What's new

[Chia sẻ] Togean island xanh hư ảo - Muốn đi là phải thật...MÁU

Kể ra cũng có tí ích kỷ vì cảm giác tận hưởng cái chốn tuyệt vời này thích quá, yên ả quá nên sợ nhỡ nó bị nhiều người biết đến thì bị mất đi vẻ đẹp hoang sơ, sự chân chất của con người lại...tiếc nuối. Nhưng mà có thông tin được từ đây, ấp ủ cũng từ đây nên việc giữ cho riêng mình cũng là không nên, nhề.
Togean (còn có tên khác là Togian) island là một cụm đảo nằm trong vòng tay rộng lớn của hệ thống đảo núi Sulawesi ở Indonesia. Nếu nhìn ngắm tổng thể đó là một cụm đảo tâm điểm của vùng lòng chảo biển rộng lớn lọt thỏm ở khu vực khá hẻo lánh xa xôi của Indonesia. Bởi việc di chuyển đến đây khá khó khăn do cần nhiều thời gian và thay đổi phương tiện nên cụm đảo này gần như là nơi dừng chân của những chuyến du hí dài ngày không quan tâm đến thời gian, chỉ quan tâm đến biển, đến những dải san hô tuyệt đẹp, những đàn cá chiu chít lấp lánh, những sự lười biếng không lo nghĩ thảnh thơi ngắm mặt trời mọc và lặn mỗi ngày.

Sẽ mất 4 ngày cho việc di chuyển bằng bus, bằng phà để đến được cụm đảo. Nếu có thể bay và bám theo hệ thống xe khách thì cũng may ra rút ngắn được gần 1 ngày. Vậy cứ xác định tối thiểu phải cần đến 1 tuần cho việc đến và đi. Bạn muốn dành bao nhiêu thời gian cho cụm đảo này thì cứ thế cộng thêm vào.

Nếu tặc lưỡi lắc đầu với hành trình có vẻ lê thê trên thì thôi tạm ngắm ít ảnh demo rồi suy nghĩ nhá

Nhìn từ làng chài Bajo



Cây cầu gỗ nối làng chài với đảo đã được thay bằng cây cầu khác chắc chắn hơn với trụ bê tông


View từ đỉnh đồi


Những chú "rái cá" nhỏ


Những làng chài "lơ lửng" giữa không trung


Một vài góc san hô của RIF No5, một dải san hô không thể bỏ qua được chụp từ đứa bơi chìm lặn nổi




Nếu thấy tạm đủ hứng thú cho các bạn quan tâm thì điều cần tiếp theo đấy là... MÁU LÊN NÀO(beer)
 
Theo quy định, trẻ nhỏ (khi chưa mọc răng) không được huyền táng trên các vách đá mà được đưa vào các hốc cây đang sống (Baby Grave). Mỗi một vùng chọn một cây cho địa phận nhưng theo như lời bạn hướng dẫn có vẻ không phải vùng nào cũng có. Chắc việc tìm và chọn cây cần có một số tiêu chuẩn nhất đinh. Các hốc cây này được che lại bằng cánh cửa tết từ sợi cây cọ. Gần làng Kete Ketsu có 1 cây được rào lại cho khách du lịch thăm quan


Khi hốc cây liền lại, đứa bé được cho là đã siêu thoát, mỗi cây có thể được chứa tới hàng chục trẻ em.


Cái cây chỗ bọn tớ được đưa đến có vẻ giờ chỉ còn để cho khách thăm quan nên bị mục ruỗng khá nhiều dù vẫn thấy một nhánh cây vươn dài phía đầy ngọn bị cụt

 
Chỉ mất chừng 15p để loanh quanh quanh cái cây, biết thêm một chút về phong tục kì lạ đối với người chết của vùng này bọn tớ được bạn hướng dẫn đưa đến làng Lemo nằm gọn trong thung lũng cách Rantepao khoảng 12km.


Đây có lẽ là khu vực đặc trưng nhất với truyền thống chôn cất trong các hang đá và vách đá được tồn tại từ thế kỷ 16. Có lẽ vì đây là khu vực khá khuất nẻo nên ít ai biết, thời điểm bọn tớ đến các hàng quán, nhà cửa hay quầy vé vẫn còn mới tinh tươm, con đường còn chưa trải xong dù theo một số thông tin nó được đưa vào khai thác du lich từ năm 1960.



Cái tên Lemo được bắt nguồn từ chính các "tác phẩm điêu khắc" trên đá cho người chết vì những hang đá được gọt dũa theo hình tròn giống hình trái cây kiểu quả chanh hay cam. Người ta gọi đó là hang Paa. Trên vách đá có 75 lỗ hổng và có một số lỗ có các hình Tau Tau phía trước thể hiện địa vị và đẳng cấp xã hội của người đã mất trong giới quý tộc địa phương.


Phải công nhận rằng các Tau Tau ở đây được điêu khắc cực kì sống động vì nhìn khuôn mặt được rất giống thật dù các đường nét không quá công phu mà chỉ là các đường gọt dũa có vẻ thô sơ. Vậy nên...nhìn xa được rồi, nhể :D
 
Cho trọn vẹn ngày với đầu lâu xương sọ, bạn Daniel dẫn bọn tớ đến thêm một khu huyền táng nữa nhưng lần này thì trông xa thấy lơ lửng quan tài còn đến gần thì chui hang thưởng ngoạn (nếu ai đã đi Myanmar với đền chùa khắp nơi sẽ thấy đây là thái cực ngược lại. Bạn sẽ lẩm bẩm, gì mà toàn đi thăm người chết).
Khu này tớ chả biết tên nhưng có cái cổng khá kì quặc


Cổng lổi ra thì dư lày, hình ảnh đầu trâu quen thuộc


Phía chân cầu thang có tượng trâu đang cúi chào đắp bằng xi măng thì phải, nhưng mỗi tội bị mất mất 1 sừng. Có thể thấy hình ảnh con trâu là hình ảnh được tôn thờ và có mặt khắp nơi trong từng hoạt động đời sống tinh thần cũng như vật chất ở đây.


Đi men theo một lối mòn nhỏ lát sỏi từ trên cao chênh vênh đi xuống lòng trũng của một thung lũng nhỏ. Từ phía xa nhìn sang núi nơi có những lỗ hang và quan tài treo tràn trên mặt vách


Cây cối nhiều, người thì ít và lại là nơi để dành cho việc chôn cất nên đương nhiên muỗi to như con...ruồi trâu. Các bạn cứ lưu ý quần trùng áo dài, thuốc xịt và đèn pin nhá. Với chỗ um tùm này thì bọn tớ không xem chỉ trỏ bên trên như ở làng Lemo được nên có phần khám phá khác dành cho quý khách: chui vào hang.

Ở đây người ta vẫn an táng thêm người mới mất nên một số quan tài và Tau Tau vẫn còn mới nguyên. Núi, rũy nhiên lạnh, rừng, rũy nhiên âm u, tuy nhiên cái vụ mùi mẽ thì không có, chỉ là mùi ẩm của cây cối và rêu trong những hốc đá không có ánh sáng chạm tới


Nào cùng khám phá nhá, đi trong những luồn lách hang đá với vách được gọt dũa bởi nước như đá lũa


Những quan tài đầy tiền xu, thuốc lá và bánh kẹo, rất nhiều thứ vẫn còn mới :D


Nào hãy cùng nhau bắt đầu tuần lễ Haloween bằng cách cười lên nào


Nói chung đứng đây ý mà, chả cần hóa trang, cầm cái đèn pin để dưới cằm chiếu lên đã đủ cảm xúc rồi, chào mừng Ha lô oen

 
Vì mình đi xa mà, lại còn đi dài ngày để đến được đích nên tinh thần là lúc dừng chân lại cũng coi như khám phá tận hưởng. Xác định thế đi. Vậy nên nếu trong dịp đi này gặp được 1 đám ma của người dân Toraja là sẽ biết trọn vẹn phong tục được cho là xa hoa đắt đỏ nhất ở đây, để hiểu được thế nào là sống chỉ để chết, đầu tư tích lũy cả đời cho cái chết của mình như thế nào. Vì người dân tin rằng chết không phải là một sự kiện đột ngột bất ngờ mà là một quá trình dần dần về phía Puya (vùng đất của những linh hồn, hay thế giới bên kia). Nó được dựa trên một niềm tin mạnh mẽ rằng linh hồn của người quá cố thực hiện chuyến du hành để đi về vùng đất phía Nam. Trong khi đi, người đó sẽ cần tất cả các vật dụng cần thiết của cuộc sống hàng ngày ở bên kia giống như khi còn sống trong thế giới này.

Tháng 8 có một nghi lễ được gọi là Ma'Nene diễn ra (tớ hiểu nôm na kiểu như Thanh minh của nhà mình ý). Khi đó người chết sẽ được khai quật lại, gột rửa sạch sẽ, chuẩn bị chu đáo và mặc quần áo mới. Những xác ướp này với một vài nghi lễ (tớ đồ là như yểm thần chú) sẽ đi vòng quanh ngôi làng giống như thây ma. Tự dưng làm tớ hồ nghi có khi nào biên kịch và đạo diễn của series phim "Walking dead" lấy cảm hứng từ vùng đất này chăng. Xem mấy cái thông tin về nghi lễ này mà thấy...giống quá, có cả youtube nữa mới ghê :(

Chính vì nghi lễ đặc biệt này, Tana Toraja thu hút hàng ngàn khách du lịch và nhân chủng học cho hòn đảo mỗi năm. Vì vậy, kể từ năm 1984, Tana Toraja đã được coi như là điểm đến du lịch thứ hai sau Bali của Bộ Du lịch Indonesia làm cho nó trở nên nổi tiếng trong Indonesia và nâng cao niềm tự hào của người dân bản địa (vậy sao thông tin lúc bọn tớ đi nó cứ mù mà mù mờ nhể, chẹp)


Bọn tớ có chút may mắn khi cắm chốt ở Rantepao 2 ngày thì ngày thứ 2 được dẫn đi xem...đám ma. Phải nói là các bạn hướng dẫn nói không ngoa (tớ đa nghi nên cũng chưa tin lắm khi chỉ "nghe nói"vì thấy nhiều quá thể). Đến lúc đến chỗ người ta thực hiện các nghi lễ cúng tế mới thấy thật đúng là dành dụm cả đời cho một cái chết của mình :shrug:.

Địa điểm thực hiện các nghi thức tang lễ là một khu đất trống trên cao với các ngôi nhà truyền thống bao quanh.


Những người đến dự là họ hàng thân thích gần xa tề tựu, mặc quần áo đẹp, trang trọng. Tang lễ là sự kiện xã hội quan trọng và là dịp cho toàn bộ gia đình tập trung quây quần. Mọi người tham gia tang lễ chính là tham gia vào các sự kiện xã, đổi mới các mối quan hệ, xác nhận các niềm tin và truyền thống của tổ tiên. Những đám tang này thường kéo dài trong vài ngày.
 
Last edited:
Đám tang được tổ chức kéo dài nhiều ngày này được gọi là Rambu Soloq và thường diễn ra trong mùa khô khoảng tháng 8 hoặc 9. Phần quan trọng nhất của buổi lễ này liên quan đến sự hy sinh của con trâu. Những con vật chết để đi cùng với linh hồn chủ của nó trên hành trình đến Puya - vùng đất của người chết và với niềm tin rằng nếu họ có nhiều trâu hành trình này sẽ càng nhanh hơn.
Vâng, rất nhiều trâu nên một số gia đình để tổ chức một đám tang đã lún sâu vào nợ nần





Trước khi bị hy sinh theo một thủ tục đúng quy định, cổ của con trâu được cắt bằng một lưỡi dao sắc và con vật sẽ chảy máu đến chết, các con vật tham gia trong nghi lễ thử nghiệm của sức mạnh được gọi là tedong silaga, đây chính là cao trào của Rambu Soloq. Thủ tục này được gọi là tinggoro. Người thực hiện nghi lễ này với vũ đạo và âm nhạc là các chàng trai trẻ, những người sẽ hứng máu bắn ra của con trâu trong ống tre dài.


Các bạn ở đây thao tác cực chuẩn nên tớ đã thử bấm giờ lâu nhất cũng chỉ 30s là con trâu chết, không bị kéo dài đau đớn.


Còn lợn thì các bạn ấy chọc cũng đúng mạch ở ngay nách chân trái phía trước như này và cũng chết rất nhanh


Một số trâu hoặc lợn do khách mang đến như "món quà" và được ghi nhận hết sức cẩn thận vì nó sẽ được coi là một món nợ của gia đình (haizzza).




Việc giết mổ trâu và lợn được xem như sự đảm bảo cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới bên kia và để bảo vệ các con cháu. Thịt động vật bị giết sẽ được phân phát cho các khách đến dự đám tang.

 
@khoihnt: Tớ cũng choáng ấy, các bạn trai trẻ này tay nghề rất thuần thục và dứt khoát, đúng kiểu nghệ thuật vung dao (NT)
Đúng như những gì mô tả, việc tham dự đám tang trở thành một sự phô bày cấp bậc, địa vị và nguồn tài chính dồi dào (đôi khi không phải thực tế) của gia chủ. Những người tham dự thì đến với tâm thế của một người đi lễ hội vì họ không cho đây là việc buồn hay phải thể hiện sự buồn rầu. Cùng biết nhau khi tại thế giống như cùng gặp gỡ trên 1 đoạn đường của chặng hành trình dài, đoạn đường này sẽ không vui vẻ hạnh phúc bằng đoạn đường sau đó. Vì vậy khi đến đám tang họ sẽ chọn những bộ cánh đẹp và tinh tươm nhất, chuyện trò bánh trái rôm rả lắm




Một số trang phục của những người đàn ông khi tham dự buổi hiến tế trâu lợn






Phía ngoài rạp ăn các bà các cô đang chờ sẵn để chuẩn bị cỗ bàn. Xung quanh được bao phủ bới các biển có dòng chữ bày tỏ tấm lòng đối với người chết, tớ nghĩ nó như kiểu vòng hoa ở mình ấy



 
Rời Rantepao, bọn tớ bắt đầu hành trình đến với mục đích chính của chuyến đi với tâm trạng háo hức ngày được bồi đắp bởi...những con đường. Hoàn toàn là những con đường ấy ạ. Đây là chặng tớ rất thích và nhấn mạnh là nếu được các bạn rất nên chạy bằng xe máy, đẹp mê man nên phần lớn là ngồi ngắm rên rỉ chứ không chụp được mấy. Phần vì đường khá nhỏ, cua khá nhiều và xe đi khá nhanh. Phần vì xác định tinh thần hưởng thụ là chính, phần vì mê man và ngồi phía sau nhiều nên tớ không có nhiều tư liệu chia sẻ.

Ban đầu, những ngôi nhà mái thuyền vẫn còn lấp ló trong xanh mướt cây cối ngay sát đường đi


Hay ở các khúc quanh


Đây là một vùng địa hình kết hợp cao thấp mềm mại và đặc biệt được phủ xanh bởi cây cối tươi tốt. Đường nhỏ nhưng chất lượng đường khá tốt, vào cua êm ru và đặc biệt chả nghe thấy một tiếng còi xe nào


Có khi vào mùa thay lá cũng xanh vàng đỏ nâu rực rỡ lắm ấy. Làm tớ nhớ những con đường Tây Bắc quá đi, mùa này ấy, thời tiết này ấy, và cũng óng ánh thế này ấy


Còn có lúc cũng mờ ảo sương treo, lạnh tê tê, se se hơi nước dưới những lùm cây rậm rì

 
Có một điểm các bạn nhớ là phải rất lưu ý nhá. Tỷ dụ đang đi trên đường mà gặp dãy hàng quán treo bán những thứ như thế này


Nhất định đừng ngần ngại mà DỪNG NGAY lập tức. Trời ơi sau khi bỏ lỡ dãy hàng đầu tiên vì nó trót nằm ở 1 khúc cua thì bọn tớ thấy cơ man nào là cây chôm chôm quả chín đỏ chi chít trĩu trịt ngay sát hai bên đường. Quả đỏ cứ đu rạp cả cây vốn dĩ không cao trong mặt bằng cây cối ở đây, đỏ rực một cách mời gọi chỉ việc đứng dưới cạp cạp đúng kiểu lười mà ăn tại chỗ ấy:D:D. Thêm vào nữa là mít giống dạng mít tố nữ của mình và sầu riêng trái bé cơm gọn nhưng (nghe bạn đồng hành đồn) thì ngon ngọt vô đối.


Giá thì vô vàn rẻ, cứ bán theo cả túm 2-3kg hoặc một xách chừng 3 quả mít hoặc 3 quả sầu riêng (tính ra có mấy chục nghìn á). Tớ thật, khỏi cần mặc cả cho nó ngại ngùng, cứ mạnh dạn ngồi đánh kịch xuống ghế, sầu riêng thì bổ păng păng còn chôm chôm thì bóc bùm bụp, xong đứng lên trả tiền cho hào sảng (c)


1 mình tớ oánh gần hết túm chôm chôm 2kg, bóc không ngơi nghỉ, thịt quả chắc và róc, giòn ngọt còn 3/4 sang bên kia ăn sầu riêng mà nước mắt lã chã vì sung sướng đã đời. Tớ hết sức đấu tranh mọi người mới không khuân 1 tải sầu riêng để lên xe ăn thay...snack đấy =))
 
Buổi trưa bạn IIS đưa bọn tớ ghé vào một quán có vẻ là quán quen của bạn ấy. Các bạn chú ý đến những cái bọc phía trước không, đấy là rượu cọ, một đặc sản của vùng này mà bọn tớ chưa có dịp thử.


Quán này có đặc điểm là cứ gọi theo suất: tỷ dụ như cơm với gà (miếng gà có thể là cái tiu gà, miếng lườn gà...) hoăc cơm cá (1 con cá vừa hoặc khúc cá) thì đếm suất ăn tiền giá hợp lý. Ấy vậy mà bọn tớ gọi riêng thêm gà và cá tự dưng cái giá nó thay đổi á, tiền cá với tiền gà không đắt hơn hẳn tiền gọi theo suất dù theo logic thông thường thì bỏ cơm bỏ rau cùng lắm cũng chỉ bằng tiền suất thôi chứ. Tớ không hiểu là các bạn ấy cố tình tính đắt hay như nào vì bạn Iis không nói được tiếng Anh, hỏi các bạn kia cũng bằng thừa, đứng tranh luận có vẻ cũng chả đi đến đâu nên đành bỏ qua. Tuy nhiên được cái gia vị các bạn này nấu tạm ổn, không bị đậm vị cari, suất cơm đùi gà sẽ như thế này

 
Hành trình tiếp theo với mê mải những con đường xanh, nếu không có nhà cửa 2 bên chắc trông cũng lung linh chả kém đường hầm tình yêu ở Ukraine đâu ý


Đoạn này giữa khu dân cư sầm uất nhá, cây vẫn được phạt hết cành phía đằng sau, chỉ để cành phía trước chìa ra đan nhau trên đường


Các bạn có thể nhìn kỹ hơn ở đây nhá


Con đường xanh với những chàng vác lúc lỉu đỏ chôm chôm, vàng ruộm mít này


Đường sạch sẽ và mê mải trong những khung cành phủ lá xanh mướt mát rượi dài hun hút làm bọn tớ cứ chìm trong cảm giác êm dịu nhẹ nhàng.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,672
Bài viết
1,171,155
Members
192,343
Latest member
77winfun
Back
Top