Ngày còn nhỏ, tôi hay được bố dẫn đi chơi. Bố tôi hướng dẫn các anh chị sinh hoạt trong một tổ chức giống như Hướng đạo sinh. Trong mỗi chuyến đi như thế, hoặc là quần soạt, ba lô, mũ chóp, một cây gậy đi bộ hơn chục cây số, hay là những màn giăng dây vượt sông.
Bố tôi từng là hướng đạo sinh, và ông huấn luyện đàn em của mình theo cách của người huynh trưởng. “Tất cả những gì của anh sẽ là của em”, ông đã sống như thế, truyền những kỹ năng, và cả những cảm hứng cho lớp đàn em của mình.
Nhưng vẫn có sự ngờ vực. Trong những cuộc thảo luận, không phải tất cả mọi người đều đồng ý với quyết định của bố. Các em còn nhỏ, đi bộ có nổi không? Vượt sông có nguy hiểm không?
Tất nhiên rằng đây là những việc nguy hiểm. Từ trước đến nay, đi ra khỏi nhà chưa bao giờ là việc dễ dàng. Để có thể đi bộ, năm, mười cây số, các em phải học những cách căn bản nhất như đi có trật tự, hàng lối, cách bước chân, cách buộc dây giày, hay cách sắp xếp ba lô sao cho đủ các vật dụng cần thiết, nhưng vẫn gọn và nhẹ nhàng. Để vượt sông, các anh phải đi trước để dò, và luôn có người đồng hành ở phía dưới dòng nước.
“Một người không dám bước nữa vì sợ gãy chân, nhưng chỉ vì sợ gãy chân mà không bước nữa thì khác gì chân đã gãy”. Bố đào luyện chúng tôi như thế, để sau này, tôi không e sợ bất cứ con đường nào!
Tôi tin rằng có rất nhiều người bố như thế. Thật là khó khăn khi con gái của mình quyết định tạm dừng việc vào đại học, chỉ để đi lang thang qua các nước. Để cảm nhận nhiều hơn về những nền văn hóa khác với mình!
Đứng trên địa cầu, chúng ta sẽ quan tâm đến nước này, nước khác. Nhưng nhìn từ vũ trụ, chỉ có một hành tinh xanh. Chúng ta là một, đừng để những đường biên giới, những nền văn hóa chia cắt mình. Hãy là một công dân toàn cầu!
Và cô gái ấy đã đi, xách ba lô lên và đi, vừa đi vừa viết. Sẽ có nhiều người ngờ vực, em có dám đi hay không, em có thực sự đã đi như thế. Họ sợ rằng nguồn cảm hứng của em sẽ làm con em họ đi ra khỏi cái quỹ đạo mà họ hằng mong muốn. Một trong những bi kịch của các bậc phụ huynh là muốn con em phải sống theo cách của mình, mà quên rằng bản thân những người trẻ cần có một cuộc đời của họ. Họ lo sợ rằng, vì một lý do nào đó, họ không thể truyền hết những kỹ năng của mình cho thế hệ sau, để có thể tự tin nhìn chúng đi vào những con đường lớn. Những suy nghĩ đó, những ngờ vực đó, âu cũng là lẽ đương nhiên!
Họ không tin rằng có một cô gái, một mình, xách ba lô lên và đi!
Em hãy sống cuộc đời của em. Bố mẹ, gia đình, xã hội chỉ cung cấp cho em những nền tảng cần thiết. Em sẽ là người quyết định em sẽ sống như thế nào. Em cũng đừng quan tâm đến họ, dẫu cho thiên hạ chụp cho em một cái mũ quá lớn. Khi một cô bé phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của quá nhiều người.
Điều đó có công bằng không? Tất nhiên là không công bằng. Châu Phi dạy cho em biết chấp nhận. Và tôi tin rằng, xã hội này cũng dạy cho em điều đó.
Một ngày tháng 9, có những cơn gió lạnh.
MB