What's new

Truyện Me Tây lên VTV1

Trận đánh đêm giao thừa.

Tôi trẻ nhất trong hội cựu chiến binh của xóm. Cụ chủ tịch và vài cụ nữa là lính chống Pháp. Số còn lại là lính chống Mỹ, mỗi mình tôi là lính đánh Tầu.


Từ dạo bố tôi về hưu đến giờ già và yếu đi rất nhanh. Tôi động viên ông tham gia sinh hoạt tất cả các hội hè đình đám, cốt cho những năm tháng còn lại không cảm thấy nhàm chán vô nghĩa. Thế nên cả hai bố con cùng làm đơn gia nhập hội cựu chiến binh cho vui. Chứ bản thân tôi chưa đến tuổi nhấm nháp niềm vui quá khứ oanh liệt như các cụ.


Hội cựu chiến binh xóm tôi vui lắm. Tháng nào cũng họp một phiên chính thức và dăm phiên không chính thức, thỉnh thoảng có mở rộng cho lớp thanh niên trưởng thành sau chiến tranh đến hóng chuyện. Các cụ họp thì hài đáo để, độ mươi phút đầu nghiêm túc trao đổi, phổ biến chính sách của Đảng và nhà nước, còn đâu là mạnh ai người ấy nói. Tất nhiên, bản thân các cụ luôn là nhân vật chính trong câu chuyện có những tình tiết nhuốm màu huyền thoại. Các cụ đánh Pháp thì kể chuyện “đường bốn”, chuyện “Điện biên”. Các cụ đánh Mỹ thì kinh điển “Mậu Thân”, “thành cổ Quảng trị”, “ba mươi tháng tư”. Ngay như bố tôi, lính tên lửa thời chống Mỹ, suốt 8 năm chỉ ở sân bay Bạch Mai nhưng cũng hào hứng kể đi kể lại hai sự kiện đáng nhớ là “bảy mốt sang Lào 3 tháng rình bắn B52” và “Hà nội mười hai ngày đêm khói lửa”. Tôi cũng có chuyện để kể, nhưng chẳng biết kể cho ai nghe. Thứ nhất là kí ức trận mạc của tôi quá mỏng so với các cụ, mỏng đến phát buồn cười. Thứ hai là tuổi đời lẫn tuổi quân đều là phận con phận cháu, nên giả sử tôi có được khoảnh khắc khi các cụ khản cổ thấm mệt, tranh thủ kể về trận đánh có mình tham gia thì các cụ cũng sẽ xoa đầu bảo “chuyện trẻ con, tầm phào ba lăng nhăng”. Tốt nhất là im lặng, nếu ai hỏi thì nói.


Thế rồi cũng có người hỏi, đó là một cụ lính chống Pháp. Hôm tôi đưa bố tôi đi tập hát chuẩn bị kỉ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước, trong lúc nghỉ giải lao, cụ nhìn bố tôi rồi nói:


_Anh mới vào hội phải không? Còn cái anh cu này - Cụ chỉ sang tôi - Anh vào hội cựu binh thì hợp lý hơn.

_ Sao lại thế hả cụ? Cháu có đánh trận mà, cựu chiến binh mới phải chứ.

_ Đánh rồi à? Trận nào thế? Liệu đã bắn phát súng nào chưa? Cụ chống Pháp khẽ kéo chiếc kính lão trễ sâu xuống sống mũi, nhướn mắt hóm hỉnh nhìn tôi.

_ Bắn khiếp ấy chứ cụ! Kéo cò 3 lần đi hết 3 băng AK. Đạn bay hoành tráng lắm - Tôi đùa vui với cụ.

_ Thế là anh bắn chim thì có. Mà lạ nhỉ, thời anh mà vẫn còn giặc cơ à?

_ Vâng, còn cụ ạ - Tôi trả lời.


* * *


Đơn vị tôi tăng cường cho mặt trận hơn một tháng nay. Tiếng là ở mặt trận chứ chúng tôi vẫn đang ở tuyến dưới, tuyến an toàn, cách nơi giao tranh tới mấy km theo đường chim bay. Một vài đại đội đã vào sâu bên trong. Từ chỗ chúng tôi đêm đêm vẫn nghe thấy tiếng súng nổ và nhìn thấy ánh lửa đầu nòng của các đơn vị chiến đấu trong ấy. Toàn mặt trận đang trong chiến dịch đánh lấn dũi. Ta với địch giằng co nhau từng mét đất, từng góc hào. Súng nổ kéo dài dễ đến tháng rưỡi. Tôi ở thê đội dự bị, lúc nào có lệnh là xuất kích.


Chập tối hăm chín Tết, trời rét cắt da cắt thịt, chúng tôi nhận lệnh cơ động vào sâu hơn, tập kết trong hang đá ngay sát chân dãy núi có chiến sự. Từ trong hang nhìn ra cánh đồng Tử thần trước mặt, đạn cối của địch nổ chí chát suốt ngày đêm. Trời bắt đầu mưa xuân, cây cối ở đây chẳng còn để nhú mầm. Mặt đất nứt toác, nham nhở hố đạn cối 120 ly. Bọn tôi bảo nhau: “thế là sắp vào trận rồi”.


Khoảng bảy giờ tối ba mươi Tết chúng tôi rời khỏi hang đá áp sát trận địa. Cả dãy núi dài hàng chục km này, ranh giới ta và địch hầu như không xác định được. Thế trận cài răng lược, mỗi ngọn núi, mỗi mỏm đồi đều là trận địa. Đến 9 giờ thì hỏa lực mạnh của ta bắt đầu bắn áp chế. Khoảng 30 phút sau bộ binh tấn công. Tôi sợ quá chúi đầu vào mô đất nhắm mắt bịt tai lại, đạn bay đan chéo chiu chíu trên đầu. Phải đến mươi phút sau tôi mới hoàn hồn, khẽ hé mắt nhìn xung quanh. Ánh pháo sáng mờ mờ đủ để nhìn thấy đồng đội gần đó khiến nỗi sợ hãi cũng vơi đi ít nhiều. Tôi bị tụt lại đằng sau còn một mình, những người xung quanh đã bò lên cách tôi cả chục mét. Mở mắt thấy ánh lửa chớp lóe xa xa, chắc là ổ đề kháng của địch, tôi hướng khẩu súng về đó xiết cò. Loạt đầu chắc đi hết nửa băng, đường đạn đỏ lòm vung vẩy lên trời. Tôi bắt đầu bò theo bóng áo đồng đội thấp thoáng phía trước. Tôi gọi họ nhưng tiếng súng rổ ran át cả tiếng gào của tôi. Cứ thế tôi bò, lăn bên này, lộn bên kia để tìm chỗ nấp an toàn. Lâu lâu lại ngóc nòng súng lên bắn một loạt vài phát. Đến băng đạn thứ hai thì tôi đã làm chủ được ngón tay bóp cò, tác xạ đã khá hơn nhưng cũng chưa đủ bình tĩnh để bắn điểm xạ 2 viên như lý thuyết. Bắn hết băng đạn thứ 3 thì tiếng súng thưa dần rồi tắt hẳn. Tôi mụ mị đầu óc và không ước lượng được thời gian, trận đánh xảy ra bao lâu rồi? Ai đó gần tôi hét lên: “Giao thừa rồi! Ngừng bắn rồi anh em ơi”. Tai tôi lúc đó ù đặc, lõm bõm nghe câu được câu chăng nên đoán nó là như thế.


* * *


_ Đánh đấm gì mà chỉ thấy bò lê bò càng với cả bắn chỉ thiên thế? Cụ chống Pháp buông lời nhận xét.

_ Thì cụ thông cảm cho cháu chứ, lính mới đánh trận đầu mà. Không tè ra quần là may đấy – Tôi bảo.

_ Thế trận sau có khá hơn không? Cụ chống Pháp hỏi ra điều rất thông cảm.

_ Làm gì có trận nào nữa hả cụ. Một trận duy nhất trong đời lính. À...mà cháu quên, ngoài bắn 3 băng đạn ra cháu còn ném 2 quả lựu đạn nữa – Thực tình mà nói thì tôi không nhớ có ném 2 quả lựu đạn hay không, bởi sau trận đánh, kiểm tra bao xe thấy thiếu 2 quả mỏ vịt. Chẳng biết nó rơi lúc lăn lộn tránh đạn hay ném rồi mà không nhớ vì hoảng loạn. Giờ cứ khai bừa với các trưởng lão cho kinh nghiệm trận mạc thêm phần gồ ghề.

_ Anh chẳng bắn chết được tên địch nào nhỉ! Cụ chống Pháp cảm thán.

_ Có chứ! Bắn thì không nhưng cháu ném chết một tên.

_ Anh bảo sao? Ném chết à! Sao không bắn mà lại ném đá? Cụ chống Pháp sốt sắng hỏi.

_ Ngừng bắn mà cụ. Tôi cười trả lời. Cứ thấy nói đến giết được địch là các cụ hoạt náo hẳn lên. Tôi lại tiếp tục miên man với câu chuyện của mình hai chục năm trước.


* * *
 
tiếp Trận đánh đêm giao thừa

Đúng là ngừng bắn thật. Ngừng bắn 3 ngày để đón năm mới. Trận địa im ắng khác thường. Đại đội trưởng đang hò trung đội công binh lên gài mìn đề phòng địch không tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn, nổ súng tấn công hòng tái chiếm vị trí trong đêm nay. Mệnh lệnh ban xuống toàn bộ chiến sỹ không được rời vị trí chiến đấu cho đến sáng.


Tôi tựa lưng vào vách hào lạnh ngắt, mắt díp lại, chập chờn trong giấc ngủ không thể cưỡng lại của tuổi mới lớn.


Tôi tỉnh dậy khi trời gần sáng vì lạnh. Cái áo bông đang mặc ướt đẫm sương đêm. Sương đọng thành giọt nước tí tách nhỏ xuống từ vành mũ sắt. Tôi run rẩy đứng dậy, răng va vào nhau lập cập, người ngợm đau ê ẩm như bị đánh nhưng vẫn lành lặn.


Làm mấy động tác thể dục cho đỡ mỏi, tôi quan sát trận địa. Đêm qua, khi chúng tôi bắt đầu tấn công, hình như là từ dưới chân đồi. Tôi nói hình như là bởi trời tối quá, không quan sát được cảnh vật xung quanh để xác định. Sau đó, tôi toàn bò lên dốc, thỉnh thoảng lại rơi tõm xuống hố đạn hay rãnh nước nào đó. Bây giờ tôi đang đứng dưới một ngách hào, đường hào chạy nhằng nhịt từ trên đỉnh xuống lưng chừng quả đồi lở loét. Xa xa còn nhìn thấy vài xác lính Tầu vắt vẻo trên thành hào, máu chảy thành vũng dưới đất. Tôi nhủ thầm, đây chắc là khu vực phòng thủ trung tâm, ta đã đánh bật được địch ra khỏi vị trí này.


“Năm mới năm me

Chúc mày mạnh khỏe

Mày có tiền lẻ

Cho tao vài xu”


Một cậu ở ngách hào bên cạnh ê a đọc trại câu đồng dao. Tôi sực nhớ hôm nay mùng một tết. Năm ngoái, tôi vẫn còn là một cậu bé, sáng mùng một chạy ra vòi tiền mừng tuổi của bà nội, tranh nhau đốt pháo với cậu em. Năm nay đã thành một chàng trai, một người lính vừa trải qua một trận đánh vào đêm giao thừa. Sáng mùng một vai đeo AK vẫn khét mùi thuốc súng, đứng hiên ngang giữa trận tuyến, xung quanh là xác quân thù. Tôi tả lại thế cho khí thế chứ thực ra lúc đó sống mũi cay nồng, sụt sịt vì sợ, vì lạnh và vì cả nhớ nhà.


Chẳng hiểu sao tôi bắt đầu di chuyển men theo giao thông hào. Tính khí trẻ con ưa khám phá vẫn chưa chịu rời bỏ một thanh niên vừa bước sang tuổi 18. Đồng đội tôi có người lôi cơm nắm ra trệu trạo nhai, có người vẫn nằm trong vị trí chiến đấu, nhưng ngủ gật, đầu chúi vào báng súng. Tôi rẽ phải, hướng lên đỉnh đồi, muốn lên chỗ cao nhất để nhìn toàn cảnh trận địa cho rõ hơn.


Ngay khúc quanh đầu tiên của đường hào, tôi đã phải đối mặt với người lính của bên kia. Tôi thấy anh ta đang nghển cổ qua bờ hào hướng về phía chúng tôi nấp lúc nãy để quan sát. Lúc tôi nhận ra đôi chân quấn xà cạp thì đã quá muộn, chỉ còn cách anh ta mấy bước chân. Cả hai chúng tôi đều giật mình khi nhìn thấy nhau. Chân tôi dính chặt xuống đất, muốn chạy mà không được, cánh tay cầm súng tê cóng không nhấc nổi. Anh ta nhìn tôi, ánh mắt sắc lạnh nhưng vẫn không giấu được sự bối rối. Phải vài giây sau anh ta mới có phản ứng của một người lính kinh nghiệm chiến trường, đó là quăng mình vào nhánh hào xương cá, khuất với góc bắn của tôi. Tôi lập cập lên đạn, viên đạn cũ vẫn đang nằm trong ổ đạn văng xuống đất. Từ ngách hào ấy, tôi thấy anh ta hét lên câu gì đó hai ba lần. Tôi không hiểu anh ta nói gì nhưng điều đó khiến tôi chợt nhớ đến thông điệp ngừng bắn. Tôi cũng hét lên một câu ngớ ngẩn gì đó và vơ vội một hòn đá to hơn nắm đấm, ném về phía anh ta rồi bỏ chạy. Tôi vẫn còn kịp nghe thấy tiếng “choang” của viên đá trúng mũ sắt của người lính ấy trước khi đâm sầm vào đồng đội đang lao lên ứng cứu.

_ Có chuyện gì thế? – Một người hỏi.

_ Địch ở ngay trước mặt – Tôi hớt hải thông báo lạc cả giọng.

_ Ừ, thì sao? – Người đó thủng thẳng.

_ Tao tưởng mình đánh bật được chúng nó ra khỏi cao điểm này rồi – Tôi băn khoăn vì trí tưởng tượng bay bổng của mình.

_ Còn khuya, mỗi bên một nửa, có mà giằng co hết năm ấy chứ - Một cậu khác nói. Họ đã chiến đấu trên này cả tháng nên thông thạo hơn tôi.

_ Bây giờ ta phải làm gì?- Tôi hỏi.

_ Tranh thủ ngừng bắn củng cố hầm hào. – Người đó tiếp tục – Mà này, có bánh chưng đấy, anh nuôi vừa mang đến.


* * *


_ Nó đội mũ sắt thế, chết sao được. – Cụ chống Pháp băn khoăn với tính chân thực của câu chuyện.

_ Vâng, cháu cường điệu cho vui, thế mà cụ cũng tin - Tôi cười.

_ Anh cu kể nốt đi, còn có gì gay cấn nữa không? – Mấy cụ chống Mỹ hát khản cổ rồi nên không tranh nhau kể chuyện nữa, xúm cả lại giải trí bằng câu chuyện của tôi.

_ Vâng, các cụ cho con xin ngụm nước. – Tôi lại tiếp tục.
 
tiếp "Trận đánh đêm giao thừa"

Trời đã sáng rõ. Hóa ra cả một vạt đồi kéo dài tít tắp đến chân núi đằng kia vẫn nằm trong sự kiểm soát của địch. Đại đội tôi và mấy đại đội đơn vị bạn chiến đấu ở khu vực này thì tôi còn nắm được. Chứ xa hơn tí nữa, góc hào nào của mình, mô đất nào của địch thì tôi chịu chết. Giờ không dám đi lang thang ngó nghiêng nữa.


Ta phát tín hiệu cho bên kia sang lấy tử thi về: phải đi thành đoàn, không được mang vũ khí và nhất thiết phải có cờ trắng hồng thập tự. Tử sỹ và thương binh của ta đã được chuyển về tuyến sau từ đêm qua, ngay sau khi ngớt tiếng súng.


Tôi nhìn thấy người lính ấy lần thứ hai khi tiến hành củng cố vị trí chiến đấu. Bên ấy chỉ cách bên này cỡ chục mét. Nhìn thấy nhau rất rõ, họ nói chuyện với nhau nghe cũng rất rõ, thậm chí mùi thức ăn của họ tôi còn ngửi thấy. Chúng tôi cùng nhận ra nhau. Tôi nhận ra anh ta bởi cặp mắt sắc có phần u uất và hàm râu quai nón lâu không cạo. Anh ta nhìn tôi, vỗ vỗ vào cái mũ sắt đang đội trên đầu và khua khua tay ý muốn nói không được ném đá nữa. Tôi trả lại bằng một ánh mắt căm thù như trong phim rồi giơ nắm đấm dứ dứ về phía trước. Anh ta bật cười, chắc tại thái độ căm phẫn của tôi kịch tính và trẻ con quá. Tôi thấy lúng túng không biết nên có động tác gì tiếp theo để uy hiếp tinh thần đối phương. Tôi vỗ vỗ vào khẩu súng và chỉ vào người lính ấy. Anh ta thôi không cười nữa, ánh mắt bỗng sụp xuống, ném đi đâu đó rất xa xăm. Cả tôi và anh ta đều quay mặt đi. Tôi tiếp tục công việc vét đất đắp lên thành hào bị sụt.


Một mẩu áo xanh bê bết bùn lộ ra sau nhát xẻng. Tôi lặng đi, gọi mọi người: “Anh em mình còn nằm đây này các ông ơi”. Một cậu to khỏe ào đến, đẩy tôi ra một bên, cướp xẻng từ trên tay tôi bới lấy bới để. Cậu ta quát tôi: “Giúp tao một tay chứ đứng đấy mà nhìn à”. Tôi luống cuống, dùng hai bàn tay vội vã bới đất. Thêm một chút nữa, cái dây lưng và chuôi quả lựu đàn chày lộ ra. Cậu to khỏe dừng tay bảo: “Nó đấy, lựu đạn chày kìa, thôi lấp đất lại đi, đừng bới nữa”.


Nó đấy tức là người của bên kia. Anh ta có lẽ chết ngay từ những loạt đạn đầu của đại đội cối 120. Đoạn hào này ăn trọn một quả, hào sụt thành một lỗ sâu hắm, đất tơi khét mùi thuốc nổ.


_ Chẳng lẽ lại để nó nằm đây à! Đội hồng thập tự của chúng nó còn ở đây không? Tôi hỏi.

_ Xong rồi, rút về rồi. Mày vét hào vòng qua cái xác này một chút này – Cậu ta nói và lấy tay khua thành một vòng.

_ Ai lại làm thế! Bảo mấy thằng kia sang đây mà vác về chứ.

_ Tùy mày – Cậu ta nói rồi bỏ đi.


Chú tôi đánh trận mất trong Nam. Bà và cô tôi khăn gói quả mướp rong ruổi trong Nam ngoài bắc để tìm hài cốt. Nghĩa trang nào cũng tìm đến, gặp ai quen cũng hỏi. Mười năm trời như thế, bà và cô tôi cứ héo hon trong nỗi đau của kẻ không tìm thấy hài cốt người thân. Trước mặt tôi là một người lính phía bên kia, chỉ cần tôi lấp mấy xẻng đất lên thì sẽ chẳng bao giờ tìm thấy xác. Sẽ có những người bên ấy đượm nỗi đau như bà và cô tôi. Tôi nhỏm dậy, lấy cục đất ném nhỏ về bên kia đánh động. Lại là anh ta thò cổ lên, hất hàm ý muốn hỏi cái gì. Tôi nhô hẳn nửa người lên khỏi thành hào, làm động tác như cáng thương binh, rồi chỉ vào hố đạn. Tôi ra hiệu không được mang súng. Anh ta gật gật đầu ra điều hiểu ý.


Đoạn hào thông giữa bên này và bên kia mà ban sáng tôi đi đã được chặn lại thành chiến lũy và gài rất nhiều mìn. Anh ta phải leo hẳn lên mặt đất bò sang phía bên này. Tôi nói to để những người xung quanh nghe thấy: “Cho nó sang mang xác về”. Tôi sợ, nhỡ đâu họ không hiểu chuyện lại có điều đáng tiếc xảy ra. Vài người hướng mắt về phía ấy, anh ta đang bò chậm rãi nhích từng tí một. Có người bảo: “Thằng dở hơi, ngừng bắn thì đứng dậy mà chạy cho nhanh, ai thèm bắn”. Người khác nói: “Chỗ ấy chưa gài mìn nhỉ, cẩn thận như nó vẫn hơn, ai mà biết trước được điều gì”. Kẻ nào đó đùa ác: “Cho nhát xẻng vào đầu”. Tôi trấn áp: “Các bố đừng lắm chuyện, cho nó sang lấy xác không mai chỗ này thối um lên. Chết vì thối phổi đấy”.


Tôi chỉ cho anh ta chỗ xác người lính và đưa cho anh ta cái xẻng. Anh ta cao hơn tôi một cái đầu, vâm váp như một con gấu và phải hơn tôi vài tuổi. Quần áo bốc lên mùi khó tả, khét lẹt thuốc súng, chua lòm mồ hôi, tanh lợm và khăn khẳn thối. Đó là mùi của những người lính bám trận lâu ngày, bất kể là ta hay địch.


Anh ta quì xuống vội vã xắn đất. Tôi thấy đôi vai anh ta rung lên từng chập. Tôi định giúp, nhưng nghĩ thế nào lại thôi, chỉ trân trân đứng nhìn. Hình hài người lính lộ dần ra sau mỗi nhát xẻng. Khi bới đến phần đầu người lính, tôi thấy anh ta bỏ xẻng ra và cào đất bằng tay không. Vai anh ta rung mạnh hơn, tôi nhìn thấy những giọt nước mắt rơi xuống đất.


_ Nó sợ run lên kìa – Một người bảo.

_ Câm mồm, để cho người ta khóc – Tự nhiên tôi nổi xung với đồng đội rất vô lý.


Người lính ấy đã đưa được thi thể đồng đội lên mặt hào. Anh quay đầu lại không nhìn vào ai cả, khẽ cúi đầu cảm ơn. Tôi thấy mắt anh ta đỏ ngầu và nhòe nhoẹt nước.


Lúc ấy trời đã về chiều. Chỉ một lát sau trời sập tối. Ngày mùng một Tết trôi qua thật yên ắng, cả mặt trận không một tiếng súng nổ. Tâm trạng tôi rất khó tả. Có lẽ là tâm trạng của bất kỳ một người lính nào ngày đầu xung trận. Một ngày phải trải qua nhiều trạng thái tâm lý mà trước đây chưa bao giờ có.


Đêm hôm đó công binh hai bên gài mìn cắt đứt hoàn toàn con đường mà ban chiều đội tải thương bên kia đã đi. Kể cả khoảng trống mươi mét trước mặt chúng tôi cũng dày đặc mìn.


* * *
 
tiếp "Trận đánh đêm giao thừa"

Sáng mùng hai công việc của chúng tôi vẫn vậy, tiếp tục củng cố công sự. Tôi và anh ta nhìn thấy nhau, đều gật đầu chào. Ánh mắt của tôi đã có đôi chút mềm mại sau sự kiện chiều qua.


Buổi chiều, cánh lính trẻ chúng tôi còn phởn phơ ngồi trên mép hào hút thuốc uống trà, cười nói như pháo rang và tận hưởng những giây phút thanh bình hiếm hoi trong những ngày ngừng bắn. Cánh lính phía bên kia thấy vậy cũng leo lên hào ngồi. Chúng tôi nói chuyện với nhau mà chẳng bên nào hiểu bên nào. Người lính ấy ném cho tôi một bao thuốc mầu vàng, có in hình con voi, khói thơm phức mùi kẹo. Sắc mặt của anh ta lúc đó rất kỳ lạ, vừa vui lại vừa buồn. Rõ ràng miệng thì cười, nhưng mắt nhíu lại, nhăn cả trán như sắp khóc, ánh mắt buồn não nề hướng về phía chúng tôi. Tôi bắt bao thuốc ngay trên không khi nó còn chưa kịp rơi xuống đất. Tôi không bỏ qua thái độ bất bình thường của người lính ấy nhưng lại không tự lý giải được. Mấy cậu bạn tranh nhau hút. Vèo một cái bao thuốc chẳng còn điếu nào. Đó là điếu thuốc tôi hút thấy ngon nhất trong đời.


Đêm mùng hai Tết chúng tôi được lệnh rút quân, thay vào đó là đơn vị khác lên phòng ngự. Chúng tôi rút nhanh và bí mật, tôi chẳng có cách nào để chào người lính kia.


Tôi lại về tuyến 2, tuyến an toàn. Sau ngày mùng ba tết, pháo hai bên lại khạc lửa đỏ nòng. Bộ binh trên ấy giao tranh thế nào, thiệt hại ra sao, tôi không được biết vì đó là bí mật quân sự. Ở tuyến 2 khoảng một tháng nữa, toàn đơn vị di chuyển xuống mãi dưới này, cách mặt trận hàng trăm cây số. Tôi tiếp tục sống nốt quãng đời lính trận của mình bằng bài nằm tập ngắm bia số 4 và ném lựu đạn gỗ trên thao trường.


* * *


_ Thế là anh bị thằng lính đó ném chết. – Cụ chống Pháp kết luận đầy tính triết lý – Nó ném chết anh, ném chết lập trường chính trị, ném chết ý chí chiến đấu người lính của anh bằng một bao thuốc. Anh đã biết thế nào là “viên đạn bọc đường” chưa? Chính vì thế nên anh mới không ở lại mặt trận mà lui về tuyến sau phỏng? – Cụ chống Pháp có vẻ phẫn nộ thực sự.

_ Cụ lại nâng cao quan điểm rồi. – Tôi khẽ nói – Cụ thấy đấy, thời bọn cháu, xe Cub đã chạy vè vè ngoài đường rồi. Cách mặt trận mươi cây thôi là cà phê đèn mờ xập xình chát bùm rồi mà bọn cháu có đảo ngũ đâu. Còn chuyện rút lui là cả đơn vị rút chứ có phải mình cháu. Đó là mệnh lệnh, là chiến thuật chiến lược hẳn hoi đấy. Đơn vị mới tiếp quản trận địa là một đơn bị có bề dày kinh nghiệm phòng ngự cụ à.

_ Tôi thấy chuyện hút thuốc của địch cũng bình thường. – Một cụ chống Mỹ lên tiếng – Hồi bọn tôi đánh Đà nẵng, tôi còn vớ được cả thùng các tông thuốc Rubi của lính Mỹ, nhưng mà hút nhạt phèo, chán chết.

_ Điều đó khác. – Cụ chống Pháp tiếp tục – Đấy là chiến lợi phẩm, anh dùng không ai nói, còn bao thuốc kia, nó chính là hàng tâm lý chiến. Anh được phổ biến không dùng hàng tâm lý chiến chứ?

_ Có chứ cụ, nhưng cháu không nghĩ đó là hàng tâm lý, cháu chỉ coi đó là những điếu thuốc của những người lính trận cho nhau thôi.

_ Lúc ra quân, anh đeo quân hàm gì? – Cụ chống Pháp hỏi.

_ Binh nhất cụ ạ.

_ Thế là phải, tôi mà là thủ trưởng của anh...thì binh nhì mãi mãi – Cụ chống Pháp hả hê nói. – Thằng cháu tôi thế mà lên thượng sỹ rồi đấy các ông ạ. – Cụ quay sang chuyện về đứa cháu nội với mấy cụ chống Mỹ. Tôi thấy rút lui lúc này là hợp lý nhất, không nên cố tranh luận với các cụ làm gì. Sự khác nhau thế hệ về luôn là rào cản không thể thống nhất được quan điểm. Tôi lảng đi chỗ khác và hỏi bố tôi đã về được chưa. Bố tôi gật đầu và cười rất thông cảm.

_ Này, anh cu binh nhì, về hả? – Cụ chống Pháp chưa tha cho tôi – Hôm tới 30 tháng 4 anh chỉ được đeo quân hàm binh nhì thôi nhé. – Cụ dặn với theo khi tôi đã ra đến cửa.

_ Tuân lệnh đại tướng. – Tôi đứng nghiêm như nhận mệnh lệnh của cấp trên.

_ Hơ hơ, thằng này thế mà hóm phết! Cụ chống Pháp phều phào cười với các cụ còn lại.


* * *


Năm tháng trôi qua đã biến tôi thành một gã trung niên mòn mỏi với cơm áo gạo tiền. Đôi khi cánh lính nhập ngũ cùng đợt cũng tụ bạ rượu chè. Mấy lần tôi định khơi chuyện người lính bên kia năm ấy ra xem có ý kiến gì hay ho không, nhưng đều bị bạn bè gạt đi khi mới chỉ nhắc đến chuyện ngày xưa. Đối với họ, câu chuyện quan tâm nhất trong các buổi tụ tập thế này là thằng này làm ở đâu, chức gì. Thằng kia giầu lắm, không biết vay tiền nó có được không. Cuộc sống cơm áo đã cuốn trôi họ xa lắc lơ với những kỉ niệm không ra tiền như thế này. Tôi cũng hết sức thông cảm với họ và cũng biết, vài năm nữa, khi đã qua cái giai đoạn cơm áo này, thì họ lại trở về với những kỉ niệm xa xưa, chẳng mất đi đâu mà sợ.


Vợ tôi cũng là người được tôi kể cho nghe câu chuyện trên. Cô ấy chợt hỏi: “Nếu đơn vị anh không rút về tuyến sau hôm ấy. Sau hôm mùng 3 Tết thì thế nào nhỉ? Lại bắn nhau tiếp à”. Đó là một câu hỏi rất đơn giản, nhưng lại là một lời giải vô cùng phức tạp cho sắc mặt người lính năm xưa. Lúc ấy, tôi còn quá trẻ, quá non để có thể đọc được tâm trạng của người lính ấy. Tôi thẫn thờ trả lời: “Ừ” rồi chậm rãi giải thích: “Đó là nhiệm vụ của những người lính như bọn anh”.


Hà nội tháng 1 năm 2007.

Doãn Dũng
 
Họ không làm giàu bằng bán sách thì cũng không nên post truyện của người ta lên như thế chứ nhỉ ????? Nhỡ đâu người ta đòi bản quyền thì sao ??? như Kim Cương đòi bản quyền của Thúy Nga ấy :):):) Hoặc mình hiểu là BMTH được trả tiền để quảng cáo hộ ???? :D:D:D
 
Bác cua với bác quạt nhậy cảm thế, truyện này e đọc bên blog bác ấy rồi, bác ấy post lên blog thì có nghĩa là tác giả cũng biết chắc đựoc việc sẽ trôi nổi phát tán tùm lum rồi.
Miễn là khi copy + paste điền tên tác giả là ok rồi.
Mà bác này cũng cần gì ai quảng cáo nữa đâu.
Nhưng kể ra cho vào chỗ thơ văn nghệ gừng nhà phượt thì hợp lý hơn.
 
Em để í nhá, bạn QUạt nhá cứ thấy bạn BM là quạt lấy quạt để nhá

=)) biết hết rồi đấy nhá....

Còn cái quạt nào ko cho em quạt với
 
picture.php


Anh Cao Sơn có nhiều hình, nhưng mình thích bức "Mẹ nhặt" của anh.

Cứ như là 2 giọt nước í =))
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,726
Bài viết
1,136,119
Members
192,496
Latest member
buylinkedInaccounts412
Back
Top