What's new

[Chia sẻ] Trung Đông - Israel - Jerusalem - Palestine

Tôi không biết nên bắt đầu topic này như thế nào nữa.

Không giống những chuyến đi và những topic trước, hình như có gì đó khiến tôi chậm lại, phải chậm lại, từ từ với tất cả những gì sẽ chia sẻ. Khi lập topic "Vùng nóng Trung Đông" bằng điện thoại tại nơi đó, tôi cũng chưa thể viết nhiều. Và khi topic bị mất đi, cũng là một điều níu kéo.

Lập topic về cả chuyến đi có lẽ cũng hơi quá dài, mà tôi thì thích nhìn sâu về từng miền đất nhỏ hơn là cả một khoảng mênh mông. Cũng vì thế, có lẽ topic này sẽ bắt đầu và chủ yếu viết về Jerusalem, nơi tôi đã từng mong ước đến, và đã đến, trong một chuyến hành trình đầy trắc trở nhưng cũng thật sâu, rất sâu.

Có lẽ tôi viết sẽ rất chậm, mong mọi người thông cảm...
 
Nhà thờ Mộ Chúa

Bước qua cổng nhỏ là một sân nhỏ, bốn phía là các bức tường đá thô ráp. Và ngay trước mặt là nhà thờ Mộ Chúa.

1700 năm trước, bà thái hậu La Mã Helena đã đến đây, khi đó là một ngôi đền thờ Venus dựng trên một quả đồi đá nhỏ. Bà đã xác định đây là đồi Sọ, nơi Chúa Jesus bị đóng đinh, và quả đồi to hơn bên cạnh với một hốc đá được xác định là hang đá đã chôn Chúa Jesus, rồi từ đó Chúa phục sinh. Tại một hang khác bà tìm thấy một số mảnh gỗ và vài mẩu sắt mà bà khẳng định đó là những gì còn lại của cây Thánh giá thật, và những chiếc đinh đóng vào thân thể Chúa.

Thế là ngôi đền Venus bị phá hủy. Bà cũng cho phá luôn quả đồi lớn có cái hang, và xây tại đúng vị trí cái hang một khám thờ, xây bao trùm toàn bộ khu vực bởi một nhà thờ lớn. Hai trăm năm sau, nhà thờ bị người Ba tư phá, rồi được xây lại với quy mô nhỏ.

Lúc đầu người Hồi giáo cho phép Kitô giáo hành hương về đây, và không xâm phạm. Tuy nhiên năm 1009, người Hồi đã phá hủy nhà thờ, gây chấn động toàn thế giới Kitô giáo. Đế quốc Byzance đổ rất nhiều tiền mặc cả với Hồi giáo để được xây lại nhà thờ, nhưng cũng chỉ được một phần ở nơi Mộ Chúa, các chỗ khác vẫn hoang tàn.

Đoàn Thập tự chinh đầu tiên chiếm được Jerusalem năm 1099, nhưng họ còn chờ đến 50 năm sau mới xây lại Nhà thờ Mộ Chúa.

Và vào năm 1149, Nhà thờ Mộ Chúa mới được xây lại, với kiến trúc còn tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay.
 
Nhà thờ Mộ Chúa

Sau khi Hồi giáo chiếm lại được Jerusalem, Vua-giáo chủ Hồi giáo Saladin không xâm phạm nhà thờ, nhưng giao chìa khóa nhà thờ cho hai gia tộc Hồi giáo. Và truyền thống đó vẫn tiếp tục cho đến nay.

Nhà thờ trở thành nơi Cực thánh với tất cả các giáo hội Kitô giáo. Đầu tiên ba cộng đồng Công giáo, Chính thống giáo, Armenia đều đòi quyền với nhà thờ này, sau đó các giáo hội khác cũng tham gia. Thế là năm 1853, dưới sự chủ trì của người Thổ, một thỏa thuận được đưa ra, là tất cả các công đồng này đều có quyền với Nhà thờ, và nếu không được sự đồng thuận của tất cả các giáo hội, thì khong một thay đổi sửa chữa nào được thực hiện bên trong nhà thờ. Từ đó đến nay điều luật đó vẫn được giữ, và trong nhà thờ không có thay đổi gì, vì chưa bao giờ các cộng đồng này đồng thuận.

Cũng khoảng thời gian đó, không rõ từ đâu và do ai, một cái thang được mang lên áp vào cửa số tầng hai bên ngoài của nhà thờ. Do không thể đồng thuận, không giáo hội nào có quyền mở cửa sổ và bỏ cái thang. Thế là nó vẫn tồn tại ở đó 150 năm nay.


Mặt tiền nhà thờ do Thập tự quân xây, tầng hai vẫn có cái thang vô duyên nhưng không thể bỏ được.

52955248.jpg
 
Anointing stone - Phiến đá khâm liệm

Lúc chúng tôi đến cũng đã là chiều, nhưng nhà thờ vẫn đông đúc. Có những tín đồ và có cả những du khách. Không khó để nhận ra sự khác biệt giữa họ, khi mà các tín đồ bước vào với vẻ thành kính và làm dấu thập, thì những du khách đơn thuần thì chỉ lảng vảng ngó nghiêng chụp ảnh.

Vừa bước qua cửa, trong không gian mờ tối, có một phiến đá nằm gần mặt đất, trước một bức tường khảm Mosaic rực rỡ.

Đó là tảng đá khâm liệm thiêng liêng. Tảng đá đánh dấu nơi mà sau khi hạ Jesus xuống từ thập giá, bà Maria và những người phụ nữ đã lau chùi thi thể Chúa, xức dầu, bó vải liệm để chuyển vào hầm mộ.

Những tín đồ Kitô giáo liền quỳ xuống, áp mặt hôn lên phiến đá đó, lầm rầm cầu nguyện. Có những người khóc nức nở. Trước khi rời đi, họ lấy những đồ trang sức xoa lên phiến đá để cầu phúc, và cố gắng xoa thật nhiều, thật nhiều lên phiến đá thiêng.

Trong khi đó, những du khách đơn thuần thì đi vòng quanh, chỉ trỏ bức khảm mô tả cảnh khâm liệm Jesus.

52955250.jpg
 
Anointing stone

Đó có phải thực sự là tảng đá mà thân thể Chúa đã nằm lên không? Đó có phải thực sự là nơi chứng kiến cái chết của đấng Cứu thế đã hi sinh mạng sống của mình cho niềm tin vào sự sống lại hay không?

Điều đó với tôi cũng không quan trọng nữa. Tôi chỉ biết rằng, đã hàng nghìn năm qua, biết bao nhiêu triệu lượt người đã dừng lại ở đây, đã quỳ xuống và hôn lên tảng đá này, đã rơi nước mắt, đã đem hết tâm tư, đức tin, cả khổ đau và hạnh phúc, cả hèn mọn và vinh quang đến úp mặt vào đây. Điều đó chẳng đã đủ thiêng liêng và sâu xa ư? Cứ mỗi một lời nguyện cầu là một nghiệp, thì tảng đá này đã chứa đựng biết bao tâm sự của biết bao kiếp người rồi.

Và thế là dù không phải tín đồ Kitô giáo, tôi cũng làm những điều mà những người kia đang làm: quỳ xuống, áp mặt và hôn lên bề mặt nhẵn mát rượi của tảng đá, để nghe thấm qua đó hàng triệu kiếp nghiệp đã, đang, và sẽ quỳ như tôi...

52955262.jpg

Hai bạn đồng hành lúc đầu không định, nhưng sau cũng làm theo. Tôi không phải tín đồ Kitô giáo, nhưng tôi tin vào tình thương yêu và tâm linh của những con người...
 
Cruxifixion - Bàn thờ Thập giá

Từ bên cạnh tảng đá khâm liệm, có một cầu thang đá dẫn lên tầng hai của nhà thờ, là nơi đặt bàn thờ tại nơi Chúa Jesus bị đóng đinh trên Thập giá.

Tại sao lại tầng hai? Nguyên vì xưa kia đây là một đồi đá (đồi Sọ - Golgotha - Calvary), và thập giá dựng trên đỉnh đồi này. Sau này người ta đã đào tất cả các phía của đồi đá, chỉ để lại một khối đá ở chính giữa, rồi xây thành nhà thờ và bàn thờ bao phủ lên trên.

Xung quanh khu vực bàn thờ này trang trí dày đặc các bức tranh khảm về sự kiện Chúa Jesus bị đóng đinh và Chết trên thập giá.

52955257.jpg
 
Re: Trung Đông - Israel - Jerusalem

Có thể thấy khối đá gốc của đồi đá xưa kia bên dưới bàn thờ, nay được che bởi lớp kính dày. Những tín đồ sẽ đến quỳ vào dưới bàn thờ. Tại đó có một phiến đá cẩm thạch che lên, nhưng ở giữa có một lỗ tròn thông thẳng xuống đỉnh khối đá gốc bên dưới. Cái lỗ tròn đó đánh dấu nơi cây Thập giá cắm vào.

Và thế là những người đến quỳ dưới bàn thờ có thể đưa tay sờ vào tảng đá gốc, nhưng chỉ có thế mà thôi. Bên phải bàn thờ, một hàng dài những người đứng lặng lẽ chờ đợi đến lượt. Từng người, từng người một tiến đến, quỳ dưới bàn thờ, úp mặt vào đó cầu nguyện, sờ vào tảng đá gốc, rồi đi ra bên trái...

Từ bên trên, hình ảnh Chúa Jesus bị đóng đinh nhắm mắt nghiêng đầu và đã chết, hai bên là hình ảnh hai người phụ nữ có mặt bên cạnh lúc đó, là bà Mary và Mary Magdalene, bên trên treo rất nhiều những ngọn đèn bằng bạc, vàng. Bên cạnh có một hộp nến, những người cầu nguyện có thể lấy một cây nến thắp lên rồi cắm vào hai giá nến đằng trước.

Tôi cũng làm như những tín đồ Kitô giáo, đã sờ tay vào tảng đá gốc, nơi thấm đẫm bao lời cầu nguyện. Còn một nơi Cực Thánh thứ ba nữa...

52955254.jpg
 
Resurrection Aedicule - Hang Phục Sinh - Mộ Chúa

Kinh Thánh kể rằng: Ngày mà Jesus bị đóng đinh là ngày trước ngày Sabbah (tức Thứ Sáu). Sau những giờ đau đớn, Jesus đã chết trên Thập giá. Những người phụ nữ - gồm cả bà Mary và bà Magdalene đã phải vội tẩm liệm di thể, đưa vào một hang đá ngay cạnh đó, vì hôm sau là ngày Sabbah và không ai được làm việc. Sau đó họ lăn một tảng đá lớn che cửa hang lại. Đến ngày thứ ba, tức sau Sabbah (Chủ Nhật), họ tìm đến hang thì thấy cửa hang mở rộng, bên trong không có xác ai cả. Một thiên thần (Gabriel) ngồi trên tảng đá nói rằng : Chúa đã sống lại.

Niềm tin vào sự Phục sinh của Chúa Jesus là tín điều quan trọng nhất, cơ bản nhất của người Kitô giáo, và do đó nơi mà Chúa sống lại cũng là nơi thiêng liêng nhất. Khi xưa nơi đây là một hang đá, bà Helena đã cho phá hết xung quanh để xây bàn thờ ngay nơi đó. Về sau Thập tự chinh dựng lại Nhà thờ, đã lại dỡ bỏ bàn thờ, mà xây thành một đền thờ nhỏ bằng cẩm thạch, nằm dưới một mái vòm lớn rất đẹp.

Tất cả còn nguyên vẹn đến ngày nay, nhưng trải nghìn năm, đền thờ đá cẩm thạch xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên do quy định bên trong Nhà thờ không có gì được thay đổi khi không có sự đồng nhất của 4 giáo hội, do đó đền thờ không tu sửa được, và họ phải lấy sắt đóng đai xung quanh để giữ cho nó khỏi đổ.

Ngày ngày, hàng đoàn người xếp hàng để đến lược được vào. Cảnh sát quốc tế giữ trật tự ở khu vực này.

52955267.jpg
 
Mộ Chúa

Mọi người đến đây đều phải xếp hàng. Bên trong đền thờ rất nhỏ, nên mỗi lần chỉ cho 8 người vào thôi.

Qua khung cửa cao vừa một người, là vào một ngăn hẹp tối om. Chính giữa có một bệ đá vuông, trên đó có một khối đá nằm trong ô kính, mà truyền thuyết nói rằng đó chính là nơi thiên thần Gabriel ngồi trên để báo rằng : "Chúa đã sống lại".

Sau bệ đá đó là một ô cửa bé hơn nữa, phải cúi người chui qua. Bên trong là nơi thiêng liêng nhất: Mộ Chúa.

Đó là một ngăn nhỏ bốn phía lát cẩm thạch. Một nửa là một phiến cẩm thạch nằm tượng trưng cho nơi xác của Chúa đã đặt ở đó. Tất cả đều chỉ là những khối đá của thế kỉ 12 thời Thập tự chinh. Không còn gì của thời xa hơn nữa. Không có phiến đá gốc cổ xưa nào cả. Xung quanh là những bức tranh dát bạc, những ngọn đèn bạc và vàng treo từ trần xuống. Chỗ này chỉ đủ chỗ cho 4 người đứng. Quỳ xuống cũng là một sự khó khăn vì chật quá.....

Phiến đá cẩm thạch nơi được cho rằng đã đặt xác Jesus, và từ đó "Chúa sống lại"

53097781.jpg
 
Holy Sepulchre

Mái vòm bên trên đỉnh Mộ Chúa, tạo hình ngôi sao 12 dải hào quang, tượng trưng cho 12 Tông đồ, hay 12 chi tộc Israel.

52955431.jpg



Tòa nhà thờ rộng lớn này không chỉ có ba điểm thiêng liêng chính. Đó còn là một tổ hợp những nhà nguyện, bàn thờ, sảnh, hầm chứa bí mật, rất nhiều ngóc ngách và cầu thang.

Xưa kia đây là một khối núi đá, nên người ta đã đào vào đá thành các gian phòng. Bên trong khối đá lại có sẵn một số hang tự nhiên, nên lại càng thêm phần bí mật.

Đối diện ngay với mái vòm nơi có Mộ Chúa là một mái vòm lớn nữa, là nơi đặt Ngai tòa của hai tòa Giáo trưởng: Giáo trưởng Jerusalem và Giáo trưởng Armenia. Phía sau là gian cung thánh nơi để các đồ thánh bằng vàng bạc, có gian phòng kín nơi cất các mảnh gỗ còn lại được cho là từ Cây thánh giá thật...

53097800.jpg


Mái vòm bên trên gian đặt Ngai tòa có hình Chúa Jesus. Do đó từ bên ngoài nhìn vào, thấy nhà thờ này có hai mái vòm tròn.

52955423.jpg
 
Re: Trung Đông - Israel - Jerusalem

Chào bác chủ thớt,

Em hơi dốt lịch sử, bác cho em hỏi tí :

- Kito giáo, chúa Jesus như vậy là cũng từ người Do Thái ra cả - Vậy nguyên cớ gì mà dân châu Âu, mà đặc biệt là bọn Quốc Xã nó lại ghét dân Do Thái và bài đạo Do Thái ghê vậy hở bác !!!

- Em mới biết sơ qua về Israel khi đọc trong quyển "bán đảo Arab" của Nguyễn Hiến Lê, mà thấy ngưỡng mộ và khâm phục dân tộc này vô cùng. Bác có thể giới thiệu giúp một vài cuốn sách để hiểu rõ hơn về lịch sử của Israel, người Do Thái và sự phức tạp của xung đột ở Palestine hiện nay được không ?

Xin cảm ơn bác
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,673
Bài viết
1,135,002
Members
192,357
Latest member
pvausashop765654
Back
Top