Thực ra Nam Mẫu còn một bản 100% người Mông nữa là thôn Nà Bản, rất xa, rất khó đi. Bản thân cái tên thôn đã chỉ rõ, đây là một vùng đất cũ của người Tầy. Sau người Mông di cư đến mua lại. Vì thôn này xa quá, giáp gianh xã Xuân Lạc của huyện Chợ Đồn, có hiện tượng xen cư, nên ông đẩy qua, bà đẩy lại thành ra đến đầu 2007, nó bị tách khỏi Nam Mẫu-Ba Bể và nhập vào Xuân Lạc-Chợ Đồn. Nói chung đồng bào Mông ở mấy xã quanh Ba Bể như Xuân Lạc, Bản Thi, Nam Cường, Nam Mẫu...đều có nguồn gốc từ Cao Bằng chạy về sau năm 1979 mà chủ yếu là 1992-1997. Hiện giờ họ vẫn đang đi Nam.
Tôi ở đó khoảng 4 năm và rất hiểu cái cảm giác của những người đến đó lần đầu là luôn tự hỏi "Chúng ta sẽ ra sao nếu ở đó?". Bạn có muốn biết câu trả lời không? Rất đơn giản nhé: Học nói tiếng Mông; học ăn mèm mén, học đi rừng, leo núi và lội suối, học ngủ trên những cái phản ghép bằng các tấm gỗ hở hoác, học ngủ dưới nền đất, học cách gùi những bó củi to tướng, học cách tắm suối...tóm lại là học cách để sống như người Mông và các dân tộc ở đó vậy.
Cuối cùng thì chúng tôi đã ra sao bạn biết không? Chúng tôi cũng sống như những người ở đó thôi, bình thường như họ thôi, chả sao cả. Bạn có biết không, hầu như Người Mông ở vùng này không uống rượu nhé. Với chúng tôi, khi vui lắm cũng kiếm chai rượu nhưng chỉ là cử một hai người "biết" uống ra làm một chén đãi giao thôi, còn là không uống.
Thực ra các bạn ở miền xuôi lên rừng được một (vài) lần hay nhìn người dân tộc với con mắt ái ngại (nhiều khi thương hại) cho họ. Cá nhân tôi thấy, chính mình mới là người đáng thương hại và họ đã dạy chúng tôi rất nhiều nhất là cách sống phù hợp với điều kiện tự nhiên...
Chúc mừng bạn có chuyến đi thành công.