What's new

[Lịch sử] Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Năm nay, 2010, Một nghìn năm cái tên Thăng Long. Một nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội.

Người ta nói quá nhiều, và tôi cũng đã dự định viết topic này từ lâu, nhưng giờ mới bắt tay vào thực hiện, như là một phần chia sẻ của mình với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Tôi không định cắt dán các bài viết dài dằng dặc trên khắp các báo, trên mạng, mà viết những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất này. Nếu ai muốn chia sẻ cùng tôi, xin hãy cũng như vậy.

Topic này có thể sẽ rất khô khan, cũng có thể sẽ rất thú vị, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Last edited:
Lê Trung Hưng

Sau thời nhà Mạc, Thăng Long bước vào triều Lê Trung Hưng với vua Lê chúa Trịnh cùng song song. Những con rồng thời Lê Trung Hưng cũng không còn oai hùng mạnh mẽ dữ tợn như thời Lê Sơ nữa.

Chỉ nhìn con rồng đá thôi, đôi khi cũng có thể cảm nhận được cả về triều đại đã tạo ra nó.

Con rồng phía sau điện Kính Thiên

35312936.jpg

Con rồng trong Văn Miếu

35312921.jpg
 
Last edited:
Phủ Chúa

Lúc này tại Thăng Long, bên cạnh Hoàng thành, một công trình to lớn nữa được dựng lên, là Phủ chúa Trịnh. Hoàng thành vốn rộng lớn nhưng không được tu sửa, vì vua chỉ ngồi làm bù nhìn, làm gì có quyền, có tiền mà sửa sang xây cất. Trong khi đó Phủ chúa thì ngày càng được xây dựng to đẹp, xa hoa đẹp đẽ.

Phủ chúa Trịnh nằm sát phía dưới hồ Gươm, từ cửa phủ nhìn ra hồ Gươm nằm ở bên trái, nên được gọi là hồ Tả Vọng. Quanh hồ, chúa Trịnh cho dựng nhiều công trình để vui chơi, duyệt binh, ngắm cảnh.

Sau này khi họ Trịnh sụp, Lê Chiêu Thống đã đốt sạch Phủ chúa, cháy trong 3 ngày mới tắt, cả khu đất trở thành hoang phế, điêu tàn, rồi người Pháp mới dựng các khu phố Pháp ở đây. Phủ chúa có lẽ nằm ở khu các đường Tràng Thi đến Nguyễn Du ngày nay.

Phủ chúa Trịnh trong bản đồ cổ

35312958.jpg
 
Last edited:
Các phố mang chữ Hàng

Diện mạo ngày nay ta còn biết về Thăng Long chủ yếu là từ đời Lê. Hầu hết các con phố cổ ngày nay còn tên được đặt từ thời này.

Thời Lý, Trần, khu mua bán sầm uất của Thăng Long nằm ở phía Tây, bên dưới hồ Tây, tức là ở khu Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám ngày nay, dân cư cũng tập trung ở đó. Phía Đông của Thăng Long còn rất thưa thớt.

Nhưng sau thời Minh đô hộ, khu thị dân đó điêu tàn. Đến khi triều Lê giành lại giang sơn, thì hàng chục làng nghề khắp đất nước tụ hội về phía Đông của hoàng thành, tạo nên khu phố cổ, với hàng chục phố mang chữ "Hàng" rất nổi tiếng, đa số còn giữ được đến nay. Các phố mang chữ Hàng còn trải rộng ra khắp khu vực Thăng Long, chứ không chỉ tập trung ở khu phố cổ quận Hoàn Kiếm.

Một số phố Hàng ở phía Nam, nay đã bị đổi tên:

- Phố Hàng Cỏ (nay là Lê Duẩn): nơi cung cấp cỏ cho voi ngựa
- Phố Hàng Lọng (khúc trên Lê Duẩn):
- Phố Hàng Bột (nay là Tôn Đức Thắng)
- Phố Hàng Cơm (nay là Quốc Tử Giám): nơi có nhiều hàng cơm bán cho sĩ tử học tại Quốc Tử Giám
- Phố Hàng Cháo (nay là ngõ Hàng Cháo): cháo nấu từ bột. Bột, Cơm, Cháo đứng gần nhau một cụm
- Phố Hàng Đẫy (nay là đoạn Nguyễn Thái Học gần Trịnh Hoài Đức)
...
Một số đường phố đời Lê vẫn còn giữ được tên đến nay như phố Thợ Nhuộm nơi có nhiều thợ nhuộm vải, phố Khâm Thiên nơi đặt Khâm Thiên giám.
 
Last edited:
Chùa Trấn Quốc và đê Cố Ngự

Chùa Khai Quốc xưa dựng từ thời Lý Nam Đế ngoài bãi sông Hồng, đến đời Lê Thái Tông đổi tên là chùa An Quốc. Năm 1615, bãi sông lở, nên dời chùa vào hòn đảo Cá Vàng giữa hồ Tây, đổi tên là chùa Trấn Quốc.

Hòn đảo này xưa kia các vua Lý, Trần đều dựng cung điện để nghỉ ngơi vui chơi, nằm chơi vơi giữa mặt nước mênh mông, bình minh hoàng hôn đều tuyệt đẹp. Nay dời chùa vào đảo, mặt chính chùa quay sang phía Tây, hướng về đất Phật, khi ra chùa phải đi bằng thuyền, cập bến rồi đi lên lễ Phật.

Khoảng năm 1620, để giữ cá ở góc Đông của hồ Tây, dân quanh vùng đắp một con trạch bằng đất ngăn góc hồ lại. Chúa Trịnh thấy thế liền cho đắp con trạch nhỏ đó thành con đê có thể đi ngựa xe được để đi chơi, thành ra con đường Cố Ngự (Cố = con đê, ngự = ngăn ra, chia ra). Con đê này đi gần qua đảo có chùa Trấn Quốc, nên đắp luôn con đường nhỏ nối ra, để không phải đi thuyền. Có điều con đường lại từ phía sau chùa, cho nên làm vòng ra phía trước, xây tường bịt phía sau.

Về sau, đường Cố Ngự bị đọc chệch thành Cổ Ngư, và là đường Thanh Niên ngày nay. Đường vào chùa Trấn Quốc trước kia vòng ra mặt trước, nay cũng bị sửa thành ra chui vào phía sau, mất đi nguyên bản.

Chùa Trấn Quốc trên đảo Cá Vàng, tu sửa đời Lê

35331399.jpg


Con đê Cố Ngự phía bên phải, hòn đảo bên trái là phường Ngũ Xã, ảnh từ trăm năm trước

35312968.jpg
 
Last edited:
Những dấu tích vui chơi của chúa Trịnh vẫn còn lại đến nay qua các địa danh.

Con đường ở phía Tây thành Thăng Long, xưa gọi là Tây Giai (Tây Nhai), lúc này chúa Trịnh cho trồng toàn liễu, nên gọi là Liễu Giai.

Ở phía Đông, một con đường khác được trồng toàn cây hòe, nên gọi là Hòe Giai (Hòe Nhai).

Sát bờ hồ Tây, chúa cho trồng toàn bàng, để khi mùa đông sang, lá bàng đỏ rực trong ánh hoàng hôn, mùa xuân xanh non trong nắng sớm, là cảnh đẹp tuyệt vời.

Trong khu vườn thượng uyển cũ phía Tây, đắp lại gò đất, trồng nhiều cây Sưa để mùa xuân ra hoa trắng, nên gọi là Sưa sơn.

Nay các rặng liễu, hòe, bàng đều không còn, nhưng tên Liễu Giai, Hòe Nhai vẫn còn đó. Núi Sưa nay nằm trong Bách Thảo. Các gốc sưa từ thời đó cũng đã mất, nhưng vẫn có vài cây trồng sau này. Ngọn núi Sưa đó về sau lại bị gọi nhầm là núi Nùng.
 
Thờ Mẫu

Dưới triều Lê, một hệ thống tín ngưỡng mới phát triển, là tín ngưỡng thờ Mẫu. Dù truyền thống tôn thờ các vị nữ thần đã có từ rất xa xưa, với việc thờ các nữ thần mưa Tứ Pháp, các nữ thần núi non như Quốc mẫu Tây Thiên, Hậu thổ phu nhân, Tổ mẫu Âu Cơ,... tuy nhiên đến đầu thời Lê mới chính thức thành điện thờ Mẫu.

Bắt đầu từ Nam Định, với huyền thoại Mẫu Liễu Hạnh, tín ngưỡng thờ Mẫu nhanh chóng lan rộng khắp đất nước, hệ thống hoá thành Tam toà Tứ phủ. Mẫu Liễu Hạnh thay thế Từ Đạo Hạnh, Minh Không trong Tứ Bất tử, và có nhiều huyền thoại ở khắp nơi.

Tại Thăng Long, phố Hàng Trống trở thành nơi tạo tác một dòng tranh thờ tín ngưỡng Mẫu. Tranh thờ Hàng Trống khác với tranh dân gian Đông Hồ, vì chuyên về các nhân vật thần thánh trong Đạo giáo và thờ Mẫu, màu sắc cũng sặc sỡ hơn, nhiều chi tiết cầu kì hơn.


35312978.jpg

Một bức tranh thờ Hàng Trống, theo trật tự từ trên xuống:
- Trên cùng là Phật bà Quan Âm, với Kim đồng, Ngọc nữ hầu hai bên
- Tứ Đế của Đạo giáo, bốn vị Đế ở bốn phương
- Tam toà Thánh Mẫu: Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải
- Năm vị Quan lớn
- Bốn vị Chầu Bà
- Mười hai chầu
 
Last edited:
Phủ Tây Hồ

Khi nhà Lê Trung Hưng cùng họ Trịnh giành lại được Thăng Long từ nhà Mạc, triều Lê phái trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan sang sứ Trung Quốc.

Giai thoại kể rằng khi trở về từ Trung Quốc, vào khoảng những năm 1598, Phùng Khắc Khoan đã gặp tiên tại Lạng Sơn, mà vị tiên đó chính là Thánh mẫu Liễu Hạnh. Ông bèn cho xây ngôi đền thờ Mẫu tại Lạng Sơn, nay chính là chùa Tiên.

Sau đó, khi về Thăng Long rồi, trong một chuyến du hành chơi vòng quanh hồ Tây, tại một quán nước bên bờ hồ, ông đã gặp lại Tiên chúa Liễu Hạnh, dưới hình dáng người con gái bán nước xinh đẹp. Hai bên làm thơ xướng hoạ rất tương đắc. Mấy hôm sau trạng Bùng quay lại thì không còn gặp ai nữa, nên lập một am nhỏ để tưởng nhớ.

Nơi trạng Bùng gặp Mẫu Liễu Hạnh, được dựng lên thành một ngôi đền thờ lớn, gọi là Phủ Tây Hồ, là nơi thờ Mẫu sớm nhất ở Thăng Long. Ngày nay đây là nơi thờ Mẫu lớn nhất của Hà Nội, cũng là nơi linh thiêng bậc nhất.

35312990.jpg
 
Last edited:
Bác Chitto ơi, bác cho em hỏi chút, theo như trong ảnh của bác, thì Hồ Trúc Bạch hình thành là do đê Cố Ngự ngăn Hồ Tây mà ra phải không ạ?
 
theo như trong ảnh của bác, thì Hồ Trúc Bạch hình thành là do đê Cố Ngự ngăn Hồ Tây mà ra phải không ạ?

Đúng thế, ngay cả sau khi đắp đê Cố Ngự rồi, thì phần này vẫn chưa mang tên hồ riêng, vẫn chỉ là một góc hồ Tây.

Sau đó khoảng trăm năm, chúa Trịnh Giang cho dựng một nơi vui chơi ở cạnh hồ (chính xác chỗ nào thì không biết), trồng nhiều trúc, gọi là Trúc Lâm. Sau lại bắt các cung nữ phạm lỗi ra ở nơi đó. Các cung nữ này phải tự dệt lụa để sống, loại lụa họ dệt vì thế gọi là Trúc Bạch (Bạch nghĩa là Lụa, chứ không phải màu trắng). Dần dà người ta quen gọi tên hồ theo tên loại lụa đó, mới có tên hồ Trúc Bạch.

Dân năm làng đúc đồng ở Bắc Ninh dời vào bán đảo của hồ, hình thành nên làng đúc đồng Ngũ Xã, đúc nhiều sản phẩm đồng rất đẹp và tốt, mà nổi tiếng nhất là tượng đồng Trấn Vũ.
 
Tượng Trấn Vũ

Ngôi đạo quán của Đạo giáo ở phía Bắc của Hoàng thành có từ đời Lý, nhưng đến thời Lê mới được trùng tu lớn. Khi có đạo sĩ sinh sống thì là Đạo quán, khi không còn đạo sĩ thì có thể coi như ngôi đền.

Đền - Đạo quán thờ vị Huyền Thiên Chân Vũ đại đế của Đạo giáo Trung Quốc. Nhưng sang đến Việt Nam, thì vị thánh này được đặt thêm tên mới là Trấn Vũ, có thể là do gọi tắt của Trấn Thiên Chân Vũ. Trong các vị thánh thần Đạo giáo, vị này là có nhiều danh hiệu nhất, cai quản nhiều mặt nhất, điện thờ chính ở núi Vũ Đang. Thậm chí triều Minh bên Tàu còn tôn Chân Vũ làm vị thần bảo hộ cho cả Triều đại, quốc gia, vì thế đúc tượng đồng thờ ở rất nhiều nơi.

Tại Thăng Long, trong các triều Lý, Trần tôn sùng Phật giáo, đạo quán này không được để ý. Có lẽ khi Vương Thông chiếm giữ Thăng Long cũng đã đến đây cầu khấn nhiều lần, vì đây là vị thần bảo hộ nhà Minh, người Minh.

Đến thời Lê Trung Hưng, năm 1635, với sự bảo trợ của chúa Trịnh, dân Ngũ Xã đã khởi công đúc pho tượng Trấn Vũ bằng đồng, hun đen. Đây là pho tượng đồng lớn nhất thời Phong kiến còn lại, là báu vật của Thăng Long, của quốc gia. Tiếc thay lại là tượng vị thần của phương Bắc chứ không phải thần của người Việt !!

35313000.jpg

Tượng Trấn Vũ mặc áo giáp của tướng võ bên trong, đạo bào của đạo sĩ bên ngoài, chân đất đầu trần. Tay trái bắt quyết kiểu phù chú của Đạo gia, tay phải chống lên thanh kiếm có con rắn quấn, đầu kiếm chống lên lưng rùa. Rắn và rùa tượng trưng cho sức mạnh và sự trường tồn. Bản thân Rắn + Rùa cũng là con Huyền vũ huyền thoại, linh vật phương Bắc. Thần Trấn Vũ (Chân Vũ) xưa cũng chính là thần Huyền Vũ, cai quản phương Bắc.

Cá nhân tôi thấy pho tượng được đúc rất đẹp, đẹp hơn hẳn pho tượng Chân Vũ mà Ngô Tam Quế cho đúc đặt trong Kim Điện tại Vân Nam (cùng thời với tượng Trấn Vũ này). Còn tượng Chân Vũ tại Kim điện trên đỉnh Vũ Đang thì chưa đến nên chưa biết để mà dám so sánh.
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,311
Bài viết
1,175,022
Members
192,036
Latest member
imperiaglobalgate
Back
Top