What's new

[Chia sẻ] 35 ngày ở Nhật

35 ngày, thời gian quá dài cho một chuyến đi, ở duy nhất một nước? Nhật mà, đi chi lâu vậy? Tiền nào chịu cho nổi. Nhiều người cứ thắc mắc nhiêu đó làm tôi cũng đắn đo đôi chút nhưng cuối cùng cũng đi. Đến rồi mới thấy 35 ngày có thấm vào đâu, vẫn là chạy nước rút vì những nơi muốn đến tính ra nhiều quá.

Đáng lẽ đã đến Nhật vào 5 năm trước, khi cơn sốt tôi dành cho xứ hoa anh đào đang ở 39.8 độ C. Nóng hực phải chườm đá cả tháng. Đùng một cái sóng thần ập đến, nước Nhật mất mát quá nhiều từ con người, tài sản đến cây cỏ đến không khí sạch. Tôi cũng mất một phần nhỏ xíu so với họ, nhưng lớn lớn so với tài sản trong tài khoản lúcđó. Số là mọi thứ đã đặt trước trả tiền rồi nên dù là thiên tai vẫn không lấy lại 100%.

Bây giờ già hơn, chín chắn và nhiều kinh nghiệm đi hơn. Nhất là sốt đã hạ nhiệt, mát rười rượi nên khi đặt chân lên đất Nhật ít vồn vã hơn tôi tưởng. Có lẽ một phần vì toan tính đi Châu Âu tìm hoa thơm cỏ quen (như đã nói nhiều lần) nhưng bao nhiêu chuyện lùm xùm, sợ lạc đạn nên thôi.

Nhật chẳng hề xa lạ với bạn và nhiều người. Còn tôi, lần đầu. Cái gì đầu tiên cũng bỡ ngỡ và để lại ấn tượng sâu, có đẹp có xấu.

Ghé từ giữa tháng Ba.

Sạch và yên lặng quá. Đó là những cảm nhận đầu tiên khi mới đến. Sau hơn 3 tuần, qua nhiều thành phố, vẫn là sạch và yên. Không phải ở đâu cũng vậy nhưng hầu hết. Tiếng nhắc để điện thoại di động ở chế độ run và tránh trả lời máy vẫn nghe mỗi ngày trên xe lửa. Người ta vẫn dán mắt vào điện thoại nhưng không một âm thanh, người đọc sách, người ngủ, người nhìn tôi trân trân, hay cười mỉm. Ai biết tại sao. Nhà hàng đang có khách rất đông mà nhìn bên ngoài tưởng bữa nay nghỉ bán. Cho đến tông quần áo họ mặc cũng mang một vẻ trầm tối, lặng lẽ. Trừ màu tóc.
Thấy ai mặc xanh đỏ tím vàng khỏi cần họ mở miệng cũng biết người đó chỉ ghé đây chơi. Kinh nghiệm cá nhân nên khỏi nhìn đâu cho xa.

Thời gian rộng. Đủ cho mình trải nghiệm những cách ăn ở, đi lại ( chủ yếu vẫn bằng train) và va chạm với những người khác nhau.

Một Takayama đẹp cổ như người già. Phố nhỏ, yên. Ấn tượng với hai chú khỉ trên cầu gì đó gần chợ. Gì chứ sau tiếng Đức, tiếng Nhật coi bộ khó thứ hai. Khiêng valy mình vào phòng là hai bác gái nhỏ người chắc đã quá sáu mươi. Nặng nha, tự nói tự hiểu. Giằng lại cách nào cũng không xong, thôi buông. Hình như số lượng người sống khỏe sống thọ đông nhất ở Nhật thì phải.

Một Toyama trẻ hơn, ồn ào hơn. Lần đầu ở Airbnb, với tấm bảng nhỏ hình chữ nhật "welcome... " treo lủng lẳng trước phòng đã đạt điểm 90.

Matsumoto castle với tôi cho đến bây giờ vẫn là đẹp nhất dù lúc đến vườn hoa mới lấm tấm nở. Cho điểm nhỉn hơn cả Himeji. Mỗi nơi mang vẻ đẹp riêng. Hơi thiên vị nên sẽ có nhiều người lên tiếng đây.

Manazuru nhỏ như một làng chài thời đại mà tôi chưa từng nghe nhắc đến mặc dù ở gần Odawara và Hakone. Con đường về nhà lên xuống dốc bất chợt, nhà được giấu trong cái hẻm bé xíu lên mấy bậc tam cấp, thêm hàng cây nửa lớn nửa bonsai trước nhà. Vì mấy thứ linh tinh như thế mà tôi đã chọn nơi này. Buổi sáng, kéo vẹt cánh cửa mỏng, cái lạnh thoảng vào nhà mang theo mấy chùm nắng non đầu xuân. Đôi chân dưới bàn được sưởi, tay vân vê ly trà thô ấm. Mùi trà xanh quyện vào với cái trong trẻo sớm mai, ước gì đừng đi nữa.
Vậy mà hai ngày sau lại bùi ngùi kéo valy ra cửa. Bước tới giữa bậc thềm còn quay lại hỏi bạn chủ nhà ở dài hạn chắc rẻ hơn nhiều chứ ha?

Rồi leo núi tìm mây. Lake Ashi hôm đó gần như chìm trong mây. Tuyết rơi lả tả.

Rồi mưa ở Takamatsu, băng qua cây cầu Great Seto Bridge dài ơi là dài, cảnh đẹp trên đoạn này theo tôi nên thêm vào list phải đến nếu ai đi xuống hướng Hiroshima. Rồi còn món mì sanuki udon đặc sản bên đất này cũng thêm vào list ẩm thực nhé. Cảnh đẹp đồ ăn ngon lại thêm vụ bỏ quên máy ảnh trên xe lửa. Nhớ hoài.

Ueno park đẹp, hoa ngập trời người ngập đường. Đi vì hoa mà ồn ào nhức đầu quá bèn qua bên Yokohama ở, cả đường hoa là của riêng mười mấy mạng lác đác. Hoa trèo ngập hai bên bờ sông.

Rồi Yamadera với 1000 mấy bậc thang. Hoa chưa nở cũng chẳng phải thu mà đẹp ngất cần người đỡ. Cheo leo ở lưng núi, lưng đèo. Nói rồi, sau này muốn đi tu vì bất cứ lý do nào cũng sẽ cuốn gói qua đây.

Một buổi xế chiều lạnh teo, mưa lâm râm lại ghé Ginzan Onsen. Làng nằm lọt thỏm giữa núi. Con đường đến đó cũng chẳng êm ái gì, xe bus thuộc loại xe cổ đi như cưỡi ngựa. Hai khách, một tài. Đi về y chang. Tuyết còn nhiều, đã tan cũng nhiều nên lạnh co ro. Hai dãy phố dọc theo dòng nước chìm lờ mờ trong sương, trong khói bốc lên từ đặc sản của vùng là nước khoáng.

Rồi một sáng ở Nara, vừa phơi nắng vừa uống cà phê trong vườn một Airbnb lớn tuổi. Tulip nở đầy, đủ màu. Hồng mới ra đọt nọn, xanh bóng. Chắc là tường vi nhiều hơn. Trong góc lơ thơ mấy cọng hành, mấy ngọn rau húng.

8:45 tối một ngày khác. Ngồi trên bậc thềm trước Notre Dame Kobe xem nhạc nước. Cảm giác không quen. Tôi không rành về nhạc nhưng hôm đó đã nhắm mắt lại một chút (vì mỏi?) , tưởng mình đang ở đâu đó trong “Troy”. Khi hai đối thủ đang cầm kiếm sẵn sàng nhắm thẳng tim đối phương, đằng sau họ là biển quân đang chực xông vào.

Tạm thời chỉ nháp bi nhiêu. Coi bộ ấn tượng đẹp hơi nhiều, phần không đẹp sẽ chi tiết sau.

...Tôi đang đi
Bao giờ bạn bước qua ngạch cửa?
Cứ đi đi mà
Thả hồn vào từng ô cửa lắm lúc đầy hoa.
 
@NhatviD .

NHỮNG CÂY CẦU THOÁNG QUA TRONG CHỚP MẮT

" Đã nhắc lại nhiều lần từ đầu đến giờ là đoạn đường từ Takayama đến Toyama có nhiều cảnh đẹp mặc dù chỉ được nhìn thấy trong vài cái chớp mắt. Có núi, có sông, mây thật thấp, rồi bao nhiêu chiếc cầu nối màu đỏ ngắn dài khác nhau. Trời còn lạnh nên nhiều khoảng trống trơ, cây chắc mới nhú mầm. Nhiều farm họ mới bắt đầu xới đất. ....
Tôi ngồi trên xe nhìn mọi thứ trôi qua vùn vụt,...."

Cám ơn bạn cho mình nhìn thêm một lần nữa đoạn đường từ " trên xe " - vì lần đó mình nhìn " trên tàu " ...Tàu và xe thỉnh thoảng có mấy đoạn song hành...

@ hamacon ..
"...Cảnh thật mộc mạc bình dị nàng ạ. Mình ủng hộ đưa hình chân thực lên như vậy lắm, hình long lanh quá luôn bị đánh lừa không hay chút nào.
Trước giờ mình chưa từng nghĩ sẽ đặt chân đến Nhật đâu, nhưng sẽ theo topic này của nàng tới cùng để xem Nhật có những gì hay ho mà thiên hạ ai đã đi rồi sẽ đòi quay lại miết thôi và rất nhiều người bị nghiện Nhật nặng luôn..."

Lời khuyên chân thành của mình là bạn hamacon " không nên đi Nhật " - bởi đi du lịch ở Nhật dễ gây nghiện như dùng " ma -túy " vậy !
....cho nên không nên thử dù chỉ một lần ...mà hãy thiệt vài lần nhé ! Chúc sức khỏe cho Trekking...

Xe và tàu là hai loại phương tiện khác nhau. Nếu thêm “lửa” sau hai từ kia thì ra mình đi cùng một loại phương tiện đó bạn Dauchandiadang ơi :)

Còn nói chuyện ghiền thì ghiền ma túy càng xài đô càng nặng, nếu muốn cai phải xài một loại thuốc khác có tác dụng tương tự nhưng tác dụng kéo dài hơn như ngày một lần thay vì ba bốn năm. Còn can đảm thì cai theo kiểu ‘cold-turkey’, bỏ ngang không xài gì hết. Chuyện du lịch cũng vậy, bị ghiền thì lần sau phải đi lâu hơn lần trước và lần trước nữa. Nếu muốn bớt ghiền chắc phải đi nhiều nơi khác ấn tượng hơn, làm tim đập nhanh hơn làm máu nóng hơn, hay nơi ít oxy hơn như leo núi chẳng hạn. Giỡn chút cho vui chọc hamacon ;)
 
NARA- NHỮNG GÌ CÒN LẠI?

Một con đường dốc nghiêng dẫn đến Nara Park. Bên thấp bên cao.

27446148125_2d64e7cd57_z.jpg


Một cái hồ nước đục ngầu, thêm một đoạn dốc. Phải chi trời nắng chang chang. Phải chi ngồi ở giữa đàng say sưa.

27374305171_8b975dc7dd_z.jpg


26836626694_ff84524098_z.jpg


Hết dốc lại đến một quả đồi lưng lửng.

26836615854_2a3459955b_z.jpg


Biết rằng nai ở vùng này đã vào sách vở từ xửa từ xưa nhưng nếu không có nai thì bớt đi một lý do để người ta đến Nara. Bầy nai làm mùa xuân nhìn buồn quá. Lông lù xù, lồi lõm. Chắc nên đổ thừa mùa đông, trời lạnh, thiếu ăn… Sau mỗi mùa đông tôi nghĩ nên kêu gọi các bác sĩ thú y chuyên về bệnh ngoài da đến đây làm thiện nguyện một chuyến. Số lượng nai quá nhiều không biết họ có cho chúng ăn hay là tự sinh tự diệt? Cứ thắc mắc nhiêu đó. Mặc dù bảng khuyến cáo chuyện nai tấn công người được dựng ở các cổng vào nhưng lo cầu nguyện, lo nhìn cảnh lo chụp hình rồi tay xách nách mang lâu lâu lại có người bị tấn công. Trong vòng hai ba tiếng đồng hồ mà nhìn thấy bốn vụ. Hôm đó trời ít nắng nên tâm trạng mấy chú hơi kém chứ thường khi nghe nói rất ngoan.

Todaiji, nơi có tượng Phật bằng đồng lớn nhất thế giới. Cũng là nơi ai đến Nara cũng ghé qua, bởi vậy ngõ ngách nào cũng đầy người là người.

27346794532_a588c0b340_z.jpg


Một nơi yên lặng hiếm hoi.

27374294311_66bf622414_z.jpg


Một Horyuji vắng người hơn. Để trốn nai và trốn người ta thì đây là nơi lý tưởng.

26972462163_2092512340_z.jpg


Một miếng đất khá lớn trồng hoa màu. Củ cải trắng còn vài bụi, củ già nhỏng lên khỏi đất đã chuyển qua màu xanh, hoa trắng li ti. Vài bụi gì đó chắc là mội loại đậu. Và phía xa nhất cách đường lớn là đám đậu Hòa Lan (snow peas). Từ Horyuji Temple đi bộ về ga đã ghé qua đây hỏi thăm bác “nông dân” đang ngồi giữa lom khom uống trà. Bác nhường cái ghế cho ngồi, bác cười nói huyên thuyên. Tôi chỉ hiểu duy nhất một chữ là ‘hello’ lúc mới bước vào. Gọi là hỏi thăm nhưng tôi hỏi tôi hiểu, bác nói bác hiểu. Củ cải già hết rồi chắc bác để làm giống hay để xem hoa? Mấy bụi kia là gì nhỉ? Còn snow peas bác trồng khít rịt từng bó kiểu kia làm sao có trái ha bác? Chắc lại để ngắm hoa.

35 ngày ở Nhật không hiếm những cuộc trò chuyện vui vẻ bất đồng ngôn ngữ kiểu này.

27446297115_488742c0f3_z.jpg


Và bữa sáng cuối cùng ở Nara.

26836829164_f98c4ebf8e_z.jpg


…Nắng ôm vườn xanh nắng tràn cơn mộng
Cái ngáp dài thôi đọng lại trên vai
Hơi thở chẳng cần bắt kịp ai
Sâu và chậm.
 
Last edited:
Một đất nước đã phát triển hiện đại nhưng các giá trị cổ xưa về mặt văn hóa và tinh thần vẫn được bảo tồn khá tốt. Dù chưa đi được nhiều hơn, nhưng cách sống, cách nghĩ và cách làm khá là tương đồng trải dài từ phía Bắc Hokkaido, Kanto cho đến phía Nam Kinki, Kyushu và Okinawa.
Đi và đi và muốn đi thêm nữa :)
 
PHỐ LỚN NGƯỜI ĐÔNG

Đi về bạn hỏi Nhật là nước có mật độ dân số thuộc hàng cao sao nhìn hình tấm nào cũng vắng tanh vắng ngắt vậy? Tháng Tư không phải mùa cao điểm sao? À mà đâu cần mùa cao điểm Nhật mới đông người. Sáng trưa chiều tối từ trên xe (các loại) đến trên đường lớn đường nhỏ đều là dân bản xứ. Xếp hàng trước các tiệm ăn, trong chợ trong chùa vẫn nghe tiếng địa phương nhiều nhất. Nói thì nói vậy nhưng khi đã là khách du lịch thì những nơi mình ghé qua nằm trong “list đỏ must-see” phần nhiều phải bon chen với khách khác cũng là chuyện dĩ nhiên. Bởi vậy hành trình mới loạn xà ngầu, chủ yếu cũng để tránh người ta. Có lẽ ngày thường ở nhà là những ngày bận rộn gặp biết bao nhiêu gương mặt khác nhau nên khi đi xa cố tình “trốn” nhưng mà trốn sao cho khỏi.

Xem tivi mỗi khi có tin tức gì về Tokyo thì y như rằng họ quay cái đường dành cho người đi bộ đông nghịt này. Khi đến đây mới biết thì ra nó nằm ngay cổng ga JR Shibuya. Đèn đi bộ ở tất cả các ngả xanh một lượt, kể cả đường chéo nên mọi người túa từ mọi phía. Và ở mỗi góc đường đều có tiệm ăn hay cà phê nhìn ra cái intersection nổi tiếng bận rộn bất kể ngày giờ.
27011655273_c27a5238e8_z.jpg


Tôi đã mém xỉu trong ga Ueno sáng hôm đó. Một chút nữa thôi, chắc chẳng tới năm phút. Kẹt cứng ngay cổng ga. Ghé đây một lần tôi nghĩ đủ rồi, mai này có trở lại Nhật vào mùa hoa chắc chắn dấu chân tôi sẽ không in lại nơi này. Nghe vậy bạn lại cằn nhằn phản đối? Ờ thì với tôi thôi.
Ueno park đẹp, hoa ngập trời người ngập đường. Đi vì hoa mà ồn ào nhức đầu quá bèn qua bên Yokohama ở, cả đường hoa là của riêng mười mấy mạng lác đác. Hoa trèo ngập hai bên bờ sông.
27343260000_7c4dcd1045_z.jpg


Shop với ga xe mà biểu vắng người sao được. Một góc ở ga Yokohama
27010645004_3ba56d72c2_z.jpg


Buổi sáng thủy triều dâng cao đến khoảng một phần ba cái cổng. Ít người, không ai bước xuống nước. Trưa trưa quay về thấy cảnh này. Thứ gì ở ngoài tầm tay với, chỉ nhìn thấy mà không chạm được vẫn đẹp lung linh hơn.
27011707473_9cd0b6c0b3_z.jpg


Cà phê ở Starbucks với tôi không ấn tượng lắm nhưng vị trí họ chọn lúc nào cũng đẹp và đặc biệt. Nếu Starbucks ở Toyama được cho là đẹp nhất thế giới thì quán ở ngay giữa hiệu sách Tsutaya ở Osaka tôi cho là ấm cúng nhất. Dù lúc nào cũng đông người nhưng không ồn ào và là nơi trốn lý tưởng.
27587439786_1d200b91a4_z.jpg


Kiyomizudera Temple (Pure Water Temple hay chùa Thanh Thủy)- Vẫn nghe nhiều người nói nếu bạn chỉ có thể ghé vào một ngôi chùa ở Nhật thì nên ghé đây. Người đông nghịt từ mọi con đường dẫn vào chùa và các ngỏ ngách trong khuôn viên nhưng đáng để bon chen.
27587486206_0cc3670238_z.jpg


Đoạn đường từ ga Kita-Kamakura đến Kamakura nếu có thời gian bạn nên đi bộ và đừng xem bản đồ. Nói vậy tự nhiên lại nhớ Venice. Rất dễ bị lạc nhưng toàn lạc vào những con đường đẹp, dốc nhiều, chùa cũng vô số. Trên đường đông người đi bộ nhưng phần nhiều là mấy bác lớn tuổi đi từng đoàn. Và nếu ở Nara có kem mè đen thơm đậm đà thì đoạn này có một món lạ là kem khoai lang tím. Không ngon không thơm bằng trà xanh hay mè đen nhưng đáng để nếm qua.
27011762843_a3777247eb_z.jpg


Kamakura Daibutsu là tượng Phật bằng đồng cao thứ 2 ở Nhật. Tượng phật Amida này đã từng có mái che nhưng đã bị sóng biển và mưa lũ cuốn trôi. Kamakura là thành phố biển, mùa xuân người cũng đông nhưng mùa hè sẽ đông hơn.
27011761243_01e5b55394_z.jpg


Cố đi ngược hướng đám đông nhưng đúng là trốn đâu cho khỏi. Vậy nên tôi đã trả lời bạn người đông lắm chứ, bon chen cũng nhiều nhưng mấy nơi này ở ngắn ngày hơn. Lo chạy nước rút với xếp hàng, rôi lo nhìn xuống để tránh đạp chân người khác nên còn tâm trí đâu để chụp hình. Nhìn người vui hơn mà dễ quên hơn.
 
Tôi luôn cho rằng mỗi người lên đường bắt đầu những chuyến đi vì nhiều lẽ khác nhau. Nghỉ xả hơi, đam mê, vượt qua thử thách, chinh phục, tò mò hay chạy trốn…Và vô vàn các lý do khác mà chỉ người đang đi về phía trước tự biết. Chắc bạn biết tỏng rồi vì tôi không biết là người thứ bao nhiêu lặp lại mấy điều này nhưng mà thôi cũng kê ra vài thí dụ.

Theo phim ảnh tài tử như hai nhân vật trong “Me before You” thì một người đi vì muốn lay chuyển, thay đổi hay cứu rỗi một linh hồn. Còn người kia cũng đi cùng một chuyến, cũng nằm dài trên phơi nắng cũng ngắm sao đêm nhưng đó là lần đi cuối cùng vì lòng đã kiên quyết khi trở về sẽ kết thúc đời mình. Vẫn là đi nhưng sẽ không trở lại, thoát ra khỏi khung cửa mở đầy nắng và gió, hai miếng màn trắng phấp phới tiễn đưa.

Mấy tuần trước báo đài liên tục đăng tin một giáo sư đại học Monash tử vong ở giữa Camp 3 và 4 trên núi Everest. Hai vợ chồng cùng ăn chay, cùng muốn chinh phục đỉnh núi cao nhất này nhưng khi gần đến đỉnh thì phải trở xuống vì bị nhiều triệu chứng bệnh do độ cao. Anh chồng được cứu kịp thời còn người vợ đã không chờ được. Cả hai còn trẻ, và họ đã chinh phục thành công nhiều ngọn núi cao trước đó.
Không kịch tính và đau lòng như hai thí dụ trên là chuyện anh bạn đồng nghiệp đi như trốn sau khi ly dị vợ. Trước khi đi cũng có báo với người nhà và chỗ làm nhưng không nói rõ là đi đâu. Mất tích hai tuần. Khi trở về da sạm nắng, bớt im lặng hơn. Chuyến đi không biết thế nào nhưng đã có tác dụng “giảm đau”. Anh chàng cứ nói “the dust will settle”. Cần bao lâu? Ai biết.

Còn tôi cứ ngang ngang, chắc không đủ sức chinh phục cũng chưa đến nỗi phải chạy trốn nên mỗi chuyến đi điều bao gồm một tí của các lý do khác kể trên. Tùy theo từng nơi mình đặt chân đến, tùy theo tâm trạng, các cuộc gặp gỡ mỗi ngày mà cài từng lý do khác nhau. Có trầm có bổng nhưng dĩ nhiên bổng chiếm đa số vì dù gì cũng nghỉ ngơi từ nhịp độ vòng quay thường ngày. Không phải căng vì những con số, mấy gương mặt không thích chạm mà căng vì lo hôm nay đi đâu, leo lên xe nào, ăn gì uống gì…Luôn tự cảm ơn chính mình vì đã “nghỉ”. Tóm lại, chưa từng hối hận vì những chuyến đi.

Tôi cũng từng nói mặc kệ bạn đi tour, đi nhóm, đi solo ngủ bờ bụi hay trong khách sạn lấp lánh năm sáu sao, điều quan trọng là những gì bạn trải qua trong chuyến đi, những gì còn vướng lại trong ký ức sau khi trở về.

Nhớ một chiều kia đứng giữa ngã tư đường giật mình khi nghe tiếng kèn xe đầu tiên sau hơn 30 ngày. Ngó tứ hướng xem thằng nào vừa tạo ra âm thanh kia (để cảm ơn chứ không chi) mà chẳng thấy ai đáng nghi, đứng ngây một lúc quên mất mình phải rẽ hướng nào nên đi thẳng.

27343639360_6a5921f871_z.jpg


Lần khác đứng giữa lưng chừng dốc để thở, nhìn qua phải thấy một khoảng xanh mênh mông không một gợn mây. Nhìn xuống chân thấy vẫn đứng trên đôi chân của mình đã đủ hạnh phúc.
Vừa thở vừa nghĩ người xưa khỏe dẻo dai hơn vì đi bộ nhiều, vì các thứ tự nhiên không hóa chất. Chẳng có phương tiện hay chẳng cần đi nhanh vì ai cũng là phú ông của thời gian?

27073511033_9ff3d73f77_z.jpg


Rồi lắm khi đứng chờ xe, đi tới đi lui. Thấy cô kia mặc áo mỏng tay lưng lửng, đầu lại choàng cái khăn thô nhiều màu. Đứa bé treo trước ngực cô chắc khoảng bốn tháng tuổi, đang ngủ. Dù hai tay xoa nhẹ nhàng trên lưng đứa con nhưng mặc cô nhìn hớt hải, cứ dáo dác. Lại là một cuộc chạy trốn?

27583270662_2a5da98a4e_z.jpg


Mấy ngày mưa lại nhớ chuyện đục mưa, chuyện quên dù. Co ro lạnh cóng cả tay.

“…Và khi mây giăng khi mưa vần vũ
Chẳng vội che dù ướt sũng đến gân tay
Mà vội gì dù cảm lạnh sáng mai
Vẫn ngáp dài bên ly cà phê muộn
Chẳng buồn nhắn tin
Thêm chi cuộc gọi lằng nhằng..”

Đó là cái thú khi biết rằng sáng mai khỏi phải để đồng hồ ré và vác mặt đến chỗ làm.

Mà cũng nhờ trốn mưa mà phát hiện ra cái nơi nhiều màu sắc và học được một cách treo khung hình ngay cửa kiếng. Nhờ thời tiết bên ngoài đổi hộ hình, nắng rồi mưa, mỗi mùa mỗi sắc.

27115296664_8ac4f0af09_z.jpg


27693875576_d9246319e0_z.jpg


Rồi có vài chuyện nghĩ cũng trớ trêu (hay tự tôi cho là vậy). Như chuyện được mấy chậu hoa tulip đủ màu chào đón vào buổi trưa nọ. Loại hoa xuất xứ từ một nơi lại là quốc hoa một nẻo khác và tươi rói chào đón mình ở một nẻo khác nữa, xa lắc xa lơ với phong tục tập quán xa không biết phải đo bằng gì. Bữa kia tình cờ đọc về loại hoa này, biết thêm một chuyện là có vài loại tulip có sọc trắng hay sọc lợt thật ra là bị virus. Nhưng chủ vườn thấy đẹp nên cứ cố để cho mấy loại này bệnh hoài vì cho ra màu lạ và bán được giá cao.

27695510876_75bf9852bb_z.jpg


Bao nhiêu xe bóng nhẵn lướt đi vù vù thì cũng có nhiều nơi xài đồ cổ. Như mấy chiếc xe bus hướng Ginzan hay xe lửa ở Himi và Takaoka, chậm rù. Đến nơi rồi mới biết tác giả của Doraemon, Fujiko F. Fujio ra đời ở vùng này. Có nhiều thứ bất ngờ kiểu vậy cũng bớt mỏi chân phần nào.

27628648132_3304d98f5e_z.jpg


Nếu không nhìn thấy hoa anh đào, không nhìn thấy xe lửa thì trong tấm hình dưới đây tôi thấy phần nhiều hình ảnh nước Nhật. Một góc nhìn đời thường hơn, gần gũi hơn như một sáng ngồi uống trà bên khung cửa gỗ ở Manazuru, như một chiều ngồi ăn cơm cùng bàn với bao người xa lạ mà có cảm giác đang ở nhà.

27629152502_70da10a3b0_z.jpg


35 ngày ở Nhật gom lại có bấy nhiêu.

Để kết thúc một chuyến đi tôi luôn lặp lại câu…Trở về để mỗi sáng ăn nhanh lát sandwich, uống vội ly cà phê và chạy.
 
Cám ơn NhatviD với bài viết nhiều cảm xúc và hình ảnh rất tiêu biểu. 35 ngày ở Nhật chắc là ước mong của nhiều người trong đó có bác nhưng khó thành hiện thực.

Chỉ mong khi chuyến đi năm tới đến, có đủ sức khỏe và lòng ham mê để đi được từ Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc, từ Kyoto xuống được Shikoku trở ngược lên được Kiso valley và ghé được Gujo Hachiman, thẳng chút nữa lên ngó qua Takayama để đến Furukawa. Không đi được nhiều nhưng nhìn những hình ảnh này thì khó cầm lòng được!

image.php




image.php
 
ĂN ĐỒ NHẬT

Hôm qua đi ăn đồ Nhật làm tôi nhớ lại những ngày ở bên đó hồi ba bốn tháng trước. Và nhớ mình đã quên viết vài dòng về những điều là lạ có liên quan tới cái ăn của xứ này. Thôi bây giờ thêm vào coi như là phần P.S của topic.

Xưa giờ người Việt mình vẫn quen câu nói “ở nhà Tây, ăn đồ Tàu, cưới vợ Nhật” nhưng qua thế kỷ 21 rồi vế giữa có phần bớt thịnh hành thì phải. Thời nay thông tin về việc ăn uống điều độ ít dầu ít mỡ, nhiều rau quả, đi gym, yoga…tràn lan từ đâu tới đâu nên con người ta có ý thức hơn về việc ăn uống so với mười lăm hai mươi năm trước. Món Tàu có ngon có bổ đó nhưng ai cũng biết họ luôn xài nhiều dầu mỡ. Những năm gần đây món Nhật, món Việt hay món Hàn càng ngày càng được nhiều người ưa thích có lẽ một phần vì được cho là nhiều dinh dưỡng, tự nhiên như rong biển, đồ tươi sống, ít mỡ…Bằng chứng là số người cao tuổi nhất trên thế giới phần đông sống ở Nhật đó thôi. Còn chuyện họ săn bắt cá voi và cá thu nhiều đến nỗi các tổ chức “xanh” phải báo động và chuyện tỉ lệ tự tử khá cao ở Nhật thì thôi, tôi sẽ bàn vào dịp khác

Qua Nhật mới thấy vài điều lạ về cái ăn ở xứ này. Đồng ý là mỗi nước mỗi miền có sắc thái riêng về mọi mặt kể cả chuyện ăn uống nhưng để tận mắt chứng kiến cũng khiến mình ngỡ ngàng.

Nhiều lắm nhưng xin kể ra vài điều, mai mốt có thời gian lại kể tiếp.

Đầu tiên là chuyện mở cửa đóng cửa quán ăn. Những nơi đông khách du lịch và các quán ăn theo dạng ăn nhanh (fast-food) cả Tây lẫn Nhật thì vẫn đèn đuốc sáng choang, chớp chớp cũng nhiều. Nhưng các nhà hàng/quán truyền thống (traditional) Nhật thì dù mở cửa hay đóng cửa nhìn không phân biệt được. Có thể chỉ mình tôi thấy vậy vì vốn chữ Nhật chỉ bằng ba, cám ơn và đếm một hai. Bên ngoài cửa đóng im ỉm, treo hai miếng vải phất phơ trên đó có chữ màu đen, đoán là tên quán. Nhiều khi hai miếng vải được thay bằng thanh gỗ nhỏ khiêm tốn đính vào một góc, nếu đi nhanh chắc chắc sẽ trợt qua. Cứ phải sờ tay vào kéo cửa khắc biết quán hôm nay mở cửa hay đóng.

Sau cánh cửa đầu tiên là chỗ để giày, để dù hay chỉ là khoảng trống. Bước vào cánh cửa thứ hai bạn mới vào trong quán. Có khi bên trong là không gian mở với bàn ghế san sát nhau như những quán bình thường quen thuộc. Có khi bên trong thêm một lần cửa thứ ba vì mỗi bàn được ngăn thành một căn phòng riêng. Tôi ăn ở một quán được trang trí kiểu này ở Toyama. Bạn nghe tiếng nói tiếng hát ở bàn bên cạnh nhưng không thấy mặt họ. Riêng tư vừa đủ. Nhân viên phục vụ cũng nói rất nhẹ nhàng (hiểu nhau hay không lại là chuyện khác), trước khi bước vào phòng luôn gõ cửa. Order đồ ăn cũng qua màn hình máy tính trong phòng nên không có chuyện chạy loạn í ới. Có ăn đổ tháo bừa bãi cũng mình mình biết thôi.

Về cách bày trí trên bàn ăn và cách phục vụ ở Nhật tôi chắc nhiều người cũng đồng ý là khỏi chê. Từ một quán mì đứng, một tiệm bánh nhỏ bên đường, một quầy nhỏ trong chợ.. bạn không bao giờ được phục vụ cái kiểu đem đôi đũa ra đặt cái cạch trước mặt, thảy chén đồ ăn làm giật cả mình, dằn chén nước chấm làm tròng trành rớt ra mấy giọt. Nói thật đến Nhật rồi tôi mới thấy sự kiên nhẫn trong cách giao tiếp, phục vụ của họ. Ngôn ngữ bất đồng gây trở ngại một phần thì đi đến nước nào cũng gặp, cách để vượt qua để hiểu nhau mỗi nơi lại khác. Nhất là vào quán ăn, vừa bước vào hỏi còn bàn trống cho một/hai người không đã bắt đầu thấy sự bối rối trên gương mặt họ. Sau đó là chuyện order, uống gì, ăn gì phải trao đổi qua màn hình nhờ anh google translate thường xuyên. Nhăn trán gãi đầu mà vẫn tươi cười. Khó qúa nhiều khi anh này lại quay ra kêu một anh phục vụ rành tiếng Anh hơn vào. Đôi khi cảm giác hồi hộp chờ xem món ăn được đem ra có giống như món mình chọn hay tưởng tượng không cũng là một trải nghiệm đáng nhớ. Có khi bị giật mình nhưng may là chưa có điều gì đáng tiếc xảy ra, ý là ăn được tất. Chắc do tôi dễ nuôi từ nhỏ. Hay là đắt quá không dám bỏ. Nói đùa chứ chưa gặp món nào tệ đến nỗi bỏ lại.

Còn cách gói ghém và trưng bày thì cũng thuộc hàng tỉ mỉ chưa từng thấy qua, nhất là đồ ngọt. Có khi bóc ba bốn lớp đói run cả tay. Tôi nghĩ đồ ăn bánh trái của họ đắt vì một phần trong đó là phí “trang điểm”, đôi khi cầu kỳ quá đáng. Có lần tôi mua một phần cơm đem theo lên xe lửa ăn mà phải mất hơn mười phút mới mở ra được. Bốn cái nẹp tre buộc dây cẩn thận bên ngoài hai cái đĩa tre tròn chức cơm bên trong. Sau khi tháo dây, tháo nẹp mở ra thì bên trong có thêm lớp lá xếp vòng quanh miếng cơm đều trang. Và trên mặt cơm là từng miếng cá được xếp ngay hàng thẳng lối. Thắc mắc thời gian họ gói một hộp cơm như vậy lâu gấp mấy lần thời gian tôi mở ra.

Một thí dụ khác là bánh ngọt trong các siêu thị hay các quầy ở ga. Phần nhiều từng cái bánh được gói riêng, sau đó được gói chung vào một cái bao khác rồi đặt vào chiếc hộp xinh xắn đã được lót một lớp giấy hoa bên dưới. Bao nhiêu công nên nhiều khi nhìn hộp bánh rồi nhìn bảng giá bên cạnh muốn bật ngửa. Bởi vậy vào siêu thị nhìn cho đã mắt rồi sau đó tôi qua con phố nhỏ bên cạnh hay tình cờ trên đường thấy cái tiệm người ta rồng rắn xếp hàng lại sà vào, thấy bánh cũng y vậy lại vừa ra lò. Giá cả đôi khi chênh nhiều đôi khi chỉ tí đỉnh nhưng ăn cái bánh từ bao giấy mà dầu với đường thấm ra cả tay lại thấy ngon và khỏi phải tiếc hùi hụi cái công cắt gói trang điểm.

28869741212_8fcf4b2074_z.jpg

Quán ở Toyama

28898343011_37771759d1_z.jpg

Chén dĩa tách và đồ nhà bếp nói chung nhìn có vẻ thô nhưng cũng tỉ mỉ. Như những đường cong, những cái vân kim loại. Như những cái bình đựng nước tương có chỗ hỏm vào cho dễ cầm.

28898524171_e3bb6f1f49_z.jpg

Bên ngoài quán kem ở Uji.
Sau cánh cổng kiếm hiệp, một khoảng sân rồi đến quán. Vào hai lần cửa là đến bàn ngồi, thoáng rộng, nhìn ra sông.

28898362171_2a60bca412_z.jpg

Tôi đã gói 4 cái que tre với một bên dĩa tròn về …làm kỷ niệm.

28974642195_e5cd71f080_z.jpg

Có những món cũng thường như nhờ cách bày trí và khung cảnh lại được gán cho cái tên cao sang và cho giá trên trời.
Có những món nóng hổi ăn ngay tại lò có vẻ chợ búa nhưng quen thuộc hơn. Có lẽ do mình lớn lên từ những nơi như vậy, chưa quen mà chưa biết khi nào mới quen kiểu “fine dining” ăn đẹp mà chẳng no.

28688511850_d628582640_z.jpg

Có những món mà đến nơi nhất định phải ăn thử vì chỉ được bán ở nơi đó. Như món bánh cracker, giòn thơm bùi bùi được làm từ horse chesnut này chỉ có ở Takayama.

28942424196_391566bf12_z.jpg

Và cheese tart ở Osaka, món này cũng ngon đặc biệt.

28358423843_141bd2b0e0_z.jpg

Nếu sữa có thể để lên mốc trắng mốc xanh thành các loại cheese khác nhau thì bây giờ đến lượt thịt. Đã từng xem một phim tài liệu của Anh về cách họ để thịt lên mốc ở một nhiệt độ, thời gian, đột ẩm nhất định để cho ra mùi vị khác lạ mà ăn vào vẫn an toàn. Chính mắt nhìn thấy ở Osaka mới tin. Dĩ nhiên phải cắt bỏ phần mốc rồi trước rồi đem chế biến. Chưa thử qua, chưa dám mạo hiểm.

28355776914_5039838a10_z.jpg

Cuối ngày, bảng báo đóng cửa cũng không giống ai. Hình này hình như chụp ở Matsumoto.

Thôi nhé, đổi lại là “ở nhà Tây, ăn đồ tươi bổ khỏe, cưới ai tùy…duyên” .
 
Nàng ơi, ghé Toyama ngủ đâu, chơi gì và ăn gì thế? Recommend cho mình ít thông tin với.



Trong một diễn biến khác, cái topic này giống kiểu tản văn tình cảm dạt dào... ưa lắm chuyện kiểu lông gà vỏ tỏi như mình liệu có hợp tình hợp cảnh ko ta?! (Mà thôi kệ, cứ hỏi :p)
 
Nàng ơi, ghé Toyama ngủ đâu, chơi gì và ăn gì thế?

Trong một diễn biến khác, cái topic này giống kiểu tản văn tình cảm dạt dào... ưa lắm chuyện kiểu lông gà vỏ tỏi như mình liệu có hợp tình hợp cảnh ko ta?! (Mà thôi kệ, cứ hỏi :p)

Viết chi tiết cách đi đứng nhiều khi khó hơn viết lung tung nên mình hay chọn cách dễ hơn để chia sẻ.

Tỏi (vỏ) ghé qua nhà hỏi thì cà (chớn) xin thưa, lo gì tình với cảnh :) . Có vẻ cô nàng lại sắp bước qua ngạch cửa?

Chơi gì? Trung tâm Toyama không có gì đặc biệt, mặc dù trước cổng Toyama JR có cái chữ to đùng trắng toát là “Amazing Toyama”. Nói chơi thì chẳng có gì chơi. Nơi này đển để trải qua những ngày bình thường, không bôn ba làm dân du lịch. Nên ghé qua quán Starbucks nổi tiếng thế giới, mình không là fan nên đã không ghé. Vòng quanh khu castle đáng đi nhất, mùa hoa nở thì khỏi phải nói rồi.

Là lựa chọn rẻ nhất (lúc mình đi) để ngủ lại, nếu bạn muốn đi Alpine route, Shirakawa-go, Gokayama, Himi….Lúc mình tới cuối tháng 3, Alpine route chưa mở, hoa chưa nở nên rẻ cũng không chừng. Mà nghĩ lại Toyama không có gì nổi trội nên chắc mùa nào cũng sẽ rẻ hơn những nơi kể trên, lần sau có trở lại vẫn chọn Toyama là nơi chuyển tiếp. Đã dành một ngày đi vòng quanh Toyama city và một ngày đi Takaoka và Himi.

Airbnb hai đêm (Love& Thanks) apartment có 2 phòng đôi mình book một phòng, nếu đi gia đình có thể book nguyên căn. Mùa hè phòng có thể ở 3 người, 1 người ngủ dưới chiếu. Phòng trang trí kiểu boutique, sạch sẽ. Có nhà bếp bàn ăn chung. Đi bộ đến ga Toyama JR khoảng 10 phút. $A140/1 phòng/2 đêm.

28988044096_fe3a73da29_z.jpg


28734575400_ceb56d74ed_z.jpg


Ăn gì? Toyama gần biển nên từ Tokyo tới Takayama ai cũng nhắc đến đây phải ăn hải sản cá cua các loại vì đây là miền biển, tươi và rẻ. Nhất là ở Himi. Xưa giờ thật thà nên ai biểu gì nghe vậy.

28944916761_72eb08d760_z.jpg

28916464862_808689aa78_z.jpg
 
... Có vẻ cô nàng lại sắp bước qua ngạch cửa?...

Sáng nào "cô nàng" chả đều đều dắt xe qua ngạch cửa... đi làm :))

Cơ mà vì chưa có dịp quần thảo cả tháng trời như "ai đó" nên là "cô nàng" cũng có ôm chút tính toán ngược xuôi. Alpine route... noted, Himi... noted, Unazuki - Kurobe gorge... noted thành ra mới nhòm ngó Toyama làm điểm dừng chân. Shirakawa-go chắc dành dịp nào có tuyết, nhiều nhiều tuyết (dù chả biết đến bao vờ) chứ thiếu lớp "kem phủ" cứ thấy như thiếu key-element ấy.

Thanks nàng :*
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,679
Bài viết
1,135,111
Members
192,379
Latest member
camhuong007
Back
Top