What's new

[Chia sẻ] [Trung Hoa Tây Du Ký] Những nẻo đường Tây Tạng (2010)

0. Lời ngỏ

Ở Tây Tạng mùa này trời trong và cao xanh lắm ...

Tôi sẽ kể chuyện này các bạn nghe, vì đến khi tôi qua 30 tuổi, tôi sợ mình hao mòn nhiệt huyết để lần theo con đường xưa mây trắng. Tôi sẽ kể chuyện này cho các bạn nghe, vì tôi sợ mai sau thời gian bôi xoá, gánh áo cơm ghì sát đất khiến tâm hồn không còn thảnh thơi đón nhận những luồng gió lành đất Phật.

Ở Tây Tạng, tháng Sáu có nắng vàng rực rỡ. Chuyện thế này ... Một câu chuyện nhỏ về Tây Tạng trong tôi. Tôi không chắc Tây Tạng ngày ấy-bây giờ-mai sau có giống Tây Tạng mà tôi sắp kể không? Còn Tây Tạng như tôi biết (và tôi tin mình biết rõ): đó là mảnh đất linh thiêng hoang sơ nghìn tuổi, cũng là trốn trần ai đầy đủ thói đời. Thoảng nhớ câu thơ Bảo Sinh: Ngẫm ra trong cõi người ta - Có là Thái tử mới là Như Lai..

(Phỏng theo văn phong truyện Mưa Nhã Nam của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp)

tibet_day0.jpg


Năm tháng và những ngọn gió đi về thấm thoát đã hơn 1300 năm trên mảnh đất này. Giữa vùng bình nguyên cao hơn 5,000m so với mực nước biển, xa trong dãy Hy Mã Lạp Sơn, ẩn mình trong các thung lũng, cánh đồng, rừng cây và các hồ nước lớn, có 1 nền văn hoá huyền bí nhuốm màu sắc Phật giáo, 1 mặt trời Tây Tạng vương vấn bụi trần, 1 xã hội phức tạp thu nhỏ mà người đời còn phải tốn nhiều công khảo cứu. Người viết đã ôm ấp giấc mơ một ngày được đặt chân đến nơi này, được tận mắt nhìn và học hỏi những điều mới chỉ thấy qua sách báo tranh ảnh; giấc mơ đó thành sự thật mùa hè năm 2010 ^^

IMG_3272-2.jpg

(Khung cảnh nóc nhà thế giới nhìn từ trên cao)

Hành trình về phía Tây theo chiều kim đồng hồ đi qua Thành Đô (Chengdu), Nyingchi, Lhasa, Shigatse, Tây Ninh (Xining) kéo dài 11 ngày sẽ lần lượt được gửi đến bạn đọc theo ký sự hình ảnh sau:

- Ngày 1: thăm lại Thành Đô (Tứ Xuyên), ghé Vọng Giang Lầu (Wangjianglou), uống trà ở miếu Văn Thù (Wenshu temple), tối đi xem trình diễn văn hoá Tứ Xuyên
- Ngày 2 và 3: bay Thành Đô - Nyingchi, khám phá mảnh đất 'thiên đường xanh' cực Đông của Tây Tạng.
- Ngày 4: rời Nyingchi đi xe buýt vào Lhasa, thủ phủ vùng U của Tây Tạng,
- Ngày 5: chu du trong Lhasa, dạo phố Barkhor, thăm Đại Chiêu Tự (Jokhang Temple) và cung điện Potala
- Ngày 6: rời Lhasa đi Shigatse - thủ phủ vùng Tsang, cũng là thành phố lớn thứ hai của Tây Tạng; ngắm nhìn hồ Yamdrok (Yamdrok-tso) từ trên cao; thăm tu viện Tashiljunpo
- Ngày 7: trở về Lhasa, thăm tu viện Sera - 1 trong 4 tu viện nổi tiếng nhất Tây Tạng; ban đêm ngắm Potala huyền ảo lúc lên đèn
- Ngày 8: đi hồ Nam-tso, hồ nước mặn lớn thứ nhì Trung Quốc, cũng là 1 trong 3 hồ lớn linh thiêng nhất của người Tạng (Yamdrok-tso, Nam-tso, Manasarovar)
- Ngày 9: rời Lhasa theo tuyến đường sắt độc đáo nhất thế giới Thanh-Tạng để đi Tây Ninh (Xining) thuộc tỉnh Thanh Hải (Qinghai)
- Ngày 10: đến Tây Ninh, thăm hồ Thanh Hải (Qinghai Lake) - hồ nước mặn lớn nhất trong đất liền của Trung Quốc
- Ngày 11: sáng đi thăm tu viện Ta'er (Ta'er Monastery) - tu viện nổi tiếng nhất Thanh Hải, tối bay về Thành Đô, kết thúc chuyến "Bắc tiến" thứ hai (Lần 1) ^^

tibet_day0_map.jpg


... Lời ngỏ sơ sài của tôi đã hết, câu chuyện bắt đầu từ buổi bình minh ngày mới giữa tháng 6 ...

IMG_3969-2.jpg


(to be continued)
 
Ngày 5: Thăm thú Lhasa (Phần 1: Phật giáo Tây Tạng)

c. Giai đoạn sau đại sư Tông Khách Ba cho đến ngày nay:

Nên chú ý rằng sau khi vương triều Thổ Phồn diệt vong, Tây Tạng chưa được thống nhất thành 1 chính thể. Phải đến khi Hoàng giáo cường thịnh thì tông này mặc nhiên giữ vai trò quyết định trong cả chính trị và tôn giáo toàn vùng; các triều vua Trung Hoa sau này đều thương thuyết mọi việc quốc gia với tập đoàn đứng đầu Hoàng giáo, coi đó là lãnh đạo tối cao của Tây Tạng - thể chế độc đáo này được gọi là chính-giáo hợp nhất :D

Lãnh tụ tối cao của Phật giáo Tây Tạng được gọi là Đạt Lai Lạt Ma (Dalai Lama). Danh hiệu này thực ra phải đến năm 1578 vua A Nhĩ Đát Hãn mới ban tặng cho Toả Lãng Gia Mục Thố (Sonam Gyatso) - tương đương với đời Đạt Lai Lạt Ma thứ 3; chữ có nghĩa là đức rộng như biển. Tổng cộng từ năm 1391 đến nay, Tây Tạng đã có tất cả 14 vị Đạt Lai Lạt Ma, từ vị đầu tiên là Căn Đôn Châu Ba (Gendun Drub) - vốn là đại đệ tử của Tông Khách Ba - cho đến vị thứ 14 là Đăng Châu Gia Mục Thố (Tenzin Gyatso); tương đương với các giai đoạn triều Minh, Thanh, và Trung Hoa Dân Quốc. Người Tây Tạng luôn sùng kính Đạt Lai Lạt Ma, coi đây là hiện thân của Phật sống và được đầu thai qua mỗi kiếp.

Đáng chú ý là vào đời Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 La Bốc Tạng Gia Mục Thố (Losang Gyatso), ông đã phong tặng danh hiệu Ban Thiền Lạt Ma (Panchen Lama) cho thầy học của mình La Tang Khúc Kết (Lobsang Choegyal་), chữ có nghĩa là đại học giả. Danh hiệu "Ban thiền" ra đời từ đó; Ban Thiền Lạt Ma luôn song hành với Đạt Lai Lạt Ma, trở thành người giữ vị trí quan trọng thứ hai trong xã hội Tây Tạng, có trọng trách đi tìm Đạt Lai Lạt Ma mới và ngược lại! Người Tây Tạng cũng cho rằng Ban Thiền Lạt Ma là dòng tái sinh, sẽ được đầu thai qua nhiều đời. Từ giai đoạn 1358 đến nay đã có tổng cộng 11 vị Ban Thiền Lạt Ma. Giống như Đạt Lai Lạt Ma, Ban Thiền Lạt Ma đều thuộc dòng Hoàng Mạo ^^

Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5 cũng là vị đại sư nổi danh nhất và được kính trọng nhất trong cộng đồng Tây Tạng. Ngài cũng là người đã cho trùng tu và mở rộng, xây mới lại cung điện Potala - vốn được xây từ thời vua Tùng Tán Cán Bố (Songtsen Gampo) nhưng đã bị huỷ hoại rất nhiều theo thời gian. Những thông tin đầy đủ về hành cung Potala sẽ được gửi đến bạn đọc trong cùng ngày 5, phần đi thăm Lhasa :p

potala0.jpg


Quay trở lại dòng chảy lịch sử, giai đoạn từ những năm 1391 đến nay, Phật giáo Tây Tạng gần như không chuyển biến nhiều mà là sự duy trì và bảo tồn bản sắc riêng của tông phái Gelugpa vốn đã bén rễ rất sâu vào tín ngưỡng người dân nơi đây. Tuy nhiên, những biến động về mặt chính trị thì quả kinh người! Năm 1652, vua Thuận Trị nhà Thanh vẫn còn giữ quan hệ giao hảo với đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5; nhưng dần dần mối quan hệ Thanh-Tạng xấu đi. Khi Thanh Triều sụp đổ, năm 1904, nước Anh đưa quân vào chiếm đóng Tây Tạng, biến nơi đây thành xứ bảo hộ thuộc về Đế quốc Anh. Cũng trong giai đoạn này, Trung Quốc nổ ra cuộc chiến Tân Hợi 1911 và liền sau đó là Thế chiến thứ nhất (1914-1918 ) nên đế quốc Anh và Trung Hoa gần như 'buông tha' cho Tây Tạng - khi đó nhằm thời Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 - Tây Tạng đứng trước 1 cơ hội lịch sử để lấy lại quyền tự trị và xây dựng chính thể độc lập cho riêng mình! Tiếc thay cơ hội đó không được tận dụng triệt để; Tây Tạng gần như không đủ thời gian để đổi mới và củng cố đất nước mà lý do sâu xa nằm chính trong hình thái xã hội phức tạp của vùng này, kèm theo đó là xích mích quyền lực giữa Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13 và Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 9! Năm 1933, khi mọi việc còn đang dang dở, Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13 viên tịch, Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 được tìm thấy vào năm 1940, khi đó Ngài chưa đầy 5 tuổi. 9 năm sau, Trung Hoa Dân Quốc gây chiến và tiến vào Tây Tạng, tuyên bố đây là một vùng không thể tách rời của Trung Quốc; chính thể độc lập còn mong manh chưa thành hình của mảnh đất cao nguyên được cáo chung từ đây. Chỉ vọn vẻn trong hơn 50 năm (1950-2000), Tây Tạng dưới sự trấn áp của chính quyền Trung Quốc chứng kiến những trang tối tăm nhất trong lịch sử nhiều nghìn năm của mình, trong đó có những dòng được viết bằng máu và nước mắt của người Tạng! Năm 1959 nổ ra xung đột ở thủ phủ Lhasa, hàng chục ngàn người Tạng đã bị giết, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 phải rời bỏ Tây Tạng sống lưu vong ở Dharamsala, Ấn Độ. Năm 1961, do những sai lầm về đường lối canh tác nông nghiệp mà Trung Quốc áp đặt lên Tây Tạng, hơn 70,000 người Tạng đã chết đói. Giai đoạn 1967-1976, cơn bão Hồng Vệ Binh (Red Guard) theo chân Cách Mạng Văn Hoá (The Cultural Revolution) sau khi càn quét Trung Quốc đã đổ ập lên Tây Tạng: những di sản văn hoá, tu viện, đền chùa cùng vô vàn Pháp vật quý giá bị đốt phá, cướp bóc, thất lạc, vĩnh viễn biến mất trong lịch sử nhân loại; ước tính gần 200,000 thường dân và tăng ni Phật tử bị bức hại hoặc cầm tù. Chỉ đến giai đoạn sau 1980 thì trật tự mới được lặp lại, Tây Tạng dần chuyển mình sang thời kỳ hiện đại hoá và phát triển đi lên trong vai trò khu tự trị thuộc Trung Quốc; chủ đề Tây Tạng cho đến nay vẫn là vấn đề thời sự nhạy cảm ở các quốc gia.

Đến đây người viết xin dừng phần Tổng quan lịch sử tôn giáo Tây Tạng, hy vọng bạn đọc đã có cái nhìn rõ ràng hơn về những biến chuyển theo thời gian đóng góp vào tiến trình hình thành và phát triển của Phật giáo Tây Tạng. Nói tóm lại, Tây Tạng có một nền văn hoá tín ngưỡng độc đáo lâu đời mà hạt nhân xuyên suốt nhiều thế kỷ chính là nền Phật giáo Đại thừa Mật tông với lý luận mạch lạc khúc chiết và không kém phần thâm sâu, ảo diệu; là minh chứng rõ ràng nhất về tính dungdị đặc thù của tông giáo; đồng thời bao hàm trong nó là sự vượt trội về giá trị nghệ thuật, văn hoá, và trí tuệ thu hút không chỉ riêng người Tạng mà nhân loại toàn thế giới. Phần viết này tham khảo tư liệu từ các nguồn: Thư Viện Hoa Sen, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sách Tây Tạng Phật Giáo Sử Lược của Chương Gia, sách Lonely Planet - Tibet (2008 ), sách The Potala (Unesco, 1993). Bài viết ngày 5 sẽ được tiếp tục gửi đến bạn đọc với các phần sau:
- Phần 2. Pháp vật trong Phật giáo Tây Tạng
- Phần 3. Thăm Đại Chiêu Tự (Jokhang Temple)
- Phần 4. Cung điện Potala (Potala Palace)
- Phần 5. Món quà Lhasa ^^

(hết Ngày 5 - Phần 1)
 
Ngày 5: Thăm thú Lhasa (Phần 2: văn vật trong Phật giáo Tây Tạng)

2. Pháp vật trong Phật giáo Tây Tạng:

Phật giáo Tây Tạng cuốn hút với nhân loại không chỉ bởi những tinh hoa pha trộn giữa Đại thừa phái (Mahayana), Mật tông (Tantrayana), và tôn giáo cổ Tây Tạng (với Bon giáo là điển hình) mà còn bởi những văn vật để lại cho đời. Có lẽ không nơi đâu trên trái đất này lại quy tụ đầy đủ và nhiều di chỉ Phật giáo như Tây Tạng, từ đền chùa thành quách đại viện tiểu viện cho đến tượng Phật, kinh sách luật tuyển, cờ phướn; rồi đồ dùng trong lễ bái, tán tụng, cúng dường, trì nghiệm, hộ ma, khuyến đạo ... dường như không thống kê nào kể xiết! Trong bài viết ngắn ngủi này, người viết không đủ khả năng và cũng không có tham vọng tổng kết hết những tinh tuý của nơi đây, chỉ muốn dành đôi dòng nhắc đến những văn vật thường gặp trên đường khám phá Tây Tạng :)

a. Đại kỳ ngũ sắc:

Đi thăm Tây Tạng nói riêng và các quần thể Phật giáo nói chung, du khách hay bắt gặp các cờ phướn 5 màu tung bay trong gió. Nếu để ý kĩ, cờ ngũ sắc Tây Tạng có 5 màu (trắng, đỏ, lục, vàng, lam) hơi khác so với lá cờ Phật giáo (trắng, đỏ, cam, vàng, lam). Một trong các lý do có thể giải thích là: lá cờ Phật giáo chính thức ra đời năm 1889, còn Phật giáo Tây Tạng mà ảnh hưởng bắt nguồn từ Ấn Độ giáo thì đã có từ lâu đời, trải qua thời gian sẽ xuất hiện vài sai khác, tuy nhiên điều này không làm thay đổi ý nghĩa biểu trưng.

IMG_3642.jpg


Số 5 không chỉ tượng trưng cho Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) tương sinh tương khắc làm nên vạn vật, còn ứng với Ngũ Trí của Mật tông miêu tả về trí của con người (Pháp giới trí, Đại viên kínha trí, Bình đẳng tính trí, Diệu quan sát trí, Bình đẳng tác trí), đồng thời hợp với Ngũ Uẩn (Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức) là 5 yếu tố tạo thành thân tâm, và là Ngũ Bộ Chú - nghi thức trì niệm của Mật Giáo (Tịnh Pháp Giới, Văn Thù Nhất Tự Hộ Thân, Lục Tự Đại Minh, Chuẩn Đề Cửu Thánh, và Nhất Tự Kim Luân Phật Đỉnh); nhưng trên hết là biểu thị sức mạnh và sự thống nhất giữa Ngũ PhươngNgũ Phật:

NguPhat0.jpg


Ngũ Phật (Five Wisdom Buddhas) có thể coi là biểu hiện siêu việt nhất trong thế gian, các vị này là thầy của các Bồ Tát. Đồng thời, trong mỗi thời đại loài người, các vị lại hoá thân thành Phật lịch sử - có hình dạng người sống trên thế gian. Trong thời đại chúng ta, vị Phật lịch sử đó chính là Phật Thích Ca Mầu Ni (Shakyamuni Buddha), còn vị Phật được tin rằng sẽ xuất hiện trong tương lai (Future Buddha) là Phật Di Lặc (Maitreya Buddha). Vì thế mỗi khi nhắc đến Ngũ Phương Phật, người ta sẽ nhắc đến vị Phật lịch sử và vị Bồ Tát tương ứng:

- Trung ương: Đại Nhật Như Lai (Tathagata); Phật lịch sử là Ca-la-ca-tôn-đại (Krakuccanda) và Phổ Hiền Bồ Tát (Samantabhadra)
- Hướng Đông: Bất Động Như Lai (Aksobhya); Phật lịch sử là Ka-na-ca-mâu-ni (Kanakamuni) và Kim Cương Bồ Tát (Vajrapani)
- Hướng Nam: Bảo Sinh Phật (Ratnasambhava); Phật lịch sử là Ca-diếp (Kasyapa) và Bảo Thủ Bồ Tát (Ratnapani)
- Hướng Tây: Di Đà Phật (Amitabha); Phật lịch sử là Thích-ca-mâu-ni (Shakyamuni) và Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokitesvara)
- Hướng Bắc: Bất Không Thành Tựu Phật (Amoghasiddhi); Phật tương lai là Di-lặc (Maitreya) và Phổ Chùy Thủ Bồ Tát (Vishvapani)

Quan niệm trên chỉ xuất hiện từ khi Đại thừa Phật giáo ra đời, và càng được củng cố bởi Mật tông Tây Tạng, điều đó cho thấy sự khác biệt và phức tạp, bao hàm muôn yếu tố trong Phật giáo Tây Tạng. Đi khắp cao nguyên Thanh-Tạng, du khách sẽ gặp rất nhiều nơi thờ cúng Ngũ Phật cũng như các Phật lịch sử và chư vị Bồ Tát, bên cạnh các vị Tạng vương và Đạt Lai Lạt Ma, Ban Thiền Lạt Ma. Những sự sắp xếp trên luôn có nghiêm luật chặt chẽ mà hiếm có ai hiểu được, thậm chí phần lớn chúng ta không bao giờ hiểu rõ được mà chỉ biết chiêm bái để kính phục trí tuệ, công sức và sự sáng tạo của người xưa!

b. Statues:

Tượng Phật Tây Tạng nổi trội hơn so với bất cứ nơi nào trên thế giới bởi sự đa dạng phong phú về thể loại, mỗi tượng lại xuất xứ từ nhiều nguồn khác nhau (Ấn Độ, Nepal, Trung Quốc, bản địa), hình thái phong cách dáng ngồi tay ấn nét mặt màu sắc trang phục đều cực kỳ sinh động, toát lên những nét riêng của văn hoá Phật giáo Mật tông huyền bí. Nhìn ngắm mỗi bức tượng Tây Tạng, du khách sẽ bị thu hút bởi đôi mắt Phật không phải lúc nào cũng hiền từ nhìn xuống mà đôi khi mở to nhìn thẳng hay nhắm mắt, tuỳ thuộc theo tư thế thiền định và mỗi dáng ngồi, sau đó là những phù điêu trang trí nhiều tầng bao quanh tượng và cả chân bệ. Người Tạng còn dùng vàng, bạc, đồng, các kim loại quý và ngọc thạch, hổ phách, đá quý ... để tô điểm thêm cho tượng, nâng giá trị của các bức tượng lên tầm có một không hai, trở thành tài sản vô giá của dòng Phật giáo nơi đây. Tây Tạng có những bức tượng cá biệt đến vài nghìn năm tuổi được trưng bày bên trong cung Potala. Thường các tu viện lớn và cung Potala đều cấm chụp ảnh nên cách tốt nhất có lẽ là một lần đến Tây Tạng để được chiêm ngưỡng những bảo vật truyền đời nơi đây.

IMG_4190.jpg

(Tượng Thiên Vương chụp ở Shigatse)
 
Ngày 5: Thăm thú Lhasa (Phần 2: văn vật trong Phật giáo Tây Tạng)

c. Murals:

Murals hay các bích hoạ vẽ trên tường là hình thức nghệ thuật nổi tiếng của Tây Tạng, không chỉ mang tính trang trí làm đẹp với sắc màu cực kỳ sặc sỡ, những bức mural còn biểu hiện đức tin cổ giáo của người Tạng vào trời đất cỏ cây sông hồ núi tuyết, đôi khi là hình thức kể chuyện thuật lại tích cũ việc xưa trong quá trình gây dựng và hoằng trương tông phái, có lúc lại khắc hoạ chân dung những vị Phật, Bồ Tát, La hán, Hộ pháp, Tạng vương cũng như danh sư đạo Phật. Được biết chất liệu để vẽ tranh tường đều dùng nguồn nguyên liệu sẵn có ở mỗi địa phương, qua các công thức pha tạo màu cộng với chất liệu tự nhiên khả năng bảo vệ bức tranh theo thời gian hàng trăm năm mà không phai nhạt hay hư hại gì!

IMG_4181.jpg

(Bức mural chụp ở Shigatse)

d. Thangkas:

Thangka cũng là các bức tranh Phật giáo bắt nguồn từ Nepal và du nhập vào Tây Tạng từ thời vua Tùng Tán Cương Bố lấy công chúa Nepal Ba Lợi Khố Cơ. Thangka Tây Tạng có thể xem là đỉnh cao của nghệ thuật tượng hình (Iconography) mà đề tài thường gặp là các bức vẽ về cuộc đời Phật Thích Ca Mâu Ni, Pháp luân, Phật Dược Sư, các tư thế toạ thiền, các vị hộ pháp và quỷ thần ... Được biết Thangka được vẽ trên vải dệt sợi đay, rồi dùng mật của giống trâu Yawk trộn với bột đá để bồi mặt vải cho mịn, sau đó căng tấm vải đã bồi lên khung gỗ và dùng các loại màu khoáng hay bột vàng để vẽ. Tranh Thangka sau đó được khâu vào khung bằng lụa để dễ dàng cuộn lại, tiện lợi cho việc di chuyển và bảo quản.

Người ta tin rằng Thangka không chỉ cảm nhận được bằng mắt mà còn bằng tâm, việc chiêm bái Thangka một cách trang nghiêm sẽ giúp Phật tử nhập tâm, hoá thân với đối tượng được vẽ trong tranh, cảnh giới này có lẽ chỉ được nội truyền trong các tông phái mà không truyền cho người ngoài. Màu sắc sử dụng trong Thangka cực kỳ sinh động, sặc sỡ và chi tiết tới từng đường nét nhỏ. Chính bởi tính độc đáo của Thangka và ảnh hưởng tín ngưỡng của nó mà người đời sinh ra sùng bái và ham thích sở hữu Thangka, phá vỡ quy luật gốc của tranh là không được trao đổi mua bán! Ngày nay Thangka đã thương mại hoá, việc sao chép, vẽ lại và buôn bán trở nên phổ biến tại thị trường các nước; tuy nhiên vẻ đẹp và sự tinh xảo thì kém xa những Thangka hàng nghìn tuổi của vùng Tây Tạng. Do đó đến Tây Tạng ngắm những bức Thangka cổ đại, người ta vẫn rung động và trân trối bởi nét độc đáo đầy tính Chân Thiện Mỹ toát lên từ mỗi bức tranh.

Trường phái Thangka Tây Tạng nổi bật lên với 2 tên tuổi: Khentse Chenmu SchoolMenthang School, tác phẩm của 2 trường phái này du khách sẽ bắt gặp nhiều khi đi thăm quan hành cung Potala :)

Mandala: Mandala cũng là những bức hoạ hình giống như Thangka, điểm khác biệt ở đây là Mandala luôn chú trọng vào các hình vẽ vòng tròn biểu thị cái nhìn của người Tạng về thế giới và vũ trụ, trong đó hoạ hình các đức Phật hay Bồ Tát hoặc những biểu tượng Phật giáo. Điểm độc đáo ở Tây Tạng là có những mandala cỡ lớn và cực lớn bằng cát, có Mandala ba chiều mô phỏng các cung điện, và đặc biệt là các tu viện được xây theo kiến trúc Mandala như tu viện Samye (Samye Monastery) đã có dịp nhắc đến trong phần 1 về Phật giáo Tây Tạng ^^

IMG_4033.jpg

(Bức Mandala lớn vẽ trực tiếp trên tường - ảnh chụp ở Shigatse)

e. Stupas:

Stupa (hay Chorten) xây theo dạng hình tháp, được coi như ngôi nhà lưu giữ phần hồn, cũng giống như các pho tượng được xây để lưu giữ phần xác vậy. Ở Tây Tạng, stupas có mặt ở khắp mọi nơi, không chỉ là nơi chứa tro cốt di hài mà còn chứa những vật dụng bình sinh được Đức Phật hay các môn đệ sử dụng; qua đó thể hiện sự tôn kính của người dân đến di thể của Phật.

IMG_4906.jpg


Stupa thường gặp gồm nhiều tầng: tầng đáy thấp nhất tượng trưng cho 10 điều tâm niệm (Thập tâm hạnh), tầng tiếp theo gồm 4 bậc tượng trưng cho Tứ Diệu Đế (Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế, Đạo Đế) và Tứ Thần Túc (Dục, Tinh, Tâm Quán), phần trên nữa có dạng bầu là biểu hiện của Ngũ Căn (Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Ðịnh căn, Huệ căn) và Ngũ Lực (Tín lực, Tấn lực, Niệm lực, Ðịnh lực, Huệ lực), phía trên là 13 bậc thang dẫn lên cao tượng trưng cho đường tới cõi Niết bàn chỉ có thể thông qua Bát Chính Đạo, và trên cùng luôn là mặt trăng và mặt trời biểu thị sự minh triết soi sáng mọi vật.

Nổi bật phải kể đến bộ 8 stupa lớn (Eight Great Stupas) kể lại những thành tựu trong cuộc đời tu hành đắc đạo của Phật Thích Ca Mầu Ni; và các Stupa Tomb bằng vàng ròng cực lớn của các đời Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng lưu giữ bên trong cung Potala:

8Stupas.jpg


Những chi tiết thú vị khác của văn vật trong Phật giáo Tây Tạng sẽ được nhắc lại khi cùng bạn đọc đi qua những địa danh ở Tây Tạng ở bài viết tiếp theo :)

(hết bài viết Ngày 5 - Phần 2) ^^
 
Tác giả này như anh em với bác Hà Mã của Mật mã Tây Tạng!
Thanks bạn Mộc, thực ra mình có đọc qua cuốn Mật mã Tây Tạng nhưng mà ko thấy hay lắm :D nói chung là chưa tìm đc cuốn sách nào hay ho về Tây Tạng mà tiếng Việt cả, các thông tin mình post là tham khảo từ nhiều nguồn theo mức chính xác nhất mình có thể làm đc, chắc vẫn có đôi chỗ thiếu sót :D
 
Ngày 5: Thăm thú Lhasa (Phần 3: Đại Chiêu Tự)

3. Đi thăm Đại Chiêu Tự:

Sáng ngày thứ 5 thức giấc, ấn tượng qua 1 đêm là hình ảnh cung Potala chập chờn trong giấc ngủ và cơn nhức đầu khó chịu nhất từ lúc bắt đầu vào Tây Tạng. Ở độ cao trung bình 3500m, thủ phủ Lhasa quả không phải là nơi để khách phương xa dễ dàng thích nghi, chưa kể thời tiết tháng 6 là nóng nhất trong năm (~ 23 độ C ngoài trời), chưa đến 7h sáng mà ánh nắng đã chan hoà trên những rặng núi cao và lan dần vào thành phố :D

Chỗ chúng tôi ở là khách sạn Himalaya (6 East Linguo Road), phòng khá sạch đẹp, có nước ấm 24/24, trong phòng cũng có máy thở oxi đề phòng khách du lịch chưa quen với không khí loãng trong Lhasa (giá thuê máy là 50RMB), tầng trệt của khách sạn cũng có cửa hàng bán đồ lưu niệm. Nhược điểm lớn nhất của hotel là vị trí hơi xa trung tâm quảng trường Potala, từ đây cần khoảng 15' đi bộ để đến được khu phố Bakhor. Kế hoạch trong ngày 5 là dạo quanh Lhasa, đi bộ khu chợ Bakhor và vào thăm Đại Chiêu Tự (Jokhang Temple) buổi sáng, đến trưa sẽ đi thăm cung điện Potala, và chiều về thăm bảo tàng Tây Tạng (Tibetan Museum).

Sau bữa sáng nhẹ của khách sạn, chúng tôi bắt đầu lên đường khám phá Lhasa :) Vài hình ảnh khách sạn Himalaya:

IMG_3714.jpg


IMG_3696.jpg


IMG_3982.jpg


IMG_3694.jpg


Ấn tượng đầu tiên khi đi dạo phố ở Lhasa là người dân ở đây dậy rất sớm, có lẽ bởi mặt trời ló dạng đằng Đông sớm hơn các vùng khác. Trên đường phố ở đâu cũng bắt gặp đoàn người hành hương và người bản xứ đang cùng song hành hướng về một phía - chắc bạn đọc cũng đoán ra - quảng trường Potala. Không khí ban mai của thủ đô trong lành, mát mẻ, có phần se se lạnh. Trời tuy nắng nhưng gần như không thấy ai mặc áo ngắn tay. Lòng vòng trong những con đường tắm nắng, ngắm nghía những ngôi nhà, góc phố, cùng người dân Tạng, du khách có thể thoải mái chụp ảnh, chỉ trừ các bốt gác lưu động trên đường với súng ống và đồ trực chiến của quân đội Trung Quốc! Một vài hình ảnh qua ống kính người viết về buổi sáng thường nhật nơi đây:

IMG_3700.jpg


IMG_3702.jpg


IMG_3704.jpg
 
Ngày 5: Thăm thú Lhasa (Phần 3: Đại Chiêu Tự)

IMG_3706.jpg


IMG_3707.jpg


IMG_3709.jpg


Nét cũ mới chen nhau ở Lhasa chắc không còn xa lạ gì trong những thập kỷ gần đây. Những khung cửa sổ trang trí mandala nhiều tuổi kế cận với những ngôi nhà người Hán mới xây càng minh chứng rõ ràng hơn cho cuộc sống đa sắc tộc trong lòng Lhasa:

IMG_3712.jpg


IMG_3710.jpg


IMG_3726-2.jpg
 
Ngày 5: Thăm thú Lhasa (Phần 3: Đại Chiêu Tự)

Chúng tôi vào thăm một tự viện nhỏ nằm kín đáo bên trong các ngõ hẻm của khu chợ Bakhor, vì tự viện không cho chụp ảnh nên chỉ có vài hình ảnh phía ngoài chia sẻ cùng bạn đọc:

IMG_3726.jpg


IMG_3722.jpg


Sáu chiếc kinh luân (pháp khí của Mật tông) ứng với Lục Tự Đại Minh Chú - Om Mani Padme Hum:

IMG_3713.jpg


IMG_3722-2.jpg


Bên trong tự viện, tôi bắt gặp ở gian thờ Phật dắt trên khung cửa là những tờ tiền 2,000 hay 5,000 đồng Việt Nam, đầy phấn khích tôi cũng để lại một tờ tiền Việt làm kỷ niệm mùa hè đến thăm nơi đây ^^ Người Tạng mua những túi cây khô như thế này để đốt, khói trắng từ stupa lan toả trên nền trời xanh thẳm:

IMG_3725.jpg


IMG_3716.jpg


IMG_3719.jpg
 
Ngày 5: Thăm thú Lhasa (Phần 3: Đại Chiêu Tự)

Nụ cười người Tạng: tay phải là chiếc chuyển kinh luân xoay theo chiều kim đồng hồ, tay trái là bọc tiền lẻ Nhân Dân Tệ. Tôi mất 1 RMB để chụp được bức ảnh này, tuy nhiên không nên lấy đó làm lạ, cũng chẳng hoài công xét đoán làm gì! Có chăng lại nhớ câu chuyện 2 vị tôn giả A Nan, Ca Diếp xưa cũng từng đòi Đường Tăng phải đổi bát tộ vàng thì mới trao cho Kinh pháp; nhìn theo góc độ học đạo thì đạo pháp không thể truyền thụ dễ dàng cho nên kẻ muốn thọ giáo phải đánh đổi. Thêm nữa, kiến giải của A Nan, Ca Diếp là phải có ăn để sống mà viết ra kinh, còn với tay trắng mà đòi lấy kinh truyền đời thì người sau có mà chết đói. Có thực mới vực được đạo, cái sự tưởng chừng như đơn giản mà khó lãnh hội biết bao! Câu chuyện cũ lướt qua trong tôi giây lát, rồi lại về với thực tại phố phường Bakhor:

IMG_3724.jpg


Rời tự viện, chúng tôi rảo bước trên con đường dẫn đến Đại Chiêu Tự. Trong tiếng Tạng, Bakhor Square có nghĩa là Bát Giác Nhai, nơi đây lấy Jokhang Temple làm tâm điểm, là nơi nhộn nhịp thứ nhì trong trung tâm Lhasa, chỉ sau quảng trường Potala. Đường đến Jokhang đầy nắng và gió, hai bên đường là các quầy hàng bán đồ lưu niệm Tây Tạng sặc sỡ sắc màu:

IMG_3727.jpg


IMG_3728.jpg


IMG_3733.jpg


IMG_3732.jpg


Những người dân Tạng đi vòng quanh Đại Chiêu Tự theo chiều kim đồng hồ, coi đó là vòng Kora khổng lồ bao ngoài tự. Ngay trước cửa Jokhang Temple là 2 cây cột lớn quấn kỳ ngũ sắc của Phật giáo. Theo lời của hướng dẫn viên du lịch sau này chỉ cho chúng tôi biết, những nơi nào có 2 cột lớn như vậy là biểu trưng thánh địa được Phật giáo hộ trì, bên trong sẽ thờ tượng Đức Phật cùng chư vị Bồ Tát và các Hộ Pháp nhà Phật:

IMG_3731.jpg


IMG_3736.jpg
 
Ngày 5: Thăm thú Lhasa (Phần 3: Đại Chiêu Tự)

Ngay bên ngoài Jokhang Temple, ở hai phía tả hữu là dòng người hành hương mộ đạo làm lễ ngũ thể nhập địa tiêu biểu nhất trong các nghi lễ bái Phật của Tây Tạng: trước tiên là 2 tay chụm lại làm thành hình như búp sen chưa nở, sau đó chạm lên đầu, chạm xuống phía dưới cằm, rồi chạm xuống ngực, thân hình theo đó mà cúi thấp xuống, 2 tay đưa về phía trước rồi đầu gối quỳ xuống cho đến khi chạm toàn thân xuống đất, khi đã nằm song song với mặt đất thì 2 tay lúc này ở phía trên đầu, ngón tay có thể lần 1 hạt trong tràng hạt hoặc bấm vào 1 máy nhỏ đeo ở cổ tay; như vậy là làm xong 1 lần lễ. Người Tạng đến Đại Chiêu Tự bày tỏ lòng thành bằng hình thức bái lạy như thế, ít nhất là lần hết 108 hạt trong tràng hạt hoặc làm đến 10,000 lần! (có sự tích đằng sau con số 10,000 này mà người viết sẽ chia sẻ với bạn đọc trong bài viết ngày cuối ở Thanh Hải :p)

IMG_3734.jpg


IMG_3736-2.jpg


IMG_3730.jpg


IMG_3740.jpg


IMG_3741.jpg


IMG_3745.jpg


Không ai bảo ai, trong cái nắng ban mai đang chiếu rọi trên nóc chùa Đại Chiêu, chúng tôi im lặng chôn chân trước nghi lễ tôn giáo khổ hạnh nhưng mang niềm tin tâm linh mạnh mẽ đó:

IMG_3738.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,423
Bài viết
1,175,764
Members
192,098
Latest member
vnae888
Back
Top