What's new

[Chia sẻ] Thông tin về thành lũy cổ ở Việt Nam

1-5 Simhapura

Simhapura hay Sinhapura, (đô thị Sư tử) là kinh đô của Chăm Pa thời kỳ Lâm Ấp tại vị trí mà ngày nay là làng Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

1-5-1.jpg


Mặc dù Lâm Ấp được thành lập từ năm 192 sau công nguyên, nhưng không để lại bất cứ bia ký nào cũng như các sử sách Trung Quốc nói tới về kinh đô của người Chăm. Mãi tới thời vua Bhadravarman (Phạm Hồ Đạt) trị vì từ (380-413), sách Thủy kinh chú của Trung Quốc mới ghi chép về kinh thành của người Chăm. Dựa theo các ghi chép này và các khảo cổ khai quật, các nhà nghiên cứu cho rằng kinh đô của Lâm Ấp nằm một trong hai nơi là Thành phố Huế hoặc vùng Trà Kiệu, Quảng Nam. Tuy nhiên dựa theo miêu tả của Thủy kinh chú về cuộc tấn công của Đàn Hòa Chi - thứ sử Giao Châu vào kinh đô Lâm Ấp năm 446, các học giả nghiên về hướng đặt kinh đô thời kỳ Phạn Hồ Đạt ở Huế với tên gọi là Điển Xung.

Sau các cuộc tấn công từ Giao Châu bởi các thứ sử Ôn Phóng Chi, Giao Tuấn, kinh đô Kandapurpura bị phá hủy. Lâm Ấp chuyển đô vào khu vực Trà Kiệu lập kinh đô mới với tên gọi Simhapura vào khoảng cuối thế kỷ 4 đầu thế kỷ 5, cuộc tấn công kế tiếp từ Giao Châu bởi tướng Lưu Phương năm 605, Lưu Phương đã phá hủy kinh đô Simhapura, vua Sambhuvarman (Phạm Chí) bỏ thành chạy ra biển, nhà Tùy chia Lâm Ấp thành ba châu là Đảng Châu, Nông Châu, Xung Châu, cai quản Lâm Ấp và đặt trị sở tại Simhapura. Tuy nhiên 10 năm sau đó Phạm Chí đã giành lại được Lâm Ấp khi nhà Tùy suy yếu

Vương triều Lâm Ấp kết thúc sự tồn tại của mình vào khoảng năm 749 và sau đó là các cuộc tranh chấp dẫn tới trung tâm hành chính - tôn giáo của Chăm Pa chuyển vào miền Nam nới kinh đô mới là Virapura của vương triều Hoàn Vương. Mặc dù hơn 100 năm sau, trung tâm hành chính - tôn giáo lại dịch chuyển ra bắc gần Trà Kiệu nhưng các vua của vương triều Indrapura đã không đặt quốc đô tại vị trí kinh đô cũ Simhapura nữa mà đặt tại khu vực mà ngày nay là làng Đồng Dương, huyện Thăng Bình cách vị trí kinh đô cũ về phía nam khoảng 60km.

Simharura nằm gần thánh địa Mỹ Sơn, mặc dù từ trước đó Mỹ Sơn đã được người Chăm sử dụng làm thánh địa, nhưng mãi tới khi kinh đô chuyển về nam gần đó thì họ mới đẩy mạnh việc xây dựng đền tháp thờ phụng các vị thần của Ấn Độ giáo.

Theo sách Tùy thư, Lưu Phương truyện nói về cuộc tấn công Simhapura năm 605: Phương sang sông đến Khu Túc, vượt qua sáu dặm, trước sau gặp giặc, mỗi lần đánh nhau đều bắt được giặc. Quân tiến đến sông Đại Duyên, quân giặc giữ chỗ hiểm, Phương lại đánh phá được. Qua cột đồng Mã Viện đi về phía nam 8 ngày, đến quốc đô Lâm Ấp. Vua Lâm Ấp là Phạn Chí bỏ thành chạy ra bể, Phương thu được miếu chủ ngôi vàng, phá hư cung thất của Lâm Ấp, khắc đá ghi công rồi về..

Đầu thế kỷ 20, các nhà khảo cổ người Pháp đã tìm ra được các di chỉ và di tích tại khu vực Trà Kiệu, Mỹ Sơn sau 13 thế kỷ bỏ phế và từ đây giới khoa học đã dần làm sáng tỏ về kinh đô Simhapura - thánh địa Mỹ Sơn trong thời kỳ Lâm Ấp.

Dựa theo dấu tích còn lại, các nhà nghiên cứu phần nào hình dung ra hình dáng và quy mô đô thành Trà Kiệu xưa. Thành có hình gần chữ nhật, chạy dài từ đông sang tây với chu vi gần 4000 mét. Hiện nay, các tường thành phía phía bắc và phía tây đã bị dân san phẳng đế làm nhà cửa. Chỉ còn các tường thành phía đông và nam còn thấy khá rõ. Tuy vậy, với những gì hiện còn chưa thể nói gì về cấu trúc của thành Trà Kiệu xưa.

1-5-2.jpg


Những năm gần đây các nhà khảo cổ việt nam đã liên tục đào, điều tra và đã phát hiện thêm nhiều hiện vật quý ở vùng Trà Kiệu. Năm 1990, các nhà khảo cổ ở trường đại học tổng hợp đã khai quật ở chân núi Bửu Châu (phía bắc nội thành Trà Kiệu) và đào cắt ngang qua tường thành phía nam, cách góc đông nam của toà thành chừng 200 mét. Tại điểm cắt thành, các nhà khảo cổ thấy thành cao hơn mặt ruộng 3,10 mét, chân thành rộng tới 33 mét, thành đựợc đắp bằng đá ở giữa và xây ốp gạch ở hai bên. Phần ốp gạch ở hai bên có chân móng nằm sâu khoảng 0,5 mét so với mặt ruộng, dưới chân móng được gia cố bằng một lớp đá. Toàn bộ chân móng thành rộng 6 mét, trong đó chân móng phần ốp gạch phía trong rộng 1,4 mét. Tường gạch phía ngoài còn cao 2,86 mét và càng lên cao càng rộng (ở độ cao 2,44mét, tường dày 1,9 mét). Ngoài dấu vết của thành, các nhà khảo cổ còn tìm thấy ngói, gạch, mảnh gốm…

GajasimhaThapMam.jpg

Sư tử voi

Qua những hiện vật đã tìm thấy như hàng loạt các tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp (thuộc phong cách Trà Kiệu), các bia ký và rất nhiều gốm cổ, có thể thấy kinh đô simhapura xưa của Champa là một đô thành lớn mở ra biển qua chiêm cảng.

Picture1.jpg


Simhapura do linh mục Antôn Trường Thăng tưởng tượng năm 1985

simhapura-thang-pict-1.jpg


Bàn chân nghìn năm trước trên viên gạch ở simhapura

img_8250.jpg
 
1-6 Thành Phước Thuận

Trung tâm Khảo cổ (Viện Khoa học xã hội vùng Đông Nam bộ) và Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa phát hiện một di chỉ khảo cổ học - dấu tích của thành cổ Chămpa trên địa bàn thôn Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.

1-6-1.jpg


Thành lũy của thành cổ dài 400m, rộng 300m được xây bằng nhiều loại đá ong khác nhau. Nguồn tin ban đầu, lũy thành thành cổ bị chôn vùi dưới lòng đất từ 1-1,5m. Thám sát ở quy mô nhỏ, các nhà khảo cổ đã thu được nhiều mảnh gốm vỡ và một số công cụ Chămpa có niên đại cách nay khoảng 1.400 - 1.600 năm.

1-6-2.jpg


Hiện Viện Khoa học xã hội vùng Đông Nam bộ và Bảo tàng tổng hợp tỉnh BR-VT đang xin phép các cơ quan chức năng thám sát trên diện rộng di chỉ này để có thể khai quật vào giữa năm 2008.
 
1-7 Thành Virapura

Virapura (đô thị hùng tráng) là tên gọi kinh đô của Chăm Pa dưới thời Hoàn Vương từ năm 757 đến năm 859

1-7-1.jpg


Thời kỳ Hoàn Vương đánh dấu sự lên ngôi của các thủ lĩnh bộ tộc Cau ở miền Nam tại hai vùng Kauthara và Panduranga. Kinh đô chuyển từ Simhapura ở phía bắc về phía nam tại Panduranga với tên gọi mới là Virapura và thánh địa tôn giáo cũng dịch chuyển từ Mỹ Sơn ở phía bắc về khu thánh địa Po Nagar ở Nha Trang ngày nay.
Là thủ đô của Chăm Pa trong một thời gian tương đối ngắn khoảng 100 năm nên không có nhiều ghi chép lại về kinh đô này, các khảo cổ cũng chưa khai quật được dấu tích chắc chắn về đặc điểm và vị trí của kinh đô, vị trí được phỏng đoán là nằm ở phía nam Phan Rang hiện nay, quanh khu vực thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Bia ký cho biết kinh thành Virapura bị người Java tấn công và tàn phá vào năm 787, sau khi họ đã tấn công và tàn phá thánh địa tôn giáo ở Po Nagar trước đó vào năm 774.
Đây là thời kỳ kinh đô ở miền Nam nên các công trình tôn giáo phần lớn cũng nằm gần khu vực này, ngoài các công trình đã đổ nát hiện nay vẫn còn ngôi tháp Hòa Lai, tháp Po Nagar được xây dựng trong thời kỳ này
 
1-6 Thành Phước Thuận

Trung tâm Khảo cổ (Viện Khoa học xã hội vùng Đông Nam bộ) và Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa phát hiện một di chỉ khảo cổ học - dấu tích của thành cổ Chămpa trên địa bàn thôn Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.
Hiện Viện Khoa học xã hội vùng Đông Nam bộ và Bảo tàng tổng hợp tỉnh BR-VT đang xin phép các cơ quan chức năng thám sát trên diện rộng di chỉ này để có thể khai quật vào giữa năm 2008.

Cuối năm rồi, theo vài dòng thông tin ngắn ngủi từ báo chí, em lò dò đến Gò Cát, Phước Thuận, Xuyên Mộc. Loanh quanh dò hỏi dân địa phương về di chỉ thành này, nhưng những người dân địa phương em hỏi đều không biết thông tin gì. Đành bỏ dở.
Cảm ơn những bài viết của bác tungvk1781.
 
Cuối năm rồi, theo vài dòng thông tin ngắn ngủi từ báo chí, em lò dò đến Gò Cát, Phước Thuận, Xuyên Mộc. Loanh quanh dò hỏi dân địa phương về di chỉ thành này, nhưng những người dân địa phương em hỏi đều không biết thông tin gì. Đành bỏ dở.
Cảm ơn những bài viết của bác tungvk1781.
Nếu có điều kiện đến lại nơi đó, có thêm thông tin gì mới thì bổ sung thêm cho bài viết của tôi nhé. Cảm ơn nhiều nhé.
 
1-8 Thành Indrapura

Indrapura (đô thị sấm sét) là kinh đô của Chăm Pa từ năm 875 đến 982. Kinh thành Indrapura nằm tại khu vực mà ngày nay là làng Đồng Dương, xã Bình Định, huyện Thăng Bình, Quảng Nam.

1-8-1.jpg


Vị vua Chăm Pa cuối cùng của vương triều Hoàn Vương là Vikrantavarma đóng đô tại Virapura (thuộc Phan Rang, Ninh Thuận) không có con trai sau kế thừa nên sau cái chết của ông nên triều đình đã chọn một người thuộc bộ tộc Dừa ở miền Bắc lên kế vị. Vị vua mới lên ngôi có tên hiệu là Indravarman II đã cho chuyển kinh đô ra miền bắc, tại vị trí mà dòng họ của ông ở từ trước và đặt tên thủ đô là Indrapura, đây cũng là thời kỳ Chăm Pa bắt đầu có tên gọi là Chiêm Thành.

Đây cũng là thời kỳ ảnh hưởng Phật giáo đại thừa ảnh hưởng mạnh vào vương triều này cũng như tinh thần của xã hội Chăm Pa. Phật giáo gần như trở thành tôn giáo chính của cả vương triều. Chính do lòng tin và thành kính đối với đức Phật mà ngay từ vị vua đầu tiên đã cho xây dựng cả một tu viện Phật giáo rộng lớn ngay kinh thành, được đánh giá là tu viện phật giáo lớn nhất Đông Nam Á thời đó.
Trong thời kỳ này, Chăm Pa có giao lưu nhiều với Chân Lạp và các nhà nước ở Java, chính vì thế các ảnh hưởng từ ngoài đã tác động một phần lên nghệ thuật kiến trúc của người Chăm

Sự phục hồi mạnh mẽ của hai quốc gia láng giềng là Đại Cồ Việt ở phía bắc và Đế quốc Khmer ở phía tây nam đã đe dọa tới Chăm Pa. Các cuộc chiến giữa Chăm Pa và vương triều Angkor (Chân Lạp) vào năm 945 và vương triều Tiền Lê (Đại Cồ Việt) vào năm 979 là hệ quả tất yếu dẫn tới sự suy yếu của vương quốc Chăm Pa. Tiếp đó cuộc tấn công từ phía Đại Cồ Việt do Lê Hoàn chỉ quy đã tàn phá kinh thành Indrapura vào năm 982, vua Paramesvaravarman (Hán Việt gọi là Phê Mi Thuế) bị giết. Sự kiện này đã đánh dấu sự chấm hết cho vai trò kinh đô Indrapura của Chăm Pa, sau sự kiện này Chăm Pa chuyển đô về phía nam ở Bình Định với tên gọi mới là Vijaya.

Thủ đô mới được bia ký Đồng Dương ca ngợi “thành phố được trang hoàng lộng lẫy như thành phố của thần Indra trên thiên giới”. Nhưng cũng các bia ký Đồng Dương Inrapura đã được lập lên từ xa xưa bởi Bhrgu và được gọi là Champa. Như vậy trước khi thành đô của cả vương quốc Champa vào năm 875, Inrapura đã là thủ phủ của tổ tiên vị vua mới Indravarman II.

Một điều rất đặc biệt đối với Inrapura là đô thành và thánh địa tôn giáo đều cùng nằm một chỗ. Chính tại trung tâm thủ đô Indra, các vị vua của vương triều Đồng Dương đã xây dựng lên một tu viện phật giáo lớn thờ thần Laksmindra – Lokesvara, một trong những tu viện Phật giáo lớn nhất Đông Nam Á.

Thế nhưng cho đến nay, chưa có một cuộc nghiên cứu đầy đủ nào về đô thị quan trọng của vương quốc Champa. Năm 1902 nhà nghiên cứu người pháp H. Parmentier đã đến khảo sát và mô tả khu phế tích này, nhưng chủ yếu là khảo tả khu thánh địa. Theo mô tả của ông, tổng thể chính (nơi có tu viện Phật giáo) là một cấu trúc dài 1330 mét chạy dài theo hướng đông tây. Trong khu vực này, có đền thờ chính nằm trong vành đai hình chữ nhật dài 326 mét, rộng 155 mét. Từ đó, một con đường dài 763 mét chạy tới một khu vực rộng hình chữ nhật (dài 300 mét, rộng 240 mét). Tiếp theo, hướng đông tây là những thánh đường nằm trong các khu khác nhau.

Toàn bộ khu vực chính được chia làm ba khoảng bằng nhau kéo dài từ tây sang đông. Điểm giữa của cả khu di tích là một tháp lớn đã bị đổ nát (nằm ở giữa khu vực tây của khoảng giữa). Chung quang tháp lớn có bốn điện thờ khác cùng dựng trên một nền chung (tháp nam, tháp tây – nam, tháp tây – bắc và tháp bắc). Một bức tường bao quanh khu vực này đã tạo thành khu sân chính (sân 1), có cổng mở ra phía đông. Nhiều kiến trúc phụ khác cũng nằm trong khu sân trung tâm: 7 ngôi miếu tựa lưng vào tường vây, hai tháp có 4 cửa, hai tòa nhà (tòa nam và tòa bắc). Trước cổng của sân có 2 cột trụ. Về phía đông của sân có 2 cột trụ. Về phía đông của khoảng sân 1 là một khoảng sân khác (sân 2). Trên sân 2 có gian nhà dài và một cổng có trụ. Ngoài ra, nằm dọc các tường vây còn có những trụ gạch khác. Tiếp đến, về phía đông của sân 2 là khu vực sân thứ 3. Trên sân 3 có một gian nhà dài nữa và có một cổng có 2 cột trụ phía trước. Dọc các tường vây bên trong cũng có các cổng hình tháp. Cuối cùng là một sân dài (khu 4) dẫn tới cổng ngoài.

1-8-2.jpg


Trong khi điều tra, khảo cứu, các nhà khoa học người pháp đã phát hiện ra nhiều tác phẩm điêu khắc bằng đá và bằng đồng. Tuy nhiên, hiện nay cả khu Đồng Dương đã bị san phẳng không còn gì cả.
 
1-9 Thành Cổ Lũy

Thành Cổ Lũy là một tiền đồn gồm ba thành liên kết nhau nhằm ngăn thuyền bè đối phương vào cửa Đại Cổ Luỹ, có sự liên kết với thành Châu Sa ở tả ngạn sông Trà Khúc. Thành nằm ở xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, do người Chàm xây dựng vào khoảng thế kỷ IX - X.

1-9-1.jpg


Hệ thống phòng thành Cổ Lũy có ba vòng thành:

* Luỹ Cổ Luỹ : cách cửa Ðại 700 m về phía tây. Dấu vết còn lại là một đoạn lũy nhỏ. Theo lời kể của những người già, lũy cao 3-5 m, dày 2 m.

* Thành Bàn Cờ : đắp bằng đất, theo hình thang, đáy trên 52 m, đáy dưới 60 m; cạnh bên 25 m, chân xoãi xuôi, tạo thế khá vững chắc. Bờ thành được xây dựng bằng gạch to bảng, độ nung cao. Phía trong thành đất bằng phẳng, diện tích khoảng 1000 m2. Ðây là công trình chính trong hệ thống phòng thành Cổ Lũy nhằm quan sát và báo hiệu mọi tình hình ngoài khơi.

* Thành Hòn Yàng : nằm ở phía bắc thành Bàn Cờ, đắp bằng đất trên nền gò đồi tự nhiên, có chiều cao 40 m. Bờ thành thứ nhất và vòng thành thứ hai dày 2,5 m, tìm thấy nhiều gạch vỡ lẩn trong cát.
Hệ thống phòng thành Cổ Luỹ liên kết vững chắc, cấu trúc khoa học, để phòng thủ và báo hiệu cho thành Châu Sa.

1-9-2.jpg


Sau người Chiêm dâng đất cho Đại Việt, đồn Cổ Luỹ được dùng làm trụ sở hành chính. Khi trụ sở dời đi nơi khác thì đồn bị bỏ hoang, thành luỹ đổ nát. Cư dân Cổ Luỹ đa số sống bằng nghề đánh cá. Cảnh vật trong thôn yên tĩnh, vắng vẻ như một vùng sương khói lờ mờ.

Nguyễn Cư Trinh từng ca ngợi qua bài Cổ Luỹ Cô Thôn, được xem là một trong số mười cảnh đẹp của xứ Quảng xưa:

Giặc giã đời mô đã dẹp rồi
Luỹ xưa còn đắp xóm mồ côi
Đá xây quanh quất theo bờ biển
Người ở cheo veo dưới cửa lồi
Trông thấy thuyền rinh ba bốn phía
Vẳng nghe trống giục một đôi hồi
Hỏi thăm tạo hoá bao giờ đó
Thạch trận về đây mới đắp bồi


Hiện nay di tích này không còn nữa do quá trình đô thị hóa.
 
1-10 Thành Châu Sa

Ở Quảng Ngãi có một thành cổ của người Chăm. Thành cổ này có tên là thành Ðại La hay thành Châu Sa (vì nằm ở làng Châu Sa, nay là xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh) cách trung tâm thị xã khoảng chừng 7km về hướng đông bắc.

Thành nằm ở các xã Tịnh Châu, Tịnh An, Tịnh Thiện, Tịnh Khê thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, trên Quốc lộ 24B từ tỉnh lỵ Quảng Ngãi đi Sa Kỳ, phía bắc sông Trà Khúc.

1-10-1.jpg


Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử triều Nguyễn có đoạn chép: “Thành Châu Sa ở xã Châu Sa, huyện Bình Sơn, chu vi hơn 5 mẫu 5 sào. Tương truyền có 2 thuyết: một thuyết nói là thành Đại La của nước Chiêm Thành, có thuyết nói là vệ thành của Tam ti đời Lê, chưa rõ thuyết nào đúng”.

Khu vực thành Châu Sa có các dòng họ cư trú lâu đời như họ Lê (cư trú khu vực thành nội), họ Đặng, họ Võ, họ Nguyễn (cư trú khu vực thành ngoại). Họ Lê cư trú trong khu vực thành nội đến nay đã hơn 14 đời. Phả tộc họ Lê đã ghi lại về một ông thủy tổ họ Lê (không rõ tên) hiệu Tằng Giao, tự Quan ý, chánh quán làng An Định (Thanh Hóa). Đời vua Lê Trang Tông, niên hiệu Nguyên Hòa năm thứ 2 phụng sắc chỉ triều đình đem quân vào trấn thủ thành Châu Sa gọi là Tam ti vệ thành, đồng thời mộ dân lập ấp, khai phá thêm đất đai, (bởi vậy con cháu họ Lê mới được ở trong nội thành). Như vậy thành Châu Sa do Chiêm Thành xây dựng mà đến cuối thế kỷ 15 trở đi nhà Lê mới phái tướng trấn đóng nơi này để bảo vệ thành và toàn bộ vùng đất Châu Tư và Châu Nghĩa trong đạo Thừa tuyên Quảng Nam (hai châu này nay thuộc tỉnh Quảng Ngãi).

Năm 1924, H.Parmentier đã đến khảo sát và vẽ bình đồ thành Châu Sa. Bình đồ vẽ khá chi tiết song nó chỉ dừng lại ở mức độ miêu tả thành nội và một cạnh thành “càng cua” phía tây.

Đợt khảo sát năm 1988 của Viện khảo cổ và Bảo tàng tỉnh đã bổ sung thêm cạnh thành càng cua phía đông.

Đến năm 1993, tiếp tục nghiên cứu và khảo sát thành Châu Sa, chúng tôi phát hiện thành ngoại của thành Châu Sa. Thành ngoại đắp đất hai cạnh ở phía đông và phía tây, cạnh phía bắc đắp một đoạn ngắn và hoàn toàn dựa vào thế núi, cạnh phía nam không đắp. Thành ngoại phân bố trên một khu vực rộng lớn có tác dụng bảo vệ thành nội. Sự phát hiện này đã giúp xác định lại vị trí, quy mô, thời gian xây dựng của thành Châu Sa.

Niên đại xây dựng thành Châu Sa có thể ở vào khoảng thế kỷ thứ 8, khi vua lndra Varman 11 lập kinh đô lndrapura đánh dấu cho một triều đại mới và quyền lực từ phương nam vùng Panduranga chuyển về phương bắc vùng Amaravati. Thành Châu Sa có tác dụng bảo vệ kinh đô lndrapura ở phía bắc. Đồng thời khi kinh đô phía bắc bị uy hiếp, đây là nơi nương náu lý tưởng cho người Chàm trên đường rút lui về phương Nam (J.Léiba, 1923).

Những lần khảo sát trước đây của người Pháp đã tìm thấy ở làng Châu Sa một văn bia được dựng lên vào năm 893. Văn bia này do một triều thần tên là Po. Klung Pimilis, anh của hoàng hậu Surendradevi, tạo dựng để tôn vinh vua Cri Jaya lndra Varman (875′- 890). Đến năm 903 ông ta lại dựng một tượng thần Si va để tôn vinh vua Cri Java Simha Varman (890 – 899). (T. Bosselier).

Bia Châu Sa niên đại thuộc giai đoạn Đồng Dương, địa điểm cụ thể không ghi rõ song có lẽ bia được đặt ở tháp Gò Phố, cách khu thành nội 2,2 km về phía Bắc.

Tháp Gò Phố thấp, nằm ở triền đồi tranh của núi Đồng Danh, trong khu vực thành Châu Sa. Tháp Gò Phố là một kalan lớn bao gồm đền tháp. Tháp có bình đồ vuông mỗi cạnh đo được 20m. Đền nằm ở phía bắc có bình đồ vuông mỗi cạnh đo được 4m. Gò Phố sụp đổ do bị phong hóa chân móng gạch, đã tìm thấy khá nhiều tượng thuộc phong cách Trà Kiệu muộn, thế kỷ IX – X.

Năm 1993 chúng tôi đã phát hiện ở tại địa điểm Núi Chồi thuộc thành ngoại Châu Sa (xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh) những tiểu phẩm Phật giáo có đang như cút thờ của người Chàm, bằng đất nung được sản xuất từ một khuôn in. Cút có kích thước nhỏ chạm nổi 6 hình người chia làm 2 tầng. Tầng trên thô tả Phật Tam Thế gồm ba vị tọa thiền trên tòa sen (Pamasana), Tầng dưới gồm 3 vi, giữa là Phật Thích Ca (Sakyamuni) đang thuyết pháp theo kiểu ấn tay đưa phía trước ngực (Mudra), hai bên là hai đại đệ tử đứng hầu Ananda và Kasyapa (Đại ca Diếp). Các tiểu phẩm Phật giáo này tìm thấy trong lò nung dạng xếp đá ở ngoài trời của người Chàm. Dựa trên phong cách nghệ thuật, các tiểu phẩm Phật giáo này có niên đại khoảng thế kỷ VIl-Vlll, có thể nó được dùng cho cá nhân hoặc trang trí ở các đền thờ.

Qua trao đổi, Giáo s Tiến sĩ lvan Glover cho chúng tôi biết các tiểu phẩm Phật giáo này tìm thấy nhiều ớ Thái Lan, Srilanka. như vậy sự sản xuất các tiểu phẩm Phật giáo ở thành Châu Sa đã phản ảnh có thể có một trung tâm Phật giáo trong khoảng thế kỷ VII – X tại đây.

1-10-2.jpg


Tổng thể thành Châu Sa gồm có hai vòng thành: thành ngoại và thành nội:

Thành ngoại:

Thành ngoại gồm ba cạnh thành tây, đông và bắc, trong đó cạnh thành tây và đông đắp kiên cố, cạnh thành bắc chủ yếu dựa vào núi non.

Cạnh thành ngoại phía tây chạy theo trục bắc – nam chiều dài của bờ thành là 3.000 m, thuộc địa phận hai xã Tịnh An và Tịnh Châu. Khởi đầu từ bở sông Tiểu Giang (chi lưu sông Trà Khúc) nơi xóm Vạn Chài, thành chạy về hướng Bắc giáp sông Bàu Sử đến Bến Bè (khu vực ngã ba sông Bàu Sử và sông Hàm Giang) thành rẽ ngoặc theo hướng tây – đông.

Bờ thành ngoại hướng phía tây được đắp quy mô đồ sộ. Tại khu vực xã Tịnh An, nơi xóm Vạn Chài chạy ra đến miếu Cây Búa hào thành rộng 53,4m, nơi đây có đầm Rộc Tình băng qua bờ thành. Tại đây có một công trình kiến trúc bị đổ nát gọi là Gò Gạch. Hào thành được đào nối sông Tiểu Giang thông ra sông Sứ và có lẽ công trình kiến trúc trên là đồn phòng thủ nhằm kiểm soát thuyền bè từ sông Trà Khúc tiến vào hào thành qua sông Sử để ra sông Hàm Giang.

Từ khu vực Gò Chùa chạy về sông Sử hào thành hẹp còn 30m. Khi tiếp giáp sông Sử, bờ thành lấy sông Sử làm hào và chạy về sông Hàm Giang. Những đoạn thành gần sông bị nước xói sạt lở. Những đoạn thành cách xa sông thì còn nguyên vẹn thuộc khu vực nghĩa địa cạnh đầm Rộc Tình và miếu Cây Búa, chiều ngang 38m, chân choãi 3m. Đoạn thành nơi Nghĩa Tự thuộc xã Tịnh Châu còn nguyên trạng có chiều ngang 20km, chiều cao 6m.
Bờ thành phía bắc chạy theo hướng đông, thành đắp một đoạn ngắn, đoạn còn lại lấy núi Chồi và núi Đồng Danh là bờ thành tự nhiên. Đoạn thành ngắn đắp từ Bến Bè đến chân núi Chồi dài 250m. Đoạn thành này đã bị phá làm đất canh tác chỉ còn lại dấu vết độ cao, chiều ngang của bờ thành là 14m.

Tổng cộng bờ thành phía Bắc dài 950m, trong đó có 150m đấp đất. Hai quả núi Chồi và núi Đồng Danh là bờ thành tự nhiên khá lý tởng, từ đây có thể quan sát nơi xa. Giữa hai quả núi có một con hẻm nhỏ gọi là Cửa Eo. Từ thành nội Châu Sa ra phía bắc phải đi con đường này. Bên cạnh Cửa Eo có đắp ụ đất cao để canh phòng. Từ chân núi Đồng Danh, bờ thành đắp đất theo hướng đông – tây đến chân núi Đầu Voi. Tổng chiều dài thành này là 2.550m, chiều ngang mặt thành là 14m, cao 2,50m. Hào rộng 20m. Cắt ngang bờ thành phía đông là con sông Làng và Bàu Khổng, bờ thành phía đông có một số đoạn còn tương đối nguyên vẹn thuộc xóm Khê Thượng và cánh đồng Minh U (xã Tịnh Khê) khi chạy về phía nam, bờ thành được đắp một đoạn dài 150m.

Hướng nam giáp sông Trà Khúc không có xây dựng bờ thành. Tổng chu vi thành ngoại gồm 3 cạnh thành là 6.750m trong đó bờ thành đắp đất là 5.800m, còn lại là dựa vào đồi núi để tạo thành bức thành thiên tạo.
 
Thành nội:

Thành nội chạy theo hướng bắc – nam, có bình đồ hình chữ nhật gồm có 5 cửa thông thương với bên ngoài. Một số cửa đông, nam và tây – nam đều có công trình kiến trúc để phòng thủ. Tại góc đông – nam và tây – nam có hai đoạn thành bắt góc chạy theo hướng bắc – nam vươn về sông Trà Khúc, gọi là hai Càng Cua.

- Bờ thành nội phía đông dài 558m, cao 4,6m, mặt thành rộng 5m, đáy thành rộng 25m, choãi chân 12,5m. Đây là bờ thành còn nguyên vẹn nhất. Bờ thành có một cửa đi hướng đông. Cửa thành rộng 9m (do bị phá thêm). Nơi đây tồn tại một công trình kiến trúc phòng thủ, nền đất còn dấu vết gạch ngói vương vãi. Nầm ở góc đông – nam của thành còn có một công trình phòng thủ khác có chu vi 4 x 4m. Hào thành phía đông rộng 40m, từ chân bờ thành đến hào thành là khoảng đất bằng phẳng rộng 48m.

- Bờ thành phía tây dài 558m, mặt thành rộng 5m, cao 4,6m, hào rộng 40m, Tương tự như thành phía đông. Bờ thành này có 2 cửa, cửa phía bắc bị phá một đoạn dài 60m cửa phía góc tây – nam phá một đoạn dài 30m, nơi đây có một công trình kiến trúc phòng thủ.

- Bờ thành nội phía bắc dài 586m, cao 4m, mặt thành rộng 8m, đáy thành rộng 20m, chân thành choãi xuôi 11,5m. Bờ thành này có một cửa nam đắp rất quy mô có chiều rộng 6m. Nơi đây tồn tại một công trình phòng thủ. Phía ngoài cửa thành giáp với bờ tường thành là hai bờ đất đắp song song hai bên chạy về hướng nam, chiều dài 20m. Có thể đây là cửa chính thành. Hào thành có chiều rộng 40m, chiều dài từ chân thành đến hào là 46 mét.

- Bờ thành “Càng Cua” phía tây còn tương đối nguyên vẹn, dài 674m. Bắt đầu từ góc tây – nam của thành nội bị nhân dân xẻ làm đường đi để vào xóm An Thành, đoạn này mất đi 65m. Đoạn thành này lệch nam 10o, cao 3m, chân thành rộng 12m, dài 174m, hào thành rộng 40m, đào nối liền với hào thành nội. Hào được đào sát chân thành. Sau đó bờ thành bẻ góc về hướng nam, dài 540m, cao 6m. Thành bị cắt bởi đường lộ và khu cư trú cùng tuyến kênh Sơn Tịnh đi qua. Hào thành được đào sát chân thành rộng 40m, chạy nối ra sông Tiểu Giang. Thành chạy đến sát sông Tiểu Giang thì bẻ góc về đông với chiều dài 60m, song song với sông Tiểu Giang.

- Bờ thành “Càng Cua ” phía đông dài 443m, bắt đầu từ góc đông – nam của bờ thành nội kéo dài về phía đông 50m bị cắt bởi hào thành, nhân dân gọi đây là Đông Cụt. Phía bên kia hào, bờ thành tiếp tục chạy về hướng đông một đoạn 97m, sau đó bẻ góc chạy về hướng nam 296m đến bàu Cây Khế. Bờ thành này bị cắt bởi đường lộ chạy qua cùng với việc dân chúng làm nhà ở và đường đi trên mặt thành nên một số nơi độ cao chỉ 1 mét. Tuy nhiên đoạn thành hướng đông tây còn khá nguyên vẹn. Bờ thành có chiều cao 5,6m, đáy thành rộng 15m, bề mặt rộng 10m. Hào đào sát chân thành rộng 20m.

Tóm lại, thành Châu Sa là thành đắp đất hết sức quy mô. Đất đắp thành là loại đất sét pha cát thạch anh thô, loại đất phổ biến trong khu vực thành. Một lát cắt nơi cửa đông của thành nội có cấu tạo lớp trên là dăm đá ong pha đá cuội thạch anh, lớp dưới là cát tro màu xám. Nhìn chung hiện trạng các bờ thành Tương đối nguyên vẹn, nhất là khu thành nội.

Thành Châu Sa có các hào thành nội và thành ngoại. Hào thành được đào thông với dòng sông Bàu Ấu đổ về. Bàu Khổng qua sông Diêm Điền và đi ra cửa Sa Kỳ.

Thành nội gồm 5 cửa đông, bắc, tây, nam và tây nam. Các cửa đông, nam và tây nam đều có công trình kiến trúc bằng gạch có tính cách như vọng lâu bảo vệ thành. Thực tế qua sự gia cố, đắp công phu đã cho chúng ta thấu hiểu rằng cửa nam là cửa chính.

- Thành ngoại trải dài trên khu vực rộng lớn nhằm bao bọc, bảo vệ thành nội. Thành ngoại đắp đất, hào thành nằm sát chân tường được đào thông thương với sông Tiểu Giang, sông Bàu Sử và sông Hàm Giang tại chân núi Chồi, cắt ngang qua bờ thành ngoại chảy xuống Bàu Ấu thông thương với hào thành nội phía bắc xuôi chảy về Bàu Khổng, sông Làng, sông Diêm Điền đi ra cửa Sa Kỳ, sông Tiểu Giang là chi lưu của sông Trà Khúc chảy về hướng đông bắc nối với hào thành ngoại phía tây ở tại xóm Vạn Chài, nối với hào thành Càng Cua phía đông ở Bàu Khế, chảy về Bàu Sen, xuống Bến Trùm, Bến Tâm, thông với sông Làng và đi ra cửa Sa Kỳ.

Một hệ thống đường thủy chằng chịt như vậy rất thuận lợi cho giao thông bằng thuyền bè. Hiện nay các hào thành bị lấp cạn, dân chúng trồng lúa, đào ao lấy nước tưới ruộng thường hay bắt gặp mảnh ván thuyền, dây thừng.

Ngoài sự tiện lợi về đường thủy, thành Châu Sa được một hệ thống núi non tự nhiên bao bọc, che chắn, bảo vệ. Về phía Bắc dãy núi Chồi và núi Đồng Danh tạo thành một bức tường thành tự nhiên để bảo vệ thành Châu Sa. Về phía tây – bắc, thuộc bên trong khu vực thành là đồi Bàn Cờ nằm ở thôn An Định, xã Tịnh Châu, được xẻ đắp thành 6 bậc, trên đỉnh vuông vức bằng phẳng. Từ quả đồi này có thể nhìn bao quát khu vực cạnh thành ngoại phía tây và khu vực thành nội ở phía đông. Về phía tây có núi Thiên Ấn, ở đây có thể quan sát được khu vực xung quanh và bảo vệ cho thành ngoại phía tây. Về phía đông nam là dãy núi Đầu Voi núi Ngang tạo thành bức tường thành tự nhiên liền với phòng thành Cổ Lũy phía nam sông Trà Khúc, quan sát cửa Đại Cổ Lũy và ngoài biển, bảo vệ che chắn cho thành Châu Sa.

Thành Châu Sa là một trong những thành Chăm pa còn nguyên vẹn nhất hiện nay của nước ta. Thành có vị trí quan trọng về quân sự và kinh tế trong lịch sử người Chàm từ thế kỷ VIII – IX và trong lịch sử quốc gia Đại Việt từ thế kỷ XV. Những bằng chứng khảo cổ học cho thấy sự tồn tại của thành Châu Sa ở bắc sông Trà Khúc liên kết với phòng thành Cổ Lũy ở bờ nam sông Trà Khúc đã chứng minh vùng châu thổ đồng bằng Quảng Ngãi có tầm quan trọng về mặt quân sự và kinh tế trong châu Amaravati của vương quốc Chămpa.

Di tích thành Châu Sa đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Quốc gia.
 
1-11 Thành Đồ Bàn

Thành Đồ Bàn hay Vijaya còn gọi là thành cổ Chà Bàn hoặc thành Hoàng Đế, thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn và cách thành phố Qui Nhơn (tỉnh Bình Định, Việt Nam) 27 km về hướng tây bắc, là tên kinh đô của Chăm Pa trong thời kỳ Chăm Pa có quốc hiệu là Chiêm Thành. Vijaya đồng thời cũng là tên gọi của một trong bốn địa khu/vùng/tiểu quốc của Chăm Pa, Địa khu Vijaya.

1-11-1.jpg


Khu thành trải ra trên một cánh đồng khá bằng phẳng và có bình đồ là hình chữ nhật dài 1400 mét theo hướng bắc – nam và 1100 mét theo hướng đông-tây. Hiện nay, đường quốc lộ số 1 chạy qua những gò đống ở góc đông bắc tòa thành xưa. Con sông Bình Định ngày nay là con hào thiên nhiên bảo vệ mặt bắc của thành.
Hiện nay tòa thành cổ chỉ còn là một dải đất đắp gần như liên tục, đôi chỗ còn thấy tường ốp. Trên tường thành, đôi chỗ còn nhô lên những ủ đất cao-dấu tích của các chòi gác xưa. Tòa thành còn để lại dấu vết một cổng thành ở mặt đông, cách góc đông – nam 1/3 đoạn thành. Hiện nay bên trong thành chỉ là những cánh đồng và chỉ thấy một con đường cổ nối liền giữa mặt đông của thành với các gò cao ở giữa làm nền cho một ngôi tháp – tháp Cánh Tiên (hay tháp Đồng). Khu trung tâm và mặt tây của thành hơi cao hơn. Mặt đất ở khu trung tâm có nhiều đá, sỏi và gạch vỡ. Ngòai ra phía bắc còn có một gò đất cao chứa nhiều gạch vỡ - dấu tích của một kiến trúc xưa nào đó.

Toàn bộ mặt tây của thành bị choán gần hết bởi ngôi chùa của người Việt và lăng Võ Tánh. Tại đây, một số tác phẩm điêu khắc Champa đã được người việt sử dụng như những con sư tử đá trong lăng Võ Tánh. Tít ở góc tây-nam có một khu đất cao hai bậc, bậc trên hình vuông.

1-11-2.jpg


Cách khu đất có 30m là một khu đất cao hơn, rộng hơn và có nhiều gạch vỡ - phế tích của một khu kiến trúc lớn (có thể là cung điện của nhà vua).

1-11-3.jpg


1-11-4.jpg


Sau khi kinh đô cũ Indrapura bị quân đội Lê Hoàn của Đại Cồ Việt tấn công và phá hủy năm 982. Triều đình Chăm Pa láng nạn vào phương nam. Lưu Kế Tông, một vị tướng của Lê Hoàn đã ở lại và cai trị khu vực bắc Chăm từ Quảng Bình vào Quảng Nam ngày nay.

Ở phía nam, người Chăm đã tôn một vị lãnh đạo của mình lên ngôi với tên hiệu là Harivarman II vào năm 988. Ông đã cho xây dựng Vijaya là quốc đô của mình. Sau cái chết của Lưu Kế Tông, người Việt rút lui khỏi vùng đất phía bắc, Harivarman II đã lấy lại và dời đô vào kinh đô cũ Indrapura, tuy nhiên tới khoảng năm 999 vị vua kế tiếp là Sri Vijaya Yangkupu đã vĩnh viễn dời đô về Vijaya. Việc dời đô về Vijaya được Tống sử ghi lại khi đoàn sứ thần của Chăm Pa tới nhà Tống (Trung Quốc) vào năm 1005.

Trong 5 năm thế kỷ là kinh đô, Vijaya phải chịu nhiều cuộc tấn công từ Đại Việt, Chân Lạp, Xiêm, Nguyên Mông. Người Khmer đã tấn công vào rất nhiều lần, có những thời gian Vijaya chịu sự cai trị của Chân Lạp từ 1145-1149 và 1190-1192. Xiêm La dưới thời vương triều Sukhothai cũng góp phần vào trận chiến năm 1313 nhưng sau đó đã rút lui bởi sự can thiệp của nhà Trần (Đại Việt), Nguyên Mông tấn công Vijaya và năm 1283. Nhưng nhiều nhất vẫn là các cuộc tấn công từ các vương triều Đại Việt, các thống kê cho thấy Vijaya bị tấn công từ Đại Việt vào các năm 1044, 1069, 1074 (nhà Lý), 1252, 1312, 1377 (nhà Trần), 1403 (nhà Hồ), 1446, 1471 (nhà Lê). Trận chiến tại thành Vijaya vào năm 1471 với quân đội nhà Lê (Đại Việt) cũng chấm dứt sự tồn tại sau 5 thế kỷ là quốc đô của Vijaya, Chăm Pa mất hoàn toàn miền bắc vào Đại Việt và lui về vùng phía nam đèo Cù Mông.

Năm 982 dưới triều đại vua Yangpuku Vijaya (âm Hán-Việt là Ngô Nhật Hoan ?) thành Đồ Bàn được xây dựng. Đây là kinh đô cuối cùng của vương quốc Chăm Pa và các vua Chăm đã đóng ở đây từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 15.

Năm 1376, vua Trần Duệ Tông đem 12 vạn quân thủy, bộ đánh thành Đồ Bàn bị Chế Bồng Nga đánh bại, Trần Duệ Tông tử trận.

Năm 1403, Hồ Hán Thương sai tướng đem 20 vạn quân vây đánh thành Đồ Bàn ngót hai tháng trời, nhưng bị quân Chiêm Thành phản công quyết liệt liệt, phải rút quân về nước.

Năm 1471, vua Lê Thánh Tông đem một đoàn thủy, lục quân hùng mạnh sang đánh Chăm Pa. Sau khi chiếm được, Lê Thánh Tông ra lệnh phá hủy thành Đồ Bàn.

Năm 1778, Nguyễn Nhạc tự xưng là Trung Ương Hoàng Đế nhà Tây Sơn, đóng đô ở đây, nên còn gọi là Hoàng Đế thành, ông cho mở rộng về phía Đông, xây dựng nhiều công trình lớn.

Năm 1799, thành bị quân Nguyễn Ánh chiếm, đổi gọi là thành Bình Định.

Ngày nay, Thành Hoàng đế là một trong những di tích giá trị, quan trọng trong nghiên cứu lịch sử quân sự và khảo cổ học.

Vijaya nằm tại vị trí mà hiện nay là xã Nhơn Hậu, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Cách quốc lộ 1A khoảng 2km, toàn thể kinh thành nằm trên một vùng đất cao so với các cánh đồng xung quanh

Theo ghi chép của Mã Đoan một thông ngôn của Trịnh Hòa (nhà Minh, Trung Quốc) đến Vijaya vào đầu thế kỷ 15 - khoảng năm 1413 được thể hiện trong cuốn sách sau này của ông là Ying-yai Sheng-lan - Doanh Nhai Thắng Lãm, thì kinh đô Chăm Pa thời kỳ này được miêu tả:

Đi theo hướng tây nam một trăm lí bạn sẽ tới thành phố nơi nhà vua cư ngụ, tên gọi ngoại quốc của nó là Chiêm Thành (Chan city). Thành phố có một bức tường thành bằng đá, với lối ra vào qua bốn cổng, có người được lệnh đứng gác. Ngôi nhà trong đó nhà vua cư ngụ thì cao và rộng. Nó có một cái mái lợp ngói nhỏ hình thuẫn trên đó, bốn bức tường bao quanh được xây dựng với phần trang trí công phu bằng gạch và hồ, rất gọn ghẽ. Các cánh cửa được làm bằng gỗ cứng, được trang trí với các hình khắc các thú hoang và gia súc. Các ngôi nhà trong đó dân chúng sinh sống có mái lợp bằng tranh, chiều cao của gờ mái nhà (tính từ mặt đất) không thể quá ba ch’ih (1m = 2.79 ch’ih), (người ta ra vào phải khom lưng và cúi đầu xuống, và có chiều cao quá khổ là một điều bực mình)

Vijaya là kinh đô của Chăm Pa kéo dài 5 thế kỷ, từ năm 999 đến năm 1471. Trong khoảng thời gian này, các vua Chăm đã cho xây dựng rất nhiều đền tháp quanh khu vực kinh thành, mà hiện nay vẫn còn tồn tại 8 cụm tháp :

- Tháp Đôi (tháp Hưng Thạnh) ở thành phố Quy Nhơn
- Tháp Dương Long (tháp Ngà, tháp An Chánh) huyện Tây Sơn
- Tháp Cánh Tiên (tháp Đồng) ở xã Nhơn Hậu huyện An Nhơn
- Tháp Bánh Ít (tháp Bạc) ở xã Phước Hiệp huyện Tuy Phước
- Tháp Bình Lâm ở xã Phước Hòa huyện Tuy Phước
- Tháp Thủ Thiện ở xã Bình Nghi huyện Tây Sơn
- Tháp Phú Lốc (tháp Vàng) ở giữa 2 huyện An Nhơn và Tuy Phước
- Tháp Hòn Chuông ở núi Bà huyện Phù Cát

1-11-5.jpg


Sau khi mất miền bắc về Đại Việt, Vijaya bị bỏ hoang và đến cuối thế kỷ 18, Nguyễn Nhạc vua nhà Tây Sơn đã sử dụng lại nền cũ của thành Vijaya để xây dựng Thành Hoàng Đế. Và kế tiếp vào năm 1902, thành Hoàng Đế được nhà Nguyễn sử dụng lại và gọi là Thành Bình Định. Vào năm 1816, vua Gia Long cho phá bỏ thành Bình Định để chuyển thủ phủ về Quy Nhơn.

Hiện nay dấu tích của vương triều Chăm Pa tại Vijaya còn lại là đôi sư tử đá dùng để trang trí, được chạm đổ theo phong cách nghệ thuật Bình Định vào thế kỷ 12-14, và ngôi Tháp Cánh Tiên, một trong các phong cách nghệ thuật các tháp Chăm.

kinh_272_vijaya.jpg


Di tích Đồ Bàn hiện nay không còn nguyên vẹn, chỉ còn sót lại các bức tường thành. Tường thành xây bằng đá ong, có hào, đường lát đá hoa cương. Trong thành có những di tích cũ của người Chăm như giếng vuông, voi, bên cửa hậu có gò Thập Tháp.

Đặc biệt có ngôi tháp Cánh Tiên cao gần 20 m, góc tháp có tượng rắn làm bằng đá trắng, 2 voi đá và nhiều tượng quái vật. Tháp này được đánh giá là tiêu biểu cho phong cách Bình Định, có niên đại nửa sau thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12, nằm trong giai đoạn lịch sử từ triều Harivarman IV (1074-1081) đến triều Harivarman V (1113-1139).

Phía Bắc thành có Chùa Thập Tháp Di Đà (được xây trên nền của mười tháp Chăm cổ), phía Nam thành có chùa Nhạn Tháp, đều là những ngôi chùa cổ. Trong đó còn giữ được nhiều di tích, hiện vật liên quan đến văn hóa Chăm Pa và phong trào Tây Sơn như lăng Võ Tánh, lăng Ngô Tùng Châu, cổng thành cũ.

Thành Hoàng Đế còn chứng kiến những trận đánh giữa Nhà Tây Sơn và Nhà Nguyễn mà trận đánh bao vây thành của hai tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng với Võ Tánh vào tháng 5 năm 1801, biết cầm cự không nổi với quân Tây Sơn, Võ Tánh tự thiêu và quan văn là Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự tử.

Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, nơi đây làm nơi thờ "Song Trung" Võ Tánh và Ngô Tùng Châu mà khi chiếm thành, Trần Quang Diệu đã tha chết cho tám ngàn quân Nguyễn và chôn cất hai vị và cảm khái tự tay khắc hai chữ trên.

Trong lăng còn chiếc lầu bát giác cổ kính, trong lầu còn tấm bia đá khắc công tích của Ngô Tùng Châu và Võ Tánh (năm 1800). Bia bằng đá trắng, chịu nhiều gió bụi thời gian đến nay đã mòn cả những chữ Hán khắc trên đó.

Hiện nay thị trấn Đập Đá nằm ngay bên ngoài thành.
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,751
Bài viết
1,136,920
Members
192,581
Latest member
oldgmailacc7
Back
Top