What's new

[Lịch sử] Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Năm nay, 2010, Một nghìn năm cái tên Thăng Long. Một nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội.

Người ta nói quá nhiều, và tôi cũng đã dự định viết topic này từ lâu, nhưng giờ mới bắt tay vào thực hiện, như là một phần chia sẻ của mình với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Tôi không định cắt dán các bài viết dài dằng dặc trên khắp các báo, trên mạng, mà viết những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất này. Nếu ai muốn chia sẻ cùng tôi, xin hãy cũng như vậy.

Topic này có thể sẽ rất khô khan, cũng có thể sẽ rất thú vị, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Last edited:
Là vì bên cạnh hầu hết các tài liệu đều ghi là quân Pháp phá huỷ chùa Một Cột, vẫn có nguồn tin cho rằng không phải thế. Điều nghi ngờ đó cũng có thể có lý, khi mà tôi thấy rằng người Pháp rất cẩn thận lưu giữ các công trình kiến trúc cổ Việt Nam, đặc biệt tại Hà Nội. Trong thư viện của họ còn giữ bản vẽ chi tiết các ngôi chùa ở HN, thiết kế, cấu trúc... một cách tỉ mỉ. Tất cả các tấm bia đều được họ làm bản dập lưu trữ, những việc đó người Việt mình còn không làm nổi. Nhất là phải nhớ lại giai đoạn chính chúng ta đã tiêu huỷ vô số công trình văn hoá của mình thế nào.

Cho đến nay các nguồn tài liệu đều chỉ ghi chung chung là "quân Pháp nổ mìn phá huỷ chùa Một Cột", nhưng phá khi nào, lúc nào, có bằng chứng gì, có ai chứng kiến ... thì hoàn toàn không. Vì vậy tôi cũng không thể khẳng định điều đó (như các báo chí khác) được.

@DUNG_BTT: Cảm ơn bạn, tôi cũng chỉ làm điều gì mình thích, và viết ra những điều mình biết để chia sẻ với mọi người, kẻo rồi chính mình lại quên đi thôi. Gặp tôi ngoài đời thì là một người chán ngắt ấy mà.

Cảm ơn câu trả lời của Bác, nó làm em suy nghĩ lại nghĩ gì đã biết được chút ít vì thực trạng đòi hỏi của cuộc kháng chiến thời Pháp - Mỹ, chúng ta đã trả cái giá quá đắt cho chiền thắng cuối cùng đó!
Nhìn lại những công trình quý báu của dân tộc đã mất đi - ví dụ như chính chúng ta ( như Bác và em nghĩ ) đã biết về khu Tử Cấm Thành ở kinh đô Huế ; trong đó gồm hệ thống kiến trúc đẹp nhất đã mất - lại thấy tiếc nuối!
 
Ai cũng muốn chiếm quyền !!!

Thời loạn lạc sinh ra lắm anh hùng và gian hùng, mà Nguyễn Hữu Chỉnh là một trong số gian hùng.

Chỉnh là người có tài, xưa theo chúa Trịnh, nhưng họ Trịnh không tin dùng, nên đi theo Tây Sơn. Việc Nguyễn Huệ ra Bắc, lấy Ngọc Hân, đều do Chỉnh bày mưu sắp đặt. Thấy Chỉnh nhiều mưu, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ khi về Nam cố tình bỏ mặc Chỉnh ở lại cho người Bắc giết, Chỉnh sợ quá chạy theo, nhưng Nguyễn Huệ không cho theo, đành chiếm lấy đất Nghệ An.

Sau Lê Chiêu Thống bị loạn thần ức hiếp đòi lập lại phủ chúa, sai người mời Chỉnh ra. Chỉnh đem quân ra diệt Trịnh Bồng, lập công to, được phong làm tể tướng. Chỉnh lại đâm ra lộng quyền, muốn làm một chúa mới. Vua Lê hèn yếu tuy sợ nhưng không biết làm sao.

Lúc đó Nguyễn Huệ ở Huế biết tin, liền sai Vũ Văn Nhậm ra Bắc, cuối cùng giết được Chỉnh. Nhưng Nhậm diệt được Chỉnh xong rồi thì lại muốn nắm quyền Bắc Hà, lại mưu toan làm chúa !

Thế là đích thân Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, giết Vũ Văn Nhậm, rồi lại về Huế. Lần này Lê Chiêu Thống sợ quá bỏ chạy sang Kinh Bắc, mà bà Thái hậu đã chạy đến tận Quảng Châu van xin quân Tàu rồi.


Trong thời Nguyễn Hữu Chỉnh chuyên quyền, vì thiếu đồng đúc tiền, Chỉnh cho lấy tượng đồng, chuông khánh đồng của các đền chùa ở Thăng Long và các nơi đem đúc tiền và vũ khí. Cho đến nay ở các chùa trong Hà Nội gần như không còn pho tượng đồng cổ nào nữa. Các chuông khánh bằng đồng hầu hết cũng đều đúc sau đó. Chỉ có tượng Trấn Vũ vì to quá mà không phá được.

Trước đó giặc Minh đã phá hết các thứ bằng đá, bằng đồng tại Thăng Long. Tấm bia đá cổ nhất ở Hà Nội còn lại cũng chỉ vào thời Lê. Đến thời Chỉnh thì lại phá hết đồ đồng được đúc trong hơn ba trăm năm triều Lê. Đây là một sự phá hoại, khi đã tiêu huỷ đi một kho tàng văn hoá rất lớn của dân tộc. Chỉ một số ít chuông khánh các chùa mà dân kịp đem dấu là thoát được.
 
Last edited:
Chiến thắng Kỷ Dậu

Thấy hết Nguyễn Hữu Chỉnh lại Vũ Văn Nhậm chiếm quyền, rồi Nguyễn Huệ lại ra Bắc, vua Lê Chiêu Thống hoảng sợ đi cầu cứu quân Thanh.

Thế là Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị đem quân theo chân Lê Chiêu Thống tiến vào đất Việt, đến đóng bản doanh ở Thăng Long. Sử sách chép rằng chưa bao giờ thấy đế vương nước Việt nhục nhã đến thế, vua mà phải ngày ngày sang chầu chực ở doanh trại Tổng đốc xin lệnh, quan lại đều thành đám vô dụng cả.

Trước tình thế đó, Nguyễn Huệ tại Huế lập tức lên ngôi hoàng đế (1788), niên hiệu Quang Trung, thần tốc kéo quân ra Bắc. Đoàn quân ăn tết sớm tiến thẳng đến diệt đồn Hạ Hồi, Ngọc Hồi, Khương Thượng Đống Đa.

Chiến thắng mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789) đã quá nổi tiếng, lưu danh sử sách, thiết nghĩ không cần viết lại. Tôn Sĩ Nghị chạy qua sông Hồng rồi sai chặt cầu phao, khiến hàng vạn quân Thanh rơi xuống sông chết đuối, thái thú Sầm Nghi Đống treo cổ tự tử ở gần chùa Bộc bây giờ, các phó tướng Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long,... chết trận cả. Lê Chiêu Thống bỏ chạy theo sang Tàu, rồi chết thảm ở bên đó.

Quang Trung tiến vào Thăng Long, sai thu gom xác quân Thanh dồn thành 12 đống rồi đắp đất thành gò ở khu vực quanh Đống Đa. Vài chục năm sau, thời Nguyễn, khi làm đường làm chợ còn đào thấy rất nhiều xương cốt nữa, mới gom lại đắp thành cái gò thứ 13 to nhất.

12 gò vua Quang Trung cho đắp về sau đều bị san phẳng, chỉ có gò thứ 13 còn lại, chính là gò Đống Đa nổi tiếng, mà mỗi ngày 5 Tết đều tổ chức hội, gọi là Hội Gò.


Gò Đống Đa, ảnh chụp năm 1940

36098478.jpg
 
Last edited:
Chùa Bộc

Quanh khu vực Đống Đa, còn nhiều di tích của Chiến thắng Kỷ Dậu.

Chùa Bộc, vốn tên là Sùng Phúc, dựng từ đời Lê, nằm ngay trong khu vực chiến sự ác liệt, nên bị đốt cháy hoàn toàn. Sau đó vua Quang Trung cho dựng lại chùa, làm nơi cúng tế các vong hồn quân Thanh cũng như quân Việt đã chết trận. Lại vì Sầm Nghi Đống treo cổ tự tử gần đó, cũng được coi là một người có nghĩa khí, nên Quang Trung cho cúng tế luôn tại chùa. Cái tên chùa "Bộc" cũng mang nghĩa là phơi ra, bày ra, có từ sau khi dân gian thấy xác giặc chết phơi khắp nơi quanh chùa.

Bên cạnh chùa Bộc có hồ rộng, là nơi sau khi chiến thắng, Quang Trung cho voi xuống tắm, nên gọi là hồ Tắm tượng. Giờ đây hồ chỉ còn là một ao nhỏ, vẫn gọi là ao Tắm tượng. Trong chùa còn có tượng thờ lén Quang Trung, sẽ nói sau.

Ao Tắm tượng trong chùa Bộc ngày nay

36098469.jpg
 
Last edited:
Chùa Đồng Quang

Một ngôi chùa Bộc cúng tế cho các vong hồn xem ra không đủ, vì số người chết nhiều quá.

Sau này, đối diện gò Đống Đa, người dân dựng thêm một ngôi chùa nữa, là chùa Đồng Quang, để thờ cúng tất cả các vong hồn của các thi thể tìm được rải rác khắp nơi quanh đó. Trong chùa dựng một khu đàn tế riêng để cúng tế vong linh chết trận, vùi thây nơi gò Đống Đa. Ngày nay chùa bị lấn chiếm nhiều, khu đàn tế thu hẹp, dựng toà điện Địa Tạng để cúng các vong hồn.


36188478.jpg
 
Last edited:
Am Vạn Linh

Người ta thường hay nói đến số quân Thanh bị đánh tan là 29 vạn (theo như bài vân ca ngợi của Ngô Thì Nhậm), hoặc 20 vạn (như ghi chép của giáo sĩ phương Tây). Trong khi nhà Thanh thì chỉ chịu công nhận là chết có 2 vạn. Nhiều nguồn khác nhau đưa ra những con số khác nhau. Chỉ biết khi Tôn Sĩ Nghị chạy về đến Quảng Đông thì chỉ còn một nửa quân.

Nhưng bên cạnh số quân Thanh chết trận, người ta thường cố tình quên đi số lính Việt cũng đã tử trận. Có bao nhiêu người đã chết, không sách nào nói đến.

Số lính Việt chết trận được đưa về một khu nghĩa địa chung, cũng chôn chung một chỗ. Người dân lập am Vạn Linh, làm đàn tế để cúng. Chỉ cái tên Vạn Linh cũng có thể thấy số lượng cũng không ít vong hồn. Về sau cạnh am Vạn Linh lập thành chùa, tức là chùa Kim Sơn ngày nay. Vì thế vào ngày 5 Tết, trong khi tại Gò Đống Đa làm lễ hội rầm rộ vui mừng, thì tại chùa cũng làm lễ cúng tế các vong hồn oan khuất trong chiến trận.


Chùa Kim Sơn trên đường Kim Mã, là đất bãi nghĩa địa Vạn Linh xưa kia.

36188485.jpg
 
Last edited:
Bia Văn Miếu

Câu truyện rằng sau chiến thắng, Quang Trung sai người mang ngay một cành bích đào về Huế tặng người vợ yêu là Lê Ngọc Hân chỉ tình tiết trong một vở kịch, mới mấy chục năm gần đây. Thế nhưng câu truyện lãng mạn đẹp đẽ đó đã nhanh chóng nổi tiếng đến mức nhiều người cứ tưởng là sự thực và nhắc đi nhắc lại !

Nhưng có một câu chuyện thú vị khác ít người nhắc đến hơn, đó là chuyện vua Quang Trung với bia Tiến sĩ ở Văn Miếu. Số là sau lần ra Bắc thứ nhất của Nguyễn Huệ, các tấm bia Tiến sĩ trong Văn Miếu bị phá đổ, mà trong mấy năm liền các bên chỉ mải lo đánh nhau không quan tâm. Đến nay thấy giặc giã đã yên, dân chúng khu Văn Chương mới nhờ một nhà nho thảo một bài biểu gửi Quang Trung, đề nghị cho dựng lại các tấm bia.

Nhà nho là Tam Nông tiên sinh Hà Năng Ngôn - thấy Quang Trung ưa dùng chữ Nôm - đã thảo bài thơ Nôm khá dài gửi đến. Một số đoạn là:


Chúng tôi một lũ dân cấy hái,
Trái mùa sinh vào trại Văn Chương.
Trong khi cày ruộng cuốc nương,
Vành ngoài trông vọng cung tường Miếu Văn.

Có một nỗi băn khoăn trong dạ.
Mượn thầy nho phô tả ra tờ.
Dám mong lọt cửa quân cơ,
Gió nam đưa tới dưới cờ ngài Quang Trung:

...

Kề cửa Khổng sân Trình gang tấc,
Ðào tạo nên nhiều bậc anh tài,
Một nền văn hiến lâu dài,
Tiếc thay chưa được đón Ngài ngự thăm!

...

Bốn năm trước, giữa năm Bính Ngọ (1786),
Ngài đem quân ra thú Bắc hà,
Oai trời sấm sét thoảng qua,
Cơ đồ họ Trịnh bỗng ra tro tàn.
Bia tiến sĩ vô can vô tội,
Mà vạ lây vì nỗi cháy thành,
Bia thì đạp đổ tung hoành,
Nhà bia thì đốt tan tành ra gio.

Có kẻ nói:
Tội ác ấy là do Trịnh Khải,
Lúc sa cơ hắn phải trốn ra.
Dặn về thuê kẻ côn đồ,
Phá bia tiến sĩ để cho bõ hờn.

Có kẻ nói:
... Hay chăng quân lính nhà Ngài
Trong khi xung sát ra oai thi hùng.
Bia tiến sĩ bỗng không mà đổ...

...

Chúng tôi chiếu lại hai lời ấy.
Sự thực hư chưa thấy rạch ròi.
Song le việc đã qua rồi,
Chẳng chi bới móc tìm tòi uổng công.
Chỉ xin được Ngài trông vì nước,
Dựng lại bia cho được y nguyên.
Trước là giáo dục kẻ hiền,
Sau là văn mạch dõi truyền dài lâu.
...
Chúng tôi kịp trông chờ chiếu ngọc
Mong ngài vào nhà quốc học ngay cho!
Chúng tôi mừng vận nhà nho
Mừng hơn cày cấy
Trời cho được mùa
./.​

36188488.jpg
 
Last edited:
Quang Trung đã phê lại cũng bằng một bài thơ Nôm, rất độc đáo

Ta không trách nông phu
Ta chỉ gớm thầy Nho
Cả gan, to mật, dám kêu vua bằng “Ngài”.
Thầy Nho là ai?
Sắc cho Bộ hỏi, dân khai!

Thôi thôi thôi, việc đã rồi
Trăm nghìn hãy cứ trách bồi vào ta!
Nay mai dọn lại nước nhà
Bia nghè lại dựng trên tòa muôn gian.
Cơ đồ họ Trịnh đã tan
Việc này cũng đừng đổ oan cho thằng Trịnh Khải...

Bài thơ này đã nhận lỗi về mình, không đổ oan cho Trịnh Khải.

Hai bài thơ thú vị ở chỗ: nhà Nho kia chỉ gọi Quang Trung bằng "ngài", chứ không dùng từ "Bệ hạ", "hoàng thượng" như lễ nghi dành cho hoàng đế. Có thể thấy lúc đó trong lòng dân Bắc hà vẫn nhớ đến nhà Lê, và Quang Trung thực sự vẫn chưa được coi như vua của họ.
Quang Trung cũng biết điều ấy, nhưng cũng chỉ trách cho vui chứ không để tâm. Ngay trong chính bài đáp của mình, ông cũng chỉ tự xưng là "Ta" chứ không dùng từ "Trẫm", để thể hiện sự phóng khoáng này.


Dù đã làm chủ cả Bắc hà, Quang Trung biết rằng lòng người chưa hoàn toàn thuận về mình ngay, hơn nữa phía Nam còn có Nguyễn Ánh, và ông anh trai Nguyễn Nhạc. Do đó Quang Trung nhanh chóng quay về Huế, để tướng giữ Thăng Long. Ông dự định xây dựng Vinh thành Kinh đô mới của mình, nằm giữa Huế và Thăng Long, nhưng chưa kịp thì đã qua đời.

Từ đây (1789), Thăng Long trở thành Cố đô, chỉ còn là toà thành Tổng Trấn - Bắc Thành mà thôi. Địa vị Kinh đô đã không còn nữa, bắt đầu một thời kỳ suy tàn...
 
Last edited:
Vậy là triều Lê, sau hơn 360 năm tồn tại, đã chính thức chấm dứt. Trong khoảng thời gian đó, có hơn 60 năm Thăng Long nằm trong tay họ Mạc, và 200 năm quyền bính nằm trong tay họ Trịnh. Các vua triều Lê có tên phố hiện nay tại Hà Nội chỉ gồm Lê Thái Tổ và Lê Thánh Tông.

Sau 780 năm, Thăng Long mất vị thế kinh đô.

Vua Quang Trung cũng không thay đổi gì nhiều với Thăng Long, tuy gọi là Bắc Thành, nhưng vẫn giữ nguyên phủ Phụng Thiên, cái tên vốn dành cho phủ ở Kinh đô. Trong những người nắm quyền giữ Bắc Thành có Ngô Thì Nhậm là sĩ phu Bắc hà, nên Thăng Long vẫn giữ được những nét văn hoá riêng truyền thống.

Quang Trung đang xây dựng những kế hoạch lâu dài cho triều đại của mình, lấy quê gốc Nghệ An làm kinh đô, thì đột ngột qua đời ở tuổi 39 (năm 1892, ba năm sau chiến thắng Kỷ Dậu). Tất cả những hoài bão đổ sụp theo.

Quang Toản lên nối ngôi cha khi mới 10 tuổi. Các tướng lĩnh của Quang Trung vốn rất tài ba, nhưng khi vị vua anh hùng đã mất, thì liền mâu thuẫn nhau, đánh giết lẫn nhau, triều Tây Sơn suy sụp nhanh chóng.

Tại Thăng Long, quan lại Tây Sơn suy thoái, rơi vào ăn chơi phung phí, như bài thơ của Nguyễn Du mô tả:

Tây Sơn quan khách đầy tòa
Say mê, nghiêng ngả, la đà thâu đêm...
Quanh tiệc rượu, kẻ khen, người thưởng.
Tiền bạc quăng, coi tưởng như bùn...​

Trong 10 năm sau đó, Nguyễn Ánh - vị chúa Nguyễn từng bị Quang Trung đánh đuổi nhiều lần - đã quay lại khôi phục cơ đồ, từ Nam tiến ra. Quang Toản bỏ chạy khỏi Huế, ra Thăng Long, để rồi bị bắt năm 1802. Triều Tây Sơn chấm dứt chỉ trong có 14 năm. Thăng Long lại đổi chủ lần nữa.
 
Last edited:
Tượng chùa Bộc

Nguyễn Ánh lên ngôi, tức là vua Gia Long, đã trả thù nhà Tây Sơn một cách tàn bạo nhất có thể. Tất cả những gì liên quan đến Quang Trung đều cố gắng xoá bằng sạch. Mọi người liên quan đến "Nguỵ Huệ" đều bị xử tội, mọi văn bản đều bị tiêu huỷ, mọi cung điện đều bị san bằng, mồ mả bị khai quật. Các đời sau là Minh Mạng, Thiệu Trị cũng vẫn tiếp tục, ai cất dấu di sản Tây Sơn, thờ cúng nhà Tây Sơn đều bị giết cả nhà.

Ấy thế nhưng chính trong sự đàn áp đó, ở ngay giữa Thăng Long lại có một pho tượng thờ Quang Trung được tạo dựng, đó là pho tượng ở chùa Bộc.

Ở ngôi chùa miền Bắc nào cũng có pho tượng Đức Ông, tức là vị thần bảo vệ chùa. Pho tượng Đức Ông chùa Bộc được tạc rất đặc biệt, chân phải bỏ ra khỏi giày, co lên thoải mái, tay cầm vạt áo. Bên dưới lại có hai vị quan ngồi hầu cũng trong tư thế lạ lùng, như đang ngồi bàn việc với Đức Ông. Bên trên có một chữ "Tâm", và bốn chữ "Uy phong lẫm liệt".

Điều đặc biệt hơn, là hai bên tượng có đôi câu đối, mà câu bên trái là "Quang trung hoá Phật, tiểu thiên thế giới chuyển phong vân". Bốn chữ "Quang trung hoá phật" trong kinh Phật để ca ngợi Phật A Di Đà, hoá thân trong ánh hào quang chói lọi. Tuy nhiên nếu đọc theo cách khác thì lại có thể hiểu là vua Quang Trung đã hoá Phật (đã qua đời), cả nghìn thế giới đều chuyển mây gió (để tiễn đưa).

Chính vì cách chơi chữ này nên mặc dù treo ngay trước mặt quan quân triều Nguyễn, không ai phát giác ra.

Đến cách đây mấy chục năm, khi di chuyển tượng, mới phát hiện dòng chữ "... tạo Quang Trung tượng" dấu đằng sau bệ tượng, khẳng định đây chính là tượng thờ Quang Trung. Đây có lẽ là pho tượng thờ lén đặc biệt nhất của Hà Nội.

36098474.jpg
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,677
Bài viết
1,135,094
Members
192,375
Latest member
DoanTrangGiaTrii
Back
Top