What's new

[Lịch sử] Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Năm nay, 2010, Một nghìn năm cái tên Thăng Long. Một nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội.

Người ta nói quá nhiều, và tôi cũng đã dự định viết topic này từ lâu, nhưng giờ mới bắt tay vào thực hiện, như là một phần chia sẻ của mình với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Tôi không định cắt dán các bài viết dài dằng dặc trên khắp các báo, trên mạng, mà viết những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất này. Nếu ai muốn chia sẻ cùng tôi, xin hãy cũng như vậy.

Topic này có thể sẽ rất khô khan, cũng có thể sẽ rất thú vị, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Last edited:
Kết thúc triều Lý

Năm 1225, Thăng Long chứng kiến sự kết thúc của triều Lý sau 215 năm.

Lý Chiêu Hoàng (8 tuổi) trong sự bất lực của cha, sự hoan hỉ ngấm ngầm của mẹ, sự lạnh lùng mưu mô của ông cậu gian hùng, đã lấy người anh họ Trần Cảnh (7 tuổi), rồi sau đó nhường ngôi cho chồng. Nữ hoàng không được họ Lý công nhận, do đó chỉ tính Lý Bát đế, tương ứng với 8 ngôi chùa mà Thái Tổ đã dựng xưa kia ở quê. Ngoài ra còn 2 vua Lý nữa không được công nhận chính thức, được lập tại Thăng Long khi Cao Tông và Huệ Tông bỏ chạy.

Thời kỳ 200 năm bình yên, hưng thịnh của nhà Lý cũng là thời kỳ Thăng Long được yên ổn lâu dài nhất trong lịch sử của nó. Về sau không bao giờ Thăng Long được bình an lâu đến thế.

Trong số 9 vua chính thức, 2 vua không chính thức của nhà Lý, chỉ có mỗi một vua được đặt tên phố tại Hà Nội ngày nay là Lý Thái Tổ, con phố đẹp cách phía Đông hồ Gươm một chút.

Một số đại thần nhà Lý cũng được đặt tên phố: Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành, Tôn Đản, Lý Đạo Thành, có lẽ hơi quá ít cho một triều đại đặt nền móng rất vững chắc cho Thăng Long và Đại Việt.
 
Last edited:
Trần Thủ Độ - Trần Thị Dung

Cuộc chuyển giao từ Lý sang Trần hoàn toàn nằm dưới sự đạo diễn của Trần Thủ Độ, một bậc gian hùng hết lòng vì sự vững chắc của dòng họ, mà sẵn sàng nhẫn tâm tàn bạo với triều vua trước, và lạnh lùng cả những người cháu mà chính mình dựng lên làm hoàng đế, làm vương. Bên cạnh đó là bà chị họ của ông, về sau cũng là vợ của ông, Trần Thị Dung, bỏ mặc nhà chồng, bỏ mặc con gái để củng cố cho gia tộc họ Trần của mình. Cũng nhờ đó mà nhà Trần vững mạnh và oai hùng bậc nhất trong lịch sử.

Trần Thủ Độ được phong là Thái sư, Thượng phụ, Thống quốc, quyền trên cả vua. Tuy nhiên đến khi mất rồi mới được truy phong tước Vương (Trung Vũ đại vương).

Còn Trần Thị Dung là người phụ nữ trải qua nhiều tước vị nhất trong lịch sử. Từ con gái một gia đình dân thường, thành Vương phi của Thái tử, rồi Nguyên phi của Hoàng đế, bị giáng làm Ngự nữ, nâng lên Phu nhân, rồi lập làm Hoàng hậu. Chồng nhường ngôi rồi thì làm Thái thượng hoàng hậu, chồng bị ép chết thì thành Hoàng thái hậu triều Lý, nhưng chỉ là Công chúa triều Trần, ở bậc Hoàng cô nên còn gọi là Thái trưởng công chúa. Rồi không lâu sau lại lấy Trần Thủ Độ, thành phu nhân của Thái sư.

Với vua Trần Thái Tông, bà Trần Thị Dung vừa là cô ruột, vừa là mẹ vợ (mẹ của cả hai bà vợ), lại vừa là bà thím. Do đó gọi luôn là Quốc mẫu: Linh Từ Quốc mẫu.

Tại Thăng Long sau này không có đền thờ các vua Trần, nhưng lại có một nơi thờ Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung, là chùa Cầu Đông trên phố Hàng Đường. Tương truyền hai người đã cho trùng tu ngôi chùa này, nên chùa lập tượng để thờ. Đó cũng là một di tích rất đặc biệt, vì đây là nơi duy nhất lập tượng hai người được để cạnh nhau với tư cách hai vợ chồng.

Tượng vợ chồng Trần Thủ Độ - Trần Thị Dung tại chùa Cầu Đông

34217358.jpg
 
Last edited:
Trần Liễu và Trần Cảnh

Trần Cảnh làm vua Thái Tông ở Thăng Long, thì anh trai là Trần Liễu ở quê, lấy được công chúa nhà Lý là Thuận Thiên nên cũng yên lòng. Nhưng rồi cũng lên Thăng Long cùng em và cha.

Nhà Trần xuất thân dân dã, nên thời đầu lễ nghi khá tự do không câu nệ. Em trai làm hoàng đế, tôn cha làm Thượng hoàng rồi, thì cũng gọi ông anh trai là Hiển hoàng, nghĩa là cũng có tước hoàng đế nốt. Điều này cũng khiến Trần Liễu (mới ngoài 20 tuổi) có hi vọng ngôi về mình.

Thời Lý chưa đắp đê dọc sông Cái, chỉ đắp đê quanh Thăng Long. Năm ấy đê vỡ, nước tràn cả vào thành, Trần Liễu 25 tuổi bơi thuyền vào Hoàng cung, thấy cô cung nữ của vua Lý cũ vén áo lội nước, liền cưỡng bức luôn. Chuyện lộ ra, Trần Liễu mất cái tước "Hoàng", lại làm Vương, Trần Thủ Độ ghét đứa cháu phóng túng lắm.

Năm sau, thấy Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng mãi mà không có con (hai người mới 19 tuổi chứ mấy), trong khi cô chị Thuận Thiên 21 tuổi đã kịp sinh một con trai, lại đang có mang người thứ hai với Trần Liễu, nên Trần Thủ Độ lạnh lùng bắt Trần Cảnh bỏ Chiêu Hoàng, bắt Thuận Thiên đang là vợ anh sang làm vợ em, để có gì thì còn có người nối dõi. Trần Cảnh kinh sợ mưu mô trái đạo của ông chú gian hùng, bỏ trốn khỏi Thăng Long lên Yên Tử. Trần Liễu cũng đem quân làm loạn.

Thế là lần đầu tiên trong triều Trần, vua bỏ trốn khỏi Thăng Long.

Thủ Độ đón vua về xong, ép được vợ anh sang làm vợ em, muốn giết Trần Liễu nhưng Trần Cảnh ngăn được. Thế là Trần Liễu phải rời Thăng Long, về đất Yên Sinh làm Yên Sinh Vương, ở đó đến khi chết không về kinh. Thuận Thiên thì sinh được hai trai nữa với Trần Cảnh, khiến Thủ Độ khỏi lo.

Trần Thái Tông cũng là người sai dựng các ngôi Đình trên khắp đất nước để làm chỗ nghỉ chân cho vua quan khi kinh lý, đặt tượng Phật để thờ. Các ngôi đình làng ra đời từ đó.

Cũng sau vài lần vỡ đê nước ngập Thăng Long, nhà Trần mới cho đắp đê dọc sông Cái, tạo thành hệ thống đê cho đến nay.
 
Chống Nguyên lần 1

Thời Trần Thái Tông, Đại Việt có được khoảng 30 năm bình yên. Nhà Trần sau khi dẹp xong các thế lực, củng cố vương quyền, đắp đê ngăn lũ, tu sửa cung điện tại Thăng Long, lại lập cung điện tại quê và phủ Thiên Trường.

Bấy giờ tại phương Bắc, Mông Cổ hùng mạnh đã thôn tính hàng loạt nước, một cánh quân của Ngột Luơng Hợp Thai đánh thẳng xuống nước Đại Lý (Vân Nam), rồi định vòng từ phía Nam lên để làm hai gọng kìm tiêu diệt nhà Tống.

Năm 1258, Ngột Lương Hợp Thai sai sứ giả sang Thăng Long yêu cầu hàng phục để lấy đường diệt Tống. Có lẽ lúc đó nhà Trần chưa nắm chắc được sức mạnh quân Mông Cổ, nên bắt giam 3 sứ giả, rồi cho quân lên chặn. Ngột Lương Hợp Thai tức giận xua 3 vạn quân xuôi sông Hồng, phá vỡ các phòng tuyến. Vua Trần đích thân cầm quân cũng không chống nổi, vội vàng bỏ cả Thăng Long chạy về mạn biển. Các vương hầu chạy theo vua, còn đám phụ nữ chậm chân, may có Linh Từ Quốc mẫu bình tĩnh, nên sơ tán được hết cả sang bên kia sông Hồng, bỏ chạy.

Thành Thăng Long lần đầu gặp đội quân tấn công mạnh, thất thủ gần như ngay lập tức. Ngột Luơng Hợp Thai vào thành, thấy ba sứ giả còn bị trói ở đó, một người chết, tức giận sai tàn sát tất cả dân trong thành chưa kịp chạy. Lần đầu Thăng Long rơi vào tay giặc từ phương Bắc.

Vua Thái Tông (40 tuổi), lo lắng hỏi Trần Thủ Độ. Vị Thái sư 64 tuổi khảng khái trả lời bằng một câu nổi tiếng: Đầu thần hãy còn, bệ hạ đừng lo !

Thế là, 10 ngày sau khi thất thủ, nhà Trần đem thuyền ngược sông Cái tiến đánh ở Đông Bộ Đầu, quân Nguyên cũng không có kế hoạch chiếm đóng lâu, nê lập tức rút lui. Chiến thắng Đông Bộ Đầu đã kết thúc cuộc chiến chống Nguyên lần 1, cuộc chiến chỉ trong vòng nửa tháng.


Đông Bộ Đầu là đây ! Ai có thể nghĩ rằng cái bãi sông Hồng mùa nước cạn, với bãi bồi giữa sông này 750 năm trước lại là nơi đi vào lịch sử! Trăm năm biến đổi, xoá hết dấu tích xưa rồi !

34278917.jpg
 
Last edited:
Chống Nguyên lần 2 và 3

27 năm sau trận chiến Đông Bộ Đầu, năm 1285 quân Nguyên quay lại lần 2, và năm 1288 quay lại lần 3. Giai đoạn lịch sử này nổi tiếng quá rồi, không dám viết lại nữa.

Tại Thăng Long, sự kiện lịch sử diễn ra cuối năm 1284 là Hội nghị Diên Hồng, khi Thượng hoàng Thánh Tông triệu tập các bô lão tại thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi hoà hay đánh, thì tất cả đồng thanh ĐÁNH. Đây là chiến lược lấy lòng dân đồng thời truyền chính kiến của triều đình rất hiệu quả.

Năm 1285, nhà Trần rút khỏi Thăng Long, nhưng khác trước, đã có sự chuẩn bị từ trước nên khi quân Thoát Hoan vào, Thăng Long trống rỗng không người, không lương, không kho tàng. Do đó Thoát Hoan không ở lại đây mà đóng bản doanh bên kia sông, chỉ để quân giữ thành. Bốn tháng sau, sau trận Chương Dương, Hàm Tử, Trần Quang Khải lấy lại Thăng Long, rồi rước hai vua về. Ông đã làm bài thơ nổi tiếng:


Tụng giá hoàn kinh sư (Theo vua về kinh đô)

Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu.


Năm 1288, Thoát Hoan lần nữa chiếm được một Thăng Long rỗng không, rồi hai tháng sau phải rút chạy. Trước khi rút, quân giặc đốt cung điện, phố xá. Nhà Trần sau khi hoà bình phải xây dựng lại từ đầu.

Sau 3 lần thất thủ trước quân Nguyên Mông, Thăng Long được yên ổn hơn 80 năm, cho đến khi lại bị thất thủ trước quân Chiêm Thành 4 lần nữa.
 
Last edited:
Trần Hưng Đạo

Ba lần chống Nguyên anh hùng là thế, các vương hầu, tướng lĩnh có công về sau được lập đền thờ ở rất nhiều nơi, tại Thăng Long cũng có nhiều, nhưng đến nay còn lại thì rất ít.

Quốc công Tiết chế, Thượng phụ, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn là người được người dân tôn thờ nhiều nhất, tôn là Đức Thánh Trần, được phối thờ ở nhiều ngôi đền, chùa. Cách gọi Họ + tước là Trần Hưng Đạo vốn là cách gọi dành riêng cho vua, trong lịch sử chỉ duy nhất Trần Quốc Tuấn không phải vua mà được dùng cách gọi này. (chỉ có vua mới dùng Họ + Miếu hiệu: Trần Nhân Tông, Trần Thánh Tông; người khác dùng Tước + tên: Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải).

Xưa kia ở phía đông hồ Lục Thuỷ (tức là hồ Gươm) có đền Hựu Linh thờ Trần Hưng Đạo, nhưng sau Pháp phá đi, thì dân đã chuyển tượng thờ vào đền Ngọc Sơn.

Và đến nay, ngôi đền địa thế đẹp nhất Hà Nội có gian Thượng điện dành để thờ vị Võ Thánh của người Việt. Pho tượng thờ có khuôn mặt màu đỏ thể hiện tấm lòng son sắt với vua, với dân, với nước của ông. Tôi đã thăm một số nơi có tượng cổ thờ Trần Hưng Đạo, nhưng cảm thấy pho tượng trong đền Ngọc Sơn là đẹp nhất, có thần nhất, sống động, oai nghiêm mà lại cũng gần gũi.

34278922.jpg
 
Last edited:
Uy Linh Lang

Tại Thăng Long còn tôn thờ thần Uy Linh Lang từ đời Trần (lưu ý, không phải Linh Lang đời Lý).

Truyền thuyết kể rằng Uy Linh Lang là con vua Trần Thánh Tông và bà Chính Cung Minh Đức hoàng hậu, có tên Trần Văn Lang. Ông chiêu tập được cả vạn binh mã, đặt tên là Thiên tử quân cùng chống giặc Nguyên. Sau khi dẹp yên giặc, ông không bệnh mà mất ở phủ tại khu vực Nhật Tân. Vua Trần thương tiếc sai dựng điện Nhật Chiêu để thờ, đến nay là đình Nhật Tân trên đường Âu Cơ.

Tuy nhiên trong sử thì vua Trần Thánh Tông không có bà vợ nào là Minh Đức cả, mà cũng không có con trai nào tên như thế, hoặc có hiệu như thế. Dân gian đã sáng tạo nên hình tượng vị thần có phần mang màu sắc Thuỷ thần, gán vào làm con vua, có công đánh giặc rồi thành thần.

Uy Linh Lang đời Trần như thế rất giống với Linh Lang đời Lý, cùng có truyền thuyết là con vua, cùng chống giặc, cùng gắn với sông hồ, cùng mơ hồ như nhau. Phải chăng cả hai là một, nhưng được thần thánh hoá vào hai triều đại khác nhau ?


Đình Nhật Tân, theo truyền thuyết thì nguyên là điện Nhật Chiêu, nơi thờ Uy Linh Lang

34278927.jpg
 
Quanh hồ Tây còn vài nơi thờ Uy Linh Lang. Có ngôi đền trên phố Thuỵ Khuê thờ Uy Linh Lang, ngoài cửa cũng có hai con voi, nên cũng có tên là đền Voi Phục, khiến có người nhầm lẫn.

Một số báo chí cũng không phân biệt được vị thần ở đền Voi Phục Thuỵ Khuê là thần Linh Lang của Voi Phục Thủ Lệ, vì chỉ khác nhau chữ Uy mà thôi (hồi trước tôi cũng thế). Cũng vì vậy có bài báo nói những cây cổ thụ trong đền Voi Phục Thuỵ Khuê là có từ nghìn năm trước, như bài báo này (nhấn vào link để xem)


Đền Voi Phục Thuỵ Khuê, thờ Uy Linh Lang là vị nhân thần đời Trần.

34278937.jpg
 
Dẹp xong giặc Nguyên, Trần Nhân Tông đi tu ở Yên Tử, truyền ngôi cho Trần Anh Tông, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, trờ thành dòng chính thống chủ đạo. Từ Yên Tử, Đông Triều, Hải Dương, Nam Định có hàng loạt ngôi chùa mới dựng theo thiền phái. Tuy nhiên tại Thăng Long thì sử dụng chùa Chân Giáo, chứ triều Trần không dựng thêm chùa mới.

Sau chiến tranh, dân cư lại tập trung đông đúc về Thăng Long, khu phố chợ bên ngoài hoàng thành chắc cũng đông vui lắm, nên vua Anh Tông đến buổi tối là trốn ra khỏi hoàng cung để đi chơi, có lần còn bị ném đá vỡ cả đầu.

Bấy giờ các nước Chiêm Thành, Chân Lạp, Ai Lao cũng giao thiệp thường xuyên, nên đã có khu Quán Sứ để đón tiếp sứ giả các nước. Quán Sứ đời Trần có nằm ở vị trí Quán Sứ đời Lê và chùa Quán Sứ hiện nay không thì không dám chắc.

Trong hai triều Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, đất nước yên ổn, Thăng Long lấy lại sự huy hoàng xưa, và có lẽ còn đẹp đẽ hơn trước.

Nhưng cũng chỉ được vài chục năm...


Hình con rồng đầu đời Trần, mạnh mẽ oai phong

34278941.jpg
 
Chu Văn An

Hào quang anh hùng của cha ông qua đi, con cháu nhà Trần được sống trong nhung lụa dần quay sang thối nát, còn tệ hơn cuối triều Lý trước kia. Trần Minh Tông mất rồi, Dụ Tông bắt đầu tàn phá cơ nghiệp họ Trần từ năm 1358.

Chu Văn An, người Thanh Trì, Hà Nội hiện nay, là nhà nho danh tiếng bậc nhất bấy giờ, làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 kẻ gian thần, nhưng vua không nghe, nên về Chí Linh ở ẩn. Đời sau tôn ông là Văn Thánh của Đại Việt, coi là Thiên Nam sư biểu, cùng với Võ Thánh Trần Hưng Đạo, là hai bậc thánh nhân của triều Trần.

Ngày nay, tại nhà Thái Học mới làm lại phía sau Văn Miếu, chính điện thờ tượng của ông, là vị thầy tiêu biểu cho Chính học trời Nam, cũng là cho nền Học thuật nước nhà.


Tượng Chu Văn An trong nhà Thái Học

34355828.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,311
Bài viết
1,175,022
Members
192,036
Latest member
imperiaglobalgate
Back
Top