What's new

Tổng hợp kinh nghiệm đi rừng

Lửa trại (tiếp theo)
Nhóm lửa khi trời ướt hoặc mưa
Đốt lên một đống lửa để sưởi ấm và hong khô, nấu nước khi trời mưa lạnh là một việc rất cần, nhưng lại rất khó. Khi lửa đã bén, cháy to thì bạn cho củi ướt vào cũng cháy. Nhưng để bắt đầu thì rất khó, thậm chí không thể nếu trời mưa to. Việc sắp đặt thanh củi to, thanh củi nhỏ và lá khô, việc tạo khoảng trống bên dưới, hướng gió vv… cũng rất quan trọng.
Trước tiên bạn cần tìm một nơi khô ráo để nhóm lửa: tốt nhất là dưới một tán cây dày và rộng, hoặc dưới 1 mái bạt treo cao (cho khỏi cháy bạt). Trời mưa thì củi khô và lá cây sẽ bị ướt và rất khó bắt lửa, cho dù bạn đã quen nhóm. Bạn hãy tìm một số vật liệu dễ cháy sau, một số có thể kiếm trong rừng, để nhóm lửa:
• Lá nón, hoặc lá cọ khô, lá thông...Vẩy đi cho bớt nuớc, (lá này cháy như giấy khô vậy),
• Vỏ thông hoặc mảnh gỗ thông có dính nhựa thông,
• Nhựa hoặc cao su (chú ý tránh khói độc)
• Nến, sáp (có cồn khô thì tốt, nhưng mang đi nặng)
Vì củi ướt nên bạn nên có một công đoạn là làm khô củi và lá mồi bằng cách vẩy/lau cho tàu lá, thanh củi hết nước đọng bên ngoài rồi mới nhóm. Hơi mất công nhưng làm thế để cho ngọn lửa có thể nhanh bùng lên, tạo đủ hơi nóng để làm khô và đốt cháy những thanh củi còn ướt. Kế đến, lấy dao gọt cây nến rắc trên nhóm lá/củi mồi. Với sự chuẩn bị như thế, đảm bảo đến 90% là đống lửa của bạn sẽ bùng lên. Ngoài ra để đề phòng trời mưa, tắt lửa, bạn nên tích trữ một lượng lá khô để nhóm lần sau.

Nước
Đi lâu trong rừng thì việc mang nước đi luôn là v/đ lớn. Mỗi ngày đi rừng, nếu dùng dè sẻn cũng cần đến 2 lit/ngày cho nhu cầu uống và nấu ăn. Ngoài ra còn các nhu cầu khác về nước nữa. Như vậy nếu đi 3 ngày thì lượng nước uống tối thiều phải mang theo là 6lít, =6kg.
Rừng Việt Nam đa số không thiếu nước, nhưng nước để uống thì lại là v/đ nan giải. Nguồn nước trong rừng chủ yếu là từ suối. Nhưng chúng ta (dân du lịch) hầu như ít ai biết nước ở 1 con suối có an toàn không.

Nước ở suối bắt đầu từ mưa, tích tụ qua lá cây, đất rừng, ngấm xuống hoặc chảy trên bề mặt đất, mang trong nó mọi dấu ấn của rừng: khoáng chất đất đá, các chất của cây, lá, thú vật, vi trùng. Sự nguy hiểm của nước suối đa phần bất nguồn từ ký sinh trùng sốt rét, lá độc, khoáng chất độc. Nếu ta uống nước suối sau khi đun, thì có thể loại trừ ký sinh trùng độc hại. Còn những thành phần độc hại vô sinh khác thì khó mà biết được. Nếu vào mùa mưa thì đỡ lo hơn, vì ta có thể hứng lấy nước mưa, hoặc lấy nước suối đun sôi. Do mưa nhiều nên nồng độ khoáng chất trong nước suối sẽ không cao bằng mùa khô...

Tuy nhiên nếu đun nước để ăn uống ta cũng nên tuân thủ thời gian sôi đảm bảo khử trùng là 1p (Boiling is the most certain way of killing all microorganisms. According to the Wilderness Medical Society, water temperatures above 160° F (70° C) kill all pathogens within 30 minutes and above 185° F (85° C) within a few minutes. So in the time it takes for the water to reach the boiling point (212° F or 100° C) from 160° F (70° C), all pathogens will be killed, even at high altitude. To be extra safe, let the water boil rapidly for one minute, especially at higher altitudes since water boils at a lower temperature)
 
Last edited:
Leo dốc
Chắc rằng nhiều bạn chúng ta đã phải bám cây rừng khi leo dốc. Khi leo núi cao, thì chúng ta nên coi rằng bám cây để leo là một trong những cách leo núi chính. Và vì vậy ta nên chuẩn bị cho việc leo bằng tay, chứ không chỉ chuẩn bị giày leo núi. Khi ta leo dốc với độ dốc cao (từ 35º trở lên) thì nên sử dụng tay nhiều gần bằng chân để bám và kéo người lên, hoặc giữ cho khỏi tuột khi xuống. Sử dụng tay để kéo người lên sẽ đỡ rất nhiều cho đôi chân đã quá mệt mỏi vì đi bộ. Những chỗ không có cây thì vẫn còn vô khối rễ cây, mỏm đá, thậm chí là mô đất cho bạn bám vào.. Có nhiều tư thế leo mà ta chỉ cần tay bám cho thân ổn định khi sử dụng chân đẩy người lên. Khi đó dù bám vào cái cây nhỏ với đường kính 1,5cm trở lên cũng rất đáng tin cậy. Còn cây tươi có đường kính 4cm trở lên có thể chịu đựng cả khối lượng của bạn và balô. Tuy nhiên ta phải luôn kiểm tra xem cái cây mình bám vào có chắc không, nhất là những nơi nguy hiểm.
Trong việc bám cây, bạn cũng nên sử dụng găng tay (không dùng găng hở ngón) cho việc bám giữ cây rừng, vì nhiều loại cây có gai, đá nhọn xù xì hoặc côn trùng độc. Tốt nhất là loại găng có hạt cao su trong lòng để có độ bám cao. (găng bảo hộ có thể mua ở phố Yết Kiêu rất rẻ, có 10.000đ, mà tác dụng rất tốt). Găng còn có tác dụng bảo vệ tay rất tốt khi chặt cây, vơ củi, lá, đốt lửa và cầm vật nóng. Găng còn giữ cho tay sạch khi phải cầm thức ăn mà không thể rửa.

Gậy chống Đi rừng chúng ta thường có một cây gậy chống. Gậy chống rất có ích, nhất là khi đi đường rừng gập ghềnh, vượt sông suối, vượt qua những nơi rậm rạp… Nhưng đa phần chúng ta vẫn chưa phát huy hết công dụng của gậy chống. Khi lên dốc nói chung nhiều bạn không biết dùng gậy làm gì, nhất là khi phải dùng tay bám vào cây hoặc đá thì lại thấy gậy vướng. Nếu phải chặt cây làm gậy chống, tôi sẽ chuẩn bị cho mình một cây gậy như thế này:
Gaychong-1.jpg

Tôi sử dụng đầu gốc để chống xuống đất vì nó to và chắc hơn đầu ngọn. Cái móc gần đầu dưới có cái cành tạo thành cái móc. Cái móc này khi leo lên tôi dùng để móc giữ chặt vào gốc và rễ cây kéo mình lên. (có những nơi trong tầm với của tay không có chõ nào để bám cả). Còn khi leo xuống thì cái chạc sẽ giúp tôi giữ gậy chặt hơn.

Ngoài ra, bạn có thể lợi dụng dây leo, dây mây để làm dây bảo hiểm, dây bám cho những đoạn đường nguy hiểm. Trong rừng còn có những loại cây cung cấp nước và rau rất ngon. Nếu có dịp đi cùng một người dân bản địa, chắc chắn bạn sẽ hiểu cây rừng hơn.
 
Last edited:
Xin lạm bàn một chút về một đề tài ít liên quan đến kỹ năng đi rừng- Nỗi sợ khi ở trong rừng

Nỗi sợ

Khi đi rừng, leo núi, qua đêm ở rừng có rất nhiều tình huống tạo ra sợ hãi cho nhiều người, kể cả tôi, nên tôi cũng phải suy nghĩ sâu hơn về v/đ này. Chúng ta sợ đủ thứ trong rừng: sợ ngã, sợ cây rừng rậm rạp, gai góc, sợ tiếng rừng, sợ vắt, muỗi, ruồi muỗi, sợ rắn, hổ, sợ tiếng rừng, sợ bóng tối vv…

Nhiều người hay coi thường những người dễ sợ hãi. Có lẽ ta nên có cái nhìn cận cảnh về ‘nỗi sợ’ xem nó thế nào. Nỗi sợ chắc chắn thuộc về cảm xúc, nhưng nó gắn liền với phản xạ có điều kiện (PXCDK) và lý trí. Khi sợ mạch đập tăng lên, cơ căng lên vv… Xin không phân tích nhiều mặt khoa học của v/đ. Bộ não phát tín hiệu sợ để nói rằng nó không biết xử trí v/đ thế nào, tốt hơn cả là dừng lại. Nói là thế nhưng tất cả xảy ra rất nhanh, nhanh đến mức ngay cả bộ não cũng không kịp nghĩ xem phải làm gì. Đó là phản ứng nhanh, là tính tích cực của ‘nỗi sợ’. Không biết sợ thì rất nguy hiểm: ta sẽ rơi vào tình huống nguy hiểm mà không biết cách xử trí. Vì vậy sợ là rất bình thường.

Tuy nhiên, có những nỗi sợ phi lôgic, không dựa trên lý trí chút nào, kiểu như sợ gián, sợ chuột và đặc biệt là sợ vắt. Nhiều chị em có thể sợ cứng người, thậm chí ngất xỉu vì con vắt. Rất nhiều người chỉ nhìn ảnh con vắt của tôi đã sởn gai ốc. Không hiểu sao tổ tiên loài người lại truyền lại cho chúng ta nỗi sợ lớn đến thế với những con vật rất nhỏ và gây hại không bao nhiêu như gián, sâu, vắt…(?). Kể cả tôi đã bị vắt cắn rất nhiều, bắt rất nhiều vắt mà vẫn có cảm giác ghê ghê khi thấy con vắt nhỏ nằm vắt ngang đùi mình hút máu.

Bóng tối đầy ắp tiếng côn trùng, thú hoang cũng là một nỗi sợ của con người hiện đại. Chúng ta đã từ bỏ bóng tối quá lâu, đã quá quen với ánh sáng. Tư thế đi thẳng người của con người làm cho hai mắt người cách xa mặt đất hơn nên khó nhìn rõ đường, thể tích khi di chuyển lớn hơn làm giảm khả năng chui rúc, trọng tâm cao hơn nên mất ổn định, dễ ngã. Chính vì lẽ đó mà các thợ săn hay quay lại tư thế lom khom, hoặc bò của tổ tiên. Từ nhỏ tôi đã từng rất quen với bóng tối, đã từng đi những quãng đường dài trong đêm, nhưng giờ đây tôi đành phụ thuộc vào ánh đèn (!).

Làm sao cho bớt sợ?
Càng có hiểu biết, càng có dịp trải nghiệm, ta càng bớt sợ. Suy luận lôgic, học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt thông tin, trang bị phòng hộ đầy đủ cũng làm ta đỡ sợ hơn nhiều.
Nếu không có những điều đó, thì đi với 1 người đáng tin cậy sẽ làm bạn đỡ sợ hơn nhiều. Đừng ngại nói ra là mình sợ, hoặc y/c sự giúp đỡ của ai đó. Bạn nên nhớ: Sợ không đồng nghĩa với hèn. Chúng ta đang sống ngày càng minh bạch, dám thể hiện cả sự yếu kém của bản thân mình hơn. Chúng ta ngày càng sống theo kiểu team work, giúp đỡ, quan tâm đến đồng đội hơn.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,321
Bài viết
1,175,213
Members
192,044
Latest member
monkey111
Back
Top