What's new

[Lịch sử] Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Năm nay, 2010, Một nghìn năm cái tên Thăng Long. Một nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội.

Người ta nói quá nhiều, và tôi cũng đã dự định viết topic này từ lâu, nhưng giờ mới bắt tay vào thực hiện, như là một phần chia sẻ của mình với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Tôi không định cắt dán các bài viết dài dằng dặc trên khắp các báo, trên mạng, mà viết những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất này. Nếu ai muốn chia sẻ cùng tôi, xin hãy cũng như vậy.

Topic này có thể sẽ rất khô khan, cũng có thể sẽ rất thú vị, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Last edited:
Hồ Hoàn Kiếm, nơi vẫn còn cụ rùa thiêng mà mấy năm nay ngoi lên mặt nước hơi bị nhiều.

Phải chăng chính Lê Lợi đã mang giống rùa (đúng ra là con giải, mai mềm) đến thả vào đây từ gần 600 năm trước? Hay giống giải đó bơi từ sông Hồng vào và tìm thấy nơi trú ngụ lâu dài tại đây? Bí mật đó chưa ai giải thích được.

Gò nhỏ giữa hồ gọi là gò Rùa, khi hồ còn thông với sông Hồng, nước lên thì gò chỉ còn lại rất bé, hàng trăm năm vẫn bỏ hoang. Có tài liệu nói vua Lê, chúa Trịnh dựng đài câu cá, lầu vọng cảnh ở đây, nhưng có lẽ nhầm với đảo Ngọc Sơn.

Chỉ đến cuối thế kỷ 19 ông bá hộ Kim mới dựng một cái lầu nửa Tây nửa Ta không có giá trị lịch sử gì. Thế nhưng cái lầu đó - được gọi là Tháp Rùa - lại trở nên một hình ảnh quen thuộc với người dân đến nỗi dù gần như không ai biết nguồn gốc ý nghĩa của nó, mọi người vẫn coi đó là một hình ảnh biểu tượng của Hà Nội, và giận sôi lên khi có lần người ta trát vữa lại làm mới nó.

Và đến giờ, chính sự thân quen của Tháp Rùa đã trở thành giá trị văn hoá tinh thần vô giá, không gì thay thế được, bất khả xâm phạm với Hà Nội.

22385416.jpg
 
Last edited:
Bạn Chitto cho mình hỏi một chút, thế rốt cục ở Hà Nội thì đền nào là đền chính ( đền của các đền) ý. Vì mình thấy các làng đều có chùa hoặc đền thờ quan trọng nhất.
 
Bạn Chitto cho mình hỏi một chút, thế rốt cục ở Hà Nội thì đền nào là đền chính ( đền của các đền) ý. Vì mình thấy các làng đều có chùa hoặc đền thờ quan trọng nhất.

Ngay ở làng đôi khi cũng có nhiều nơi thờ: Chùa, đình, đền, văn chỉ. Kinh đô không giống như các làng, mà có tầm cỡ quốc gia, nên không đơn giản như ở làng được. Nếu như ở các nước có duy nhất một Quốc giáo, thì đền thờ lớn nhất của Quốc giáo đó là đền chính, ví dụ như Thái Lan, Lào theo Phật giáo thì đền chính là chùa Phật Ngọc, là That Luang; hay với nước theo Thiên Chúa giáo thì nhà thờ lớn là đền thờ chính. Nhưng người Việt lại theo nhiều tôn giáo, nhiều tín ngưỡng hoà trộn, cho nên không thể xác định nơi nào là chính nhất.

Tương đương với Đình ở làng thì ở Hà Nội là đền Bạch Mã, thờ vị Thành hoàng của Thăng Long, vị thần giữ cho vùng đất này.

Cấp cao nhất của các Văn chỉ thì là Văn Miếu: vị Thánh tối cao của Nho giáo.

Với Hoàng tộc, thì nơi thờ quan trọng nhất là Thái Miếu thờ tổ tiên: ở Hà Nội không còn.

Tầm cao nhất là đàn Nam Giao thờ Trời và đàn Xã Tắc thờ Đất đều không còn.

Với Đạo giáo thì không có đền nào thờ Thượng đế tối cao Tam Thanh, nên đền Trấn Vũ thành đền chính.

Với người theo Tín ngưỡng Mẫu thì đền chính là Phủ Tây Hồ.

Với người theo Thiên Chúa giáo thì đền chính là Nhà thờ Lớn.

Với Phật giáo thì chùa Báo Thiên là chính, nhưng đã không còn; về lịch sử lâu dài thì chùa Trấn Quốc là dài nhất. Còn về hành chính thì chùa Quán Sứ.

Như thế, không thể nói nơi nào là Chính nhất ở Hà Nội được.

Có nơi quan trọng nhất về mặt chính trị trong lịch sử, nhưng không phải là đền thờ, đó là điện Kính Thiên.
 
Điện Kính Thiên

Triều Lê tiếp quản một Đông Quan đổ nát, được gọi lại là Đông Đô, nhưng vẫn song song với tên Thăng Long.

Hàng chục ngôi chùa, đền, đạo quán triều Lý Trần được nhắc đến trong sử, từ đời Lê về sau không còn thấy tên nữa, có lẽ đã bị phá huỷ hết rồi. Những chùa như Chân Giáo, Đại Giáo, Hưng Thiên, Vạn Tuế, Thiên Quang, Thiên Ðức, Thiên Vương, Thắng Nghiêm, Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thọ, Thiên Thọ, Linh Quang, Sùng Nghi, Tư Thánh, Thiên Minh, Thiên Thành, các đạo quán Thái Thanh, Cảnh Linh, Linh Tiên, Ngũ Nhạc... đều mất dấu.

Ngọn tháp Báo Thiên bị phá đổ rồi, nhưng chùa vẫn còn, vẫn là chùa lớn nhất Thăng Long.

Hoàng cung cũng tan hoang. Vì vậy triều Lê phải dựng lại gần như toàn bộ. Tại nơi trung tâm, thiêng liêng nhất của Thăng Long, khi xưa là điện Càn Nguyên đời Lý, sau đổi là Thiên An, cũng bị phá huỷ. Lê Thái Tổ đã dựng lại điện chính của triều đình tại đây, đổi là điện Kính Thiên, là toà điện quan trọng nhất của Hoàng cung.


Chín bậc đá thềm điện Kính Thiên đời Lê, trải hơn năm trăm năm biến đổi...
(So với thềm điện Thái Hoà ở Huế sau này, bậc thềm này đẹp hơn rất nhiều. Thăng Long cũng không sử dụng những tên gọi rập khuôn bắt chước y sì Trung Quốc kiểu Ngọ môn, Ngũ Phụng, Thái Hoà như triều Nguyến dùng ở Huế)


34506675.jpg
 
Con rồng đời Lê

Con rồng đầu đời Lê đầy sức mạnh, hùng dũng oai hùng, thể hiện khí phách của một thuở Bình Ngô !

Phía sau đầu rồng vẫn là lớp bờm dài uốn sóng giống triều Lý, Trần, Hồ, chân cuộn cơ bắp, sừng dài uy lực. Những con rồng đẹp mạnh mẽ thế này về sau không còn nữa. Rồng đời sau mang đầy vẻ tròn trịa hiền hoà, và càng ngày càng giống rồng Trung Quốc. Đặc biệt rồng đời Nguyễn thì y hệt rồng Tàu, không còn mang được dáng vẻ nào riêng cả.

(Chòm râu dưới cằm rồng được chân trước nắm chặt, nay đã bị vỡ mất)

34449877.jpg
 
Đoan Môn

Hoàng thành thời Lê chia làm ba khu chính: Khu phía Đông làm Thái Miếu và Đông cung (cho Thái tử ở), ở giữa thì phía Nam là khu dành cho các toà trụ sở các Bộ, nơi tổ chức thi Đình, làm các lễ mang tính cộng đồng. Khu phía trong là Chính điện và nơi ở của Hoàng gia.

Giữa khu ngoài và khu trong là cửa lớn Đoan Môn, Đoan nghĩa là Chính giữa, chính thống. Cửa này xây đời Lê, bên dưới toàn bằng đá, trổ 5 cửa. Cửa giữa cho vua, hai bên cho quan và hoàng tộc, hai bên nữa cho lính, bên trên có lầu. Cửa hình chữ U, với hai cánh quay vào trong phía điện Kính Thiên.

Triều Nguyễn, gần 400 năm sau cũng làm Ngọ Môn theo kiến trúc tương tự, nhưng với kích thước lớn hơn, sử dụng chủ yếu là gạch, và hướng của hai cánh hai bên quay ra ngoài. Lúc đầu cửa ở Huế cũng gọi là Đoan Môn, sau đó mới đổi là Ngọ Môn cho nó ... giống Tàu. Cửa Đoan Môn ở Thăng Long chỉ là cửa nằm giữa, phân tách nửa ngoài Hoàng thành với Cấm thành, còn cửa Ngọ Môn ở Huế là cửa vào Hoàng thành.

Vì Đoan Môn nằm giữa Hoàng thành, nên từ trên có thể nhìn bao quát cả Hoàng thành, với các cơ quan ở phía Nam, Thái Miếu phía Đông, Cấm thành phía Bắc.


Góc chụp này quá hẹp do bên trái có cái nhà của quân đội choán mất. Nay cái nhà ấy đang được phá đi, hi vọng sửa sang xong, có thể thoải mái chụp trực diện.

34522648.jpg
 
@Anh chito: em tìm được cái này trên mạng anh ạ, hôm nào rảnh anh làm một bài về cái này được không ạ, em thấy cũng rất hay và tò mò.
P1090289.jpg

Địa đạo bí hiểm chưa từng biết đến dưới lòng Hà Nội

Địa đạo đình Quán La tuy chưa từng được công bố rộng rãi nhưng với những người dân địa phương thì địa đạo trên không còn xa lạ. Cửa địa đạo nằm ngay sát bên hông hậu cung của đình Quán La. Với một cửa chính và 3 ngách nhỏ, địa đạo chạy sâu dưới nền ngôi đình.
Một ngách khác của địa đạo

Nằm ngay dưới nền khu di tích đình Quán La (Xuân La - Tây Hồ), cửa của địa đạo được xem là có tuổi thọ lên tới cả ngàn năm này được rất ít người biết tới. Nhiều người phán đoán địa đạo đặc biệt này dài hàng chục km và được nối từ Xuân La tới tận nội thành Hà Nội. Xung quanh địa đạo này cũng có nhiều câu huyền tích ly kỳ được người dân truyền miệng.
P1090269.jpg

đọc thêm
 
Chùa Huy Văn

Trong các ngôi chùa ở Thăng Long, chùa Huy Văn chỉ là chùa nhỏ nhưng lại có ý nghĩa rất đặc biệt, là nơi ra đời của vị vua được coi là văn võ toàn tài bậc nhất Việt Nam.

Lê Thái Tổ mất rồi, con là Thái Tông nối ngôi, khi 16 tuổi đã có con trai đầu, năm sau có con thứ hai, và năm 19 tuổi thì bà phi Ngọc Dao có mang. Cùng lúc đó bà phi được sủng ái là Nguyễn Thị Anh cũng có mang, dèm với vua xin đem bà Ngọc Dao giết đi. May nhờ Nguyễn Trãi xin giúp mới đổi từ án tử sang bị giam ở chùa Huy Văn. Tại đây, bà Ngọc Dao đã sinh ra hoàng tử Lê Tư Thành năm 1442.

Thái Tông mất khi 20 tuổi tại Lệ Chi Viên, trở thành vụ thảm án oan khốc nhất lịch sử, Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. Vua Nhân Tông nối ngôi, rồi lại bị anh cả giết chết. Các đại thần lại giết luôn ông vua mới cướp ngôi, mà đưa Lê Tư Thành lên ngôi, tức là Lê Thánh Tông.

(Lê Thánh Tông giết nốt ông anh trai còn lại, thế là 3/4 con trai của Thái Tông đều bị giết; bản thân Thái Tông cũng đã từng giam anh ruột đến chết, mà chính Thái Tông cũng chết mờ ám, có thể do bị giết. Những vua đầu triều Lê tàn hại nhau như thế...).

Lê Thánh Tông lên ngôi rồi, nhớ đến nơi mình sinh ra là chùa Huy Văn, nên cho dựng điện Dục Khánh ở đó. Sau bà Ngọc Dao mất thì chuyển điện thành đền thờ bà.

Trong chùa ngày nay thờ cả Lê Thái Tông, hoàng hậu vợ Lê Thái Tổ (mẹ Thái Tông, bà nội Thánh Tông), Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ.

Ngày nay điện Dục Khánh chùa Huy Văn thờ vua Thánh Tông, bà Thái hậu Ngọc Dao, và bà hoàng hậu Trường Lạc. Pho tượng Lê Thánh Tông này cũng có lai lịch chìm nổi, nguyên là ở chùa Khán Sơn trên Khán Sơn, đến đời Tây Sơn thì chùa này bị phá nên mới đem về chùa Huy Văn để thờ. Tượng Thái hậu Quang Thục (tức bà Ngọc Dao) trước để ở chính giữa điện, đến lúc đó lại để sang bên cạnh.

34449884.jpg
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,311
Bài viết
1,175,022
Members
192,036
Latest member
imperiaglobalgate
Back
Top