What's new

[Lịch sử] Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Năm nay, 2010, Một nghìn năm cái tên Thăng Long. Một nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội.

Người ta nói quá nhiều, và tôi cũng đã dự định viết topic này từ lâu, nhưng giờ mới bắt tay vào thực hiện, như là một phần chia sẻ của mình với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Tôi không định cắt dán các bài viết dài dằng dặc trên khắp các báo, trên mạng, mà viết những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất này. Nếu ai muốn chia sẻ cùng tôi, xin hãy cũng như vậy.

Topic này có thể sẽ rất khô khan, cũng có thể sẽ rất thú vị, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Last edited:
....Nỗi oan của Lê Văn Thịnh được người dân đời sau thấu hiểu, nên lập đền thờ ông tại quê, và tạc hình con rồng đá cắn vào thân, chân cào vào bụng đầy uất ức....

Thế nhưng theo em được biết thì con Rồng Đá này lại tượng trưng cho nhà vua vì nghe lời xiểm nịnh nên bức hại trung thần, sau đó dằn vặt bản thân vì "...một tai thông, một tai đặc..." thể hiện rõ nét trên tượng. Đặc điểm khác nữa là con rồng này có năm móng, tượng trưng cho Vua mà thôi.
Bác Chitto giảng giải hộ cái...
 
Theo tôi thì đó không phải tượng trưng cho vua vì:

1. Trước hết, đó không phải con rồng (!). Con vật đó có thân rắn, có vẩy, có chân, nhưng không có các đặc điểm để làm rồng: không sừng, không bờm, không râu. Nó giống con rắn có chân hơn, hay còn gọi là loài 'Ly long'. Nếu không phải là rồng thì nó cũng không tượng trưng cho vua.

2. Lý Nhân Tông là ông vua giỏi được lịch sử công nhận, trong sử sách cũng không ghi điều gì về việc vua nghe xiểm nịnh. Dù người làng quê Lê Văn Thịnh ghét vua thế nào cũng không thể bất kính đến mức biến con Rồng - Vua thành con vật khác.

3. Thực sự mối quan hệ giữa vua và Lê Văn Thịnh thế nào, Lê Văn Thịnh đã làm được gì trong 10 năm trước đó, có công và tội gì (sau việc đi sứ TQ) thì hoàn toàn không có sử liệu gì. Vậy cũng chẳng thể nói ông hoàn toàn vô tội trong vụ việc đó. Ông có làm gì trái với chức phận, trái với ý vua, Thái hậu (khi đó Ỷ Lan vẫn còn sống), với quốc gia... hay không, chúng ta hiện nay không một ai biết.
Chỉ có câu chuyện hoá hổ là bày đặt ra để có lý do đày ông đi, còn nguyên nhân sâu xa, có lẽ chỉ có ông biết, vua biết, mà cả hai đều đã chết rồi.

Sự thực về thâm ý con Rồng - rắn đá đó thế nào, đến giờ người ta cũng không rõ nổi, vì vậy bàn luận cũng chỉ là cho vui thôi. Hơn nữa topic này tôi chủ yếu nói về Thăng Long, do đó những sự việc quá xa ra ngoài như thế cũng sẽ không bàn luận tới, cũng vì thế tôi không đưa ảnh con rồng - rắn đá đó vào topic này, trong khi đưa ảnh cổng chùa Võng Thị, vì nó nằm ở Hà Nội.

Nhân nói chuyện ngoài, có bạn gửi tôi link của một bài viết trong đó đề cập chuyện nhà viết kịch Tào Mạt viết về Lê Văn Thịnh là phản thần. Và tác giả viết ý rằng sau đó Tào Mạt và con trai ông phải chết thảm, cũng là do Tào Mạt đã xúc phạm nên bị "thánh vật". Tôi hết sức coi thường cái tư tưởng mê tín kiểu "thánh vật" của tác giả đó. Nếu thực sự có cái hồn của Lê Văn Thịnh làm việc đó, thì đó là một con quỷ, một thứ yêu ma quái quỷ tởm lợm đáng khinh bỉ.
 
Last edited:
Chuông Quy Điền

Thời Lý Nhân Tông, Thái hậu dựng trên trăm ngôi chùa khắp nơi, tại Thăng Long vua cũng dựng thêm đến năm bảy ngôi chùa, lại tu sửa và mở rộng chùa Diên Hựu, dựng thêm các tháp, làm cầu, đào hồ.

Thái hậu Ỷ Lan lại cho đúc quả chuông gọi là Giác Thế Chung (chuông để thức tỉnh thế gian), nặng 1 vạn 2 nghìn cân (khoảng 6 tấn) để treo ở chùa Diên Hựu. Nhưng do đúc không tốt nên khi đánh chuông không kêu, có lẽ bị rạn trong quá trình đúc. Chuông không treo lên nữa, mà bỏ ở ruộng ngoài chùa, có nhiều rùa sống tại đó nên gọi là chuông Quy Điền. Chuông trở thành Đại khí thứ hai của Đại Việt, làm sau cái thứ nhất là Tháp Báo Thiên hơn 50 năm. Về sau giặc Minh đã phá huỷ chuông.

Về chuông Quy Điền, dân gian lưu truyền câu truyện về Khổng Minh Không. Ông có phép lạ, sang Trung Quốc xin đồng về đúc chuông, vua Tàu coi thường bảo vào kho thích lấy bao nhiêu thì lấy. Chẳng ngờ ông lấy tất cả đồng trong kho bỏ vào cái đãy, lại lật ngửa nón tu lờ ra để chèo qua sông, mang về đúc chuông. Khi chuông đánh lên, tiếng vang tận sang Tàu, ở cửa kho có con trâu vàng nghe tiếng chuông liền vùng chạy sang, chạy quanh Thăng Long tạo thành sông Kim Ngưu, rồi không chịu rời đi. Khổng Minh Không thấy thế ném chuông xuống hồ Tây, trâu vàng lao xuống theo, nên hồ cũng có tên hồ Kim Ngưu.


Trâu vàng đang ẩn náu nơi nào dưới đáy hồ này ???

23205096.jpg
 
Last edited:
Lý Thần Tông và Từ Đạo Hạnh

Lý Nhân Tông trị vì lâu, nhưng dù lập đến ba bà Hoàng hậu, mà vẫn không có con, phải lấy con trai của em ruột làm Thái tử. Vị thái tử này lại liên quan đến một câu chuyện huyền hoặc nữa tại đất Thăng Long.

Chuyện kể là ở làng Láng, sát ngoài thành Thăng Long, có ông Từ Vinh, vì có hiềm khích, Diên Thành hầu nhờ pháp sư Đại Điên dùng phép giết Từ Vinh (lại là ông Đại Điên trong giai thoại Nguyễn Bông muốn đầu thai). Con trai Từ Vinh là Từ Đạo Hạnh quyết tâm đi học pháp thuật để báo thù.

Từ Đạo Hạnh đi học theo Mật tông của Phật giáo, niệm chú điều khiển chư thiên, đánh chết được Đại Điên. Trả thù xong, Từ Đạo Hạnh quay về tu hành tại Sài Sơn, dựng chùa Thiên Phúc (tức là chùa Thầy ngày nay). Bấy giờ Sùng Hiền hầu là em Lý Nhân Tông cũng hiếm muộn, đến cầu con. Từ Đạo Hạnh bèn trút xác tại hang Thánh Hoá ở Sài Sơn, đầu thai vào làm con trai Sùng Hiền hầu, sau lên ngôi là Lý Thần Tông.

Bởi huyền tích này mà Lý Anh Tông, con của Thần Tông cho xây lại chùa Chiêu Thiền (tức chùa Láng) tại nơi Từ Đạo Hạnh tu đầu tiên, chùa Đản Cơ (tức chùa Nền) tại nền nhà Từ Vinh, chùa Thiên Phúc (chùa Thầy) tại Sài Sơn. Ngày nay trong chùa Thầy vẫn còn một toà sen đời Lý, và hai cây cột gỗ được cho là có từ thời Từ Đạo Hạnh. Trong chùa Láng thờ tượng Từ Đạo Hạnh và tượng Lý Thần Tông.

Điều tôi thấy thú vị nhất là hiện nay bên này Tô Lịch có 2 chùa thờ Từ Đạo Hạnh là chùa Láng và chùa Nền, thì bên kia sông Tô Lịch có chùa Duệ thờ Đại Điên !!! Đại Điên có công lao gì mà nghìn năm vẫn được thờ phụng, thì tôi chưa tìm hiểu được. Phải chăng đây là sự "cạnh tranh" tâm linh của hai làng ở hai bên bờ sông ???

Chùa Láng, cụ Võ An Ninh chụp năm 1941

33883475.jpg
 
Lý triều Quốc sư

Lý Thần Tông lên ngôi năm 11 tuổi, đến 20 tuổi thì bị bệnh, các thái y đều bó tay. Sau có sư Nguyễn Minh Không (tên thật là Nguyễn Chí Thành, người Ninh Bình) chữa được bệnh cho vua, được phong là Quốc sư. Tuy nhiên vua cũng chỉ sống được đến 23 tuổi thôi, chính sử cũng không ghi là bệnh gì. Do đó Minh Không được tôn là vị thánh chữa bệnh.

Theo truyền thuyết thì khi trước Từ Đạo Hạnh, Minh Không, Giác Hải ba người đi học đạo cùng nhau, Từ Đạo Hạnh đã hoá hổ để trêu hai người, nên khi đầu thai làm Lý Thần Tông thì cũng bị bệnh hoá hổ, lông lá mọc ra, gào rống như hổ (lại chuyện hoá hổ và đầu thai !!!). Chỉ có Minh Không là người đã từng học đạo cùng mới chữa được. Minh Không có nhiều tài phép, được tôn là ông tổ nghề đúc, và gắn với ông Khổng Minh Không trong truyền thuyết chuông đồng trâu vàng. Sau Minh Không còn được gắn với Không Lộ, tạo thành một hình tượng vừa thiêng liêng vừa hoà trộn lộn xộn khó phân biệt.

Có thể thấy triều Lý với thuyết Tam giáo Đồng nguyên (ba tôn giáo là Nho - Phật - Đạo cùng được trọng) nên các truyền thuyết đều hoà quyện. Những người như Từ Đạo Hạnh, Minh Không, Đại Điên vừa được coi là các Thiền sư Phật giáo, vừa là Pháp sư Đạo giáo, lại có tước vị thế quyền Nho giáo.

Khi Minh Không mất, rất nhều nơi từ Quảng Ninh đến Ninh Bình, Thái Bình đều tôn thờ làm Thánh tổ của các ngôi chùa. Tại Thăng Long, vua cho lập đền thờ, gọi là đền Lý triều Quốc sư ngay cạnh chùa Báo Thiên. Sau đền chuyển thành chùa, tức là chùa Lý Quốc Sư trên phố Lý Quốc Sư bây giờ.


Ba pho tượng Lý triều Tam Thánh Tổ (sau tượng Phật), với Quốc sư Minh Không ngồi giữa, hai bên là Từ Đạo Hạnh và Giác Hải tại chùa Lý Quốc Sư.

34068359.jpg
 
Có hôm ngồi xem lại các ngôi chùa quanh Hà Nội, tôi nhận thấy có bốn ngôi chùa đều rất cổ ở ngoài Thăng Long, gần như chính xác bốn phương Đông Tây Nam Bắc, cách trung tâm Thăng Long khoảng 20km. Có thể coi đây như bốn ngôi Trấn Tự từ xa cho Thăng Long chăng?

Đầu tiên, ở phía chính Đông của Thăng Long, là chùa Dâu (Pháp Vân) ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, được dựng từ thời Sĩ Nhiếp, thế kỉ 3. Nhiều lần các vua Lý, Trần, Lê đều về đây rước tượng Pháp Vân về Thăng Long để cầu mưa.

Ở phía chính Nam của Thăng Long, cách là chùa Đậu (Thành Đạo) cũng là ngôi chùa rất cổ, được dựng cũng trong thời Sĩ Nhiếp, rất linh thiêng với các lễ hội cầu đảo, và đến triều Lê thì có hai vị Thiền sư để lại tượng Nhục thân nổi tiếng.

Ở phía chính Bắc của Thăng Long là chùa Non (Sóc Thiên Vương), là chùa do Khuông Việt đại sư Ngô Chân Lưu lập từ thế kỉ 10, tức là còn trước cả khi có Thăng Long. Chùa nằm ngay tại lưng ngọn núi mà Phù Đổng Thiên Vương lên trời. Khuông Việt đại sư là Quốc sư của ba triều: Đinh, Tiền Lê, Lý, cũng là sư trụ trì chùa Khai Quốc.

Và cuối cùng, phía chính Tây của Thăng Long là chùa Thầy (Thiên Phúc), có muộn nhất, thế kỉ 12, do Thiền sư Thánh tổ Từ Đạo Hạnh dựng, nép vào chân núi Sài Sơn.

Bốn ngôi chùa này có lịch sử ngắn thì 900 năm, dài thì 1800 năm, đã ở đó như những chứng nhân, lúc hưng thịnh, lúc suy tàn. Tất cả đều không phải là nguyên bản, nhưng vẫn mang cái hồn đó, gắn liền với lịch sử thăng trầm, và có lẽ sẽ cùng với Thăng Long trường tồn.

34089350.jpg
 
Last edited:
Có hôm ngồi xem lại các ngôi chùa quanh Hà Nội, tôi nhận thấy có bốn ngôi chùa đều rất cổ ở ngoài Thăng Long, gần như chính xác bốn phương Đông Tây Nam Bắc, cách trung tâm Thăng Long khoảng 20km. Có thể coi đây như bốn ngôi Trấn Tự từ xa cho Thăng Long chăng?


Chưa đi 2 chùa, phải mau đi mới được.

"Chùa Sóc" nghe lạ quá, hay đây chính là đền Sóc thờ Phù Đổng thiên vương?
 
Lý Anh Tông

Thần Tông mất quá trẻ, mới 23 tuổi, con mới 3 tuổi lên ngôi là Lý Anh Tông. Trong những năm đầu Thái hậu nhiếp chính, tình nhân của Thái hậu cũng coi chính sự, nhưng cũng không có ý làm phản. Rồi đến khi Tô Hiến Thành nắm quyền, củng cố chính sự, chấn hưng lại đất nước.

Đến thời Anh Tông thì Trung Quốc mới phong làm An Nam Quốc vương, trước đó chỉ chịu phong là Giao Chỉ Quận vương. Quốc vương là công nhận là Vua một Quốc gia độc lập hoàn toàn, còn Quận vương thì tức là vẫn cố tình coi là một Quận thuộc Trung Quốc. Tuy nhiên với Đại Việt thì cũng không quan trọng vì độc lập tự chủ lâu rồi.

Lý Anh Tông
là vua đã cho lập đàn Nam Giao tại phía Nam thành Thăng Long, cầu mưa và cầu tạnh mưa cũng ở đó. Rồi hàng loạt chùa chiền cũng được xây dựng tại Thăng Long, như chùa Thắng Nghiêm Thánh Thọ, Bảo Thiên, Trừng Minh, Quảng Giáo, Quảng Hiếu, Phụng từ; nhưng đồng thời cũng có các quán của Đạo giáo như Thái Thanh, Cảnh Linh, Ngũ Nhạc !

Vua mở hội đèn Quảng Chiếu cúng Phật trong 7 ngày đêm, là hội lớn nhất thời bấy giờ. Hội đèn đó như thế nào không còn tài liệu chi tiết, chỉ được ghi rất sơ sài tại văn bia chùa Đọi. Gần đây một số người, nhất là bên Phật giáo đang muốn phục dựng lại hội đèn này, tuy nhiên nếu có làm thì đa phần cũng chỉ là “sáng tạo” và dễ bị là “bịa ra” vì không có tư liệu gì cả.

Bia chùa Long Đọi, tấm bia cổ đời Lý cuối cùng còn sót lại, trong đó có nhiều ghi chép về Thăng Long thời Lý Anh Tông.


18023680.jpg
 
Last edited:
Lý Cao Tông

Lý Anh Tông là vị vua anh minh cuối cùng của triều Lý. Con trai cả của vua thì tồi bại nên bị phế làm dân thường, con thứ hai được lập làm vua, là Lý Cao Tông khi mới 3 tuổi. Tô Hiến Thành mất đi rồi, vua lớn lên không làm được gì cho Đại Việt, chỉ chuyên chơi bời hoang phí, xây dựng cung thất đền đài, triều đình cũng suy đồi, nên trộm giặc nổi lên khắp nơi.

Năm 1209, Lý Cao Tông bắt giam vị tướng có công là Bỉnh Di, bộ tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc đem quân đánh vào kinh thành để cứu chủ. Thật thảm hại là Thăng Long thất thủ, vua bỏ mặc vợ con chạy tuốt lên mạn ngược, còn Hoàng hậu và Thái tử chạy té xuống phía biển !!! Sau 200 năm, lần đầu tiên Thăng Long rơi vào tay họ khác.

Có lẽ Thăng Long đã yên bình quá lâu, lần cuối cùng bị quân giặc đe doạ là quân Tống cách cũng đã 130 năm, mà cũng chưa phạm đến gần kinh đô, còn thì toàn giặc giã ở ngoài biên, nên triều đình không thể phản ứng và chống cự dù chỉ một cuộc tấn công nhỏ. Vua thì hèn và bất tài chỉ biết chạy.

Thái tử thì chạy về Hưng Hà, Thái Bình, nương nhờ gia tộc họ Trần. Tại đây vị thái tử mới 16 tuổi khi gặp cô gái Trần Thị Dung đã lấy luôn làm vợ, và từ bấy họ Trần bước vào lịch sử Việt Nam. Anh ruột Trần Thị Dung là Trần Tự Khánh và cậu là Tô Trung Từ mộ quân về lấy lại Thăng Long, đưa Cao Tông về, nhưng khắp nơi đã loạn cả, mỗi địa phương có các hào trưởng cát cứ đánh nhau.

Cao Tông về Thăng Long chỉ được một năm thì chết, truyền ngôi cho Thái tử, tức là Lý Huệ Tông, vị vua thứ 8 của triều Lý.
 
Lý Huệ Tông

Lý Huệ Tông 17 tuổi làm vua, không có quyền hành gì cả. Vua không tin họ Trần, muốn nhờ thế lực khác diệt họ này (nhưng vẫn yêu Trần Thị Dung hết sức), nên lại lần nữa bỏ chạy khỏi Thăng Long. Trần Tự Khánh là anh ruột Trần Thị Dung đem quân vào Thăng Long, đốt phá cung điện, cướp sạch kho tàng, ngày càng mạnh hơn, thậm chí lập một vua khác thay cho Huệ Tông. Sau hơn 200 năm hưng thịnh, Thăng Long lần đầu bị đốt phá tan hoang.

Huệ Tông chạy khắp nơi, nhờ các thế lực khác, nhưng ai cũng thua họ Trần. Bất đắc dĩ lại phải quay về nhờ vào họ này. Trần Tự Khánh phế vị vua tạm kia đi, lại tôn Huệ Tông, Trần Thị Dung thành Hoàng hậu. Họ Trần chia nhau quyền lực trong triều. Trần Tự Khánh chết thì anh trai là Trần Thừa và em họ là Trần Thủ Độ nắm hết quyền bính.

Huệ Tông chỉ sinh 2 con gái, lại nửa tỉnh nửa mê, năm 1224, vua 31 tuổi, Trần Thủ Độ ép nhường ngôi cho con gái bé là công chúa Chiêu Thánh, tức Lý Chiêu Hoàng, rồi phải vào chùa Bút Tháp mà tu. Nhưng thỉnh thoảng Huệ Tông vẫn ra ngoài chùa, người dân nhớ ơn nhà Lý nhìn thấy đi theo khóc lóc. Thấy thế Thủ Độ đem vua vào chùa Chân Giáo không cho đi đâu nữa. Năm sau (1225) Trần Thủ Độ cướp ngôi nhà Lý, thì Lý Huệ Tông vẫn còn đó.

Một ngày năm 1226, Trần Thủ Độ vào thấy cựu hoàng nhà Lý, Thái thượng hoàng Huệ Tông đang ngồi nhổ cỏ, bèn nói: Nhổ cỏ phải nhổ cả rễ.

Huệ Tông bảo: Lời ngươi ta hiểu rồi, rồi thắt cổ mà chết, mới có 33 tuổi.

Tương truyền trước khi chết, Huệ Tông nguyền rằng: Thiên hạ của nhà ta ngươi đã cướp rồi, nay ngươi lại còn ép ta chết, ngày sau con cháu ngươi cũng sẽ bị như thế. Lời nguyền ấy về sau ứng nghiệm khi họ Hồ cướp ngôi và giết 2 vua họ Trần.


Chùa Bát Tháp ở phố Đội Cấn ngày nay, có người cho là chính là chùa Bút Tháp đời Lý, có người cho là chùa Chân Giáo. Vậy thì dù thế nào, đây cũng có thể là nơi ghi dấu những ngày cuối đời của ông vua bất hạnh nhất triều Lý.


Chùa Bát Tháp ngày nay, phải chăng xưa kia sau vườn chùa này Lý Huệ Tông đã thắt cổ tự tử ???

34180537.jpg
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,688
Bài viết
1,135,288
Members
192,412
Latest member
StellaXH
Back
Top