nào, thị trấn nào ở Australia cũng rất sẵn.

"À, ra thế, đó là lý do vì sao tôi gặp ông ở đây", tôi nói.

"Vậy còn chờ gì nữa, về bán nhà đi, mua một cái xe caravan và đi khám phá Australia thôi", ông đề xuất.

......

"Ông đổi một mắt và được đi chơi cả đời. Chắc lúc đầu ông thấy bất hạnh lắm, sau này lại thấy đấy là một điều hay chăng?", tôi ngớ ngẩn nhận xét.

"Đúng rồi, đó là một cuộc đổi chác có lời", William cười và lại gõ cọc cọc vào mắt giả của mình lần nữa.

Những chiếc Campervan từ hàng chục năm trước - giờ, vẫn thấy nó chạy trên đường

VW1973.jpg


và những chiếc camper van hiện đại ngày nay, có anten chảo, tv, tủ lạnh....

hitop_cutlg.jpg
 
Cuộc gặp gỡ với William ngày đó thật ấn tượng và thỉnh thoảng nhìn thấy một cái xe nhà di động trên đường, tôi lại thầm nghĩ, các bạn Australia này hay thật, thích đi du lịch, thích tự phục vụ mình, thích những cách khác người. Vì vậy lái xe lang thang và đi cắm trại ở đất nước kangaroo cũng là một ao ước của tôi.

Vậy mà mãi đến hơn hai năm ở Australia, chúng tôi mới bỏ ra một tuần để đi cắm trại. Hai vợ chồng tôi và cậu con trai 5 tuổi cùng hai gia đình người bạn có cả nam phụ lão ấu tự mang đồ cắm trại, bỏ vào hai cái xe Toyota, lái xe một tua cả đi và về 3.700 km từ Brisbane qua Sydney, Canbera, Snowy Moutain,

Chúng tôi đi đến đâu thì cắm trại ngủ đêm ở đó trong các caravan park rồi kết luận việc đi cắm trại khá là thích thú, có thể do những thứ phục vụ cho việc cắm trại ở Australia vô cùng tiện lợi. Ngoài việc mua chiếc xe nhà vài chục đến hàng trăm nghìn AUD (Australian dollar), bạn có thể chọn thuê xe đó với giá chừng 100-200 AUD một ngày. Chỗ đỗ xe hay cắm trại cũng chỉ tốn 30-50 AUD một đêm ở những khu dành riêng cho các khách ưa lái xe tự khám phá này.

Lều trại thì có giá từ vài chục đến vài trăm AUD cũng có. Đệm hơi loại thường vài chục AUD một cái, đêm ngủ không bị lạnh lưng. Có những khu cắm trại tốt, có cả bể bơi. Chỗ xoàng hơn thì ắt cũng có nước nóng để tắm và chỗ để đi vệ sinh. Tất nhiên hai thứ kem mang theo là kem chống nắng và kem chống côn trùng đốt là không thể thiếu trong một đất nước thiên nhiên đẹp đẽ và hoang dã như Australia. Đường ở Australia thì thật tốt, cả khu nông thôn lẫn thành thị. Nếu cần chạy nhiều, một ngày chúng tôi có thể chạy đến 800-900 km trong vòng 10 tiếng mà không mệt.

Dịp chúng tôi đi cắm trại lần đó là cuối năm. Những con đường đổ về Sydney ngày 30/12 nườm nượp người chờ mong thời khắc năm mới với màn pháo hoa lộng lẫy ở nhà hát Con Sò và cầu Cảng Sydney. Những chiếc xe nhà chạy trên đường rất nhiều. Cũng nhiều xe chỉ mang đồ đi cắm trại. Trại buộc trên nóc xe còn đồ đạc chất trong cốp, lèn cứng ở mọi ngóc ngách còn trống trên xe. Nhiều lần chúng tôi phải tủm tỉm cười khi nhìn những chiếc xe lủng củng các gói bim bim, quần áo bơi, quần áo thường, đồ chơi trẻ con, sách, gối… Nhìn biết ngay là một gia đình đi cắm trại.

Đôi khi dù đã có nhà di động, người Australia vẫn mang thêm lều để cắm trên bãi biển, bãi đất gần hồ hay những công viên rộng. Trên đường đi nhiều lần thấy ven hồ, ven bãi biển, là các gia đình đỗ xe caravan và cắm trại, đủ cả nam phụ lão ấu, từ bà lão tóc bạc phơ đến lũ trẻ còn đang lẫm chẫm đi. Lũ chó của các gia chủ cũng được đem theo, chạy nhảy rộn ràng ở khu trại.

Có một gia đình đi cắm trại với bạn bè dựng những trại đôi cho người lớn, mỗi đứa trẻ lại được một trại nhỏ riêng của mình. Ngoài ra, còn có trại chung kê ghế và phủ lưới để chống ruồi muỗi. Ngồi ăn trong cái lều có thể nhìn quang cảnh bốn xung quanh lại không bị lũ ruồi làm phiền thật là dễ chịu. Hết chơi trên bãi cỏ, họ lại đẩy thuyền xuống hồ và bơi lội. Một ngày trôi đi thật nhanh.

----

Có nhiều khu cắm trại đẹp hơn cả resort. Hệ thống Big4, Toptourist Park có giá tới 40-50 Aud / một lều :

BIG4-Gold-Coast-pool.jpg


Các khu bình thường có giá khoảng 20-25 Aud,

camp2.jpg


Nhiều nơi cứ cắm trại thôi, phí không đáng kể

camp1.jpg


Nếu sắm cái này thì ngủ đâu chả được:

camp4.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,180
Bài viết
1,174,134
Members
191,989
Latest member
mocpham
Back
Top