Everest expedition
Từ trước đến nay, tôi vẫn giữ nguyên trong đầu suy nghĩ Everest là 1 nơi không tưởng, không thể đặt chân, không thể chiến thắng. Suy nghĩ đấy được hình thành và củng cố khi xem các bộ phim về thảm họa trên Everest, đọc các sách về tai nạn trên Everest, nhìn những bức hình về bia mộ, về những người bì bỏng lạnh phải cắt hết ngón chân ngón tay...
Tuy nhiên, khi nói chuyện với bạn guide của chúng tôi cùng 1 số bạn guide khác gặp dọc đường, thì ai cũng bảo "Everest no difficult". Họ nói rằng họ không hề có ý xem thường ngọn núi cao nhất thế giới ấy, song việc lên được đó không phải là việc không làm được.
Ngày nay, tỷ lệ summit Everest thành công ngày càng cao. Như mùa leo 2007, 2008 và 2009 mỗi mùa có trên dưới 500 người summit trong khi tỷ lệ chết chỉ từ 7-12 người/ mùa. Đó là nhờ sự hỗ trợ rất hiệu quả của các bản tin thời tiết, gần như dự đoán chính xác những ngày đẹp để có thể bảo đảm an toàn và thành công cho ngày lên đỉnh. Ngoài ra, sự điều khiển của các leader cũng đóng vai trò quan trọng và đóng góp rất nhiều vào việc thành bại. Leader sẽ theo dõi tình hình sức khỏe, thích nghi độ cao của từng thành viên trong quá trình tập luyện từ base camp và sẽ quyết định ai có đủ điều kiện và khả năng lên được đỉnh. Không phải ai trả tiền và muốn lên đỉnh họ cũng cho đi. Ngoài ra trong quá trình leo, leader và các thành viên leo + guide đi cùng luôn có sự trao đổi (qua bộ đàm) liên tục, đảm bảo leader nắm rõ tình trạng của người leo và có quyền yêu cầu người leo quay lại bất cứ khi nào thời tiết xấu, khi quá giờ hoặc cảm thấy tình trạng người leo không đủ sức lên đỉnh. Mỗi người leo sẽ có 1 climbing Sherpa bám sát. Đây đều là những Sherpa có kinh nghiệm và từng summit Everest. 2-3 người leo sẽ chung 1 guide, cũng là người rất có kinh nghiệm. Như vậy người leo gần như được "hộ tống" tận răng lên đỉnh.
Ngoài ra, còn phải kể đến sự tiến bộ về các công nghệ dành cho thiết bị, dụng cụ, quần áo, giúp giảm thiểu rất nhiều rủi ro khi leo. Quãng đường leo còn được hỗ trợ bởi thang nhôm (cho những đoạn khó) và dây gần như từ đầu đến cuối. Người leo chỉ việc mắc thiết bị an toàn của mình vào đây và từ từ leo lên mà ko sợ nguy cơ bị trượt ngã nữa. <Nguy cơ lớn nhất đã được dành cho các bạn Sherpa trước mỗi mùa leo sẽ phải đi lên đỉnh fix thang và dây>
Những ca thương vong tại Everest hiện giờ chủ yếu do các nguyên nhân bên ngoài như lở tuyết bất ngờ, hoặc do những cá nhân tự đi mà không có sự chuẩn bị tốt nhất về an toàn, thiết bị dụng cụ vv. Nhiều người rất tự tin vào khả năng của mình, kiên quyết không đeo mặt nạ oxy khi lên trên cho đúng kiểu "con người có thể chinh phục thiên nhiên theo cách tự nhiên nhất", hoặc từ chối việc sử dụng dây an toàn, cho rằng khả năng của mình có thể tự lên được. Tất nhiên có người làm được, nhưng cũng nhiều người chịu những chấn thương nặng khi não và phổi sưng do thiếu oxy, dẫn đến kiệt sức, ngất, mất cảm giác. Một khi đã đi qua Camp 3 mà bị những triệu chứng này thì sẽ chẳng ai vác xuống được.
Lại cũng có nhiều người thích đi solo, họ cho rằng leo núi mà có hỗ trợ tận răng như những người khác thì không "xứng tầm", không ý nghĩa. Nhiều người không tự lượng được sức mình, hoặc ko có liên lạc gì với bên dưới để được update kịp thời các thông tin về thời tiết, sức khỏe ... cũng rất dễ trở thành các ca thương vong tại Everest. Ngoài ra còn 1 số nguyên nhân điển hình và bất cẩn khác, ví dụ như leader yêu cầu đúng 2pm cho dù đang ở đâu thì phải quay lại; nhưng nhiều người thấy chỉ còn một tẹo nữa là tới đỉnh rồi nên mặc kệ và đi tiếp, để rồi lúc xuống thì chịu nhiều rủi ro hơn về thời tiết, or bị cạn bình oxy. Lại có 1 số người bất cẩn kiểu lên đỉnh sướng quá bỏ kính và mặt nạ oxy ra để chụp ảnh quá lâu, làm cho giác mạc bị bỏng dẫn đến lúc đi xuống bị snowblind (mù tuyết) và não thiếu oxy lâu dẫn đến việc đi xuống rất nguy hiểm do có thể bị ngất. Một số ca thì do bỏ găng tay ra chụp ảnh dẫn đến bị bỏng tuyết và phải cắt hết các ngón tay v..v
Như vậy, có thể thấy ngoài nguy cơ lở tuyết (thường chiếm tỉ lệ nhỏ), các ca thương vong chủ yếu do sự chủ quan của người leo. Vậy nếu bạn đăng ký đi theo 1 tour được sự điều khiển chuyên nghiệp, có đầy đủ các đồ nghề dụng cụ, có sự hỗ trợ của Sherpa và guide, thể lực tốt, thích nghi độ cao tốt thì việc summit Everest nằm trong khả năng của bạn. Thực ra vấn đề cốt lõi nhất chỉ là máu đi, có đủ tiền để đi và chăm chỉ tập luyện cho tốt.
Everest đã từng có người mù summit, người bị cụt 2 chân và phải đi bằng chân giả summit, người 71 tuổi summit, trẻ con 13 tuổi summit. Tôi nghĩ rằng người Việt nam chúng ta nếu tài chính dồi dào như các bạn Nhật, Hàn, Đài Loan ... và cũng máu như các bạn ý, thì con số người summit sẽ ko chỉ dừng lại ở con số 3 như bây giờ.