What's new

[Chia sẻ] [Trung Hoa Tây Du Ký] Những nẻo đường Tây Tạng (2010)

0. Lời ngỏ

Ở Tây Tạng mùa này trời trong và cao xanh lắm ...

Tôi sẽ kể chuyện này các bạn nghe, vì đến khi tôi qua 30 tuổi, tôi sợ mình hao mòn nhiệt huyết để lần theo con đường xưa mây trắng. Tôi sẽ kể chuyện này cho các bạn nghe, vì tôi sợ mai sau thời gian bôi xoá, gánh áo cơm ghì sát đất khiến tâm hồn không còn thảnh thơi đón nhận những luồng gió lành đất Phật.

Ở Tây Tạng, tháng Sáu có nắng vàng rực rỡ. Chuyện thế này ... Một câu chuyện nhỏ về Tây Tạng trong tôi. Tôi không chắc Tây Tạng ngày ấy-bây giờ-mai sau có giống Tây Tạng mà tôi sắp kể không? Còn Tây Tạng như tôi biết (và tôi tin mình biết rõ): đó là mảnh đất linh thiêng hoang sơ nghìn tuổi, cũng là trốn trần ai đầy đủ thói đời. Thoảng nhớ câu thơ Bảo Sinh: Ngẫm ra trong cõi người ta - Có là Thái tử mới là Như Lai..

(Phỏng theo văn phong truyện Mưa Nhã Nam của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp)

tibet_day0.jpg


Năm tháng và những ngọn gió đi về thấm thoát đã hơn 1300 năm trên mảnh đất này. Giữa vùng bình nguyên cao hơn 5,000m so với mực nước biển, xa trong dãy Hy Mã Lạp Sơn, ẩn mình trong các thung lũng, cánh đồng, rừng cây và các hồ nước lớn, có 1 nền văn hoá huyền bí nhuốm màu sắc Phật giáo, 1 mặt trời Tây Tạng vương vấn bụi trần, 1 xã hội phức tạp thu nhỏ mà người đời còn phải tốn nhiều công khảo cứu. Người viết đã ôm ấp giấc mơ một ngày được đặt chân đến nơi này, được tận mắt nhìn và học hỏi những điều mới chỉ thấy qua sách báo tranh ảnh; giấc mơ đó thành sự thật mùa hè năm 2010 ^^

IMG_3272-2.jpg

(Khung cảnh nóc nhà thế giới nhìn từ trên cao)

Hành trình về phía Tây theo chiều kim đồng hồ đi qua Thành Đô (Chengdu), Nyingchi, Lhasa, Shigatse, Tây Ninh (Xining) kéo dài 11 ngày sẽ lần lượt được gửi đến bạn đọc theo ký sự hình ảnh sau:

- Ngày 1: thăm lại Thành Đô (Tứ Xuyên), ghé Vọng Giang Lầu (Wangjianglou), uống trà ở miếu Văn Thù (Wenshu temple), tối đi xem trình diễn văn hoá Tứ Xuyên
- Ngày 2 và 3: bay Thành Đô - Nyingchi, khám phá mảnh đất 'thiên đường xanh' cực Đông của Tây Tạng.
- Ngày 4: rời Nyingchi đi xe buýt vào Lhasa, thủ phủ vùng U của Tây Tạng,
- Ngày 5: chu du trong Lhasa, dạo phố Barkhor, thăm Đại Chiêu Tự (Jokhang Temple) và cung điện Potala
- Ngày 6: rời Lhasa đi Shigatse - thủ phủ vùng Tsang, cũng là thành phố lớn thứ hai của Tây Tạng; ngắm nhìn hồ Yamdrok (Yamdrok-tso) từ trên cao; thăm tu viện Tashiljunpo
- Ngày 7: trở về Lhasa, thăm tu viện Sera - 1 trong 4 tu viện nổi tiếng nhất Tây Tạng; ban đêm ngắm Potala huyền ảo lúc lên đèn
- Ngày 8: đi hồ Nam-tso, hồ nước mặn lớn thứ nhì Trung Quốc, cũng là 1 trong 3 hồ lớn linh thiêng nhất của người Tạng (Yamdrok-tso, Nam-tso, Manasarovar)
- Ngày 9: rời Lhasa theo tuyến đường sắt độc đáo nhất thế giới Thanh-Tạng để đi Tây Ninh (Xining) thuộc tỉnh Thanh Hải (Qinghai)
- Ngày 10: đến Tây Ninh, thăm hồ Thanh Hải (Qinghai Lake) - hồ nước mặn lớn nhất trong đất liền của Trung Quốc
- Ngày 11: sáng đi thăm tu viện Ta'er (Ta'er Monastery) - tu viện nổi tiếng nhất Thanh Hải, tối bay về Thành Đô, kết thúc chuyến "Bắc tiến" thứ hai (Lần 1) ^^

tibet_day0_map.jpg


... Lời ngỏ sơ sài của tôi đã hết, câu chuyện bắt đầu từ buổi bình minh ngày mới giữa tháng 6 ...

IMG_3969-2.jpg


(to be continued)
 
Ngày 4: rời Bayi, Nyingchi đi Lhasa

Đoàn xe của trung tâm du lịch đưa khách đến ven hồ, từ đây du khách có thể thoải mái ngắm nhìn vùng hồ Basumco. Có tên Tạng nghĩa là hồ xanh (Tsokou Lake), lại được phong tặng là tiểu Thuỵ Sĩ (Little Switzeland), hồ Basumco rộng đến 27km2, dài hơn 18 cây số, nằm giữa lưng chừng trời ở độ cao 3700m, những chỗ sâu nhất khoảng 120m; nhìn từ xa nước trong xanh văn vắt, uốn lượn quanh các ngọn núi xanh phủ tuyết trắng. Giữa hồ là tu viện nhỏ Tsozong (Tsozong Monastery) - nơi thờ phật Liên Hoa Sinh (Buddha Padmasambhava, hay có tên Tạng là Guru Rinpoche), người sáng lập ra tông Ninh Mã (Nyingma Sect) - một trong 4 tông phái quan trọng nhất của lịch sử Phật giáo Tây Tạng.

IMG_3615.jpg


IMG_3610.jpg


IMG_3646.jpg


IMG_3648.jpg


IMG_3642.jpg


Người ta tin rằng phật Liên Hoa Sinh là phật độ trì cho việc sinh nở, là cửa đến cho dân gian cầu tự, phía bên ngoài tu viện cũng có các bức tượng ám chỉ việc này :D

IMG_3644.jpg


IMG_3639-2.jpg
 
Ngày 4: rời Bayi, Nyingchi đi Lhasa

Tu viện Tsozong, tiếng Tạng có nghĩa là lâu đài giữa hồ nước, không cho phép đi giày dép vào bên trong và không cho phép chụp ảnh, du khách có thể bỏ giày dép ở ngoài hoặc dùng các túi nilon được cho sẵn để bọc giày dép lại ^^ Trong tu viện có tượng thờ phật Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni), Quán Thế Âm bồ tát (Avalokiteshvara), và phật Liên Hoa Sinh (Padmasambhava); con đường Kora vòng quanh đảo sẽ dẫn ra chỗ người Tạng làm lễ tế trời (Sky Burial). Một vài hình ảnh cửa tu viện với tranh tường (mural) của Tứ Đại Thiên Vương (Four Guardian Kings)

IMG_3639.jpg


IMG_3640.jpg


IMG_3638.jpg


IMG_3641.jpg


IMG_3632.jpg


IMG_3628-2.jpg


Sự phát triển của phái Ninh Mã (Nyingma Sect) có phần kém huy hoàng hơn so với phái Cách Lỗ (Gelugpa Sect), điều đó lý giải phần nào kiến trúc, quy mô, và sắc màu của tu viện Tsozong không phô trương sặc sỡ và hoành tráng như các tu viện mà người viết gặp sau này trong vùng U-Tsang. Trong bài viết ngày 5 nhất định sẽ có dịp quay lại chủ đề trên và điểm qua những cột mốc quan trọng của sự biến thiên Phật giáo mấy thế kỷ Tây Tạng :)
 
Trời đã gần trưa, người viết theo đoàn rời khỏi hồ Basum-tso, nói lời tạm biệt với những dấu ấn văn hoá riêng mang nét đẹp của Nyingma phái để tiếp tục khám phá những gì đang chờ đợi ở trung tâm Tây Tạng:

IMG_3666.jpg


IMG_3669.jpg


IMG_3674.jpg


IMG_3675.jpg
 
Ngày 4: rời Bayi, Nyingchi đi Lhasa

3. Đường vào Lhasa:

Sau bữa trưa nhẹ, xe chúng tôi lại lao vun vút theo quốc lộ 318, đường đi có phần bằng phẳng chứ không gập ghềnh cao thấp như những con đường Lhasa - Shigatse hay Lhasa - Namtso Lake sau này :) Sau 2h chạy không nghỉ, chúng tôi dừng lại ở thượng nguồn sông Nyang đoạn bắt đầu chảy vào Nyingchi. Sông Nyang là 1 trong 5 nhánh sông chính cung cấp nước chảy vào sông lớn Nhã Lung (Yarlung Tsangpo), bên cạnh 4 con sông kia gồm: Lhasa River, Nyang Qu River, Parlung Zangbo, và Dogxung Zangbo.

IMG_3691.jpg


IMG_3692.jpg


Độ cao ở đây là 3600m, chính giữa dòng sông có tảng đá lớn khắc bốn chữ "Zhong Liu Di Zhu", có lẽ đã sừng sững ở đây lâu lắm rồi, mặc đời thịnh suy hay sóng nước tung bọt dưới chân:

IMG_3681.jpg


IMG_3687.jpg


IMG_3660.jpg


IMG_3689.jpg


IMG_3663.jpg
 
Ngày 4: rời Bayi, Nyingchi đi Lhasa

Chạy thêm vài cây số nữa, trước mặt chúng tôi là cửa núi Milha (Milha Mountain entrance) - độ cao 5013m - bức tường thiên nhiên đánh dấu điểm giao kết của vùng Kham với vùng U-Tsang, cũng là ranh giới giữa 2 con sông: sông Nyang chảy vào Nyingchi và sông Lhasa chảy vào Lhasa. Từ đoạn này đi theo hướng Tây có thể xem là địa phận của Lhasa. So với độ cao trung bình của Nyingchi 3000m thì Milha quả là một đòn nặng, ở độ cao này, nắng mặt trời rực rỡ gay gắt mà gió thì lạnh tê người! Sau khi xe chầm chậm leo lên đến đây, chỉ có một vài du khách đủ tỉnh táo để nhảy ra chộp ảnh, số còn lại ngồi tu nước ừng ực để chống nhức đầu :D

IMG_3680.jpg


IMG_3682.jpg


IMG_3681-2.jpg


Chỉ dừng trong chốc lát, xe lại đổ đèo để đi tiếp con đường 318. Từ đây về đến Lhasa chỉ có một điểm dừng đáng chú ý nữa: làng Gyama - nơi sinh của vua Songtsen Gampo - vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Tây Tạng, người đã thống nhất miền đất này vào thế kỷ thứ 7, và cũng là người có công đưa đạo Phật lên hàng quốc giáo cho Tây Tạng.

IMG_3690.jpg


IMG_3693.jpg


IMG_3692-2.jpg
 
Ngày 4: rời Bayi, Nyingchi đi Lhasa

Người viết không vào thăm quan địa điểm này mà chỉ dừng lại chụp ảnh, hình như chỗ này cũng không mở cửa cho du khách vào. Trên hình là phương tiện đun nước bằng năng lượng mặt trời rất hữu ích của người dân bản xứ. Với đặc trưng khí hậu nắng quanh năm, số giờ nắng có thể lên đến 18 tiếng/ngày thì quả thực đây là 1 cách sản sinh năng lượng vừa sạch, vừa dồi dào, lại vừa kinh tế :D

IMG_3691-2.jpg


Một cuộc nói chuyện nhỏ với người địa phương ^^ tuy ngôn ngữ hai bên chỉ dừng lại ở mức nói thì ít, ra dấu thì nhiều nhưng họ rất vui khi biết có người Việt Nam đang vào du lịch khám phá Tây Tạng ^^

IMG_3697.jpg


... Đồng hồ lúc này đã chỉ sang 5h chiều, trời vẫn nóng bức gay gắt, màu xanh của Nyingchi dường như đã lùi xa hàng trăm cây số, xe bon bon chạy dọc theo con sông Lhasa hướng vào thủ phủ Tây Tạng ... Tạm biệt Cửu Trại Câu của Tây Tạng, tiểu Thuỵ Sĩ đậm chất Á Đông; cảm ơn mảnh đất nhỏ Nyingchi đã cho tôi biết một Tây Tạng rộng lớn và tươi đẹp hơn rất nhiều so với những gì đã từng hình dung; để sau này nếu có ai hỏi về mảnh đất huyền bí này, tôi có thể tự tin mà rằng "có một con đường xanh như thế ở Tây Tạng!"

IMG_3705.jpg


... Và kìa trong ráng chiều cuối ngày, thấp thoáng qua những tán cây ám bụi đường, án ngữ trên đỉnh đồi cao tựa lưng vào trời xanh núi xám, hiện ra trái tim của Tây Tạng - cung điện Potala - biểu trưng bất diệt nghìn năm tôn giáo tín ngưỡng của vạn con người trên cao nguyên Thanh - Tạng, điểm đến muôn đời của những ai mộ đạo và yêu mến nơi đây với niềm tin không cần lý giải ...

IMG_3704.jpg


IMG_3708.jpg


... Xe chạy chầm chậm vào Lhasa, ai trong chúng tôi cũng như run lên trước cảnh tượng cung điện Potala ngạo nghễ trên cao, thách thức thời gian và số phận, có lẽ đó là chứng nhân cao tuổi nhất cho những biến động kinh thiên, những thăng trầm lịch sử kinh người đã theo mây gió đi về hơn 13 thế kỷ qua giữa lòng Tây Tạng ... Bài viết ngày 4 đến đây là kết thúc, hẹn trở lại với bạn đọc vào ngày thứ 5 - thăm thú thủ phủ Lhasa ^^

(hết bài viết ngày 4)
 
Ngày 5: Thăm thú Lhasa (Phần 1: Phật giáo Tây Tạng)

Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê
Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ ...
(thơ Chế Lan Viên)

Nhắc đến Tây Tạng mà chưa đề cập đến tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng của vùng đất này thì quả là thiếu sót lớn, ví như đi thăm Huế mà chưa tường chuyện chín chúa mười ba đời vua nhà Nguyễn, hay ghé thăm thánh địa Vatican mà chưa nghe qua về lịch sử giáo hội Roman! Trước khi tiếp tục nhật trình ngày 5 thăm thú thủ phủ Lhasa, người viết xin dành ra đôi dòng vắn tắt điểm qua những cột mốc lịch sử văn hoá cùng những cái tên đã trở thành huyền thoại xuyên suốt nhiều nghìn năm xây dựng và phát triển của cao nguyên Thanh-Tạng.

1. Tổng quan lịch sử tôn giáo Tây Tạng

Phật giáo có nguồn gốc lâu đời từ Ấn Độ, ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Lịch sử, truyền thuyết, và nhân loại đều công nhận Phật giáo được khai sáng bởi Đức Phật Thích Ca Mầu Ni (Shakyamuni Buddha). Truyện kể về cuộc đời của Đức Phật từ khi đản sinh cho đến khi lập gia đình là năm 16 tuổi; năm 29 tuổi thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha) quyết chí xuất gia tu hành tìm đường diệt khổ; đến năm 35 tuổi giác ngộ ra chân lý, đắc đạo và trở thành Phật. Trong suốt 45 năm sau đó Ngài đi thuyết pháp, giáo hóa chúng sinh rồi cuối cùng viên tịch nhập niết bàn vào năm 80 tuổi.

Shakyamuni0.jpg


Trong Phật giáo chia ra làm 2 trường phái chính: Phật giáo Đại Thừa và Giáo lý Tiểu Thừa. Tiểu thừa (Hīnayāna) nghĩa là cỗ xe nhỏ. Đặc điểm của giáo lý Tiểu thừa là không đưa ra lí thuyết về Niết bàn, mà lấy sự giác ngộ bản thân làm trọng. Trái lại, phật giáo Đại thừa (Mahāyāna) - tức cỗ xe lớn - thì đa dạng hơn, tập trung vào việc mở đường giác ngộ cho chúng sinh.

Bản thân Đại thừa lại được chia ra nhiều bộ phái khác nhau truyền qua các vùng Tây Tạng, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Về mặt thời gian, Đại thừa Phật giáo gồm ba kỳ: Sơ kỳ, Trung kỳ và Vãn kỳ. Phật giáo Tây Tạng là sự khai triển độc đáo của Đại thừa Mật giáo thời Vãn kỳ kết hợp uyển chuyển với những nét văn hoá lâu đời của người bản xứ đã có mặt trước đó trên cao nguyên Thanh - Tạng hàng trăm năm, trải qua quá trình sàng lọc, tôn vinh, và cả những cách tân, biến cải, song song là sự giao thoa liên tục với Phật giáo Nepal và Trung Quốc; đã xây dựng nên một thế giới tâm linh huyền bí, một tinh hoa Phật giáo có lẽ là rực rỡ nhất trong lịch sử nhân loại!
 
Ngày 5: Thăm thú Lhasa (Phần 1: Phật giáo Tây Tạng)

a. Thời Phật giáo Tiền truyền:

Đi ngược dòng thời gian, sử cũ chép chuyện vua Nam Nhật Tùng Tán (hay Luân Tố Tán, Namri Songtsen) - vị vua đời thứ 32 của Tây Tạng - đã xây dựng vương triều Nhã Lung (Yarlung) trong lòng thung lũng Nhã Lung, quân đội của người Tạng khi đó hung mãnh, bách chiến bách thắng. Nhưng phải đến thời con trai ông là vua Tùng Tán Cương Bố (hay Khí Tông Lộng Tán, Songtsen Gampo) (629-650) thì quốc gia Thổ Phồn mới thực sự thống nhất và hùng cường. Sau khi tiêu diệt nước Thổ Cốc Hồn (1 hãn quốc ra đời trong loạn Ngũ Hồ thập lục quốc của Trung Hoa - nay thuộc tỉnh Thanh Hải), ông tiến về phía Đông và bang giao với nhà Đường (nhắm vào thời kỳ vua Đường Thái Tông). Bước ngoặt lịch sử bắt đầu từ đây, vua Đường Thái Tông đem cháu gái của mình là công chúa Văn Thành (Princess Wencheng) gả cho vua Songtsen Gampo. Cùng lúc đó, trong cuộc chiến đánh xuống phía Nam chinh phục nước Ni Bạc Nhĩ (hay Nepal ngày nay), vua kết hôn với công chúa Nepali Ba Lợi Khố Cơ (Princess Bhrikuti Devi). Hai cuộc hôn phối với hai công chúa đều là đệ tử Phật giáo, lại thêm những ảnh hưởng tất yếu đến từ vùng biên ngoại (mà ở đây là Ấn Độ và Trung Quốc), đã hun đúc tinh thần Phật giáo từ từ nhưng mạnh mẽ giữa lòng Tây Tạng - mà khi đó vẫn còn theo quốc giáo cũ Bon.

Vua Songtsen Gampo sau đó cho ban hành Thập Hiền Thiện (mười điều hiền thiện) và Thập lục Yếu (mười sáu yếu luật) lấy Phật giáo làm kim chỉ nam để răn dạy dân chúng. Còn hai hoàng hậu của ông mang theo những tài sản vô giá từ đất nước mình như tượng Phật A Súc Kim Cương, tượng Phật Di Lặc, tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, tượng thái tử Tất Đạt Đa, tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Phật, cùng kinh luận và văn vật khác, kèm theo các Tăng Ni tháp tùng. Có lẽ là nhân duyên hay cũng là định mệnh lịch sử, sự khác nhau về hình thái và triết lý Phật giáo của Ấn Độ - Nepal - Trung Quốc không những không bài trừ nhau mà còn dung hoà, bổ sung cho nhau, tô thắm sắc màu đa dạng của Phật giáo Tây Tạng. Do đó, người ta sau này ghi công khai phá Phật giáo lớn nhất cho vua Tùng Tán Cương Bố, và tất nhiên không thể quên vinh danh hai hoàng hậu của ông. Họ sùng bái hai bà như Đa La Thiên Nữ (Tara), là người mẹ cứu độ chúng sinh (Độ Mẫu nữ tôn của Mật tông): coi công chúa Văn Thành là hoá thân của Thanh Đa La (Green Tara), và công chúa Ba Lợi Khố Cơ là hoá thân của Bạch Đa La (White Tara). Cũng phải để ý rằng, từ đây người dân Tây Tạng không chỉ sùng bái Phật giáo mà còn coi trọng các vị vua của họ ngang với Phật, coi các vị vua và những người nổi tiếng là hoá thân nhiều kiếp của Phật.

SongstenGampo0.jpg

(Ảnh vua Songtsen Gampo và hoàng hậu Văn Thành bên phải, hoàng hậu Ba Lợi Khố Cơ bên trái)

Để có nơi thờ cúng và lễ kính Tam Bảo (Tam Bảo bao gồm Phật Bảo Buddha - nơi thờ Phật, Pháp Bảo Dharma - lưu trữ kinh sách giáo pháp, và Tăng Bảo Sangha - nơi học tập tu dưỡng của tăng ni), vua Songtsen Gampo đã lấy vùng Lạp Tát (Lhasa) làm trung tâm và cho dựng hành cung Bố Đạt La (Potala). Đồng thời để có sự phân biệt giữa hai hoàng hậu, vua đã cho xây 2 ngôi chùa: Đại Chiêu Tự (Jokhang Temple) và Tiểu Chiêu Tự. Đại Chiêu Tự dành cho công chúa Văn Thành thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, còn Tiểu Chiêu Tự dành cho công chúa Ba Lợi Khố Cơ thờ đức Đông Phương A Súc Phật (Kim Cương Phật). Nếu bạn đọc hứng thú tìm hiểu sâu hơn nữa có thể tham khảo cuốn truyện Mật mã Tây Tạng của dịch giả Lục Hương vừa ra mắt ở Việt Nam năm 2010, tuy câu chuyện pha màu dã sử hư cấu nhưng ít nhiều đều dựa theo chính sử vùng Thanh - Tạng mà chép lại. Đại Chiêu Tự ngày nay vẫn còn được bảo quản tốt và đón du khách vào tham quan, chỉ có Tiểu Chiêu Tự đã bị huỷ hoại sau Cách mạng văn hoá. Bài viết của ngày 5 sẽ giới thiệu với bạn đọc về cung điện Potala và chùa Đại Chiêu :)

Lhasa0.jpg


Vua Songsten Gampo mất đi, vương triều Thổ Phồn lại tục truyền thêm 4 đời nữa và tiếp bước khuyếch trương Phật giáo. Đến giai đoạn những năm 680-742, vua Xích Đức Tổ Tán (hay Khí Đãi Xúc Tán, Me Agtsom) lại được vua Đường Trung Tông đem công chúa Kim Thành (Princess Jincheng) gả cho. Kim Thành công chúa cũng là một Phật tử, bà đã mang vào Tây Tạng vô vàn Phật điển và Dược học, Số học của Trung Quốc. Từ đây các tài liệu quý báu này được dần dần dịch ra Tạng văn và lưu truyền rộng rãi. Đặc biệt hơn, con trai bà, mà sau này trở thành vua Xích Tùng Đức Tán (hay Cật Phiêu Song Đề, Trisong Detsen) (755-780) là người có công lớn trong việc đưa Phật giáo lên một tầng hưng thịnh nữa, thoát khỏi vòng suy vong do sự bài xích phe phái cũng như áp lực ngầm của cổ giáo Bon. Sức mạnh quân sự của thời vua Xích Tùng Đức Tán thậm chí còn vượt xa giai đoạn vua Tùng Tán Cương Bố; biên giới Tây Tạng bành trướng ra Thanh Hải, Tứ Xuyên; có lúc quân đội Thổ Phồn còn vây hãm Trường An và đánh sang Ấn Độ. Vua cũng là người cho xây dựng Tu viện Phật giáo đầu tiên ở Tây Tạng: tu viện Tang Diên (Samye Monastery), thuộc địa giới vùng U. Tu viện này được xây trong vòng gần 20 năm, có kiến trúc độc đáo gồm 3 tầng lớn mà tầng 1 theo phong cách người Tạng, tầng 2 xây theo phong cách nhà Đường, và tầng 3 là dựa theo cấu trúc Ấn Độ.

samye0.jpg

(Samye Monastery)

Một sự kiện quan trọng khác đó là việc vua Xích Tùng Đức Tán khi còn tại vị đã thỉnh được đại sư Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) từ Ấn Độ sang Tây Tạng để truyền đạo. Không giống như những người đã từng đi truyền đạo Phật ở Tây Tạng trước đó, đại sư Liên Hoa Sinh đã là người đạt được đại thành tựu (Guru Rinpoche) về Mật tông, hiểu được sự khác biệt của cổ giáo Bon so với Phật giáo: đó là sự tôn sùng quỷ thần và bùa chú của Bon giáo! Ông cùng 25 đệ tử dùng lý luận Phật môn kết hợp với Mật chú hàng phục yêu ma, đem sức mạnh yêu ma biến thành uy lực hộ pháp cho cửa Phật, dần dần như thế đã cảm hoá và dẫn dụ người dân Tây Tạng tình nguyên quy y Tam Bảo :!: Từ đây đánh dấu sự ra đời của tông Ninh Mã (Nyingma Sect) - tông đầu tiên của Phật giáo Tây Tạng mang hoàn toàn bản sắc riêng của mảnh đất cao nguyên này :) Phái Ning Mã có sắc phục mũ đỏ, nên còn được gọi là Hồng Mạo Giáo; Liên Hoa Sinh được coi là sư tổ của tông phái này. Dấu ấn của phái Ninh Mã rõ ràng nhất ở vùng Kham - phía Đông Tây Tạng, thể hiện ở những tu viện như Lamaling Monastery (thuộc Nyingchi), Tsozong Monastery (trên hồ Basum-tso) ^^

Lamaling0.jpg

(Lamaling Monastery)

Dòng thời gian lại trôi chảy, đến giai đoạn 818-838, vua Tạng đời thứ 41 là Xích Tổ Đức Tán (Tri Ralpacan) lại xây dựng sức mạnh quân sự của Thổ Phồn đến mức cực thịnh và tiếp tục chiến tranh với nhà Đường. Khiếp sợ uy thế Tạng vương, nhà Đường với nước Thổ Phồn đã đồng ý ký minh thệ Sinh Cửu Liên Minh Bia để thương thuyết hoà bình cho vùng biên cảnh (the Sino-Tibetan treaty); cho lập 3 bia đá khắc lại văn kiện này: một bia giữ ở cửa đền Jokhang trong thành phố Lhasa, một bia giữ ở biên giới 2 nước, và một bia giữ trong kinh thành Trường An (Xian). Đến nay 2 văn bia sau đã mất, chỉ còn lại văn bia trong Lhasa nhưng chữ khắc phần lớn đã mai một không đọc được. Theo bản sao văn bia mà người Anh có ở London, trên bia khắc: "...Dân Phồn thổ an nơi Phồn thổ, Hán tộc trọn vui nơi Đường quốc, ấy là nghiệp lớn của vua hai nước. Đôi bên giữ gìn minh thệ, vĩnh viễn không đổi dời ...". Vua Xích Tổ Đức Tán cũng chính là người cho dịch mới và dịch lại tất cả kinh sách cho nghiêm trang và phù hợp với Tạng văn hơn, chuyển thể tất cả những tinh tuý Phật môn từ tiếng Phạn (Sanskrit) sang tiếng Tạng (Tibetan), từ đó tổng hợp thành Đại Từ Điển Phạn-Tạng (Mahàvyutpaatti) nổi tiếng. Với những cống hiến to lớn ấy, người dân Tây Tạng luôn thờ phụng vua Xích Tổ Đức Tán (Tri Ralpacan) cùng với vua Tùng Tán Cán Bố (Songtsen Gampo) và vua Xích Tùng Đức Tán (Trisong Detsen) là Tam Tạng Vương vĩ đại nhất (three Dharma Kings).

Nhưng phàm ở đời có Sinh có Diệt, có Thịnh có Suy, Phật giáo Tây Tạng chứng kiến những thời khắc huy hoàng trải qua mười mấy đời Tạng vương cũng đến lúc suy vi mà nguyên nhân chính xuất phát từ hình thái xã hội phức tạp của Tây Tạng lúc bấy giờ. Vì Phật giáo được vương triều hoằng trương, kéo theo sự ra đời của Tăng chế và những quy định về Tăng dưỡng (cung phụng chu cấp cho Tăng ni), kế đến là sự gia tăng của Tăng số đã đặt nặng gánh sưu thuế cho người dân. Trong hoàn cảnh đó, vua Xích Tùng Đức Tán bị em trai mình là Lãng Đạt Ma (Langdarma) - 1 người cổ xuý cho giáo pháp Bon - hãm hại. Sau khi lên ngôi, vua Lãng Đạt Ma (839-841) ra tay bức hại Phật giáo, đốt hết kinh sách, tiến hành bài Phật phá Phật trong vòng 5 năm, gần như thiêu huỷ hết những công tích gây dựng được cho Phật giáo bởi các Tạng vương đời trước!

Đến năm 842, vua Lãng Đạt Ma bị nhà sư Kiết Tường Kim Cang (Pelgyi Dorje) nhân màn múa Black Hat Dance bắn tên ám sát. Sau sự kiện đó, Phật giáo không những không được chấn hưng, ngược lại đẩy Tây Tạng rơi vào giai đoạn tranh quyền đoạt vị, nội chiến liên miên, cục diện thống nhất của vương triều Thổ Phồn đến đây coi như chấm dứt, thay vào đó là tình trạng cát cứ kéo dài gần trăm năm.
 
Ngày 5: Thăm thú Lhasa (Phần 1: Phật giáo Tây Tạng)

b. Thời Phật giáo Hậu truyền:


Sau 300 năm từ khi đại sư Liên Hoa Sinh vào Tây Tạng và có công khai tông lập phái cho Ninh Mã; người ta nhắc đến tên tuổi thứ hai: đại sư A Đề Sa (Atisha) đến từ Thiên Trúc, Ấn Độ năm 1042, là người có công chấn hưng Phật giáo lúc đó đang suy vong ở Tây Tạng. Từ đây trở về sau, lịch sử chứng kiến sự ra đời của 3 tông phái lớn còn lại của Tây Tạng mà ít nhiều đều chịu ảnh hưởng trực tiếp từ A Đề Sa.

Atisha0.jpg


Phái Ca Nhĩ Cư (Kagyupa Sect) là tông lớn thứ hai của Phật giáo Tây Tạng, tên của phái có nghĩa là dòng khẩu truyền được sáng lập bởi sư Mã Nhĩ Ba (Marpa Lotsawa) (1012-1097), học trò của đại sư A Đề Sa. Học trò chân truyền của Mã Nhĩ Ba là Mật Lặc Nhật Ba (Milarepa) là người rất giỏi thi ca với văn phong sắc diệu, đã thuyết giảng Đại Thừa - Tiểu Thừa - Mật Thừa để giáo hoá dân gian, trở thành người có công lớn trong việc hưng lại Phật giáo Tây Tạng, mà cụ thể ở đây là dòng Ca Nhĩ Cư. Một số thiền viện nổi tiếng của dòng Kagyupa Sect: Tsurphu Monastery (thuộc vùng U), Palpung Monastery (thuộc Tứ Xuyên ngày nay).

Phái Tát Ca (Sakya Sect) là tông lớn thứ ba của Phật giáo Tây Tạng do đại sư Cổn Khúc Già Bảo (Konchog Gyalpo) sáng lập nhằm thế kỷ 11, tương đương với nhà Bắc Tống bên Trung Hoa bấy giờ. Ông cũng cho xây tu viện Tát Ca (Sakya Monastery) nổi tiếng ở Shigatse thuộc vùng Tsang. Con cháu của ông sau này kế nghiệp tổ phụ tiếp tục khuyếch trương giáo pháp, đồng thời lại giữ quan hệ giao hảo với giới chính trị. Chính vì thế mà vào giai đoạn những năm 1260, khi cháu nội của Thành Cát Tư Hãn là Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt dựng cơ đồ Mông Cổ trong quan nội, Tây Tạng đã thần phục theo nhà Nguyên. Đây đánh dấu một mốc lịch sử lớn mà người Tạng từ đó quy thuận theo Trung Hoa, mất dần sự độc lập cường thịnh về chính trị quân sự so với mấy trăm năm trước. Đi cùng với sự cuốn hút của Tát Ca phái theo chính trị là sự tha hoá trong đạo đức và lối sống của các Lạt ma do cậy có nhà Nguyên bảo hộ. Đến khi nhà Nguyên thoái trào cũng là lúc ảnh hưởng của Sakya Sect mai một đi.

Ba tông: Nyingma Sect, Kagyupa Sect, và Sakya Sect do đặc điểm trang phục tương tự nhau, dùng màu hồng đỏ làm trọng, nên thường được gọi chung là Hồng Mạo Giáo. Như vậy là để phân biệt với tông giáo thứ 4, cũng là tông giáo cuối cùng cực thịnh huy hoàng nhất của Phật giáo Tây Tạng, để lại nhiều dấu ấn văn hoá nhất cho đến cả ngày nay; đó là tông Cách Lỗ (Gelugpa Sect) hay còn gọi là Hoàng Mạo Giáo (Yellow Sect).

Phái Cách Lỗ (Gelugpa Sect) được 1 nhà cải cách lỗi lạc Tông Khách Ba (Tsongkhapa) (1357–1419) sáng lập, khi đó nhằm vào thời Vĩnh Lạc Minh Thành Tổ (con trai thứ hai của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương). Xung quanh sự ra đời và tuổi trẻ của Tông Khách Ba có nhiều truyền kỳ và điển tích, người viết sẽ điểm qua trong bài viết ngày cuối khi đi thăm tu viện Taer Monastery ở quê ông thuộc vùng Amdo xưa, nay thuộc Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải.

Tsongkhapa0.jpg


Tông Khách Ba vốn xuất thân từ Hồng Giáo, đã tu học qua giáo pháp của cả Kagyupa và Sakya Sect nhưng chú tâm hơn vào chấn chỉnh Phật giáo với mục đích đem các Lạt Ma đã bị thế tục hóa trở về lại đời sống của Tỳ Kheo có đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh. Sự uyên bác về giáo pháp, lại cẩn trọng nghiêm kính chuyên tâm tu học của Tông Khách Ba như thổi luồng gió mới vào Phật giáo Tây Tạng mà các cựu phái chưa có được, đã khích lệ Tăng lữ theo về rất đông. Sử chép trong Đại Tập Hội lần thứ nhất (Monlam Great Prayer Festival) quy tụ gần 12,000 vị Lạt Ma dưới tông Hoàng giáo. Sau này Gelugpa Sect lấy ngày rằm tháng giêng hàng năm làm ngày đại hội nhưng đến giai đoạn thế kỷ 20 đã bị chính quyền Trung Hoa cấm tổ chức.

Theo “Nhập Tạng Báo Cáo” của Ngô Trung Tín viết năm 1940 có ghi rõ những tu viện chủ yếu của Tây Tạng thì Hồng giáo có bảy ngôi, còn Hoàng giáo lên đến sáu mươi hai ngôi; cho thấy các tông phái Tây Tạng, Hoàng giáo tuy đến sau nhưng đứng đầu về số tu viện. Ngày nay những tu viện nổi tiếng nhất mà khách du lịch thường đến thăm đều thuộc Hoàng giáo, ví dụ như: tu viện Cam Đan (Ganden Monastery) ở Lhasa, tu viện Triết Phong (Deprung Monastery) ở Lhasa, tu viện Sắc Nhạ (Sera Monastery) ở Lhasa, tu viện Trát Thập Luân Bố (Tashilhunpo Monastery) ở Shigatse, tu viện Taer (Kumbum Monastery) ở Tây Ninh (Xining). Ở các đại tu viện này đều thờ phụng đại sư Tông Khách Ba, coi ông là đệ nhất tập đại thành, là bậc trí giả đã có thành tựu cải cách và xiển dương phái Cách Lỗ cũng như Phật giáo Tây Tạng.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,423
Bài viết
1,175,764
Members
192,098
Latest member
vnae888
Back
Top