What's new

[Lịch sử] Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Năm nay, 2010, Một nghìn năm cái tên Thăng Long. Một nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội.

Người ta nói quá nhiều, và tôi cũng đã dự định viết topic này từ lâu, nhưng giờ mới bắt tay vào thực hiện, như là một phần chia sẻ của mình với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Tôi không định cắt dán các bài viết dài dằng dặc trên khắp các báo, trên mạng, mà viết những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất này. Nếu ai muốn chia sẻ cùng tôi, xin hãy cũng như vậy.

Topic này có thể sẽ rất khô khan, cũng có thể sẽ rất thú vị, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Last edited:
Sự khôi phục của Đạo giáo (đã có từ đời Lý) kéo theo sự tôn tạo hoặc dựng mới một số ngôi đạo quán. Ngoài Quán Trấn Vũ là đạo quán lớn nhất, Bích Câu đạo quán vẫn còn gìn giữ đến ngày nay, các ngôi đạo quán khác giờ đều đã thành chùa.

Ở trong khu dân cư đông đúc, phố Hàng Khoai, có ngôi Huyền Thiên đạo quán, giờ thành chùa Huyền Thiên, sát phía Đông của Hoàng thành có ngôi Đồng Thiên đạo quán, giờ cũng thành chùa Kim Cổ.

Lại có một ngôi đạo quán kỳ lạ nữa, là Quán Đế Thích. Đế Thích tức là thần Indra của Ấn Độ, được Phật giáo coi là Vua trời Đao Lợi, cùng với Phạm Thiên là hai vị vua trời hộ vệ Phật giáo. Nhưng sang đến thời Lê Trung Hưng, thì từ vị Trời của Phật giáo, lại được tôn thờ riêng như là một vị thần Đạo giáo. Hoặc có thể giới Đạo sĩ đã chuyển từ ngôi đền thành Đạo quán chăng? Mà xuất hiện ngôi quán Đế Thích.

Quán Đế Thích ngay cạnh ngôi chùa Hưng Khánh, nên đến giờ cả hai được gộp chung trong một khuôn viên gọi là chùa Vua, ở cạnh chợ trời ngày nay. Cũng thú vị, khi Vua Trời Đế Thích giờ được ngự ngay ở Chợ Trời !!!

Quán Huyền Thiên ở cạnh chợ Đồng Xuân

35426052.jpg

Chùa Vua - Quán Đế Thích ở chợ trời

35426074.jpg
 
Last edited:
Đầu thời Lê Trung Hưng, Nho giáo được coi trọng, Đạo giáo cũng hưng thịnh, còn Phật giáo thì suy kém. Không có ngôi chùa nào do vua hoặc chúa cho dựng mới vào thời này, ngoại trừ một ngôi chùa khá đặc biệt là chùa Quán Sứ.

Từ thời Trần, đã có khu Quán sứ dành cho các sứ thần các nước Chiêm Thành, Ai Lao, Chân Lạp đến giao dịch, khu Quán sứ này nằm ở đâu không rõ. Đến thời Lê thì nằm ở khu phố Quán Sứ ngày nay. Khi chúa Trịnh lấy lại Thăng Long từ tay họ Mạc, thì khu Quán Sứ nằm không xa phủ chúa. Lúc này các sứ thần lại đông đúc, mà họ đều đến từ các nước theo Phật giáo, cho nên một ngôi chùa được dựng trong khu này, cũng gọi luôn là chùa Quán Sứ.

Khu Quán Sứ đã không còn dấu tích, chỉ ngôi chùa vẫn còn đó. Trải qua dâu bể, cũng không còn di vật gì của thời xa xưa đó nữa, ngôi chùa mới được dựng lên trên nền chùa cũ, với kiến trúc hiện đại hơn, chỉ còn cái tên lưu lại một thời quá khứ.

Ngày nay chùa Quán Sứ là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, về cấp hành chính thì là chùa quan trọng nhất, và cũng bề thế nhất nội thành Hà Nội, dù rằng so với nhiều chùa khác mới dựng sau này thì rất khiêm tốn nhỏ bé.

35426069.jpg
 
Last edited:
Bức tượng chùa Hoè Nhai

Có câu chuyện về Phật giáo thời Lê Trung Hưng khá đặc biệt: Vua Lê Hy Tông không thích Phật giáo, đến mức hạ chiếu yêu cầu các sư phải rời khỏi Thăng Long và thành thị, phải vào trong núi mà tu hành. Chiếu chỉ này khiến giới Phật giáo rung động.

Bấy giờ ở chùa Hoè Nhai có thiền sư Tông Diễn, đã làm một cái hộp gỗ rất đẹp, nói là trong có viên ngọc quý dâng lên vua xem. Vua mở ra, thấy bên trong chỉ là một tờ biểu, viết rất khúc chiết về sự cần thiết của Phật giáo cũng như những lợi lạc Phật giáo đem lại. Vua xem xong hối hận, huỷ bỏ lệnh cấm, và sau đó sám hối, dần quay lại với Phật giáo.

Vì vậy, trong chùa Hoè Nhai có một bộ tượng thuộc loại độc đáo nhất Việt Nam: tượng Vua đội Phật.

Bức tượng tạc hình vị vua với mũ áo đầy đủ đang quỳ mọp, hai tay sát đất. Trên lưng tượng có một tấm bồ đoàn, và Phật ngồi trên đó đang thuyết pháp. Bức tượng lấy từ ý trong kinh: vua trời Đế Thích ấy thân làm giường mời Phật thuyết pháp. Tuy nhiên sách nói rằng tượng này mang ý chính là về việc vua Lê Hy Tông sám hối, người đang quỳ kia chính là vua.

Tiếc rằng gần đây, pho tượng độc đáo này đã "được" sơn lại vàng choé loẹ, mất hoàn toàn màu sơn cánh gián truyền thống. Chùa cũng đang dựng lại hoàn toàn.

35313022.jpg
 
Last edited:
Hihi, đọc topic của anh Chit mà tưởng như được nghe bà kể chuyện :). E ko sinh ra ở HN, nhưng cũng sống ở đây được chục năm, tuy thế cảm nhận về HN thật nhạt nhòa. Nếu yêu thì sẽ hiểu nhưng với Hà nội thì có lẽ nếu hiểu thì sẽ yêu. Rất cảm ơn anh vì những bài viết thật hay :D
 
Các ngôi đình

Đến đời Lê, tại Thăng Long xuất hiện nhiều những ngôi đình làng bề thế.

Đình làng - có nguồn gốc từ thời Trần, khi vua Trần ra lệnh dựng các toà nhà đầu làng để khi vua quan vi hành, kinh lý sẽ nghỉ tại đó mà không phiền đến nhà dân. Sau toà đình trở thành nơi thờ những vị thần bảo hộ cho làng, các vị Thành hoàng. Sau đó, đình được mở rộng chức năng trở thành nơi tụ họp của làng, bàn việc làng, là không gian sinh hoạt văn hoá chung. Những toà đình cổ nhất còn lại đến nay là từ đời Mạc.

Tại Thăng Long, những toà đình - dù truyền thuyết nói có từ xa xưa lắm - đều dựng từ đời Lê Sơ về sau. Đến nay còn khá nhiều toà đình lớn và đẹp giữa lòng thành phố, đều dựng từ đời Lê Trung Hưng, trùng tu dưới đời Nguyễn. Nếu những ngôi chùa, đền lớn đều liên quan đến triều đình, hoàng tộc, thì các ngôi Đình hoàn toàn là của dân gian. Và nhiều ngôi đình còn to đẹp hơn cả đền chùa quốc gia !


Đình làng Khương Thượng, thờ vị thần đất của làng từ rất xa xưa.

35811912.jpg


Đình Vạn Phúc, thờ thần Linh Lang

35811908.jpg



.
 
Last edited:
Làng

Thăng Long là một đô thị, một kinh thành với rất nhiều ngôi làng nằm giữa lòng nó.

Bên cạnh khu Hoàng thành của Vua, Vương phủ của chúa, của triều đình quý tộc, khu trị sở của quan lại, khu luyện tập của quân đội, nuôi giữ voi ngựa, khu phố buôn bán của thị dân, khu sản xuất của các phường thợ, vẫn có rất nhiều ngôi làng sống cuộc sống thôn quê bình dị, với nghề nông và nghề thủ công. Những khu làng ấy tồn tại từ trước khi có Thăng Long, và đến nay vẫn còn đây đó giữa phố xá.

Chính những làng xóm xen giữa phố thị này đem lại những nét văn hoá rất đặc thù của vùng đất cũng rất đặc biệt này.


Ao làng, cạnh đình làng Khương Thượng, nằm ngay giữa những con phố đông đúc người xe của Hà Nội nay, như hình ảnh rõ nét về làng quê giữa Thăng Long xưa.


35811911.jpg
 
Last edited:
phố

Một số bạn trong Nam thắc mắc: tại sao ở Miền Bắc, mà cụ thể là Hà Nội, gọi đường là phố, nhưng rồi lại vẫn có đường. Thế thì phố khác đường ở cái gì ?

Phố - nguyên nghĩa là cửa hàng, cửa hiệu mua bán, trao đổi. Một ngôi nhà là nơi bán hàng gọi là một căn phố. Nhiều căn phố đứng cạnh nhau trở thành một dãy phố. Rồi cả một con đường gồm nhiều căn phố được gọi ngắn gọn là một "con phố" lúc nào không hay.

Thế là con đường với nhiều căn phố bán vải trở thành "phố Hàng Vải", nhiều căn phố bán bông trở thành "phố Hàng Bông". Từ đó, cái tên phố để chỉ con đường với các cửa hàng cửa hiệu mua bán. Phố không chỉ là nơi để đi lại, mà còn là nơi trao đổi, mua bán, phố không chỉ là con đường đơn thuần, mà là con đường với sức sống kinh tế nhộn nhịp.

Do đó, tại Thăng Long xưa và Hà Nội nay, vẫn phân biệt Phố và Đường. Những nơi không có mua bán thì vẫn gọi là đường. Nhưng dần người ta cũng không còn nhớ cái ý nghĩa đó nữa, và đặt Đường hay Phố chỉ như một thói quen.

Mỗi lần nghe đến "phố", tôi lại nhớ đến những con đường xôn xao tiếng bán mua, cười nói, những con đường đặc trưng của một đô thị giao thương, và nó không chỉ đơn thuần là những con đường...
 
phố phường

Các con đường phía Đông của Hoàng thành trở thành nơi tụ tập những người làm các nghề thủ công, mua bán sản phẩm, tạo thành các phường thợ, phường buôn. Phường ngày xưa là tập hợp của những người cùng ngành nghề, sau này mới mang nghĩa là khu vực địa lý hành chính.

Mỗi con đường - nay gọi là con phố - chuyên về một sản phẩm, là có một phường. Bao nhiêu phố là bấy nhiêu phường. Các phường nghề thường là người từ các nơi khác tập trung lại. Họ từ Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam,... rời quê hương lên kinh đô lập nghiệp, tập hợp nhau lại, rồi coi đây là quê hương. Những người Thăng Long - Hà Nội cũng đều là như thế.

Khi lập nghiệp tại khu phố thị, người ta mang theo tâm linh tín ngưỡng từ quê hương lên theo, và lập các ngôi đền, ngôi đình thờ tổ nghề, thờ vị thần của mình. Đáng ngạc nhiên là trong khu phố cổ ngày nay vốn có hơn 50 ngôi đền, đình, mật độ cao hơn bất kỳ đâu trên khắp cả nước.

Nhưng không thể như các ngôi đình ở làng rộng rãi khang trang với sân cổng uy nghi, các ngôi đình, đền trên phố phải hết sức nhỏ bé, thu hẹp mọi chiều. Sang đến đời Nguyễn thì rất nhiều ngôi đình, đền bị dời lên tầng hai, để tầng dưới làm nơi buôn bán. Từ đó mới có kiểu đền độc đáo của khu phố cổ Thăng Long: đình trên nóc quán bán hàng.

Mà thôi, viết về khu phố cổ này có mà cả ngày. Đoạn này tôi chỉ muốn nói về thời Lê thôi.

Đền Nhân Nội, một ngôi đền có mặt tiền còn khá rộng rãi trong khu phố buôn bán

35811909.jpg
 
Last edited:
Mà thôi, viết về khu phố cổ này có mà cả ngày. Đoạn này tôi chỉ muốn nói về thời Lê thôi.

Topic nghiên cứu, cho một bài thơ vào đây có lạc điệu không nhỉ?

Nhưng vì chủ thớt không định viết tiếp về phố Cổ, mà tớ thì không đi đâu thoát khỏi cái Phố Cổ ấy, nên thôi tớ cứ cho vào, thêm một chút gió nhé.

PHỐ ...
WEDNESDAY, 23. APRIL 2008, 11:38:00
Hôm nay Hà Nội lại lạnh rồi
Lạnh như cái thuở mới lên mười
Bước chân ra đầu phố
Phố đổ gió đầy trời

Bỗng nhiên thấy mình trong phố cổ
Ngõ vòng để gió đuổi hụt hơi

Xuôi hết Hà Trung sang Yên Thái
Ngẩn ngơ tìm đền thờ Ỷ Lan
Chuếnh choáng nhìn đám người xa lạ
Đền xưa giờ đã hóa cửa hàng

Bún chả Hàng Mành hun điếc mũi
Tiếng gõ Hàng Thiếc nhức mù tai
Nồng nồng Thuốc Bắc tay thấy ấm
Loẹt lòe Hàng Mã mắt thật dài
Hàng Khoai ồn ã hoa ngập ngõ
Đồng Xuân nháo nhác những bờ vai

Thanh Hà cửa ô nghiêng đê cũ
Có chờ Chợ Gạo họp sớm mai
Có nghe tiếng hát đêm Hàng Lược
Những kẻ cầm chầu có còn ai
Thê Húc chạnh lòng thương Cầu Gỗ
Thái Cực hồ xưa đã tàn phai

Gió không nỡ thổi theo người nữa
Gió ở sau lưng gió thở dài


(Thơ của .. . ;))
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,682
Bài viết
1,135,090
Members
192,369
Latest member
Datnonamee
Back
Top