Cổng O-torii là một phần của quần thể Đền thờ Thần đạo gồm Đền Itsukushima và Cổng O-torii. Hai công trình này thẳng trục với nhau và hướng về Chính Đông đón mặt trời mọc. Hai bên còn có ngôi chùa 5 tầng Senjokaku phía phải và chùa Daiganji phía trái. Vội vội vàng vàng, cả hai bỏ qua ngôi chùa 5 tầng (một phần là do ảnh hưởng của Nara nên không hứng lắm với chùa tháp. Chùa này không cao lắm, nhìn xa ngắm thì đẹp hơn lại gần, có lẽ thế.) Hai vợ chồng đi tiếp qua mặt cát sang chùa Daiganji. Sáng sớm, vắng vẻ vô cùng do người Nhật phải đến 7-8h mới lục đục dậy làm việc.
"... Chỉ cách cổng O-torii vài chục mét là ngôi đền Thần đạo nổi tiếng nhất đảo Miyajima, Đền Itsukushima, được xây dựng lần đầu năm 593 và sau đó được Taira-no-Kiyomori mở rộng tới quy mô như ngày nay vào năm 1168. Là một trong những ví dụ khác thường nhất về kiến trúc tôn giáo trên thế giới, đền nằm trong danh sách Di sản Quốc gia của Chính phủ Nhật Bản. Tòan bộ quần thể bao gồm ngôi đền chính, nhiều đền thờ nhỏ khác bố trí bao quanh, một sân khấu kịch Noh, một phòng tấu nhạc và nhiều cây cầu cùng hành lang nối liền các khu vực khác nhau trong đền. Tổng chiều dài các hành lang lên đến 300 mét. Xây dựng trên bãi đất ven biển và dập dềnh trên mặt biển khi triều lên, ngôi đền thờ phượng ba vị thần biển của Thần đạo: thần Ichikishima, Tagori và Tagitsu, được tin là đang ngự bên trong ngôi chính điện của đền. Công trình hòan tòan không sử dụng một chiếc đinh kim lọai nào trong khi xây dựng và những kẻ hở giữa các tấm sàn được tính tóan khéo léo sao cho có thể giảm bớt áp lực của triều cường khi có bão lớn. Một vài tấm gỗ cổ được dùng để làm ván sàn có kích thước tới 1,5 mét rộng và trên 10 mét dài, và những tấm gỗ khổng lồ này đã được vận chuyển vượt hàng trăm dặm từ miền Bắc Nhật Bản để tới Miyajima. Một trong những cây cầu nổi tiếng dẫn tới đền thờ là cầu Soribashi-Cầu Đại diện Hòang gia. Được xây năm 1557, cầu dành riêng cho những đại thần quý tộc đại diện cho Thiên hòang tới viếng đền. Chỉ vào những dịp đó, các bậc thang mới được lắp vào, ngòai ra cầu và lối vào đền không bao giờ được sử dụng. Đền Thần đạo Itsukushima được chính thức công nhận vào tháng Chạp năm 1996 là một di sản quý báu của thế giới.
Kế gần đền Itsukushima là đền Senjokaku. Đền được xây bởi lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi để làm nơi yên nghỉ cho những người đã khuất trong chiến trận. Những bộ phận của công trình như phần trần và cổng vào chính vẫn còn đang xây dựng dở dang cho tới ngày nay do cái chết của Toyotomi Hideyoshi. Cạnh Senjokaku là Chùa Năm tầng, cao 27 mét, được cho rằng được xây dựng năm 1407 và là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc kiểu Trung Hoa và Nhật Bản. Bên trong chùa, vẽ bằng nhiều màu sắc sặc sỡ là hình ảnh tuyệt đẹp của Đức Phật. Cùng phối hợp với đền Itsukushima, và được xem là một phần của mảnh đất linh thiêng này, là bảy ngôi đền nhỏ hơn rải ra xung quanh chu vi 19 dặm của hòn đảo. Không có đường mòn đi tới phần lớn những đền thờ này nên khách hành hương phải dùng thuyền nhỏ để tới được bờ biển đầy đá nơi có các đền thờ. ..."
Xem bản đồ lấy được ở bến tàu, thấy ngay trên đền thờ có ngọn núi Misen, có lẽ sẽ có nhiều công trình đẹp. Hai vợ chồng chẻ đường tắt, băng lên núi. Cảnh vật thật yên tĩnh, thanh bình, tinh khiết, đẹp tuyệt vời. Vô vàn biết ơn Thượng Đế đã rộng tay ban cho hai kẻ này một quả ân to lớn quá mức. Mọi chuyện đúng là đã do Người xếp đặt từ trước, rất vô tình và may mắn.
"... Hình ảnh cổng O-torii đỏ chói tạo ấn tượng mạnh một phần là nhờ cái nền rừng núi xanh thẫm huyền bí phía sau. Cao nhất và huyền bí nhất trong số đó là Núi Misen, nơi các ngôi chùa chính ngự, là một đỉnh núi thiêng liêng, do nó được thờ phụng và giữ gìn nguyên vẹn từ rất xa xưa. Núi nằm tại trung tâm đảo Miyajima, có độ cao 530 mét trên mực nước biển, được coi là một trong ba thắng cảnh đẹp và ngoạn mục nhất Nhật Bản. Từ chỏm núi sừng sững của nó, người ta có thể trông thấy tòan cảnh nhiều hòn đảo khác trong vùng biển Nội Hải Seto và rặng núi Shikoku xa xa. Ngọn núi trở thành nơi dành cho những nhà tu khổ hạnh nhờ Kukai, người sau khi mất được phong danh là Đại sư Kobo, vào mùa thu năm 806 khi ngài thực hiện chuyến khổ luyện suốt một trăm ngày trên đỉnh núi. Nằm gần chóp núi là ngôi chùa nhỏ Gumonjido, được lập từ đầu thế kỷ thứ 9 bởi Đại sư Kobo khi ngài vừa từ Trung Hoa trở về. Một ngọn lửa bập bùng bên trong chùa vẫn cháy sáng liên tục suốt 1200 năm qua, từ khi chùa được lập cho tới ngày nay. Ngọn lửa này đã được dùng để thắp sáng Ngọn Lửa Hòa Bình tại Công viên Tưởng niệm Hòa Bình Hiroshima. Trên ngọn núi này là rất nhiều địa danh thiêng liêng với quang cảnh nhìn từ đỉnh núi thật vô cùng ngoạn mục. Nơi đây cũng có Đền Miyajima, có hình dáng kỳ lạ như một hòn đá, đóng vai trò đài quan sát. Núi được bao phủ bởi cánh rừng nguyên sinh đầy gỗ quý và là nơi trú của khỏang hai ngàn con hươu hoang dã, hiện đã được công nhận là một khu bảo tồn tự nhiên.
Đại sư Kobo Kukai, người sáng lập của Tông phái Shingon (Chân Ngôn tông): Kukai, sau khi mất được phong là Đại sư Kobo, là người sáng lập Tông phái Shingon. Năm 804, ở tuổi 31, ngài đã tới Tây Tạng. Ngài đã mau chóng nắm bắt mọi bài học bí truyền uyên thâm của Keika, một Đại sư hàng đầu, sống tại thủ đô Phật giáo ở Tạng. Công tích của ngài bao gồm cả việc thiết lập trường phổ thông đầu tiên cho bình dân và cải tạo hệ thống hồ chứa thủy lợi. Đại sư Kobo cũng nổi tiếng do là một trong ba nhà thư pháp vĩ đại nhất trong lịch sử Nhật Bản.
..."
Giữa đường, cả hai tắp vào một ngôi chòi gần một ngọn tháp bên đường, ngủ thêm một giấc. Mưa vẫn rơi lất phất. Hôm qua cơn bão số 14 (bão Nabi) đã tràn vào Nhật.