What's new

[Chia sẻ] Tự hào được sinh ra là người Khmer!

Tự hào được sinh ra là người Khmer!




“Thiệt vậy hả anh Hai? Ông là… là… là người Miên hả”, nó trợn tráo mắt lên lắp ba lắp bắp, luống cuống hỏi. “Nào giờ huynh đệ mình chơi nhiêu lâu, có nghe ông nói chuyện này giờ đâu? Mà tui thấy ông cũng đâu có giồng Miên lắm đâu dù ông cũng đen thui thùi lùi, mũi tẹt lét, mắt trắng dã!”, đang cơn binh lửa vậy mà cũng không quên đá thêm một câu, thằng thiệt giỏi, mai mốt gửi mày tham gia V-League đá (độ) thử xem sao. “Mà vụ án này nhạy cảm lắm lắm đó nghen anh Hai. May là ông đang ở nước mình chứ ở bên Xiêm mà ông phát ngôn kiểu này là dễ bị tụi áo vàng áo đỏ nó oánh banh xác pháo đó! Mà dù đang ở nước nhà, ơn Đảng ơn nhà nước để đâu ông hổng nhớ mà tự nhiên tuyên bố sảng sảng vậy. Cũng dễ đụng chạm lắm đó! Người gốc gì, dân tộc gì trong năm mươi mấy dân tộc anh em giờ cũng là người Việt mà, ông chia bè rẽ phái làm gì cho nó om xòm lên!” nó thì thầm ra vẻ nghiêm trọng, rồi thẽ thọt tiếp “Thôi ông gỡ tên tựa bài xuống đi, chứ không anh em ở đây người ta cũng xóa bài đó. Ham hố gì, lợi lộc gì mà ông chơi lấy tiếng hổng đúng kiểu nào trong 36 chước ráo trọi hết, rồi mấy anh áo vàng ảnh mời lên mời xuống mất công lắm. Hổng biết chừng, tui chơi với ông lâu lâu rồi cũng dễ bị kêu lên kêu xuống nữa đó!”. Té ra là vậy hả ku, đúng là “người không vì mình trời tru đất diệt”!.



“Mầy nói xong chưa ku? Uống chút nước thấm giọng ngồi dựa cột nghe anh hai mày nói nè”. Cũng không lạ gì thằng bạn cắt khố chơi từ hồi nẵm tắm mưa cuổng trời, tôi cứ để nó nói cho đã đời đã điếu đã. “Số là ngày xuân hưỡn quá, tao lục lọi hình ảnh, ăn mày ký ức, ăn xin dĩ vãng… mới thấy tấm hình tao chụp bên Cambodia có câu slogan mà tao dịch (vật) thành tựa bài đó, tao thích quá trời đất luôn. Cũng nhân dịp mấy đại ca đại tỷ nước nhà đang hùng hồn phát minh ra Châu Mỹ một cái slogan cho du lịch Việt Nam 2011 thiệt là lộng lẫy cho nước Nam mình, tao cám cảnh, lại buồn chuyện gia đình (!?), mới ngồi gõ lóc cóc chơi cho dzui dzị đó mà.”.



P1110570.jpg

Cambodia – đất nước của những ngôi đền…?​



“Dzui thiệt hông đó cha nội? Thôi thì coi như cái câu tựa bài này hổng phải của anh Hai, anh mình hổng có tội tình gì. Cầu trời khẩn Phật là thiệt đi! Nhưng mà có nhiêu đó thì làm gì đủ một cái topic mà ông phang chè bè lên đây hao tổn tài nguyên, lãng phí đất đai… của người khác vậy?”. Cũng không chừa cái thói lanh chanh chen ngang mất lịch sự, nói mòn răng chưa giảm được tẹo nào.


P3030212.jpg

…của thốt nốt kiêu hãnh…?​



“Dĩ nhiên là tao cũng biết, nhưng mầy yên tâm. Tao phang cái câu đó lên, tao hiên ngang (!?) mở cái topic này là vì nhiều lẽ, chứ tao đâu có hưỡn, ở không (thiệt hông ta?) mà vẽ rắn thêm chân làm gì mậy. Tao tương cái câu slogan đó lên là vì tao thấy ở đây chưa ai đưa lên hết, đương nhiên “tiên phong ta cứ hàng đầu tiến lên mà”. Nhưng hơn cả việc đó là tao thật sự thích Cambodia, nhiều thứ, dù tao không phải là người Miên (mà ai nào biết ai nào hay?). Tao thấy, Cambodia đâu chỉ có Siemreap, Phnompenh, Sihanoukville… mà thiên hạ quanh đi quẩn lại cũng nhiêu đó. Thêm nữa là sau những chuyến đi, mỗi lần quay lại là tao thấy Cambodia thay đổi nhiều quá, nên tao buồn lắm. Do vậy tranh thủ gõ sớm sớm được lúc nào hay lúc đó chứ mai mốt biết bển còn gì không mà đi nữa, mà lóc cóc gõ!”



P1110433.jpg

…hay của những con người: “Tự hào được sinh ra là người Khmer.”?​



“Ông nói thiệt hả? Thôi để tui dzìa xin tiền má, cuối tuần này tui đi qua bển liền”, lại láu ta láu táu.


“Mầy định cuối tuần này đi hả, vậy mấy cái quán ở Sài Gòn nó thất thu nó chửi tao tắt bếp sập lò, còn mấy ẻm ngày đợi đêm chờ mầy xóa đói giảm nghèo ngồi vêu mỏ (đỏ) ra mong nhớ mầy, cũng chửi tao luôn… thì tội nghiệp lắm. Thôi, ở yên đó, để tao “dắt” mày đi”



....
 
Koh Ker nắng quái trên đền xưa – 5

Koh Ker nắng quái trên đền xưa – 5



P1100340.jpg

Hoang phế Prasat Thom chiều nắng quái


P1100341.jpg

Dù đã tan thân nát thịt, vẫn nhẫn nại trung thành ngàn năm nằm canh gác


P1100344.jpg

Một góc cổng trong khuôn viên Prasat Thom, những nét chạm trổ ngàn năm tuổi vẫn sắc xảo linh động.​


Tôi chia tay Prasat Thom khi nắng quái chiều hôm đã xiên xiên những ngón tay vàng hoang hoải vuốt ve đám cổ thụ um tùm. Ngắm nhìn những đổ nát hoang tàn, những chạm khắc tinh xảo đã 1 thiên niên kỷ tuổi,… tần ngần lặng lẽ… tôi đi về hướng mặt trời, về Prasat Leung.


P1100342.jpg

Ngoảnh lại nhìn con đường hun hút chạy giữa đổ nát đi vào kim tự tháp Prasat Thom lần cuối, tôi đi.




Được xây dựng dưới thời vua Jayavarman IV từ 921 đến 944, kinh đô Koh Ker chỉ tồn tại trong vòng 23 năm ngắn ngủi. Jayavarman IV về lại Angkor vào năm 924, bỏ Koh Ker, trong hoang phế, trong bí ẩn… bởi quyết định vội vã ban đầu khi chọn xây kinh thành trên một vùng rừng rậm hiểm trở, tốt cho việc phòng vệ, nhưng không hề có sông suối kinh rạch cần thiết cho cuộc sống bình an,… Jayavarman IV cũng để lại một cụm đền Prasat Leung đang xây dựng dang dở và một bí ẩn – những ngôi đền ở đây lại quay mặt về hướng tây, trong khi đó hầu hết những đền đài của người Khmer, Champa… đều quay về hướng mặt trời mọc. Câu hỏi này, giờ tôi vẫn chưa có được trả lời xác đáng.


P1100349.jpg

Linga & Yoni trong 1 ngôi đền ở Prasat Leung…


P1100352.jpg

…đang lặng lẽ đón ánh chiều vàng rực rỡ, như mỗi chiều, của ngàn năm qua.


Tuy chưa xây dựng xong, cụm tháp Prasat Leung này có các Linga lớn nhất và được gìn giữ tốt nhất tại Cambodia.
 
Koh Ker nắng quái trên đền xưa – 6

Koh Ker nắng quái trên đền xưa – 6



Tuy nhiên, những ngôi đền Prasat Leung, Prasat Thneng trong cụm đền này do chưa hoàn thành nên chưa có những điêu khắc chạm trổ tinh xảo như ở các ngôi đền khác. Kích thước khiêm tốn, dang dở đổ nát, lẻ loi bé nhỏ giữa rừng rậm… điều làm tôi ngạc nhiên là sao những yoni & linga vẫn còn được gìn giữ nguyên vẹn, không bị đập phá hay lấy đi như ở nhiều nơi khác. Có lý do nào không? Thần Shiva có giúp con cháu giữ gìn những linh vật của mình?



P1100358.jpg

Prasat Thneng bé nhỏ hoang tàn giữa rừng xanh Koh Ker​


Tôi lại lang thang trong rừng chiều Koh Ker giữa những đền xưa hoang tàn. Giật mình bởi cụm tháp - đền đài thứ 3, sao có cấu trúc giống Banteay Srei ở Siemreap quá. Rồi tiếc nuối khi thấy ngôi đền đã bị tàn phá quá nặng nề, nhất là bởi những kẻ "đào mộ" trong thời kỳ chiến tranh liên miên – giờ dấu vết đào bới vẫn lồ lộ. Nhưng lý thú là trong cụm tháp này có các văn bản khắc bằng chữ Pali trên các trụ đá (nghiên cứu cho thấy niên đại từ 932-1010) nói về lịch sử Cambodia thời bấy giờ. Những con chữ đã ngàn năm tuổi sao giờ vẫn đẹp rờ rỡ.




P1100368.jpg

Cụm đền giống với Banteay Srei ở Siemreap…


P1100364.jpg

…hoang tàn đổ nát…


P1100362.jpg

…nhưng 1.000 năm “bia đá” chưa mòn!​



Lang thang giữa Koh Ker, tôi ngẩn ngơ buồn tiếc khi nhìn quá nhiều những hoang tàn đổ nát, những giá trị xưa cũ đã bị tàn phá không chỉ bởi thời gian, nhưng bỗng nhiên tôi lại bật cười một mình giữa rừng xanh như một thằng khùng! Một cuộc chiến lạ giữa cây và đá. Trong những cuộc chiến giữa cây và đá ở Angkor, Sambor Preikuk… thường là phần thắng nghiêng về cây, nhưng ở đây, một bức tường đá “lì lợm” có lẽ nhờ sự hỗ trợ của đám gió hoang đàng đã xô ngã một “chiến binh cổ thụ”. Nhưng mắc cười là “chiến binh cổ thụ” kia cũng không vừa, đã láu cá nương nhờ đồng đội nên vẫn còn cầm cự được. Ai nói cây cối không biết nghĩ suy!? Cuộc chiến này có lẽ còn sẽ “bất phân thắng bại” trong một thời gian khá dài nữa. Mai này có dịp về lại Koh Ker, mà chắc chắn là có về, tôi sẽ quay lại nơi này để xem thắng bại rồi về ai!


P1100371.jpg

Koh Ker buồn.



P1100365.jpg

Chiến thắng! Nhưng, hãy chờ xem!


.
 
Koh Ker nắng quái trên đền xưa – 7

Koh Ker nắng quái trên đền xưa – 7



Tủm tỉm cười, tôi lơn tơn đi tiếp. Đang ngắm những cụm đền xưa hoang tàn đổ nát cây phủ rậm rạp, bỗng giật mình khi thấy một ngôi đền cháy đen nham nhở sừng sững giữa một khuôn viên thoáng đãng. Sao ngôi đền lại bị đốt như thế này, mà tại sao đốt lại nham nhở không cháy hết như vậy!? Té ra thì không phải vậy, ngôi đền đã tự cháy.


P1100394.jpg

Đây, nó đây, Prasat Neang Khmau, ngôi đền tự cháy.​



Prasat Neang Khmau, ngôi đền đen, còn được gọi là đền Hắc Trinh Nữ, temple of black virgin, này chẳng bị ai đốt hết. Chẳng hiểu làm sao, loại đá được dùng để xây ngôi đền sau một thời gian tự nhiên chuyển màu như vậy. Đây là sự oxy hóa của các khoáng chất có trong đá, bây giờ giải thích thì dễ, nhưng 1.000 năm trước mà tự nhiên thấy ngôi đền ‘’tự cháy’’ như vậy chắc người xưa đã rất kinh sợ. Hơn nữa, hằng hà sa số ngôi đền cùng được xây dựng, cớ sao chỉ riêng khối đá được dùng để xây Prasat Neang Khmau bị oxy hóa như vậy thì quả là một câu hỏi ‘’khó đỡ’’.


P1100395.jpg

Vẫn quay mặt về hướng tây một cách lạ lùng…


P1100391.jpg

…với những đường nét chạm trổ tinh xảo.​



Có lẽ người dân phần nào hoảng sợ, ít xâm phạm nên ngôi đền còn được giữ gìn khá tốt. Các đường nét chạm trổ trên cửa ngôi đền dù rất li ti nhưng vẫn còn khá sắc xảo, khó tin rằng chúng đã 1.000 năm tuổi.
 
Last edited:
Koh Ker nắng quái trên đền xưa – 8

Koh Ker nắng quái trên đền xưa – 8


Rời Temple of Black Virgil, Prasat Neang Khmau, tôi đi tiếp vào rừng Koh Ker. Đi con đường này bạn cũng phải rất cẩn thận, đừng dại dột bước qua những khu vực có tấm bảng “Không vào. Mìn.” nghen, trừ phi bạn muốn được lên báo, ít ra cũng là báo Cambodia và báo Việt Nam.


Rồi tôi ngang qua ngôi đền Prasat Bak, mà tôi biết chắc là tên của nó chỉ mới được đặt ra sau này. Vì “bak“ có nghĩa là “vỡ”. Chẳng ai đặt tên ngôi đền vỡ khi nó mới được xây dựng há! Nhưng ngồi đền vỡ Prasat Bak này lại vỡ rất kỳ bí, có như bị lưỡi tầm sét của thiên lôi phạt ngang, chẻ đôi ra vậy. Mà đâu chỉ 1 ngôi đền, cả 2 ngôi đền trong cụm đền này đều bị phạt ngang bằng riết giống như người ta dùng 1 cái cưa khổng lồ cưa dọc xuống vậy. Do vậy, cái sự “vỡ” của ngôi đền vỡ Prasat Bak này vẫn còn là 1 câu hỏi bí ẩn chưa được trả lời (!?) (hay có rồi mà tôi hổng biết!!!).


P1100380.jpg



P1100371.jpg

Ngôi đền vỡ đôi Prasat Bak​


Lang thang Koh Ker, cảm giác rất khác với khi ở Angkor (đương nhiên!). Vì những đền đài ở đây không to lớn hoành tráng chạm trổ tinh xảo… nhưng lại có những nét duyên riêng. Đều hấp dẫn nữa là chúng nằm trong rừng rậm bao quanh, nên dù nắng chiều có muốn len lén xen qua thì vẫn chỉ lọt vài tia mỏng manh vàng vọt, giữa rừng xanh, thoắt ẩn thoắt hiện những ngôi đền. Và kia rồi, ngôi đền Prasat Damrei bỗng hiện ra sau những lùm cây um tùm.


P1100387.jpg

Đền voi Prasat Damrei đây, nhưng voi đâu?​


Đi Cambodia, tiếng địa phương cũng dễ học lắm (!), nếu bạn lưu tâm một chút! Prasat Damrei là Đền Voi, vậy Damdrei tiếng Khmer là voi. Y chang luôn!!! Dễ ợt há! Những đáng buồn thay là trong 4 chú voi đứng canh ở 4 góc đền giờ chỉ còn 2 chú, trong đó 1 chú đã bị kẻ ác nhân nào đó trảm bay đầu! Đáng giận thay. Nhưng đầu đã lìa nhưng ý chí vẫn mãi trung kiên nên chú voi không đầu giờ vẫn đứng canh gác bên ngôi đền Prasat Damrei dù đã hơn ngàn năm tuổi vẫn còn giữ được những nét chạm trổ tinh xảo ngời ngời.


P1100386.jpg

Chạm trổ tinh xảo của đền voi Prasat Damrei


P1100382.jpg

Voi đã bị kẻ nhẫn tâm trảm bay đầu!


P1100383.jpg

Chú voi còn tương đối nguyên vẹn, hiên ngang sừng sững bên góc đền canh giữ!

.
 
Koh Ker nắng quái trên đền xưa – 9

Koh Ker nắng quái trên đền xưa – 9



Nhớ rằng, những đền đài trong Koh Ker được xây dựng trước Angkor Thom, Angkor Wat… thì chúng ta càng nể vì trước sự tài hoa của người dân Khmer. Từ thế kỷ VI, với Sambor Preikuk, Wat Phou (giờ bên Lào)... rồi đến Koh Ker… những đền đài càng ngày càng tinh xảo, càng hoành tráng. Để sau cùng, mới có được những đền đài Angkor.


P1100385.jpg

Sư tử đá ở đền Voi​


Điều thú vị của ngôi đền Voi này là không chỉ có voi xung quanh đền mà còn có cả sư tử. Những chú sư tử này tuy đã bị đập phá, được trùng tu sửa sang lại… tuy nhiên vẫn thấy được nét đặc trưng của sư tử đá Angkor, như chú sư tử đá từ thế kỷ VII ở Sambor Preikuk đến các ngôi đền Angkor khác, chứ không giống các chú sư tử ‘’lạ’’ hiện đang du nhập vào chùa Việt từ xứ ‘’lạ’’.


P1100399.jpg


P1100398.jpg

Trong chiều đã chiều, cuộc chiến sinh tử giữa cây và đền trông càng khốc liệt và thêm chút huyền hoặc


Rời ngôi đền Voi Prasat Damrei, tôi lang thang tiếp vào rừng, và lại tiếp tục sững sờ trước cuộc đấu tranh sống mái giữa cái ngôi đền trong cụm đền Prasat Bram. Cuộc chiến cây và đá ở cụm đền này quả thật rất khốc liệt.
 
Koh Ker nắng quái trên đền xưa – 10

Koh Ker nắng quái trên đền xưa – 10



Tôi đến cụm đền Prasat Bram lúc nắng đã gần tắt. Bị thời gian rượt dài sau lưng nhưng tôi vẫn không thể rời đi được, khi mãi còn ngẩn ngơ ngơ ngẩn trước Prasat Bram. Cụm đền này có 5 ngôi đền nhỏ, trong đó 3 ngôi đền đang bị đám rễ cây tinh quái ôm xiết. Điều tôi lấy làm lạ là đất rừng thênh thang tươi tốt, cớ chi bên kia chúng chẳng mọc, bên này lại cứ leo lên ôm xiết ngôi đền, chỉ là đá gạch trơ trọi chẳng chút mỡ màu.


P1100417.jpg

Tấn công từ phía sau…


P1100415.jpg



P1100406.jpg

… rồi phía trước…​



Tuy không can thiệp vào nhiều, nhưng chắc ở đây, hình như đã có bàn tay con người tác động. Dĩ nhiên, lũ cây có thể ôm, xiết, che phủ, nghiền nát… ngôi đền nhưng chúng không thể che mất cửa vào, nơi bên trong, thần Shiva và những linga, linh vật của Người vẫn được cúng dường. Cho dù, bây giờ Phật giáo là tôn giáo chính của Cambodia, cho dù bên trong một số ngôi đền Hindu xưa, tượng Phật giờ ở chính điện… nhưng ở những nơi còn những linga, yoni, những pho tượng hóa thân của thần Vishnu, Shiva… người dân Khmer vẫn thành tâm chăm sóc… và khấn nguyện mỗi khi hướng về cõi tâm linh. Cho nên, lũ rễ cây phủ bên trước cửa những ngôi đền vẫn chừa ra khoảng trống. Chúng đã tránh ra, hay đã bị tỉa gọn? Chẳng ai trả lời tôi, nhưng nhìn đám rễ cây ôm lấy cái cửa đó thấy sao huyền bí. Đi qua những cánh cửa lạ lùng đó, vào bên trong ngôi đền có đám rễ cây già nua tinh quái ôm quanh, tôi có lạc về miền đất thần tiên của Alice? Sao không thử?


P1100414.jpg

… và cánh cửa huyền bí.​


Chiều đã xám. 5 ngôi đền Prasat Bram vẫn quấn quíu chân tôi. Vì tôi biết, ra khỏi nơi đây, là tôi chia tay Koh Ker, chia tay một khoảnh khắc đẹp những ngày lang thang trên đất Cambodia kỳ bí. Thật khó có thể bỏ đi, dù ở lại tôi cũng chẳng làm gì. Chỉ ngồi bên thềm cũ, nhìn ngắm những giá trị xưa, để nghĩ suy, để suy gẫm, hay đơn giản chỉ để thán phục ngắm nhìn… Thêm nữa, giờ tôi không sợ bóng đêm, vì tôi đã có 3 người bạn đồng hành mới. Những người bạn chỉ trao đổi nhau những nụ cười, những ánh mắt.


P1100389.jpg

Một người “bạn” đồng hành mới của tôi ở chiều Koh Ker.​


Tuy ngày đến Koh Ker, tôi chưa gặp tấm pano với dòng chữ “Tự hào được sinh ra là người Khmer!”, nhưng tôi dường như đã thấu hiểu về điều này, trên con đường lang thang Angkor và giờ, ở nơi đây, qua ánh mắt của 3 người bạn đồng hành đột xuất. Một đôi vợ chồng trẻ đang chở bé gái con của họ, khoảng chừng 3 tuổi, đi thăm viếng Koh Ker. Ánh mắt ngời sáng tự hào của họ, khi họ kể cho con nghe, dù bé còn rất bé, và khi họ nhìn tôi, rồi nhìn những ngôi đền Koh Ker. Tôi thấy niềm kiêu hãnh ngời sáng, trên những đôi mắt Khmer đẹp, tuyệt đẹp một cách lạ thường trên những gương mặt Khmer khắc khổ và lam lũ. Nơi đây Koh Ker, tôi biết, họ, và mỗi người dân Cambodia đều “Tự hào được sinh ra là người Khmer!”.


P1100423.jpg

Chia tay Koh Ker….​



Chia tay Koh Ker, khi chiều đã tắt nắng. Hướng về Prasat Preah Vihear trong màn sương đêm và bụi đỏ Cambodia… tôi lên đường lòng ngổn ngang những niềm vui và nỗi nhớ… Nhớ buổi chiều nắng quái và những ngôi đền Koh Ker giờ đang dần xa…
 
Kep. Nơi em về ngày xanh không em – 1

“Haizzz, lê thê lếch thếch miết rồi anh ku mình mới đi khỏi Koh Ker! Thiệt hết ý kiến với anh mình luôn!”. Lâu quá mới gặp lại, thôi thì để nó chửi cho đã đời con dời vừa mới qua đời luôn, cho nó dzui. “Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, Koh Ker cũng là lạ hén! Có điều, anh hai tranh thủ ít người mình tới đó nên cưa bom quá trời. Để hôm nào hưỡn hưỡn tui qua bển coi nó có giống dzị hông, hay anh là mình chỉ nổ văng miểng!”

“He he he, mầy đâu cần qua bển mới biết. Hổng tin tao mầy dzô Google gõ là biết chứ gì. Nói thiệt với mầy chứ Koh Ker còn nhiều thứ hay ho lắm đó, nhưng hổng lý tao cứ ở trỏng miết, sợ anh chị em chán ngán nên tao mới đi đó chứ. Lần sau, tao mà quay lại bển, tao ở vài ngày luôn, vì tao đọc thấy có nhiều điểm lạ hoắc lạ hươ thú vị lắm, mà bữa đó tao chưa vô tới!”



“Thôi thôi anh hai, bớt giỡn giùm cái, tha giùm thằng em nghen. Đền xưa tích cũ nó ngập cổ em rồi nè. Ông mà hổng đổi không khí là tui kêu mấy thằng chiến hữu nó vô nó quậy ông banh xác luôn đó. Ủa, mà đi bển, bộ suốt ngày ông chun vô rừng rú không hả? Biển xanh cát trắng nắng vàng gái giòn bia ngon… ông kiêng cữ hả? Sao hổng thấy kể?”

“Kiêng cái mồ tổ cha mầy! Mấy thứ đó mầy đi qua Cambodia chi cho xa, chạy ra Vũng Tàu, Phan Thiết… là nhóc luôn. Ừa, nhưng mà thôi, để dắt mầy đi vài chỗ có mấy thứ mầy nóng lòng mong chờ hén. Coi thừ xem sao há. Thực ra thì nó khác xa quê mình. Hương xa mà (!?), phải hông ku?”


_____________



Kep. Nơi em về ngày xanh không em – 1


Tôi đến Kep 2 lần. Một lần trên đường lang thang đất Cambodia tìm một con đường khác để về nhà, thay vì con đường Phnom Penh – Sài Gòn đi miết khiến chán. Một lần đang cơn say, nửa đêm nhảy xe ôm ra bến xe miến Tây, leo lên xe đi Hà Tiên. 8 giờ sáng hôm sau có mặt ở Kep. Lần nào cũng ngổn ngang những niềm vui và nỗi buồn. Thêm một lần xợt ngang qua không tính. Lần nào đi về tôi cũng tự hỏi mình. Kep, ngày tôi quay trở lại có còn xanh?



P3100652.jpg

Kep, những con đường xanh ngát, nhớ một sớm mai trong mình tôi lang thang…



P3100711.jpg

…và biển xanh biếc bên cạnh rừng xanh thắm…



P3100644.jpg

…rồi ngay cả cây bàng kia, dù đã bật gốc, vẫn cố gắng thêm chút xanh cho đời!
Nhưng tại sao là “Kep, nơi em về ngày xanh không em?”



…..
 
Kep. Nơi em về ngày xanh không em – 2

Kep. Nơi em về ngày xanh không em – 2



Kep, trời sẽ còn rất xanh, biển vẫn mãi xanh,… nhưng những con đường xanh đã không còn. Không chỉ ngày mai em về, mà bây giờ tôi về, những con đường đã không còn xanh.


P3100728.jpg



P3100727.jpg

Ngày Kep còn xanh những con đường.​



Lần đầu ghé Kep, cũng không xa lắm bây giờ, ngồi trên chếc xe ôm của anh tài người Khmer tre trẻ chạy từ Kep về cửa khẩu Xà Xía, tôi mê mệt với những cánh đồng muối trắng tinh khôi bên những khu rừng nước mặn xanh ngắt, trên con đường son đỏ Cambodia, dưới những hàng thốt nốt, bên những vườn thốt nốt xanh cao kiêu hãnh. Cambodia nghèo nhưng sao đẹp tinh khôi.


P3100725.jpg

Rồi bây giờ…​


Không đầy một năm sau, tôi lại về, con đường đất xưa nhiều đoạn đã rải đá dăm, vài nơi tráng nhựa, và toàn bộ con đường giờ không còn một cây thốt nốt nào nữa. Tôi nhắc lại, toàn bộ con đường gần 40km giờ không còn cây thốt nốt ven đường nào nữa. Trời vẫn xanh ngắt sao thấy nắng chát chúa và lòng chùng sâu.



Rồi một lần nữa tôi ghé ngang, Casino đã mọc lên sừng sững ngay bên này biên giới, giữa những bụi đỏ, rác rưởi, bao nylon bay trắng đất trời. Nhiều thêm những hàng quán, nhưng vẫn xập xệ rách nát bên Casino to lớn và thô kệch. Và từng tốp trên đường bụi đỏ mờ hay trong quán đông… là những cô gái Khmer làm cho casino, hay gần casino.. tôi chẳng biết. Chỉ thấy những gương mặt ngăm đen nhưng duyên dáng, mặn mà của các em giờ đã trát lên những lớp phấn trắng bệch dày cộp sao thấy vô hồn, lạc điệu… một cách tội nghiệp. Và làm sao dấu được màu da nâu của bàn tay vẫn còn vương chút phèn, giờ chói chang với những chiếc móng sơn đỏ như máu…


P3100692.jpg

Một góc Kep tinh khôi.​


Về Kep đi, để thấy Kep có còn xanh…
 
Last edited:
Kep. Nơi em về ngày xanh không em – 3

Kep. Nơi em về ngày xanh không em – 3



Kep, phố biển nhỏ nhắn, dân cư thưa thớt, với bãi biển cát vàng và hẹp,… từng là khu nghỉ ngơi của nhà cầm quyền Đông Dương những năm đầu thế kỷ XX, của hoàng gia Cambodia những năm trước 1975, và hiện nay. Ở Kep bây giờ, cách nhau khoảng chừng 1.000m theo đường chim bay, nằm trên 2 ngọn đồi xanh nhìn xuống Kep xanh ngời bên dưới, là một cung điện hoàng gia đã hoang phế, đổ nát vì Khmer Rouge tàn phá và một cung điện mới vừa mọc lên những năm cuối thế kỷ XX, đẹp lung linh.


P3100671.jpg

Bãi biển Kep hẹp và cát vàng.​


Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, tuy Kep có một bãi biển hẹp đến nỗi cát phải được chở từ Kompong Som sang đổ vào, nhưng người ta vẫn chọn Kep là nơi nghỉ ngơi có lẽ vì sự giao hòa tuyệt vời giữa biển xanh và rừng xanh. Kompong Som ngày trước, mà bây giờ hay được gọi là Sihanoukville lộng lẫy, ngày xưa chưa là gì với Kep, chỉ mới được biết đến từ những năm 50 thế kỷ trước mà thôi. Ngày xưa trước nữa, đến Kep rồi, người ta còn có những chuyến du lịch thú vị đến đảo ngọc xinh đẹp Koh Tral, mà bây giờ được gọi là Phú Quốc.


P3100648.jpg



P3100641.jpg

Những khu vườn xanh và con đường xanh ven biển khi nắng mới.​


Và có lẽ còn một lý do nữa Kep được yêu thích – Kep là thiên đường của những người yêu thích hải sản. Với người Cambodian, khi bạn nói đã đến Kep, họ sẽ hỏi bạn “Cua ở đó thật tuyệt vời phải không bạn?”. Thật vậy, cua ở Kep nhiều và ngon đến nỗi ngoài việc được nhấn mạnh trong nhiều sách du lịch, người ta còn dựng tượng để tôn vinh – như lời cảm ơn của dân lành gửi đến mẹ trùng dương…


P3100708.jpg

Cua ở Kep.​



Nhưng, theo tôi, và nhiều người… mọi người đến Kep vì còn nhiều lý do khác!
 
Kep. Nơi em về ngày xanh không em – 4

Kep. Nơi em về ngày xanh không em – 4



Ừ, tôi đến Kep không chỉ vì biển. Biển thì nước Nam với 3.200km bờ biển lắm nắng nhiều gió chỗ nào không có. Tôi đến Kep còn vì có thêm nhiều những chuyện khác. Bãi Kep thực ra không đẹp lắm, như bạn đã thấy, nhưng tôi rất thích những chiếc ghế đá nằm dọc khắp nơi bên bãi biển để bạn có thể dừng chân nghỉ ngơi lúc chân chồn gối mỏi mà không phải trả đồng xu cắc bạc nào – những chiếc ghế đá mà giờ nhan nhản trong các khu di tích, đền miếu… với những dòng chữ quảng cáo công đức to vật vã… sao lại ít thấy ở biển nước Nam. Hay tôi lạc hậu?


P3100657.jpg

Cambodia nghèo, nhưng biển nhiều ghế đá cho khách nghỉ. Rất rất nhiều bãi bên nước Nam tôi không thấy có!​


Tôi đến Kep vì tôi xao xuyến bởi những tiếng chổi tre xào xạc của những người lao công quét rác trên bãi biển, hòa trong tiếng sóng biển êm êm. Bạn nhớ nhé, các bạn ấy quét rác trên bãi biển công cộng – điều mà tôi chỉ thấy ở các khu nghỉ ngơi cao cấp, hay ít ra cũng là khu vực riêng biệt, cá nhân của những nhà hàng cỡ Sailing Club ở Nha Trang…


P3100659.jpg

Có làm “dã tràng xe cát biển Đông” khi mỗi ngày đều quét rác trên bãi biển?​


Tôi đến Kep vì trưa nắng chói, tôi có nguyên căn chòi cho mình tôi ngắm biển, nhấp nháp bia, chỉ bia thôi, không ăn uống gì… để rồi chỉ trả tiền bia thôi, không trả thêm tiền dù, lều… như ở đất nước kề bên.


P3130303.jpg

Một đốm nắng, một chiếc lá khô, một căn chòi, một chai bia, một biển xanh… - mà chỉ phải trả tiền bia thôi.​


Mà tiền bia thì có bảng giá đàng hoàng, cũng y như tôi uống nơi quán ven đường trong phố vậy thôi… chẳng có giá như trái-dừa-không-hỏi-giá-trước lên đến 50.000VND/trái, hay còn đắt hơn nữa… ở đâu đó không xa.



Mà tuy tôi “chảnh chẹ chê”, “chán ngán buồn” vì Kep không còn xanh, nhưng thực ra tạ vì tôi “khó chịu” quá thôi. Kep vẫn xanh ngời nắng gió, xanh ngắt lũ rau muống biển hiến dâng cho Kep những đóa hoa tím biếc lộng lẫy, hay đám cỏ nở hoa trắng trời trưa rủ rê lữ khách “hãy lăn ra nằm đi, hãy đè lên em đi…!!!”.


P3100681.jpg

Đám bông nhà quê muống biển phô phang hoa tím…


P3100710.jpg

…cạnh tranh lũ cỏ non tơ đang trải thảm hoa ra gọi mời.​


Còn gì nữa để về Kep không? Còn nhiều lắm chứ. Nhưng chỉ kể thêm một điều, chỉ một điều thôi! Bạn không về, “mỹ nhân của tôi” sẽ buồn lắm đó! Nàng đang chờ bạn, mòn mỏi, mỏi mòn kìa. Sao bạn còn không về!!!!


P3130282.jpg

Nàng ơi, chờ ai, đợi ai…?!​



Về đi, về cùng Kep của tôi đi!!!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,171,003
Members
192,333
Latest member
Phanduchoa
Back
Top