What's new

[Lịch sử] Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Năm nay, 2010, Một nghìn năm cái tên Thăng Long. Một nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội.

Người ta nói quá nhiều, và tôi cũng đã dự định viết topic này từ lâu, nhưng giờ mới bắt tay vào thực hiện, như là một phần chia sẻ của mình với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Tôi không định cắt dán các bài viết dài dằng dặc trên khắp các báo, trên mạng, mà viết những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất này. Nếu ai muốn chia sẻ cùng tôi, xin hãy cũng như vậy.

Topic này có thể sẽ rất khô khan, cũng có thể sẽ rất thú vị, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Last edited:
Thờ lén Lê Ngọc Hân

Lê Ngọc Hân được phong là Bắc Cung hoàng hậu, nhưng có bà Chính cung hoàng hậu mới là mẹ của Quang Toản. Ngọc Hân có được hai con, một trai một gái thì Quang Trung qua đời, khi đó hoàng hậu mới 22 tuổi. Sử sách không ghi, nhưng cũng có thể đoán là bà không được sung sướng gì khi bà Chính cung và Quang Toản nắm quyền, nên ba mẹ con phải rời khỏi cung mà ra ở một ngôi chùa cạnh mộ Quang Trung. Để rồi 7 năm sau Ngọc Hân cũng mất khi mới 29 tuổi. Hai người con của bà trong loạn lạc cũng chết khi mới trên 10 tuổi.

Tây Sơn sụp đổ, Gia Long cho san phẳng mộ ba mẹ con. Mẹ của Lê Ngọc Hân là bà Chiêu nghi vợ vua Lê Hiển Tông, dù triều Lê lẫn Tây Sơn đã đổ, vẫn còn gia sản điền trang ở Ninh Hiệp. Thấy con gái chết tha hương, mới sai người lén vào Huế đào lấy xương cốt con và hai cháu, đem về làng mình chôn cất. Mộ Ngọc Hân nằm giữa, hai con nằm hai bên, lại đổi tên mà lập đền thờ, để lại ruộng hậu cho dân làng cúng tế.

Hơn 30 năm sau, có kẻ tố giác việc "Nguỵ hậu" được mồ yên mả đẹp, có người cúng tế hẳn hoi. Thế là vua Thiệu Trị sai quan phá huỷ đền, đào mộ Ngọc Hân và hai con lấy xương cốt vứt xuống sông, đào đất xung quanh đổ đi, san bằng để cỏ mọc hoang.

Truyền thuyết nói rằng hài cốt Ngọc Hân trôi ra sông Hồng, đến gần bến Bồ Đề thì nổi lên. Người dân rước vào bãi sông chôn kĩ rồi lập đền thờ lên trên. Nhưng để che dấu, họ phải nói là đền thờ Mẫu Thoải. Ngày nay đó chính là đền Ghềnh, gần chùa Bồ Đề. Pho tượng Mẫu Thoải trong hậu cung của đền chính là tượng Lê Ngọc Hân.

Lòng người Bắc hà với triều Tây Sơn là như thế. Trong thời nhà Nguyễn trả thù Tây Sơn, ở khắp miền đất nước có nơi nào được như thế chăng ? Bà Chính cung hoàng hậu, vua Quang Toản, trên đất miền Trung, miền Nam, trong thời Nguyễn, chẳng có nơi nào dám thờ cúng.

Đền Ghềnh, nơi thờ lén hoàng hậu Lê Ngọc Hân

36103024.jpg



.
 
Last edited:
Gia Long và Thăng Long

Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, niên hiệu Gia Long, diệt Tây Sơn, lập ra triều Nguyễn, thống nhất đất nước sau 300 năm chia cắt. Lần đầu nước Việt trải dài từ Móng Cái đến Cà Mau. (Trước đó Quang Trung cũng rất muốn thống nhất đất nước, nhưng do ông anh trai Nguyễn Nhạc cũng xưng hoàng đế giữ Quy Nhơn, không thể loại bỏ anh được). Kinh đô đặt tại Huế.

Ở Trung Quốc vừa trải qua triều Càn Long, đang là triều Gia Khánh, phải chăng vì thế mà Nguyễn Ánh chọn hiệu là Gia Long ?

Sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long cầu phong với Trung Quốc, xin cái tên nước là Nam Việt, nhưng vua Gia Khánh thấy tên đó của Triệu Đà ngày xưa gồm cả Lưỡng Quảng, nên mới đổi là Việt Nam. (Nhưng đến 1820 thì Minh Mạng lại đổi là Đại Nam).

Năm 1804, vua Tàu sai sứ sang phong Gia Long làm An Nam quốc vương. Đó là cuộc lễ nghi rầm rộ nhất của Thăng Long trong triều Nguyễn. Hoàng cung triều Lê mà trung tâm là điện Kính Thiên được trang hoàng rực rỡ để đón nhận "Long đình", nơi Gia Long nhận quả ấn bạc "An Nam quốc vương chi bảo".

Nhưng ngay sau buổi đại lễ đó, cái tên Thăng Long thì chữ Long là Rồng đã bị đổi sang Long là hưng thịnh (cũng là chữ Long trong Gia Long). Tuy nhiên trừ chữ viết trên giấy tờ, thì cách đọc không đổi. Phủ Phụng Thiên bị xoá bỏ, vì tại Kinh thành Huế đã có phủ Thừa Thiên. Thăng Long là thành Trấn Bắc, quản lý toàn bộ miền Bắc, lập ra các Tào tương tự như các bộ ở Huế để quản lý mọi việc. Tổng trấn Bắc thành có quyền rất lớn, tự chủ trong nhiều việc.
 
Phá hoàng thành

Năm 1805, Gia Long xoá phủ Phụng Thiên, phá hoàn toàn Hoàng thành của triều Lê.

Vì ở Huế xây dựng Kinh thành và Hoàng thành, nhưng quy mô nhỏ hơn thành Thăng Long, nên Gia Long bắt hạ toàn bộ hoàng thành, thay đổi cả La thành ở Thăng Long, sao cho phải nhỏ hơn, thấp hơn ở Huế.

Thế là toà thành cổ với những nền móng có từ thời Lý - Trần đã bị triệt hạ hoàn toàn. Trong khu hoàng thành cũ, triều Nguyễn cho xây một toà Trấn thành mới nhỏ hơn, theo kiến trúc Vauban, cũng là kiến trúc thành Huế. Quanh toà Trấn thành đào hào, lấy nước sông Tô Lịch đổ vào. Các cung điện trong Hoàng thành của triều Lê, ngoại trừ điện Kính Thiên được để lại làm Hành cung khi vua ra Bắc, còn thì đều bị dỡ sạch. Gỗ đá còn tốt thì đem về Huế để dựng cung điện tại đó.

Tại phía Nam của Trấn thành Vauban, toà Cột cờ cao gần 40 m được xây dựng, trở thành công trình cao nhất tại đây trong hơn trăm năm. Kiến trúc cột cờ này còn gặp ở thành Bắc Ninh, Sơn Tây, Nam Định.

Vòng thành ngoài cũng bị thu hẹp lại. Toàn bộ phần phía Tây của thành Thăng Long, nơi có dinh thự các quan, tập trung quân lính, voi ngựa bị loại bỏ, trở thành bên ngoài vòng thành mới. Các cổng thành trở thành các Cửa ô, mà đến nay chỉ còn duy nhất một cửa.


Bản đồ thành Thăng Long vẽ thời Nguyễn, sau khi vòng thành ngoài bị thu hẹp, và Hoàng thành cũ bị phá, thay vào đó là Trấn thành kiểu Vauban mới. Sông Tô Lịch vẫn chảy ngang, đổ ra sông Hồng ở Hà Khẩu

36242731.jpg
 
Last edited:
Các cửa ô

Trước kia La thành triều Lê có bao nhiêu cửa, không có ghi chép rõ.

Đến khi nhà Nguyễn quy hoạch lại Thăng Long, bỏ phía Tây đi, thì có đến hơn 20 cửa, từ đời Lê các cửa thành ngoài đã gọi là các cửa ô. Đến đầu những năm 1900 ghi chép còn lại tên chính thức của 16 cửa ô. Vì có các cửa ô nên mới có khái niệm Nội ô và Ngoại ô.

Từ Ngoại ô thì sau được dùng phổ biến khắp cả nước, mặc dù hình như chả có nơi nào dùng từ Cửa ô cả.

Một toà thành nếu nhằm mục đích quân sự, thì không thể mở nhiều cửa đến thế, nhưng vòng ngoài thành Thăng Long lúc này (từ 1831 đổi là Hà Nội) mang tính hành chính, dân sự nhiều hơn. Các cửa được xây vòm, có lầu ở trên, là để kiểm soát dân chúng ra vào. Còn quân đội thì đóng trong Trấn thành.

Vị trí của các cửa ô còn được ghi lại tên chính xác thời Nguyễn màu đỏ, màu xanh là tên dân gian vẫn còn lại đến nay. Có thể thấy ô Cầu Giấy xưa của triều Lê đã nằm xa bên ngoài vòng thành triều Nguyễn. Nhiều cửa ô bị thay đổi tên vài lần.

36245836.jpg
 
Last edited:
Thời đó, giao thông đi lại bằng đường bộ vẫn rất khó khăn, từ Thăng Long vào Huế phải mất hơn một tháng. Đường bộ lại không vận chuyển hàng hoá được nhiều, do đó đường thuỷ vẫn là thuận lợi hơn cả.

Vì Thăng Long là đô thị giao thương, nên ở phía giáp sông Hồng các cửa ô được mở dày đặc. Còn phía Tây thì rất thưa thớt. Chỉ có ô Thanh Bảo để ra Cầu Giấy đi về Sơn Tây. Con đường đó cũng được gọi là đường Sơn Tây vì thế.

Bức tranh người Pháp vẽ về cửa ô bên bờ sông Hồng, nơi có bến thuyền giao thương. Tường thành không lớn và cao lắm, xây gạch và đắp đất, chủ yếu để kiểm soát người dân hơn là để phòng ngự quân sự.

36242751.jpg
 
Last edited:
Trấn thành

Vua Gia Long, vốn có giao thiệp với người Pháp từ sớm, rất chuộng kiểu thành của Thống chế Vauban người Pháp, nên kinh thành Huế, Trấn thành Thăng Long ở phía Bắc, Trấn thành Gia Định ở phía Nam, và một số thành khác đều xây kiểu này. Thành Vauban có tường thành liên tục nhô ra thụt vào, để dễ dàng đứng trên bắn xuống yểm trợ cho nhau.

Trấn thành được thu hẹp từ Hoàng thành, đào hào bốn phía, lấy nước Tô Lịch đổ vào. Thành gần hình vuông, mỗi chiều dài khoảng 1,3km, tường cao khoảng 4m, hào rộng 15m. Dưới chân thành xếp đá, trên xây tường gạch, ở giữa đổ đất. Có 5 cửa thành, phía Nam có 2 cửa là Tây Nam và Đông Nam. Trong số đó chỉ Cửa Bắc là còn lại đến nay. Cửa Đông ứng với phố Cửa Đông, cửa Tây Nam là khu Cửa Nam hiện nay. Cửa cao hẳn lên, khoảng 10m, trên xây lầu.

Các cung điện triều Lê, trước đó cũng đã bị tan hoang trong chiến tranh, nay bị phá dỡ hết. Chỉ còn lại Đoan Môn, điện Kính Thiên, lầu Tĩnh Bắc là để lại. Phía Nam dựng Cột cờ làm đài quan sát. Các chỗ khác làm nơi đóng quân, dựng nha sở cho các quan lại.

Toà trấn thành này cũng bị người Pháp phá nốt năm 1895.

36242738.jpg
 
Last edited:
Cột cờ

Ở phía Nam của Trấn thành, trên cùng trục Cửa Bắc - Hậu Lâu (lầu Tĩnh Bắc) - Kính Thiên - Đoan Môn, dựng Cột cờ (Kỳ đài) từ năm 1805 đến 1812 mới xong.

Cột cờ gồm chân đế 3 tầng hình vuông, thân cột tám cạnh, trên cùng là chòi quan sát và cột cắm cờ. Toàn bộ Cột cờ cao 34m, cho đến năm 1930, tháp chuông nhà thờ Cửa Bắc mới vượt chiều cao này.

36257899.jpg

Từ đỉnh Cột cờ nhìn xuống, Đoan Môn ở xa, phía sau là Kính Thiên. Các cung điện cũ của triều Lê đã bị san bằng. Ngày nay phần đất này chính là sân vận động Cột cờ, và sẽ chuyển thành sân tổ chức lễ hội.

36257905.jpg


Từ Đoan Môn nhìn xuống điện Kính Thiên, thời Nguyễn là hành cung Trấn Bắc

36262326.jpg
 
Last edited:
Thăng Long thành hoài cổ

Có lẽ chưa ở đâu, bao giờ trên nước Việt lại chứng kiến sự thay đổi nhiều và nhanh đến thế, khi mà tại Thăng Long, chỉ trong 16 năm, có sự xuất hiện của 5 vị hoàng đế mới của 3 triều đại, sự lập và phế của 3 vị chúa Trịnh, xảy ra 7 cuộc chiến tranh biến loạn, 3 dòng họ bị tận diệt.

Thành quách cung điện, phủ chúa, dinh thự, đền chùa tan tành đổ nát, cơ nghiệp các triều đại tan thành mây khói. Những biến động của thế sự đảo điên này khiến nhiều người hoang mang vô định, hoài cổ vô hạn.

Có lẽ bài thơ "Thăng Long thành hoài cổ" của Bà huyện Thanh Quan đã nói lên những tâm tư của một số sĩ phu đau buồn với thời cuộc, mà hoài vọng thuở nhà Lê

Tạo hoá gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.​

36262319.jpg
 
Last edited:
Bà huyện Thanh Quan còn một bài thơ nữa về Thăng Long, cũng thể hiện nỗi đau buồn tang thương trước thời cuộc, là bài "chùa Trấn Bắc"

Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu
Chạnh niềm cố quốc nghĩ mà đau
Mấy tòa sen rớt mùi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau
Người xưa cảnh cũ nào đâu tá
Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu​

Bài này còn nhiều dị bản, như

Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu
Khiến người qua đó chạnh lòng đau
Dưới hồ sen rót hơi hương ngự
Trên vách rêu in nếp áo chầu
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau
Người xưa cảnh cũ còn đâu tá
Ngơ ngẩn lòng thu khách bạc đầu.​
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,312
Bài viết
1,175,035
Members
192,037
Latest member
gauwoolly
Back
Top