What's new

[Chia sẻ] Trung Đông - Israel - Jerusalem - Palestine

Tôi không biết nên bắt đầu topic này như thế nào nữa.

Không giống những chuyến đi và những topic trước, hình như có gì đó khiến tôi chậm lại, phải chậm lại, từ từ với tất cả những gì sẽ chia sẻ. Khi lập topic "Vùng nóng Trung Đông" bằng điện thoại tại nơi đó, tôi cũng chưa thể viết nhiều. Và khi topic bị mất đi, cũng là một điều níu kéo.

Lập topic về cả chuyến đi có lẽ cũng hơi quá dài, mà tôi thì thích nhìn sâu về từng miền đất nhỏ hơn là cả một khoảng mênh mông. Cũng vì thế, có lẽ topic này sẽ bắt đầu và chủ yếu viết về Jerusalem, nơi tôi đã từng mong ước đến, và đã đến, trong một chuyến hành trình đầy trắc trở nhưng cũng thật sâu, rất sâu.

Có lẽ tôi viết sẽ rất chậm, mong mọi người thông cảm...
 
Thập tự chinh

Trong 400 năm tiếp theo, quyền cai trị thuộc về người Hồi giáo, nhưng người Kitô giáo Đông phương vẫn sinh sống ở Jerusalem, và hành hương về đây hàng năm.

Giáo hoàng La Mã phát động cuộc Thập tự chinh để lấy lại Thánh địa từ người Hồi giáo. Đoàn quân Thập tự chinh đầu tiên chiếm được Jerusalem vào khoảng năm 1100, họ tiến hành một cuộc thảm sát, giết tất cả người Do Thái, Hồi giáo, và thậm chí cả Kitô giáo đồng đạo đang ở Jerusalem khi đó. Các đoàn quân Thập tự chinh thiết lập các tiểu quốc Latin lấy vương quốc Jerusalem làm trung tâm.

Trong các hiệp sĩ Thập tự, Hiệp sĩ dòng Đền có vai trò lớn nhất. Họ đóng bản doanh tại Núi Đền, trong giáo đường Hồi giáo Al-Aqsa, chuyển ngôi đền Hồi giáo thành nhà thờ (chứ không phá hủy nó). Tương truyền rằng tại đây họ đã học được những khoa học bí mật từng bị chôn vùi hàng nghìn năm của vua Solomon, tìm được những bí mật về Chúa, về Chén thánh. Họ bảo hộ cho những người hành hương, đồng thời thiết lập hệ thống ngân hàng để bảo quản và luân chuyển vàng bạc giữa các khu vực họ có cơ sở.

Năm 1150, họ xây lại nhà thờ Mộ Chúa to đẹp hơn, ngôi nhà thờ đó còn lại đến ngày nay. Chính những đoàn quân Thập tự chinh tại Jerusalem đã học những kĩ thuật, nghệ thuật của Đông La Mã và Hồi giáo và đem về Tây Âu, mà tiêu biểu là kiến trúc Gothic.

Crusade_enter_Jerusalem.jpg
 
Muslim

KingdomHeaven02.jpg

Sự cai trị của người Kitô giáo châu Âu không tồn tại lâu. Năm 1187, Sultan là Saladin đã đánh bại người Kitô giáo và chiếm lại Jerusalem về cho Hồi giáo. Núi Đền lại thành giáo đường Hồi giáo. Tuy nhiên Saladin đã không tàn sát như Thập tự quân đã làm, mà cho phép người Do Thái, Armenia, Kitô giáo được rút đi hoặc ở lại, chỉ phải đóng thuế cao hơn người Hồi giáo mà thôi. Hầu hết Công giáo La Mã (Tây La Mã) rút đi, nhưng Chính thống giáo (Đông La Mã) ở lại.

Nhà thờ Mộ Chúa vẫn là nơi hành hương của Kitô giáo, nhưng Saladin cho dựng một giáo đường Hồi giáo ở sát bên cạnh, với tháp cầu nguyện cao vượt hẳn lên, và mỗi ngày năm lượt tiếng cầu nguyện vọng sang nhà thờ Kitô giáo.

Trong hơn trăm năm tiếp theo, rất nhiều các vua chúa châu Âu tiến hành các cuộc Thập tự chinh mong chiếm lại Thánh địa nhưng đều thất bại, họ chỉ đạt được thỏa ước là để người Kitô giáo đến hành hương mà thôi. Từ đó cho đến tận thế kỉ 20, quyền quản lý thành phố chính thức thuộc người Hồi giáo.
 
Last edited:
Re: Trung Đông - Israel - Jerusalem

Thế kỉ 16, những năm 1500, người Thổ Nhĩ Kì trở nên lớn mạnh. Vua Thổ tự nhận là Giáo chủ Hồi giáo (Caliph), cai trị Jerusalem. Vương quốc Ottoman đã tiêu diệt Byzance, rồi trở thành đế quốc hùng mạnh nhất Đông Địa Trung Hải trong hơn 400 năm.

Người Thổ theo Hồi giáo đã quy hoạch lại thành phố, xây lại các bức tường thành, các tháp canh, phân chia các đường phố và khu vực bên trong thành. Vì người Do Thái vẫn chờ đợi đấng Cứu chuộc (Messiah) sẽ vào Đền thờ qua cổng Vàng, người Thổ xây bịt kín lại cổng này. Trong thành phố có rất nhiều sắc dân theo các tôn giáo khác nhau sinh sống và tôn thờ Thượng đế của mình. Trong 400 năm sau đó, các dân tộc dần ổn định.

Khi đế quốc Ottoman suy yếu, sau Thế chiến thứ nhất, người Anh quản lý Jerusalem.

Sau Thế chiến thứ hai, năm 1948, người Do Thái thành lập nhà nước Israel, sau 2500 năm không có tổ quốc. Lúc này Jerusalem do vương quốc Jordan quản lý, Jordan không cho người Do Thái vào gần Núi Đền để cầu nguyện, và phá hủy hai Hội đường lớn nhất của người Do Thái.

Sau cuộc chiến 6 ngày năm 1967, người Do Thái quản lý toàn bộ. Đã có những người quá khích muốn phá hủy đền thờ và giáo đường Hồi giáo trên Núi đền để xây lại Ngôi đền Thứ Ba. Tuy nhiên điều này đã không xảy ra. Các bên thỏa thuận giữ hòa bình, và người Hồi giáo được quyền quản lý Núi Đền.

Ngày nay trong thành phố gồm 5 khu vực rõ rệt: Núi Đền nằm riêng, và bốn khu của người Kitô giáo, Hồi giáo, Do Thái, và Armenia (theo Kitô giáo).
 
Last edited:
Re: Trung Đông - Israel - Jerusalem

Sau thời đế quốc Ottoman quy hoạch lại, thành phố Jerusalem có 8 cổng vây quanh: theo chiều kim đồng hồ: (1) cổng Jaffa (2) cổng Mới (3) cổng Damascus (4) cổng Herod (5) cổng Sư tử (6) cổng Vàng (7) cổng Phân (8) cổng Zion.

Cổng Jaffa (Jaffa Gate) là lối vào chính hướng về phía thành phố mới, trục đường từ đây chạy chia đôi khu Kitô giáo và Armenia, là nơi chúng tôi nghỉ lại.
Cổng Mới (New Gate) trong khu Kitô giáo, nhỏ và vắng vẻ
Cổng Damascus nằm giữa khu Kitô giáo và Hồi giáo, cả trong lẫn ngoài là khu chợ, xe chỉ đi bộ qua được
Cổng Herod (Herod's Gate) thuộc khu Hồi giáo, vắng vẻ như cổng Mới
Cổng Sư tử (Lion Gate) thuộc khu Hồi giáo, là con đường đi sang núi Olives có xe qua lại
Cổng Vàng (Golden Gate) đã bị xây bịt kín từ 500 năm
Cổng Phân (Dung Gate) vào khu Do Thái, được mở rộng và tấp nập vì là lối vào Bức tường Than khóc và Núi Đền
Cổng Zion (Zion Gate) nằm giữa khu Do Thái và Armenia, trông thẳng ra núi Zion.

Chúng tôi vào Thành cổ qua ngả cổng Jaffa

Jerusalem_map.jpg
 
Jaffa Gate

Vậy là với chút thông tin về thành phố thiêng liêng này, chúng tôi tiến vào theo cổng Jaffa nằm ở phía Tây thành cổ. Con đường từ bến xe buýt đến đây cũng gọi là đường Jaffa. Xưa kia những đoàn người hành hương từ bến cảng Jaffa bên Địa Trung Hải, cũng từng đi trên con đường này để tiến vào thánh địa.

Cổng Jaffa được xây dựng thời đế quốc Ottoman, là một khối vuông đưa ra ngoài tường thành. Cổng mở ra hai bên khối vuông, chứ không có cổng trực diện, để tránh việc bị tấn công phá cửa. Năm 1898, vua Đức đến thăm Jerusalem, vì cửa nhỏ và cua gấp không thể cho xe lớn đi vào, vua Thổ đã cho dỡ một phần tường thành. Ngày nay chỗ trống đó là lối vào lớn nhất, dành cho các xe lớn chạy men theo bờ tường thành.

50507649.jpg

Cổng thành cũ khá nhỏ

52719571.jpg
 
Last edited:
walls

Từ bên ngoài cổng Jaffa nhìn về phía Nam, tháp David nổi bật trên nền trời. Khu vực đó xưa kia có một số công trình có từ thời vua David, sau đó đổ nát. Thập tự quân đã xây ở đó một tháp cao để có thể bao quát cả vùng, bên dưới có một cung điện cho vua vương quốc Jerusalem. Người Thổ đã phá tòa tháp và cung điện, nhưng sau đó lại dựng lại ngọn tháp mới, và bên dưới thành một pháo đài.

Xa hơn về phía nam, nơi có ngọn tháp nữa nhô lên, là núi Zion, một nơi thiêng liêng được cho là có mộ của vua David.

50507646.jpg

Trong cuộc chiến 1948, người Israel đã cố chiếm lấy cổng Jaffa này để tiến vào thành cổ, nhưng thất bại trước người Jordan. Phải đến năm 1967 họ mới chiếm được thành cổ. Và nay thì lính UN giữ trật tự và hòa bình mong manh của mảnh đất này.

Bước qua cổng thành, tôi hiểu rằng mỗi tấc đất ở đây đều thấm máu và nước mắt. Mỗi viên gạch ở đây đều mang những giá trị lịch sử. Mỗi tảng đá đều chứng kiến bao thăng trầm vinh nhục. Dẫu có cố công bao nhiêu cũng không thể chụp hết, đến hết các dấu tích lịch sử nơi này. Do đó nhiều lúc máy ảnh trở thành thứ vô nghĩa. Chỉ có nhìn, và cảm nhận là còn mang về được chút gì nơi đây.
 
Last edited:
David street

Thẳng cửa Jaffa vào là con phố David (David Street), một con phố thuộc loại đông đúc nhất của thành cổ. Đây là con đường đi đến trung tâm thành cổ, nối tất cả các điểm thiêng liêng nhất, do đó không ai đến đây lại không qua phố này. Ngay đầu phố là quầy thông tin về Jerusalem, là một căn phòng rộng, nơi cung cấp bản đồ, thông tin miễn phí và hết sức chuyên nghiệp. Tại đây bạn có thể hỏi bất kì thông tin gì mà mình muốn, cách thức đi lại, các loại tàu xe,...

Do đặt trước Hostel New Sweeden, khi vào thành cổ hỏi thì mọi người đều nói được tiếng Anh, và có vẻ ai cũng biết hết các hostel ở đây, nên chỉ ngay ra đường đến đó. Sau tôi biết trong thành cổ cũng chỉ có khoảng chục hostel và vài hotel thôi.

Hầu hết tất cả các con phố trong thành cổ đều rất nhỏ, dành cho người đi bộ. Do địa hình trên đồi nên các phố lên xuống liên tục, liên tục gặp bậc thang. Chỉ có một số loại xe chuyên dụng để vận chuyển chở rác, và an ninh là được đi vào các con "phố" này.

Hai bên phố kín mít các cửa hàng bán đồ lưu niệm và đủ thứ khác. Và nhớ rằng luôn phải mặc cả, giảm xuống khoảng 1/2 là mua được.

Ngay lúc vào thành cổ, bác N.W gặp một ông già, ông ấy nói: "Đây là thánh địa, nhưng không phải ai cũng là người tốt, không phải ai cũng nói thật, tất nhiên tao là người nói thật" !

52955239.jpg
 
Mua bán trong phố cổ

Từ chỗ nghỉ ra đến nhà thờ Mộ Chúa rất gần, chỉ khoảng hơn trăm mét.

Từ phố David, rẽ qua một cổng vòm sang phố khác, thì trời bắt đầu mưa xuống. Lúc đó ngay cạnh cổng vòm có một anh chàng bán ô, bày rất nhiều loại ô. Thấy tôi đang loay hoay tìm cách che mưa, anh ta vội tiến tới, chìa chiếc ô ra.

- Bao nhiêu tiền ?
- 50 shekken !!
- Cái gì !??

Tỉ giá ở Israel là 1 đô ăn 3.6 shekken, và điều đặc biệt hay là dù đổi ở bất kì đâu cũng vậy. Từ trong chợ, ra quầy ngân hàng thì cũng thế. Sau này chỉ duy nhất một chỗ tôi thấy có tỉ giá cao hơn là 3.7 shekken nằm ở khu Hồi giáo. Giá cả sinh hoạt ở Israel rất đắt đỏ, ăn bữa tối với một cái bánh dẹp kẹp nhân, một chai nước ngọt cũng là 20 shekken rồi. Giường tầng trong dorm ở Jerusalem rẻ nhất là 56 shekken không có ăn sáng. Chuyển sang hostel tốt hơn có ăn sáng, wifi thì 70 shekken.

Với giá cả ấy thì rõ ràng gã kia quát láo. Tôi không buồn trả giá, quyết định lôi cái áo mưa mỏng đã chuẩn bị ra. Gã kia hạ giọng: 40, ok ? No - 30 vậy !???

Cuối cùng gã chốt là 10 shekken, nhưng lúc đó thấy mặc áo mưa còn tiện hơn, hai tay tự do để chụp ảnh, không vướng víu nên tôi quyết không mua.

Sau này ở các quán khác, mặc cả chỉ có thể giảm được 1/2, chứ không bao giờ thấy giá tụt xuống 1/5 như vậy cả (chưa trả lời nào đấy nhá).
 
Muristan

Gần đến nhà thờ Mộ Chúa, thì gặp một cổng đá rất đẹp.

Chỗ này thì hình như ai đến Jerusalem cũng chụp cả. Đây là đầu một con phố chạy đến một đài phun nước thời trung cổ, hai bên hàng quán chi chít.

Khu này gọi là Muristan, có nghĩa là bệnh viện. Thời Thập tự chinh, các thập tự quân đã xây dựng ở đây khu bệnh viện, đầu tiên là chữa bệnh cho chính đội quân của mình bị thương. Sau đó là bệnh viện chữa trị cho những người hành hương bị bệnh.

Những người ở châu Âu có bệnh hành hương về đây và cũng chữa bệnh luôn, chữa cả bệnh thể xác và bệnh linh hồn. Có lẽ thời đó ở châu Âu y học rất trì trệ còn ở phương Đông, y học tiếp thu cả của người Ba Tư, Ả Rập, Byzance nên phát triển hơn. Hơn nữa lại được tâm linh dẫn dắt, trong Kinh thánh nói nhiều về việc Chúa Jesus chữa bệnh cho người tin. Do vậy chữa bệnh ở đây rất hiệu nghiệm và ngày càng đông...

Thời gian biến đổi, giờ chỉ còn là những khu nhà bằng đá bán hàng, và một khu vườn nhỏ có tảng đá đánh dấu nơi các Thập tự quân đã từng xây dựng. Tất cả các tảng đá ở đây đều hàng trăm năm tuổi.

52955244.jpg
 
Holy Sepulchre

Hỏi người ở đó về Nhà thờ Mộ Chúa, họ chỉ về cuối con phố.

Một chút ngạc nhiên, khi cuối phố, khuất sau đống hàng hóa lưu niệm treo dày đặc, là một ô cửa nhỏ chỉ cao hơn đầu người một chút, mà phía trên là một tấm biển đen sì xấu xí với dòng chữ Holy Sepulchre.

Cánh cổng vào Nhà thờ thiêng liêng nhất đối với hai tỉ người Kitô giáo đây sao ? Lối vào nơi mà Chúa của hai tỉ người ngự trị, đã chết và phục sinh để cứu vớt loài người thật nhỏ bé. Chỉ cần một đoàn người đông một chút là có thể tắc nghẽn ở khung cửa này.

Thật khác xa so với những quảng trường rộng lớn, những cổng cẩm thạch vĩ đại của các nhà thờ Công giáo ở châu Âu, nơi xa hoa tráng lệ và hoành tráng với cẩm thạch, vàng bạc cẩn nạm. Nơi này khiêm nhường và bé nhỏ quá.

Lối vào nhà thờ Mộ Chúa:

50507659.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,146
Bài viết
1,173,964
Members
191,969
Latest member
kingfunplay
Back
Top