What's new

[Chia sẻ] Vòng quanh 4 đảo lớn Nhật Bản trong 14 ngày

Lần đầu tới Nhật Bản là tháng 9 - 2005, việc đi lại còn bỡ ngỡ. Lần này, nhờ mua được JR Railpass cho người nước ngoài giá chỉ 45.000 yen (450 USD) cho phép đi trên bất cứ tuyến JR nào trong 14 ngày, hai vợ chồng tui đã lang thang Nhật Bản từ 18-3 tới 31-3 (14 ngày), lần này đi dọc từ Nam lên Bắc để ngắm sakura, qua các địa điểm: Fukuoka, Kumamoto, Nagasaki, Aso, Kokura (đảo Kyushu), Kochi (đảo Shikoku), Okayama, Kyoto, Kanazawa, Tokyo, Yokohama, Sendai (đảo Honshu), Hakudate, Sapporo, Abashiri, Shari, Utoro và Toya (đảo Hokkaido), sẽ dần dần kể ra trong topic này.
 
Nhật có lẽ cũng là đất nước duy nhất trên thế giới lắp đặt máy tạo tiếng ồn ở nhà vệ sinh công cộng. Máy này sẽ phát ra tiếng nước dội ào ào khi có người vào sử dụng. Nguyên nhân là người Nhật vốn ngại có người nghe thấy tiếng động do mình gây ra khi đi vệ sinh, nên thường ấn nút xả nước để át âm thanh đó đi. Nhằm đỡ tốn nước sạch, người ta đã phát minh ra lọai máy tạo tiếng ồn này, dành riêng cho các phòng vệ sinh công cộng!
 
Tối đến, 6h xuống nhà đi ăn tối với hai cô bạn Nhật
Từ chỗ ở là Washington Hotel ở khu Namba tới phố đi bộ Dotombori (bori nghĩa là con đường) rất gần. Phố Dotombori vốn là khu ăn chơi nổi tiếng của Osaka từ thời Edo.

Hai cô bạn rủ đi ăn món bánh chiên Okonomiyaki. Đây là một dạng pizza được Nhật hóa, ăn khá ngon với các lọai tương Nhật, phômai bột và một mực khô bào mỏng như giấy rắc lên trên.

IMG_0231_resize.jpg



IMG_0235_resize.jpg
 
NGÀY THỨ HAI: OSAKA

Tới Đai học Kinki dự hội thảo. Kinki là tên một vùng của nước Nhật có từ thời cổ, gần Osaka ngày nay.
 
OSAKA-JO:
-Thời kỳ Toyotomi: Mùa thu năm 1496, tu sĩ Rennyo thuộc Phật phái Jodo-shinshu xây một tu viện Phật giáo gần nơi ngày nay là lâu đài Osaka. Tu viện phát triển thành một ngôi chùa lớn có tên là Osaka Hongan-ji (Ishiyama Hongan-ji). Chùa này tạo một ảnh hưởng lớn trên khắp đất nước trong suốt thời kỳ chiến tranh liên miên giữa các lãnh chúa. Tuy nhiên, tới năm 1580, Chùa Osaka Hongan-ji, rơi vào tay lãnh chúa Nobunaga Oda, người từ nay thâu tóm quyền hành. Nhưng chỉ 2 năm sau, sau khi bị người tùy tùng của mình là Mitsuhide Akechi tấn công, Nobunaga đã tự sát tại Chùa Honnoji ở Kyoto (những sự kiện này được gọi tên là "Cuộc biến loạn Honno-ji"). Hideyoshi Toyotomi lên kế tục Nobunaga trong sự nghiệp thống nhất toàn đất nước, và giành quyền thống lãnh Osaka. Năm 1583, Hideyoshi bắt đầu xây một lâu đài cỡ lớn trên khu đất cũ của Hongan-ji, cho ra đời lâu đài tuyệt vời Osaka. Tuy nhiên, trong Cuộc chiến Mùa hè năm 1615, khỏang 17 năm sau khi Hideyoshi chết, lâu đài Osaka đã bi thiêu rụi hoàn toàn do hỏa họan.

- Được xây lại thời Shogun Tokugawa: Sau Cuộc chiến Mùa hè, Tadaakira Matsudaira chiếm giữ Osaka một thời gian. Và rồi Shogun Hidetada Tokugawa đặt Osaka dưới sự điều hành trực tiếp của chính phủ, và ông bắt tay vào xây lại lâu đài Osaka năm 1620, việc xây dựng hoàn tất năm 1629.
Chỉ 36 năm sau, ngôi tháp chính bị sét đánh trúng và thiêu rụi. Tháp chính không được xây lại trong thời kỳ Edo (thời kỳ thị dân - LTD). Trong thời kỳ cuối của Chế độ Tokugawa, tiền quyên góp của thị dân Osaka và vùng lân cận đã giúp thực hiện nhiều dự án quy mô lớn như xây lại tháp tamon (nằm cạnh Cổng Ote-mon). Tuy thế vẫn còn nhiều công trình trong lâu đài Osaka về sau bị lửa thiêu rụi cho tới thời kỳ Phục hồi quyền lực quân chủ.

- Tháp chính được xây lại dưới thời kỳ Showa (Chiêu Hòa): năm 1931, Tháp chính được xây lại theo ý nguyện của các công dân Osaka. Làm bằng khung bê tông cốt thép và cao 55 mét, Ngôi tháp chính này đã chịu qua được những đợt không kích ác liệt trong Thế Chiến 2 (do ở quanh đây có nhiều công trình và vị trí quân sự). Nhưng dù hầu hết các công trình khác của lâu đài đều bị phá hủy, ngôi Tháp chính đã may mắn không bị hư hại. Sau chiến tranh, lâu đài Osaka từ năm 1948 đã bắt đầu một thời kỳ mới với chức năng "Địa điểm công viên lịch sử". Ngôi Tháp chính được mở cửa trở lại cho công cộng, các công việc sửa chữa các công trình còn lại được tiến hành, và một bảo tàng mới được bố trí bên trong tháp.

- Những sửa chữa lớn thời kỳ Heisei: giữ vai trò là một di sản lịch sử văn hóa quan trọng nhất của Osaka, lâu đài Osaka đã duy trì một mối quan hệ mật thiết với cư dân và khách đến thăm. Đây là một địa điểm du lịch nổi tiếng suốt hơn 60 năm qua. Những sửa chữa quy mô lớn cuối cùng được kết thúc năm 1997. Vẻ ngoài tuyệt đẹp theo nguyên mẫu của lâu đài, với những bức tường trắng và thếp vàng, được gia cố thêm, sửa lại những bộ phận trang trí, và lợp lại những vẩy vàng. Ngôi Tháp chính được củng cố để có thể chịu được động đất mạnh 7 độ. Hơn nữa, một thang máy được gắn để cho phép người đi xe lăn có thể lên được đài quan sát phía trên cùng. Nội thất tháp được sửa thành một bảo tàng gồm nhiều gian thú vị.

Giờ mở cửa: 9h sáng tới 5h chiều
Giá vé: 600 yen. Học sinh và trẻ em từ cấp 3 trở xuống được vào miễn phí.

Khi vứa tới Osaka-jo, cả hai mệt quá, vào chân lâu đài là lăn ra ghế đá ngủ khò 30 phút, lúc tỉnh thấy ông già Nhật nhìn mình như nhìn đười ươi.
 
-giống như VN, mỗi lần mưa là ra đường thấy ai cũng xách theo ô (dù). Các cô gái thì móc vào giỏ, các ông thì chống. Ô bán rẻ rề, 15.000 VND/1 cái loại bèo. Trước cửa nhà nào cũng có chỗ giắt ô. Các công trình công cộng thì có giá treo ô có khóa chống chôm chỉa (tiện tay).

- Các công trình quan trọng đều để trong sảnh một bàn và chiếc mộc đóng logo kỷ niệm của địa điểm hay công trình đó.

- Trước các chùa hay đền thờ Shinto đều có chỗ bể nước rửa tay súc miệng.

- Vào ngày thứ hai, hai vợ chồng đi tàu metro, nhảy vội vào một toa mà chồng đảo mắt thấy toàn phụ nữ. Hỏi vợ, vợ bảo có thể đây là toa dành riêng cho nữ vì vào giờ cao điểm, người đi tàu chen chúc, đôi khi chân không chạm đất. Đàn ông Nhật lợi dụng khi đó để sờ mông các cô, do đó người ta làm riêng những toa tàu sơn màu hồng như thế này. Quả đúng, khi bước xuống, thấy rõ chữ ngoài thành toa là FOR WOMEN ONLY. Ê cả mặt.
 
tới khu Shinsekai (Tân thế giới) với tháp Osaka

IMG_0315_resize.jpg


IMG_0324_resize.jpg

Trên tháp có đặt tượng thần may mắn Billiken. Tượng này còn được các hàng quán lợi dụng thu hút du khách. Cái cách này khá giống phong cách làm du lịch của người Tàu. Có lẽ Osaka gần Tàu nên học được chăng?

Đường tới tháp Osaka đi qua khu vui chơi Shinsekai (Thế giới mới) do Nhà Nước đầu tư. Khu ầy trước đây là một ổ tệ nạn nhức nhối nên Chính quyền mong bằng cách này xóa bỏ nó. Tuy nhiên, khu vui chơi không được dân Osaka hưởng ứng, rất ít người lui tới. Có lẽ mục đích xóa bỏ ổ tệ nạn của chính phủ thế là đã đạt được.

IMG_0339_resize.jpg
 
Trong thời gian tới Nhật, trên TV đang trực tiếp chuyến giao lưu của một diễn viên Hàn Quốc (hình như là Bae gì gì đó). Anh chàng được khán giả Nhật tiếp đón vô cùng nồng nhiệt ngay từ ở sân bay. Trong đêm giao lưu, anh ta còn hát cả tiếng Hàn và nói vài câu tiếng Nhật lơlớ. Khán giả trở nên say mê cuồng lọan. Khi tan diễn, Truyền hình Nhật tới phỏng vấn một số (chỉ tòan là phụ nữ, mà lại rất nhiều bà sồn sồn lớn tuổi). Các bà các cô vẫn còn khóc. Khi hỏi là tại sao lại khóc, có bà nói "Vì anh ấy đẹp trai", bà khác lại "tôi cũng chẳng biết tại sao, vừa nhìn thấy anh ấy là tôi khóc"! Ngày hôm sau, trên TV có hẳn một show phỏng vấn dân Nhật về tay diễn viên này. Ông MC làm thử cho mọi người xem cách kéo dài miệng quen thuộc của diễn viên Hàn, tất cả khán giả ở dưới làm bắt chước theo. Cuối cùng họ chọn ra được một người làm giống nhất!
 
Vào ăn ở Nhà hàng cá nóc dưới chân tháp Osaka

Ở Việt Nam, đã không ít lần các phương tiện truyền thông phải lên tiếng cảnh báo khi có người tử vong do ăn phải cá nóc. Tuy vậy, cá nóc là món ăn đắt giá tại xứ Phù Tang. Do đó, khi giáo sư Shinozaki mời chúng tôi đi ăn tối, ông nhất định phải gọi món cá nóc.

Cá nóc, tiếng Nhật phát âm là “hungu”, bề ngòai giống như một quả dưa hấu đầy gai nhọn, da dẻ vằn vện đen, vàng và trắng, nom thật kỳ dị. Sau khi chế biến vô cùng cầu kỳ để lọai bỏ hết chất độc. Cá nóc sống được dọn ra cùng với những gia vị gồm những chén nhỏ như nước chấm làm từ dầu mè, tương đậu nành, tương cay wasabi, củ cải muối dầm xắt nhỏ như sợi chỉ, giấm, chanh, ớt và rượu Sake hâm nóng. Nhìn những lát cá sống xắt mỏng trong veo, bày cùng hoa lá rất nghệ thuật trên đĩa thật lạ mắt và thú vị. Dù thế, sự tò mò vẫn chưa át hết nỗi lo lắng về tay nghề khử chất độc của viên đầu bếp dấu mặt…

Trước tiên, ông giáo người Nhật mời tôi nhấp thử món sakê đặc biệt, được hậm nóng và rót vào ly nhỏ như ly đế xứ Miền Tây, có ngâm thêm bộ vây cá nướng dòn. Vị sakê, gần giống rượu nếp, tiếp thêm cho tôi lòng gan dạ để nếm thử món ăn độc đáo.

IMG_0401_resize.jpg
 
Cá nóc hungu nếm sống lành lạnh, chấm với wasabi, chiêu thêm chút sakê, nuốt cứ nhẹ đi như không. Cảm giác thú vị lướt qua vòm họng và đọng mãi lại ở đầu lưỡi. Cá tươi, dòn và hơi dai. Ông Shinozaki bày thêm một cách ăn khác – nhúng vào lẩu nước dùng, tương tự như món lẩu Việt. Lẩu gồm đậu phụ Nhật, nấm rơm, cà rốt, bắp cải và một lọai lá lạ xắt nhỏ, sôi nhè nhẹ. Cá nóc nhúng lẩu ăn dòn, ngọt và khá thơm.

IMG_0397_resize.jpg


IMG_0398_resize.jpg


IMG_0399_resize.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,681
Bài viết
1,135,136
Members
192,381
Latest member
Khoa11zz
Back
Top