What's new

[Chia sẻ] Thông tin du lịch Hội An cùng các bạn

Chùa Cầu là một địa điểm nên đến đầu tiên ở Hội An.

Cầu Chùa là chiếc cầu trong khu đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Cầu còn có tên gọi Cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều.

Lịch sử
Chiếc cầu này được các thương nhân người Nhật Bản góp tiền xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, nên đôi khi người ta còn gọi là cầu Nhật Bản, tuy kiến trúc đậm nét Việt Nam. Theo truyền thuyết, ngôi chùa được coi như là một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật mamazu, khiến nó không quẫy đuôi, gây ra những trận động đất. Năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó người địa phương gọi là Chùa Cầu.

chua-cau-hoi-an0.jpg


Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cho chiếc cầu là Lai Viễn, với ý nghĩa là “bạn phương xa đến”.

Theo niên đại được ghi lại ở xà nóc và văn bia còn lại ở đầu cầu thì chiếc cầu đã được dựng lại vào năm 1817. Ngôi chùa có lẽ cũng được dựng lại vào thời gian này.
Chùa được trùng tu vào các năm 1817, 1865, 1915, 1986.

Kiến trúc
Chiếc cầu dài khoảng 18 m, có mái che, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Thu Bồn giáp ranh giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú.

Chùa Cầu là một trong những di tích có kiến trúc khá đặc biệt. Mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu. Trên cửa chính của Chùa Cầu có một tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán là Lai Viễn Kiều. Chùa và cầu đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu, mặt chùa quay về phía bờ sông. Hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ, (có lẽ được xuất phát từ nghĩa cây cầu xây từ năm thân, xong năm tuất). Tương truyền đó là những con vật mà người Nhật sùng bái thờ tự từ cổ xưa. Tuy gọi là chùa nhưng bên trong không có tượng Phật. Phần gian chính giữa (gọi là chùa) thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ – vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm cùng trời đất nhằm cầu mong mọi điều tốt đẹp.

Có câu thơ về Chùa Cầu - Hội An:

“Ai đi Phố Hội Chùa Cầu
Để thương để nhớ để sầu cho ai
Để sầu cho khách vãng lai
Để thương để nhớ cho ai chịu sầu.”


Hình Cầu Chùa có trên tờ bạc 20.000 nghìn đồng bằng polyme của Việt Nam.

Theo tôi: Chùa Cầu là một địa điểm nên đến đầu tiên ở Hội An.

nguồn: http://www.nguoihoian.info/chua-cau/
 
Last edited:
Nhà Diệp Đồng Nguyên Hội An

Ngôi nhà này được xây dựng vào cuối TK XIX . Tổ tiên của chủ nhà này là một thương nhân người Hoa. Đặc biệt, bên trong ngôi nhà bài trí rất nhiều cổ vật Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản có nhiều niên đại khác nhau. Nhà kết cấu có ô thông sàn lên tầng hai, kiểu ô thông sàn này là đặc trưng của các nhà cổ ở Hội An, từng được sử dụng để làm nơi vận chuyển hàng hoá, đồ vật thông qua hệ thống ròng rọc dây kéo bằng tay.

Theo gia phả hiện đang lưu giữ tại nhà Diệp Đồng Nguyên, ông Diệp Ngộ Xuân là người họ Diệp đầu tiên từ Gia Ứng- Quảng Đông (Trung Hoa) sang Hội An vào thời Thanh Hàm Phong (1856). Với nghề thuốc bắc cha truyền con nối, ông tổ đã lập nên cơ ngơi đầu tiên cho dòng họ ở đường Trần Phú (Hội An- Quảng Nam) với tiệm thuốc bắc mang tên Diệp Đồng Xuân.

Về sau, con cái của ông đã gìn giữ cơ nghiệp và phát triển thêm một tiệm nữa tại số nhà 80 Nguyễn Thái Học. Từ tiệm thuốc bắc chuyên buôn bán các loại cao đơn hoàn tán mang tên Nhị Thiên Đường, tiệm dần mở rộng thành đại lý cho hãng dầu lửa Shell, buôn bán lụa là gấm vóc, sách vở cho học sinh, sách quốc ngữ cho bà con Hội An… Đến nay họ Diệp sống ở đây 5 thế hệ. Ngoài buôn bán, người họ Diệp còn có thú sưu tầm đồ cổ và lưu lại cho con cháu đời sau.

nhacodiepdongnguyen-travel2hoian-com.jpg

Nhà cổ Diệp Đồng Nguyên - Số 80 Nguyễn Thái Học

f35826fcec19a7c2433c12c0ce8e6079.jpg

Nội thất bên trong nhà cổ Diệp Đồng Nguyên.

Một bảo tàng đặc biệt

Ngôi nhà này được xây dựng vào cuối thế kỷ 19. Tầng trệt có những tủ kính áp dọc theo tưởng nhà, trong đó chủ yếu bày những chén bát, đồ sứ. Đồ gốm sứ rất đa dạng về chủng loại và niên đại, do những người đời trước của họ Diệp sưu tầm từ Việt Nam và Trung Quốc.

Mấy bức ảnh người Hội An xưa trong các trang phục cổ, bày trang trọng ở chính diện. Nơi đây lưu giữ cả kho ảnh tư liệu về Hội An được chụp chủ yếu từ những năm 1920 đến 1950-1960.

Phía trong là nơi trưng bày bộ sưu tập tiền cổ. Có tương đối đầy đủ các loại tiền Việt Nam- Trung Quốc qua nhiều triều đại phong kiến, và một số tiền Nhật Bản. Đông tiền Việt Nam cổ nhất là Thái Bình Hưng Bảo (thời nhà Đinh). Đặc biệt, trong bộ sưu tập có đồng Hàm Nghi Thông Bảo mà giới sưu tập cổ vật cho là quý hiếm. Bộ sưu tập này đã được sắp xếp và phân loại thành 2 bảng “Lịch đại cổ tiền” Việt Nam và Trung Quốc theo biên niên lịch sử để người xem dễ hiểu, dễ thấy.

Về tiền của Trung Quốc thì có các loại tiền từ thời Thương – Ân, tiền ngũ thù thời Tây Hán, tiền Vương Mãng thời Tân và nhiều loại tiền của các triều đại khác như: Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Dân Quốc… Ngoài ra, trong bộ sưu tập còn có cả tiền Khoan Vĩnh thông bảo của Nhật Bản, sự có mặt của đồng tiền này đã góp phần làm sáng tỏ thêm quan hệ giao thương của người Nhật tại thương cảng Hội An trong các thế kỷ trước đây.

c8475f7ccf93f01c68e4fe5c589c9907.jpg

Ông Sùng bên bộ sưu tập tiền cổ đã được phân loại

a07a7fd799d68c7dda00af4fce55e427.jpg

Đồng tiền thưởng dưới Triều Nguyễn

Bước qua cầu thang gỗ nhỏ lên tầng 2. Có lẽ những gì quý giá hơn cả được cất giữ ở đây. Những chiếc ché mang đi sứ của thời Khang Hy, bình tì bà và bát gốm Chu Đậu thế kỷ XII được vớt tại Cù lao Chàm, bình hoa da cóc thời nhà Thanh thế kỷ XVIII, đồ men cổ Trung Hoa đời Minh… Cổ nhất có lẽ là chiếc bình bằng đất nung gốm Sa Huỳnh niên đại thế kỷ I trước công nguyên.

Ở tầng 2 của ngôi nhà có cả bộ tủ áo cổ, bàn làm việc của Bảo Đại khi nhà vua về phủ Điện Bàn (15/12/1933), chiếc bàn phấn trang điểm của Nam Phương Hoàng Hậu, ảnh vua Bảo Đại cùng Hoàng hậu chụp với các quan khách địa phương, trong đó có thân sinh của chủ nhân ngôi nhà hiện nay.

Bộ sưu tập ấn chương nằm khiêm tốn trong chiếc tủ kính ở gian trong gác 2, được thu thập hơn 100 năm qua với các loại ấn của quan lại địa phương như tri huyện, chánh tổng, lý trưởng, ấn bạc của quan tri phủ…; cùng nhiều ấn triện của các nhà buôn tại Hội An, những hiện vật chứng minh sự phồn vinh về thương mại của thương cảng Hội An xưa.

e8a58e4a8aba5d2aec5abca13c89492c.jpg


Bức trướng ở Phủ Điện Bàn xưa

Tại nhà cổ Diệp Đồng Nguyên còn lưu giữ nhiều bộ sưu tập không kém phần giá trị khác như các sưu tập về lư đồng, bình vôi, bàn ghế gỗ, trang phục và “một kho” ảnh tư liệu về Hội An được chụp chủ yếu từ những năm 1920 đến những năm 1950 – 1960. Trong tương lai, nếu điều thuận lợi thì “bảo tàng tư nhân” Diệp Đồng Nguyên sẽ mở cửa trưng bày các bộ sưu tập trên để du khách, các nhà chuyên môn có điều kiện cùng tham khảo, cùng chiêm ngưỡng.

5d33490b2ac8589a4103a6d92b497feb.jpg


Ông Sùng cho khách xem các sắc phong thời phong kiến.

Câu chuyện của chủ nhân

Ông Sùng cho hay nhiều món cổ vật thuộc bộ sưu tập gia tộc hiện lưu giữ đã được giới thiệu đầy đủ, chi tiết trên các catalogue của nhiều nước hoặc có món hầu như chỉ còn độc nhất trong giới sưu tầm cổ vật trên thế giới.

Ông Sùng và người anh trai của mình- ông Vĩnh Tân đã dành cả đời để giữ gìn, tìm hiểu những món đồ cổ. Đến nay đối với họ, để phát hiện niên đại của những món đồ cổ chẳng có gì khó khăn. Trận lụt lớn nhất ở Hội An năm 1964 đã làm rất nhiều nhà ở đô thị cổ bị hư hại, nhưng nhà Diệp Đồng Nguyên chỉ bị ảnh hưởng chút ít vì cách bảo quản đồ đạc rất kỹ càng. Trước kia, những cổ vật này được cất trong kho. Khi Hôi An có nhiều khách du lịch, các ông mới đem ra sắp xếp, bày vào tủ kính để ai thích thì ghé xem.

Ông Sùng có thể say sưa kể tỷ mỷ cho chúng tôi lai lịch của mỗi món cổ vật. Từ những chiếc bát sứ, bình vôi trục vớt được dưới đáy Cù Lao Chàm, tới từng ấn triện, sắc phong, những cuốn thư tịch cổ… Mỗi cổ vật đều có một lịch sử, một câu chuyện đầy ấn tượng.

Đã có rất nhiều đoàn nghiên cứu, khảo sát trong và ngoài nước đến đây tiến hành khảo cứu và đã thừa nhận giá trị của hiện vật trong kho tàng này. Ông Sùng cho biết, nhà Diệp Đồng Nguyên chơi đồ cổ, chỉ mua vào chứ không bán ra. Nhiều khách du lịch tới đây đã ngỏ ý muốn mua đồ cổ với giá cao, nhưng ông không bán. Ông bảo ông theo nghiệp này vì say mê nhưng cũng là nghĩa vụ gia truyền. Ước tính, gần một nửa cổ vật là do ông Sùng bổ sung vào. Ông thường để dành tiền các cháu ở nước ngoài gửi về cho để mua đồ cổ.

Căn nhà 80 Nguyễn Thái Học trông thật đơn sơ, có cảm giác ai cũng có thể đột nhập vào, nhưng nhiều năm nay chưa hề xảy ra chuyện mất mát. Mỗi năm một vài lần, ông Sùng cho người lau cửa kính và các đồ trưng bày. Hàng ngày, nhà cổ Diệp Đồng Nguyên lại mở rộng cửa đón những du khách ghé chân vào: không phải mua vé, không có người canh giữ, bạn có thể xem xét và chạm vào hiện vật… Cũng là một nét đẹp làm nên sự hấp dẫn của Hội An.

Cộng đồng Người Hội An
Tổng hợp từ nhiều nguồn
 
Last edited by a moderator:
Trong vắt Cù Lao Chàm!

Cù Lao Chàm từ khi được UNESCO công nhận là 1 trong 2 khu dự trữ sinh quyển thế giới mới tại Việt Nam. Từ một xã đặc biệt khó khăn nằm trong Di sản văn hóa thế giới đến Khu bảo tồn thiên nhiên biển rồi lên Khu dự trữ sinh quyển, rõ ràng Cù Lao Chàm đang là 1 điểm hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng!

Từ Hội An, sau gần một giờ đồng hồ ngồi tàu, hít thở không khí trong lành, tận hưởng cái nắng miền Trung trong vắt, bạn sẽ đặt chân lên Cù Lao Chàm với bao niềm hứng thú khám phá khung cảnh thiên nhiên và con người nơi đây.

culaocham-14.jpg

Cù Lao Chàm có rất nhiều bãi đá ngay sát rừng cây với nhiều hình thù đặc biệt

Đảo Cù Lao Chàm, một điểm du lịch tại Hội An – Quảng Nam đặc biệt hấp dẫn du khách nước ngoài. Từ Hội An, du khách có thể đi tàu ra Cù Lao Chàm bằng tàu từ ngay bến thuyền trong phố cổ với giá 20.000đ hoặc đi bằng tàu cao tốc.

Với diện tích trên 15 km2 , Đảo Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) bao gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ, là một vùng sinh thái vừa có núi, có rừng, có biển với nhiều hệ động thực vật đa dạng, phong phú. Cù Lao Chàm là một cụm đảo xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm cách bờ biển Cửa Đại 15 km.

Cù Lao Chàm bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Dân số trên các hòn đảo này gồm khoảng 3.000 người.

bai-huong-culaocham.jpg


Bãi Hương ẩn hiện trong những cánh rừng xanh ngắt

Một Cù Lao xanh, hoang sơ, huyền bí.

Culaocham3_pilot.vn.jpg


Biển Cù lao Chàm hoang sơ và hấp dẫn

Đây còn là một địa điểm du lịch có khí hậu quanh năm mát mẻ, hệ động thực vật phong phú. Cù Lao Chàm hiện có 135 loài san hô trong đó có 6 loài lần đầu tiên ghi nhận ở vùng biển Việt Nam, 500 thảm rong và cỏ biển, 202 loài cá, 4 loài tôm hùm và 84 loài nhuyễn thể.

442culaocham-7.jpg


Cù Lao Chàm phù hợp với những chuyến đi du lịch nghỉ ngơi, rời xa nhưng ồn ào của phố thị

Câu cá dưới ghềnh, lặn biển ngắm san hô, tham quan các đảo trong cụm 8 đảo ở Cù Lao Chàm, tham quan đảo Yến, dùng thử Cua Đá (Cù Lao) hay thử dùng ốc vú nàng ... đang là những điểm hút du khách đến với Cù Lao.

cuada-culaocham.jpg

Cua đá, một loài cua sống trong các hốc núi chỉ có ở Cù Lao Chàm.

Culaocham10_pilot.vn.jpg


Culaocham11_pilot.vn.jpg


Ốc Vú Nàng:

Một đặc sản của cù lao Chàm là ốc vú nàng, một loài nhuyễn thể to khoảng vài ngón tay đến nửa bàn tay, thường bám dưới những tảng đá.

Ốc vú nàng, một loại đặc sản nổi tiếng của vùng duyên hải miền Trung vốn nổi tiếng ngay từ tên gọi của nó. Ốc vú nàng có vỏ xà cừ hình chóp nón, giống đôi gò bồng đảo của các cô gái dậy thì, thân ốc màu vàng pha xanh, nhưng mỗi khi có tay người chạm phải thì chuyển sang sắc hồng e lệ.

Tổng hợp từ nguồn: http://www.nguoihoian.info/
 
Last edited by a moderator:
Bánh susê – Bánh ít lá gai phố Hội

Với nhiều người Hội An xa xứ, ký ức về quê nhà đôi khi chỉ là một quán ăn nằm trong một con hẻm nhỏ nào đó sâu hun hút trong phố. Nhớ về quê nhà, ứa nước bọt vì thèm một món ăn quen, lại thấy thấp thoáng những bóng hình xưa cũ của một thời trẻ dại. Có một Hội An – thực phẩm với những món ngon rất riêng tồn tại trong nỗi nhớ nhiều người.

Những món bánh truyền thống ở các địa phương khác cũng có, nhưng khi đến Hội An lại được biến thể, gia giảm ít nhiều để trở nên món ăn đặc trưng của phố Hội. Mỗi món bánh trái, lại có một “lịch sử nghề”, gắn với tên tuổi của một lò bánh nào đấy ở Hội An. Ai đi xa, hay du khách ở nơi khác đến, cũng được người Hội An giới thiệu, gửi biếu vài chục bánh làm quà như món quà quê.

banhitlagai.jpg

Lò bánh ít của gia đình ông Kiệt - bà Minh nổi tiếng ở Hội An.

Ở Hội An có nhiều điểm bán bánh ít lá gai, bánh susê, nhưng chỉ có một vài lò chuyên làm bánh để bỏ cho các điểm ấy. Nổi tiếng nhất là lò bánh của vợ chồng ông Nguyễn Kiệt – bà Đặng Thị Minh ở con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Trường Tộ (số nhà 38/16 Nguyễn Trường Tộ). Đường vào lò bánh sâu hun hút, ngoằn ngèo, nhưng hầu như khách đến Hội An đều biết tên tuổi và tìm đến tận nơi. Bánh của ông bà làm ra chưa hẳn đã là ngon nhất, nhưng rất nổi tiếng nhờ chính cái tình của đôi vợ chồng già này. Tuổi càng cao, lượng bánh làm ra ngày càng ít, nhưng ông bà không nỡ tắt lửa lò. Vợ chồng ông Kiệt có lần tâm sự, rằng họ còn sức là còn gói bánh, nhất quyết không để lò nguội lạnh, mai một nghề làm bánh gia truyền. Giữ bếp lửa lò bánh ấm nồng cũng là giữ cho bếp lửa gia đình luôn cháy đỏ, để con cháu nhớ về nghề của ông bà tổ tiên để lại…

Nhiều người Hội An xa quê đã lâu có dịp về đều tìm đến lò bánh ông bà mua bánh để ăn cho đỡ thèm. Người Hội An đi đâu xa cũng mang theo bánh ít, bánh susê làm quà. Chính cái tình của người mua với đặc sản quê nhà, ngược lại, cũng đã níu chân ông bà với nghề, dù rằng bây giờ sức cạn. 62 tuổi, mấy chục năm trời nay, vợ chồng vẫn đều đặn theo nhịp quay. Chuẩn bị nguyên liệu, nhưn bánh, rửa lá… từ chiều. Tờ mờ sáng bắt tay vào gói bánh, hấp bánh, phân loại để các đại lý đến mang đi. Bà Minh cho biết: Nghề làm bánh này có từ đời bà nội của ông bà. Đến giờ ông bà và con cháu vẫn duy trì. Lãi không nhiều lắm, nhưng không ai trong gia đình có ý nghĩ sẽ bỏ nghề…

banhitlagai.gif

Bánh ít lá gai - đặc sản Hội An

Bánh ít lá gai có vỏ bọc làm bằng bột nếp trộn đường và nước lá gai để có màu đen bóng. Nhưn (nhân) bánh bằng đậu xanh, có màu vàng. Bánh susê nguyên liệu như bánh ít, nhưng không sử dụng với lá gai mà trộn với nước cốt dừa, điểm trang thêm bằng cơm dừa bào sợi nhỏ. Cả bánh ít lá gai và bánh susê đều được bọc bằng lá chuối vẫn giữ màu xanh ngắt. Nhìn bên ngoài, bánh gói có chóp nhọn là bánh ít lá gai, chóp bánh bẹt hơn một chút là bánh susê. Để giữ cho vỏ bánh có màu xanh bắt mắt, khi hấp bánh phải cẩn thận. Không quá già lửa, cũng không được non lửa, canh giờ để vớt bánh ra. Tuy cùng nguyên liệu, nhưng mỗi loại bánh có một hương vị đặc trưng riêng. Bánh ít lá gai có vị ngọt của đường, vị bùi béo của bột nếp, hòa với vị đăng đắng của lá gai. Bánh susê khi ăn có vị thơm của cốt dừa, những sợi dừa tươi hòa trong nhân bánh khi nhai nghe sừn sựt, béo ngậy. Những đám giỗ, tiệc, món tráng miệng đãi bánh susê, bánh ít lá gai sẽ dung hòa với những món ăn béo ngậy thường có ở yến tiệc. Những nhà hàng, khách sạn mở buffet ẩm thực bao giờ cũng giới thiệu với du khách hai món bánh đặc sản này, và thường hết sạch ngay khi tiệc chưa kết thúc.

Bánh susê hay còn gọi là bánh phu thê. Tên gọi này gắn liền với câu chuyện kể về vợ chồng người lái buôn thuở xưa.

Chuyện kể rằng, trước lúc người chồng lên đường đi buôn ở phương xa, người vợ làm bánh tặng chồng và thề rằng cho dù xa nhau nhưng lòng nàng vẫn luôn ngọt ngào, đậm đà như bánh.

Chồng cảm động đặt tên cho bánh là phu thê (tức bánh vợ chồng). Chẳng ngờ đến phương xa, người chồng bị say đắm bởi sắc đẹp của các cô gái lạ và không muốn quay về. Người vợ ở nhà biết tin liền làm bánh gởi cho chồng kèm theo lời nhắn:

“Từ ngày chàng bước xuống ghe
Sóng bao nhiêu đợt bánh phu thê rầu bấy nhiêu”


Nhận được bánh và lời nhắn của vợ, người chồng hối hận liền tức tốc quay về và không còn nghĩ đến chuyện thay lòng đổi dạ nữa. Từ đó bánh phu thê thường hay có mặt trong các tiệc cưới nhằm nhắn nhủ lời thuỷ chung đến các đôi vợ chồng trẻ.

Bánh susê có màu vàng nhạt, dẻo, vị ngọt và thơm. Bánh cũng được bao bọc bởi một lớp lá chuối giống như bánh ít lá gai. Là một trong những loại đặc sản được bày bán nhiều nơi ở Hội An.

Tổng hợp từ http://www.nguoihoian.info
 
em không đồng ý là chỉ Hội An mới có cua đá đâu! Mình thấy bán nhiều ở thị xã Hà Tiên - Kiên Giang, có mem nào ở Hà Tiên xác nhận dùm. và còn nhiều nới khác cũng có cua đá nữa!
mạn phép!
 
em không đồng ý là chỉ Hội An mới có cua đá đâu! Mình thấy bán nhiều ở thị xã Hà Tiên - Kiên Giang, có mem nào ở Hà Tiên xác nhận dùm. và còn nhiều nới khác cũng có cua đá nữa!
mạn phép!

Bạn Linh Nam nói đúng Hà tiên - Kiên Giang có cua đá
 
đã có bạn nào thử qua Cua Đá ở Cù Lao chưa nhỉ? Cua Đá chỉ có ở CÙ Lao và xuất khẩu đi nơi khác :D các nơi khác có Cua Đá chắc là nhập khẩu từ Cù Lao.
Cua đá CÙ Lao Vị thịt cua ngọt, thanh chứ không phảng phất vị tanh thường thấy của động vật miền biển. Do cua ăn các loại cỏ cây trên núi, nên thịt cua nồng một mùi cây rừng, thơm đến lạ.

Mỗi con cua đá trung bình chỉ lớn bằng nắm tay, và có màu sắc rất ấn tượng, mai và các chi màu nâu tím, phần bụng dưới ngả màu vàng ươm. Cua đá rất khoẻ, chạy nhanh, và thường chỉ lú đầu khỏi hang khi đêm xuống để đi ăn. Đó cũng là lúc những cư dân trên đảo đi săn cua đá. Một thợ săn cua cho biết, đi săn mà gặp 10 con, bắt được 4 – 5 con là nghề lắm rồi.

Ở nơi khác có CUa Đá kiểu này ko nhỉ? mình chưa đi nơi khác nên chưa rõ lắm.

http://www.nguoihoian.info/cua-da-cu-lao-cham/ Mời xem qua Cua Đá ở Cù Lao.
 
đã có bạn nào thử qua Cua Đá ở Cù Lao chưa nhỉ? Cua Đá chỉ có ở CÙ Lao và xuất khẩu đi nơi khác :D các nơi khác có Cua Đá chắc là nhập khẩu từ Cù Lao.
Cua đá CÙ Lao Vị thịt cua ngọt, thanh chứ không phảng phất vị tanh thường thấy của động vật miền biển. Do cua ăn các loại cỏ cây trên núi, nên thịt cua nồng một mùi cây rừng, thơm đến lạ.

Mỗi con cua đá trung bình chỉ lớn bằng nắm tay, và có màu sắc rất ấn tượng, mai và các chi màu nâu tím, phần bụng dưới ngả màu vàng ươm. Cua đá rất khoẻ, chạy nhanh, và thường chỉ lú đầu khỏi hang khi đêm xuống để đi ăn. Đó cũng là lúc những cư dân trên đảo đi săn cua đá. Một thợ săn cua cho biết, đi săn mà gặp 10 con, bắt được 4 – 5 con là nghề lắm rồi.

Ở nơi khác có CUa Đá kiểu này ko nhỉ? mình chưa đi nơi khác nên chưa rõ lắm.

http://www.nguoihoian.info/cua-da-cu-lao-cham/ Mời xem qua Cua Đá ở Cù Lao.

Mãi đến lần đi Hội An năm ngoái tơ mới biết ở Cù Lao Chàm (chắc bạn muốn đến quê bạn đúng không) cũng có cua đá. Thực ra cùng chung một tiểu vùng khí hậu thì việc ở nhiều nơi có cùng một loại thực, động vật là hết sức bình thường và đừng khẳng định mỗi chỗ bạn có cái loại đó. Cua đá không phải sống ở nước mặn mà ở nước ngọt nhưng bạn thử ăn cua xong mà không rửa tay hoặc rửa bằng nước lã xem sao. Hơn nữa cua đá không phải lúc nào cũng bắt được và bắt dễ như thế đâu.

Góp ý với bạn nguoihoian: đánh giá rất cao những bài viết của bạn về Hội An. Đồng ý quê bạn có nhiều nét văn hóa đáng kể nhưng không có nghĩa là ở quê bạn cái gì cũng là nhất (như trong một vìa bài viết). Câu chuyện này cũng như ở miền Bắc ai cũng kể ở quê mình nấu thịt chó là ngon nhất nhưng chung qui lại thì cứ thịt chó là ngon, còn đang ăn mà bảo quê mình ngon thì mời bác về quê ăn nhé
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,674
Bài viết
1,171,061
Members
192,338
Latest member
senrilamaha74com
Back
Top