What's new

[Chia sẻ] Trường Sa ... viết về nơi tôi đã một lần đến

Trước hết tôi rất xin lỗi vì lời hứa viết ngay về chuyến đi của tôi để chia sẻ cùng các bạn những cảm nhận của cá nhân trong chuyến đi Trường Sa vừa rồi. Thật đáng tiếc vì thời gian vừa rồi quá nhiều việc cần giải quyết nên tôi chưa thể làm được, tuy vậy những cảm nhận trong chuyến đi này vẫn còn in đậm trong tôi không hề phai nhạt. Tôi luôn tin rằng mình có thể viết lại vào bất kỳ thời gian nào.

Hôm nay cho phép tôi quay lại diễn đàn, chia sẻ cùng các bạn những cảm nhận của cá nhân về chuyến đi với tôi đó là lịch sử. Những bài viết này, khi nhận được góp ý của các thành viên và bạn bè tôi sẽ gửi tặng các chiến sỹ, thủy thủ mà tôi đã rất ngưỡng mộ.

Có một điều tôi luôn mong muốn và chúc cho các bạn đang nuôi dưỡng ước mơ cháy bỏng "ra với Trường Sa" đó là hãy đừng dừng lại, tiếp tục ước mơ rồi một ngày ước mơ sẽ thành sự thật như chính ước mơ của tôi. Chỉ có điều rằng đó không phải là cuộc dạo chơi đơn giản, đó là thử thách các bạn phải vượt qua, nhưng tôi cam đoan đó thực sự là điều thú vị mà trong đời hãy cố gắng để được một lần cảm nhận.

Trong những bài viết của tôi, xin phép sẽ không đưa tên từng người cụ thể, hãy coi như tôi đang viết về các anh những người con của tổ quốc, đang hiến dâng tuổi trẻ của mình cho nhiệm vụ cao cả thiêng liêng "Giữ toàn vẹn vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc". Xin được cảm ơn tất cả những người đã cho tôi cảm hứng để viết được loạt bài này, và cũng xin được cảm ơn các bạn đã đọc và góp ý giúp tôi có cơ hội hoàn chỉnh hơn.

Cảng Lữ đoàn 125, nơi chúng tôi khởi hành ra Trường Sa:
canglu125.jpg


Tàu Trường Sa 19 bắt đầu rời cảng:
truongsa19rky.jpg


Những con sóng bắt đầu đón tàu chúng tôi:
songa.jpg


song1.jpg


Bình minh trên Biển Đông:
binhminh.jpg


binhminh1.jpg
 
Nhà cháu tán thành đề xuất của bác. Bác cứ mở topic mới đi, nhà cháu tin là các bạn Phượt sẽ ủng hộ sáng kiến này!
 
Kính các Phượt Gia và rất mong có ý kiến phản hồi để em mở topic mới! Em cũng là thằng cẩn thận nên chỉ muốn làm khi khả năng thành công là 50+1 thôi, mong các bác thông cảm khi thấy những dòng này ở đây.

Ngày xưa các cụ có câu: Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng gậy gộc. Em thấy chẳng có cái gì mà tự nhiên thành công được cả, mất công mất sức tích tiểu thì mới thành đại. Vậy nên máu thì chơi đi bác, admin đã có lời ủng hộ rùi. :))

Lần sau bác có về HP thì nhắn nhe em cái. Em mời bác đi uống cafe để trả công nhờ bác chuyển sách hộ. :D
 
Hoàn toàn ủng hộ ý kiến của bác VietGaz, nhưng theo em, muốn làm tốt việc này, ta nên có kế hoạch làm việc cụ thể với Quân chủng Hải Quân - nơi trực tiếp tiếp nhận, phân loại quà tặng.
Chúng ta cũng nên tự hỏi tại sao ở ngoài đảo lại chỉ có toàn sách lý luận, chính trị, em thiết nghĩ, bên Quân đội có cả một nhà xuất bản Quân đội, không phải là họ không có sách để gửi ra đó, rồi còn nữa, các nhà xuất bản khác nữa cũng luôn sẵn sàng ủng hộ, v.v. Vậy tại sao tủ sách ngoài đảo chỉ khiêm tốn đến thế.
Em xin nêu một ví dụ cụ thể: Chuyện phủ sóng điện thoại ở đảo.
Để cho phép phủ sóng Viettel ngoài đảo cũng là cả một vấn đề mà các bác quân đội đã nghiên cứu nát óc rồi mới quyết cho bởi cái gì cũng có 2 mặt của nó : Mặt tích cực thì đương nhiên thấy rõ rồi, tạo cho anh em chiến sĩ cảm thấy gần gũi với đất liền hơn, có thể trực tiếp trò chuyện hàng ngày với người thân, rút bớt khoảng cách xa nhớ. Nhưng đôi khi cũng lại là phản tác dụng, làm cho tinh thần chiến sĩ ít nhiều xáo động, đơn cử như : chuyện hàng ngày ở nhà vợ con ốm đau thế nào, bố mẹ khỏe yếu ra sao, rồi bố mẹ mất mà không được về chịu tang, v.v. đã tác động không ít đến tinh thần rèn luyện và ý chí chiến đấu của các chiến sĩ v.v.
Chúng ta chỉ nhìn sự việc dưới góc độ của dân sự nên đôi khi không đúng với chủ trương của các bác quân sự.
Vậy theo em ta nên nghiên cứu kỹ thể loại sách gửi ra đó để tránh lãng phí và có hiệu quả sử dụng thực tế nhất. Có thể các sách về kỹ thuật phù hợp ạ.
 
Last edited:
Hoàn toàn ủng hộ ý kiến của bác VietGaz, nhưng theo em, muốn làm tốt việc này, ta nên có kế hoạch làm việc cụ thể với Quân chủng Hải Quân - nơi trực tiếp tiếp nhận, phân loại quà tặng.

Rất cảm ơn bạn chauha, hôm trước mình đi HP cũng rẽ qua cơ quan là vì việc đó. Mình đã được giới thiệu với người phụ trách và hẹn tuần sau mình sẽ gặp chính thức. Cũng nhân tiện là hôm trước có lãnh đạo HQ đã đề cập đến vấn đề này.
Mình sẽ nghiên cứu và xem xét cẩn thận để anh em mình thứ nhất là không mất công, thứ hai là đi đúng hướng và thứ ba là có thể ... thôi thì cứ phải ước mơ thôi.
 
Ý hay lắm, mình cũng ủng hộ nhưng mình muốn nhắc các bạn là các đảo TS là do quân đội quản lý không phải tự do như các phần khác của đất nước. Sách thì nhà nước có không thiếu nhưng mình nghĩ rằng sách đem ra đảo chắc có sự kiểm duyệt theo tinh thần của quân đội. Ngay cả mấy cuốn ebook mình soạn mình cũng cứ in ra rồi gửi nhưng mình không chắc là ngoài đó nhận được.

Tiện góp ý bác VietGaz về các chủng loại sách

1-OK thôi khỏi. (món này ngấy lắm)
2-Các sách về TS như các tiểu thuyết, ký, tài liệu về lịch sử TS-HS phải đưa lên hàng đầu. Các tiểu thuyết khác thì không biết loại nào được duyệt loại nào không nhưng văn học cổ điển thì chắc được. Bác VietGaz khi làm việc với bên HQ phải hỏi cho rõ loại nào OK.
3-Sách dạy nghề nên cung cấp theo dạng "on demand" chứ gửi chung chung thì khó
Phần lớn các sách có thể tìm trên mạng. Chỉ cần Phượt gia ta quyên góp tiền in ra rồi gửi đi thôi.
 
Last edited:
Ý hay lắm, mình cũng ủng hộ nhưng mình muốn nhắc các bạn là các đảo TS là do quân đội quản lý không phải tự do như các phần khác của đất nước. Sách thì nhà nước có không thiếu nhưng mình nghĩ rằng sách đem ra đảo chắc có sự kiểm duyệt theo tinh thần của quân đội. Ngay cả mấy cuốn ebook mình soạn mình cũng cứ in ra rồi gửi nhưng mình không chắc là ngoài đó nhận được.

Tiện góp ý bác VietGaz về các chủng loại sách

1-OK thôi khỏi. (món này ngấy lắm)
2-Các sách về TS như các tiểu thuyết, ký, tài liệu về lịch sử TS-HS phải đưa lên hàng đầu. Các tiểu thuyết khác thì không biết loại nào được duyệt loại nào không nhưng văn học cổ điển thì chắc được. Bác VietGaz khi làm việc với bên HQ phải hỏi cho rõ loại nào OK.
3-Sách dạy nghề nên cung cấp theo dạng "on demand" chứ gửi chung chung thì khó
Phần lớn các sách có thể tìm trên mạng. Chỉ cần Phượt gia ta quyên góp tiền in ra rồi gửi đi thôi.

Lĩnh hội ý kiến bác, rất nhiều các bác ủng hộ thế này là hay lắm rồi. Tuần sau em đã hẹn đước bác Chính trị gia bên ấy, em sẽ nhờ bác ấy tư vấn cụ tỉ như thế nào. Em sẽ update lien tục vì tuần sau em chắc sẽ ở dưới HP cả tuần cơ.
 
ĐỔI MỚI Ở TRƯỜNG SA

Lần đầu tiên được ra với Trường Sa nhưng lại chọn viết về những đổi mới ở Trường Sa có lẽ không phải là lựa chọn hợp lý, nhưng tôi thực sự muốn viết để so sánh về những gì tôi đã được đọc trước đây và những gì tôi đã được tận mắt chứng kiến, trong chuyến đi Trường Sa đầy may mắn của mình và để sự lựa chọn của mình không quá vô lý, tôi tự đưa ra quy ước rằng những gì mới được xây dựng trên đảo sẽ được coi là sự đổi mới ở nơi đây.

Năng lượng tự nhiên - Nguồn sáng mới ở Trường Sa:
Năng lượng luôn là sự sống còn đối với bất kỳ cộng đồng dân cư nào tồn tại trên trái đất này, đó có thể là cây lá, củi khô để nấu chín thức ăn đồ uống, đó là than là điện phục vụ cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Như đã nói trong bài trước, chúng tôi là những người may mắn trong rủi ro, vì không được cập cảng Trường Sa ngay khi đến đảo, chúng tôi lại có được cơ hội ngắm toàn cảnh Trường Sa về đêm. Khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc đảo Trường Sa hiện ra lung linh trên nền biển đêm thẫm màu, ánh sáng từ những ngọn đèn cao áp soi tỏ những tán cây xanh mướt, làm rực sáng những nếp nhà mái ngói đỏ tươi, những con đường bê tông uốn lượng quanh đảo, khu đường băng rộng thênh thang và những chiếc quạt gió phát điện đang quay miệt mài ngày đêm. Cảnh đẹp mê hồn này sẽ chẳng bao giờ chúng tôi có may mắn được ngắm nhìn thoả thích nếu chúng tôi được phép lên đảo ngay trong buổi sáng hôm đó. Sáng hôm sau khi tàu được phép cập cảng, đặt bước chân hồi hộp đầu tiên lên cầu tàu, tôi thực sự bị hút hồi bởi những cột đèn đã chiếu sáng cả đảo đêm hôm qua, những chiếc chong chóng phát điện bằng sức gió, những tấm pin mặt trời kích thước lớn lắp trên nóc nhà sáng choang dưới nắng mặt trời và một màu xanh ngát cây lá Trường Sa. Tôi có cảm giác như đây là vùng đất văn minh của một quốc gia nào đó ở Bắc Âu chứ không phải là đảo Trường Sa vẫn còn vô vàn gian khó.

Nguồn cung cấp năng lượng cho toàn đảo tới thời điểm hiện tại đến từ tự nhiên 100%, những cột đèn chiếu sáng mà chúng tôi thấy sáng rực đêm qua là những cột đèn chạy bằng năng lượng mặt trời, tấm pin mặt trời được lắp trên đỉnh cột, điện được tạo ra từ đây và nạp cho các ắc quy lắp phía dưới chân cột, đèn chiếu sáng sử dụng hàng chục các bóng nhỏ công nghệ LED ánh sáng xanh và đặc biệt sáng, ngay cả khi không có mặt trời, điện được nạp trong ắc quy cũng đủ để chiếu sáng cho ba đêm tiếp theo. Các cột đèn này hoạt động độc lập và tự động hoàn toàn, thiết bị cảm biến ánh sáng sẽ tự động điều khiển thời gian bật hay tắt. Hệ thống phân phối điện cao thế phục vụ sinh hoạt đã được hoàn tất, toàn bộ hệ thống dây dẫn đều được đi ngầm trong các hộp bê tông kỹ thuật dọc theo những con đường. Điện cao thế trên đảo được lấy từ hai nguồn, năng lượng mặt trời và năng lượng gió, tổng cộng trên đảo Trường Sa có 13 chong chóng phát điện, mỗi khu nhà phát điện gió được hợp bởi 3 chóng chóng, duy nhất có một trạm phía bắc đảo có tới 4 chong chóng. Các chong chóng được thiết kế đặc biệt thích nghi với môi trường khắc nghiệt ở nơi đây, trung bình chúng có thể chịu được sức gió 12 mét/giây và khi bão đi qua với gió giật tất cả các chong chóng này đều có hệ thống tự động điều khiển cho chúng đổi sang hướng nằm ngửa như chong chóng lớn của máy bay trực thăng và ngừng hoạt động hoàn toàn để đảm bảo an toàn. Tuốc bin của những chong chóng này tạo ra nguồn điện 24V qua hệ thống nạp vào hàng chục chiếc ắc quy dung lượng lớn được lắp đặt trong trạm, nguồn điện 24V từ ắc quy sẽ được đưa qua bộ chuyển đổi để tạo ra dòng điện 220V, ngoài ra hệ thống điều khiển trong trạm còn cho phép trạm tự động “đốt” bớt nguồn điện năng dư thừa khi không có tải. Ngoài ra trên mỗi nóc trạm điện này còn được lắp đặt hàng chục mét vuông các tấm pin mặt trời, nguồn điện tạo ra từ những tấm pin mặt trời này cũng được dẫn chung vào với hệ thống xử lý nguồn tạo ra từ các chong chóng nói trên. Ngoài ra bạn còn có thể bắt gặp rất nhiều các tấm pin mặt trời đơn lẻ khác được lắp đặt ở rất nhiều khu nhà trên đảo. Khi tôi ra với Trường Sa cũng là lúc đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thiện những chong chóng và pin mặt trời cuối cùng để sớm bàn giao hệ thống sản xuất và cấp điện cho huyện đảo, có thể nói rằng Trường Sa đã đi sớm hơn một bước so với đất liền trong việc khai thác tối đa nguồn năng lượng tự nhiên phục vụ cho cuộc sống và sự phát triển ở nơi đây.
 
ĐỔI MỚI Ở TRƯỜNG SA (TIẾP)

Dân cư - Sức sống mới của Trường Sa

Ở đâu có tiếng cười trẻ thơ thì nơi đó sự sống mới thực sự đang tồn tại. Trường Sa cũng vậy, nếu chỉ có những người lính giữ gìn đảo xa thì không thể nói rằng Trường Sa đang thực sự đổi mới. Trường Sa bây giờ đã ríu rít tiếng cười nói nô đùa của lũ trẻ, chỉ nhìn chúng chạy chơi hồn nhiên trên đảo là bao khó khăn đời thường đã bớt đi được bội phần. Trên đảo có hẳn một khu dân cư mới xây dựng với bảy căn biệt thự đẹp như như mơ, mái ngói đỏ tươi, tường rào, sân vườn thoáng đãng. Dãy biệt thự liền kề nằm giữa những lùm cây bão táp xanh tươi hướng mặt ra biển, mỗi gia đình ở đây đều có từ một đến hai cháu. Nhà văn hoá huyện đảo cũng đồng thời là trường học, trường có từ lớp mẫu giáo đến lớp 4, không gian mở và quang cảnh tự nhiên ở ngôi trường này thì hiếm có ngôi trường nào trên đất liền có thể theo kịp. Buổi chiều khi tôi đến thăm khu dân cư, tôi gặp bọn trẻ đang nô đùa vui vẻ dưới tán bàng, trên nóc lô cốt, đuổi nhau quanh những khóm bão táp xanh mướt, tất cả đều khá hòa đồng và mạnh dạn. Tôi ngồi nói chuyện, dẫn bọn trẻ đi chụp ảnh quanh khu nhà, nói chuyện với nhau như những người thân quen, tôi hỏi tất cả về việc học tập, vui chơi, về những ước mơ ngày mai. Đổi lại bọn trẻ dẫn tôi đi khoe vườn rau của gia đình, chúng say sưa kể về rau mồng tơi, mướp, ra cải, rau thơm …đang lên xanh mơn mởn. Sau đó tất cả chúng tôi kéo nhau ra phía bờ kè ngồi ngắm hoàng hôn dần buông, và những chiếc tàu đang neo tạp ở gần đảo. Tuy đã cố gắng hết mức có thể để chu tất cho bọn trẻ, nhưng dẫu sao cuộc sống nơi đây vẫn còn quá khó khăn và thiếu thốn đối với chúng, nhìn bọn trẻ nơi đây tôi chợt thấy nao lòng và thầm ước mong cuộc đời sau này sẽ luôn mỉm cười để bù đắp lại những tháng ngày thơ bé. Buổi tối hôm ấy, khi tôi ra xem biểu diễn văn nghệ dưới chân cột mốc chủ quyền, gặp lại những cô bé cậu bé buổi chiều được ba mẹ mặc những bộ quần áo đẹp hơn, chạy nhảy tung tăng trước sân khấu, hồn nhiên cổ vũ cho các ca sỹ biểu diễn trên sân khấu, tôi hỏi một em bé “lớn lên con thích làm gì?”, cười rất tươi cô bé trả lời “con thích làm ca sỹ”. Bọn trẻ ở Trường Sa như một luồng gió mới, một hình ảnh đẹp, một dấu gạch nối của tình quân dân và cũng sẽ là mục tiêu để các chiến sỹ nơi đây chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc và bảo vệ cuộc sống yên bình cho những chủ nhân tương lai.

Cơ sở hạ tầng - Nền tảng cho phát triển bền vững
Hệ thống đường giao thông trên đảo Trường Sa đã khá hoàn chỉnh. Phải nói đến trước tiên là hệ thống bờ kè chắn sóng bảo vệ đảo, toàn bộ viền ngoài của đảo được khép kín bằng kè đá bê tông, với các phiến bên tông tách sóng nằm sát dưới mặt nước, bờ kè uống cong có tác dụng triệt tiêu lực tác động của những con sóng lớn đồng thời có tác dụng hạn chế sự xâm nhập trái phép, theo bờ kè chắn sóng này tôi đã đi bộ được một vòng quanh đảo Trường Sa để ngắm những bãi đá ngầm dưới làn nước trong vắt, những dải cát trắng, những vạt rau muống biển, cây phong ba cổ thụ và những khóm bão táp. Từ bờ kè này, có thể thấy những con đường bê tông gọn gàng phẳng phiu dẫn đến từng phân đội, từng khu vực trên đảo. Hầu hết những con đường trên đảo đều rợp mát bới những tán bàng, tra và bão táp, cũng rất vô tình những tán cây xanh tốt này tạo nên những cổng vòm tuyệt đẹp ngay phía trên con đường để mỗi khi chiều xuống, đứng ở đầu này đường nhìn sang đầu kia nơi ánh sáng cuối ngày chênh chếch, bạn sẽ có cảm giác đang sắp bước vào con đường lung linh huyền diệu để đi đến miền bồng lai tiên cảnh. Ngoại trừ 2 chiếc xe công nông của bộ đội công binh sử dụng để vận chuyển nguyên vật liệu, trên đảo không có bất kỳ phương tiện giao thông nào khác, không khói, không bụi, không mùi xăng dầu, không chen lấn cướp đường, với tôi giao thông trên đảo Trường Sa là tuyệt vời nhất. Cho dù chỉ là một hòn đảo, nhưng việc hoàn thiện được cơ sở hạ tầng giao thông cũng sẽ là nền tảng cho sự phát triển ổn định của Trường Sa trong tương lai.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,672
Bài viết
1,171,069
Members
192,337
Latest member
xjjrc
Back
Top