What's new

[Lịch sử] Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Năm nay, 2010, Một nghìn năm cái tên Thăng Long. Một nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội.

Người ta nói quá nhiều, và tôi cũng đã dự định viết topic này từ lâu, nhưng giờ mới bắt tay vào thực hiện, như là một phần chia sẻ của mình với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Tôi không định cắt dán các bài viết dài dằng dặc trên khắp các báo, trên mạng, mà viết những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất này. Nếu ai muốn chia sẻ cùng tôi, xin hãy cũng như vậy.

Topic này có thể sẽ rất khô khan, cũng có thể sẽ rất thú vị, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Last edited:
Phường ca xướng

Trong các phường nghề, phường ca xướng mua vui cho người có tiền cũng phát triển vào thời Lê. Ngoài ca hát dân gian, thời Lý chủ yếu thịnh kiểu ca hát tôn giáo trong chùa, sang đời Trần đã có diễn xướng sân khấu. Sử chép khi đánh giặc Nguyên, có bắt được một kép hát người Hán, người này đã truyền nghề ca hát diễn xướng vào phủ các vương công. Thế là bên cạnh ca múa cung đình, còn có biểu diễn tại phủ đệ các quan, công hầu.

Sang đến đời Lê, Nho giáo thịnh hành, đã dần tạo thành một lớp nghệ nhân ca hát các bài thơ của giới Nho sĩ, tao nhân mặc khách. Âm nhạc sang trọng của cung đình, thiêng liêng của các đền phủ giờ được kết hợp với sáng tác thơ ca bay bổng, dần tạo nên lối hát ả đào, được giới thượng lưu triều Lê ưa chuộng.

Phường hát dần tập trung tại phía khu đài Khâm Thiên, khi đó vẫn còn mênh mông hồ nước (Đại hồ). Các khách văn thơ thường đi thuyền nghe hát, và một ca nương chỉ hát cho vài người nghe, đặc biệt là hát chính các bài thơ mà khách làm. Cái thú vui tao nhã này còn kéo dài đến qua triều Nguyễn, tận đến những năm trước 1945, đến nỗi khu Khâm Thiên mang tiếng là phố Cầm Ca, xóm Cô đầu.


Thế là, Thăng Long có đủ cả. Cung vua, phủ chúa, dinh thự giới quý tộc, phủ toà các quan; khu buôn bán hàng hoá, khu làng nghề thủ công, khu trồng trọt nông nghiệp, khu voi ngựa quân lính, và cả khu vui chơi hát xướng. Những tháng ngày hưng thịnh đó kéo dài được hơn trăm năm...


Những người nông dân thực sự cuối cùng trên cánh đồng cuối cùng của quận Ba Đình: cánh đồng làng Láng với loại rau húng riêng có, nay sắp tuyệt chủng. Cánh đồng này có lẽ từ thời Lê 400 năm trước vẫn vậy.

35922869.jpg
 
Last edited:
Các ngôi chùa

Đầu thời Lê Trung Hưng, triều đình trọng Nho chưa quan tâm lắm đến chùa chiền. Tuy nhiên lại có một lực lượng hỗ trợ tiền bạc để tu sửa và dựng mới chùa chiền khá dồi dào, đó là các bà hoàng, bà chúa.

Vua Lê chúa Trịnh hai họ thường lấy qua lại nhau. Thường thì Thái tử nhà Lê sẽ lấy Quận chúa họ Trịnh, mà Thế tử họ Trịnh lại lấy Công chúa nhà Lê, cho nên các bà hoàng bà chúa toàn họ Lê với họ Trịnh cả. Khi các bà hoàng luống tuổi, họ thường quay về với Phật giáo, và bỏ tiền cho chùa chiền. Về sau vua Lê chúa Trịnh cũng quay lại với Phật giáo và cho sửa sang, dựng chùa.

Cũng từ đời Lê mới có trào lưu ruộng hậu: bắt chước các bà chúa dựng chùa, các bà mệnh phụ cũng cúng tiền, rồi người dân cúng ruộng. Đặc biệt những người khi sắp mất mà không có con thì đem hết ruộng hiến cho chùa, để chùa cúng lễ cho mình. Nhà chùa sau đó cho tạc tượng những người này để thờ ở phía sau, gọi là tượng hậu.

Một trong những ngôi chùa rất cổ được một bà chúa dựng lại là chùa Hoằng Ân (chùa Quảng Bá). Bà quận chúa Nguyễn Thị Ngọc Tú là con gái chúa Nguyễn Hoàng, đồng thời là vợ chúa Trịnh Tráng đã dựng lại ngôi chùa cổ từ đời Lý, rồi về tu ở đây. Ngôi chùa trở thành một thắng cảnh bên hồ Tây, ngày nay vẫn rất trang nghiêm u tịch. Trong bia chùa vẫn còn có tượng bà chúa Ngọc Tú.


Chùa Hoằng Ân thâm nghiêm

35922882.jpg
 
Last edited:
Một trong những ngôi chùa rất cổ được một bà chúa dựng lại là chùa Hoằng Ân (chùa Quảng Bá). Bà quận chúa Nguyễn Thị Ngọc Tú là con gái chúa Nguyễn Hoàng, đồng thời là vợ chúa Trịnh Tráng đã dựng lại ngôi chùa cổ từ đời Lý, rồi về tu ở đây. Ngôi chùa trở thành một thắng cảnh bên hồ Tây, ngày nay vẫn rất trang nghiêm u tịch. Trong bia chùa vẫn còn có tượng bà chúa Ngọc Tú.

Em và bạn mới đi thăm chùa Hoằng Ân hôm chủ nhật vừa rồi. Đúng là quang cảnh chùa rất đẹp, không gian rộng, tĩnh lặng và thâm nghiêm. Mái chùa rêu phong, những tháp mộ trầm mặc dưới bóng rợp mát của những cây nhãn cổ thụ... Xung quanh chùa còn có ao cá, vườn cây cảnh, cả đất hoang nữa (chắc sắp tới mới quy hoạch tôn tạo thêm).
Theo ghi chép trên văn bia thì chùa nhìn ra hồ Tây mênh mông... song hiện nay đáng tiếc là view đó không còn vì thực ra chùa còn nằm cách mép nước hồ Tây một khoảng rộng, đất đó dân đã trồng cây, làm nhà, xây biệt thự... Thậm chí em phải leo hẳn lên gác chuông xem mà vẫn bị mấy cái biệt thự ven hồ che mất tầm nhìn ra hồ. Nhưng con đường dẫn vào chùa qua làng Quảng Bá thì vẫn đẹp, nho nhỏ, quanh co và vẫn còn nhiều vườn quất sum xuê.

Hôm em đến thì đang có lễ cúng của một gia đình đưa người đã khuất lên chùa, các già ngồi gần chật kín bên trong tam bảo tụng kinh nên em không đi lại thăm bên trong chùa được, cũng chưa xác định được tượng bà chúa - ni sư Ngọc Tú đặt ở vị trí nào (nghe nói ở chùa này còn có cả tượng chúa Nguyễn Hoàng và Nguyễn Kim).
Có một điều khá thú vị là chùa này vừa thờ Phật, vừa là nơi tu theo Đạo giáo.
 
Người phuơng Tây

Khu phố buôn bán ở Thăng Long không chỉ có các thương nhân, thợ thủ công người Việt, mà còn có các thương nhân người Hoa, người Mã lai, và đặc biệt người phương Tây.

Những thương nhân phương Tây đầu tiên đến Thăng Long là người Hà Lan, sau khi đã giao thương ở phố Hiến. Họ mang đến các sản phẩm phương Tây, thuốc súng, đồng hồ,... và mua hương liệu, đồ sứ, tơ lụa. Khi đó người Hà Lan chiếm được đảo Đài Loan, từ đó toả ra khắp vùng. Họ giao thương với cả chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Sau này chúa Nguyễn gây khó khăn, nên người Hà Lan giao thương với Thăng Long nhiều hơn.

Khi đó người phương Tây đều được gọi chung là người Tây Dương.

Đỉnh cao của sự giao lưu với người Hà Lan, đó là khi vua Lê Thần Tông lấy một bà vợ người Hà Lan ! Tài liệu ghi rằng người phụ nữ đó là con của vị Phó quan của Hà Lan ở Đài Loan với vợ người Triều Tiên, cô gái tên là Orona. Tuy nhiên cũng không có thông tin gì thêm về bà vợ ngoại quốc này của vua. Đó là vị vua Việt đầu tiên lấy vợ phương Tây (sau này còn mấy vua nhà Nguyễn nữa). Nhưng đó cũng không phải là bà vợ nước ngoài duy nhất của Lê Thần Tông, vì ông còn có 1 bà người Thái, 2 bà người Hoa nữa.

Tượng vua Lê Thần Tông và hai trong số nhiều bà vợ của vua, tại Thanh Hoá. Đây là ảnh sưu tầm.

36242723.jpg
 
Last edited:
Đạo Gia-tô

Những người phương Tây đầu tiên đến Việt Nam không phải các thương nhân mà là các nhà truyền giáo. Tuy nhiên các nhà truyền giáo này chủ yếu ở vùng ven biển. Sau này theo các thương nhân, họ mới đến Thăng Long và gặp chúa Trịnh.

Bây giờ ta gọi đó là Công giáo, nhưng thời đó được biết đến với cái tên là đạo Tây Dương, đạo Gia-tô, với Gia-tô là phiên âm tên của Jesus, sau này mới gọi là đạo Thiên Chúa.

Sử sách Công giáo viết rằng những nhà truyền giáo đầu tiên tại Thăng Long rất sớm đã rửa tội được cho hàng nghìn người. Tuy nhiên điều này không thực tế, bởi lúc đó các nhà truyền giáo còn chưa biết tiếng Việt, phải nhờ thương nhân phiên dịch hộ, nên không thể là truyền đạo đúng thực sự. Người dân nhận "rửa tội" chỉ như một sự hiếu kì chứ có hiểu gì về nhau đâu. Những nhà truyền giáo đầu tiên thất bại đã rời đi.

Sau đó đến các tu sĩ dòng Tên, đã học tiếng Việt và latin hoá tiếng Việt, nổi tiếng nhất là Alexandre de Rhode (A lịch sơn Đắc Lộ). Ông đã từng gặp cả chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chúa Trịnh tại Thăng Long, có công lớn trong việc hoàn thành từ điển Việt-Bồ-La, hình thành chữ Quốc ngữ.

Tuy được tôn trọng tại Thăng Long, nhưng đạo Gia-tô không phát triển được ở đây, do sự mâu thuẫn với quyền lợi của vua chúa, khi đạo Gia-tô bắt chỉ có một vợ, không được thờ cúng tổ tiên, bất kể ai cũng phải phục tùng Chúa thông qua Vít-vồ (linh mục). Điều này là không chấp nhận nổi với giới quý tộc. Do đó tại Thăng Long, đạo Gia-tô rất thưa thớt, không phát triển như các vùng làng quê.

Tại các vùng ngoài Thăng Long, phố Hiến, Nam Định, đạo Gia-tô phát triển khá nhanh. Đầu tiên là các cố đạo dòng Tên, rồi cố đạo Pháp. Giáo hoàng đã thành lập hai giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong, rồi Đàng Ngoài lại tách thành Tây Đang Ngoài, Đông Đàng ngoài. Tuy nhiên các giám mục người Tây chỉ lén lút vào rồi lại ra, mà không ở lại.

Chúa Trịnh thời gian đầu chấp nhận các nhà truyền đạo Gia-tô, với mong muốn họ giúp mình liên lạc với người phương Tây, mua vũ khí, tàu thuyền để đánh Đàng Trong. Nhưng sau thấy họ không giúp gì được, lại thấy họ đi lại khắp nơi trong nước, nên nghi ngờ là gian tế, lại sẵn không ưa đạo mới, nên về sau ra lệnh cấm và đuổi đi.

Tranh vẽ triều đình vua Lê, do các nhà truyền giáo vẽ lại

36242697.jpg


36242705.jpg
 
Last edited:
Nửa sau thời Lê Trung Hưng, vua chúa lại quay lại với Phật giáo một cách nồng nhiệt. Các ngôi chùa lại được trùng tu, như Hoè Nhai, Bà Đá, Phúc Khánh, Kim Liên, Quỳnh, Hoàng Mai... Trong đó hai chùa Hoè Nhai và Phúc Khánh là hai tổ đình nổi tiếng, đào tạo nhiều sư tăng.

Có ông Vương tôn là Trịnh Thập, cháu của chúa Trịnh, lại đồng thời là phò mã, lấy công chúa con vua Lê, nhân vì đào cái ao cạn trong phủ đệ thấy cái ngó sen, thế là bỏ cả cuộc sống phú quý, bỏ mặc cả cô vợ công chúa để đi tu. Toà phủ đệ của ông biến thành chùa, và là một ngôi chùa nổi tiếng ngày nay: chùa Liên Phái.

Sau khi Thiền sư Trịnh Thập mất, đồ đệ dựng ngôi tháp mộ bằng đá, gọi là tháp Cửu Sinh. Đây là ngôi tháp mộ sư bằng đá đầu tiên ở Thăng Long. Trước đó các tháp mộ bằng gạch thì nhiều ở các chùa, nhưng tháp đá thì đây là cái đầu tiên. (tháp đá nơi khác cũng nhiều, nhưng ở Thăng Long thì giờ mới có).

Tháp Cửu Sinh trong chùa Liên Phái, nằm giữa các tháp mộ bằng gạch khác.

35811900.jpg
 
Last edited:
Tượng chúa Trịnh

Chúa Trịnh Doanh mở rộng phủ chúa, phải hạ ngôi chùa Bảo Lâm ở cạnh phủ. Gạch gỗ chuyển sang chùa Đại Bi ở hồ Tây, để dựng lên ngôi chùa Kim Liên, ngôi chùa thuộc loại đẹp nhất Hà Nội ngày nay.

Trong chùa Kim Liên có một pho tượng khá lạ, hình một người đàn ông đội mũ cao áo dài, không phải áo đại triều mà là áo thụng rộng, đang cầm hốt ngọc. Nhiều nguồn tin về pho tượng này, nơi thì bảo là tượng chúa Trịnh Giang, người thì bảo là Trịnh Sâm. Người thì bảo là tượng vì nhà chúa đóng góp công của chính cho việc dựng chùa, người thì bảo do con gái của nhà chúa đến tu ở chùa nên lập tượng cha để cầu phúc cho cha. Dù gì thì pho tượng cũng đã đứng đó gần ba trăm năm, chứng kiến những đổi thay dâu bể của những triều đại đi qua.

Thời Tây Sơn, pho tượng bị đưa từ trong thượng điện là nơi tôn nghiêm ra phía ngoài, vì theo các quan Tây Sơn thì chúa Trịnh không đáng được thờ cúng như thế. Và pho tượng lại lặng lẽ đứng bên cạnh gian chùa ngoài, khuôn mặt vẫn tươi vui đầy đặn.

Bức tượng trước khi trùng tu chùa Kim Liên thì để bên tường bên cạnh chính điện. Sau khi trùng tu xong, cũng chưa rõ sẽ đặt vào đâu?

36030176.jpg
 
Last edited:
Triều Lê, từ Thái Tổ khởi nghiệp, trải gần bốn trăm năm, đã đến lúc suy tàn. Thực ra Lê triều đã tàn một lần rồi, nhưng lại được khôi phục. Khôi phục để mà sống lay lắt, sống bù nhìn hơn hai trăm năm trong tay họ Trịnh.

Vua Lê - chúa Trịnh, đã có lúc rất hưng thịnh, đưa Đàng Ngoài trở thành một vương quốc thịnh trị. Nhưng cũng có những lúc suy thoái đến tàn hại. Vua Lê chẳng có quyền gì, bị các chúa Trịnh thâu tóm, dựng lên hạ xuống như những quân cờ.

Ông vua gần cuối triều Lê là vua Hiển Tông giữ ngôi đến gần 50 năm, con cháu rất đông đúc nhưng cũng chẳng làm được việc gì. Có điều đặc biệt là hầu hết các đền chùa lớn tại Thăng Long đều được tu sửa vào thời của ông (những năm Cảnh Hưng).

Chúa Trịnh gần cuối cùng là Trịnh Sâm, lúc đầu cũng chăm lo quốc sự, khiến nước được mạnh. Nhưng sau đó mê đắm bà chúa Chè - Tuyên phi Đặng Thị Huệ - mà làm đổ nát cả cơ nghiệp. Nhà chúa xây cung thất, chơi Long Trì, phế con trưởng, nuôi hoạ loạn. Thế nên khi Trịnh Sâm qua đời, Thăng Long đại loạn, ngôi chúa nghiêng ngửa, kiêu binh nổi loạn.

Thời Lê, bốn phía Thăng Long chia làm bốn Chính trấn: phía Đông là Hải Dương, phía Tây là Sơn Tây, phía Nam là Sơn Nam, phía Bắc là Kinh Bắc. Những trai tráng khoẻ mạnh tài giỏi đưa về bốn trấn đó để giữ cho kinh đô, gọi là quân Tứ Chính, sau đọc chệch ra thành Tứ Chiếng. Trai tứ chiếng là trai tài giỏi khoẻ mạnh.

Riêng tại Kinh đô thì lấy quân từ quê của vua Lê - chúa Trịnh, tức là lính từ Thanh - Nghệ ra. Những quân này được tin dùng, chuyên để bảo vệ kinh thành, phủ chúa. Tuy nhiên khi Trịnh Sâm chết, thì chúng không sợ ai, coi thường cả chúa mới là Trịnh Khải, kéo đi khắp nơi trong thành cướp phá, kéo đổ nhà quan lại, giết cả các quan. Những mối loạn đó góp phần chấm dứt dòng họ Trịnh, và sau đó là vua Lê, để cho một triều đại mới từ phía Nam tiến ra, là nhà Tây Sơn.
 
Tây Sơn

Nước Việt hơn hai trăm chia cắt, đến nỗi gần như thành hai nước riêng, Đàng Trong họ Nguyễn, Đàng Ngoài họ Trịnh vua Lê đánh nhau liên miên, tuy cùng một dân mà thù địch vô cùng.

Rồi đến cuối thế kỷ 18, chúa Nguyễn Đàng Trong bị quyền thần làm loạn, tại Bình Định có ba anh em vốn họ Hồ, cùng dòng dõi Hồ Quý Ly, khởi dậy. Nhưng thời ấy để thu thập nhân tâm Đàng Trong vốn rất kính trọng chúa Nguyễn, ba người đổi ra họ mẹ là họ Nguyễn, tức Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Ba người đánh tan quân chúa Nguyễn, chúa Trịnh từ ngoài đánh vào lấy được Phú Xuân (Huế), nhà Nguyễn phải bỏ chạy vào đất miền Nam. Nguyễn Nhạc lúc đầu chịu phong của chúa Trịnh, tước Công. Sau rồi thực lực lớn mạnh, mới tự xưng Hoàng đế ở Quy Nhơn, tức là vua Thái Đức.

Bấy giờ Nguyễn Hữu Chỉnh vốn là người của chúa Trịnh, nhưng phản họ Trịnh, bày kế để Nguyễn Huệ tiến đánh Phú Xuân. Phá được Phú Xuân rồi thì nhân đó mượn danh nghĩa "phù Lê diệt Trịnh" tiến thẳng ra Thăng Long. Tại Thăng Long thì Trịnh Sâm mới mất, triều đình đang loạn, nên Nguyễn Huệ nhanh chóng thắng trận, diệt chúa Trịnh cuối cùng là Trịnh Khải.

Thế là họ Trịnh, sau 216 năm làm chúa, đã chấm dứt.

Nguyễn Huệ khi đó 33 tuổi, vào điện Kính Thiên gặp vua Lê Hiển Tông, và lấy công chúa Ngọc Hân khi đó mới 16 tuổi làm vợ thứ hai. Vừa cưới xong thì Lê Hiển Tông qua đời, cháu nội là Lê Chiêu Thống lên thay.

Cũng lúc đó Nguyễn Nhạc thấy em không chịu xin phép mình đã ra Thăng Long, nên cũng vội vàng chạy thật nhanh từ Quy Nhơn ra Thăng Long. Thế là tại Thăng Long lần ấy, có sự hội ngộ của ba người đã - đang - và sẽ là Hoàng đế:

- Nguyễn Nhạc, là hoàng đế nhà Tây Sơn, niên hiệu Thái Đức
- Lê Duy Kỳ, mới lên ngôi hoàng đế nhà Lê, niên hiệu Chiêu Thống
- Nguyễn Huệ, người mà hai năm sau sẽ là hoàng đế niên hiệu Quang Trung


Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ - Hồ Thơm tại Hà Nội

36098451.jpg
 
Last edited:
Phủ chúa ra tro

Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ rút về Nam, trước đó vét sạch của cải trong kho tàng mấy trăm năm của họ Trịnh (cung vua Lê thì chẳng có gì để mà lấy).

Lê Chiêu Thống lên ngôi chưa làm được gì gì thì Trịnh Bồng quay lại giành ngôi chúa, lập lại phủ chúa. Vua Lê lại mời Nguyễn Hữu Chỉnh ra giúp. Trịnh Bồng bỏ chạy khỏi Thăng Long.

Trịnh Sâm xưa giết cha của Lê Chiêu Thống, lại giam ông 11 năm trong ngục, nên Chiêu Thống căm thù họ Trịnh vô hạn, nhân Trịnh Bồng chạy rồi, liền sai đốt phủ chúa. Phủ chúa Trịnh cháy trong ba ngày, tất cả các công trình ra tro cả. Do đó khu đất rộng này trở thành hoang địa, sau người dân biến thành ruộng. Công trình xây dựng lớn nhất của đất Thăng Long trong hai thế kỉ đã hoàn toàn không còn dấu vết.

Nhân đốt phủ chúa, lầu Ngũ Long, điện hóng mát của chúa Trịnh ở bên bờ hồ Gươm, lầu câu cá tại đảo Ngọc,... đều bị đốt. Đến cả những rặng bàng làm cảnh dọc hồ Tây, rặng Hoè ở Hoè Nhai, liễu ở Liễu Giai cũng bị chặt sạch.

Chiêu Thống còn cho người vào Văn Miếu, tất cả các bia nào có tên chúa Trịnh đều đục bỏ. Vốn dưới thời Lê - Trịnh, các khoa thi khi dựng bia thì bên cạnh dòng chữ "Hoàng thượng...." để chỉ vua Lê, còn dòng "Vương thượng..." để ca ngợi chúa Trịnh, thì nay bị đục hết.

Có lẽ vì Lê Chiêu Thống bị giam quá lâu, được tự do chưa lâu đã lên làm vua, đã thành người nhu nhược không còn khả năng làm chủ, lại không có kiến thức. Trước kia công chúa Ngọc Hân rất tỉnh táo, đã can Quang Trung không nên lập người này, nhưng vì các hoàng thân nhà Lê cổ hủ nhất quyết đòi lập, doạ gạch tên Ngọc Hân khỏi sách vàng hoàng gia, nên Ngọc Hân buộc lòng phải theo. Chính vị vua trẻ hèn yếu vừa đáng giận vừa đáng thương này đã phải trả giá đắt cho suy nghĩ sai lầm của mình về sau.


36242690.jpg
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,311
Bài viết
1,175,022
Members
192,036
Latest member
imperiaglobalgate
Back
Top