What's new

[Chia sẻ] Tự hào được sinh ra là người Khmer!

Tự hào được sinh ra là người Khmer!




“Thiệt vậy hả anh Hai? Ông là… là… là người Miên hả”, nó trợn tráo mắt lên lắp ba lắp bắp, luống cuống hỏi. “Nào giờ huynh đệ mình chơi nhiêu lâu, có nghe ông nói chuyện này giờ đâu? Mà tui thấy ông cũng đâu có giồng Miên lắm đâu dù ông cũng đen thui thùi lùi, mũi tẹt lét, mắt trắng dã!”, đang cơn binh lửa vậy mà cũng không quên đá thêm một câu, thằng thiệt giỏi, mai mốt gửi mày tham gia V-League đá (độ) thử xem sao. “Mà vụ án này nhạy cảm lắm lắm đó nghen anh Hai. May là ông đang ở nước mình chứ ở bên Xiêm mà ông phát ngôn kiểu này là dễ bị tụi áo vàng áo đỏ nó oánh banh xác pháo đó! Mà dù đang ở nước nhà, ơn Đảng ơn nhà nước để đâu ông hổng nhớ mà tự nhiên tuyên bố sảng sảng vậy. Cũng dễ đụng chạm lắm đó! Người gốc gì, dân tộc gì trong năm mươi mấy dân tộc anh em giờ cũng là người Việt mà, ông chia bè rẽ phái làm gì cho nó om xòm lên!” nó thì thầm ra vẻ nghiêm trọng, rồi thẽ thọt tiếp “Thôi ông gỡ tên tựa bài xuống đi, chứ không anh em ở đây người ta cũng xóa bài đó. Ham hố gì, lợi lộc gì mà ông chơi lấy tiếng hổng đúng kiểu nào trong 36 chước ráo trọi hết, rồi mấy anh áo vàng ảnh mời lên mời xuống mất công lắm. Hổng biết chừng, tui chơi với ông lâu lâu rồi cũng dễ bị kêu lên kêu xuống nữa đó!”. Té ra là vậy hả ku, đúng là “người không vì mình trời tru đất diệt”!.



“Mầy nói xong chưa ku? Uống chút nước thấm giọng ngồi dựa cột nghe anh hai mày nói nè”. Cũng không lạ gì thằng bạn cắt khố chơi từ hồi nẵm tắm mưa cuổng trời, tôi cứ để nó nói cho đã đời đã điếu đã. “Số là ngày xuân hưỡn quá, tao lục lọi hình ảnh, ăn mày ký ức, ăn xin dĩ vãng… mới thấy tấm hình tao chụp bên Cambodia có câu slogan mà tao dịch (vật) thành tựa bài đó, tao thích quá trời đất luôn. Cũng nhân dịp mấy đại ca đại tỷ nước nhà đang hùng hồn phát minh ra Châu Mỹ một cái slogan cho du lịch Việt Nam 2011 thiệt là lộng lẫy cho nước Nam mình, tao cám cảnh, lại buồn chuyện gia đình (!?), mới ngồi gõ lóc cóc chơi cho dzui dzị đó mà.”.



P1110570.jpg

Cambodia – đất nước của những ngôi đền…?​



“Dzui thiệt hông đó cha nội? Thôi thì coi như cái câu tựa bài này hổng phải của anh Hai, anh mình hổng có tội tình gì. Cầu trời khẩn Phật là thiệt đi! Nhưng mà có nhiêu đó thì làm gì đủ một cái topic mà ông phang chè bè lên đây hao tổn tài nguyên, lãng phí đất đai… của người khác vậy?”. Cũng không chừa cái thói lanh chanh chen ngang mất lịch sự, nói mòn răng chưa giảm được tẹo nào.


P3030212.jpg

…của thốt nốt kiêu hãnh…?​



“Dĩ nhiên là tao cũng biết, nhưng mầy yên tâm. Tao phang cái câu đó lên, tao hiên ngang (!?) mở cái topic này là vì nhiều lẽ, chứ tao đâu có hưỡn, ở không (thiệt hông ta?) mà vẽ rắn thêm chân làm gì mậy. Tao tương cái câu slogan đó lên là vì tao thấy ở đây chưa ai đưa lên hết, đương nhiên “tiên phong ta cứ hàng đầu tiến lên mà”. Nhưng hơn cả việc đó là tao thật sự thích Cambodia, nhiều thứ, dù tao không phải là người Miên (mà ai nào biết ai nào hay?). Tao thấy, Cambodia đâu chỉ có Siemreap, Phnompenh, Sihanoukville… mà thiên hạ quanh đi quẩn lại cũng nhiêu đó. Thêm nữa là sau những chuyến đi, mỗi lần quay lại là tao thấy Cambodia thay đổi nhiều quá, nên tao buồn lắm. Do vậy tranh thủ gõ sớm sớm được lúc nào hay lúc đó chứ mai mốt biết bển còn gì không mà đi nữa, mà lóc cóc gõ!”



P1110433.jpg

…hay của những con người: “Tự hào được sinh ra là người Khmer.”?​



“Ông nói thiệt hả? Thôi để tui dzìa xin tiền má, cuối tuần này tui đi qua bển liền”, lại láu ta láu táu.


“Mầy định cuối tuần này đi hả, vậy mấy cái quán ở Sài Gòn nó thất thu nó chửi tao tắt bếp sập lò, còn mấy ẻm ngày đợi đêm chờ mầy xóa đói giảm nghèo ngồi vêu mỏ (đỏ) ra mong nhớ mầy, cũng chửi tao luôn… thì tội nghiệp lắm. Thôi, ở yên đó, để tao “dắt” mày đi”



....
 
Kompong Cham, những sớm mai trong. – 6

Kompong Cham, những sớm mai trong. – 6




“He he he,… trời ơi là nó sến! Sến tới bến, sến như con hến, sến sện sền sên…!!!” Nó phá lên sằng sặc cười, mà tui cũng thấy sến thiệt (!?). Tại tui hay tại Kompong Cham, hổng biết nữa?!



“Thôi, tui thấy ông chia tay Kompong Cham được “gồi”! Nếu còn gì hay ho thì mai mốt quay lại cũng hổng có sao, chứ ông cứ lui lui tới tới ở đây, sến chảy nước dzầy hư hết cái bàn phím! Đi chỗ nào khác đổi không khí đi cha nội. Lên rừng xuống biển gì cũng được, nhưng mà chia tay “Kompong Cham thương mến” của ông là vừa rồi”. Nó làm tui hơi cụt hứng, nhưng mà thấy cũng đúng đúng! “Ok! Thôi, tao với mầy đi miệt khác, nhưng trước khi đi, để tao nói vài lời chia tay hén!”



“Thây kệ ông, ông muốn làm gì thì làm! Có điều ở Kompong Cham có chỗ nào ăn nhậu hay ho ông giới thiệu luôn cho anh em người ta có đi người ta ghé! Dzị đi hén!”



* *
*



P3030168.jpg

Làng chài ven sông. Có khác gì miền Tây nước Việt?​




Thời gian chờ hoàng hôn về để ngắm chiều rơi trên sông, tôi lại vác xe chạy lòng vòng. Chạy sao tôi lại lạc vào một xóm nhỏ những người theo đạo Hồi. Cũng hơi lạ lạ trên vùng đất Phật này. Sau này tôi mới biết, hơn nửa thiên niên kỷ trước, khi vua quan nhà Lý, Trần, Lê… bình Chiêm, đã có nguyên 1 làng người Champa, ở miệt Nam Ngãi (bây giờ), bỏ xứ sang đất Khmer lập nghiệp và hình thành nên phố bây giờ gọi là Kompong Cham*. Từ “Cham” trong tên của phố thị này có lẽ có nguồn gốc xa xưa như thế. Lúc bây giờ, tuy phần lớn người Champa theo đạo Hindu, vẫn có một bộ phận nhỏ theo đạo Hồi, và có lẽ khi tha hương, họ vẫn duy trì tín ngưỡng, tôn giáo đó đến hiện nay.



P3030138.jpg

Thánh đường Hồi giáo đơn sơ ở Kompong Cham.​



Tôi đi bụi, chơi là chính, ăn là phụ nên không lưu ý nhiều lắm đến quán xá. Hơn nữa, tôi đi Kompong Cham một mình nên cũng lười vào quán, ăn lại ít… nên chọn chỗ ngồi chơi là chính. Tuy vậy, lê la đầu đường xó chợ, tôi thấy đồ ăn ở Kompong Cham rất vừa miệng, không quá ngọt như ở miệt dưới, rau cỏ sạch sẽ xanh mướt… với tôi nhiêu đó là đủ.



P3030015.jpg



P3030018.jpg

Hủ tiếu Nam Vang, giò cháo quẩy Kompong Cham


P3030161.jpg

Món lạ, giống giống bánh hẹ chiên, cũng rất hợp với Angkor (!?)​



Hủ tiếu Nam Vang, giò cháo quẩy,… các món ăn của người Khmer tôi ăn ở đây thấy ngon hơn ở Phnompenh nhiều. Những bạn nhỏ giúp việc ở đây rất dễ mến, ưu tiên phục vụ khách “ngoại quốc” nhiệt thành và chân tình. Thêm nữa, dãy quán xá cho khách ba-lô dọc bờ sông rất nhiều, bạn có thể lê la ở đây ngắm sông, nhâm nhi những ly Angkor lạnh ngắt thơm nồng… là đủ.


P3030155.jpg

Bia sao có màu xanh? He he he, buổi trưa ở bờ sông chỉ có quán nước mía – không còn lựa chọn nào khác, đành phải mua bia và bánh mì vác vô quán nước mía ngồi chơi! Vậy đủ bụi chưa bạn?​



Chiều về, tôi lại vác Angkor ra bờ sông, bên chiếc cầu ngắm hoàng hôn. Hoàng hôn trên Mekong ở Kompong Cham lặng lẽ và yên bình. Chiếc cầu tre vắng tênh, những người dân chăm chỉ xóm cồn bên kia đã yên ấm bên bếp chiều mênh mang khói lam, dòng Mekong lặng ngắt như ngừng trôi vì buồn bã khi mặt trời bỏ đi mất. Đám côn trùng bên triền sông bắt đầu những bản hoan ca đêm, đâu đó, một cánh vạc đêm lạc loài lẻ loi dìu dặt chao ngang con sông rộng…



P3030204.jpg

Hoàng hôn Kompong Cham​



Cánh vạc đêm nào Kompong Cham dường như cũng đã chở hồn tôi sang sông, đi mãi… chưa về!!!???


___________

* “Có 500 năm như thế” của Hồ Trung Tú có nhắc đến vấn đề này.
 
Mondulkiri, Sen Monorum – rừng có còn xanh… - 1

“Dzị là xong hén. Chia tay Kompong Cham đi. Hồn của ông còn lơ lửng bên kia sông thôi thì gửi nó luôn ở đó, hôm nào sang bển lấy dzìa. Giờ đổi không khí đi cha nội!”. Trời ơi, nó làm như là cha tui hổng bèn dzị trời. Hổng biết kiếp trước mắc nợ nó cái giống gì nữa!



“Hay là ông chơi luôn cặp Kompong đi, từ Kompong Cham giờ ông qua Kompong Thom luôn cho nó đủ bộ! Mà thôi, chắc mấy cái Kompong gì gì đó cũng giông giống nhau, ông đi chơi miệt khác đi, cho nó lạ lạ!” Bực mình quá, tui phải dạy nó chút chút, cứ dzậy hoài nó hư sớm (!?). “Mầy hổng biết thì đừng có nói, nó đổ cái dzốt hốt lại hổng được đâu. Kompong nào cũng khác nhau, khác huơ khác hoắc chứ giống cái giống gì. Nhưng thôi, để tao dắt mầy đi chỗ khác xa xa, lạ lạ cũng được chứ mầy ngồi đó nhai lỗ tai hoài ai chịu nổi!”



* *
*​


Mondulkiri, Sen Monorum – rừng có còn xanh… - 1



Sen Monorom, thị xã thủ phủ của tỉnh lớn nhất Cambodia, Mondulkiri, còn được những người mơ mộng gọi là "Thụy Sĩ của Cambodia", cũng giống như Đà Lạt là "Paris của Việt Nam". Sở dĩ như vậy là do Sen Monorom, tuy chỉ nằm ở độ cao 800m, nhưng quanh năm mát mẻ nhờ nằm trong rừng sâu cây cối bao quanh, và đặc biệt là 2 cái hồ xanh mát trong phố, nhiều hồ lớn nhỏ ở ngoại vi... Nhưng có lẽ, nhiều năm về trước, khi rừng còn là rừng, Sen Monorom đẹp hơn bây giờ rất nhiều - tuy bây giờ cũng còn chút "đẹp lạ".


P3060447.jpg

Không cần đi Mông Cổ, Châu Phi để xem sa mạc/hoang mạc. Đường đến Sen Monorom cũng có!​



Để đến được Sen Monorom, không dễ. Lúc đầu tôi cũng chủ quan và rồi đã trải nghiệm 1 cung đường hết sức đặc biệt. Toàn cõi Cambodia chỉ có nhà xe có tuyến đi Sen Monorom, tôi phải lùng sục, tìm kiếm mỏi mòn, chờ đợi rêu phong mới leo lên được chiếc xe đó. Rồi hỡi ôi, con đường! Con đường chạy từ Phnompenh đến Snoul là bình thường, đường nhựa, có xấu có tốt nhưng OK. Đến Snoul, câu chuyện sẽ khác, rất khác.



P3040251.jpg


P3040256.jpg

Xe lún sình, dù cột xích sắt vào bánh cũng không chạy được, đành bỏ lại



Trên con đường này, bạn sẽ trải qua nhiều cảm giác kỳ lạ thi vị (!?). Lúc thì đi trong rừng rậm âm u, lúc chạy giữa hoang mạc cát bụi mù mịt đất trời, lúc chạy qua con đường mùa thu lá đỏ (vì bụi), rồi đến đầm lầy, sình lún đến nỗi xe lớn phải bỏ lại. Dân tình nháo nhào chuyển sang xe pick-up, chạy thông thốc trong gió mưa lồng lộng, băng qua thảo nguyên xanh rì, rồi những đồi thông xanh ngăn ngắt chạy tít tắp cuối trời, xen lẫn những cánh rừng vừa già bị làm thịt xong, còn nghi ngút khói và tro và cỏ cháy đen....


Vậy đó! Cuối cùng rồi bạn sẽ đến thị trấn cao nguyên Sen Monorom trong một chiều muộn, rất muộn của một ngày tháng 3 sao mưa gió bão bùng.


Ướt chèm nhẹp, lảo đảo say đứ đừ vì đu bám dặt dẹo trên chiếc pick-up hàng hóa chen với người, chao đảo như thuyền nan cỏn con giữa sóng cả, đói như con sói đói… tôi thất thểu nhảy xuống xe.


P3040263.jpg

Welcome to Sen Monorom​



Xin chào Sen Monorom!!!
 
Mondulkiri, Sen Monorum – rừng có còn xanh … - 2

Mondulkiri, Sen Monorum – rừng có còn xanh … - 2




“Chèn đét ơi! Ông mò làm gì lên tới miệt đó dzậy? Tui lật LP ra coi thì thấy ở đó đâu có điểm du lịch nào ngoài cái tour cỡi voi ở đó! Mà tui biết ông quá rồi mà, sức mấy mà ông bỏ tiền ra đi mấy cái tour cỡi voi đó! Dzậy ông lên trển làm cái giống gì dzậy?. “He he he, mầy có hiểu tao nhiều thì cũng đừng nên “sỉ nhục” tao công khai dzậy chứ ku? Mất mặt bạn bè chết mậy! Tao đi lên miệt đó là tại tao bị dzụ dzỗ mà. Ai dzụ được tao hả? Hồi nẳm lâu lắc, tao có tám với một nường tây đã U70 (!?) rồi, nường ta nói là miệt trên đó hay lắm. Thiên nhiên còn hoang sơ, đặc biệt là có vụ con gái đến tuổi cập kê là được làm nhà chòi ở riêng, để có nhiều cơ hội kiếm bạn (!?). Nường ta nói nghe y như bên Nữ Nhi Quốc bên miệt Lijiang xứ Tàu dzị, làm tao cũng lên cơn tò mò, nên tao mới khăn khói quả mướp lên đường chứ. Mà hỏi thiệt, mầy nghe dzị mầy có đi hông?”


“He he he… tui đi trước ông là cái chắc chứ còn đợi ông hỏi? Trời ơi, trời ơi… chắc đã lắm hén! Chậc chậc chậc, hít hà… thôi để mai tui đi Cambodia!”



* *
*​



Sen Monorom đón tiếp khách lạ mệt nhoài, đang thừ người chán nản vì bỏ quên cuốn guidebook do chộn rộn lúc chuyển xe, bằng một chiều như mùa đông se lạnh, lúc mưa ào ạt lúc bay bay giăng mờ trời đêm. Sau khi gột sạch bụi đường xa, lang thang trên phố đen mưa sa mờ mờ, tôi chui vào quá nhỏ nơi góc ngã 3 đường, một mình một quán ngắm mưa đêm ngày càng nặng hạt hơn ngoài kia và tí tách trên bàn... Lòng cứ hỏi mình, tại sao lại đến xứ này



Khuya về, nhà nghỉ vắng hoang lạnh, chỉ một mình tôi trên gác vắng. Nằm quấn chăn chập chờn nghe mưa rào rạt trên mái tole, lúc mưa tạnh lại nghe tắc kè lốc tốc rợn người... Đêm cao nguyên sao lạnh và hoang dã quá!


P3050275.jpg

Còn chút sương bay…



P3050290.jpg

…rồi nắng về



May sao? Nắng mai đã về, xua tan sương sớm trên cao nguyên…
 
Mondulkiri, Sen Monorum – rừng có còn xanh … - 3

Mondulkiri, Sen Monorum – rừng có còn xanh … - 3



Chỉ mới tháng 3 nhưng mùa mưa đến sớm ở Sen Monorom, sớm hơn miền đất láng giềng cao nguyên trung phần đất Việt. Ngày thật lạ, sớm thì sương mù, rồi sương tan, nắng lên, rồi mây xám, che râm nắng, rồi nắng lên, rồi mưa bay, rồi nắng gắt…. Thời tiết Sen Monorom những ngày này đỏng đảnh như một cô gái cốm chanh…


Lang thang trong chợ, tôi cứ nghĩ đang ở Tây Nguyên, những chiếc ché rượu cần, những bó rau, con cá, những khăn áo dân tộc sắc màu đen nâu đỏ truyền thống,… Bịt tai lại, tôi thấy mình đang ở một ngôi chợ huyện nào của Tây Nguyên ngày cũ.


5728861093_9d7133ce2e_b.jpg

Những con đường “hấp dẫn” dân đi bụi…


5729411232_ea094e6bb7_b.jpg

Những xóm làng quen…


Rồi tôi lên xe đi. Tôi lại gặp một Tây Nguyên với những xóm làng với những ngôi nhà sàn thân quen, những rẫy café tháng 3 trái đã đơm xanh, những đàn lợn ỉ đen đũi bụng sệ sát đất lông rông khắp xóm,.. Và tôi cũng gặp một Tây Nguyên đau đớn với những cánh rừng cháy trụi nham nhở hay những thân cây ngã gục tức tưởi, những hồ xanh nay chỉ ngầu bùn… Con người đó sao!!!


5729413178_aa0039b8ac_b.jpg

Rừng đã cháy và rừng đã khóc… (TCS)​


***


Tôi đi mãi, khi rời xa những xóm làng, bỏ lại những con đường êm,… may mắn lạc về một mảng rừng xanh còn sót lại. Mảnh rừng may mắn này hình như được công ty hay tổ chức nào đó chọn làm khu du lịch hoặc để nghiên cứu, vì được bảo vệ khá tốt, đặc biệt là trên những thân cây lớn đều có những bảng ghi chú tên họ, nhóm loài của nó. Nhìn những đồi trọc vây quanh, vẫn hừng hực cháy đỏ đất cao nguyên dù trời mây xám xịt, tôi nhắm mắt lại… “ngày xưa” đó còn rừng, chắc cũng chỉ vài mươi năm về trước, lúc chiến tranh còn trên mảnh đất này.


5729411706_fd0717f600_z.jpg



5728863063_02e40cf601_b.jpg

May mà còn chút rừng sót…



5729412998_7209fb3231_b.jpg



5729412100_3836b4aa13_b.jpg

… và chút hoa dại vẫn ngây thơ làm đẹp cho đời…

Hòa bình đã về trên miền đất này, nhưng trên những cánh rừng Sen Monorom, và đâu đó… những niềm đau sao ngày càng thêm đau...
 
Mondulkiri, Sen Monorum – rừng có còn xanh … - 4

Mondulkiri, Sen Monorum – rừng có còn xanh … - 4



P3050279.jpg

Hồ duyên ở Sen Monorom​


Sen Monorom, ngoài các hành trình trekking, cỡi voi, còn nổi tiếng bởi các con thác và các hồ xinh đẹp, lý do mà những người mơ mộng hay ví von nơi đây là Thụy Sĩ của Đông Dương. Tuy vậy, khi tôi hỏi các bạn trẻ ở các nhà trọ thì đều cho biết thác giờ vẫn cạn khô, vì mùa mưa chưa đến và vì những cánh rừng đã cạn kiệt nước nguồn. Tuy nhiên, tôi vẫn lên xe hướng về những miền xa, mong tìm gặp những chút gì còn lại của Sen Monoron, những ngày còn xanh…


P3050347.jpg


P3050403.jpg

Sắc màu Sen Monorom – nhưng sao cứ ngỡ đang lang thang đâu đó Krongbuk, Krong Pak… ở BMT…​


Đó đây, vẫn còn những hồ xanh nho nhỏ. Tuy không còn biếc xanh rực rỡ cho lũ thông đám tùng nghiêng mình soi bóng, nhưng cũng làm cho Sen Monorom dịu mát hơn. Nhất là vào trưa nắng, khi những cơn gió hoang đàng ùa về, kéo theo đám bụi đỏ cao nguyên làm nên một cao nguyên hồng, nghe thì đẹp trong thơ văn nhưng sao bực bội chán chường khi cả thân người tóc tai đều trở nên đỏ rực, như những thổ dân châu Mỹ trước khi ra chiến trận. Nhưng, đó mới là cao nguyên hồng Sen Monorom!


P3050368.jpg

Hoa cỏ Sen Monorom - bên hiên quán, nơi tôi trốn nắng, rồi lười nhác với Angkor chẳng muốn rời đi…


P3050350.jpg

…hay giữa đồng,…sao đỏ như màu máu (có nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?! HMT).​


Chiều về, tôi lại ra đường sau khi một cơn mưa mây tạt ngang Sen Monorom, làm con đường ướt đỏ như son đẹp mơ màng bên những ngôi chùa vàng rực dưới trời xanh biếc.


P3050390.jpg

Rực rỡ vàng son…​


Vừa mới ngất ngây với ngôi chùa đẹp thanh thoát, giữa thiên nhiên lộng lẫy sắc màu Sen Monorom… vào trong chùa, tôi bỗng vui vui khi thấy đôi bạn trẻ thành kính đến chùa để mong những giọt nước lành chúc phúc…


P3050400.jpg

Êm đềm hạnh phúc​


…nhưng tôi lại buồn, rất nhanh,… khi nghĩ đến thân cô đơn lang bạt của mình (!!!???)
 
Mondulkiri, Sen Monorum – rừng có còn xanh … - 5

Mondulkiri, Sen Monorum – rừng có còn xanh … - 5



“He he he, tui nghe ông rên rỉ mà mắc ói quá!!! Ông làm ơn bớt bớt mấy cái màn não tình này giùm tui cái! Mèn đét ơi, đi chơi sung sướng thấy mụ nội mà ông làm như bị đi đày vậy! Tui nghe ông đi chơi mà than thở dzậy, chắc ông đi mần chắc ông chửi thề suốt ngày quá!” Nó lại luông tuồng một hồi. “Mà thôi, chuyển cảnh giùm cái đi anh hai. Rừng Sen Monorom chờ ông cà kê dê ngỗng kể xong là nó trọc lóc luôn rồi. Ông làm ơn dời đi chỗ khác cho cỏ cây nó mọc, nó lên xanh rồi quanh lại, hén!”


“Haizzz…, Bó tay mầy luôn, làm mất hứng. Giỡn chơi mầy cũng hổng biết!? Mệt quá mầy luôn! Thôi, để tao gút cái rồi đi”. Thiệt là chán như con gián. Bạn với bè!!!


***


P3050408.jpg

Đường dốc như chạy thẳng vào trời cao…


P3050410.jpg

…may mà còn chiếc hồ xanh níu lại.


Chiều, những con đường Sen Monorom đỏ như son chạy xa tít tắp vào trong nắng vì rừng xanh giờ đã không còn. Đi trên con đường vắng, nhiều lúc tôi thấy rờn rợn khi đi ngang qua các khu nghĩa trang, thường vốn nằm sâu trong rừng, giờ quạnh vắng bên lề. Rất dễ nhìn ra những nghĩa trang đơn giản của đồng bào ở đây, cũng như ở Tây Nguyên, dù họ không làm nhà mồ, bia mộ hoành tráng… như những người anh em ở tỉnh Rattanakiri ngay kế bên. Đang chạy lơn tơn trên đường vắng, chỉ thấy những “túp lều” bé xíu như căn chòi chơi đồ hàng, hay nhà của chú lùn… nhưng bên cạnh đó có chum, ché, dĩa, chén, xoong, nồi… là bạn biết ngay là bạn vừa ngang qua một ngôi mộ, hoặc cả một khu mộ của đồng bào địa phương.


P3050382.jpg

Ngôi mộ đơn sơ của đồng bào địa phương​


Rồi một cơn mưa mùa hạ ụp xuống, nhanh đến nổi tôi không kịp chạy thoát con đường vắng ngang qua những đồi thông non có nhiều những ngôi mộ. Tôi không mê tín, nhưng tôi biết đi dưới mưa giữa nghĩa trang thật sự là không tốt… nên tôi 3 chân 4 cẳng chạy về Sen Monorom.



P3050411.jpg

Nắng chiều bên hàng thông mỏng còn sót lại…


P3050420.jpg

…trên hồ xanh nhỏ Sen Monorom


Tôi để lại cơn mưa phía sau những cánh rừng non, những ngôi mộ vắng, về đến Sen Monorom trong một hoàng hôn nghiêng nắng bên những vạt thông mỏng hiếm soi còn sống sót, bên một mảnh hồ chiều còn chút lung linh để nhắc nhớ về một Sen Monorom ngày còn xanh ngời, ngày còn là Thụy Sĩ của Indochine.



Sen Monorom, rừng sẽ lên xanh?
 
Kompong Thom, nghe trăm tiếng ngậm ngùi, nghe hoang phế cạnh đây… – 1

“Anh hai à, nói đến Cambodia, người ta hay nói đến đền đài, nào là Đế Thiên, Đế Thích, nào là Prasat Preah Vihear hiện đang nóng bỏng… mà tui thấy ông đi lăng quăng toàn mấy chỗ “ai nào biết ai nào hay” không vậy? Hay ông chưa đi mấy chỗ đó? Hay mấy chỗ đó nhiều huynh đệ tỷ muội đi rồi, kể chuyện nghe đã tuyệt cú mèo rồi… nên ông không cưa bom quăng lựu đạn được, nên không dám kể tui nghe?”


“Còn bức xúc gì nữa, nói tiếp đi em ku!” Trời ơi, tối hôm qua chắc bị con ghệ nào đá, giờ hổng có chó bắt mèo chửi chơi hay sao dzậy trời! “Mầy nói cũng có phần đúng, vì huynh đệ tỷ muội đi nhiều rồi nên để các bạn ấy kể trước, còn mấy chỗ ít người đi mình chen vào. Dzậy nó mới thành bức tranh toàn cảnh về Cambodia chứ. Àh, mà nếu tao xấu như mầy nghĩ, chơi với tao làm gì mậy?”.



Tắt đài! :T



***

Kompong Thom, nghe trăm tiếng ngậm ngùi, nghe hoang phế cạnh đây*… – 1




Nằm trên quốc lộ 6, giữa Phompenh và Siemreap, Kompong Thom hầu như bị rơi vào quên lãng trong các tour du lịch Cambodia thường gặp. Chỉ mới dọn dẹp được bom mìn quanh khu vực tham quan, và mới mở cửa cho du khách vào 2003, Sambor Prei Kuk nổi tiếng của Kompong Thom nằm sâu trong rừng rú âm u, dù được rất nhiều nhà khảo cổ, cũng như dân du lịch bụi đánh giá cao vì giá trị cổ xưa, hơn cả Angkor, và cả sự vắng vẻ thâm trầm không thương mại hóa xô bồ…ngày càng như chìm sâu hơn vào trong rừng rậm, trong miền sâu thẳm ký ức của người dân Cambodia khi nhớ về ngày xưa đó hào hùng...



P1090102.jpg

Ngôi đền Sư tử, Prasat Tao, từ thế kỷ VII ở Sambor Prei Kuk


P1090184.jpg

Cuộc chiến giữa cây và đền này chắc đã phân thắng bại!


Được xem là kinh đô đầu tiên của vương triều Chân Lạp từ 550-598 với tên gọi rồi Bhavapura, rồi từ 613… với tên gọi là Ishanapura,… vùng đất ngày nay có tên là Sambor Prei Kuk, nằm ở đông bắc Kompong Thom dấu mình trong một khu rừng âm u, trong những con đường đất đỏ bụi mờ… quên đi một ngày xưa oanh liệt, mà người ta vẫn không khỏi ngậm ngùi khi nhắc đến, thời kỳ “tiền Angkor”.


P1090218-1.jpg

Chiều đã muộn lắm trên dòng Stung Sen dịu dàng vắt ngang Kompong Thom



Tôi nhảy xuống chiếc xe Phnompenh – Siemreap, quảy nguyên chiếc balo bụi đời leo tót lên xe ôm lao vào những con đường bụi đỏ mờ mịt trời đất đi Sambor Prei Kuk… để khi hạnh phúc chiều về, tôi lại ân hận buồn bã (!?) nơi quán trọ. Toàn bộ quần áo, sách vở,… mọi thứ trong chiếc balo của tôi đều đã được nhuộm một màu hồng khó phai.


Kỷ niệm đầu khó quên của tôi về Kompong Thom, Sambor Prei Kuk là vậy đó.


.....



________

* Lời nhạc của T.C.Sơn
 
Last edited:
Kompong Thom, nghe trăm tiếng ngậm ngùi, nghe hoang phế cạnh đây… – 2

Kompong Thom, nghe trăm tiếng ngậm ngùi, nghe hoang phế cạnh đây… – 2



Từ TK VI, vương quốc Phù Nam bắt đầu suy yếu. Người Khmer của vương quốc Chân Lạp, sau khi di cư từ sông Chao Praya xuống, lúc bấy giờ đang ở vùng trung và nam Lào, bắt đầu hùng mạnh và tiến dần xuống phía nam. Vua Bhavavarman I, đang trên đường nam tiến, đã dời kinh đô từ Champasak xuống Bhavapura, mới vừa đoạt được từ Phù Nam. Việc dời đô có nhiều lý do, nhưng có 1 lý do quan trọng là thuận tiện cho việc thôn tính Phù Nam. Và Chân Lạp đã làm được việc đó trong TK VII, bắt đầu hình thành nên vương quốc Khmer hùng mạnh trong nhiều thế kỷ sau đó.



Thời bấy giờ, kinh đô Bhavapura (Sambor Prei Kuk) đã rất to lớn, tráng lệ, trong khi người anh em Giao Chỉ kế bên vẫn còn đang lầm than trong ách đô hộ 1.000 năm của giặc Tàu. Theo wiki: Nhà sử học đời nhà Tùy, TQ ghi chép lại khung cảnh của Sambo Prey Kuk ngày xưa: “Nhà vua sống trong cung điện giữa kinh đô đông đến hơn hai vạn hộ. Ở trung tâm kinh đô có một hoàng cung là nơi nhà vua thiết triều và tiếp kiến sứ thần... Cứ ba ngày một lần, nhà vua ra ngự ở hoàng cung, ngồi trên một cái sập bằng gỗ hương sơn son thếp vàng. Phía trên sập có treo một khung trần bằng ngà voi trang trí những bông hoa mạ vàng, bốn phía căng đủ các thứ gấm vóc, toàn bộ cái sập trông như một tòa lâu đài”


P1090128.jpg

Những cánh cổng, nối những cánh cổng… hun hút sâu huyền bí…



P1090139.jpg

…bên những bức tường gạch đã 1.400 tuổi!



Tôi đi Cambodia lần đầu là đến thẳng Angkor, nên tôi vẫn thường ngơ ngác hỏi rằng tại sao chỉ với bàn tay con người, người Khmer đã xây dựng nên Angkor. Trước giờ, đôi khi chúng ta còn nghe về câu hỏi chưa được trả lời là việc xây dựng 1 Angkor hùng vĩ, kỳ bí lạ thường như vậy phải chăng là có sự giúp đỡ của người ngoài hành tinh,… Nhưng đã đến đây, nếu biết rằng trước Siemreap, Angkor… thì đã có 1 Sambor Preikuk… thì có lẽ chúng ta sẽ không ngạc nhiên lắm với những gì người Khmer đã làm được với Angkor. Có lẽ bây giờ, chúng ta lại cần phải đặt một câu hỏi tương tự cho Sambor Preikuk.


P1090144.jpg



P1090155-1.jpg

Vẫn sắc xảo những chạm trổ trên gạch đã 1.400 tuổi


Vì khác với Angkor phần lớn làm bằng đá tảng cứng và bền, các kiến trúc của Sambor Preikuk chỉ làm bằng gạch… nhưng qua gần 14 thế kỷ, thời gian gió mưa phong hóa,… qua những trận mưa bom của không lực Hoa Kỳ những năm 70 thế kỷ trước… dù đã hoang phế, vẫn còn đây đó những góc nhỏ rạng ngời tài hoa của người Khmer….


....
 
Kompong Thom, nghe trăm tiếng ngậm ngùi, nghe hoang phế cạnh đây… – 3

Kompong Thom, nghe trăm tiếng ngậm ngùi, nghe hoang phế cạnh đây… – 3




P1090147.jpg



P1090094.jpg

Các đền đài ở Sambor Preikuk​


Có một điểm quan trọng mà chúng ta ít biết đến, mối liên hệ giữa Sambor Preikuk và Mỹ Sơn. Kinh đô Sambor Preikuk phát triển mạnh mẽ dưới thời vua Ixanavacman I (615-635). Ông này là cháu gọi vua Bhavavarman I (vị vua đã dời kinh đô từ Champasak về Sambor Preikuk) bằng chú. Vua Ixanavacman I lúc đó đã mở rộng lãnh thổ Chân Lạp rất rộng lớn, đến tận Chanthaburi miền đông nam Thailand bây giờ. Là người có tầm nhìn xa trông rộng, ông thiết lập quan hệ với nhiều nước, trong đó đặc biệt là ông đã gả con gái của mình cho cháu nội của quốc vương đang trị vị vương quốc Champa lúc bấy giờ. Cháu ngoại của ông, vị vua Champa Vikrantavacman, lên ngôi năm 653, chính là người đã cho xây dựng các tháp Chàm ở Mỹ Sơn. Do vậy, có thể kỹ thuật xây dựng các cung điện, tháp đền bằng gạch nung của các nghệ nhân Mỹ Sơn có liên quan đến các kỹ thuật xây dựng ở Sambor Preikuk. Và, nhìn bề ngoài, chúng ta cũng rất dễ dàng nhìn thấy những nét hao hao của những tháp đền ở Mỹ Sơn và ở đây.


P1090097.jpg

Prasat Tao và những chủ nhân nhỏ của nó.​


Cũng chỉ xây bằng gạch nung và chất kết dính đặc biệt, các ngôi đền ở 2 nơi đều bị ảnh hưởng bởi văn hóa Hindu đang rất mạnh lúc bấy giờ. Tuy nhiên, một trong những điểm đặc biệt nhất của Sambor Preikuk là ngôi đền Prasat Tao (Lion Temple) với đôi sư tử bằng đá đen oai nghiêm đứng trước đền, từ hơn một thiên niên kỷ trước. Rất ngạc nhiên là chúng vẫn trường tồn qua bao nhiêu đó thời gian và cả lòng tham của con người. Điều đặc biệt trước tiên là chúng làm bằng đá, trong khi đó cấu trúc của những đền đài ở đây là gạch. Nhưng đặc biệt hơn là chúng vẫn oai nghiêm lặng lẽ ngồi đó qua 14 thế kỷ, dù bao nhiêu người đã cố gắng khiêng về nhưng đều không cạy chúng lên nổi. Trong khi đó, lúc trùng tu ngôi đền, chính quyền đã nhờ đến các vị tu sĩ. Họ vào đền khấn vái. Sau đó, chỉ cần 4 người đã dễ dàng khiêng chúng lên, đưa về Kompong Thom để bảo quản, để rồi chúng được đưa lại về đây vào 2003, khi Sambor Preikuk bắt đầu được mở cửa.



P1090108.jpg




P1090116.jpg

Oai nghiêm & huyền bí.


Bạn có tin vào những điều huyền bí?


....
 
Kompong Thom, nghe trăm tiếng ngậm ngùi, nghe hoang phế cạnh đây… – 4

Kompong Thom, nghe trăm tiếng ngậm ngùi, nghe hoang phế cạnh đây… – 4





P1090105.jpg



P1090107.jpg

Bên trong Prasat Tao


Ngôi đền sư tử, ngoài đôi sư tử đá oai nghiêm tận tình canh gác gần 15 thế kỷ qua, còn có những điểm đặc biệt khác. Là 1 trong 7 ngôi đền còn tương đối nguyên vẹn, dù những năm 70 quân đội Hoa Kỳ đã trút những cơn mưa bom xuống đây,… ngôi đền Sư tử cao 19m có đến 4 cửa, nhưng chỉ có cánh cửa hướng đông là được mở. Theo những tài liệu cổ tìm được tại Sambor Preikuk, thì “Chỉ những ai đức độ vẹn toàn mới có khả năng mở ra các cánh cửa kia”. Gần 14 thế kỷ đã qua, những người đến đây vẫn chưa có ai đủ đức độ vẹn toàn. Tôi cũng đã thử đẩy, nhưng cửa chỉ he hé ti tí chứ không mở (việc này tin không tùy bạn –D).


P1090103.jpg

Prasat Tao và những cánh cửa chưa mở


Lang thang trong hoang phế buổi chiều vắng ngắt, trong khu rừng âm u, với những câu chuyện huyền hoặc vừa nghe… cảm giác thật lạ. Vừa sợ, vừa thích, vừa hào hứng. Tuy nhiên, đôi lúc giữa vắng lặng, bạn bỗng nghe lá khô trong rừng dù không có gió vẫn lạo xạo… thì đừng vội giật mình (!?). Đó là những bước chân vội của những cô cậu nhỏ người địa phương đến đây, vừa vui chơi, vừa tranh thủ kiếm thêm nếu có vài du khách “đi lạc”.



P1090173.jpg



P1090172.jpg

Những nụ cười Cambodia


Cũng như trẻ em Khmer ở mọi nơi trên đất nước chùa tháp, chúng đều đen nhẻm, người nhỏ thó, gầy gò, trong những bộ đồ cũ mèm... Nhưng chính nhờ vậy, với đôi mắt đẹp lấp lánh, những nụ cười của chúng luôn rực sáng, tươi rói dù cuộc sống còn nhiều gian khó. Lang thang trên đất Cambodia, ngoài những di tích đền đài… những nụ cười đẹp rạng ngời và thân thiện của trẻ con nơi đây cũng là những điều khó có thể quên.


....
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,311
Bài viết
1,175,022
Members
192,036
Latest member
imperiaglobalgate
Back
Top