What's new

[Chia sẻ] Tự hào được sinh ra là người Khmer!

Tự hào được sinh ra là người Khmer!




“Thiệt vậy hả anh Hai? Ông là… là… là người Miên hả”, nó trợn tráo mắt lên lắp ba lắp bắp, luống cuống hỏi. “Nào giờ huynh đệ mình chơi nhiêu lâu, có nghe ông nói chuyện này giờ đâu? Mà tui thấy ông cũng đâu có giồng Miên lắm đâu dù ông cũng đen thui thùi lùi, mũi tẹt lét, mắt trắng dã!”, đang cơn binh lửa vậy mà cũng không quên đá thêm một câu, thằng thiệt giỏi, mai mốt gửi mày tham gia V-League đá (độ) thử xem sao. “Mà vụ án này nhạy cảm lắm lắm đó nghen anh Hai. May là ông đang ở nước mình chứ ở bên Xiêm mà ông phát ngôn kiểu này là dễ bị tụi áo vàng áo đỏ nó oánh banh xác pháo đó! Mà dù đang ở nước nhà, ơn Đảng ơn nhà nước để đâu ông hổng nhớ mà tự nhiên tuyên bố sảng sảng vậy. Cũng dễ đụng chạm lắm đó! Người gốc gì, dân tộc gì trong năm mươi mấy dân tộc anh em giờ cũng là người Việt mà, ông chia bè rẽ phái làm gì cho nó om xòm lên!” nó thì thầm ra vẻ nghiêm trọng, rồi thẽ thọt tiếp “Thôi ông gỡ tên tựa bài xuống đi, chứ không anh em ở đây người ta cũng xóa bài đó. Ham hố gì, lợi lộc gì mà ông chơi lấy tiếng hổng đúng kiểu nào trong 36 chước ráo trọi hết, rồi mấy anh áo vàng ảnh mời lên mời xuống mất công lắm. Hổng biết chừng, tui chơi với ông lâu lâu rồi cũng dễ bị kêu lên kêu xuống nữa đó!”. Té ra là vậy hả ku, đúng là “người không vì mình trời tru đất diệt”!.



“Mầy nói xong chưa ku? Uống chút nước thấm giọng ngồi dựa cột nghe anh hai mày nói nè”. Cũng không lạ gì thằng bạn cắt khố chơi từ hồi nẵm tắm mưa cuổng trời, tôi cứ để nó nói cho đã đời đã điếu đã. “Số là ngày xuân hưỡn quá, tao lục lọi hình ảnh, ăn mày ký ức, ăn xin dĩ vãng… mới thấy tấm hình tao chụp bên Cambodia có câu slogan mà tao dịch (vật) thành tựa bài đó, tao thích quá trời đất luôn. Cũng nhân dịp mấy đại ca đại tỷ nước nhà đang hùng hồn phát minh ra Châu Mỹ một cái slogan cho du lịch Việt Nam 2011 thiệt là lộng lẫy cho nước Nam mình, tao cám cảnh, lại buồn chuyện gia đình (!?), mới ngồi gõ lóc cóc chơi cho dzui dzị đó mà.”.



P1110570.jpg

Cambodia – đất nước của những ngôi đền…?​



“Dzui thiệt hông đó cha nội? Thôi thì coi như cái câu tựa bài này hổng phải của anh Hai, anh mình hổng có tội tình gì. Cầu trời khẩn Phật là thiệt đi! Nhưng mà có nhiêu đó thì làm gì đủ một cái topic mà ông phang chè bè lên đây hao tổn tài nguyên, lãng phí đất đai… của người khác vậy?”. Cũng không chừa cái thói lanh chanh chen ngang mất lịch sự, nói mòn răng chưa giảm được tẹo nào.


P3030212.jpg

…của thốt nốt kiêu hãnh…?​



“Dĩ nhiên là tao cũng biết, nhưng mầy yên tâm. Tao phang cái câu đó lên, tao hiên ngang (!?) mở cái topic này là vì nhiều lẽ, chứ tao đâu có hưỡn, ở không (thiệt hông ta?) mà vẽ rắn thêm chân làm gì mậy. Tao tương cái câu slogan đó lên là vì tao thấy ở đây chưa ai đưa lên hết, đương nhiên “tiên phong ta cứ hàng đầu tiến lên mà”. Nhưng hơn cả việc đó là tao thật sự thích Cambodia, nhiều thứ, dù tao không phải là người Miên (mà ai nào biết ai nào hay?). Tao thấy, Cambodia đâu chỉ có Siemreap, Phnompenh, Sihanoukville… mà thiên hạ quanh đi quẩn lại cũng nhiêu đó. Thêm nữa là sau những chuyến đi, mỗi lần quay lại là tao thấy Cambodia thay đổi nhiều quá, nên tao buồn lắm. Do vậy tranh thủ gõ sớm sớm được lúc nào hay lúc đó chứ mai mốt biết bển còn gì không mà đi nữa, mà lóc cóc gõ!”



P1110433.jpg

…hay của những con người: “Tự hào được sinh ra là người Khmer.”?​



“Ông nói thiệt hả? Thôi để tui dzìa xin tiền má, cuối tuần này tui đi qua bển liền”, lại láu ta láu táu.


“Mầy định cuối tuần này đi hả, vậy mấy cái quán ở Sài Gòn nó thất thu nó chửi tao tắt bếp sập lò, còn mấy ẻm ngày đợi đêm chờ mầy xóa đói giảm nghèo ngồi vêu mỏ (đỏ) ra mong nhớ mầy, cũng chửi tao luôn… thì tội nghiệp lắm. Thôi, ở yên đó, để tao “dắt” mày đi”



....
 
Kompong Thom, nghe trăm tiếng ngậm ngùi, nghe hoang phế cạnh đây… – 5

Kompong Thom, nghe trăm tiếng ngậm ngùi, nghe hoang phế cạnh đây… – 5



Bao phủ 1 diện tích 30km2, có đến 54 cụm tháp đền, còn lại 7 ngôi đền tương đối nguyên vẹn sau gần 15 thế kỷ, nhưng ngoài cụm đền Sư tử, chỉ có thêm 2 cụm đền nữa, Prasat Sambor và Trapeang Ropeak, là mở cửa cho du khách. Nói là nói vậy thôi, chứ ngoài 2 cụm đền này, lang thang nơi đây, bạn sẽ gặp rất nhiều các đền đài lẻ loi khác, nhất là những ngôi đền “cây nuốt” – rất đặc trưng cho Sambor Preikuk.



P1090169.jpg

Những sắc màu Cambodia rực rỡ, lúc cây và đền còn duyên dáng bên nhau.​



Rất nhiều người biết đến ngôi đền lừng danh Ta Prohm ở Angkor, nhất là sau khi bộ phim Kẻ cướp ngôi mộ với cô đào nóng bỏng Angelina, được công chiếu. Nếu như ở Ta Prohm, cuộc chiến giữa cây tung cổ thụ và ngôi đền đá vẫn “bất phân thắng bại”, thì ở đây, những cây đa già nua tinh quái đã và đang cố gắng nuốt trọn những ngôi đền nhỏ.


P1090153.jpg

Đền Cây nuốt​



Lang thang trong hoang phế, tôi cảm thấy ngậm ngùi buồn khi lặng ngắm những ngôi đền “cây nuốt”. Ở Sambor Preikuk, những ngôi đền nhỏ bị đè bẹp dưới những bộ rễ cổ thụ này không tạo nên vẻ hoành tráng như khi xem cuộc chiến đấu giữa một ngôi đền đá hoành tráng Ta Prohm và cây tung cổ thụ cũng không kém phần nhỏ bé. Nhưng cuộc đấu ở Sambor Preikuk có vẻ không ngang tài ngang sức. Những ngôi đền, đã nhỏ nhắn, lại bằng gạch nên dễ bị hủy hoại hơn đá, trong khi đó những cây đa ở đây lại quá cao to, với bộ rễ ngoài vốn rất linh động… nên xem giống như cảnh cá lớn nuốt cá bé. Nhất là, bao quanh, hay gần bên những ngôi đền “cây nuốt” đó là những bức tường bằng gạch nung hay sa thạch đã đổ sụp xuống dưới sức nặng thời gian và cả của những bộ rễ đồ sộ của đám cổ thụ vây quanh. Nói chung, ở Sambor Preikuk, thiên nhiên đã chiến thắng những ngôi đền, và có phải chăng là đã chiến thắng con người… (?!).


P10901822.jpg



P1090154.jpg

Đi qua những cánh cửa này, tôi có lạc vào miền đất thần tiên của Alice?​


Nằm trên đám lá khô đang xào xạc đuổi nhau trong gió chiều, nhìn lên cao xanh vời vợi những đám mây trắng nghìn năm vẫn còn mê mãi đuổi nhau, nhìn những ngôi đền đã 1.400 năm tuổi đang oằn mình dưới sức sống mãnh liệt của thiên nhiên… sao thấy lòng chơi vơi chơi vơi…


...
 
Kompong Thom, nghe trăm tiếng ngậm ngùi, nghe hoang phế cạnh đây… – 6

Kompong Thom, nghe trăm tiếng ngậm ngùi, nghe hoang phế cạnh đây… – 6



Không có đôi sư tử đá oai nghiêm canh gác, ngôi đền Trapeang Ropeak, thờ phụng thần Indra, lôi cuốn du khách bởi những chạm trổ tinh xảo đẹp đẽ vẫn còn vài góc nguyên vẹn sau gần 14 thế kỷ.



P1090175.jpg

Ngôi đền Trapeang Ropeak vẫn còn tương đối nguyên vẹn…



P1090151.jpg

… và trên cao là trời xanh



Điều lạ là những chạm khắc trên gạch này rất nhỏ, có khi chỉ bằng nửa hoặc 1 viên gạch, loại gạch có kích thước như gạch bây giờ vẫn dùng, nhưng qua bao nhiêu đó năm tháng giờ chúng vẫn còn rất sắc xảo. Nếu là chạm khắc trên đá cứng như ở Angkor còn có thể dễ hình dung, còn ở đây, chỉ là gạch.


P1090155.jpg




P1090155-1.jpg




P1090176-1-1.jpg

Những chạm trổ, điêu khắc tinh xảo​


Dù hiện giờ, người dân ở làng Sambor vẫn dùng ngôi đền Trapeang Ropeak để làm nơi thờ cúng nhất là cầu mưa, bên trong ngôi đền giờ không còn gì hết. Đỉnh ngôi đền đã bị sụp nên có thể nhìn thấy trời xanh qua đó. Rất may mắn là quanh ngôi đền không có lũ cổ thụ nào nên mặt ngoài được chạm trổ tinh xảo của ngôi đền chưa bị tấn công. Nhìn những chạm trổ đẹp đẽ này, dù trải qua bao gió mưa thời gian, có thể hình dung được phần nào về Sambor Preikuk ngày xưa huy hoàng.



....
 
Kompong Thom, nghe trăm tiếng ngậm ngùi, nghe hoang phế cạnh đây… – 7

Kompong Thom, nghe trăm tiếng ngậm ngùi, nghe hoang phế cạnh đây… – 7


P1090163-1.jpg

Nếu tôi nhớ không lầm (!?) thì đây là tượng của Vua Ixanavacman I… người đã để lại một Sambor Preikuk cho hôm nay.


P1090165-1.jpg

Đôi chân này đã từng chinh phục bao nhiêu miền đất…
(chủ yếu để xem hoa văn trên đá vẫn còn sắc xảo sau bao năm :-D)​



Cũng cần nói thêm là bên cạnh những ngôi đền được xây dựng ngay từ những năm đầu thế kỷ VII, khi kinh đô vừa mới được thành lập, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những dấu hiệu về việc các ngôi đền ở đây được tu sửa hoặc xây thêm trong nhiều năm sau đó, cả khi Chân Lạp được chia thành Thủy Chân Lạp và Lục Chân Lạp, hay cả khi đã hình thành vương triều Khmer và kinh đô đã được dời về Siemreap. Rõ nhất, và dễ tìm thấy nhất là các bộ yoni-linga bằng đá sa thạch nằm trong một số ngôi đền hoặc rải rác bên ngoài – dù tôi chỉ thấy yoni còn linga hầu như không thấy ở đây.


P1090137.jpg

Yoini còn đây, linga đâu rồi? Xa xa là một bức tường thành cũ của Sambor Preikuk.



Lang thang trong Sambor Preikuk, bạn sẽ thấy còn rất nhiều dấu tích của những hố bom – dù đã hơn 40 năm trôi qua. Những năm 70 thế kỷ trước, để hỗ trợ chính quyền Lon Nol trong cuộc chiến với lực lượng Khmer Đỏ, quân đội Mỹ đã rải bom rất nhiều xuống đây, góp thêm phần tàn phá Sambor Preikuk. Bên cạnh những hố bom, bạn có thể thấy đó đây những linga, yoni vỡ nát hay sứt mẻ. Có thể ít nhiều trong chúng bị tàn phá không chỉ do bom đạn, nhưng ai biết!



P1090161.jpg



P1090160.jpg

Những bức tường đá, gạch đã hoang phế theo thời gian


P1090121.jpg

May mà còn chút nguyên vẹn…


Sau bom rồi đến mìn. Sambor Preikuk không chỉ xui xẻo bị dội bom mà còn bị cài mìn dày đặc, không chỉ bởi một cuộc chiến. Việc tháo gỡ bom mìn cũng chỉ được tiến hành ở 1 khu vực quanh các ngôi đền chính, ra xa bên ngoài vẫn chưa làm xong. Do vậy, mãi đến tháng 3 năm 2003, khu di tích này mới được mở cửa cho du khách. Tuy nhiên, các con đường từ Kompong Thom đến đây vẫn chưa được trải nhựa. Chỉ là những con đường đất, đôi khi là những con đường ruộng, đầy ổ voi, ổ gà, bụi đỏ mù trời,… chạy qua những thôn xóm tiêu điều, các cánh đồng nắng cháy mùa khô, bầy bò gầy trơ bụng ỏng nhẫn nại liếm láp chút cỏ xác xơ héo úa cháy khô trên những cánh đồng nứt nẻ… Ôi Cambodia!



Ngậm ngùi rời Sambor Preikuk hoang phế lúc chiều đã muộn, sau một ngày mệt nhoài, tôi về lại Kompong Thom yên bình lúc hoàng hôn vừa chớm đổ lửa xuống nhuộm hồng dòng Stung Sen xanh thăm thẳm.


.....
 
Kompong Thom, nghe trăm tiếng ngậm ngùi, nghe hoang phế cạnh đây… – 8

Kompong Thom, nghe trăm tiếng ngậm ngùi, nghe hoang phế cạnh đây… – 8



P1090193.jpg

Hoàng hôn trên dòng Stung Sen​



Là tỉnh lớn thứ 2 của Cambodia, thành phố thủ phủ cùng tên Kompong Thom lại rất nhỏ nhắn. Nằm ngay trên quốc lộ 6, thành phố này chỉ có khoảng gần 70.000 dân, chưa bằng 1 cái phường của Sài Gòn nữa nên phố vắng vẻ, chiều về bình yên. Điểm thu hút của thành phố này có lẽ là dòng Stung Sen vẫn còn trong xanh và ngôi chùa Kompuong cũng nằm không xa lắm dòng Stung Sen.


P1090201.jpg



P1090206.jpg



P1090213.jpg



P1090204.jpg

Những ngôi chùa Kompong Thom trong nắng hoàng hôn.


Tôi về phố, lang thang phố phường khi trời chiều đổ bóng rực đỏ dòng sông xanh và nhuộm hồng những mái chùa Miên cao cao thanh thoát. Mặc kệ những con đường vẫn còn là đất bụi bay mờ đỏ, những ngôi chùa ở đây tuy nhỏ nhắn nhưng vẫn rất khang trang, sạch đẹp. Chiều, trong hoàng hôn hồng, đó đây bóng dáng lặng lẽ của những thiện nam tín nữ thành kính dâng hương khấn nguyện, hương sứ bãng lãng, hương nhang trầm dìu dịu, tiếng kinh kệ ê a, tiếng chùa ngân nga… sao thấy lòng nhẹ bỗng.



P1090218-2.jpg

Đêm buông trên Stung Sen.


Tôi về lại bên bến sông khi chiều đã tắt. Phố đêm Kompong Thong lặng vắng yên bình. Bên sông gió đêm lại về khua xào xạc. Trong tiếng gió, tiếng chuông chùa văng vẳng bỗng khắc khoải mênh mang tiếng vạc đêm buồn bã.



Sao mãi giờ vẫn chưa về, vạc ơi!
 
Một chiều xanh Kampot… – 1

Một chiều xanh Kampot… – 1



Chỉ một chiều thôi.


***


Tôi ghé ngang Kampot trên con đường tất tả xuôi Kep, về Hà Tiên... những ngày trốn việc đi chơi. Tôi ra đi lòng tiếc nuối. Tôi hứa sẽ quay lại Kampot, nhưng đã 2 lần tôi ngang qua phố hiền, tôi vẫn chưa về lại Kampot.



***


Nằm gần đảo ngọc Phú Quốc hơn cả Hà Tiên, gần như là cực của nam Cambodia, kẹp giữa 2 vùng biển Kep & Sihanoukville, Kampot lại không có một bãi biển đẹp nào hết. Tuy vậy, sau những Angkor, Kampot lại là 1 điểm thu hút khá đông những bước chân hoang.


P3090580.jpg

Con đường ven sông xanh mát


P3090585.jpg

Sông chiều xanh soi bóng thốt nốt xanh cao kiêu hãnh


Có nhiều điểm du lịch thu hút du khách, trong đó có cả tôi, đến với Kampot. Nhưng đó cũng là lý do tôi vội vã rời Kampot. Bạn đừng lo, người Cambodia làm du lịch tốt hơn người Việt Nam nhiều, điều này còn được cả những người làm du lịch VN công nhận, trên cả các phương tiện truyền thông. Tôi bỏ đi vội vã chỉ vì tôi xui xẻo đến vào thời gian điểm du lịch hấp dẫn nhất Kampot, Bokor National Park và cả những ngọn đồi hoang, những khu phố ma… đang bị đóng cửa để xây dựng, nâng cấp,… nên tôi đi, để lần sau quay lại (!?). Nhưng cũng nhờ vậy, tôi có thời gian thư giãn, lang thang ở phố nhỏ Kampot hiền hòa, mà theo các sách du lịch, con phố êm đềm lười nhác này còn thu hút các du khách đã chán chê với Phnompenh đông đúc, Siemreap chen chúc… hơn cả ngọn núi Bokor.



…..
 
Một chiều xanh Kampot… – 2

Một chiều xanh Kampot… – 2



Nằm cách Xà Xía, Hà Tiên khoảng 50km, thị trấn Kampot nhỏ nhắn, có nhiều kiến trúc từ thời Pháp thuộc, những căn nhà phố và cả cây cầu bắt ngang qua vịnh Prek Kampong. Cây cầu cũ kỹ bên vịnh xanh chiều nắng nhìn xa xa mang dáng dấp của những cây cầu thời Pháp thuộc ở nước Việt, giờ hầu như đã vắng bóng.


P3090587.jpg



P3090593-1.jpg

Sông xanh. Chiều nắng vàng


P3090597.jpg

Trên cao, trăng non đã le lói.



Dù Kampot nổi tiếng bởi tiêu và sầu riêng, ít nghe nói về nghề biển như ở Kep hay Sihanoukville nhưng buổi chiều lang thang bên vịnh Prek Kampong, tôi lại thấy rất nhiều những chiếc thuyền cá lững thững trôi ngược hoàng hôn về xóm nhỏ. Bầu trời xanh trên cao trăng non đã le lói, những con thuyền nhỏ, không vội vã, chậm rãi men theo bờ vịnh, cao ngút những bóng thốt nốt hoàng hôn đã thắp lửa vàng lấp lánh trên ngọn… như trôi vào cõi đào nguyên, rồi mất hút, như tan vào sông chiều loang loáng ánh vàng…


P3090591.jpg



P3090604.jpg

Cầu xưa. Hoàng hôn.


Tôi không đến được đồi Bokor và thành phố ma nổi tiếng, đã đi vào điện ảnh phương Tây, Hollywood… nhưng buổi chiều lọc cọc những vòng xe trong phố nhỏ yên bình, còn sót lại đây đó những ngôi nhà xưa xây từ thời Pháp thuộc, ngang qua những căn nhà nghỉ cho khách đi bụi, nằm trong vườn ven sông xanh mát, đòng đưa mấy cái võng, dăm chiếc xích đu… cùng những khách du nhàn hạ ngả ngớn chơi vơi cùng Angkor vàng sóng sánh nồng nàn… là thấy đủ cho một chiều xanh Kampot.



P3090575.jpg



P3090577.jpg

Những con thuyền lững thững đi vào hoàng hôn, rồi đi mất như tan vào sông chiều loang nắng.


Rồi trời đổ mưa. Một cơn mưa đêm kỳ quặc khi bầu trời chiều vẫn xanh ngăn ngắt và con trăng đầu tháng xanh treo. Một mình trong quán vắng bên chân cầu vàng rực ánh đèn đêm dù mưa phủ nhạt nhòa… nghe mưa rơi trên mái, nhìn mưa bay trên sông,… đêm Kampot như ngừng trôi.
 
Koh Ker, nắng quái trên đền xưa – 1

.




“He he he, dạo này anh hai mình cũng biết điều ghê há! Ngắn gọn cỡ như kể về Kampot coi dzậy mà được. Cái sub-topic đó may mà anh hai mình không kéo lê thê, chứ nếu lỡ dại mần dzậy là tui dzô ném đá cho nó sập luôn. Mà ném hổng sập, là tui kêu hacker tới chơi luôn đó!!!”. Trời đất quỷ thần ơi – phải mầy hông đó ku!

“Mầy một vừa hai phải thôi chứ ku! Tao cũng đâu có tệ hại như con dzợ thằng Đậu đâu mà mầy suốt ngày miệt thị dzậy! Thấy tao hiền lành, mầy được voi đòi “Hai Bà Trưng” luôn hả. Mầy học ai cái cách đó dzậy? Coi chừng banh xác có ngày nghen ku!”.



“Thì tui giỡn chơi chút mà. Mà tui cũng có nịnh bợ ông nữa mà, chưa chịu hả. Mà nói thiệt, ông bữa giờ dắt tui đi lang thang Cambodia lâu lắc lâu lơ mà chưa kể về Angkor tui thấy cũng là lạ. Chắc chắn là ông có đi tới đó rồi, nhưng chắc tại ở đó nhiều người đi quá, ông hổng dám nổ, nên ông dắt tui đi mấy chỗ xa xa hẻo lánh ít người đi, để lỡ ông xạo xự người ta cũng hổng biết chứ gì?”

“He he he, lấy bụng ta ra bụng người hả ku? Thôi thì để tao kể về Angkor, tao dắt mầy đi Angkor hén. Nhưng mà hổng được, để tao dắt mầy đi chỗ này trước đã, cũng có chữ Angkor trong đó mà (!?). Chỗ này có nhiều điểm lạ lắm, mà nhiều người cho rằng nó hấp dẫn chẳng kém gì Angkor Wat hay Angkor Thom đâu. Tin không đi biết liền chứ gì!”.



***



Vùng đất được xưng tụng là “Kim tự tháp của nền văn minh Angkor” chỉ nằm cách thành phố Siemreap chỉ 100km nhưng được rất ít người biết đến, nhất là các đoàn khách du lịch theo tour thì chắc chắn là “thôi rồi Lượm ơi”!. Ngay đối với những du khách đi bụi, con đường đi đến Kim tự tháp của nền văn minh Angkor cũng rất khó đi vào mùa mưa (tháng 5 đến tháng 11) vì con đường đất đỏ sình lầy, mà những mùa mưa ngày trước chỉ có nước đi bằng đi xe trâu, cộ bò (!)... Tuy những năm gần đây, chính quyền Cambodia bắt đầu cho sửa chữa, mở rộng, trải nhựa…. con đường tỉnh lộ ngang qua đây, để thuận tiện cho việc khai thác tận diệt rừng, “cao su hóa” những cánh rừng đại ngàn nằm đó đây trên con đường đến đó. Nhưng chính những chuyến xe chở nặng đầy gỗ dẫm đạp dày xéo, rồi những cánh rừng bị tàn phá trơ trụi không còn giữ nước để mỗi cơn mưa giờ là 1 cơn lũ… đã làm cho những đoạn đường chưa được tu sửa lại trở nên càng rất khó đi… Thêm vào nữa, bom mìn vẫn còn dày đặc quanh những đền đài nơi đây… cũng đã ngăn cản ý định thăm viếng của nhiều người….



P1100304.jpg

Qua trùng trùng lớp lớp những cánh cổng ngàn năm tuổi…



P1100317.jpg

..một cánh rừng um tùm, một Kim tự tháp bí ẩn lấp ló giữa rừng già âm u sẽ gợi nên bao nỗi tò mò lẫn lo sợ - nhất là khi chỉ có một mình nơi đây.



Nhưng chính nhờ vậy, lang thang ở Koh Ker, Kim tự tháp của nền văn minh Angkor, trong một chiều nắng quái vàng vọt trên đền xưa, giữa hoang vắng mênh mang, giữa rừng núi thâm u….để như có cả một kinh thành xưa chỉ cho mỗi riêng mình… sẽ là những cảm giác khó quên khi lang thang trên đất Khmer.



..........
 
Koh Ker nắng quái trên đền xưa – 2

Koh Ker nắng quái trên đền xưa – 2



Tôi đi Koh Ker bằng quốc lộ 6, con đường từ Phnompenh về hướng tây này sẽ dẫn đến Siemreap. Nhưng sau khi vừa qua cây cầu đá ong nổi tiếng nhất Cambodia, tôi rẽ phải vào ngã 3 Dam Dek, 30km trước khi đến thành phố Siemreap. Cây cầu đá ong Kampong Kdei nằm cách Dam Dek chừng 15km, được xây dựng từ thế kỷ XII, cao 14m, dài 85m, hơn 800 tuổi, được xây dựng bởi những viên đá ong xếp chồng đan xen vào nhau theo kỹ thuật đặc biệt, không hề dùng chất kết dính này… không chỉ tồn tại vững chắc sau gần 1 thiên niên kỷ mà vẫn còn khả năng chịu đựng từng đoàn thiết giáp xe tăng rầm rập qua lại trong những ngày chiến sự ác liệt giữa bộ đội Việt Nam và lực lượng Khmer Rouge chỉ mới đây. Sở dĩ tôi nhắc đến cây cầu này hơi lạc đề một chút là vì các bạn giờ đi tour hay tự đi bằng bus từ Phnompenh đến Siemreap hầu như không còn cơ hội chiêm ngưỡng chiếc cầu này. Cách đây vài năm, khi chiếc cầu tránh bê-tông vững chắc được xây xong, chiếc cầu cổ này giờ cấm xe lớn chạy qua nên các tour du lịch thường đi thẳng bằng cầu mới luôn – cho nó tiện, còn xe khách thì cũng không có lý do nào ngang qua đây.



P1100247.jpg

Cây cầu đá ong gần 1 thiên niên kỷ tuổi tác nhưng vẫn còn vững chãi Kampong Kdei…


P1100250.jpg

… giờ đã cấm xe lớn quá lại.



Con đường vẫn được trải nhựa cho đến khi qua khỏi khu du tích Angkor nổi tiếng Beng Mealea, đến thị trấn nhỏ Svay Leu rồi bắt đầu đâm vào trong bụi đỏ đặc trưng Cambodia. Con đường này theo vài bạn khoai tây ngày trước nói là chạy hun hút giữa rừng già rậm rịt, nhưng bây giờ những cánh rừng 2 bên đường đã bị chặt phá hoang tàn, để phục vụ cho các dự án trồng cao su (!?). Nhìn các gốc cây (mục ruỗng) thật to lớn bị chừa lại, có thể đoán được đây là rừng già từ rất lâu đời. Vì vậy, thay vì đi trong bóng rừng râm mát, như trong một vài travel blog đề cập, con đường bây giờ rộng hơn nhưng chạy miên man trong nắng cháy và bụi đỏ... và lòng đầy khắc khoải, nhất là khi thấy những người dân lành Cambodia lầm lũi trên chiếc xe bò hay nhọc nhằn cuốc bộ trên đường giữa nắng nung người và bụi đỏ mờ đất kín trời…


P1100301.jpg



P1100302.jpg

Chạm ngõ Prasat Thom, Koh Ker hoang tàn.


Do vậy, lúc vừa đến Prasat Thom, ngôi đền chính của Koh Ker, giữa nắng nóng, buồn bã, bực bội…và hoang tàn, đổ nát… tôi đã muốn bỏ đi thật nhanh, cho đến khi….


...
 
Koh Ker nắng quái trên đền xưa – 3

Koh Ker nắng quái trên đền xưa – 3



Cho đến khi, sau con đường vắng hun hút những trụ đá ngã nghiêng, dưới những tán rừng âm u huyền bí, bên những tòa tháp nhỏ đổ nát rêu phong… trước mắt bỗng mở ra một khoảng sáng rực nắng…. và một tòa tháp hình kim tự tháp sừng sững nằm giữa khuôn viên thoáng đãng, lấp lánh soi bóng bên 1 đoạn hào nhỏ nhoi còn sót, loang loáng nắng chiều…


P1100307.jpg

Sau cánh cổng đá đã mòn vẹt rêu phong, mở ra một khoảng trời nắng…​



Prasat Thom đó, ngôi đền chính của kinh thành Koh Ker một thời lộng lẫy, sau một thiên niên kỷ giờ vẫn sừng sững giữa đất trời.


JJK_EtienneSamin.jpg




800px-Koh_Ker_temple2007.jpg

Prasat Thom giữa ngày xanh (hình từ net, vì tôi đi đến vào buổi chiều, ngược nắng và hôm đó trời không xanh lắm).​



Được nhắc đến nhiều nhất ở Koh Ker, ngôi đền chính Prasat Thom (còn gọi là Prasat Kompeng) với tòa tháp kiểu Kim tự tháp là một kiến trúc lạ nhất so với toàn bộ các kiến trúc của đế chế Angkor. Dù vẫn sau lưng là núi che chở, bao quanh là hào sâu bảo vệ, tường thành che chở, trước mặt là 5 cụm tháp nhỏ, mặt chính hướng về hướng Đông... như các kiến trúc khác của Angkor, ngôi Kim tự tháp cao 40m với 7 tầng, Prasat Thom giờ vẫn còn là một bí ẩn với những nhà khảo cổ.



--------------------------------------
* Vì những ngôi đền Angkor “thường” quay mặt về hướng đông nên bạn nên tranh thủ đến viếng vào buổi sáng, hình sẽ không bị ngược nắng. Tôi dùng chữ "thường" trong ngoặc kép vì cũng ở Koh Ker tôi có gặp những ngôi đền mà cửa chính quay về hướng tây, rất lạ.
 
Koh Ker nắng quái trên đền xưa – 4

Koh Ker nắng quái trên đền xưa – 4



Prasat Thom còn được gọi là Kim tự tháp Koh Ker hay còn được cho là pháo đài Koh Ker… được xem là công trình độc đáo nhất khu phế tích Koh Ker không chỉ vì kiến trúc lạ mà còn mục đích sử dụng – kể cả những mục đích mà người ta còn đang hoài nghi – của nó. Hình kim tự tháp với những bậc đá dẫn lên đỉnh gần như dựng đứng và gần như “đặc ruột”, theo các tài liệu thu tập được, ngôi đền Prasat Thom còn được vua Jayavarman IV dùng làm nơi huấn luyện quân sĩ, khi ông dùng “đường lên trời” – những bậc thang gần như dựng đứng của ngôi đền – để huấn luyện binh sĩ. Đường lên tháp dốc và nguy hiểm đến mức chỉ những chiến binh kiên cường, dẻo dai nhất mới có thể chinh phục được đỉnh tháp và cũng đã có không ít người bỏ mạng khi luyện tập với "đường lên trời" này. Thêm nữa, theo người dân địa phương, ngôi đền này cũng có thể được xây dựng để chuẩn bị như 1 Kim Tự Tháp lăng mộ để an táng đức vua khi ngài qua đời.


5903938838_a95ff1b6f2_b.jpg

Khuôn viên thoáng đãng phía mặt sau Prasat Thom


Do vậy, người dân địa phương còn truyền miệng về kho báu nằm bên dưới Kim Tự Tháp này… và cho biết rằng những cố gắng, từ thời quân đội Hoa Kỳ với nhiều máy móc hiện đại, đến những kẻ đào mộ quốc tế và địa phương… nhằm tìm kiếm các báu vật trong Prasat Thom đều thất bại. Và những người tham gia đều có kết cục bi thảm. Câu chuyện này là do tôi nghe chính 1 người dân địa phương kể lại!


5903939754_015a9a6cb3_b.jpg

Rồi đến bức tường dày cộp với những cột đá lạ


5903383435_219c2ced1a_b.jpg

Rồi con hào bảo vệ giờ còn lóng lánh nước


5903941038_7f6ab8c010_b.jpg

Chỉ qua bức thành, con hào, một rừng cây rậm rịt ôm ngay lấy ngôi đền


Nhìn vào hình, bạn khó hình dung được dốc đứng của con đường lên trời này. Do thời gian và con người đã tàn phá những bậc thang, và cũng để tránh những bước chân của du khách sẽ làm mòn thêm những dấu xưa đã mòn vẹt đó, ủy ban Apsara đã làm 1 cầu thang lắt lẻo để cho du khách đi lên. Có lẽ do có quá ít du khách tham quan nên chiếc cầu thang này không được bảo quản tốt, đã hư hại nhiều và cũng khá lỏng lẻo. Thú thật là tôi rất “đứng tim” khi leo lên chiếc cầu thang đó, nhất là khi có những cơn gió từ rừng già xào xạt thổi qua, nhân tiện đòng đưa luôn chiếc cầu thang mong manh.


5903927978_1d1a1d3ed2_b.jpg

Đổ nát.


Và một chiều nắng xế, tôi một mình trên đó – nghe như trong tiếng rừng già tiếng giáo gươm leng keng, tiếng bước chân rầm rập, như có bóng người loang loáng… giật mình choàng tỉnh, chỉ như thấy nụ cười mỉm của chim thần Garuda, đã vỡ nát, vừa như khép hờ!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,171,003
Members
192,333
Latest member
Phanduchoa
Back
Top